Hứa hẹn tự do cho châu Phi

Hứa hẹn tự do cho châu Phi

Châu Phi đã từng trải qua một số chế độ thực dân. Trong đó có một thời kỳ mà chúng ta đều biết, đó là khi các nước châu Âu và Ả Rập chia nhau đô hộ khắp châu lục này. Dù ít dù nhiều thì thời kỳ đó đã kết thúc. (Giải phóng phần lớn lãnh thổ ở một số nơi và giải phóng một phần ở một số nơi khác). Đến nay, một chế độ khác lại đang bành trướng. Đó là chủ nghĩa thực dân trong chính tư duy của chúng ta. Nhiều trí thức nơi đây đã bị đô hộ bởi hệ tư tưởng của chế độ trung ương tập quyền, coi các thị trường là biểu hiện chống Phi, nhấn mạnh việc sử dụng đường biên giới thuộc địa để ngăn chặn giao thương giữa người châu Phi với nhau như là một cách gìn giữ “bản sắc châu Phi”, và gò ép xã hội chúng ta theo khuôn mẫu tạo ra bởi nhà tư tưởng người Đức Karl Marx, người không hề biết và quan tâm gì tới xã hội chúng ta.

“Chủ nghĩa tư bản”, theo các trí thức này, là nơi con người tạo ra hàng hóa và dịch vụ vì lợi nhuận và trao đổi chúng lấy những hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi những người khác, nó thường được gán nhãn là sản phẩm của phương Tây, và vì thế nó khá xa lạ với văn hóa châu Phi. Chúng ta thường nghe thấy những lập luận kiểu như chủ nghĩa tư bản không thể tránh khỏi việc dần dần làm tan rã cơ cấu xã hội, dẫn đến hình thành tầng lớp tư bản giàu có, chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ song chuyên bóc lột tầng lớp công nhân và nông dân. Các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Mác-xít và Lê-nin nhấn mạnh rằng dưới chế độ sản xuất tư bản, có nghĩa là sản xuất vật chất vì lợi nhuận, sự gia tăng và tình trạng nghèo nàn của người nông dân là điều tất yếu.

Họ dường như không bao giờ đặt câu hỏi ngược lại, “Liệu tư tưởng này có đúng không?” Nhiều trí thức châu Phi được hưởng nền giáo dục châu Âu đã trở lại quê hương với hai mắt nhắm nghiền. Họ không chịu nhìn nhận xã hội của mình nữa. Họ không bận tâm việc nhìn vào lịch sử xã hội của chính mình. Họ không hề nhận thấy những gì đang diễn ra trước mắt họ.

Nhiều học giả như Giáo sư George Ayittey đã nghiên cứu về lịch sử kinh tế, xã hội và chính trị châu Phi. Những gì ông và các đồng nghiệp tìm thấy có lẽ sẽ gây ngạc nhiên cho những người theo chủ nghĩa Mác-xít – những người nhấn mạnh rằng người châu Phi chúng ta không hề lý tính, không hiểu gì về thương mại, và chúng ta đơn thuần chỉ thực hiện quá trình tích lũy cộng sản nguyên thủy. Thực tế là gì? Chúng ta có bằng chứng lịch sử về một nền thương mại tự do trên các thị trường tự do, trong đó giá cả đặt ra dựa trên sự đồng thuận giữa người mua và người bán vì lợi ích của nhau; tinh thần nghiệp chủ và tạo mới; nền thương mại trải trên cả một khoảng cách địa lý dài; các thị trường tín dụng; quản trị doanh nghiệp và các hãng; cùng với hệ thống luật thương mại.

Trong cuốn sách của Ayittey mang tên Defeating Dictators: Fighting Tyranny in Africa and Around the World [Đánh Bại Các Nhà Độc Tài: Cuộc Chiến Chống Chế Độ Chuyên Chế Ở Châu Phi Và Khắp Nơi Trên Thế Giới], ông lập luận rằng hệ thống kinh tế từ thời xa xưa của châu Phi có một số điểm tương đồng với "chủ nghĩa tư bản" phổ biến ở châu Âu và các khu vực khác, song nó khác biệt phần nào trong cấu trúc. Từ điển Merriam-Webster định nghĩa chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế đặc trưng bởi sở hữu vốn bởi tư nhân hoặc hợp doanh. Xã hội châu Phi đã áp dụng mô hình này từ lâu. Như Ayittey giải thích:

Những người nông dân góp chung nguồn lực, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này có thể gọi là chủ nghĩa công xã (communalism) hay chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism), song nó không giống như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Một người có thể theo chủ nghĩa công xã hoặc sống vì xã hội nhưng không phải là một người theo chủ nghĩa xã hội…Người nông dân thực hiện các hoạt động kinh tế trên cơ sở ý chí tự nguyện của họ, chứ không theo chỉ thị của người đứng đầu bộ lạc. Chủ nghĩa cộng sản quy định mọi phương tiện sản xuất đều thuộc sở hữu nhà nước, do đó toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra cũng vậy. Nhưng trong xã hội nông nghiệp, các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu của gia tộc, dòng họ, có vai trò giống như một đơn vị doanh nghiệp. Tuy nhiên, gia tộc không giống như lãnh đạo bộ lạc; gia tộc là một thực thể tư và điều đó có nghĩa là các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu tư nhân. Sở hữu công xã là một chế độ không tưởng.1

Các doanh nghiệp hoặc trang trại thuộc sở hữu gia đình hay dòng tộc mà sản xuất hàng hoá nông sản vì mục đích lợi nhuận chính là đang thực hiện các hoạt động tư bản. Ayittey lập luận rằng bản chất công xã của xã hội châu Phi rõ ràng đã bị hiểu sai khi được cho rằng bản chất xã hội châu Phi thừa hưởng tính xã hội chủ nghĩa từ nhiều thế hệ truyền lại. Hình thức công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn mà chúng ta thường liên hệ với “chủ nghĩa tư bản” mãi sau này mới xuất hiện ở xã hội châu Âu.

Robert Hessen, nhà sử học chuyên nghiên cứu về loại hình tổ chức doanh nghiệp, đã chỉ ra rằng chúng ta đều biết “hình thức trách nhiệm hữu hạn giúp giải thích tại sao các công ty có khả năng thu hút một lượng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư trong thế kỷ XIX, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa của nước Mỹ”. “Trên thực tế”, ông giải thích, “cuộc cách mạng công nghiệp được thực hiện chủ yếu thông qua các doanh nghiệp hợp danh và công ty cổ phần không có tính pháp nhân, chứ hiếm khi là các công ty hợp doanh.”2 Mô hình doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình cũng phổ biến ở nhiều nước bên ngoài châu Phi. Các doanh nghiệp này là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình sản xuất, trao đổi, và tạo mới trong mọi nền kinh tế thị trường.

Bất kỳ người nào tìm hiểu về lịch sử châu Phi cũng đều biết các thị trường và nền thương mại đã là một phần nội tại của văn hóa châu Phi từ cả thiên niên kỷ nay. Châu Phi cổ đại được biết đến là nơi có mức độ mở rộng thương mại nhanh chóng trong giai đoạn thế kỉ VII - XI, khi nền thương mại xuyên Sahara gia tăng theo cấp số nhân. Các nền kinh tế Địa Trung Hải cần vàng để đổi lấy muối, điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội lợi nhuận lớn. Lợi nhuận và nghiệp chức là xương sống của các đế chế thương mại như Mali Empires, Ghana Empire và Songhai Empire. Thương mại là nguồn sống của các nền kinh tế châu Phi cổ đại. Những hoạt động tự do của các cá nhân thuộc nhiều tầng lớp –bao gồm nông dân, thợ rèn, ngư dân, những người phụ nữ bán hàng, và các thương nhân – đã thúc đẩy nền kinh tế tiến bộ; hành vi tính toán lợi nhuận là động lực đằng sau các hoạt động này.

Vậy những hoạt động này có phải là kết quả từ sự tính toán của chính phủ không? Rõ ràng là không. Các thị trường phát triển một cách tự nhiên khi các thương nhân gặp nhau tại những địa điểm thuận lợi, thường là nơi giao nhau của hai con đường lớn. Những người nông dân và các tiểu thương tự nguyện tham gia vào các công việc kinh doanh tương ứng của họ nhằm mục đích kiếm lời, chứ không tuân theo mệnh lệnh của bộ lạc hay chính quyền thời xưa nào cả.

Có rất nhiều loại hình doanh nghiệp trên khắp thế giới; các công ty của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Mỹ lại có những điểm độc đáo riêng. Vậy tại sao các doanh nghiệp châu Phi lại không thể hiện nét khác biệt của riêng mình? Ở Ý, các doanh nghiệp gia đình đóng vai trò quan trọng hơn so với một số nước châu Âu khác. Loại hình này cũng đóng vai trò quan trọng ở nhiều nước châu Phi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có sự khác biệt trong các nguyên tắc kinh tế giữa những nơi này, hay chủ nghĩa cộng đồng, tuy không phổ biến ở châu Âu hay Trung Quốc, nhưng lại có sức lan tỏa ở châu Phi.

Ayittey lưu ý một số điểm khác biệt giữa các hệ thống: “Trong khi một cá nhân người Mỹ có thể tự lập kế hoạch để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, thì ở châu Phi kế hoạch này sẽ được cả đại gia đình hoạch định”. Lợi nhuận từ các dự án kinh doanh này sẽ được chia cho toàn bộ các thành viên gia đình, trong khi theo chế độ tư bản cổ phần, lợi nhuận sẽ thuộc về nghiệp chủ, hay chính là các cổ đông trong trường hợp công ty cổ phần. Ngoài ra còn có những khác biệt về quy mô sản xuất. Khả năng tận dụng tính kinh tế theo quy mô để sản xuất số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ là nét đặc trưng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, trong khi “quy mô chính là điểm yếu của chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp.”3

Với những chính phủ vô luật và nắm giữ quyền lực gần như không giới hạn – một trong những di sản của chủ nghĩa thực dân châu Âu đồng thời cũng là kết quả tác động liên tục của chủ nghĩa trung ương tập quyền – phần lớn hoạt động kinh tế được xếp vào khu vực không chính thức. Khi không có hệ thống pháp trị đời sống của người dân thực sự vất vả, song họ đã tự tạo ra các quy tắc cho riêng mình. Họ không trông chờ vào phương án thất bại của nhà nước, mà dựa trên luật tục truyền thống của châu Phi. Trong quá trình áp dụng luật tục này, họ đã phải đầu tư những nguồn lực khan hiếm để né tránh bộ máy nhà nước quan liêu tắt mắt, “các cơ quan quản lý thị trường” của nhà nước xã hội chủ nghĩa (một di sản khác của chế độ thực dân mà thật may đến nay nó đã bị suy yếu hoặc được xóa bỏ) là công cụ trong tay các nhà cầm quyền dùng để chèn ép giai cấp nông dân và trợ cấp cho những phe cánh của mình, đồng thời đặt ra những rào cản thuế quan và thương mại.

Các hoạt động kinh tế trong khu vực không chính thức đã có đóng góp vô cùng to lớn trong tăng trưởng kinh tế châu Phi. Nhóm Chuyên Gia trong lĩnh vực Thống Kê Khu Vực kinh tế Không Chính Thức (The Expert Group on Informal Sector Statistics) báo cáo rằng đóng góp của khu vực không chính thức (bao gồm cả nhóm ngành nông nghiệp không chính thức) đối với GDP của tiểu vùng Sahara châu Phi vào khoảng 55%, tỉ lệ này tăng lên 60% trong trường hợp tính cả Botswana và Nam Phi.4 Lợi nhuận, thương mại, và nghiệp chức là những khía cạnh vốn được được truyền lại từ bao đời của hệ thống kinh tế bản địa châu Phi.

Một thành phố châu Phi điển hình giống như một khu chợ khổng lồ; đến thăm thành phố Lagos ở Nigeria bạn sẽ thấy máu kinh doanh của người Nigeria; thành phố thực sự là một trung tâm buôn bán hối hả. Một chàng trai trẻ đổ mồ hôi trên các con phố rao bán sẵn những đồ ăn nhẹ, một cậu bé quảng cáo những chai nước suối lạnh, người bán vé vẫy gọi hành khách lên xe bus của mình, hay người nông dân đến thu hoạch trang trại dưa gần làng cùng với gia đình của mình, đó là những hoạt động do cá nhân tự định hướng với lợi nhuận tự dự tính. Đây chính là châu Phi mà tôi biết.

Và những hoạt động này là nền tảng của châu Phi trong tương lai, lục địa của những con người tự do, tự do buôn bán, hòa bình chung sống. Không phải các cơ quan cứu trợ quốc tế từ nước ngoài, cũng chẳng phải những thực dân trước đây (dù là Pháp hay Anh), hoặc các cơ quan độc quyền và quan liêu của nhà nước đã gây dựng tương lai cho chúng ta. Chính các nữ doanh nhân, các nghiệp chủ châu Phi - những người mà Giáo sư Ayittey gọi là thế hệ Cheetah – đã chống lại tham nhũng, giữ vững trách nhiệm, và sẽ không thụ động “chờ chính phủ giải quyết các vấn đề giúp họ.”5

Một nghiệp chủ người Nigeria, Tony Elumelu, kể câu chuyện về một châu Phi đầy tiềm năng trong việc giải quyết những thách thức kinh tế và xã hội mãn tính của mình thông qua doanh nghiệp tư nhân và nghiệp chức hơn là trông chờ vào các khoản viện trợ hoặc từ thiện giữa các chính phủ. Ông thúc đẩy khái niệm Chủ nghĩa Tư bản Châu Phi: “Châu Phi ‘mới’: một khu vực tư nhân được hồi sinh sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách xây dựng các doanh nghiệp và tạo ra của cải xã hội. Đây là một khởi đầu mạnh mẽ từ bỏ mô hình cũ của các chính phủ tập trung hóa quản lý nhiều ngành cơ bản, một cấu trúc thường phát triển theo hướng gợi ý của các tổ chức phát triển tài chính quốc tế đầy thiện chí song lạc lối, cấu trúc này cũng được bổ sung thêm bởi chương trình từ thiện và viện trợ nước ngoài nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội.”

Trong tuyên ngôn của mình, Africapitalism: The Path to Economic Prosperity and Social Wealth [Chủ nghĩa tư bản châu Phi: Đường đến thịnh vượng kinh tế và xã hội giàu có], Elumelu đưa ra một trường hợp cụ thể về doanh nghiệp tư nhân và chủ nghĩa tư bản, từ đó khuyến khích “các hoạt động đầu tư lâu dài, sản sinh của cải giúp xây dựng cộng đồng và tạo ra cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực”. Elumelu tán thành các giải pháp dựa trên cơ sở thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội của châu Phi, đồng thời ủng hộ việc áp dụng chủ nghĩa tư bản thị trường tự do làm phương pháp tiếp cận để “xây dựng và định vị lại thương hiệu châu Phi như một miền đất hứa cho hoạt động đầu tư, tạo mới, và nghiệp chức.”6

Tôi tin rằng để trở nên thịnh vượng, châu Phi cần hiện đại hóa hơn nữa, nhưng châu lục này không phải đi theo con đường phải “Tây hóa” hơn. Trong nhiều tác phẩm của mình bao gồm cuốn How Colonialism Preempted Modernity in Africa [Chủ nghĩa thực dân đã đặt nền móng cho tính hiệu đại ở châu Phi như thế nào], Giáo sư Olúfémi Táíwò bác bỏ “quan niệm truyền thống luôn đặt châu Phi bên ngoài các ranh giới thông thường của nhân loại.” Tính hiện đại không phải là đặc tính riêng và duy nhất dành cho người phương Tây hay châu Âu. Giáo sư Táíwò lập luận rằng khi hiểu được “chủ nghĩa thực dân đã triệt hạ tính hiện đại ở châu lục này như thế nào, chúng ta có thể lập nên một bản cáo trạng đanh thép hơn nữa cáo buộc chủ nghĩa thực dân, đồng thời lấy lại những di sản quý giá trong quá trình chuyển đổi sang thời kỳ hiện đại của thời kỳ trước đây của châu Phi, song đã bị chế độ đô hộ của chủ nghĩa thực dân hủy hoại.”7

Điều quan trọng là chúng ta cần phân biệt giữa hiện đại hóa và phương Tây hóa. Hai hiện tượng này hoàn toàn riêng biệt và tách rời. Ngày nay, hiện đại hóa được cho là kỷ nguyên của sự tương tác giữa các nền văn minh - châu Phi, châu Mĩ (Bắc, Trung, Nam), châu Á, châu Âu. Chủ nghĩa bảo hộ và hạn chế giao thương đã chia cắt châu Phi, không chỉ tách rời các bộ phận khác trên thế giới, mà giữa các khu vực khác nhau của chính châu lục này. Không có vùng nào được gọi là “châu Phi nguyên bản” dựa trên bản đồ vẽ bởi thực dân châu Âu trong hội nghị Berlin năm 1884 – 1885. Các trí thức châu Phi cần phải từ chối những tư tưởng vô lý như chủ nghĩa Mác-xít và loại bỏ những khuynh hướng đạo đức giả chống phương Tây của họ cũng như thiên hướng ủng hộ khái niệm “nguyên bản” nực cười của họ. Châu Phi cần gia nhập công cuộc hiện đại hóa và không thể để bị đặt “bên ngoài những ranh giới thông thường của nhân loại.”

Hiện đại hoá có nghĩa là khuyến khích giá trị của cá nhân con người. Điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy sản xuất thông qua hợp tác tự nguyện và trao đổi tự do. Nó còn mang ý nghĩa là tin tưởng vào chứng cứ xác thực thay vì mê tín dị đoan, coi trọng luật pháp thay vì vũ lực, chú trọng sản xuất thay vì cướp bóc. Điều đó có nghĩa là đi theo tự do của chính chúng ta, cũng như tự do của mỗi con người. Như Giáo sư Táíwò giải thích trong cuốn Africa Must Be Modern [Châu Phi phải hiện đại], “Chúng ta vẫn chưa thực sự tôn trọng các cá nhân nếu chỉ bởi chúng ta cũng thích lựa chọn của họ hoặc đồng tình với họ, hay thậm chí thấy họ cũng chấp nhận được. Thực ra thì chúng ta buộc phải tôn trọng họ hơn nữa, ngay cả khi chúng ta không thích lựa chọn của họ và bị họ cùng những việc làm của họ áp đảo. Tôn trọng vị thế tuyệt đối của con người với tư cách là một thành viên trong xã hội loài người đánh dấu kỷ nguyên hiện đại.”8

Chủ nghĩa tự do cá nhân ở châu Phi ngày càng lan tỏa. Không chỉ riêng thế hệ Cheetah sẽ thay đổi châu Phi, mà còn có những người thuộc thế hệ chúng ta nữa, các sinh viên vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta không thể nhẫn nhịn hơn đối với các chính phủ tham nhũng, tắt mắt, và tàn bạo. Chúng ta lên án các nhà cầm quyền độc đoán như là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Chúng ta hoan nghênh – và yêu cầu – tăng tốc xu hướng một chính phủ cần có trách nhiệm hơn nữa đồng thời bị hạn quyền bằng hiến pháp, hướng tới các thị trường tự do, quyền tự do báo chí và ngôn luận. Chúng ta yêu cầu tinh thần trách nhiệm và quyền tự do sống cuộc sống của chính chúng ta, tự do đưa ra những lựa chọn của bản thân, và tự do theo đuổi hạnh phúc của riêng mỗi người. Chủ nghĩa tự do cá nhân sẽ thay đổi châu Phi theo chiều hướng tích cực hơn, và người dân châu Phi cũng sẽ thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.

Chú thích:

(1) George B. N. Ayittey, Defeating Dictators: Fighting Tyranny in A$ica and Around the World (New York: Palgrave Macmillan, 2011), trang 43.

(2) Robert Hessen. “Corporations,” The Concise Encyclopedia of Economics. 2008. Library of Economics and Liberty.. Truy cập ngày 19 tháng 3, 2013 trên trang web www.econlib.org/library/Enc/Corporations.html.

(3) George B. N. Ayittey, như trên., trang 76.

(4) Jacques Charmes, “Measurement of the Contribution of Informal Sector and Informal Employment to GDP in Developing Countries: Some Conceptual and Methodological Issues,” có tại trang web www.unescap.org/stat/isie/reference-materials/Nationl-Accounts/Measurement-Contribution-GDP-Concept-Delhi-Group.pdf.

(5) Xem bài thuyết trình của giáo sư George B. N. Ayittey tại Ted www.ted.com/talks/george_ayittey_on_cheetahs_vs_hippos.html.

(6) Tony O.Elumelu, Afficapitalism: The Path to Economic Prosperity and Social Wealth, www.tonyelumelufoundation.org/sites/tonyelumelufoundation.org/files/Africapitalism%20White%20Paper%20FINAL.pdf

(7) Olúfémi Táíwò How Colonialism Preempted Modernity in Affica (Bloomington: Nhà xuất bản Đại học Indiana, 2010), trang 48.

(8) Olúfémi Táíwò, Affica Must Be Modern (Ibadan, Nigeria, Bookcraft 2011), trang 48.

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.

Dịch giả:
Nguyễn Minh Huệ
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.