Thị trường Tự do, Pháp trị, và Chủ nghĩa Tự do Cổ điển (Phần 2)

Thị trường Tự do, Pháp trị, và Chủ nghĩa Tự do Cổ điển (Phần 2)

Một thế giới vô pháp luật

Thế giới mà chúng ta sống ngày nay ngày càng trở nên là một thế giới vô pháp luật, nếu chúng ta hàm ý vô pháp luật là những tình huống mà ở đó pháp trị không được tôn trọng hoặc thậm chí không được hiểu biết. Pháp luật, trong thực tiễn, ngày càng phụ thuộc vào kết quả trong mục đích và sự áp dụng của nó. Một số người trong xã hội không thích mô hình của sự chia sẻ thu nhập tương đối, được hình thành từ các tương tác giữa người sử dụng lao động và người lao động, nên họ sử dụng quyền lực của nhà nước để tái phân phối thu nhập và sự giàu có theo quan niệm của họ về công lý và công bằng về vật chất.

Những người khác không chấp thuận rằng một số người trong xã hội thích – phải nói là khoái – hút thuốc, đặc biệt khi họ đang uống một ly rượu và sau một bữa ăn, nên họ hạn chế hay gia tăng cấm các tiệm tư nhân thiết lập các quy tắc riêng của mình trên cơ sở xem xét sự ưa thích và mong muốn của các khách hàng. Họ thực hiện điều này bằng cách cấm hoàn toàn việc hút thuốc ở những nơi mà họ tuyên bố là “công cộng.” Còn có những người khác cho rằng không thể tin tưởng là công dân có thể tạo ra những quyết định đủ khôn ngoan liên quan đến kế hoạch nghỉ hưu hay bảo hiểm y tế toàn diện của mình, nên họ ban hành các đạo luật và các quy định áp đặt các quy tắc đảm bảo cho sự tạo ra các mô hình, mà kỹ sư xã hội ưa thích, cho hành vi xã hội như thế lên bộ phận những người mà lựa chọn và quyết định của họ được kỹ sư xã hội xem là ít sáng suốt hơn so với của anh ta.

Để đảm bảo, theo cách nói thông thường, rằng sẽ “không có trẻ em nào bị bỏ lại đằng sau,”1 các kỹ sư xã hội đang áp đặt nhiều quy định liên bang hơn lên những tiêu chuẩn cho giáo dục tại các trường học trên các tiểu bang, để nhân rộng một mô hình riêng lẻ về việc học tập và đo lường sự thành công của nó mà tất cả các định chế giáo dục và trẻ em buộc phải tuân theo. Một trong những đóng góp mang lại cho Hayek giải Nobel về kinh tế là sự nhắc nhở sáng suốt rằng sự cạnh tranh có thể và nên được xem là quá trình khám phá, thông qua đó, mỗi người chúng ta khám phá tiềm năng và khả năng trong sự đua tài trên thị trường. Thực vậy, Hayek nói, trong quá trình cạnh tranh, con người được kích thích thấy họ có thể thúc đẩy bản thân và các khả năng của mình tiến xa đến chừng nào, những ý tưởng mới và những sáng kiến quan trọng gì họ có thể đạt đến và những vai trò và vị trí hiệu quả và giá trị nhất của họ có thể là gì trong hệ thống xã hội phân công lao động vì lợi ích chung cho tất cả.2 Làm sao điều này có thể diễn ra trên lĩnh vực trọng yếu của việc phát kiến những cách mới và tốt hơn trong việc giáo dục thanh niên, khi những người của hệ thống, các kỹ sư xã hội, ở Washington, D.C., ngày càng quốc gia hóa nội dung và hình thức học tập trong tất cả các trường học khắp cả nước?

Xu hướng cuối cùng của chiều hướng này là một nỗi sợ hãi đang gia tăng rằng nền kinh tế toàn cầu mới đe dọa sinh kế và các tiêu chuẩn vật chất cho cuộc sống của người dân Hoa Kỳ. Một dàn hợp xướng của các nhóm lợi ích đặc biệt và những tinh hoa trí thức đang cảnh báo rằng các cơ hội đầu tư và nhiều công việc được trả lương tương đối hậu hĩnh đang mất dần vào tay những quốc gia khác trên thế giới. Họ gợi lên các cảnh tượng ác mộng trong đó người Hoa Kỳ mua mọi thứ từ phần còn lại của thế giới, nơi nhân công rẻ hơn và chi phí sản xuất thấp hơn nhiều, và rằng Hoa Kỳ bị bỏ lại không còn gì để sản xuất ở trong nước. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ để lại cho Hoa Kỳ một vùng đất cằn cỗi của nghèo đói và sự phụ thuộc vào các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và các dịch vụ nhân công bên ngoài được cung cấp bởi Ấn Độ.

Điều chúng ta đang nghe là phiên bản thế kỷ 21 của những gì diễn ra vào đầu thế kỷ 19, Luddites, người ở thời kỳ đó đã rung chuông cảnh báo rằng cuộc cách mạng công nghiệp sẽ sớm dẫn đến thất nghiệp cho số đông vì kỷ nguyên máy móc nổi lên đã làm nhân công trở nên thừa thãi. Kỷ nguyên máy móc công nghiệp đã thực sự dẫn tới sự thay thế nhiều loại nhân công. Nhưng điều này đã giải phóng cho 10 triệu đôi tay để sau đó làm công việc khác mới mẻ với sự trợ giúp của nhiều công cụ tốt hơn, để chất lượng, chủng loại và số lượng hàng hóa và dịch vụ sẵn có được mở rộng ra ngoài bất cứ phạm vi nào mà người ta có thể tưởng tượng ra vào thời kỳ đó. Tiêu chuẩn sống hiện đại của chúng ta đã bắt đầu với cách mạng công nghiệp và kỷ nguyên máy móc được mở ra từ cuộc cách mạng đó.

Sau hàng ngàn năm nghèo đói khủng khiếp, ngày càng nhiều bộ phận của thế giới bắt đầu gia nhập và đuổi bắt phương Tây về các tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống. Chúng ta nên hoan nghênh điều này như một trong những giờ phút vĩ đại nhất của con người trong sự tồn tại lâu dài của mình trên trái đất này. Sự biến đổi vĩ đại này, tất nhiên, sẽ mang lại những thay đổi, thậm chí những thay đổi đột ngột, trong cấu trúc và các mô hình của hệ hống phân công lao động toàn cầu, khi hàng tỷ người trên các lục địa khác tìm kiếm những nơi hiệu quả hơn và có lời hơn trong mạng lưới thương mại và công nghiệp của thế giới.

Vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới

Chắc chắn rằng, vai trò và vị trí của Hoa Kỳ trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu cũng sẽ thay đổi. Một số ngành công nghiệp và các khu vực dịch vụ sẽ thu nhỏ lại hoặc được thay thế hoàn toàn bởi các nhà sản xuất và các nhà cung cấp trong các bộ phận khác của thế giới. Nhưng thương mại là con phố hai chiều. Nhập khẩu được thanh toán nhờ xuất khẩu. Trên thực tế, lý do duy nhất một quốc gia xuất khẩu bất cứ thứ gì là để sử dụng việc buôn bán ngoài nước như phương tiện cho việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ có thể được mua từ nước ngoài ít đắt đỏ hơn so với khi chúng được sản xuất ở trong nước.

Thay vào đó, các ngành công nghiệp và các khu vực dịch vụ khác sẽ nổi lên hoặc mở rộng ở Hoa Kỳ, khi các công dân của Hoa Kỳ khám phá trên vũ đài thương mại và cạnh tranh quốc tế những nơi tốt hơn và hiệu quả hơn để phục vụ cho những láng giềng ở trong nước và những người bạn của họ trên thế giới. Khi thế hệ kế tiếp nhìn trở lại thời kỳ của chúng ta, giả sử, 25 năm kể từ nay, họ sẽ có thể thấy các quá trình của thị trường mà với nó, các mô hình và các mối quan hệ thương mại mới nổi lên và định hình. Và họ sẽ thấy những cải tiến và những lợi ích là kết quả của các quá trình này theo cách chúng ta không thể tưởng tượng hơn so với những người sợ hãi kỷ nguyên máy móc trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 19 có thể tưởng tượng, về những cải tiến kỳ diệu trong điều kiện của con người mà có thể thấy được khi một người nhìn lại đầu thế kỷ 20.

Chúng ta không bao giờ có thể sở hữu tri thức của ngày mai vào hôm nay. Chúng ta không bao giờ có thể biết những phát kiến, những ý tưởng sáng tạo, và những cải tiến hữu dụng gì sẽ được sinh ra trong tâm trí của những người tự do trong những năm tới. Đó là lý do tại sao chúng ta phải để con người và tâm trí của họ được tự do. Con người của hệ thống, kỹ sư xã hội, chỉ thấy những vấn đề hiển nhiên từ những thay đổi toàn cầu, muốn lập kế hoạch cho vị trí của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu mới đang nổi lên. Nhưng để làm vậy, anh ta phải giới hạn và trói buộc tất cả chúng ta theo cách tâm trí anh ta cho là có thể, có lợi, và đáng mong muốn từ viễn tượng hẹp hòi với tri thức mà anh ta sở hữu hiện tại.

Kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô Viết có thể dường như bị quăng vào sọt rác lịch sử (theo lối nói của người theo chủ nghĩa Marx), nhưng trên thực tế, ý tưởng bên dưới vẫn sinh động và hay ho [đối với nhiều quốc gia] trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Những tinh hoa trí thức và những thành phần đa số trong các cuộc bầu cử không chỉ không thừa nhận các quyền cá nhân của những người khác được sống cuộc sống của mình theo những cách lựa chọn riêng, mà họ thậm chí càng không biểu lộ sự bao dung cho bất cứ pham vi khác biệt về quan điểm và hành động. Họ kiên quyết lập kế hoạch cho cuộc sống và tương lai của chúng ta – và, thực vậy, thậm chí cả cho tư tưởng của chúng ta trong thời đại ngày càng chống đối sự tự do.3

Leonard Read, người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của FEE, đã viết một cuốn sách với tiêu đề “Bất cứ điều gì [miễn là] hòa bình” (“Anything That’s Peaceful”).4 Trong đó, ông nói rằng nếu chúng ta muốn giành lại sự tự do mà chúng ta đã đánh mất, và áp dụng đầy đủ và nhất quán nền pháp trị, một cơ chế mà một thời là sự bảo hộ cho quyền tự do và sự tự do kinh doanh của chúng ta, thì chúng ta phải khơi lại trong đồng bào của chúng ta sự hiểu biết về tự do, pháp trị và trách nhiệm bản thân cá nhân. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trừ khi mỗi người chúng ta sẵn lòng tham gia vào quá trình tự giáo dục trong đó chúng ta trở nên hiểu biết về tự do và sự đối lập của nó. Và chúng ta phải đủ quyết tâm và can đảm để bảo vệ một cách nhất quán tự do, trách nhiệm bản thân và tất cả những nội hàm của chúng.

Mỗi người chúng ta, Leonard Read viết, phải trở thành những ngọn nến của tự do trong bóng tối của những ý tưởng về chủ nghĩa tập thể. Mỗi người chúng ta càng soi sáng qua sự hiểu biết và khả năng diễn đạt ý nghĩa của tự do chừng nào, chúng ta sẽ càng trở thành những ngọn hải đăng để có thể thu hút những người khác chừng đó. Trích dẫn một tục ngữ Anh cũ, Read nhắc nhở chúng ta rằng đó là ánh sáng tạo ra con mắt và khả năng tri kiến.

Không ai trong chúng ta, những người quan tâm tới tự do với một lương tâm thanh thản có thể tránh được trách nhiệm trong vấn đề này. Tôi sẽ khép lại bài viết với những lời của kinh tế gia người Áo Ludwig von Mises, một trong những ngọn đèn sáng nhất và vĩ đại nhất vì dân chủ trong thế kỷ 20: “Mọi người mang một phần của xã hội lên đôi vai của mình, không ai được những người khác giảm nhẹ phần trách nhiệm. Và không ai có thể tìm ra con đường an toàn cho bản thân nếu xã hội đang hướng tới sự hủy diệt… Điều cần thiết để chặn lại xu hướng tiến tới chủ nghĩa xã hội và chế độ chuyên quyền là lẽ thường và lòng can đảm đạo đức.”5

(Hết)

Chú thích

(1) No Child Left Behind là một đạo luật về giáo dục của Liên bang của Hoa Kỳ, được ban hành dưới thời Tổng thống George W. Bush năm 2002. Tất cả mọi tiểu bang đều phải tuân theo luật này. Theo luật này học sinh tiểu học và trung học ở Hoa Kỳ phải trải qua nhiều kỳ thi “tiêu chuẩn” để bảo đảm là học sinh đạt đến mức khá và xuất sắc. Đạo luật sau khi thi hành bị chỉ trích từ mọi phía và gần đây chính phủ Obama đã đồng ý cho 10 tiểu bang khỏi bị đạo luật này ràng buộc. Hiện nay đề nghị mới của Liên bang là “Tiêu chuẩn Cốt lõi Chung” (Common Core Standard). Sau khi đưa vào thực hành Tiêu chuẩn này cũng đang bị chỉ trích từ nhiều phía (ghi chú của HVCD).

(2) Friedrich A. Hayek, “Competition as a Discovery Procedure” [1969] in New Studies in Philosophy, Politics, Economics and the History of Ideas (Chicago: University of Chicago Press, 1978), pp. 179-90; and Thomas Sowell, Knowledge and Decisions (New York: Basic Books, 1980).

(3) David Henderson, Anti-Liberalism, 2000 (London: Institute of Economic Affairs, 2001), and David E. Bernstein, You Can’t Say That! The Growing Threat to Civil Liberties from Antidiscrimination Laws (Washington, D.C.: Cato Institute, 2003).

(4) Leonard E. Read, Anything That’s Peaceful (Irvingtonon-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1964).

(5) Ludwig von Mises, Socialism: An Economic and Sociological Analysis (Indianapolis: Liberty Classics, 1981 [1951]), pp. 468-69, 540.

Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, April 2015

Nguồn: http://fee.org/freeman/detail/free-markets-the-rule-of-law-and-classical-liberalism

Dịch giả:
Nguyễn Trang Nhung