[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XIII: Chính sách can thiệp và bộ máy quan liêu

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XIII: Chính sách can thiệp và bộ máy quan liêu

CHÍNH SÁCH CAN THIỆP VÀ BỘ MÁY QUAN LIÊU

Như vậy, theo Mises, chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] - sở hữu công cộng phương tiện sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất của người dân - vừa thiếu cơ sở lí thuyết liền lạc vừa không thể hoạt động được trên thực tế. Việc Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 chứng tỏ quan điểm của Mises về vấn đề tính toán trong chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] chính xác đến mức nào. Bất cứ người phương Tây nào cũng thấy rõ rằng nguồn lực của khối Xô viết đã bị phân phối một cách rất sai lầm: nhà máy ở xa thị trường tiêu thụ, máy móc quá dư thừa công suất, kim loại và các vật tư khác bị lãng phí, ngay cả nhu cầu căn bản của người dân cũng không được đáp ứng.

Tái thiết trên diện rộng là tất yếu

Với trải nghiệm đau đớn như thế còn sống động trong tâm trí người dân, chẳng mấy người tự gọi mình là người xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] hiện nay còn muốn xây dựng lại thế giới với quyền sở hữu của nhà nước đối với tất cả mọi phương tiện sản xuất nữa. Ngược lại, họ biện luận rằng nền công nghiệp tư nhân phải được quản lí một cách chặt chẽ nhằm hướng năng lực và kỉ luật thị trường vào việc phục vụ và tối đa hóa phúc lợi của toàn thể cộng đồng - còn phúc lợi của cộng đồng là gì thì chỉ có họ mới biết.
Mặc dù lập luận của Mises về chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ là nhằm vào mục tiêu đã trở thành quá khứ từ rất lâu rồi, nhưng ông vẫn để lại cho chúng ta nhiều luận cứ giải thích vì sao chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ là một cách tiếp cận thiếu chặt chẽ và phi thực tế. Trong những tác phẩm phê phán cái mà ông gọi là chính sách can thiệp, ông đã đưa ra những luận cứ phê phán xác đáng và rất hữu ích lối tư duy gọi là “con đường thứ ba”.

Thái độ thù địch đối với chủ nghĩa tư bản

Tại sao vẫn có nhiều người có thái độ thù địch đối với chủ nghĩa tư bản như thế? Mises ngờ rằng nhiều người có thái độ thù địch với chủ
nghĩa tư bản là vì thành công hay thất bại trên thương trường phụ thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tiền của người tiêu dùng “bầu” cho những người mang lại cho họ nhiều thỏa mãn nhất; họ ít để ý đến quan niệm của người khác về giá trị tự phong của chính những người đó.

Trong khi đó, những nhà khoa bảng, nói ví dụ thế, nghĩ rằng họ phải ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ, không phải lúc nào cũng tự động được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Họ có thể ghen tị vì họ được trả lương thấp hơn cả những công nhân không có tay nghề và coi đấy là bất công. Nhưng theo thuật ngữ của thị trường thì sự khác biệt này hoàn toàn có thể lí giải được: người ta không thích làm những công việc bẩn thỉu, nguy hiểm hoặc hầu hạ cho nên họ đòi lương cao.

Nhưng hệ thống thị trường là nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất hoặc dịch vụ của người tiêu dùng. Nó không ưu ái bất cứ một nhóm người cụ thể nào, thậm chí nó cũng không ưu ái đức hạnh hay giá trị cụ thể nào. Dù một nhóm người nào đó có thể tức tối đến mức nào thì đồng lương của họ không thể cao mãi so với mức chung trên thị trường mà không tạo ra hiện tượng còn tồi tệ hơn là nạn thất nghiệp, Mises nói như thế. Giấc mơ của ta về thế giới lí tưởng có thể nào đi nữa thì cũng không thay đổi được logic của khoa kinh tế học.

Những cố gắng sai lầm nhằm cải thiện chủ nghĩa tư bản

Thực vậy, những cố gắng của chúng ta nhằm lèo lái nền kinh tế thị trường và làm cho nó phù hợp với một quan điểm cụ thể nào đó chắc chắn là lợi bất cập hại. Chủ nghĩa tư bản là chế độ vô địch trong việc nâng cao mức sống của người dân bằng cách khuyến khích họ chuyên môn hóa và tích lũy hàng hóa tư bản nhằm nâng cao năng suất lao động của con người. Nhưng khi chúng ta đánh thuế hoặc điều tiết hệ thống và làm cho người ta không muốn đầu tư hoặc sở hữu hàng hóa tư bản nữa thì chủ nghĩa tư bản có thể lung lay. Nhưng đấy không phải là “khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản”, Mises giải thích. Đấy là khủng hoảng của chính sách can thiệp: đấy là thất bại của chính sách nhằm “cải thiện” chủ nghĩa tư bản, nhưng trên thực tế lại bóp nghẹt nó.

Ví dụ như lí tưởng chính trị được nhiều người chia sẻ, có tên gọi “chế độ dân chủ trong kinh tế” - tức là ý tưởng cho rằng không chỉ một vài nhà sản xuất tư sản mà bất kì người nào cũng có tiếng nói trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa kinh tế. Nhưng theo Mises, chúng ta luôn được hưởng chế độ dân chủ trong kinh tế. Trên thị trường cạnh tranh, người sản xuất bao giờ cũng phải tuân theo mong muốn của người tiêu dùng. Nếu không đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng thì họ sẽ mất thị phần và bị đẩy khỏi thương trường. Nếu can thiệp vào sự lựa chọn của dân chúng thì cuối cùng chúng ta sẽ chỉ còn đáp ứng được nhu cầu của một nhóm người theo đường lối chính trị cụ thể nào đó mà thôi.

Khái niệm khiêm tốn hơn cho rằng phải đánh thuế lợi nhuận của người sản xuất rồi đem phân phối cho dân chúng. Nhưng Mises cho rằng nếu phần thưởng khi thành công bị đem chia ra thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn khi phải gánh chịu toàn bộ thất bại. Sự mất cân đối như thế chỉ có thể bóp nghẹt ước muốn mạo hiểm, và như vậy là chắc chắn sẽ bóp nghẹt chính đời sống kinh tế.

Không thể có tiến bộ nếu không có sở hữu tư nhân

Quan trọng là cần phải nhớ rằng tài sản không phải tự nhiên mà có. Nó phải được tạo ra và chỉ được tạo ra bởi những người sẵn sàng tiết kiệm và từ bỏ tiêu dùng nhằm tích lũy hàng hóa tư bản. Cần phải có nhiều nỗ lực thì mới có vốn và người dân sẽ không nỗ lực nếu họ không được hưởng lợi.

Thực ra, vốn liếng đã tích tụ được có thể bị tàn phá, phung phí và mất mát một cách dễ dàng. Nếu chúng ta không khuyến khích người dân tích lũy và hưởng thụ đồng vốn mà họ có thì chúng ta không những không xây dựng được một thế giới công chính và bình đẳng hơn mà thậm chí chỉ xây dựng được một thế giới nghèo nàn hơn mà thôi.

Mises cho rằng tôn trọng sở hữu tư nhân là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Chủ nghĩa tư bản không phải là vấn đề phân phối nguồn lực: đấy thực ra là vấn đề tạo ra các nguồn lực chưa từng có. Và điều đó chỉ xảy ra khi ta có những điều luật bảo vệ quyền sở hữu và quyền hưởng thụ những sản phẩm mà mức sống của chúng ta mang lại.

Chính sách can thiệp

Nhiều người nghĩ rằng thông qua chính sách can thiệp của nhà nước, chúng ta có thể cải thiện được chủ nghĩa tư bản mà không phải áp dụng chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ].

Mises không tin như thế.

Ông cho rằng thị trường là hiện tượng phức tạp: can thiệp ở chỗ này sẽ tạo ra hiệu ứng phụ - mà thường là hiệu ứng rất tiêu cực - ở chỗ khác. Ví dụ, chính phủ muốn tạo công ăn việc làm bằng cách đầu tư cho các công trình công cộng. Nếu đấy là tiền lấy từ thuế thì nó sẽ làm giá thành sản xuất, lưu thông tăng lên và như vậy là làm giảm nhiều công ăn việc làm mà doanh nghiệp có thể tạo ra. Nếu đấy là tiền đi vay thì sẽ dẫn đến việc nới lỏng tín dụng và lạm phát - cũng làm giảm số lượng công việc. Thế là chính quyền lại phải tiếp tục can thiệp nhằm điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Và cách thức hành động như thế sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại mãi. Cuối cùng, mặc dù nền kinh tế vẫn có vẻ là tư bản chủ nghĩa nhưng sẽ bị chính phủ kiểm soát hoàn toàn.

Kiểm soát giá cả và tiền lương

Một hình thức can thiệp thường gặp là kiểm soát giá cả những món hàng thiết yếu mà chính quyền cho là “quá đắt”. Mises đưa ra ví dụ về việc chính phủ đặt ra giá tối đa đối với sữa để phù hợp với túi tiền của người nghèo. Đáng tiếc là giá thấp thì người ta mua nhiều sữa hơn, nhưng lại làm cho sản xuất sữa không còn hấp dẫn như trước nữa. Một số nhà sản xuất có thể bắt đầu bị lỗ và rời bỏ thương trường. Thế là nhu cầu thì tăng trong khi sản xuất lại thu hẹp, kết quả là trên thị trường không còn sữa nữa. Bây giờ thì ngay cả người nghèo cũng mua được ít sữa hơn trước. Đáp lại, chính phủ có thể cấp tem phiếu mua sữa để đảm bảo rằng những nhóm có nhu cầu cũng có phần. Hoặc họ có thể đặt ra mức trần đối với giá thức ăn gia súc, hi vọng là sẽ giảm được giá thành cho người chăn nuôi. Nhưng lúc đó thức ăn gia súc cũng sẽ ít đi, giống như sữa vậy. Hoặc là tem phiếu sẽ bao trùm lên mọi lĩnh vực. Một lần nữa, cố gắng nhằm kiểm soát chỉ một sản phẩm đã dẫn đến những hạn chế rộng lớn.

Một chính sách can thiệp thường thấy khác - mục đích là giúp người lao động nghèo - là quy định mức lương tối thiểu. Nhưng lương cao thì chi phí kinh doanh sẽ cao. Muốn tiếp tục kinh doanh người ta phải sa thải bớt công nhân hoặc nâng giá hàng hóa, bắt người tiêu dùng phải chịu - điều đó cũng sẽ dẫn đến giảm cầu đối với những loại hàng hóa đó và như vậy là cũng dẫn tới sa thải bớt công nhân. Mức lương tối thiểu càng cao và càng được áp dụng một cách rộng rãi thì tỉ lệ thất nghiệp mà nó tạo ra sẽ càng cao.

Một lần nữa, chính phủ có thể buộc phải can thiệp, có thể bằng những đạo luật mới làm cho việc sa thải công nhân trở nên khó khăn hơn hoặc bằng cách đánh thuế nhằm tài trợ cho các nhu cầu xã hội. Nhưng như thế lại làm cho phí kinh doanh càng cao thêm và khó khăn càng nhiều hơn.

Bộ máy quan liêu

Chủ nghĩa tư bản hiệu quả hơn chính sách can thiệp và chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] là vì doanh nghiệp chỉ có một mục đích rõ ràng - làm ra lợi nhuận - và dễ dàng nhận thấy rằng mục tiêu đơn giản này có đạt được hay không. Mục tiêu của xí nghiệp quốc doanh, ngược lại, phức tạp hơn nhiều, Mises khẳng định. Nó được kì vọng là sẽ cung cấp một loạt các dịch vụ “cần thiết" hoặc “thiết yếu” hay “đáng mơ ước” về mặt xã hội - nhưng không có cách nào cần đong thành tích của việc thực hiện hay cân đối được những mục tiêu mù mờ như thế.

Ví dụ, làm sao đo được kết quả của lực lượng cảnh sát? Những người khác nhau, với những mối quan tâm khác nhau có thể đánh giá hoàn toàn khác nhau. Như vậy thì làm sao chúng ta có thể quyết định rằng lực lượng này có đáng đồng tiền bát gạo hay không? Hay là đông quá? Hoặc có cần thiết nữa hay không?

Kết quả là, theo Mises, vì rất khó xác định kết quả cho nên người quản lí các đơn vị như thế bị tròng vào cổ rất nhiều điều luật nhằm kiểm soát hành động và chi phí của họ. Nhưng như thế là họ đã trở thành các viên chức quan liêu, tức là trở thành những người phải xin phép cấp trên trước khi làm bất cứ việc gì.

Hiệu quả và thiếu sót của giải pháp

Hiển nhiên là nó làm cho các đơn vị của nhà nước không linh hoạt bằng xí nghiệp tư nhân. Trên thương trường một cá nhân có thể mạo hiểm và khai phá một cách làm hoàn toàn mới, khai phá một quy trình mới nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Nhưng người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không thể được tự do quyết định như thế; chắc chắn là họ sẽ bị công nghệ đang thay đổi và các sự kiện bỏ lại đằng sau.

Ngay cả những nhân viên được thuê trong các doanh nghiệp này cũng kém hiệu quả và không tập trung vào nhu cầu của xã hội. Trên thị trường cạnh tranh, người chủ doanh nghiệp phải thuê những người mà ông ta biết rằng sẽ hoàn thành xuất sắc công việc cho khách hàng của họ chứ không thuê người mà ông ta thích. Con đường hoạn lộ trong bộ máy hành chính, ngược lại, được đánh giá bởi các quan chức cấp cao hơn và đỡ đầu là hiện tượng khá thịnh hành.

Đây là những vấn đề không thể giải quyết được. Chúng xuất phát từ sự mù mờ của những mục tiêu của các doanh nghiệp nhà nước. Bắt các quan chức chính phủ hành động “như các doanh nhân” cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Mục tiêu của công ti thương mại khác hẳn với mục tiêu của bộ máy quan liêu. Cách thức hoạt động và phương pháp quản lí cũng khác nhau. Đưa những người đã từng quản lí kinh doanh sang cũng chẳng khá hơn: kĩ năng tính toán và quản lí của họ đơn giản là không phù hợp với nhiệm vụ được giao. Tin rằng các thiết chế của nhà nước có thể cải thiện được thị trường bằng cách nắm lấy những công việc mà thị trường đang làm và làm tốt hơn thị trường rõ ràng là một thái độ tự phụ đầy nguy hiểm.

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường