Chủ nghĩa tư bản và tự do: Chức năng kiểm soát tiền tệ (Phần 5)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: Chức năng kiểm soát tiền tệ (Phần 5)

(Tiếp theo Phần 4)

Chương III: Chức năng kiểm soát tiền tệ

Trong vài thập niên vừa qua, “toàn dụng lao động” và “tăng trưởng kinh tế” đã trở thành lý do chủ yếu để biện minh cho việc mở rộng mức độ can thiệp của chính quyền trong các vấn đề kinh tế. Theo quan điểm này, một nền kinh tế tư nhân tự do kinh doanh luôn chứa đựng sự bất ổn. Nếu để bản thân nó tự hoạt động, những chu kỳ kinh tế, hết tăng trưởng đến suy thoái, sẽ xảy ra. Vì thế, chính quyền cần can thiệp để giữ cho mọi thứ ổn định. Những lập luận này đặc biệt có sức thuyết phục trong và sau thời Đại Suy Thoái vào những năm 1930, và là thành tố chính dẫn đến sự ra đời của Chính sách kinh tế mới (New Deal) ở đất nước này (Mỹ - ND) và theo đó là sự mở rộng tương ứng những can thiệp của chính quyền trong các lĩnh vực khác. Gần đây hơn, “tăng trưởng kinh tế’’ đã trở thành lời hiệu triệu phổ biến để tập hợp lực lượng. Theo lập luận này, chính quyền cần đảm bảo rằng nền kinh tế tiếp tục mở rộng để có thể cung cấp phương tiện cần thiết cho chiến tranh lạnh và chứng minh cho các nước không liên kết trên thế giới thấy rằng một nhà nước dân chủ có thể phát triển nhanh hơn một nhà nước cộng sản.

Các lập luận này hoàn toàn gây hiểu nhầm. Thực tế cho thấy cuộc Đại Suy Thoái, cũng như phần lớn các thời kỳ thất nghiệp nghiêm trọng khác, là do sự quản lý yếu kém của chính quyền chứ không phải đến từ bất kỳ sự bất ổn cố hữu nào của nền kinh tế tư nhân. Cục Dự trữ Liên bang là một cơ quan do chính phủ thành lập, được phân công chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ. Trong năm 1930 và 1931, cơ quan này đã thực thi trách nhiệm này một cách ngớ ngẩn đến mức biến một quá trình thu hẹp vừa phải thành một thảm hoạ khủng khiếp (xem thêm trang 45-50 bên dưới). Tương tự như thế, ngày nay các biện pháp can thiệp của chính quyền tạo ra những trở ngại chính cho sự tăng trưởng kinh tế ở Mỹ. Ngoài thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại quốc tế, gánh nặng thuế cao với một hệ thống thuế phức tạp và không bình đẳng, các uỷ ban điều hành, chính sách cố định giá và tiền lương, nhiều biện pháp khác của chính quyền khuyến khích các cá nhân sử dụng sai và định hướng sai các nguồn lực, cũng như làm méo mó hoạt động đầu tư từ các khoản tiết kiệm mới. Để ổn định kinh tế và tăng trưởng, điều chúng ta cần làm ngay lúc này chính là giảm chứ không phải tăng cường sự can thiệp của chính quyền.

Tuy nhiên, việc giảm thiểu can thiệp này vẫn chừa lại một vai trò quan trọng cho chính quyền trong các lĩnh vực trên. Sẽ rất lý tưởng nếu để chính quyền đảm nhiệm vai trò tạo ra khung khổ chính sách tiền tệ ổn định cho một nền kinh tế tự do – đây chính là một phần trong chức năng cung cấp khung khổ pháp lý ổn định của chính quyền. Cũng thật đáng mơ ước nếu chính quyền thực hiện chức năng cung cấp khung khổ pháp lý và kinh tế chung, cho phép các cá nhân đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế miễn là điều đó phù hợp với các giá trị của họ.

Những lĩnh vực chính trong chính sách mà chính phủ có thể góp phần làm ổn định kinh tế là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, hay còn gọi là chính sách ngân sách. Chương này sẽ thảo luận về chính sách tiền tệ trong nước, chương tiếp theo là những thể chế tài chính quốc tế và chương V sẽ bàn về chính sách tài khoá hay chính sách ngân sách.

Nhiệm vụ của chúng ta trong chương này và chương tiếp theo là mở ra một lối đi giữa hai luồng quan điểm. Mặc dù cả hai đều có sức hút riêng, nhưng chẳng thể chấp nhận được phương án nào. Quan điểm Scylla cho rằng một hệ thống bản vị vàng tự động thuần tuý vừa khả thi lại vừa lý tưởng sẽ giải quyết tất cả các vấn đề trong việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các cá nhân và các quốc gia trong một môi trường ổn định. Quan điểm Charybids cho rằng, để thích ứng với những hoàn cảnh bất ngờ/ khó đoán định, đòi hỏi các chuyên gia được tuyển chọn vào trong một ngân hàng trung ương “độc lập”, hoặc trong một cơ quan công quyền nào đó, phải được trao quyền tùy nghi rộng rãi. Chưa quan điểm nào chứng minh được tính ưu việt trong quá khứ; và chẳng quan điểm nào hứa hẹn triển vọng trong như tương lai.

Một người theo chủ nghĩa tự do về cơ bản lo sợ sự tập trung quyền lực. Mục tiêu của anh ta là bảo vệ tối đa tự do cá nhân của mỗi người một cách riêng rẽ sao cho quyền tự do của người này không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Anh ta tin rằng mục tiêu này đòi hỏi quyền lực phải được phân tán. Anh ta nghi ngờ việc giao vào tay chính quyền những chức năng mà có thể được thực thi thông qua thị trường, bởi điều này vừa đưa việc cưỡng chế thế chỗ cho hợp tác tự nguyện trong lĩnh vực đang xem xét và hơn nữa, khi tăng cường một vai trò nào đó của chính quyền thì cũng đồng thời khiến tự do trong các lĩnh vực khác sẽ bị đe dọa.

Nhu cầu phân tán quyền lực đã làm phát sinh những vấn đề đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực quản lý tiền tệ. Việc chính phủ cần gánh vác trách nhiệm đối với các vấn đề tiền tệ nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Người ta cũng phải công nhận rằng kiểm soát tiền có thể là một công cụ hiệu quả giúp kiểm soát và định hình nền kinh tế. Tính hiệu quả ấy còn được tăng thêm phần kịch tính trong tuyên bố nổi tiếng của Lenin rằng cách hữu hiệu nhất để phá huỷ một xã hội là phá huỷ đồng tiền của xã hội đó. Từ thủa sơ khởi, điều này được minh hoạ thông qua cách diễn đạt bình dân hơn, theo đó việc kiểm soát đồng tiền cho phép các nhà cầm quyền áp đặt sưu cao thuế nặng trên diện rộng đối với người dân, và điều này thường xuyên diễn ra mà không cần phải có sự đồng thuận của cơ quan lập pháp, ngay cả khi có cơ quan này. Điều này vẫn đúng từ những thời đại trước, khi mà các quân vương ăn bớt tiền kim loại hay trong thời đại ngày nay, đã có những phương thức tương tự với kỹ thuật hiện đại tinh vi hơn bằng cách khởi động máy in tiền hay đơn thuần là điều chỉnh các bút toán. Vấn đề ở đây chính là làm thế nào để thiết lập được các thiết chế vừa cho phép chính phủ thực thi trách nhiệm về tiền tệ lại vừa giới hạn quyền lực của chính phủ và ngăn chặn việc quyền lực đó làm suy yếu thay vì củng cố xã hội tự do.

BẢN VỊ HÀNG HOÁ

Trong lịch sử, bản vị được sử dụng thường xuyên nhất ở nhiều nơi và xuyên suốt chiều dài nhiều thế kỷ chính là bản vị hàng hoá, ví dụ, nhiều hàng hoá vật chất như vàng, bạc, đồng thau hoặc thiếc, xì gà hoặc rượu cô-nhắc, cũng như nhiều hàng hoá phong phú khác được sử dụng như tiền. Nếu như tiền chỉ hoàn toàn là hàng hoá vật chất kiểu này, thì về nguyên tắc chẳng cần đến sự kiểm soát của chính quyền. Khối lượng tiền trong xã hội sẽ phụ thuộc vào chi phí sản xuất hàng hoá có chức năng tiền tệ hơn là những thứ khác. Những thay đổi trong khối lượng tiền sẽ phụ thuộc vào những thay đổi trong điều kiện kỹ thuật của việc sản xuất hàng hoá có chức năng tiền tệ và thay đổi về cầu tiền. Đó là một lý tưởng cổ vũ cho nhiều tín đồ của chế độ bản vị vàng tự động.  

Các bản vị hàng hoá thực sự khác xa so với dạng thức bản vị đơn giản không cần sự can thiệp của chính quyền kể trên. Trong lịch sử, một bản vị hàng hoá, chẳng hạn bản vị vàng hoặc bản vị bạc, luôn đi kèm với sự phát triển của tiền tín thác (fiduciary money) dưới hình thức này khác, theo đó khoản tín thác này có vẻ dễ dàng quy đổi thành hàng hoá có chức năng tiền tệ theo những tỷ lệ cố định. Đó là lý do rất tốt để phát triển kiểu tiền này. Nhược điểm cơ bản của bản vị hàng hoá, nhìn từ quan điểm của toàn xã hội, là nó đòi hỏi việc sử dụng tài nguyên thật để bổ sung vào lượng tiền. Con người phải vất vả đào vàng từ lòng đất ở Nam Phi, để lại chôn nó ở Fort Knox hoặc những chỗ tương tự. Nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thực cho hoạt động của một chế độ bản vị đã trở thành động cơ mạnh mẽ khuyến khích con người tìm cách đạt được kết quả tương tự mà không cần dùng đến những tài nguyên này. Ví dụ nếu người dân chấp nhận những tờ tiền giấy có in “tôi hứa sẽ trả (ngần này) đơn vị của bản vị hàng hoá”, những tờ giấy này có thể thực hiện chức năng tương tự như những miếng vàng, bạc vật chất, và chúng đòi hỏi rất ít tài nguyên để sản xuất. Điểm này, như tôi đã từng thảo luận chi tiết ở đâu đó, dường như với tôi chính là trở ngại nền tảng đối với một bản vị hàng hoá. 

Nếu như một chế độ bản vị hàng hoá tự động là khả thi, nó sẽ là một giải pháp tuyệt vời cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của người theo chủ nghĩa tự do: một khung khổ tiền tệ ổn định mà không sợ các cơ quan quyền lực quản lý tiền tệ thực thi vô trách nhiệm. Ví dụ như nếu có một chế độ bản vị vàng đúng nghĩa, theo đó toàn bộ tiền của một quốc gia đều là vàng, được công chúng ủng hộ rộng rãi với niềm tin nhuốm màu thần thoại về bản vị vàng và với quan điểm rằng sự can thiệp của chính quyền là vô đạo đức và không phù hợp, nó sẽ tạo ra một lá chắn hiệu quả chống lại sự can thiệp của chính quyền vào hệ thống tiền tệ cũng như những hành động vô trách nhiệm liên quan đến tiền tệ khác. Dưới chế độ bản vị như vậy, bất kỳ quyền lực tiền tệ nào của chính phủ cũng sẽ rất khiêm tốn về quy mô. Thế nhưng, như đã đề cập thì một hệ thống tự động như vậy chưa từng được chứng minh là khả thi trong lịch sử. Nó luôn có xu hướng phát triển thành một hệ thống phức hợp, khi mà ngoài hàng hóa tiền tệ ra còn bao gồm cả những yếu tố tín thác như tín phiếu ngân hàng hoặc tiền gửi, cũng như tín phiếu chính phủ. Và một khi yếu tố tín thác được đưa vào thì khó mà tránh khỏi sự kiểm soát của chính phủ, kể cả lúc ban đầu nó được phát hành bởi các thành phần tư nhân. Nguyên nhân cơ bản là do sự khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng giả mạo hoặc đảm bảo sự tương đương về giá trị kinh tế. Tiền tín thác là một hợp đồng cho phép chi trả tiền bản vị. Thường thì sẽ xảy ra việc có một thời gian dài giữa thời điểm tạo ra hợp đồng và thời điểm hiện thực hóa giá trị hợp đồng đó. Điều này làm tăng thêm khó khăn trong việc thực thi hợp đồng cũng như tiếp tay cho việc lập ra các hợp đồng gian lận. Thêm vào đó, một khi những nhân tố tín thác được cân nhắc xem xét, chính bản thân chính phủ cũng sẽ thừa cơ phát hành tiền tín thác. Do đó trên thực tế, các bản vị hàng hoá có khuynh hướng trở thành các bản vị hỗn hợp hàm chứa cả những can thiệp mở rộng của nhà nước.    

Cũng cần lưu ý rằng, dù có rất nhiều cuộc bàn luận của nhiều người ưa chuộng bản vị vàng, hầu như không ai ngày nay thực sự mong muốn một chế độ bản vị vàng đúng nghĩa (honest-to-goodness) và đầy đủ. Ai đó nói muốn có một chế độ bản vị vàng thì dường như anh ta nói về loại bản vị hiện nay, loại bản vị được duy trì từ những thập niên 1930; một chế độ bản vị vàng được quản lý bởi một ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan chính phủ khác, trong đó có giữ một lượng nhỏ vàng như là “vật bảo chứng” (backing) – một khái niệm đã bị sử dụng rất sai lầm – cho tiền tín thác. Một số người thậm chí còn đi xa hơn đến mức thích kiểu bản vị đã được duy trì suốt những năm 1920, thực chất là sự lưu thông theo đúng nghĩa đen của vàng hoặc các chứng chỉ vàng như kiểu tiền mặt trao tay – một bản vị tiền xu vàng (gold-coin standard), ngay cả khi họ ưa thích sự tồn tại song song với vàng là những đồng tiền tín thác của chính phủ cộng với các khoản tiền gửi được phê chuẩn bởi các ngân hàng đang nắm giữ các khoản dự trữ riêng rẽ dưới dạng vàng hoặc đồng tiền tín thác. Thậm chí trong suốt thời hoàng kim của bản vị vàng trong thế kỷ XIX, khi ngân hàng Anh được cho rằng đã điều hành chế độ bản vị vàng một cách rất có nghề, hệ thống tiền tệ đó còn xa mới được coi là một chế độ bản vị vàng hoàn toàn tự động. Thậm chí sau này nó chính là là một loại bản vị được quản lý rất nghiêm ngặt. Và rõ ràng tình hình này hiện nay còn khắc nghiệt hơn khi các quốc gia lần lượt chấp nhận quan điểm cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm “toàn dụng lao động”.  

Kết luận của tôi là một bản vị hàng hoá tự động không khả thi và cũng không phải một giải pháp lý tưởng trong việc thiết lập những thể chế tiền tệ cho một xã hội tự do. Nó không lý tưởng vì nó sẽ tiêu tốn một lượng lớn nguồn tài nguyên khi bị dùng để sản xuất hàng hoá tiền tệ. Nó không khả thi vì những phép màu hay niềm tin cần có để nó hiệu quả đều không tồn tại.

Kết luận này được củng cố không chỉ bởi những bằng chứng lịch sử phổ quát đã trích dẫn mà còn bằng trải nghiệm riêng của nước Mỹ. Từ 1879, khi nước Mỹ quay lại với hình thức thanh toán bằng vàng sau cuộc Nội chiến, cho tới năm 1913, nước Mỹ đã hoàn toàn áp dụng chế độ bản vị vàng. Mặc dù gần với một chế độ bản vị vàng tự động đúng nghĩa hơn bất kỳ chế độ nào chúng ta đề cập từ khi kết thúc Thế chiến I, bản vị vàng này vẫn còn cách xa so với tiêu chuẩn bản vị vàng 100% thuần chất. Chính phủ vẫn phát hành tiền giấy, và ngân hàng tư nhân cũng phát hành phương tiện lưu thông hữu hiệu nhất dưới dạng tiền gửi; các hoạt động của ngân hàng bị điều tiết sát sao bởi các cơ quan nhà nước – các ngân hàng cấp quốc gia bị điều tiết bởi Uỷ ban kiểm soát tiền tệ, các ngân hàng cấp bang bị điều tiết bởi các cơ quan ngân hàng cấp bang. Dù vàng được Kho bạc, ngân hàng hay các cá nhân trực tiếp nắm giữ dưới dạng đồng tiền vàng hay chứng chỉ vàng, cũng chỉ chiếm từ khoảng 10 – 20% khối lượng tiền, tỷ lệ chính xác thay đổi tuỳ theo từng năm. 80% đến 90% còn lại là bạc, tiền tín thác, và tiền gửi ngân hàng không tương ứng với lượng vàng dự trữ.

Nếu xem xét lại, ta sẽ thấy hệ thống đó có vẻ vận hành khá hợp lý. Tuy nhiên, đối với người Mỹ tại thời điểm đó thì rõ ràng không phải như vậy. Sự phản đối sử dụng bạc vào những năm 1880 bị đẩy đến cực điểm trong bài phát biểu Thập tự Vàng của Bryan đã tạo ra tiền đề cho cuộc bầu cử năm 1896, chính là một dấu hiệu của sự bất mãn. Ngược lại, sự phản đối đó phải chịu trách nhiệm chính cho những năm suy thoái trầm trọng vào đầu thập niên 1890. Sự phản đối dẫn đến một nỗi sợ bao trùm rằng nước Mỹ sẽ hết sạch vàng và do đó đồng đô la sẽ mất giá so với các đồng tiền nước ngoài. Điều này dẫn đến một cuộc tháo chạy khỏi đồng đô la và dòng vốn chảy ra nước ngoài, dẫn đến tình trạng giảm phát ở quê nhà. 

Những cuộc khủng hoảng tài chính nối đuôi nhau vào những năm 1873, 1884, 1890 và 1893 dẫn đến đòi hỏi phải có sự tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong một bộ phận của cộng đồng doanh nghiệp và ngân hàng. Cuộc khủng hoảng năm 1907 liên quan đến việc hàng loạt ngân hàng từ chối chuyển đổi các khoản tiền gửi thành tiền mặt theo yêu cầu dẫn đến sự tích tụ cảm giác bất mãn với hệ thống tài chính, đòi hỏi chính phủ phải có hành động can thiệp khẩn cấp. Một Hội đồng tiền tệ quốc gia được thành lập bởi Quốc hội, và những khuyến nghị được trình bày vào năm 1910 của cơ quan này đã được đưa vào Đạo luật dự trữ liên bang và sau đó được thông qua vào năm 1913. Những chương trình cấu trúc theo Đạo luật này nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp trong cộng đồng, từ tầng lớp lao động đến các nhân viên ngân hàng, và cả các đảng phái chính trị. Chủ tịch của Hội đồng tiền tệ quốc gia là một người của Đảng Cộng hoà, Nelson W. Aldrich trong khi thượng nghị sĩ chịu trách nhiệm cho Đạo luật dự trữ liên bang là một người của Đảng Dân chủ, Carter W.Glass.

Sự thay đổi trong các thiết chế tiền tệ được Đạo luật dự trữ liên bang đưa ra trên thực tế lớn lao hơn nhiều so với ý định ban đầu của các nhà thiết kế và những người ủng hộ. Tại thời điểm mà Đạo luật được thông qua, chế độ bản vị vàng đang thống trị hùng mạnh trên khắp thế giới, tuy không phải là một chế độ bản vị vàng đầy đủ nhưng cũng gần với mức lý tưởng hơn bất cứ chế độ bản vị vàng nào chúng ta đã từng biết đến. Mọi người đều mặc định rằng nó sẽ cứ tiếp tục như thế và do đó sẽ bó hẹp quyền lực của Hệ thống dự trữ liên bang. Đạo luật được thông qua chưa được bao lâu thì Thế chiến I bùng phát. Cùng lúc đó là một lệnh ngừng sử dụng bản vị vàng trên quy mô lớn được ban hành. Vào thời điểm kết thúc chiến tranh, Hệ thống dự trữ liên bang, vốn dĩ được sinh ra để đảm bảo khả năng chuyển đổi từ một dạng tiền này sang các dạng tiền khác cũng như điều tiết và giám sát các ngân hàng, đã không còn là nhánh phụ của chế độ bản vị vàng. Nó trở thành một cơ quan tùy nghi đầy quyền lực có khả năng quyết định lượng tiền của nước Mỹ và ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính quốc tế trên khắp thế giới.

MỘT CƠ QUAN TIỀN TỆ TÙY NGHI

Kể từ sau Đạo luật ngân hàng quốc gia thời nội chiến, sự ra đời của Cục dự trữ liên bang là sự thay đổi đáng kể nhất trong thể chế tiền tệ nước Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi hiến chương Đệ nhị Ngân hàng của nước Mỹ hết hiệu lực vào năm 1836, nước này đã thành lập ra một định chế chính thức độc lập chịu trách nhiệm rõ ràng về các vấn đề tiền tệ, và được coi như nắm giữ quyền lực thích đáng để đạt tới sự ổn định tiền tệ hay ít nhất là ngăn chặn sự bất ổn tiềm tàng. Vậy nên cũng dễ hiểu khi chúng ta so sánh kinh nghiệm trên quy mô tổng thể trước và sau sự ra đời (ngay sau khi kết thúc Nội chiến đến năm 1914 và từ năm 1914 đến nay, hai giai đoạn có độ dài tương đương). 

Giai đoạn thứ hai rõ ràng là bất ổn hơn về mặt kinh tế, dù sự bất ổn được đo bằng sự biến động của khối lượng tiền, bằng giá cả hoặc bằng sản lượng. Sự bất ổn lớn hơn này phần nào đó phản ánh tác động của hai cuộc thế chiến trong suốt giai đoạn này, và đây rõ ràng là một nguyên nhân tạo nên bất ổn dù chúng ta có đang sử dụng hệ thống tiền tệ nào đi chăng nữa. Nhưng ngay cả khi tạm bỏ qua những năm chiến tranh và những năm hậu chiến mà chỉ quan tâm đến những năm hoà bình, nói chính xác là từ năm 1920 đến năm 1939, và từ năm 1947 đến ngày nay (tức năm 1962, năm xuất bản cuốn sách- ND), thì kết quả cũng hệt như vậy.  Khối lượng tiền, giá cả và sản lượng chắc chắn là bất ổn hơn so với trước khi có Hệ thống dự trữ. Giai đoạn biến động mạnh nhất đối với sản lượng chắc chắn là giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến bao gồm những thời kỳ thu hẹp nghiêm trọng trong những năm 1920 -1921, 1929-1933 và 1937-1938. Không có bất kỳ giai đoạn hai mươi năm nào khác trong lịch sử nước Mỹ lại chứa đến ba lần thu hẹp nghiêm trọng như vậy. 

Sự so sánh thô mộc này hiển nhiên là không đủ để chứng minh rằng Cục dự trữ liên bang thất bại trong việc ổn định tiền tệ. Có lẽ các vấn đề mà Cục phải xử lý trầm trọng hơn nhiều so với những vấn đề đã tác động đến cấu trúc tiền tệ thời kỳ trước đó. Và cũng có lẽ những vấn đề này đã gây ra một mức độ bất ổn tiền tệ còn lớn hơn dưới thời những thiết chế tiền tệ trước đó. Tuy vậy sự so sánh thô mộc này ít nhất cũng cho độc giả một chút lưu tâm trước khi quý vị coi mọi thứ là hiển nhiên như thường lệ, nghĩa là cho rằng một cơ quan được thành lập lâu đời, quyền lực và lan toả rộng khắp như Cục dự trữ liên bang đang thực thi những chức năng cần thiết và đáng mơ ước, đồng thời đang góp phần đạt được mục tiêu đề ra ban đầu khi thành lập. 

Dựa trên nghiên cứu sâu rộng về bằng chứng lịch sử, điều khiến tôi bị thuyết phục là sự khác biệt giữa mức độ ổn định kinh tế như so sánh thô mộc giữa hai thời kỳ chỉ ra thực chất bắt nguồn từ sự khác biệt giữa các thiết chế tiền tệ. Bằng chứng lịch sử này thuyết phục tôi rằng có ít nhất một phần ba mức giá cả tăng trong và ngay sau khi kết thúc Thế chiến I có thể quy cho sự ra đời của Hệ thống dự trữ liên bang và giá cả sẽ không tăng như thế nếu như hệ thống ngân hàng của thời kỳ trước được giữ lại; cũng như thuyết phục tôi rằng sự trầm trọng của những pha thu hẹp lớn -- 1920-21, 1929-33, và 1937-38 trực tiếp bắt nguồn từ những hành động cam kết và bỏ qua của những người phụ trách Hệ thống dự trữ, và điều này sẽ không xảy ra nếu như vẫn còn dưới thời những thiết chế tiền tệ và ngân hàng trước đó. Có lẽ sẽ vẫn có những đợt suy giảm vào lúc này hay lúc khác, nhưng khả năng cao là sẽ không cuộc suy giảm nào biến chứng thành một cuộc thu hẹp quy mô lớn cả. 

Chắc chắn tôi sẽ không thể trình bày bằng chứng đó tại đây2. Tuy vậy, xét trên quan điểm về tầm quan trọng mà cuộc Đại suy thoái 1929-1933 đóng vai trò trong việc định hình, hoặc theo cách nói của tôi, tái định hình thái độ chung (của xã hội-ND) đối với vai trò của chính quyền trong những vấn đề kinh tế, thì có lẽ đáng để trình bày đầy đặn hơn trong chương này những ý tứ ẩn chứa được gợi lên từ bằng chứng trên.  

Thị trường chứng khoán, do tính chất kịch tính của mình, đã sụp đổ vào tháng Mười năm 1929, chấm dứt thời kỳ thị trường giá lên trong năm 1928 và năm 1929, và sự kiện này thường được coi vừa như là điểm bắt đầu vừa như là nguyên nhân chính gây ra cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, cả hai quan niệm này đều không đúng. Hoạt động kinh doanh đạt lên đến đỉnh cao vào giữa năm 1929, chỉ vài tháng trước cuộc sụp đổ.  Đỉnh này lẽ ra đã đến sớm hơn so với thực tế, một phần là do Cục dự trữ liên bang áp đặt các điều kiện tiền tệ tương đối chặt chẽ trong nỗ lực kiềm chế nạn “đầu cơ” – với ảnh hưởng gián tiếp này, thị trường chứng khoán có lẽ cũng đóng một vai trong việc dẫn đến giai đoạn thu hẹp. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đến lượt nó rõ ràng gây ra những tác động gián tiếp đến niềm tin doanh nghiệp và đến mong muốn chi tiêu của các cá nhân, và điều này đã kéo lùi hoạt động kinh doanh.  Tuy nhiên, nếu chỉ có những ảnh hưởng như vậy thì không thể đánh sập các hoạt động kinh tế. Ở mức độ cao nhất, chúng khiến cho giai đoạn thu hẹp kéo dài hơn và trầm trọng hơn so với những đợt suy giảm nhẹ, thông thường làm ngắt quãng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ xuyên suốt lịch sử; tuy vậy chúng không tạo nên những thảm hoạ kinh tế.  

Đối với năm đầu tiên, sự co hẹp nền kinh tế không thể hiện điều gì đặc biệt như trong giai đoạn sau đó. Nếu so với năm đầu tiên của hầu hết những chu kỳ suy giảm, sự suy giảm kinh tế giai đoạn sau đó nghiêm trọng hơn rất nhiều, và đây có thể là hệ lụy từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán cộng với sự thắt chặt tiền tệ đã được duy trì từ giữa những năm 1928. Tuy nhiên nó không thể hiện những đặc tính khác biệt nào về bản chất, không có dấu hiệu biến hoá thành một thảm hoạ lớn. Trừ những lập luận ngây thơ theo kiểu năm nay đã thế thì năm sau cũng thế (post hoc ergo propter hoc reasoning), thì không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng kinh tế trong tháng Chín và tháng Mười năm 1930 có nguy cơ cao dẫn đến một cuộc suy giảm kéo dài và trầm trọng trong những năm tiếp theo. Khi nghĩ lại, rõ ràng là Cục dự trữ lẽ ra nên hành xử theo một cách khác, tức không nên cắt giảm khối lượng tiền gần 3% từ tháng Tám năm 1929 đến tháng Mười năm 1930 - đây không chỉ là một đợt cắt giảm lớn nhất trong suốt thời kỳ mà còn là đợt cắt giảm trầm trọng nhất so với những giai đoạn thu hẹp đáng kể trước đó. Mặc dù đây là một sai lầm, nhưng có lẽ có thể tha thứ được và rõ ràng là không đáng bị chỉ trích.   

Đặc tính của giai đoạn thu hẹp diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn vào tháng Mười một năm 1930 khi một loạt các ngân hàng sụp đổ dẫn đến một cuộc rút vốn lan rộng khắp các ngân hàng, tức là việc những người gửi tiền muốn chuyển tiền gửi thành tiền mặt. Sự lan rộng này bắt nguồn từ một vùng của đất nước, lan sang các vùng khác và lên tới đỉnh điểm với sự sụp đổ vào tháng Mười hai năm 1930 của Ngân hàng Mỹ. Sự sụp đổ này đáng trở thành cột mốc không chỉ vì Ngân hàng Mỹ là một trong những ngân hàng lớn nhất đất nước, với hơn 200 triệu USD tiền gửi, mà còn bởi vì mặc dù nó thuần tuý chỉ là một ngân hàng thương mại nhưng cái tên của nó đã dẫn đến việc nhiều người trong và ngoài nước nghĩ đấy là một ngân hàng nhà nước.

Trước tháng Mười năm 1930, không có dấu hiệu nào của cuộc khủng hoảng thanh khoản, hoặc bất kỳ sự mất tin tưởng nào vào các ngân hàng. Nhưng ngay sau đó nền kinh tế liên tục sống dở chết dở bởi những cuộc khủng hoảng thanh khoản lặp đi lặp lại. Cơn sóng sụp đổ của ngân hàng tạm lắng xuống một thời gian, rồi sau đó lại bùng lên những đợt sụp đổ lớn hoặc các sự kiện khác khiến cho người ta mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng và ồ ạt rút tiền.  Những sự kiện này rất quan trọng không chỉ bởi, hay thậm chí chủ yếu bởi, sự sụp đổ của các ngân hàng mà còn bởi tác động của nó đến khối lượng tiền.

Trong một hệ thống ngân hàng dự trữ một phần như của chúng ta, chắc chắn một ngân hàng không thể có một đô la tiền mặt (hoặc tương đương) cho một đô la tiền gửi. Đó là lý do mà “tiền gửi” là một thuật ngữ gây hiểu lầm. Khi bạn gửi 1 đô la vào một ngân hàng thì ngân hàng đó sẽ trích ra 15 hoặc 20 cent để đưa vào quỹ tiền mặt của nó; phần còn lại nó sẽ đem cho vay qua một cửa khác. Người vay tiền đến lượt mình lại có thể tái gửi tiền trong chính ngân hàng mình vừa vay hoặc một ngân hàng khác, và chu trình cứ thế được lặp lại. Kết quả là để có một đô la tiền mặt, các ngân hàng phải nợ nhiều đô la tiền gửi. Tổng khối lượng tiền – tiền mặt cộng với tiền gửi – tương ứng với một khối lượng tiền mặt nhất định càng lớn nếu như phần tiền mà công chúng muốn giữ như là tiền gửi càng lớn. Bất kỳ một nỗ lực rộng khắp nào của những người gửi tiền nhằm “lấy lại tiền của họ” đều khiến cho tổng khối lượng tiền giảm xuống trừ khi có cách nào đó tạo ra tiền bổ sung và ngân hàng có thể có được số tiền này. Mặt khác, một ngân hàng trong nỗ lực làm hài lòng những người gửi tiền, sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng khác bằng cách thu hồi những khoản cho vay, bán đi những khoản đầu tư hoặc rút tiền gửi ra và những ngân hàng khác đến lượt mình sẽ lại tạo áp lực lên các ngân hàng khác nữa. Vòng quay luẩn quẩn này, nếu cứ tiếp tục, sẽ lớn dần do nỗ lực lấy lại tiền mặt của các ngân hàng nhấn chìm giá chứng khoán, khiến các ngân hàng mang tiếng không có khả năng trả nợ mặc dù họ hoàn toàn lành mạnh, làm lung lay niềm tin của người gửi tiền và lại bắt đầu lại vòng quay luẩn quẩn.

Đây chính xác là hoàn cảnh đã dẫn tới cơn hoảng loạn ngân hàng ở thời kỳ trước khi có Cục dự trữ liên bang, và dẫn đến ngưng trệ khả năng chuyển đổi tiền gửi thành tiền mặt giống như năm 1907. Tình trạng ngưng trệ như vậy chính là bước trượt mang tính quyết định, và trong một khoảng thời gian ngắn đã làm mọi thứ tệ đi. Nhưng nó đồng thời cũng là một biện pháp mang tính trị liệu. Nó cắt ngắn vòng quay luẩn quẩn bằng cách ngăn ngừa sự lây lan của “căn bệnh”, bằng cách giữ cho sự sụp đổ của một số ít ngân hàng không tạo ra áp lực lên các ngân hàng khác và không để các ngân hàng lành mạnh sụp đổ. Trong vài tuần hay vài tháng, khi tình hình đã ổn định lại, tình trạng ngưng trệ này có thể chấm dứt, và bắt đầu quá trình phục hồi mà không làm thu hẹp cung tiền.   

Như chúng ta đã thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thành lập Cục dự trữ liên bang là để đối phó với những tình huống như trên. Nó có quyền tạo ra nhiều tiền mặt hơn nếu cộng đồng đòi tiền mặt thay vì tiền gửi trên diện rộng, và cơ quan này cũng sẵn sàng cung ứng tiền mặt cho các ngân hàng để đảm bảo an toàn cho tài sản của ngân hàng. Theo nghĩa này, người ta kỳ vọng rằng bất kỳ cơn hoảng loạn nào có nguy cơ đe doạ đến hệ thống ngân hàng cũng có thể được ngăn chặn, sẽ không còn tình trạng ngưng trệ khả năng chuyển đổi tiền gửi thành tiền mặt, và những tác động suy giảm của khủng hoảng tiền tệ hoàn toàn có thể tránh được.

Tháng 11 và 12 của năm 1930, với sự kiện một chuỗi các ngân hàng bị đóng cửa, chính là thời điểm đầu tiên cần đến quyền lực này cũng như kiểm tra tính hiệu quả của nó. Cục dự trữ đã trượt bài kiểm tra này một cách thảm hại. Cục này đã không có động thái nào, hoặc chỉ làm chiếu lệ nên không giải quyết được vấn đề thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, rõ ràng coi việc các ngân hàng đóng cửa chẳng cần phải có hành động trợ giúp nào đặc biệt. Tuy vậy cũng cần phải nhấn mạnh rằng, thất bại của Cục dự trữ là một thất bại do ý chí hành động chứ không phải là do thiếu quyền lực. Trong hoàn cảnh này, và cũng như trong nhiều lần sau đó, Cục dự trữ có thừa quyền lực để cung cấp cho ngân hàng lượng tiền mặt mà những người gửi tiền đòi rút. Nếu điều này được thực hiện, sẽ không có nhiều ngân hàng sụp đổ đến thế và cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ được ngăn chặn.

Cơn sóng sụp đổ đầu tiên của hệ thống ngân hàng lắng xuống vào đầu năm 1931, những dấu hiệu của niềm tin bắt đầu quay trở lại. Cục dự trữ đã tranh thủ cơ hội này để giảm dư nợ tín dụng của hệ thống mình - nói thẳng ra là, bù trừ cho các nhân tố mở rộng cung tiền tự nhiên bằng các biện pháp giảm phát ở mức độ nhẹ. Kể cả như vậy thì những dấu hiệu cải thiện đã xuất hiện khá rõ ràng không chỉ trong lĩnh vực tiền tệ mà còn trong các hoạt động kinh tế khác. Những số liệu cho bốn hoặc năm tháng đầu năm 1931, nếu được xem xét riêng rẽ mà không đề cập để những điều thực sự xảy ra sau đó, đều cho thấy những dấu hiệu chạm đáy của chu kỳ và bắt đầu giai đoạn phục hồi. 

Sự phục hồi tạm thời này tuy vậy rất ngắn ngủi. Nhiều ngân hàng lại tiếp tục sụp đổ, châm ngòi cho một loạt các hành động rút tiền khác khỏi hệ thống và một lần nữa khiến cho cho tổng lượng tiền suy giảm. Một lần nữa, Cục dự trữ lại khoanh tay đứng nhìn. Khi đối mặt với tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại cạn kiệt chưa từng có tiền lệ, sổ sách kế toán của “người cho vay cuối cùng” cho thấy lượng tín dụng khả dụng cấp cho các ngân hàng thành viên lại sụt giảm.

Vào tháng Chín năm 1931, nước Anh chấm dứt chế độ bản vị vàng. Đạo luật này đã mào đầu cho hiện tượng rút vàng khỏi nước Mỹ. Mặc dù vàng đã chảy vào nước Mỹ 2 năm trước, và khối lượng vàng của nước Mỹ và tỷ lệ vàng dự trữ của Cục dự trữ liên bang luôn luôn ở mức cao, Cục Dự trữ phản ứng rất mạnh mẽ và mau lẹ với việc vàng chảy ra nước ngoài này chứ không như với những lần rút vàng khỏi hệ thống diễn ra trong nước trước đó.  Phản ứng của cơ quan này hiển nhiên đã làm những khó khăn tài chính trong nước trở nên tồi tệ thêm. Sau hơn hai năm kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thu hẹp nghiêm trọng, Cục Dự trữ đã đột ngột nâng tỷ lệ chiết khấu (mức lãi suất mà nó sẵn sàng cho các ngân hàng thành viên vay) lên cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trước và sau đó trong lịch sử. Biện pháp này đã ngăn chặn được tình trạng chảy máu vàng (gold drain). Nhưng đi kèm với nó là sự sụp đổ vô cùng thê thảm của các ngân hàng và những cuộc rút tiền khỏi các ngân hàng. Trong sáu tháng từ tháng Tám năm 1931 đến tháng Một năm 1932, cứ khoảng mười ngân hàng thì có một ngân hàng phải ngưng hoạt động và tổng tiền gửi trong các ngân hàng thương mại giảm 15%. 

Vào năm 1932, chính sách tiền tệ đã có sự đảo chiều tạm thời, bao gồm cả việc Cục dự trữ mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ, góp phần làm chậm lại tốc độ suy giảm. Nếu như biện pháp này được tiến hành vào năm 1931 thì chắc hẳn đã ngăn được sự tái sụp đổ của các ngân hàng đã nêu ở trên. Vào thời điểm năm 1932, biện pháp trên có lẽ đã quá muộn màng và chẳng thể làm gì nhiều hơn ngoài một sự xoa dịu, và khi Cục Dự trữ một lần nữa rơi vào trạng thái bị động, những sự cải thiện tạm thời lại bị phủ bóng bởi sự sụp đổ tiếp tục tái diễn mang tính hủy diệt diễn ra trong Kỳ nghỉ lễ ngân hàng (the Banking Holiday) vào năm 1933 – khi tất cả các ngân hàng trong nước Mỹ chính thức đóng cửa suốt một tuần. Một hệ thống với nhiệm vụ chính yếu là ngăn chặn sự ngừng trệ tạm thời quá trình chuyển đổi tiền gửi thành tiền mặt – biện pháp này trước đây đã từng ngăn chặn được các ngân hàng khỏi sụp đổ - trước hết khiến cho một phần ba số ngân hàng trên đất nước bị xóa sổ và sau đó chủ động làm ngưng trệ quá trình chuyển đổi tiền gửi thành tiền mặt - lần ngừng trệ khủng khiếp hơn bao giờ hết. Tuy vậy, khả năng tự bao biện của Hội đồng dự trữ Liên bang kinh khủng đến mức họ viết hẳn vào báo cáo thường niên năm 1933, “Khả năng đáp ứng được những yêu cầu lớn về tiền tệ của các ngân hàng Dự trữ liên bang trong suốt cuộc khủng hoảng đã khẳng định tính hiệu quả của hệ thống tiền tệ của quốc gia dưới Đạo luật Dự trữ Liên bang... Thật khó để hình dung diễn biến của cuộc suy thoái này nếu như Cục dự trữ liên bang không áp dụng chính sách mua bán tự do trên trên thị trường mở.”

Như đã nói, từ tháng Bảy 1929 đến tháng Ba 1933, khối lượng tiền của Mỹ bị giảm mất một phần ba, và hơn hai phần ba của mức giảm diễn ra sau khi nước Anh gỡ bỏ chế độ bản vị vàng. Giá như khối lượng tiền được giữ để không bị suy giảm, thực ra điều này hoàn toàn khả thi và thực sự nên như vậy, thì giai đoạn thu hẹp của nền kinh tế có thể đã được rút ngắn lại và nhẹ nhàng hơn nhiều. Nó có thể vẫn còn tương đối nghiêm trọng theo các tiêu chuẩn lịch sử. Nhưng thẳng thắn ra thì không thể chấp nhận được vì giá như lượng tiền không giảm đi thì thu nhập danh nghĩa đã không giảm hơn một nửa và giá cả đã không giảm xuống hơn một phần ba trong vòng bốn năm. Tôi chưa từng thấy một cuộc suy thoái dù là ở đâu và ở thời điểm nào lại không đi kèm với sự giảm đột ngột của khối lượng tiền, và tương tự, không có sự suy giảm đột ngột nào của khối lượng tiền lại không kéo theo một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Cuộc Đại suy thoái ở nước Mỹ không chỉ đơn thuần là dấu hiệu của sự bất ổn cố hữu trong hệ thống kinh tế tư nhân, mà nó còn là một minh chứng về sự nguy hại từ những sai lầm của một nhóm người khi họ nắm quyền lực to lớn trong hệ thống tiền tệ của một quốc gia.

Với tầm hiểu biết của con người ở thời điểm đó, có lẽ những sai lầm này có thể châm chước – dù thế thì tôi nghĩ điều đó khó có thể bỏ qua. Nhưng đó chẳng qua là chuyện bên lề. Bất kỳ hệ thống nào trao quá nhiều quyền lực và quyền tùy nghi cho một số người mà sai lầm của họ - dù có đáng châm chước hay không – có thể gây nên những tác hại sâu rộng đến vậy đều là một hệ thống tồi. Đó là một hệ thống mà những tín đồ của tự do rất khó chấp nhận vì nó giao một vài người những quyền lực mà không có cơ quan chính trị thực sự nào kiểm tra tính hiệu quả - đây là lập luận chính trị chính yếu chống lại một ngân hàng trung ương “độc lập”. Ngay cả với những người đề cao an toàn hơn là tự do thì đây cũng là một hệ thống tồi tệ. Dù đáng châm chước hay không, thì cũng không thể tránh khỏi những sai lầm trong một hệ thống phân tán trách nhiệm trong khi lại trao quyền lực lớn vào tay một số ít người, và điều này đã khiến những hành động chính sách quan trọng phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất cá nhân của người nắm quyền. Đây là lập luận mang tính kỹ thuật chính yếu chống lại một ngân hàng “độc lập”. Theo như cách diễn giải của Clemenceau thì tiền là một vấn đề rất đỗi quan trọng và không thể phó mặc nó cho các Ngân hàng Trung ương.

QUY TẮC THAY THẾ CHO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Làm thế nào để chúng ta có thể đạt được các mục tiêu của mình mà không cần dựa vào hoạt động của một chế độ bản vị vàng hoàn toàn tự động cũng như trao quyền tùy nghi quá lớn cho các cơ quan nhà nước độc lập? Hay nói cách khác, làm thế nào để chúng ta có thể thiết lập một hệ thống tiền tệ ổn định và đồng thời cũng thoát khỏi những biện pháp chắp vá vô trách nhiệm của chính phủ, một hệ thống sẽ cung cấp khung khổ tiền tệ cần thiết cho một nền kinh tế kinh doanh tự do nhưng không bị lạm dụng như một thế lực đe doạ đến tự do kinh tế và tự do chính trị? 

Có một cách chưa từng được đề xuất đó là đưa ra lời hứa theo đuổi việc xây dựng một chính quyền dựa trên pháp luật thay vì dựa trên con người, bằng cách luật hóa các quy tắc thực thi chính sách tiền tệ; giải pháp này sẽ cho phép công chúng kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua các cơ quan chính trị, đồng thời ngăn chặn không cho chính sách tiền tệ trở thành "trò tiêu khiển" của các cơ quan chính trị.

Việc ban hành các quy tắc được luật hóa (legislative rules) cho chính sách tiền tệ có rất nhiều điểm chung với chủ đề mà thoạt đầu có vẻ khác nhau, đó là lập luận cho Tu chính án đầu tiên. Bất cứ khi nào có ai đó đề cập đến sự thiết yếu của một thứ quy tắc được luật hóa nhằm kiểm soát tiền, anh ta sẽ luôn nhận được câu trả lời dập khuôn là sẽ rất khó để trói chân tay cơ quan phụ trách tiền tệ theo cách này vì nếu như họ muốn thì sẽ luôn luôn có cách thức để né tránh quy tắc trói buộc nó, và hơn nữa, nó cũng đưa ra những biện pháp thay thế khác, và “chắc chắn” như người ta vẫn nói, có thể làm tốt hơn cả quy tắc được luật hóa. Một phiên bản khác của lập luận tương tự được áp dụng đối với cơ quan lập pháp. Nếu cơ quan lập pháp sẵn sàng ban hành luật lệ, thì chắc chắn nó cũng sẽ sẵn lòng ban hành chính sách “đúng đắn” trong mỗi trường hợp cụ thể. Nếu nói vậy thì làm cách nào việc ban hành luật lệ có thể chống lại những hành động chính trị vô trách nhiệm?

Lập luận tương tự có thể áp dụng chỉ với một vài thay đổi nhỏ về mặt từ ngữ đối với Tu chính án đầu tiên và tương tự, đối với toàn bộ Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights). Người ta có thể nói rằng việc đưa ra một bản cấm đoán chuẩn mực nhằm can thiệp vào tự do ngôn luận chẳng hề vô lý. Tại sao không xem xét từng vụ việc cụ thể và và xử lý tùy theo tính chất riêng của nó? Chẳng phải lập luận đối lập với lập luận thông thường trong chính sách tiền tệ chính là việc trói chân tay cơ quan tiền tệ ngay từ đầu chẳng có gì hay ho gì; và rằng chúng ta nên cho phép cơ quan này xử lý từng trường hợp cụ thể tùy theo tính chất riêng của nó hay sao? Tại sao lập luận tương tự lại không có giá trị tương tự đối với tự do ngôn luận? Một người muốn đứng ở góc phố và ủng hộ cho kế hoạch hóa gia đình; một người khác ủng hộ cho chủ nghĩa cộng sản; người thứ ba, cho trường phái ăn chay, v.v. Tại sao không thực thi luật cho phép hoặc cấm đoán mỗi cá nhân quyền được nói lên tiếng nói riêng của anh ta? Hoặc, một lựa chọn khác, sao không trao quyền lực quyết định cho một cơ quan hành chính? Rõ ràng rằng nếu chúng ta xử lý riêng rẽ từng vụ việc khi nó xuất hiện, đa số chắc chắn sẽ bỏ phiếu bác bỏ tự do ngôn luận trong phần lớn các vụ việc và thậm chí trong mọi vụ việc riêng rẽ. Việc bỏ phiếu cho phép ông X mở rộng việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình gần như sẽ nhận được câu trả lời không từ đám đông; tương tự đối với người muốn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Một người ăn chay có lẽ sẽ lọt qua vụ bỏ phiếu này mặc dù cũng không có gì là chắc chắn.

Nhưng bây giờ hãy coi như tất cả các vụ việc trên được gộp lại thành một nhóm; và dân chúng trên khắp cả nước được yêu cầu bỏ phiếu cho các vụ việc trên như một chỉnh thể duy nhất; bỏ phiếu xem liệu tự do ngôn luận đối với tất cả các vụ việc nên bị bác bỏ hay nên được thông qua. Chắc chắn rằng, hoặc ít ra theo tôi, khả năng rất cao, là toàn bộ dân chúng sẽ bỏ phiếu đồng ý cho tự do ngôn luận; điều đó cho thấy nếu coi cả nhóm đó như một chỉnh thể duy nhất, người dân sẽ bỏ phiếu một cách chính xác theo hướng hoàn toàn trái ngược với cách họ bỏ phiếu cho từng vụ việc riêng rẽ. Tại sao ư? Lý do ở đây là, cảm giác của một người khi bị tước đi quyền tự do ngôn luận khi anh ta ở nhóm thiểu số sẽ mạnh mẽ hơn khi anh ta ở nhóm đa số và đi tước quyền tự do ngôn luận của ai đó khác. Hệ quả là, khi anh ta bỏ phiếu cho một nhóm như một chỉnh thể duy nhất, anh ta coi trọng việc đôi khi quyền tự do ngôn luận của bản thân mình bị từ chối khi anh ta ở trong nhóm thiểu số nhiều hơn việc thường xuyên từ chối quyền tự do ngôn luận của những người khác.

Một lý do khác nữa có liên quan trực tiếp đáng kể đến chính sách tiền tệ, đó là nếu một nhóm các vụ việc riêng lẻ được coi như một chỉnh thể, thì rõ ràng là các chính sách theo đó sẽ có hiệu ứng cộng dồn. Đối với mỗi vụ việc được bỏ phiếu riêng rẽ, những hiệu ứng này sẽ không được nhận diện hoặc cân nhắc. Khi tiến hành bỏ phiếu việc liệu ông Jones có thể phát biểu ở góc phố được không, kết quả ủng hộ sẽ khó có thể có được giống như khi bỏ phiếu cho một chính sách chung đối với tự do ngôn luận. Người ta không thể chấp nhận được việc một xã hội ở đó người dân không được tự do phát biểu nơi góc phố ngoại trừ những trường hợp đặc biệt do luật pháp quy định, vì đó sẽ là một xã hội mà trong đó sự phát triển các ý tưởng mới, các thí nghiệm, sự thay đổi hay những điều tương tự sẽ bị cản trở theo rất nhiều cách khác nhau, và đây là điều rất hiển nhiên đối với tất cả mọi người vì rằng chúng ta thật may mắn khi được sống trong xã hội đã thông qua điều luật tự từ chối khi không cân nhắc từng vụ việc ngôn luận riêng rẽ.  

Những phân tích như thế hoàn toàn có thể áp dụng được trong lĩnh vực tiền tệ. Nếu như mỗi trường hợp được cân nhắc theo tính chất riêng của nó, thì những quyết định sai lầm có khả năng sẽ xảy ra trong phần lớn trường hợp vì những người ra quyết định chỉ thẩm định/ xem xét được ở mức độ nhất định và sẽ không cân nhắc hậu quả cộng dồn của chính sách như một tổng thể. Mặt khác, nếu như quy tắc chung được áp dụng cho một nhóm các trường hợp như một tổng thể, sự hiện hữu của quy tắc đó sẽ gây được thiện cảm đối với thái độ, niềm tin và sự kỳ vọng của người dân; đây là điều mà việc áp dụng chính sách tùy nghi ngay cả giống như thế với một loạt các trường hợp riêng rẽ có lẽ sẽ không nhận được.   

Nếu như một quy tắc được luật hóa, thì quy tắc đó nên như thế nào? Loại quy tắc được những người có tư tưởng tự do thường xuyên đề xuất nhất là quy tắc về mức giá; cụ thể là, nó là một công lệnh yêu cầu các cơ quan phụ trách tiền tệ duy trì một mức giá ổn định. Tôi nghĩ đây là loại quy tắc sai lầm. Đây là loại quy tắc sai lầm bởi vì nó dưới dạng những mục tiêu mà các cơ quan phụ trách tiền tệ không có quyền lực trực tiếp, rõ ràng để đạt được bằng hành động của mình. Hệ quả là nó sẽ gây rắc rối trong việc phân tán trách nhiệm và cản trở các cơ quan phụ trách. Rõ ràng rằng, các hoạt động tiền tệ và mức giá có mối liên hệ gần gũi với nhau. Nhưng sự kết nối này không quá mật thiết, không quá cố định, hay trực tiếp đến mức mục tiêu đạt được một mức giá ổn định có thể thành kim chỉ nam phù hợp cho hoạt động hằng ngày của các cơ quan phụ trách tiền tệ.

Về việc quy tắc nào nên được áp dụng tôi đã trình bày kỹ càng ở một nơi khác. 3 Do đó, tôi xin được đi luôn đến kết luận trong cuốn sách này. Với trình độ hiểu biết hiện thời của chúng ta, một quy tắc về diến biến của khối lượng tiền có lẽ là phù hợp. Lựa chọn của tôi tại thời điểm hiện nay là một quy tắc được luật hóa nhằm chỉ dẫn cho cơ quan phụ trách quản lý tiền tệ đảm bảo được một mức tăng trưởng nhất định trong khối lượng tiền. Vì mục đích này, tôi định nghĩa khối lượng tiền bao gồm tiền mặt ngoài các ngân hàng thương mại cộng với tất cả tiền gửi ở các ngân hàng thương mại. Tôi muốn đưa ra yêu cầu cụ thể là Cục dự trữ liên bang sẽ giám sát chỉ số này sao cho khối lượng tiền theo định nghĩa trên sẽ tăng theo tháng, và thậm chí nếu có thể thì theo ngày, ở tỷ lệ tính theo năm là X phần trăm, tại đó X dao động ở khoảng giữa 3 và 5. Định nghĩa chính xác về khối lượng tiền, hoặc định nghĩa chính xác về mức tăng trưởng được chọn không có ý nghĩa bằng việc lựa chọn dứt khoát một định nghĩa cụ thể và một mức tăng trưởng cụ thể.

Trong bối cảnh như hiện nay, trong khi quy tắc này sẽ khiến quyền lực của các cơ quan phụ trách tiền tệ bị cắt giảm đáng kể, nó vẫn để lại cho cơ quan của Cục dự trữ liên bang và Cục ngân khố một mức độ tùy nghi không mong muốn với những vấn đề như làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng cụ thể của lượng tiền, quản lý nợ, giám sát ngân hàng và những thứ tương tự. Những cải cách ngân hàng và tài khoá trong thời gian tới đều cần thiết và khả thi, điều này tôi sẽ không bàn chi tiết ở đây. Những cải cách này có tác dụng loại bỏ những can thiệp của chính phủ hiện nay trong các hoạt động cho vay và đầu tư và có tác dụng chuyển đổi hoạt động tài chính của chính phủ từ một miền bất tận của sự bất ổn và bất định thành những hoạt động hữu lý đều đặn và có thể dự đoán được. Nhưng, dù có quan trọng thì những cải cách sắp tới vẫn không phải là những cải cách có mức độ nền tảng sâu hơn so với việc thông qua một quy tắc nhằm hạn chế quyền tùy nghi của các cơ quan phụ trách tiền tệ đối với vấn đề liên quan đến khối lượng tiền. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không coi lời đề xuất chi tiết của mình là một giải pháp cuối cùng và toàn vẹn cho vấn đề quản lý tiền tệ, cũng như không coi đó là một quy tắc bất di bất dịch và được lưu truyền muôn đời cho hậu thế. Đối với tôi nó chỉ là quy tắc mang đến một hứa hẹn tốt đẹp nhất để đạt được một mức độ ổn định tiền tệ hợp lý trong phạm vi hiểu biết hiện thời của chúng ta. Tôi cũng hy vọng rằng khi chúng ta vận hành với quy tắc này, khi chúng ta hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề tiền tệ, chúng ta có thể đưa ra được những quy tắc tốt hơn, và sẽ đạt được những kết quả tốt hơn. Với tôi, một quy tắc như vậy dường như là phương thức khả thi duy nhất hiện nay đáp ứng được việc biến chính sách tiền tệ thành một trụ cột của xã hội tự do hơn là một mối đe doạ với những nền tảng của xã hội ấy.

(Xem tiếp Phần 6)

Ghi chú:

(1) A Program for Monetary Stability (New York: Fordham University Press, 1959) pp. 4-8.

(2) See my A Program for Monetary Stability and Milton Friedman and Anna J. Schwartz, A Monetary History of the United States, 1867-1960 (forthcoming by Princeton University Press for the National Bureau of Economic Research).

(3) A Program for Monetary Stability, op. cit., pp. 77-99.

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962