[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 32 - Salzburg

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 32 - Salzburg

Từ năm 1969 đến khoảng năm 1974, sức khoẻ Hayek xấu đi và suy sụp nghiêm trọng, và ông vẫn phải chịu từng đợt suy nhược suốt những năm 1970 còn lại. Sau năm 1985, hiện tượng suy sụp đáng kể, cộng với tuổi tác và sức khoẻ yếu, đã tác động đến ông. Trước đó, vào các năm 1960 và 1961, ông cũng từng làm việc khó khăn do suy nhược.

Có một số lý do giải thích tại sao tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) không nhận được sự chú ý mà nó xứng đáng có được. Đầu tiên là ba phần tác phẩm được công bố riêng rẽ, trong ba tập, vào các năm 1973, 1976, và 1979. Do sức khoẻ kém nên Hayek quyết định xuất bản các phần một cách độc lập. Điều này xem ra đã phá vỡ tính thống nhất của nó, vì người ta không thể hiểu được nội dung tiếp theo sẽ là gì. Thứ hai, Luật, luật pháp và tự do là một tác phẩm rất khó và được viết ở trình độ cao. Phải có kiến thức rộng về những công trình khác của Hayek và về triết học chính trị, kinh tế và pháp lý, và lịch sử nói chung mới hiểu được phần lớn nội dung tác phẩm, cũng như phải đọc nó hơn một lần. Thứ ba, những chính sách thực tiễn mà ông đề xuất trong cuốn sách – tách rời cơ quan lập pháp và chính phủ, với quyền bầu cử hạn chế – dường như chưa đem lại kết quả.

Hayek cảm thấy hoạt động bầu cử không nên được tổ chức rộng rãi như hiện nay ở các chính thể dân chủ. Cụ thể, ông phản đối việc trao quyền bầu cử cho những người nhận trợ cấp từ chính phủ. Đặc biệt, ông cho rằng cần phải có hai hội đồng đại diện – một hội đồng lập pháp (legislative assembly) nhằm xây dựng khuôn khổ pháp luật và một hội đồng chính phủ (governmental assembly) nhằm thực hiện các chức năng phúc lợi công cộng hàng ngày. Được bầu vào hội đồng lập pháp sẽ là những người ở độ tuổi 45 với nhiệm kỳ duy nhất 15 năm, và chỉ những người đủ 45 tuổi mới được đi bỏ phiếu. Các cá nhân vì thế sẽ có thể đi bầu hội đồng lập pháp, và tìm cách để được bầu vào đấy, chỉ một lần trong đời, ở tuổi 45, mà thôi; một phần mười lăm hội đồng lập pháp sẽ được bầu mỗi năm. Hội đồng chính phủ sẽ được bầu và hoạt động rất giống với các thực thể đại diện hiện hành.

Như đã nhận xét ở trước, phần lớn tác phẩm Luật, luật pháp và tự do có thời gian sáng tác rất gần tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) so với ngày tháng công bố tương ứng của hai công trình này – 1960 và 1973-1979. Trong lời tựa tập thứ hai và thứ ba của tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, Hayek nói rằng phần lớn bản thảo đã “khá hoàn chỉnh ngay từ cuối năm 1969, khi sự dửng dưng của sức khoẻ buộc tôi phải tạm dừng nỗ lực hoàn chỉnh nó.” Khi rời Freiburg để đến Salzburg, Áo, năm 1969, ông vẫn chưa hoàn tất chương cuối cùng của tác phẩm đó, và từ khoảng thời gian này ông bắt đầu chịu ảnh hưởng của các vấn đề sức khoẻ.

Hayek quy một số những vấn đề sức khoẻ này là do chẩn đoán sai. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1985, ông phát biểu là “đã trải qua một giai đoạn với tình trạng sức khoẻ rất xấu. Suốt hai hay ba năm tôi phải chịu đựng cái mà các bác sỹ nói là sự suy nhược. Tôi luôn nói đó là điều vớ vẩn; tôi suy sụp bởi vì tôi không thể làm việc, chứ không phải điều ngược lại. Bây giờ thì kỹ thuật điện tâm đồ hiện đại đã phát hiện ra là tôi rõ ràng từng chịu hai cơn đau tim, và cơn thứ hai đã đánh gục tôi trong ba năm, và nó chỉ được phát hiện ra khi xem xét lại. Khoảng từ năm 1969 đến 1973 tôi không thể làm được một việc gì. Đấy là giai đoạn mà tác phẩm Luật, luật pháp và tự do bị đình lại. Ấn tượng của tôi là ‘thế là ta xong rồi; cuối cùng thì ta cũng đã già.’ Thế rồi bỗng nhiên tôi lại hồi phục.”Một dịp khác ông nói, “việc không thể làm gì đã khiến tôi suy sụp và bi quan đáng sợ.”

Giai đoạn suy nhược và sức khoẻ kém đầu tiên của ông, từ năm 1960 đến 1961, trùng với cơn đau tim phát hiện muộn lần thứ nhất. Ông quy một số những vấn đề sức khỏe của mình đầu những năm 1970 là do chẩn đoán sai – tay bác sỹ ở Salzburg đã điều trị nhầm bệnh tiểu đường cho ông, dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp. Hayek thậm chí còn nói ông đã bị “tàn phế trí tuệ”ở giai đoạn thứ hai này.

Thời gian bắt đầu lên tiếng. Thính giác của ông xấu đi. Ngay cả khi ở Cambridge, ông cũng đã gặp khó khăn để theo các cuộc hội thoại – ông bị điếc tai trái và thính giác tai phải bắt đầu giảm. Việc suy giảm thính giác “ngày càng tước đi” của ông “những vui thú xã hội và gần như hoàn toàn thú vui sân khấu,” vốn một thời là “trò tiêu khiển thường xuyên”của ông. Đồng thời, từ góc độ cá nhân, ông đã không phát triển một thú vui nào, điều này khiến ông hối tiếc lúc về già. Ở một số cuốn sách sau này, ông gần như tỏ ra hối lỗi về khả năng làm việc giảm sút. Trong tập hai tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, Hayek nhận xét, “Tôi sẽ làm hết mình để hoàn thành loạt sách này ngay khi sự tiến triển của tuổi già cho phép,”và trong lời tựa tác phẩm Những nghiên cứu mới về triết học, chính trị, kinh tế học và lịch sử tư tưởng (New Studies in Philosophy, Politics, Economics and the History of Ideas) năm 1977, Hayek cũng nói là ông từng nhiều năm nghi ngờ khả năng hoàn thành tác phẩm Luật, luật pháp và tự do.

Hayek từng sử dụng thuốc chống suy nhược một số năm. Sử gia tư tưởng chính trị Joseph Cropsey của Đại học Chicago còn nhớ Hayek tỏ ra rất cởi mở về điều kiện sức khỏe của mình khi ông nhắc tới việc dùng thuốc chống suy nhược nhân một dịp trở lại thăm Chicago. Cropsey cũng còn nhớ một lần, khi Hayek đang ở Uỷ ban Tư tưởng Xã hội, ông đã ghé qua để giới thiệu về bản thân và chỉ để kéo Cropsey vào cuộc thảo luận triết học. Cropsey, đồng biên tập tác phẩm Lịch sử triết học chính trị (History of Political Philosophy) cùng với Leo Strauss vẫn không nhớ giữa Hayek và Strauss từng có mối giao thiệp nào ở Chicago, dù cả hai đều có mặt ở đây cùng một giai đoạn.

Năm 1972, Arthur Seldon đến thăm Hayek ở Salzburg, và ông thấy Hayek yếu tới mức không thể dậy khỏi giường. Seldon còn nhớ tâm trạng chán nản của Hayek, với cảm giác là sự nghiệp cuộc đời mình đã bị uổng phí – không ai quan tâm đến những gì ông từng nói hay viết. Có thể nhân dịp này ông đã nói với Seldon rằng một phần lý do khiến ông không cưới người em họ, người rốt cuộc trở thành vợ hai của ông, khi cả hai còn trẻ là bởi những liên đới tiềm tàng về thừa kế.

Larry Hayek còn nhớ về cha mình giai đoạn này, “chúng tôi thường trò chuyện qua điện thoại, và tôi có thể nói là ông bị suy nhược. Ông không thể tập trung sức để làm bất cứ việc gì.”Hayek nhận xét về biến cố nhỏ năm 1960-1961 là ông đã trải qua “đợt suy nhược trầm trọng.”Ông sút cân suốt những năm tháng về sau, từ suýt soát 200 pound xuống còn chừng 160 pound.

Việc chuyển tới Salzburg năm 1969 của Hayek chủ yếu xuất phát từ những cân nhắc tài chính, giống như khi chuyển từ Chicago về Freiburg. Salzburg cũng gần với Vienna hơn so với Freiburg, và gia đình con trai Helene sống ở Vienna. Đại học Salzburg sẵn sàng mua lại thư viện của Hayek, và với việc chuyển đến đây, ông sẽ có thể tiếp tục sử dụng nó. Trước khi nhận Giải Nobel ông vẫn chưa độc lập về tài chính. Ông đặt tên một mục trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do là “Vai trò của người có thu nhập cá nhân”(The importance of the man of independent means), và bày tỏ ở đây, “Tôi mong khả dĩ có được tài hùng biện mà tôi từng một lần nghe Lord Keynes thao thao bất tuyệt về vai trò không thể thiếu của người có thu nhập cá nhân trong bất kỳ một xã hội có khuôn phép nào.”Không còn nghi ngờ gì, Hayek hẳn sẽ tận dụng các nguồn lực kinh tế lớn hơn để theo đuổi những mục tiêu của mình trong phần lớn sự nghiệp, mặc dù người thư ký cuối cùng của ông, Charlotte Cubitt, còn nhớ ông không phải là người quản lý tài chính tốt.

Salzburg thậm chí còn đẹp hơn Freiburg; nó chắc chắn có vẻ hấp dẫn lạ lùng hơn. Toạ lạc bên dòng Salzach, con người đã đến sống tại thành phố này từ thời La Mã, nhờ các mỏ muối gần đó (Salz trong tiếng Đức có nghĩa là ‘salt’ – muối). Mozart xuất thân từ Salzburg, và Hoàng đế Franz Josef 1 từng có nhà nghỉ săn bắn ở đây. Giống như Freiburg, Salzburg cũng chịu tổn hại nặng nề trong Thế chiến II nhưng sau được khôi phục.

Đại học Salzburg không nổi bật như Freiburg. Khu trường của nó đóng rải rác một số nơi còn số lượng tuyển sinh thì chưa đầy 6.000. Kurt Leube, trợ lý nghiên cứu của Hayek, gọi những năm tháng của Hayek ở Salzburg từ năm 1969 đến 1977 là “hơi đáng thất vọng.”11 Điều này một phần là vì sức khoẻ yếu và diễn biến của thời cuộc, song cũng vì quy mô nhỏ bé của khoa kinh tế – hai giáo sư và có lẽ bốn giảng viên. Leube viết, “Trình độ của tập thể giảng viên và các sinh viên không đáp ứng được những trông đợi về học thuật của ông.”Mùa hè năm 1974, trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi nhận được thông báo trao Giải Nobel, Hayek trả lời câu hỏi liên quan đến việc liệu công trình của ông có được biết đến hay không và sinh viên có tìm tới ông hay không, “Khi tôi đến thì điều này là không. Và ngay cả bây giờ cũng không có nhiều người quan tâm ngoài một số ít đến các lớp học của tôi.”

Ông có ít bạn bè ở Salzburg và bị biệt lập về trí tuệ. Trong lời tựa tập hai của tác phẩm Luật, luật pháp và tự do năm 1976, ông nhận xét là khi tu chỉnh lại công trình ở Salzburg ông không còn được “dễ dàng tiếp cận với những tiện ích thư viện đầy đủ,”những thứ mà ông vẫn có khi chuẩn bị cho bản thảo gốc. Tháng 2 năm 1977, trong bức thư gửi nhà biên tập để giải thích vì sao mình chuẩn bị rời khỏi Salzburg, ông bình luận, “Mọi người thường xuyên hỏi tại sao tôi lại rời khỏi nước Áo. Tôi phải thú nhận là tôi đã bắt đầu có những nghi ngờ chỉ sau một ít tháng. Nghi ngờ của tôi lại được củng cố thêm bởi một thông tư nhắc tôi nhớ tới một nghị định cấp bộ trước đây, ‘Các giáo sư đại học phải thông báo cho Bộ trưởng Liên bang về bất cứ chuyến đi nước ngoài nào mà mình thực hiện.’ Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi phải nói thêm là Đại học Salzburg không được phép trao học vị tiến sỹ [trong lĩnh vực khoa học xã hội]. Vì vậy, ở đây không có một sinh viên kinh tế nào nghiêm chỉnh. Tôi đã sai lầm khi chuyển tới Salzburg.”

Một nhà báo London từng viết câu chuyện về thời gian ở Salzburg của Hayek. Anh ta mô tả là ông sống tại một “vùng ngoại ô hơi tuềnh toàng, kẹp giữa nhà người lính cứu hoả về hưu và nhà người thợ rèn. Ngôi nhà của ông khá bất tiện cho cả việc đi vào trung tâm thành phố cũng như đến trường đại học. Việc lựa chọn ngôi nhà nghỉ hưu một phần là do sở thích của người vợ (thứ hai) và một phần nhờ nguồn tài chính từ việc Đại học Salzburg mua thư viện của ông.” Khi Hayek rời Salzburg và quay lại Freiburg sau thời điểm nhận Giải Nobel, trường đại học đã không bán lại thư viện cho ông.

Ngoài điều kiện thể chất, những năm đầu thập niên 1970 còn là thời kỳ tồi tệ nhất theo đánh giá của Hayek. Lạm phát xẩy ra trên toàn thế giới Phương Tây. Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả. Dường như đối với một số người, trong đó có Hayek, nước Anh đang lơ lửng bên bờ vực khủng hoảng xã hội và kinh tế. Phong trào phản văn hoá đang vào hồi sôi động nhất. Vị thế của Liên bang Xôviết trên thế giới không ngừng tăng lên. Các nước đang phát triển nổi dậy chống lại những tập tục và thiết chế của bọn thống trị thực dân cũ.

Sự kiện quay lại với thế giới nói tiếng Đức hàng ngày từ những năm 1960 ảnh hưởng đến văn phong tiếng Anh của ông. Năm 1978, trong một cuộc phỏng vấn, Hayek nhận xét vui là ông vẫn còn lưu lại một hệ quả từ lai lịch nói tiếng Đức – câu văn của ông “quá là dài.” Điều này có lẽ thể hiện rõ ở tác phẩm Luật, luật pháp và tự do. Việc rời khỏi thế giới nói tiếng Anh làm ông mất đi những đồng nghiệp mà ông vẫn thường thảo luận cùng họ bằng tiếng Anh về công trình của mình (mặc dù gần như toàn bộ các nhà khoa học hàn lâm Đức đều biết tiếng Anh), và bản thân ông cũng viết bằng tiếng Đức nhiều hơn. Năm 1969 xuất hiện một tuyển tập các bài viết bằng tiếng Đức mà phần lớn đều đã ra mắt bằng tiếng Anh, Freiburger Studien (Một số nghiên cứu ở Freiburg). Ông và vợ tiếp tục nói tiếng Đức ở nhà. Marjorie Seldon, vợ Arthur Seldon, còn nhớ Helene từng nói là bà không thể nói tiếng Anh đủ thành thục để tiếp chuyện với họ khi gia đình Seldon tới thăm gia đình Hayek tại Salzburg năm 1972, dù trên thực tế bà có thể.

Hồi còn trẻ, Hayek từng có lần đùa rằng một ngày nào đó ông sẽ muốn trở thành chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Áo, và khi ở Freiburg những năm 1960, ông rõ ràng đã có cơ hội. “Tôi được thủ tướng Áo thuộc cánh hữu lúc bấy giờ hỏi, sau khi ông ta đã hoài công hỏi Machlup, là liệu tôi có sẵn sàng đảm nhận chức vụ chủ tịch ngân hàng quốc gia hay không, điều mà tôi đồng ý với một điều kiện, ‘Nếu tôi có thể thuê một trong những hãng kế toán quốc tế lớn để kiểm tra các ngành đã quốc hữu hoá.’ Và điều kiện ấy đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đàm luận!” Sau này ông bị Bruno Kreisky, thủ tướng Áo thuộc cánh tả, chỉ trích công khai, sau khi ông trở về Áo sống.

Năm 1971, Hayek tham dự một cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm tác phẩm Các nguyên lý kinh tế học (Principles of Economics) của Carl Menger tại Vienna. Ông khẳng định trong bài viết của mình, “dù không còn một Trường phái Áo khác biệt, tôi vẫn tin là hãy còn một truyền thống Áo khác biệt.” Ngược dòng thời gian, ông kể về các công trình lịch sử khác thời kỳ này là trước năm 1974, ông “không có hoạt động trí tuệ nào trong suýt soát năm năm, hay chí ít không thể thực hiện bất kỳ công việc sáng tạo nào. Chẳng hạn, tôi tiến hành những việc như nghiên cứu lịch sử chủ nghĩa tự do cho một cuốn bách khoa toàn thư Italia, một công việc không chỉ là tái tạo tri thức cũ của mình mà thậm chí còn gây ra những sai lầm khủng khiếp về trí nhớ thuần tuý. Nếu các bạn biết tí gì đến việc viết lách của tôi thì sẽ thấy là thật ngớ ngẩn biết bao khi viết về lịch sử trí tuệ của chủ nghĩa tự do mà thậm chí lại quên nhắc đến Lord Acton, một trong những nhân vật vĩ đại của tôi. Tuy nhiên, những chuyện như thế có thể xẩy ra với tôi vào giai đoạn ấy.”

James Buchanan còn nhớ cuộc gặp của Hội Mont Pelerin năm 1972 tại Montreux, Thuỵ Sỹ, địa điểm gần Mont Pelerin nhất đủ chỗ cho số lượng thành viên mở rộng. Thời gian hội nghị, nhóm đã thực hiện chuyến hành hương đến Mont Pelerin, nơi Hayek “diễn thuyết trước nhóm từ mái cổng khách sạn khi xưa trong một buổi chiều rất nóng nực. Ông tỏ ra hăng hái cũng như hoài niệm nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập hội, và ông cũng ít nhiều quên mất giới hạn thời gian cho những ai trong số chúng tôi đứng giữa cái nóng ban ngày ấy.”

Thời gian Hayek và vợ sống ở Freiburg những năm 1960, họ có một căn hộ hấp dẫn nằm không xa trung tâm, nhưng vẫn ở ngoại ô thành phố. Họ “đặc biệt vui thú với môi trường xinh đẹp” của vùng Black Forest thuộc Đức. Mùa hè, họ đi nghỉ tại Obergurgl, Áo, ngôi làng nhỏ thuộc vùng Tyrol dưới chân dãy Alps, nơi Hayek vẫn thường đến nghỉ ngơi hàng năm trong suốt cuộc đời.

Hayek tái xuất trên vũ đài trí tuệ đại chúng với cuốn sách bìa mềm năm 1972, Ngồi trên lưng hổ: Di sản lạm phát của trường phái Keynes (A Tiger by the Tail: The Keynesian Legacy of Inflation), do Sudha Shenoy tập hợp và Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs) ở London xuất bản. Năm 1969, tại cuộc hội nghị của Hội Mont Pelerin ở Caracas, ông bình luận là hai mươi năm trước ông “đã đánh mất mối quan tâm đến các vấn đề tiền tệ bởi tôi vỡ mộng với Hội nghị Bretton Woods 2 Tôi đã lầm khi tiên đoán sự dàn xếp đó sẽ sớm biến mất. Cách tân chủ yếu của nó là đặt trách nhiệm khôi phục trạng thái cân bằng trong thanh toán quốc tế vào tay các quốc gia chủ nợ. Đây là điều hợp lý trong những năm 1930 giảm phát, chứ không phải ở thời kỳ lạm phát. Chúng ta hiện có một nền kinh tế phồn vinh do lạm phát đem lại, mà sự tiếp diễn của nó phụ thuộc vào lạm phát liên tục. Nếu giá cả tăng chậm hơn so với trông đợi, thì nền kinh tế sẽ chịu hiệu ứng suy thoái. Tôi cho rằng mười năm sẽ là đủ để dẫn đến những khó khăn ngày càng tăng; tuy thế, hai mươi lăm năm đã trôi qua để đạt tới giai đoạn mà việc giảm tốc độ lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái. Giờ đây chúng ta đang ngồi trên lưng hổ: hiện tượng lạm phát này có thể tiếp diễn trong bao lâu? Nếu con hổ (lạm phát) được thả ra, nó sẽ xơi hết chúng ta; nhưng nếu nó chạy mỗi lúc một nhanh hơn trong khi chúng ta vẫn bám theo một cách tuyệt vọng, thì chúng ta vẫn bị kết liễu. Tôi thấy vui là mình sẽ không còn ở đây để chứng kiến kết cục cuối cùng.”

Trong tác phẩm Ngồi trên lưng hổ, Shenoy trích dẫn bài hồi âm của Keynes cho bài viết “Dự trữ tiền tệ bằng hàng hoá” (A Commodity Reserve Currency) của Hayek trên tờ Economic Journal, trong đó Hayek đề xuất việc một nhóm hàng hoá, không chỉ là vàng, cần thực hiện chức năng như một bản vị hàng hoá quốc tế – hoạt động giống như kim bản vị quốc tế. Keynes lập luận chống lại Hayek: luận điểm chính sách chủ yếu chống lại kim bản vị không phải ở khía cạnh thực tiễn (nghĩa là việc tăng khối lượng vàng để cân đối với nhu cầu tiền tệ sẽ gặp khó khăn tiềm tàng), mà đúng hơn, nằm ở khía cạnh định hướng chính sách. Keynes lập luận, “lý do cơ bản để hạn chế các mục tiêu của một hệ thống tiền tệ quốc tế là tính bất khả, hay sự không đáng mong dù thế nào chăng nữa, của việc áp đặt các mức giá cả ổn định từ bên ngoài. Sai lầm của kim bản vị là phục tùng sự áp đặt của bên ngoài đối với chính sách lương trong nước. Khôn ngoan hơn là việc coi sự ổn định (hay gì đó) của giá cả trong nước là vấn đề chính sách và chính trị nội bộ. Các loại bản vị hàng hoá cố gắng áp đặt điều này từ bên ngoài sẽ sụp đổ giống như kim bản vị cứng nhắc.”

Vì đây là bài hồi âm công khai lần cuối của Keynes trước một đề xuất kinh tế của Hayek, đồng thời là hồi âm hiếm hoi của Keynes dành cho Hayek tiếp sau bài trả lời năm 1931 cho bài của Hayek phê bình tác phẩm Luận thuyết tiền tệ (A Treatise on Money), nên phản ứng của Keynes xứng đáng được bàn luận thêm. Keynes từng lập luận chống lại đề xuất năm 1943 của Hayek về một bản vị dự trữ hàng hoá (commodity reserve standard) nhằm duy trì giá cả ổn định, ông cho rằng điều quan trọng đối với các quốc gia là khả năng kiểm soát cung tiền tệ trong nước để không phải trải qua giảm phát, bởi với những điều kiện đương thời thì các nền kinh tế không thể giảm phát mà không phải thu nhỏ hoạt động kinh tế lại. Hayek lập luận, chỉ có bản vị hàng hoá áp dụng cho các quốc gia mới áp đặt được nguyên tắc nhằm đạt được các mức giá cả ổn định. Hayek xem ra đã sai lầm về mặt thực nghiệm ở điểm này. Giá cả ổn định, hay phần lớn giá cả ổn định, vẫn đạt được trong một hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt. Hơn thế, thương mại quốc tế đã tăng trưởng nhanh chóng, cũng trái với những gì mà ông từng tiên đoán là sẽ xẩy ra với các tỷ giá hối đoái quốc tế linh hoạt.

Trong ấn bản Ngồi trên lưng hổ lần thứ hai năm 1978, Shenoy kèm theo bài phê bình năm 1945 của Hayek về tác phẩm Việc làm đầy đủ trong xã hội tự do (Full Employment in a Free Society) của William Beveridge, trong đó Hayek viết, “Lord Keynes đã đảm bảo với chúng ta rằng tất cả chúng ta đều sai lầm và phương thuốc sẽ không đau mà thậm chí còn dễ chịu: tất cả những gì cần thiết để duy trì việc làm lâu dài tối đa là đảm bảo một mức chi tiêu thích đáng nào đấy.” Ở đây, Hayek hình dung là Keynes đã đề xuất các chính sách nới lỏng tiền tệ và nới lỏng tài khoá, và trong những đánh giá thực tế này, Hayek đã chính xác hơn. Dù vậy, điều quan trọng là lưu ý đến những điều kiện mà ở đó Keynes ủng hộ các chính sách này – những năm 1920 và 1930 suy thoái ở Anh, thời kỳ mà đây là những chính sách tối ưu và những đề xuất của Hayek về các chính sách tiền tệ chặt và tài khoá chặt hẳn sẽ phản tác dụng.

Tác phẩm Ngồi trên lưng hổ đóng vai trò quan trọng ở Anh và Châu Âu trong việc giới thiệu lại Hayek trước mắt công chúng. Công trình được phê bình trên nhiều ấn phẩm phổ thông và học thuật. Mức độ mà sự nổi tiếng do tác phẩm Ngồi trên lưng hổ đem lại đã góp phần khiến cho Hayek có thể nhận được Giải Nobel Kinh tế năm 1974 vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Khi Hayek nhận Giải Nobel, rõ ràng Fritz Muchlup nằm trong số những người đề cử, và ông đã đề cử Hayek.

Năm 1972, Hayek viết trong ghi chép tự truyện về “cuộc sống nằm trên ranh giới giữa công việc học thuật thuần tuý và công việc liên quan đến quảng đại quần chúng, điều mà có lẽ ở phần sau của cuộc đời, tôi sẽ thấy hài lòng hơn cả.” Trong giai đoạn cuối đời, khi ông sống một tuổi già hết sức năng động và hiệu quả như vị trưởng lão của chủ nghĩa tự do cổ điển – và khi mà các ý tưởng của ông về chính phủ hạn quyền bắt đầu thịnh hành – ông đã vượt xa hy vọng của mình về việc kết hợp hoạt động học thuật và hoạt động thực tiễn.

Nhưng đầu những năm 1970 thì viễn cảnh này hãy còn ở thời tương lai. Năm 1974, không lâu trước khi nhận thông báo trao giải Nobel, ông được phỏng vấn: “Tôi tò mò muốn biết ngài nhìn nhận thế nào về triển vọng của tự do trong thời đại chúng ta và tương lai?” “Điều mà tôi chờ đợi là lạm phát sẽ đẩy tất cả các nước Phương Tây vào một nền kinh tế kế hoạch hoá thông qua kiểm soát giá cả. Không ai sẽ dám ngăn chặn lạm phát bởi việc chấm dứt lạm phát tất yếu sẽ gây ra thất nghiệp trên diện rộng. Vì thế, nếu giả thiết là lạm phát dừng lại thì nó sẽ nhanh chóng tiếp tục trở lại. Con người sẽ nhận thấy là họ không thể sống với giá cả không ngừng leo thang và sẽ tìm cách kiểm soát nó thông qua kiểm soát giá cả và điều này cố nhiên là sự chấm hết của hệ thống thị trường và trật tự chính trị tự do. Vì thế tôi cho rằng các thiết chế thị trường tự do và các thiết chế tự do sẽ biến mất qua nỗ lực nhằm đẩy lui hiệu ứng của hiện tượng lạm phát liên tục. Nó có thể còn mất mười năm, nhưng điều này không có vấn đề gì nhiều đối với tôi vì trong mười năm tới hy vọng tôi sẽ từ giã cõi đời.” Một thập kỷ sau, nhìn lại giai đoạn thiếu hoạt động và buồn bã của mình từ năm 1969 đến 1974, ông bình luận, “Đôi khi tôi có cảm giác năm năm ấy là quãng thời gian yên nghỉ.”

 

Chú thích:
(1) Còn gọi là Francis Joseph I (1830-1916): Hoàng đế Áo (1848-1916) và vua Hungary (1867-1816), người đã chia đế chế của mình thành một nền quân chủ kép (1867). (N.D.)

(2) Hội nghị về tiền tệ và tài chính năm 1944 của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Bretton Woods, thị trấn nghỉ dưỡng thuộc bang New Hampshire. Hội nghị đưa đến sự ra đời của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 32, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan