[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 33 - Nguyệt quế

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 33 - Nguyệt quế

Danh tiếng của Hayek sẽ ra sao nếu ông không nhận được Giải Nobel Kinh tế vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhìn lại mà nói thì quyết định của Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Điển năm 1968 cung cấp tài chính cho Giải Nobel Kinh tế và quyết định chấp nhận món quà đó của Quỹ Nobel (Nobel Foundation) đã tạo nên bước ngoặt tiềm tàng trong quá trình phát triển của kinh tế học hiện đại. Vấn đề chủ yếu không phải nằm ở chỗ việc lập ra giải thưởng đã thừa nhận kinh tế học là một ngành khoa học, Hayek vẫn thiên về ý kiến này, mà là thông qua việc trao giải cho các nhà tư tưởng phi chính thống như bản thân ông và Friedman, nó đã góp phần dẫn dắt kinh tế học hàn lâm theo những hướng đi mới. Giờ đây người ta không còn có thể bác bỏ ngay quan điểm của các nhà kinh tế học thị trường tự do như trước đây nữa. Trên thực tế, Gunnar Myrdal, nhà kinh tế học xã hội chủ nghĩa và chính khách Thuỵ Điển, người mà Hayek chia sẻ Giải Nobel Kinh tế học năm 1974, về sau đề xuất là nên xoá bỏ giải thưởng kinh tế bởi nó đã được trao cho những kẻ phản tiến bộ như Friedman và Hayek. (Thời gian Hayek nhận Giải Nobel năm 1974, người ta vẫn thường bông đùa là Hayek ngỡ ngàng vì được nhận giải, còn Myrdal thì lại ngỡ ngàng vì phải chia sẻ nó.)

Việc trao Giải Nobel Kinh tế năm 1974 cho Hayek, được công bố vào ngày 9 tháng 10 năm 1974, là sự kiện trẻ hoá lớn lao trong đời ông. Ông không chỉ là tác giả cuốn sách best-seller ba mươi năm trước, mà còn là nhà kinh tế học thị trường tự do đầu tiên giành được Giải Nobel. Điều châm biếm là Thuỵ Điển – đất nước vẫn được ca tụng vì các chương trình nhà nước phúc lợi mẫu mực từ thập niên 1930 đến thập niên 1960 và được một số người nhìn nhận là một “đường lối trung dung” đang tiến triển – đầu tiên là giữa chủ nghĩa phátxít và chủ nghĩa cộng sản và sau đó giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản – lại sản sinh ra một tổ chức đóng vai trò đáng kể trong việc tác động đến kinh tế học hàn lâm theo hướng tư bản chủ nghĩa, đó là Giải Nobel Kinh tế.

Hayek thực sự bất ngờ với việc được trao giải thưởng năm 1974. Ông vốn cho rằng Uỷ ban Nobel (Nobel Committee) sẽ coi ông là “quá già, không còn cơ hội nữa rồi.” Ông “không nghĩ là Giải Nobel phải được trao cho những người có công trình nào đó trong quá khứ xa xăm.” Theo ông, nó cần được trao cho “thành tựu cụ thể nào đấy trong tương lai tương đối gần.” Ông cũng thừa nhận là đã rời khỏi lĩnh vực kinh tế học kỹ thuật khi sự nghiệp của mình tiến triển.

Theo Hayek, việc Uỷ ban Nobel trao giải thưởng đồng thời cho Myrdal và ông thể hiện sự kính trọng gây tranh cãi dành cho ông cũng như đặc điểm không còn được ưa chuộng trong các ý tưởng của ông. Hành động của Mydal (người được nêu tên đầu tiên trong thông báo trao giải thưởng chính thức) đã phản ảnh những khác biệt giữa họ khi ông tổ chức cuộc họp báo, kêu gọi kiểm soát tiền lương và giá cả và tiến hành ngay lập tức việc phân phối xăng dầu hạn mức ở Mỹ. Hayek, bằng sự tương phản, đã được dẫn lời khi phát biểu, “tất cả các cuộc khủng hoảng lớn đều do hiện tượng lạm phát trước đấy gây ra, một nguyên nhân mà sớm hay muộn sẽ dẫn đến sụp đổ.”

Việc trao Giải Nobel cho Hayek là một sự kiện mà phần lớn mọi người ở cả cánh tả và cánh hữu đều hoàn toàn không ngờ tới. Ông hầu như đã bị quên lãng trong tâm trí công chúng Mỹ. Công trình lớn và hoàn chỉnh gần nhất của ông là Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), xuất bản năm 1960. Bao sự kiện đã xẩy ra kể từ thời điểm ấy – các vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy 1, Martin Luther King , và Robert Kennedy 3; phong trào đòi quyền công dân; cuộc chiến tranh Việt Nam; cuộc cách mạng văn hoá Mỹ và thế giới. Hayek đã sống bên ngoài thế giới nói tiếng Anh suốt mười hai năm trước thời điểm ấy. Ông từng viết về những lĩnh vực ngoài kinh tế học đích thực trong phần lớn ba mươi năm trước đấy.

John Chamberlain – người chấp bút lời giới thiệu ấn bản đầu tiên ở Mỹ của tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) – nhận xét trong một bài bày tỏ ý kiến trên tờ Wall Street Journal là tương phản với sự hài lòng mà bản thân giải thưởng có thể đem lại, thì “thật kém khích lệ khi nhận thấy sự thiếu hiểu biết, thậm chí ngỡ ngàng, mà một số nhóm truyền thông đại chúng thể hiện, rằng một người tương đối ‘vô danh’ như Hayek lại có thể có được vinh dự đến thế.”

Có lẽ Friedman là người đúc kết tốt nhất các quan điểm của bạn bè Hayek trong thông điệp chúc mừng, “Thưa Fritz, tôi không thể nói được với ngài là đã vui mừng đến nhường nào khi người Thuỵ Điển rốt cục đã vượt qua những thiên kiến chính trị của họ đủ để thừa nhận những đóng góp của ngài. Họ đã mất quá nhiều thời gian, và thậm chí chỉ mới đi được nửa đường, nhưng ngần ấy thôi cũng đã nhiều hơn những gì mà tôi trông đợi từ họ.”Friedman về sau nói, “nguyên tắc của Uỷ ban Nobel, khi Giải Nobel Kinh tế được lập ra, là nó không thể trao cho một người Thuỵ Điển trong năm năm. Đây là năm thứ sáu. Họ hết sức muốn trao giải cho Myrdal. Nhưng Myrdal là người theo đường lối cánh tả bảo thủ và – đây là sự diễn dịch lại của tôi, tôi không thể đưa ra bằng chứng cứ liệu – họ nghĩ là khó tránh khỏi sự phê phán mạnh mẽ, vì thế họ quyết định liên kết Myrdal với Hayek, cánh tả với cánh hữu, và cân bằng sự chỉ trích.”Trong một cuộc phỏng vấn, với những phát biểu rất giống như thế, Hayek thừa nhận, “Tôi chưa bao giờ chờ đợi việc nhận được Giải Nobel. Đây là điều hoàn toàn bất ngờ bởi lẽ tôi không nghĩ học thuyết Keynes (Keynesianism) đã đánh mất tiếng tăm của nó trong các giới trí thức và chuyên môn. Tôi không chắc đó là nguyên nhân thực sự. Uỷ ban Nobel Thuỵ Điển dường như đã rất lo lắng trong việc giữ sự cân bằng nhất định giữa các quan điểm khác nhau và vì thế đã chọn một đôi hơi kỳ lạ, trong đó tôi là một.”

Trong một bài xã luận đương thời trên tờ Reason, Richard Ebeling nhận xét, “mẫu số chung” của những người từng nhận Giải Nobel trước đó là việc họ “cùng thừa nhận khuôn khổ của học thuyết Keynes, niềm tin vào sự đúng đắn của việc nhà nước can thiệp vào các vấn đề kinh tế, và việc sử dụng các mô hình toán học, thống kê. Vì vậy, người ta không ngạc nhiên khi được thông báo là giải thưởng năm 1974 đã được trao cho nhà kinh tế học Gunnar Myrdal người Thuỵ Điển. Điều gây ngạc nhiên là nhà kinh tế học được chọn chia sẻ giải thưởng năm nay với Myrdal… Friedrich von Hayek! Giáo sư Hayek qua đó trở thành nhà kinh tế học thị trường tự do triệt để đầu tiên nhận giải thưởng này.”

Giải Nobel Kinh tế lần đầu tiên được trao năm 1969, không giống như các giải Nobel khác về Hoà bình, Văn học, Vật lý, Y học, và Hoá học, bắt đầu từ năm 1901. Myrdal và Hayek là nhà kinh tế học thứ tám và thứ chín nhận được giải Nobel. Một số các nhà kinh tế học theo định hướng thị trường khác, bắt đầu với Milton Friedman năm 1976, đã nhận được các Giải Nobel Kinh tế kể từ đấy.

Lễ trao Giải Nobel tháng 12 năm 1974 có ý nghĩa hơn cả bởi sự hiện diện của Aleksandr Solzhenitsyn để nhận Giải Nobel Văn học vốn được trao cho ông từ năm 1970, nhưng ông đã không thể nhận giải thưởng vào lúc ấy vì sợ không được phép quay lại Liên bang Xôviết. Việc ông có thể tham dự vào năm 1974 chỉ là do thời điểm ấy Liên bang Xôviết đã trục xuất ông. Hayek bình luận trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do cũng như trong lời tựa năm 1956 của tác phẩm Con đường tới nô lệ là chính “hình thức văn chương mạnh mẽ” đã có vai trò to lớn trong việc tạo nên “tâm trí sáng suốt”hướng về chủ nghĩa xã hội. Sau đó ông nhận xét, Solzhenitsyn là một “nhân vật rất phức tạp. Tôi quen ông vì ông nhận Giải Nobel cùng thời gian với mình. Tôi vừa nhân cơ hội ra mắt bản dịch tiếng Nga tác phẩm Con đường tới nô lệ để gửi tặng ông một cuốn. Rõ ràng ông thấy cuốn sách lần đầu tiên và đã bộc bạch trong bức thư gửi cho tôi là khó có thể tin nổi một người nào đấy chưa từng sống ở Nga lại có thể nhìn thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội tường tận đến như tôi.”

Sức khoẻ Hayek tốt lên đáng kể không lâu trước khi ông nhận giải Nobel. Dù một số người từng ám chỉ mối liên hệ giữa việc nhận giải thưởng và sức khoẻ tốt lên của ông, ông vẫn giận giữ bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào ở đây. Ông “không phải đã được giải Nobel cứu, như một số bạn bè của tôi ám chỉ một cách thiếu thiện chí. Tôi đã bắt đầu xuất bản trở lại đầu mùa hè năm 1974, trước khi có bất kỳ ý tưởng nào [về việc được trao giải].”

Tâm trạng của ông cải thiện đáng kể sau giai đoạn đầu những năm 1970. Năm 1984, ông nhận xét là lúc ấy ông “lạc quan hơn”so với trước đấy. Thái độ tích cực của ông phần nào là nhờ những thay đổi trong cách điều trị, cũng như nhờ sức khoẻ tốt lên. Tuy nhiên, điều này cũng là do sự thay đổi nhận thức của công chúng đối với ông, những cơ hội mà ông có, và diễn biến thời cuộc tốt hơn. Dù có thể không tồn tại mối liên hệ vật chất nào giữa việc nhận Giải Nobel và hoạt động mạnh mẽ hơn sau đấy của ông, thì giải thưởng vẫn đem lại tiếng tăm cá nhân thú vị cũng như nhiều cơ hội dễ chịu cho ông. Walter Grinder, lúc bấy giờ làm việc tại Viện Nghiên cứu Nhân văn (Institute of Humane Studies), còn nhớ Hayek “gần như là hai con người khác nhau”trước và sau khi nhận Giải Nobel.

Thời cuộc đã thay đổi đáng kể trong thập niên 1970. Suốt những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, dường như đối với một số người, một cuộc cách mạng không chỉ về văn hoá mà còn về chính trị do giới trẻ khởi xướng đã có thể nổ ra tại các nước Phương Tây và phần lớn Châu Âu, và thế giới thứ ba có thể đã ngả theo sự lãnh đạo của Liên bang Xôviết hoặc trở thành “Phần Lan hoá 5.” Đến giữa thập niên 1970, bất chấp sự kiện Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, những khả năng trên xem ra đã yếu hơn hay bóng dáng của chúng không còn rõ nét như trước.

Điều kiện kinh tế với lạm phát và thất nghiệp cao đã khiến cho các nhà kinh tế học như Hayek và Friedman được ưa chuộng rộng rãi hơn bao giờ hết. Trả lời câu phỏng vấn liên quan đến chủ đề này, Hayek đưa ra quan niệm của mình về vai trò thừa nhận của công chúng đối với cuộc đời hay công trình của một người:

Hỏi: Sự thừa nhận bên ngoài đối với tài năng lỗi lạc, từ góc độ niềm vui mà một người nhận được, liệu có quan trọng hay không?

Đáp: Có, mặc dù tôi không nghĩ ý định nhằm đến sự thừa nhận đã định hướng mình trong việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu. Nhưng khi nó đến thì lại rất dễ chịu. Tuy thế, tôi sẽ không nuối tiếc thật nhiều khi đã dành cuộc đời mình cho một cái gì đó mà tôi vẫn coi là quan trọng nhưng lại chưa được thừa nhận. Tôi hẳn có thể đã nhận thấy sự bất tiện nếu nó không đem lại thu nhập thoả đáng; nhưng điều này sẽ không phải là trở ngại lớn đối với tôi nếu tôi tin rằng rốt cục thì điều gì đấy sẽ được thừa nhận là quan trọng.

Có lẽ hệ quả quan trọng nhất của việc Hayek được trao Giải Nobel là nó đã khiến ông nổi bật hơn trước công chúng. Nếu không có sự nổi tiếng mà giải thưởng đem đến cho ông, thì liệu sự hâm mộ công khai sau này của Thủ tướng Margaret Thatcher có phải là tin tức đáng chú ý hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, và chính nhờ sự thừa nhận của Thatcher mà ông đã giành được danh tiếng lớn nhất sau này.

 

Chú thích:

(1) John F. Kennedy (1917-1963): Tổng thống Mỹ thứ 35 (1961-1963), bị ám sát vào ngày 22/11/1963. (N.D.)

(2) Mục sư người Mỹ da đen (1929-1968), nhà hoạt động vì quyền công dân của Mỹ. (N.D.)

(3) Robert Francis Kennedy (1925-1968): Thượng nghị sỹ Mỹ (1964), bộ trưởng tư pháp (1961-1964) dưới thời tổng thống J. F. Kennedy (anh trai). (N.D.)

(4) Aleksandr Solzhenitsyn Isayevich (1918-): Tiểu thuyết gia, kịch tác gia và sử gia người Nga. (N.D.)

(5) Finlandize: Áp dụng chính sách trung lập hay dung hoà trong quan hệ với nước lớn. (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Chương 33, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan