Phỏng vấn với Milton Friedman (Phần 3/3: Mức thuế thu nhập âm và hệ thống voucher)

Phỏng vấn với Milton Friedman (Phần 3/3: Mức thuế thu nhập âm và hệ thống voucher)

(Tiếp theo Phần 2: Chủ nghĩa can thiệp và tự do cá nhân)

REASON: Ông có nghĩ rằng, với thực tế của đời sống chính trị, một mức thuế thu nhập âm1 và một hệ thống voucher2 có thể giúp đạt được mục đích thúc đẩy sự tự do của loài người và mở ra những cánh cửa thị trường không?

FRIEDMAN: Nếu không phải chúng, thì tôi cũng chẳng biết cái gì nữa. Thực tế chính trị cơ bản của đời sống là chúng ta phải bắt đầu từ nơi chúng ta đang đứng. Nếu không có phương tiện trung chuyển đưa bạn từ chỗ mà bạn đang đứng đến chỗ mà bạn muốn tới, bạn không thể mong muốn đạt được điều lý tưởng của mình. Nếu tôi bắt đầu từ con số không thì trong xã hội lý tưởng của tôi, tôi không biết liệu tôi có nên ủng hộ voucher hay thuế thu nhập âm hay không nữa. Chà, thực ra tôi sẽ không ủng hộ voucher. Sự xuất hiện của một số bằng chứng đã làm tôi thay đổi quan điểm. Đã có lúc tôi nghĩ rằng có thể đưa ra lập luận mạnh ủng hộ hệ thống giáo dục bắt buộc, dựa vào mối nguy hại mà sự thất bại trong việc giáo dục trẻ nhỏ mang lại cho những người khác. Về nguyên tắc, một người không thể chối bỏ sức hấp dẫn của hệ thống giáo dục bắt buộc ở trường học. Nhưng những gì mà Ed West và những người khác đã làm trong việc phát triển các trường học trên thực tế đã minh chứng rõ nét rằng ở đâu không có giáo dục bắt buộc, ở đó sẽ có tỷ lệ người biết chữ rất cao – chỉ cần tư lợi là có thể đạt được một mức giáo dục đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội có học thức. Vì thế, tôi không còn ủng hộ hệ thống giáo dục tại trường bắt buộc nữa. Nếu bạn không ủng hộ hệ thống giáo dục bắt buộc ở trường học, thì chẳng có lý do gì để thiết lập một hệ thống voucher cả.

REASON: Còn nếu bắt đầu từ điểm hiện tại thì sao?

FRIEDMAN: Kế hoạch voucher là thứ duy nhất mà tôi thấy có thể đem lại một số cải thiện: nó mang đến các xung lực thị trường lớn hơn, và quan trọng hơn là nó mở ra triển vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc cấp ngân sách của chính phủ. Bởi vì một khi một lượng voucher cố định được đưa ra và các trường học theo cơ chế thị trường được mở - cái phải được hoàn thiện dưới một cơ chế voucher hợp lý – thì sau đó sẽ có khả năng cơ chế voucher sẽ dần tan biến, quy mô voucher không thay đổi còn lạm phát và thu nhập thực tế tăng, nó sẽ đóng góp một phần ngày càng nhỏ trong tổng chi phí giáo dục tại các trường học.

REASON: Vậy có phải ông cũng cho rằng xã hội tự do cũng không có chỗ cho thuế thu nhập âm?

FRIEDMAN: Tôi cũng không chắc về quan điểm của mình nếu như chúng ta bắt đầu từ con số không. Tôi tin rằng hành động chung tay giúp những người cùng cực là có lý. Nếu bạn giúp đỡ một người nghèo thì tôi cũng được hưởng lợi, như việc tôi được hưởng lợi từ việc bạn giáo dục con cái của mình vậy, đó được gọi là ngoại ứng. Có thể những hành động chung như thuế thu nhập âm là không cần thiết và tôi tin rằng hoạt động thiện nguyện có thể thừa sức xóa bỏ được tình trạng cùng cực. Nhưng đó là kết luận thực dụng; nó không dựa trên nguyên tắc rằng xã hội tự do sẽ không nhất thiết phải loại bỏ các kiểu tổ chức mà theo đó 90% chúng ta đồng ý áp dụng thuế lên bản thân chúng ta để giúp 10% còn lại thoát khỏi cảnh cùng cực. Nguyên lý cơ bản của xã hội tự do phải là đồng thuận – nhưng điều này lại không thể đạt được. Đức hạnh của trật tự theo cơ chế thị trường là việc đạt được sự đồng thuận đó không thông qua sự cưỡng ép và bất cứ chỗ nào có thể thông qua sự dàn xếp thị trường thì đều được. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Phải làm thế nào nếu đồng thuận theo nghĩa đen bắt buộc sự đồng ý đóng góp của tôi phải dựa trên giả định rằng mọi người khác cũng đều đồng ý? Vấn đề cơ bản của việc đạt được đồng thuận là chi phí giao dịch. Lý lẽ thường được đưa ra là nếu mọi người ủng hộ nó thì họ có thể đạt được giao kèo một cách tự nguyện, nhưng điều này lảng tránh vấn đề nan giải về chi phí để thực hiện thỏa thuận kiểu đó. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng khái niệm của tôi về xã hội tự do không loại bỏ việc sử dụng các dàn xếp của chính phủ trong những trường hợp như thế khi mà các chi phí giao dịch cao hơn so với mức mà chúng ta có thể chấp nhận, như nó đã và đang bị bác bỏ trong một số trường hợp để tránh các chi phí giao dịch liên quan để đạt được một sự đồng thuận thực sự.

REASON: Nhưng khi ông cho rằng chúng ta nên cho phép chính phủ vào cuộc vì đó là một tình cảnh gian nan, chẳng phải ông đang tháo cũi sổ lồng cho chính phủ tiến vào hay sao? Mỗi khi Ralph Nader đứng lên và tranh luận cái gì đó thì cũng đều là những thứ “rất gian nan và nhức nhối…”

FRIEDMAN Chà, thứ nhất, bạn sai về mặt thực tiễn. Thử xem xét kinh nghiệm của nước Mỹ. Chúng ta có một chính phủ hạn chế, từ cuộc Cách mạng [Mỹ] đến năm 1930, trên thực tế không hề lớn lên quá nhiều. Ngoài giai đoạn thời chiến, tất cả chính quyền, từ liên bang, tiểu bang, đến địa phương chưa bao giờ chi tiêu quá mức 10 đến 15% tổng thu nhập quốc gia. Lồng đã được tháo, cũi đã được sổ nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Thứ hai, bạn không thể tránh được việc đó. Kinh nghiệm thực tiễn là khi những sự dàn xếp tự nguyện phụ thuộc vào những người phản đối chúng quá nhiều thì chính phủ phải vào cuộc. Chẳng phải việc nhận thức được rằng chúng ta sẽ sống trong một thế giới hỗn hợp tốt hơn việc nói rằng, “Ôi trời ơi, chúng ta sẽ chẳng làm gì thông qua chính phủ nữa vì một khi cho nó làm gì thì nó sẽ được đằng chân lân đằng đầu.”

REASON: Phương án thay thế không phải là chủ nghĩa vô chính phủ.

FRIEDMAN: Là nó đấy.

REASON: Không. Vai trò thích hợp của chính phủ sẽ là xét xử và ngăn chặn tội phạm, vì cần sử dụng vũ lực. Nhưng ở những chỗ không cần đến vũ lực – những đứa trẻ tàn tật do bất hạnh, không phải do tội phạm – thì không có chỗ cho chính phủ vì những người đó đã chịu sự bất công và chẳng có gì cho chính phủ phán xét hay ngăn chặn ở đó cả.

FRIEDMAN: Nhưng cũi của bạn đã được tháo, lồng đã được sổ.

REASON: Không, bởi vì ngăn chặn cưỡng ép chỉ là một lĩnh vực hoạt động rất giới hạn, có thể được nêu rõ và các chỉ tiêu đánh giá nó có thể được xác định. Sự khác biệt chính là tự nguyện/không tự nguyện.

FRIEDMAN: Bạn đang tự dối mình đấy, bạn sẽ thấy điều đó nếu bạn cố gắng hiểu chính xác hành động nào là ép buộc, hành động nào là tự nguyện, và hành động nào là không tự nguyện. Nhưng, dù gì đi nữa, thì chúng ta cũng vừa đi quá xa khỏi vấn đề về thuế thu nhập âm rồi.

REASON: Nhưng tất cả chúng đều liên quan tới nhau. Nhiều người phản đối chương trình đó, cho rằng ông đang đưa chính phủ vào một lĩnh vực mà ở đó không tồn tại vũ lực, và rằng vai trò thích hợp của chính phủ là ở những nơi có vũ lực.

FRIEDMAN: Nếu chúng ta quay trở lại vấn đề thuế thu nhập âm, thì lập luận mà bạn đang đưa ra chỉ liên quan đến việc, bắt đầu từ con số không, nó có nên được đưa ra hay không. Nhưng nó chẳng liên quan tí gì đến câu hỏi hiện tại, là làm thế nào để đưa chính phủ ra khỏi một lĩnh vực mà nó vốn đã thâm căn cố đế ở đó rồi.

 REASON: Một trong những phản bác đưa ra chống lại khuyến nghị của ông là việc áp dụng các biện pháp thuế thu nhập âm chỉ giúp thiết lập thêm một bộ máy quan liêu, tự duy trì nó mãi mãi, và thật viển vông khi nghĩ rằng tự nó sẽ ngưng hoạt động.

 FRIEDMAN: Câu hỏi là, làm thế nào bạn có thể thay thế một hệ thống quan liêu hiện tại bằng một hệ thống khác mà chí ít có khả năng tự thu nhỏ trong tương lai? Và chiến lược cơ bản trong tất cả các trường hợp này là như nhau – bạn không thể đi từ chỗ bạn đang đứng hiện tại tới chỗ bạn muốn đến bằng cách loại bỏ hết những thứ bạn đang có. Vậy nên phương pháp ở đây là làm cho hệ thống quan liêu hiện tại vận hành một hệ thống có chứa một số đặc điểm tự diệt – đưa cho hệ thống quan liêu đó một chức năng khác, một chức năng mà ít nhất có một vài khả năng sẽ tự mất dần. Tôi không nghĩ ra bất cứ chiến lược nào khác và tôi tự hỏi những phương án thay thế mà những người chỉ trích này đưa ra là gì.

REASON: Một trong những phương án thay thế mà những người chỉ trích có thể đưa ra là giải quyết vấn đề từ một hướng khác, như ban hành luật, trưng cầu ý kiến, lựa chọn các chính trị gia phù hợp,… Có được các nhà lập pháp thân thị trường tự do và các thượng nghị sĩ thân thị trường tự do…

FRIEDMAN: Nhưng chúng ta muốn họ bỏ phiếu cho cái gì? Thuế thu nhập âm và chương trình voucher đều là hai phương tiện giúp cho thị trường tự do có được một vai trò lớn hơn và nói chúng ta muốn có những nghị sĩ thân thị trường tự do không phải là câu trả lời. Bạn thực sự nghĩ rằng Quốc hội, kể cả một trong số những người phản đối thuế thu nhập âm, có khả năng sẽ bỏ phiếu xóa bỏ chính sách phúc lợi trong ngày một ngày hai sao? Bỏ sức mạnh của hệ thống quan liêu sang một bên, đó sẽ một việc bất nhân. Thông qua chính phủ, chúng ta đã xui khiến hàng triệu người phụ thuộc vào chính sách phúc lợi từ cách đây khoảng 30 hay 40 năm trước gì đó. Chẳng nhẽ, sau một đêm, chúng ta có thể ném họ ra ngoài đường sao?

REASON: Một số người có lẽ sẽ đồng ý và lập luận của họ là, “đó không phải là trách nhiệm của tôi – tôi không bao giờ bỏ phiếu cho những thứ đó, tôi không bao giờ xui khiến bất kỳ ai tham gia vào chương trình phúc lợi. Có thể tôi sẽ giúp những người này một khi luật được bãi bỏ, nhưng chỉ cần họ vẫn sống bám vào những bộ luật cưỡng ép này tôi sẽ làm mọi thứ để xóa bỏ những điều luật đó và xử lý vấn đề phát sinh khi chúng xuất hiện.” Điều đó có thể là nhẫn tâm theo quan điểm của ông, nhưng một số người thực sự tin vào nó.

FRIEDMAN: Chà, tôi hiểu quan điểm đó nhưng tôi nghĩ đó không phải là một cách hữu hiệu để đạt được các mục tiêu của họ. Tôi không nghĩ một cách tiếp cận mang tính cách mạng, một lần và mãi mãi sẽ thành công. Như tôi đã nói, tôi nghĩ khả năng cho xã hội tự do đang giảm dần, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên chiến đấu vì nó hoặc hờn dỗi thu mình vào trong nhóm của chúng ta và giải thích cho nhau rằng sẽ tốt biết mấy nếu chúng ta có thể xóa bỏ mọi thứ hiện tại và được làm theo cách của chúng ta là cách hữu hiệu để đấu tranh vì một xã hội tự do.

Chú thích của người dịch:

(1) Thuế thu nhập âm có nghĩa là mọi người có mức thu nhập thấp hơn ngưỡng phải đóng thuế nên nhận được một khoản thu nhập đảm bảo cơ bản. Theo Milton Friedman trong cuốn sách Chủ nghĩa tư bản và Tự do (Capitalism and Freedom) cho rằng đây là cách để trợ giúp những người gặp khó khăn ít tốn kém hơn hệ thống phúc lợi.

(2) Voucher là hệ thống cấp quỹ của chính phủ dành cho những gia đình tự chọn trường cho con em mình. Đây là nguồn quỹ mà đáng lẽ ra con em họ sẽ được hưởng khi theo học tại một trường công lập.

Nguồn: Tibor Machan, Joe Cobb, & Ralph Raico, An Interview with Milton Friedman, Reason

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Phạm Nguyên Trường