Chủ nghĩa tư bản: Khái niệm, nguồn gốc và động lực phát triển

Chủ nghĩa tư bản: Khái niệm, nguồn gốc và động lực phát triển

(Tiếp theo Phần 1)

KHÁI NIỆM

Theo các từ điển, chủ nghĩa tư bản thường mang nghĩa là quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. 

Sở hữu tư nhân là quyền kiểm soát của các cá nhân đối với chính bản thân họ, các nguồn lực của riêng họ và những sản phẩm được tạo ra từ các nguồn lực đó. Giới hạn của sở hữu tư nhân là các cá nhân không ngăn cản hay quấy rầy người khác trong quá trình họ sử dụng, trao đổi hoặc cho tặng (i) những thứ chưa thuộc quyền sở hữu của ai hoặc những đồ vật bị vứt bỏ mà họ tìm được, (ii) những sản phẩm do họ làm ra, và (iii) những gì họ nhận được từ người khác qua biếu tặng hoặc trao đổi mua bán.

NGUỒN GỐC

Do vậy, chủ nghĩa tư bản có nguồn gốc từ tự do cá nhân cùng với toàn bộ những tư tưởng, quan điểm và các quy tắc hành xử đảm bảo cho quyền tự do này. 

Tự do cá nhân được hiểu là các cá nhân không ép buộc, đe dọa hay lường gạt lẫn nhau. Điều này có nghĩa là họ không sử dụng bạo lực hay thủ đoạn để làm hại người khác hoặc cướp đi những gì người khác có được bằng các phương tiện hòa bình. Những con người tự do cũng không đe dọa làm tổn hại tới thân thể và tài sản của người khác. 

Sự tự do này hình thành khi các cá nhân dần học được rằng, nếu xét trong một khoảng thời gian, việc hợp tác (vốn dựa trên hi vọng được trả công) sẽ đem lại cho người đó nhiều lợi ích hơn là việc dùng vũ lực cưỡng bức người khác phục vụ mình. Nói cách khác, trong dài hạn, họ được lợi nhiều hơn qua sản xuất và trao đổi các loại hàng hóa và dịch vụ so với việc trộm cắp, lừa đảo, cướp bóc hay những cách thức cưỡng bức khác nhằm kiếm lợi bất chính.

Tóm lại, chủ nghĩa tư bản ra đời trong quá trình các cá nhân (a) hiểu được lợi thế của phân công lao động và trao đổi tự nguyện, và (b) xác định được các quy luật đạo đức (quy tắc hành xử) cần thiết để gây dựng mối quan hệ hòa bình giữa người với người và sống dựa theo những quy tắc đó. 

Quá trình này đòi hỏi các cá nhân phải gia tăng hiểu biết về bản chất của con người và ý nghĩa của công lý, coi trọng danh dự, chân lý và mở rộng mối quan hệ thiện chí với những người xung quanh mình.1 

Những yếu tố căn bản của quy luật đạo đức được đúc kết thành văn trong “Mười Điều răn” của người Do Thái và “Quy tắc Vàng” của người theo Thiên Chúa Giáo. 

Dạng phủ định của Quy tắc Vàng truyền tải nguyên lý đầu tiên: “Đừng làm cho ai cái điều mà bạn không muốn người khác làm với mình.” Quy tắc này hạn chế và loại trừ hình thức chia sẻ mang tính cưỡng bức – một dạng nô dịch hóa con người.  

Hệ quả bổ sung cho quy tắc trên: “Bất kỳ điều gì bạn muốn người khác làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ trước”. Hệ quả này phát triển từ nhận thức của chúng ta rằng ta sẽ hưởng lợi, không phải chỉ bằng việc tránh làm tổn hại và gây bất hòa với người khác, mà còn bởi tự nguyện phục vụ lẫn nhau và xây dựng thói quen tương trợ và tình thân láng giềng. (Trong Kinh Thánh, đó là câu chuyện về cộng đồng chăn nuôi và các nhóm tương trợ trong thời tiền sử, và câu chuyện về người Samaritan nhân hậu.)  

Trong chừng mực mà các cá nhân thôi trộm cắp, lừa lọc, ép buộc, đe dọa lẫn nhau, và tuân thủ các thỏa thuận giữa họ với nhau (bao gồm cả những gì hình thành nên gia đình một vợ một chồng), họ đạt được sự tự do.

Nhưng sự tự do này chỉ phát triển dần dần cùng với sự thông hiểu lẫn nhau và khả năng tiết chế bản thân tăng lên. Không một nhà hảo tâm hay không một lãnh tụ hay chính quyền nào có thể cho ta điều này. Mỗi cá nhân phải tự học để hiểu được sự tự do, chấp nhận những trách nhiệm mà tự do yêu cầu, và truyền lại cho những thế hệ sau. 

ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

A. Sản xuất và trao đổi

Trong hoàn cảnh không có cưỡng bách như vậy, sẽ ngày càng có nhiều người trở nên giàu có: xã hội sẽ đạt tới tình trạng mà Frederic Le Play gọi là “muôn vàn hành động đẹp”. Mỗi người sẽ tôn trọng quyền của người khác trong việc chiếm giữ, trao đổi hay biếu tặng những gì mà người kia làm ra hoặc có được nhờ trao đổi tự nguyện hoặc được biếu tặng. Từ đó họ sẽ sản xuất, tích lũy, trao đổi và cho đi nhiều hơn.

Họ đem đến nhiều giá trị hơn cho khách hàng và những người làm công để đổi lấy những gì họ nhận được; và họ phân phát nhiều hơn cho con cháu, bạn bè, cho cộng đồng và cho những người có hoàn cảnh khó khăn. (Lưu ý rằng những đội quân thực dân đầu tiên tại Plymouth và Jamestown trở nên thân thiện hơn đối với người dân bản địa, và cũng làm việc siêng năng hơn, sau khi quy định chia sẻ bắt buộc được bãi bỏ.)

Con người tự do sẽ sáng tạo và xây dựng những cách thức để hỗ trợ lẫn nhau, vượt xa tất cả những kế hoạch hay tưởng tượng của những chủ nô và những nhà lập kế hoạch chính trị. Do vậy, họ trở nên giàu có hơn.

B. Cá nhân hóa – Hợp tác trong cạnh tranh – Tổ chức quy mô lớn

(1) Khi tự do, con người thể hiện sự đa dạng ngày càng lớn về năng lực và cách phản ứng. Do vậy, những doanh nghiệp tư bản (tự do) ngày càng tạo ra nhiều việc làm, sản phẩm, dịch vụ và cơ hội để phát triển bản thân và thỏa mãn các nhu cầu cá nhân.

(2) Nhờ lợi thế to lớn từ việc hợp tác, ngày càng có nhiều cá nhân trong xã hội tư bản dành sự tôn trọng lớn hơn cho những sở thích, nhu cầu, thị hiếu và quan điểm của các cá nhân khác, đồng thời, họ cũng dần trở nên nhạy cảm, cảm thông và có cảm giác thân thuộc (đồng cảm) hơn với người khác, và những tình cảm này ngày càng được thể hiện theo những cách riêng biệt hơn. 

Một số người đi tới cực đoan khi cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người và thực sự là cuối cùng họ chẳng làm vui lòng ai cả. (“Con đường chắc chắn nhất dẫn đến thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.”)

Một số người khác sử dụng, hay lạm dụng, sự tự do của họ bằng cách biểu đạt (hoặc giả vờ biểu đạt) một thái độ bàng quan quá mức trước những thói quen, tình cảm và lối sống đang trở nên phổ biến, và thiếu quan tâm tới những quan điểm của người xung quanh.

Tuy nhiên, khi tự do, các cá nhân sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với những người thân thiện mà có những chuẩn mực tương đồng về đạo đức, hành động, và thị hiếu, nhưng cũng có những mối quan tâm và năng lực bổ trợ cho nhau (thay vì giống hoàn toàn) trong công việc. Đặc điểm “bổ trợ” cần được nhấn mạnh, bởi nhiều hoặc phần lớn các hình thức hợp tác hình thành từ sự khác biệt về năng lực và lĩnh vực quan tâm hơn là từ sự tương đồng (ví dụ như giữa người nông dân và nhà sản xuất, giữa thương gia và chủ ngân hàng, giữa người lái xe và thợ máy).

(3) Tuy nhiên, khi những năng lực và thị hiếu có nhiều điểm tương đồng, một xã hội tự do sẽ trở nên có tính cạnh tranh hơn và dễ hợp tác hơn. Các cá nhân và các nhóm sẽ cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp dịch vụ tương đồng (mặc dù hiếm khi giống hệt nhau) cho người tiêu dùng, và tạo ra những việc làm tương tự (nhưng vẫn có điểm khác) cho người làm công (ví dụ như người khai thác mỏ than và nhà sản xuất dầu thô, ngân hàng và người môi giới chứng khoán, hoặc các nhà sản xuất xe hơi với các chủng loại và kích cỡ khác nhau).

Giữa các cá nhân tự do và hòa bình (hay trong một xã hội hoàn toàn mang đặc tính tư bản chủ nghĩa, tức một xã hội tự nguyện, dựa trên thị trường tự do), sự cạnh tranh này nằm trong nỗ lực để thỏa mãn người khác tốt hơn nhằm thúc đẩy hợp tác. Cạnh tranh không hướng tới việc đe dọa làm tổn hại đối phương nhằm ép buộc đối phương phải tán thành và tuân phục mình.

(4)  Khi tự do, tức khi sự cưỡng bách không còn, các cá nhân giữ và kiểm soát những gì họ thu nhận được bằng những phương cách hòa bình mà không cần tới sự can thiệp mang tính ép buộc. Họ có thể giữ, kiểm soát, tiêu thụ, biếu tặng hay trao đổi những gì họ tìm được trong tự nhiên, những gì họ làm ra hay sáng chế ra và những gì họ có được từ trao đổi tự nguyện, bao gồm cả việc sử dụng tạm thời những thứ họ đang thuê hoặc vay mượn.

Quyền sở hữu tư nhân là quyền của người tự do trong việc thụ hưởng và sử dụng tài sản và các dịch vụ mà không bị can thiệp về thể chất hay đe dọa can thiệp từ người khác. Đó là các quyền sở hữu đối nghịch (adverse possession), nghĩa là các quyền độc nhất (exclusive) trong việc sử dụng và định đoạt (cùng với trách nhiệm kiểm soát và chăm sóc).

Do đó, chủ nghĩa tư bản (hay chế độ sở hữu tư nhân) mang tính cá nhân chủ nghĩa: cái gì một người sở hữu thì không thể được sở hữu bởi ai khác. Anh ta là người duy nhất có quyền kiểm soát tài sản đó. Nhưng anh ta đồng thời cũng là người duy nhất chịu trách đối với tài sản đó: trách nhiệm quan tâm và để mắt tới tài sản đó để đảm bảo việc sử dụng tài sản không can thiệp tới tự do (hay quyền sở hữu) của người khác.2

Những thỏa thuận phức tạp không thể miêu tả được về quyền sở hữu (được bảo vệ bởi luật, đạo đức, phong tục và lối sống) tạo thành nền tảng của tự do. Những thỏa thuận này, hoặc được minh định một cách chính thức hay được hiểu ngầm, giữa các thành viên của xã hội, cho phép mỗi người được kiểm soát thân thể của mình và thành quả từ sinh lực, kĩ năng, sự thành thạo và gan dạ trong kinh doanh của họ. 

C. Sự khác biệt giữa công bằng và bình đẳng

Giữa những con người tự do có sự công bằng, chứ không phải là bình đẳng, về phần thưởng cho sức lực bỏ ra. Khi các cá nhân được tự do lựa chọn đối tác trao đổi và số lượng trao đổi, sẽ có một vài người và nhóm người sẽ thu nhận được nhiều của cải hơn so với những người và nhóm người khác. Khi đó, một nhóm nhà sản xuất (hay doanh nghiệp) có thể hoạt động chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn, hợp tác tốt hơn và hiệu quả hơn, tới mức họ trở thành nhà cung cấp chính yếu một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó cho phần lớn cư dân của một cộng đồng hay quốc gia. Những doanh nghiệp như hãng ô tô Ford ngày càng phát triển về quy mô; những tổ hợp công ty, như những công ty hình thành Tập đoàn General Motor, hợp tác với nhau trong một vài lĩnh vực (thu hút vốn) trong khi lại cạnh tranh với nhau trong các lĩnh vực khác (bán hàng).

Nhưng khi đánh giá những công ty khổng lồ này, chúng ta nên nhớ rằng:

(1) Quyền lực kinh tế của các tập đoàn này phụ thuộc vào lượng khách hàng mà chúng phục vụ. Trên thị trường tự do, không một công ty nào có thể trở thành người khổng lồ chỉ bằng việc phục vụ cho một số nhà tư bản giàu có. Các công ty này chỉ có thể lớn mạnh đến như vậy khi chúng giúp nâng cao mức sống cho hàng ngàn hay hàng triệu những nhà sản xuất khác và những người phụ thuộc vào họ; đó là nói khi chúng không được hưởng lợi từ những chính sách phản tư bản của chính phủ như tham gia vào chiến tranh, gây ra lạm phát, hoặc ngăn chặn sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh (ví dụ như khi Chính Phủ Mỹ ngăn chặn những đối thủ của Bưu điện Liên bang).

(2) Hàng hóa ngày càng dồi dào và đa dạng khiến cho cầu và cung của mọi mặt hàng trở nên co dãn hơn. Người mua đứng trước vô số mặt hàng cạnh tranh với nhau. Người làm công có cơ hội tìm việc tại ngày càng nhiều những doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân lực. Người sở hữu vốn bị vây quanh bởi các nhà sáng chế và các nhà khởi nghiệp đang tìm kiếm hỗ trợ cho những phương pháp sản xuất mới để thỏa mãn nhu cầu hoặc để hình thành những nhu cầu mới mà người tiêu dùng còn chưa biết đến.

Yếu tố ít co dãn nhất trong một xã hội tự do của những cá nhân có trách nhiệm nhiều khả năng sẽ là yếu tố nguồn cung lao động (người tìm việc).  Do vậy, họ là người hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư, và họ ngày càng nhận được phần lớn hơn trong tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, mức lương có xu hướng tăng, trong khi lãi suất lại có xu hướng giảm.3

D. Tiến bộ: Sự gia tăng mức độ thông hiểu, đạo đức, thịnh vượng và tầm nhìn

Khi được tự do, mỗi cá nhân sẽ trở nên giàu có bởi họ có được sự hợp tác tự nguyện từ những người đồng nghiệp. 

Vì vậy, lợi ích của cá nhân và gia đình trở thành động lực mạnh mẽ khiến họ xây dựng lối sống và quan tâm tới việc tạo dựng cho mình những phẩm chất mà người khác cần ở đồng nghiệp và những nhà cung cấp của họ: sự siêng năng, lịch thiệp, và nhạy cảm với những mối quan tâm của người khác.

Điều này dẫn tới việc những người tự do sẽ mua loại hàng hóa hay dịch vụ nào đóng góp vào khả năng nâng cao năng suất lao động của họ và giúp họ giải tỏa vô vàn trách nhiệm mà họ đang gánh trên vai.

Vì lí do này, sản phẩm của “nền công nghiệp” được tổ chức trong xã hội tự do có xu hướng trở nên toàn diện hơn; sức khỏe và sinh lực của toàn bộ dân số nâng cao; tuổi thọ kéo dài; và những thị hiếu nghệ thuật, vũ kịch, ca nhạc và văn học trở nên phong phú hơn.

Khi các thành viên trong một cộng đồng tự do thích ứng với những phần thưởng của sự tiến bộ này, họ sẽ ngày càng mong muốn và cố gắng nâng cao đời sống của những người xung quanh cũng như đối với những người trong gia đình và bạn hữu của họ. 

Có một tư tưởng nguy hiểm có khả năng trở nên thịnh hành tại thời điểm này là “Thuyết không tưởng”. Thiếu kiên nhẫn đối với những điểm yếu của những cá nhân khác (mà họ thực sự có hoặc do ta tưởng tượng ra) khiến người ta tìm cách ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình phát triển bằng việc dùng luật pháp để cưỡng ép, đầu tiên lên một vài người, và theo thời gian lên càng nhiều người bị cho là kém phát triển hơn.  

Theo cách này, những cá nhân tự do và giàu có có thể hợp lực với nhau để vi phạm quyền tự do của những người xung quanh họ, mặc dù với ý định tốt. Khi những điều kiện ban đầu cho những “cải cách” bắt buộc hình thành, những người theo sau họ sử dụng luận điểm trên (vì mục tiêu “tốt đẹp” tương tự) cho những hành vi xâm phạm của mình. Tự do vì thế bị suy giảm. 

Sự mất tự do này tước đi của mỗi cá nhân những cơ hội và trách nhiệm. Do vậy, những hoàn cảnh tồi tệ hơn xảy ra, và điều này được các nhà tư tưởng kiên định gán cho là do những gì còn lại của tự do gây ra. Một nhà triết học vô danh đã nhận ra rằng “Con người là một loài tự trói buộc bản thân trong xiềng xích-và gọi mỗi mắt xích mới là sự tiến bộ.”

Một xã hội nhiều tiền của – bởi đã được hưởng một giai đoạn tự do dài hơn – có khả năng cho phép nhiều sự lãng phí (sự vô công rồi nghề, chế độ gia trưởng, chiến tranh, sự ăn bám hay lối sống xã hội chủ nghĩa) hơn một cộng đồng nghèo khó bởi vì các thành viên của nó có ít tự do hơn. 

Tuy nhiên, đối với bất kỳ một cộng đồng hay quốc gia nào, sự suy giảm kéo dài của tự do tất sẽ dẫn tới sụp đổ, phá sản, hỗn loạn và cuối cùng là cách mạng hoặc lật đổ nhà độc tài chính trị.

Sự thịnh vượng có những mối hiểm nguy của riêng mình, một trong số đó là nguy cơ lãng quên những con đường tạo ra sự vượng.  

Chú thích:

(1) Những nhà xã hội chủ nghĩa nhầm lẫn giữa thúc đẩy hoặc thuyết phục với ép buộc. Họ thất bại trong việc nhận ra rằng tự do hợp tác chỉ tồn tại khi được tự do lựa chọn không hợp tác, cùng với tự do trao đổi thông tin mà không bị làm phiền.

(2) Những nhà xã hội chủ nghĩa thường nhầm lẫn giữa quyền kiểm soát độc nhất của người sở hữu tài sản với một dạng khác hoàn toàn là độc quyền sản xuất đạt được bởi ngăn cản sự tự do sử dụng nguồn lực và tài sản của đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, Bưu điện Liên Bang Mỹ duy trì độc quyền phân phát thư loại một nhờ vào quyền lực của cảnh sát và chính quyền để hạn chế cạnh tranh. Sự can thiệp cưỡng ép bởi chính quyền hay hành động bạo lực phi đạo đức và phi pháp của cá nhân, hoặc cả hai, là điều kiện để duy trì độc quyền. Đây không phải là tự do, cũng không phải là chủ nghĩa tư bản thị trường, mà là sự ngăn cản kinh doanh tự do. Nó là sự tước bỏ quyền sở hữu của tư nhân.

(3) Lãi suất tăng trong vòng 60 năm qua là bởi những chính sách phản thị trường của chính phủ như chiến tranh, lạm phát, lãng phí tài nguyên và phân phối lại bắt buộc của cải và thu nhập.

Giá trị đất đai tăng bởi những chính sách mang tính xã hội. Những chính sách này tập trung dân số ở những thành phố được ưu ái hơn, do vậy hạn chế sự phát triển ở những nơi ít dân cư và người dân ở đó cũng không có được quyền lực chính trị. Phần lớn những vùng đất trên thế giới vẫn còn có ít người sinh sống và chỉ được canh tác bởi những biện pháp canh tác dàn trải.

Nguồn: Trích chương 1 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 10/1975


 

Dịch giả:
Lê Nguyễn Thái Sơn
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.