[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 17 - Danh tiếng (Phần 2)

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 17 - Danh tiếng (Phần 2)

Thái độ đối với tác phẩm Đường về nô lệ ở cả Anh và Mỹ được chia thành hai loại, và việc làm sáng tỏ điều này có ý nghĩa quan trọng để qua đấy nắm bắt được quá trình phát triển tên tuổi tác phẩm cũng như Hayek. Ở cả hai nước, phản ứng đầu tiên xuất hiện trong những tuần và tháng đầu ngay sau khi cuốn sách được công bố. Các bài phê bình xuất hiện trên những tạp chí định kỳ, và Đường về nô lệ bắt đầu được biết đến như là một công trình học thuật với mối quan tâm đại chúng. Hayek trở nên nổi tiếng. Loại thái độ thứ hai ở mỗi nước là hiện tượng công chúng chú ý nhiều hơn đến cuốn sách và Hayek sau khi phiên bản trên tạp chí Reader’s Digest ra đời ở Mỹ tháng 4 năm 1945 dưới tiêu đề “Một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế hệ chúng ta,” và khi Churchill có vẻ như đã đề cập đến tư tưởng Hayek vào tháng tiếp theo qua bài diễn văn đầu tiên của mình trong chiến dịch tổng tuyển cử ở Anh. Hayek trở thành một nhân vật danh tiếng và công trình của ông trở thành một biểu tượng.

Hayek đã tự mình trải qua cũng như góp phần thúc đẩy vào thành công thứ hai ở Mỹ với tua thuyết trình mùa xuân năm 1945. Kế hoạch đầu tiên của ông là lặp lại loạt bài thuyết trình tại năm thành phố lớn. Khi ông đang trên đường băng qua Đại Tây Dương thì xuất hiện phiên bản cuốn sách trên tạp chí Reader’s Digest, khiến tình hình thay đổi hoàn toàn. Lưu lượng phát hành của tạp chí Reader’s Digest thời điểm ấy là khoảng 10 triệu bản, và ở giai đoạn trước kỷ nguyên truyền hình thì đấy là sự hiện diện đáng kể trong bối cảnh văn hoá Mỹ. Thay vì tua thuyết trình học thuật, Nhà xuất bản Đại học Chicago đã chuyển công việc thu xếp chuyến thăm của Hayek sang một tổ chức đại diện thương mại nhằm biến nó thành một tua thuyết trình đại chúng.

Ông đi qua khu vực miền Đông và miền Trung Tây Nguyên nước Mỹ trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên kể từ giai đoạn nghiên cứu sinh của mình năm 1924. Song hành với chuyến đi của ông là nhiều bài viết, phỏng vấn, cùng những lần xuất hiện trên đài phát thanh. Ông thuật lại câu chuyện khôi hài về kỷ niệm đầu tiên trong tua thuyết trình sau khi ông được thông báo ở New York là kế hoạch ban đầu đã bị huỷ bỏ, và ông chuẩn bị để

tham dự tua thuyết trình trước công chúng vòng quanh nước Mỹ. Tôi nói, “Lạy chúa, tôi chưa bao giờ làm việc này. Tôi không có kinh nghiệm nói chuyện trước công chúng.”

“ồ, điều đó giờ đây không thể giúp ích gì.”

“Vậy bao giờ chúng ta bắt đầu?”

“Ngài đã đến muộn. Chúng tôi đã thu xếp vào ngày mai. Sáng Chủ nhật, một buổi gặp gỡ tại Toà Thị chính New York.”

Chỉ sáng hôm sau, khi được đón tại khách sạn của mình, tôi mới hỏi, “Các vị dự kiến thành phần khán giả thế nào?” “Toà sảnh chứa được 3.000 người, nhưng đấy sẽ là một buổi gặp gỡ đông nghẹt.” Lạy Chúa, tôi không biết mình sẽ nói gì. “Các vị loan báo về buổi thuyết trình như thế nào?” “Ồ, chúng tôi gọi nó là ‘Pháp trị trong các vấn đề quốc tế’ (The Rule of Law in International Affairs).” Lạy Chúa, cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề này. Thế nên khi ngồi xuống cạnh bục chủ toạ, với tất cả những thiết bị lạ lẫm – thời điểm đó vẫn là máy ghi đọc – tôi biết rằng nếu không dồi dào hưng phấn thì mình sẽ sụp đổ. Vì thế điều cuối cùng mà đến nay tôi còn nhớ được là tôi đã hỏi vị chủ tịch đoàn rằng liệu 45 phút có đủ không. “Ồ không, phải chính xác một tiếng đồng hồ. Ngài đang ở trên sóng phát thanh.”

Tôi đứng dậy với những lời lẽ trên văng vẳng bên tai, không hề hình dung điều mình chuẩn bị phát biểu. Nhưng tôi bắt đầu với giọng điệu tin tưởng sâu sắc, dù không biết mình sẽ dừng câu như thế nào, và hoá ra công chúng Mỹ là những người dễ chịu và dễ tính hết ý. Tôi trải qua một tiếng đồng hồ đó một cách ngoạn mục. Suốt năm tuần tôi đã băng qua nước Mỹ với màn kỳ tích hàng ngày ấy.

Sau đó, hơn 600.000 bản bổ sung của phiên bản trên tạp chí Reader’s Digest được phân phối qua Câu lạc bộ Sách của Tháng (Book-of-the-Month Club).

Không còn nghi ngờ gì, việc lựa chọn thời điểm đã góp phần vào thành công có tính hiện tượng của cuốn sách. Tháng 4 và tháng 5 năm 1945 là giai đoạn rất vui vẻ ở Mỹ, mặc dù Franklin D. Roosevelt qua đời ngày 12 tháng 4. Hitler tự tử ngày 30 tháng 4 năm 1945 và quân Đức đầu hàng tám ngày sau đó, dù cuộc chiến chống quân Nhật vẫn đang ở cao trào. Bom nguyên tử và mối hiềm khích với Nga vẫn chưa diễn ra. Churchill vẫn là thủ tướng ở Anh. Cảm giác ở Mỹ, cũng như ở Anh, là: “Tiếp theo sẽ là gì đây?”

Tháng 5 năm 1945, trong bài viết về Hayek và tác phẩm Đường về nô lệ đăng trên tạp chí Saturday Review of Literature, Lawrence Frank nhận xét, “cuốn sách được một nhà xuất bản đại học ấn hành lặng lẽ trong mùa thu vừa qua đã biến thành hiện tượng nổi bật trên toàn quốc một số tuần gần đây. Đó là cuốn Đường về nô lệ của Friedrich A. Hayek, nhà kinh tế học người Áo, người mà hầu như chỉ qua một đêm đã được một bộ phận của giới kinh doanh và chuyên môn ở Mỹ chào đón như một nhà tiên tri lớn. Ông đã trở thành người phát ngôn cho những niềm tin về kinh tế vốn phát triển mạnh mẽ cho tới năm 1929, nhưng sau đấy không còn thu hút được lượng người ủng hộ hay đồng cảm rộng rãi nữa. Các tổ chức khác nhau, trong đó có Hiệp hội Quốc gia các Nhà chế tạo (National Association of Manufacturers), đang tán tụng cuốn sách của tiến sỹ Hayek. Tháng trước, tạp chí Reader’s Digest đã công bố bản rút gọn có phần sắc sảo hơn; và Câu lạc bộ Sách của Tháng đang phát hành những cuốn tái bản. Tạp chí Fortune đã dành lời ca ngợi tiến sỹ Hayek. Trong khi đó, tiến sỹ Hayek đang thực hiện tua thuyết trình chớp nhoáng (và theo một số người là thành công) vòng quanh nước Mỹ. Hiếm khi có một nhà kinh tế học cùng một cuốn sách ở thể loại phi tiểu thuyết lại đạt được sự nổi tiếng đến thế trong thời gian ngắn như vậy.”

Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945, Đường về nô lệ trở thành một cuốn best-seller ở Mỹ. Bấy giờ vẫn chưa có danh sách best-seller trên toàn quốc. Thay vì thế, những cuốn sách bán chạy hàng đầu được báo cáo trên cơ sở liên thành phố. Trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 20 tháng 5, cuốn sách của Hayek bán chạy thứ hai ở Chicago và thứ ba ở Cleveland và Detroit. Tuần lễ tính từ ngày 24 tháng 6, nó là tác phẩm bán chạy số một ở Chicago và St. Louis, và số hai ở Detroit. Những thành phố khác mà nó nằm trong tốp 5 cuốn sách bán chạy nhất là Washington và Baltimore.

Tháng 4 năm 1945, người chuyên viết xã luận cho tờ New Republic nhận xét, tác phẩm Đường về nô lệ “đã nhận được phản ứng tích cực ở Mỹ từ những người đang sử dụng các lý thuyết kinh tế của thập niên 1880 để biện minh cho những tập quán kinh doanh thập niên 1940. Ông ta [Hayek] đang nhanh chóng được xác lập như là một nhà tư tưởng bảo thủ hàng đầu. Ông ta đang được các phòng thương mại, đại diện quảng cáo cũng như các tập đoàn lớn cỗ vũ.” Tháng 5 năm 1945, tác gia Stuart Chase, người bị Hayek công kích trong cuốn sách, đã viết một bài phê bình trên tờ Nation với tiêu đề “Quay về với tổ tiên: Cẩm nang kỷ nguyên tiền chiến của tiến sỹ Hayek” (Back to Grandfather: Dr. Hayek’s Guide to the Pre-War Era).

Phản ứng tiêu cực nhất ở Mỹ là tác phẩm Con đường tới phản động (Road to Reaction) của Hernan Finer. Trong lời tựa cuốn sách, Finer viết rằng ông ta sẽ chứng minh “bộ máy tiếp thu tri thức của Hayek là thiếu sót, sự nắm bắt chưa hoàn thiện, hiểu biết về quá trình kinh tế là mù quáng, sự mô tả lịch sử dối trá, khoa học chính trị của ông ta hầu như không tồn tại, thuật ngữ sai lạc, hiểu biết của ông ta về bài bản và tâm tính chính trị ở Anh và Mỹ là khiếm khuyết nghiêm trọng, và thái độ của ông ta trước quảng đại nam nữ là độc đoán hung hăng.” Ông cũng nhận xét về Hayek và tác phẩm: “một kẻ tôn sùng sự phản tiến bộ… một tác phẩm của thứ logic xuyên tạc và khoa trương… một sự bôi bác bừa bãi… một thế giới quan xấu xa và hiểm ác… bộc lộ sự ngu dốt thấp kém… tai hại và phi khoa học… sự dạn dĩ trâng tráo hữu ý… sự khinh miệt hoàn toàn theo kiểu Hitler trước một người dân chủ.”

Phản ứng đương thời khác ở Mỹ là từ nhà khoa học chính trị William Ebbenstein. Ông viết trong tác phẩm Con người và nhà nước: Những ý tưởng chính trị hiện đại (Man and the State: Modern Political Ideas, 1947), “cuốn sách bài bác kế hoạch hoá nổi tiếng nhất là tác phẩm Đường về nô lệ của Friedrich A. Hayek. Sự xuất sắc của nó ngay lập tức được nhận ra, được tiếp thu trên nguyệt san Reader’s Digest và được phân phối rộng rãi thông qua đủ các kiểu đại lý… Hayek tin tưởng trong nền kinh tế kế hoạch hoá thì ‘cái xấu xa nhất lại vươn tới đỉnh cao.’… Kinh nghiệm ở Anh và ở các quốc gia dân chủ khác đang tất bật với kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa sẽ cho thấy liệu có phải ‘thái độ không khoan dung và đàn áp tàn bạo đối với quan điểm bất đồng, sự lừa gạt và do thám, không đếm xỉa đến cuộc sống và hạnh phúc cá nhân là có tính cốt yếu và không tránh khỏi’ xuất phát từ ‘quan điểm tập thể chủ nghĩa’ hay không… Chừng nào Hayek còn tiếp tục thuyết giảng thứ kinh tế học bài chủ nghĩa xã hội của mình ở Trường Kinh tế và Chính trị London, chừng đó ông vẫn còn bước trên con đường vững chắc nhất đi tới tự do.”

Khi Hayek đang thực hiện tua thuyết trình ở Mỹ thì tổng tuyển cử diễn ra ở Anh, Churchill thất bại trước thủ lĩnh Công Đảng Clement Attlee. Hayek cùng với tác phẩm Đường về nô lệ đã đóng vai trò nhất định. Churchill mở màn chiến dịch của mình bằng sự công kích trực diện nhằm vào Công Đảng. Ông nói, “Hỡi những người bạn của tôi, tôi phải nói với các bạn rằng chính sách xã hội chủ nghĩa là kinh tởm đối với những ý tưởng tự do của nước Anh. Chủ nghĩa xã hội không thể tách rời chế độ toàn trị (totalitarianism) và là đối tượng tôn thờ của nhà nước ấy. Nó sẽ quy định cho mọi người nơi họ làm việc, công việc họ làm, nơi họ có thể đến và những gì họ có thể phát biểu. Chủ nghĩa xã hội là sự tấn công vào quyền được hít thở tự do. Không một hệ thống xã hội chủ nghĩa nào có thể được thiết lập mà không có cơ quan an ninh chính trị. Chúng sẽ phải dựa vào một hình thức tổ chức Gestapo 1 nào đó, vốn chắc chắn được định hướng rất nhân bản ngay từ đầu.” Theo Harold Macmillan, về sau là thủ tướng của Đảng Bảo thủ, thì Churchill “đã củng cố sự lo sợ của mình qua việc đọc tác phẩm Đường về nô lệ của Hayek.”

Bài diễn văn của Churchill đã phản tác dụng, đặc biệt là sự đề cập của ông đến Gestapo, vì ông bị nhìn nhận là đã coi những đối tác cũ trong chính phủ liên hiệp thời chiến – Attlee và Công Đảng – như bọn Đức Quốc xã ngay khi bộ mặt xấu xa nhất của nước Đức đang bị phơi bày, các trại tập trung cùng sự tiêu diệt hàng loạt người Do Thái. Ngay đêm sau, Attlee đáp trả với bài diễn văn của mình trên đài phát thanh toàn quốc rằng lập trường của Churchill là “phiên bản lập lại những quan điểm học thuật của một vị giáo sư người Áo, Friedrich August von Hayek.”

Không còn nghi ngờ gì, bài diễn văn “Gestapo” của Churchill đã làm hại ông, và hẳn sẽ là mỉa mai nếu như việc ông sử dụng những ý tưởng trong tác phẩm Đường về nô lệ đã góp phần nhất định đưa đến chính phủ Công Đảng đa số đầu tiên của Anh. Khi được phỏng vấn, “Bài diễn văn ‘Gestapo’ rõ ràng có thể đã khiến Churchill thất bại trong cuộc bầu cử. Ông có ý kiến gì về nhận định này?” Hayek trả lời, “Tôi không coi điều này là không thể. Cụm từ ‘tổ chức Gestapo’ được sử dụng trong bài diễn văn chống lại ông ta quá nhiều vào thời điểm ấy, đến mức rất có thể toàn bộ bài diễn văn đã làm hại ông hơn bất kỳ điều gì khác.” Tuy nhiên, nếu quy nguyên nhân thất bại của Churchill cho bài diễn văn và qua đó gián tiếp cho Hayek thì sẽ là hấp tấp. Mặc dù nhân dân Anh ủng hộ Churchill với tư cách một lãnh tụ thời chiến vĩ đại, họ vẫn tìm kiếm cách tiếp cận khác cho kỷ nguyên hậu chiến đang đến.

Một ngày sau bài phát biểu của Attlee, bài viết mang tựa đề “Những ý tưởng lặp lại từ vị giáo sư người Áo” đã xuất hiện trên trang nhất tờ Manchester Guardian. Hayek được trích dẫn, “Tôi chỉ quan tâm đến ý tưởng, chứ không phải chính trị đảng phái. Tôi lắng nghe bài diễn văn của ngài Attlee và điều duy nhất mà tôi có thể tin chắc là ông ta chưa đọc cuốn sách của tôi.”  Tất cả các tờ báo lớn đều đưa tin bài về câu chuyện trên, và một số tờ đăng trích đoạn từ tác phẩm Đường về nô lệ. Hai tuần sau, tờ Graphic Sunday viết rằng cuốn sách đã trở thành “chủ đề nói chuyện số một của cả nước.”

Laski, trùng hợp ngẫu nhiên vào thời điểm đó là chủ tịch Công Đảng, cũng đóng vai trò nhất định vào chiến dịch bầu cử ở Anh năm 1945. Trong chiến dịch bầu cử, Churchill đã mời Attlee tham dự Hội nghị Potsdam về các vấn đề hậu chiến diễn ra một số tuần tới, đến thời điểm ấy thì cuộc bầu cử đã hoàn thành nhưng việc kiểm phiếu vẫn chưa tiến hành do phải tập hợp phiếu bầu của nam nữ quân nhân từ khắp nơi trên thế giới. Khi đó Laski phát biểu, “Nếu ngài Attlee tham dự hội nghị này, ông ta sẽ chỉ đến với tư cách người quan sát. Công Đảng không thể cam kết trước bất kỳ quyết định nào đạt được ở đó khi Ban chấp hành Đảng chưa thảo luận về nó.”

Churchill cùng giới báo chí bảo thủ nhanh chóng công kích. Churchill diễn thuyết trên buổi phát thanh tiếp theo của mình, “Một nhân vật tai tiếng mới đã xuất hiện. Tình hình trở nên phức tạp và phủ bóng đen bởi sự can thiệp liên tiếp của giáo sư Laski, Chủ tịch Ban chấp hành Đảng Xã hội Chủ nghĩa. Ông ta đã nhắc nhở tất cả chúng ta, kể cả ngài Attlee, về vai trò của Đảng Xã hội Chủ nghĩa, theo đó sự quyết định cuối cùng về mọi vấn đề là trách nhiệm riêng của Ban chấp hành Đảng Xã hội Chủ nghĩa.” Theo Isaac Kramnick, người viết tiểu sử của Laski, “quyết định của Churchill mở chiến dịch chống lại kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa thông qua việc liên tưởng nó với kiểu nhà nước Gestapo,” kết hợp với sự can thiệp của Laski, “đã tạo nên một hiện tượng kỳ lạ về cuộc tổng tuyển cử với sự tranh chấp diễn ra ở cùng trình độ giữa các học thuyết đối địch của hai vị giáo sư LSE” – Hayek và Laski. Tháng 6 năm 1945, tờ New York Times công bố liên tiếp loạt bài luận, “Thế giới đang đi về cánh tả?” (Is the World Going to the Left?). Laski đưa ra luận điểm khẳng định còn Hayek đưa ra luận điểm phủ định.

Văn phòng Trung ương Đảng Bảo thủ (Conservative Central Office) từng đánh giá cao tác phẩm Đường về nô lệ trong cuộc tổng tuyển cử năm 1945 ở Anh và tặng nhà xuất bản của Hayek một tấn rưỡi giấy quý giá để ấn hành phiên bản rút gọn của cuốn sách. Tuy nhiên, yêu cầu trên đã không thể được đáp ứng trước cuộc bầu cử.

Ban đầu Hayek tỏ ra hài lòng với vai trò ảnh hưởng từ những ý tưởng của mình trong cuộc tổng tuyển cử. Theo Cockett, ông “ăn trưa tại Câu lạc bộ Cải cách một ngày sau buổi phát thanh của Churchill, và thích thú về việc ý tưởng của mình được tiếp thu với sự hào hứng đến thế.” Sự kiện này diễn ra hơn một năm sau khi cuốn Đường về nô lệ xuất hiện lần đầu tiên ở Anh.

Chú thích:
(1) Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã. (N.D.)

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan