[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 18 - Hội Mont Pelerin

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 18 - Hội Mont Pelerin

CHƯƠNG XVIII. HỘI MONT PELERIN

Hayek hết sức quan tâm đến kết quả thực tiễn của lý thuyết kinh tế và chính trị. Lý do cơ bản đã thực sự thôi thúc ông là ông muốn tác động đến chính sách xã hội. Ngày 23 tháng 2 năm 1944, trong bài nói chuyện trước Hội Sinh viên Trường Kinh tế London ở Cambridge, “Trở thành nhà kinh tế học” (On Being an Economist), ông phát biểu rằng nhà triết học xã hội đừng bao giờ “trực tiếp nhắm đến thành công và ảnh hưởng đại chúng tức thời,” và chính “mong muốn có thế lực” thông qua những vị trí quyền hành để “có thể làm những điều tốt đẹp là một trong những nguồn gốc dẫn đến sự nhượng bộ về trí tuệ.” Điều này phản ảnh cả quan điểm kỹ thuật của ông về cách thức hữu hiệu nhất để trở nên có ảnh hưởng cũng như cam kết mạnh mẽ và lâu dài của ông trong quá trình vươn tới tầm ảnh hưởng vĩ đại. Ông tin tưởng, trên con đường “tìm kiếm chân lý” nhà kinh tế học hay triết gia chính trị sẽ có đóng góp lớn nhất nếu anh ta tập trung vào sáng tạo tri thức nhân loại và tránh xa những chức vụ chính trị.

Ngay mùa xuân 1933, trong một bài ghi nhớ, Hayek đã liên tưởng chủ nghĩa quốc xã với chủ nghĩa xã hội. Nỗ lực bị khước từ của ông nhằm giúp bộ máy tuyên truyền của chính phủ Anh chống lại Đức bắt nguồn từ cam kết sử dụng sức mạnh tri thức của mình phục vụ cho những mục đích tốt đẹp. Thời gian chiến tranh, qua Robbins, ông cũng từng bí mật đề xuất với chính phủ Anh là sau chiến tranh cần thành lập một trường cao đẳng, nghiên cứu các vấn đề xã hội nhằm cải tạo các nhà lãnh đạo Đức.Tuy nhiên, đề xuất của ông đã không được xem xét.

Hayek ban đầu không có ý định là tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) lại nhằm riêng vào chế độ Quốc xã – chứ không phải Liên bang Xôviết – đến vậy, như trên thực tế đã diễn ra. Sự thực là trong phần tái bút mà ông định bổ sung vào cuốn sách bốn năm sau khi xuất bản, ông kể rằng đầu tiên ông dự định cuốn sách sẽ mô tả cuộc đấu tranh giữa liên minh quyền lực chuyên chế của Phương Đông, Đức Quốc xã và Liên bang Xôviết (khi đó đang là liên minh chiến thuật), với các nền dân chủ tự do của Phương Tây. Tuy nhiên, sau sự kiện Đức xâm lược Nga tháng 6 năm 1941 và tiếp theo là liên minh giữa Nga với Anh, ông đã xoá bỏ phần lớn những đề cập tiêu cực đến Liên bang Xôviết. Trước sự đàn áp những quan điểm bất đồng, ông coi Liên bang Xôviết còn xấu xa hơn cả Đức Quốc xã.

Năm ngày sau khi ông đọc bài “Trở thành nhà kinh tế học” trước Hội Sinh viên LSE – chưa đầy hai tuần trước khi cuốn Đường về nô lệ xuất bản ở Anh – Hayek lại trình bày một bài viết khác, “Các nhà sử học và tương lai của Châu Âu” (Historians and the Future of Europe) cho Hội Chính trị của trường King’s College. Trong bài thuyết trình, ông bàn về vai trò khả dĩ của các sử gia với việc “giáo dục lại nhân dân Đức,” mà ở đây ông muốn nói các sử gia “thực sự là toàn bộ sinh viên của xã hội.” Cũng như nhiều người khác, ông lo lắng nước Đức có thể vẫn theo con đường chuyên chế và hiếu chiến sau Thế chiến II. Bài viết sau, được ông phân phát cho một số nhà khoa học hàn lâm cùng một số người khác, chính là nguồn gốc của Hội Mont Pelerin sau này.

Ban đầu ông có ý tưởng hình thành một hiệp hội nhằm mục đích đưa các học giả Đức trở về với dòng chủ lưu của tư tưởng tự do cổ điển, hơi giống ý tưởng của ông về một trường cao đẳng nhằm tái giáo dục giới lãnh đạo Đức. Chuẩn mực nghề nghiệp của nhóm sẽ là sự hiến thân cho “tính thiêng liêng của chân lý” và cam kết “những nguyên tắc thông thường về khuôn phép luân lý phải được áp dụng cho hành vi chính trị” – sau những gì đã diễn ra ở Đức thì đây không hề là những mục tiêu tầm thường. Ông cũng đề xuất, nhóm cần có “sự đồng thuận tối thiểu nào đấy về những lý tưởng chính trị chung nhất,” gồm “niềm tin chung về giá trị của tự do cá nhân, thái độ tích cực đối với dân chủ mà không có sự nhượng bộ mê muội nào trước mọi sự vận dụng giáo điều của nó, và cuối cùng, là sự phản đối như nhau trước mọi hình thái của chủ nghĩa toàn trị, bất kể xuất phát từ cánh hữu hay cánh tả.”6 Ông kết luận trong bài viết rằng dự định của mình không phải là “tìm kiếm sự ủng hộ cho một dự án rõ ràng, mà đúng hơn là nhằm đưa ra một gợi ý thăm dò sự phán xét của quý vị.” 

Ba năm tiếp theo, đường nét của hội đã phần nào thay đổi, nhưng không phải là mục đích chung cũng như vai trò động lực của Hayek. Khi danh tiếng lan nhanh và cùng quá trình đi lại của mình, ông giao thiệp với nhiều người chia sẻ thế giới quan với mình, tuy nhiên ông lại đơn độc hay gần như đơn độc giữa những đồng nghiệp của mình. Hầu như mọi nơi ông đến, ông “đều gặp ai đó nói với tôi rằng anh ta hoàn toàn nhất trí với tôi,” nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy hoàn toàn bị cô lập về quan điểm và không có ai sát cánh để có thể chỉ đơn giản là bàn về chúng. Điều này đem đến cho ông ý tưởng tổ chức một cuộc hội nghị. Do sự hạn chế đi lại và điều kiện thông tin liên lạc thời chiến, cũng như tình hình kinh tế hỗn loạn suốt thập niên 1930, nên sự giao tiếp cá nhân ở các quốc gia khác nhau bị hạn chế trong nhiều năm; và trên thực tế, chủ yếu là vì lý do công nghệ, mà trước đó sự giao thiệp vẫn chưa bao giờ được chú trọng lắm.

Tháng 4 năm 1938, một cuộc hội nghị đã được tổ chức tại Paris nhằm thảo luận vấn đề mà những người tham dự gọi là “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do.” Cuộc gặp có tên gọi “La Colloque Walter Lippmann 1,” nhằm tôn vinh cuốn sách xuất bản năm 1937 của Lippman, Xã hội tốt đẹp (The Good Society), với sự góp mặt của Mises, Hayek, hai mươi ba nhà khoa học hàn lâm khác và Lippmann. Có lẽ hội nghị có thể được coi là tiền thân của tổ chức về sau trở thành Hội Mont Pelerin (Mont Pelerin Society). Cuối hội nghị, Hayek được giao trách nhiệm hình thành bộ phận ở nước Anh của tổ chức theo dự kiến sẽ ra đời sau cuộc gặp gỡ – Trung tâm Nghiên cứu Vãn hồi Chủ nghĩa Tự do Quốc tế (International Center of Studies for the Renovation of Liberalism). Tuy nhiên, tháng 8 năm 1938 lại không phải là thời điểm tốt lành cho việc khởi sự một tổ chức quốc tế mới.

Sau cuộc chiến, một số nhà khoa học hàn lâm tự do chủ nghĩa nêu ý tưởng về một cuộc gặp gỡ quốc tế nào đấy, nhưng chỉ có ý tưởng của Hayek mới đem lại kết quả. Ý tưởng ban đầu của ông về việc thành lập một hiệp hội quốc tế các nhà tự do chủ nghĩa nhằm đưa giới học giả Đức vào dòng chủ lưu của tư tưởng tự do đã được thay thế bằng ý tưởng mà trọng tâm của nó sẽ là sự bảo tồn chính chủ nghĩa tự do cổ điển. Tuy vậy, ông lại coi thành tựu của hội nghị thứ nhất là việc nhà kinh tế học người Đức Walter Eucken tham gia và đấy là một “điểm nổi bật,” vì nó “đã góp phần nhỏ vào sự phục hồi vị thế của giới học giả Đức trên trường quốc tế.”

Một nhà khoa học hàn lâm khác cũng rất tích cực đề xuất cuộc gặp gỡ giữa các học giả tự do chủ nghĩa là đồng nghiệp của Eucken, Wilhelm Ropke. Ông cũng là thành viên trường phái kinh tế học Freiburg như Eucken, trường phái đã đóng vai trò quan trọng trong việc hướng Tây Đức đi theo con đường thị trường tự do sau chiến tranh. Thời gian chiến tranh, Ropke sống lưu vong tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế sau Đại học (Graduate Institute of International Studies) ở Geneva, nơi Mises sống vào nửa cuối thập niên 1930 và là nơi mà Hayek trình bày các bài thuyết trình về Chủ nghĩa quốc gia tiền tệ và sự ổn định quốc tế (Monetary Nationalism and International Stability). Giống như Hayek, sau chiến tranh Ropke cũng phổ biến một bài viết tới một số đồng nghiệp và những người từng tham gia hội nghị La Colloque Walter Lippmann, kêu gọi tổ chức một cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà tự do chủ nghĩa. Ngoài cuộc gặp mặt đều đặn của các học giả, Ropke còn đề xuất một tờ báo quốc tế theo quan điểm tự do – chủ đề về sau gây khá nhiều tranh cãi trong Hội Mont Pelerin – và đã quyên được một món tiền nhất định cho dự án của mình.

Tiến sỹ Albert Hunold, một doanh nhân Thuỵ Sỹ có liên quan mật thiết với Viện Nghiên cứu Quốc tế, đã mời Hayek diễn thuyết, theo lời Richard Cockett, trước “các sinh viên Đại học Zurich tháng 11 năm 1945 và sau đó dự tiệc với Hayek cùng một nhóm các nhà công nghiệp và ngân hàng Thuỵ Sỹ. Hayek trình bày với họ kế hoạch của mình về cuộc gặp gỡ giữa các nhà trí thức có cùng quan điểm với ông nhằm thảo luận và tái định nghĩa chủ nghĩa tự do. Hayek cho rằng nếu những người này ‘có thể quy tụ và gặp gỡ khoảng một tuần đâu đó trong một khách sạn Thuỵ Sỹ để bàn luận về những ý tưởng cơ bản’ thì sẽ ‘vô cùng hữu ích.’ Hunold cam kết ủng hộ tài chính cho dự án từ nguồn của mình và các bạn bè doanh nhân, hứa chuyển số tiền mà họ đã quyên góp được cho tờ tạp chí định kỳ của Ropke sang cho Hayek, vì nhận thấy ý tưởng của Ropke quá tốn kém. Năm 1946, Hayek tham khảo ở cả Châu Âu và Mỹ, và với sự hậu thuẫn tài chính cùng tinh thần của Hunold, đã quyết định triển khai ý tưởng về cuộc gặp mặt ở Thuỵ Sỹ mùa xuân năm 1947.”

Hội nghị được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 4 năm 1947, tại Mont Pelerin, gần Vevey, Thuỵ Sỹ. Với trọng tâm là niềm tin của mình vào sức mạnh ý tưởng, Hayek đã viết một bài báo cáo trước thềm hội nghị là nếu Châu Âu không muốn bước vào một “kiểu nô lệ mới thì cần phải nỗ lực tư duy mạnh mẽ. Chúng ta phải khơi dậy mối quan tâm – và sự hiểu biết – về những nguyên lý vĩ đại của tổ chức xã hội cùng những điều kiện của tự do cá nhân vì chúng ta chưa từng biết tới mối quan tâm đó. Chúng ta phải xây dựng và huấn luyện đội quân chiến đấu vì tự do. Nếu như phương sách khi phải đối mặt với sự áp đảo của công luận chính là việc định hình và định hướng công luận thì chính nghĩa của chúng ta sẽ không rơi vào tuyệt vọng. Nhưng chúng ta làm việc này quá muộn và thời gian chẳng còn quá dư giả.” Ông nhấn mạnh, “về cơ bản là phải nỗ lực lâu dài, chủ yếu liên quan tới một số niềm tin, chứ không phải tới những gì có tính thực tiễn trước mắt, qua đó những niềm tin này tất sẽ lấy lại vị thế chi phối của chúng nếu như mối nguy hiểm được ngăn chặn là những gì đe doạ đến tự do cá nhân.” Nếu các nhà trí thức ủng hộ chủ nghĩa tự do cổ điển không liên kết với nhau và thúc đẩy tầm nhìn của mình, nhân loại có thể bước vào một ngàn năm bóng tối. “Trừ khi chúng ta có thể biến nền tảng triết học của xã hội tự do thêm một lần nữa trở thành chủ đề tư duy trí tuệ sinh động, và việc thực thi chủ đề ấy là nhiệm vụ thách thức tính thông minh sáng tạo cùng trí tưởng tượng từ những bộ óc năng động nhất trong số chúng ta, thì triển vọng của tự do mới thực sự không đen tối. Nhưng nếu chúng ta có thể giành lại niềm tin bằng sức mạnh ý tưởng, vốn là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tự do ở đỉnh cao của nó, chúng ta sẽ không thua cuộc.”

Ba mươi chín cá nhân từ mười nước đã tham gia Hội nghị Mont Pelerin – mười bảy người Mỹ, tám người Anh, bốn người Thuỵ Sỹ, bốn người Pháp, và Bỉ, Đan Mạch, Italia, Na Uy, Thuỵ Điển và Tây Đức mỗi nước một người. Thậm chí danh sách này cũng không hoàn toàn chuyển tải được tính đa dạng của nhóm, vì một số thành viên, trong đó có Mises (thời điểm ấy đã ở Mỹ), Popper (ở London), và bản thân Hayek, là những người định cư ở trung tâm Châu Âu. Bốn người trong cuộc gặp đầu tiên – hơn mười phần trăm những người có mặt – về sau nhận giải Nobel Kinh tế: Hayek, Friedman, George Stigler 2 và Maurice Allais 3.

Trong một bài viết đánh dấu năm mươi năm ngày ra đời Hội Mont Pelerin, địa điểm này được miêu tả: “Khách tham quan ngay lập tức sững sờ trước vẻ đẹp toàn cảnh, hút hồn. Một quảng trường rộng nhìn xuống Hồ Geneva và dãy Dents du Midi xa xa. Bên kia hồ là Evian-les-Bain, Pháp, suối khoáng nổi tiếng thế giới về nước đóng chai. Gần đấy là thị trấn nghỉ dưỡng Montreux. Từ Vevey, một tuyến đường sắt với dây cáp kéo trườn theo sườn núi tới Mont Pelerin, nơi có khung cảnh yên tĩnh, bán thôn dã, không chỉ thích hợp cho những chiêm nghiệm mà còn cho cả việc đi bộ.”

Nghi thức hội nghị mở đầu với bản báo cáo của Hayek về mục đích của cuộc gặp gỡ. Ông tỏ ra mạnh mẽ trong bài diễn văn khai mạc, “Tôi phải thú nhận là giờ đây, khi thời điểm mà mình hằng trông chờ từ bao lâu đã tới, tình cảm biết ơn sâu sắc của tôi dành cho tất cả quý vị đã lắng đi nhiều trước cái cảm giác ngỡ ngàng về sự táo bạo của mình khi khởi sự cuộc gặp này, cũng như cảm giác âu lo về trách nhiệm mà mình gánh lấy khi yêu cầu quý vị dành biết bao thời giờ và sức lực cho điều mà quý vị vốn có thể đã coi là một sự thử nghiệm viễn vông. Niềm tin cơ bản đã chỉ đường cho tôi là: để cho những lý tưởng mà theo tôi đã đoàn kết chúng ta lại – vẫn với tên gọi không gì tốt hơn là chủ nghĩa tự do, cho dù người ta đã lạm dụng quá nhiều thuật ngữ này – có bất kỳ cơ hội hồi sinh nào, thì một nhiệm vụ trí tuệ lớn lao cần phải được thực hiện.” Như mọi khi, ông lại tập trung vào chủ đề trí tuệ.

Các bài viết trình bày tại hội nghị lần thứ nhất gồm có “‘Tự do’ kinh doanh hay trật tự cạnh tranh” (‘Free’ Enterprise or Competitive Order), “Nghiên cứu lịch sử hiện đại và giáo dục chính trị” (Modern Historiography and Political Education), “Tương lai của nước Đức” (The Future of Germany), “Khó khăn và cơ hội của Liên bang Châu Âu” (The Problems and Chances of European Federation), và “Chủ nghĩa Tự do và Thiên Chúa giáo” (Liberalism and Christianity). Theo Max Hartwell, người về sau là chủ tịch và sử gia của Hội Mont Pelerin, thì Hayek “cảm thấy cần thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa những người tự do chủ nghĩa và những người Thiên Chúa giáo.”

Trong số những người được bầu vào uỷ ban thường trực của hội nghị lần thứ nhất có Friedman, lần đầu tiên đặt chân tới Châu Âu để tham dự hội nghị. Hayek tìm cách áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành, đem đến sự góp mặt của các nhà kinh tế học, triết gia chính trị, sử gia, luật sư, cùng những người khác (dù về sau ông nghĩ rằng Hội Mont Pelerin đã bị các nhà kinh tế học chi phối quá nhiều). Ông nhấn mạnh các cuộc gặp không công khai trước công chúng và các phương tiện truyền thông đại chúng, vì theo ông sự tiếp cận đó sẽ cản trở quá trình trao đổi ý tưởng một cách tự do. Kết quả của chính sách này là bài viết đăng trên tờ Chicago Tribune vào ngày thứ ba của hội nghị, “Bảy quốc gia vạch kế hoạch đấu tranh vì tự do trong bí mật.” Bài báo viết, “Vấn đề công khai đã được giải quyết trong phiên khai mạc. Sau một giờ tranh luận, người ta đi đến quyết định ngăn cản giới báo chí và một uỷ ban sáu người được chỉ định soạn thảo bản thông cáo để trao cho bất kỳ nhà báo nào có thể đến hỏi. Giáo sư Hayek nói là nó sẽ được cân nhắc câu chữ cẩn thận để không hé mở thông tin nào. Lý do bí mật hoàn toàn không được rõ.” Bài báo đã nhầm lẫn Hayek là “cố vấn kinh tế của Winston Churchill,” và một mục đề của nó có tên “Cố vấn của Churchill giải thích” – vai trò mà ông được Attlee đề cập đến vẫn còn là một phần trong ý thức công chúng.

Aaron Director còn nhớ Lionel Robbins là một “nhân vật lớn”  tại hội nghị đầu tiên. Robbins thảo bản “Tuyên cáo Mục tiêu” (Statement of Aims), được công bố vào cuối hội nghị nhằm định hướng hoạt động của hội. Friedman thuật lại, “không một ai khác trong cuộc gặp gỡ có thể dung hoà được bất đồng chính trị giữa các thành viên qua bản tuyên cáo đó tốt như Robbins. Sau khi chúng tôi mất hàng ngày thảo luận về những chủ đề này và cố gắng thảo bản tuyên cáo, cuối cùng Lionel đã tiếp nhận và thảo ra một bản với đầy đủ chữ ký của chúng tôi.”

 

TUYÊN CÁO MỤC TIÊU

Một nhóm các nhà kinh tế học, sử học, triết học và một số sinh viên chuyên ngành xã hội khác đến từ Châu Âu và Mỹ đã gặp nhau tại Mont Pelerin, Thụy Sỹ… nhằm thảo luận cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta. Nhóm… đã nhất trí về bản tuyên cáo mục tiêu dưới đây.

Những giá trị chủ yếu của nền văn minh đang gặp nguy hiểm. Tại nhiều nơi trên trái đất, những điều kiện thiết yếu về phẩm giá và tự do con người đã biến mất. Ở những nơi khác, chúng đang đứng trước mối đe doạ thường trực từ sự phát triển của xu hướng chính sách hiện hành. Vị trí của cá nhân và của nhóm tình nguyện này đang dần bị suy yếu trước sự bành trướng của quyền lực độc đoán. Thậm chí gia tài quý giá nhất của Người Phương Tây, tự do tư tưởng và ngôn luận, cũng bị đe dọa bởi những hệ tư tưởng mà, trong khi vẫn quả quyết về tính khoan dung ưu việt của mình, thì với địa vị một nhóm thiểu số lại chỉ tìm cách xác lập vị thế quyền lực để rồi từ đó họ có thể đàn áp và thủ tiêu mọi quan điểm bất đồng.

Nhóm nhận định rằng những diễn biến trên đã nhận được sự cổ vũ từ sự phát triển của một quan điểm lịch sử chối bỏ tất cả mọi chuẩn mực luân lý thuần tuý cũng như từ sự phát triển của những lý thuyết nghi ngờ sự đáng mong muốn của thể chế pháp trị. Xa hơn nữa, nhóm cho rằng chúng đã nhận được sự cổ vũ từ sự giảm sút niềm tin vào tư hữu và thị trường cạnh tranh; vì nếu không có quyền lực và quyền chủ động phổ biến kèm theo những thiết chế này thì thật khó hình dung nổi một xã hội nào mà ở đó tự do lại có thể được duy trì hữu hiệu…

Nhóm không có khát vọng tiến hành tuyên truyền. Nó không tìm cách xác lập một đức tin cầu kỳ và hãm tiến nào, cũng như không liên minh với một đảng phái cụ thể nào. Thông qua việc tạo điều kiện cho sự trao đổi quan điểm giữa những trí tuệ được thôi thúc từ những lý tưởng nhất định và từ quan niệm chung, mục đích của nó chỉ là nhằm góp phần vào việc gìn giữ và làm cho xã hội tự do tốt đẹp hơn.”  

 

Hội nghị đầu tiên đã cho thấy rất thành công, và các thành viên đều nhất trí là các cuộc gặp tiếp theo xứng đáng được tổ chức. Một hiệp hội lâu dài đã hình thành như thế. Cần nhấn mạnh rằng mục đích của nó không chỉ đơn giản là tạo ra quan hệ trí tuệ trong hội, mà như Hayek nói, “chúng tôi có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau vì mỗi người đều thúc đẩy nỗ lực của mình trong quá trình phát triển những lý tưởng cơ bản theo một hướng riêng.”  Sau này, khi nhắc lại chuyện Frank Knight của Đại học Chicago từng ngăn cản như thế nào khi ông đề xuất việc đặt tên cho cái hiệp hội đang phôi thai ấy là “Hội Acton-Tocqueville,” Hayek đã đề cập đến “một tình tiết lý thú về Frank Knight. Khi tổ chức hội nghị đầu tiên ở Mont Pelerin, tôi đã có ý tưởng là chúng tôi có thể biến nó thành một hiệp hội lâu dài, và tôi đề nghị đặt tên nó là Hội Acton-Tocqueville, theo tên hai nhân vật có tính đại diện hơn cả. Frank Knight bộc lộ thái độ công phẫn lớn nhất, ‘Quý vị không thể gọi một trào lưu tự do chủ nghĩa theo tên hai kẻ Cơ đốc giáo!’ Và ông hoàn toàn làm tiêu biến cái tên đó; ông đã khiến cho nó bất khả thi.”  Cockett còn nhớ “chỉ một số ít ủng hộ đề xuất ban đầu của Hayek về ‘Hội Acton-Tocqueville,’ số khác lại thích hai tên Burk và Smith.”  

Hội chính thức thành lập ngày 6 tháng 11 năm 1947, chỉ đơn giản là Hội Mont Pelerin. Hayek là chủ tịch, và Walter Eucken (Tây Đức), John Jewkes (Anh),  Frank Knight (Mỹ), W.E. Rappard (Thuỵ Sỹ) và Jacques Rueff (Pháp) là các phó chủ tịch. Hunold trở thành thư ký và là người phụ trách quản trị hành chính, gây quỹ và tổ chức hàng đầu, vai trò mà về sau ông đi đến xung đột với Hayek và những người khác hội, đặc biệt là người Mỹ và người Anh. Hội nhất trí nhóm họp lại trong hai năm, và hội nghị tiếp theo được tổ chức ở Seelisberg, Thuỵ Sỹ.

Số thành viên người Anh phần lớn có gốc gác từ LSE, còn các thành viên người Mỹ gồm một bộ phận lớn đến từ Đại học Chicago, nhất là những năm đầu tiên của hội. Riêng ở hai nước này thì Đại học Manchester cũng đã đóng góp số thành viên nhiều hơn quy mô tương xứng của nó, và Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education – FEE) góp mặt bốn thành viên cho hội nghị đầu tiên. Quỹ Tín thác Từ thiện William Volker (William Volker Charities Trust) ở Mỹ (tổ chức sau đó tài trợ cho các vị trí học thuật của Hayek và Mises tại Hoa Kỳ) và Tổ chức Quốc tế Trao đổi Học thuật Tự do Chủ nghĩa (International Liberal Exchange) ở Anh, cùng với các bạn hữu kinh doanh của Hunold, đã đóng góp tài chính cho tổ chức non trẻ này.

Hayek coi việc thành lập Hội Mont Pelerin thực sự là một thành tựu quan trọng. Sau này, trong một trường hợp hiếm hoi, ông đã thể hiện thái độ thiếu khiêm nhường trước công chúng khi nhận xét, “tôi thấy mình có quyền được nói rằng việc thành lập và tổ chức hội nghị đầu tiên của Hội Mont Pelerin là ý tưởng của chính mình” và hội nghị đầu tiên cùng sự kiện thành lập hội “đã tạo nên sự hồi sinh của trào lưu tự do chủ nghĩa ở Châu Âu. Người Mỹ đã khiến tôi cảm thấy vinh dự khi coi việc xuất bản cuốn Đường về nô lệ là thời điểm có tính quyết định, nhưng tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng nỗ lực thực sự nghiêm túc của các nhà trí thức nhằm đưa đến sự vãn hồi ý tưởng tự do cá nhân, đặc biệt trên địa hạt kinh tế, lại bắt nguồn từ sự kiện thành lập Hội Mont Pelerin”  năm 1947.

 

Chú thích:

(1) Walter Lippmann (1889-1974): Nhà báo, nhà biên tập và tác gia người Mỹ, người được coi là bậc tiền bối của giới báo chí chính trị Mỹ. (N.D.)

(2) George Stigler (1911-): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1982 về các lý thuyết về chức năng của ngành công nghiệp và các quy định kinh tế của chính phủ. (N.D.)

(3) Maurice Allais (1911-): Nhà kinh tế học người Pháp, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1988 nhờ các lý thuyết về hành vi của thị trường và việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực. (N.D.)

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan