Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Duy sử luận trong chủ nghĩa duy khoa học (phần 7)

Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Duy sử luận trong chủ nghĩa duy khoa học (phần 7)

Việc coi duy sử luận – đối tượng mà bây giờ chúng ta xem xét – như là một sản phẩm của cách tiếp cận duy khoa học có lẽ gây ngạc nhiên do nó thường được xem như là phương pháp chống lại việc xem xét các hiện tượng xã hội dưới dạng mô hình của các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng quan điểm mà thuật ngữ này chính xác mô tả (và phải không được nhầm lẫn với phương pháp nghiên cứu lịch sử đúng đắn) chứng tỏ rằng nó là kết quả từ cùng những loại định kiến giống như các cách hiểu sai lầm của chủ nghĩa duy khoa học đối với các hiện tượng xã hội. Nếu việc cho rằng duy sử luận là một hình thức thể hiện của chủ nghĩa duy khoa học thay vì là một phương pháp đối nghịch vẫn còn bộc lộ một mâu thuẫn nào đó thì đó là bởi thuật ngữ này được sử dụng theo hai nghĩa khác nhau, và trong một số khía cạnh, đối nghịch nhau, và do vậy, thường xuyên gây ra nhầm lẫn: theo quan điểm của thế hệ trước, nó đối nghịch với nhiệm vụ cụ thể của nhà sử học với tư cách là nhà khoa học và chối bỏ khả năng tồn tại một ngành khoa học lý thuyết về lịch sử, và ngược lại, theo quan điểm của thế hệ sau, nó khẳng định lịch sử là con đường duy nhất đem lại một ngành khoa học lý thuyết cho các hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, sự đối nghịch sâu sắc giữa hai quan điểm này đôi khi lại tồn tại dưới cùng một cái tên “duy sử luận”. Nếu chúng ta xem xét chúng như là hai thái cực thì chúng chứa đựng đủ các thuộc tính chung để có thể tạo ra một quá trình chuyển đổi từ từ và hầu như không nhận thấy được từ phương pháp lịch sử của những nhà sử học thành duy sử luận của chủ nghĩa duy khoa học với cố gắng biến lịch sử thành một bộ môn “khoa học” và là bộ môn khoa học duy nhất về các hiện tượng xã hội.

Trường phái lịch sử của thể hệ trước, mà sự phát triển của nó gần đây được một nhà sử học người Đức Meinecke trình bày rất tốt mặc dù dưới một cái tên dễ gây nhầm lẫn historismus1, đã xuất hiện chủ yếu để chống lại các khuynh hướng “thực dụng” và “khái quát hóa” của một số các quan điểm của thể kỷ XVIII, cụ thể là của người Pháp. Nó nhấn mạnh tới đặc tính đơn nhất hoặc duy nhất (individuell) của tất cả các hiện tượng lịch sử, rằng các hiện tượng lịch sử chỉ có thể hiểu được bằng con đường nhân quả, như là kết quả hợp nhất của nhiều loại lực lượng vận động trong những khoảng thời gian dài. Nó đối lập sâu sắc với việc diễn giải “thực dụng”, vốn xem các thể chế xã hội như là sản phẩm của sự thiết kế có chủ ý. Trên thực tế, nó hàm ý việc sử dụng lý thuyết “compozit” để giải thích bằng cách nào các thể thế lại có thể hình thành như là kết quả không định trước của các hành động riêng rẽ thực hiện bởi nhiều cá nhân. Một điểm quan trọng cần lưu ý là trong số những cha đẻ của quan điểm này, Edmund Burke là một trong những người có vị trí cao nhất và Adam Smith chiếm một vị trí danh dự.

Song, mặc dù phương pháp lịch sử này hàm ý lý thuyết, nghĩa là, một hiểu biết về các nguyên lý về sự cố kết có cấu trúc các tổng thể xã hội, nhưng những nhà sử học, những người sử dụng phương pháp này, không những đã không phát triển các lý thuyết một cách có hệ thống và hầu như không nhận ra được là họ đã sử dụng chúng, mà còn có khuynh hướng truyền giảng thành kiến chống lý thuyết, xuất phát từ việc họ không thích bất kỳ sự khái quát hóa nào về sự phát triển của lịch sử. Thành kiến chống lý thuyết này, mặc dù xuất phát từ mục đích chỉ chống lại những loại lý thuyết sai lầm, vẫn gây ra ấn tượng rằng sự khác nhau cơ bản giữa các phương pháp thích hợp để nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và để nghiên cứu các hiện tượng xã hội là đồng nhất với sự khác nhau giữa lý thuyết và lịch sử. Sự chống đối lý thuyết của một bộ phận lớn các nghiên cứu viên về các hiện tượng xã hội khiến cho người ta có cảm tưởng rằng sự khác nhau giữa việc nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu lịch sử là một hệ quả tất yếu của những khác biệt giữa các đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực khoa học tự nhiên và của lĩnh vực khoa học xã hội; và niềm tin rằng việc tìm kiếm các quy luật chung cần phải được giới hạn trong nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, trong khi phương pháp lịch sử phải thống trị trong nghiên cứu thế giới xã hội, đã trở thành nền tảng để duy sử luận của thế hệ sau này nảy mầm. Nhưng trong khi duy sử luận đã bảo lưu quan điểm về tính vượt trội của nghiên cứu lịch sử trong lĩnh vực này, nó hầu như đã đảo ngược cách nhìn đối với lịch sử so với trường phái lịch sử thế hệ trước, và dưới ảnh hưởng của các trào lưu duy khoa học của thời đại, nó đã đi tới chỗ miêu tả lịch sử như là loại nghiên cứu thực nghiệm về xã hội để từ đó rút ra các quy luật tổng quát nhất. Lịch sử đã trở thành cội nguồn từ đó một ngành khoa học mới về xã hội nảy sinh, một ngành khoa học đồng thời vừa mang tính lịch sử vừa sản sinh ra tri thức lý thuyết mà chúng ta có thể hy vọng gặt hái về xã hội.

Ở đây chúng ta không xem xét đến diễn biến của quá trình chuyển tiếp từ trường phái lịch sử thế hệ trước sang trường phái duy sử thế hệ sau. Cần phải lưu ý ngay rằng duy sử luận theo nghĩa được sử dụng ở đây không phải là sản phẩm của các sử gia mà bởi các nghiên cứu viên của các chuyên ngành nghiên cứu xã hội, cụ thể là các nhà kinh tế, những người hy vọng tìm kiếm được con đường thực nghiệm để tiến tới xây dựng lý thuyết cho chủ thể nghiên cứu của mình. Việc khảo cứu quá trình phát triển này một cách chi tiết và chỉ ra vì lẽ nào mà những người phải chịu trách nhiệm về nó trên thực tế lại bị dẫn dắt bởi các quan điểm duy khoa học trong thời đại của họ cần phải tạm gác lại cho một nghiên cứu lịch sử ở phần sau2.

Điều đầu tiên mà chúng ta phải điểm qua là bản chất của sự khác biệt giữa nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu lý thuyết về một chủ đề bất kỳ nào đó – đây là điều trên thực tế tạo ra mâu thuẫn khi đòi hỏi rằng lịch sử cần phải trở thành một ngành khoa học lý thuyết hoặc lý thuyết phải luôn “mang tính lịch sử”. Nếu chúng ta hiểu được sự khác biệt này thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng chẳng nhất thiết phải có mối quan hệ nào giữa sự khác biệt này với sự khác nhau về các đối tượng nghiên cứu cụ thể mà hai phương pháp tiếp cận phải xử lý, và rằng để thấu hiểu bất kỳ hiện tượng cụ thể nào, dù là trong tự nhiên hay là trong xã hội, cả hai loại kiến thức đều cần thiết như nhau.

Bộ môn lịch sử loài người nghiên cứu các sự kiện hoặc tình huống có tính đơn lẻ hoặc duy nhất đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc tất cả các khía cạnh liên quan khi muốn giải đáp một câu hỏi cụ thể về các sự kiện hay tình huống đó; nhưng dĩ nhiên đây không phải là một nét đặc thù gì của bộ môn nghiên cứu lịch sử loài người. Điều này cũng đúng như khi chúng ta cố gắng giải thích một hiện tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc đến một số lượng đủ các khía cạnh – hay diễn đạt theo cách khác, điều này đúng cho tới chừng nào chúng ta còn không chủ động lựa chọn được chỉ các khía cạnh của thực tại thuộc phạm vi mô tả của bất kỳ một hệ thống những định đề nối kết với nhau một cách nhất quán nào (cái mà chúng ta gọi là một ngành khoa học lý thuyết). Nếu tôi quan sát và ghi lại quá trình lan dần của cỏ dại tại một khoảnh đất trong mảnh vườn của tôi trong vài tháng mà không có bất kỳ sự can thiệp nhân tạo nào, thì điều này có nghĩa là tôi đang mô tả lại một quá trình mà mọi chi tiết của nó có tính duy nhất chẳng thua kém gì so với bất kỳ sự kiện nào của lịch sử loài người. Nếu tôi muốn giải thích một khuôn hình bất kỳ nào đó của các loại cây cỏ khác nhau xuất hiện tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình này, tôi cũng có thể tiến hành tương tự như thế bằng cách cân nhắc tới mọi ảnh hưởng liên quan tác động tới những phần khác nhau tại khoảnh đất đó ở những thời điểm khác nhau. Tôi sẽ phải xem xét đến những khác biệt của đất tại những phần khác nhau của khoảnh đất đó, về sự khác nhau của bức xạ mặt trời, về độ ẩm, về các luồng không khí v.v. và v.v. và để giải thích các ảnh hưởng của mọi yếu tố, tôi sẽ phải vận dụng đến phần kiến thức về tất cả các dữ kiện cụ thể đó, đến các loại kiến thức khác nhau về lý thuyết vật lý, hóa học, sinh vật học, khí tượng học và v.v. Kết quả của tất cả những điều này sẽ là sự giải thích về một hiện tượng cụ thể. Và đấy không phải là một khoa học lý thuyết về việc cỏ dại che phủ các khoảnh vườn như thế nào.

Trong trường hợp kiểu như vậy, diễn tiến cụ thể của các sự kiện, các nguyên nhân và hậu quả của chúng, có lẽ không đủ hấp dẫn để xem xét chúng một cách tỉ mỉ hoặc để phát triển thành một chuyên ngành nghiên cứu riêng biệt. Nhưng rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu về tự nhiên, thuộc những chuyên ngành đã được thừa nhận, lại có đặc điểm phương pháp luận chẳng khác gì kiểu như vậy. Ví dụ trong địa lý học, và trong đa phần của địa chất học và vũ trụ học, điều mà chúng ta quan tâm chủ yếu là các tình huống cụ thể, hoặc của trái đất hoặc của vũ trụ; chúng ta hướng tới việc giải thích một tình huống duy nhất bằng cách chỉ ra quá trình nó được hình thành từ sự hoạt động của rất nhiều lực tác động khác nhau, mỗi một lực tác động chịu sự chi phối bởi một quy luật chung do một ngành khoa học lý thuyết riêng biệt nghiên cứu. Chiếu theo nghĩa thường dùng của từ khoa học như là một bộ các quy luật chung3, thì những chuyên ngành nghiên cứu này không phải là các ngành khoa học, nghĩa là, chúng không phải là các ngành khoa học lý thuyết mà chỉ là những cố gắng áp dụng các quy luật tìm thấy trong các ngành khoa học lý thuyết để phục vụ cho việc giải thích các tình huống “lịch sử” cụ thể.

Do vậy, sự khác biệt giữa việc tìm kiếm các nguyên lý chung và việc giải thích các hiện tượng cụ thể không nhất thiết phải có mối liên hệ nào với sự khác biệt giữa việc nghiên cứu tự nhiên và việc nghiên cứu xã hội. Trong cả hai lĩnh vực chúng ta đều cần sự tổng quát hóa nhằm giải thích các sự kiện cụ thể và đơn nhất. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng giải thích hoặc tìm hiểu một hiện tượng cụ thể nào chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phải nhìn nhận nó hay các bộ phận của nó như là các thành viên của các lớp hiện tượng cụ thể, và việc giải thích hiện tượng cụ thể ngầm giả định về sự tồn tại của các quy luật chung.

Tuy nhiên, có nhiều lý do rất hay ho biện minh cho sự khác biệt mà chúng ta đang đề cập, rằng nói chung thì trong lĩnh vực khoa học tự nhiên việc tìm kiếm các quy luật chung được tôn vinh hơn, còn việc ứng dụng chúng để giải thích các hiện tượng cụ thể thường ít được đề cập và chú ý, trong khi đối với các hiện tượng xã hội thì việc giải thích tình huống cụ thể và duy nhất lại có tầm quan trọng sánh ngang với, và thường là giành được sự chú ý cao hơn, bất kỳ sự tổng quát hóa nào. Trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, một sự kiện hay tình huống cụ thể nói chung chỉ là một trong rất rất nhiều các sự kiện tương tự, khiến cho các hiện tượng cụ thể chỉ là mối quan tâm mang tính cục bộ và tạm thời và hầu như không mang lại giá trị khiến cho cần phải đem ra thảo luận rộng rãi (trừ phi chúng là bằng chứng khẳng định tính chân của quy luật chung). Điều quan trọng đối với những ngành khoa học này là quy luật chung có khả năng áp dụng cho tất cả các sự kiện diễn ra đều đặn thuộc về một loại cụ thể nào đó. Trái lại, trong lĩnh vực xã hội, một sự kiện cụ thể hay duy nhất thường giành được sự quan tâm lớn hơn; đồng thời, nó thường rất phức tạp và chúng ta rất khó thấy hết được mọi khía cạnh quan trọng của nó. Đó là những lý do khiến cho việc giải thích và bàn luận về nó trở thành một nhiệm vụ lớn lao, đòi hỏi toàn bộ nhiệt huyết của nhà nghiên cứu. Ở đây chúng ta nghiên cứu các sự kiện cụ thể bởi vì chúng góp phần vào việc tạo ra cái môi trường cụ thể mà chúng ta sống trong đó hoặc bởi vì chúng là bộ phận của môi trường đó. Việc hình thành và tan rã của Đế chế Roma hay của những cuộc Thập tự chinh, cuộc Cách mạng Pháp, hay sự tăng trưởng của công nghiệp hiện đại – tất cả đều là những tổ hợp các sự kiện duy nhất, góp phần vào việc hình thành những môi trường sống cụ thể của chúng ta và việc giải thích chúng do vậy giành được sự quan tâm đáng kể.

Tuy nhiên chúng ta cần lược qua bản chất logic của các đối tượng nghiên cứu đơn nhất và duy nhất này. Có lẽ đa phần các tranh cãi và nhầm lẫn mà nhiều người mắc phải về vấn đề này xuất phát từ sự mập mờ của ý niệm chung về cái có thể cấu thành một đối tượng của tư duy; cụ thể, từ quan niệm sai rằng toàn bộ (nghĩa là tất cả các khía cạnh có thể) một tình huống cụ thể hoàn toàn có thể cấu thành một đối tượng tư duy đơn lẻ. Ở đây chúng ta chỉ có thể xem xét đến một số ít các vấn đề logic nảy sinh từ niềm tin này.   

Điểm đầu tiên mà chúng ta phải nhớ là, nói một cách chặt chẽ, mọi tư duy đều trừu tượng ở một mức độ nhất định nào đó. Ở phần trên chúng ta đã biết là mọi nhận biết về thực tại, bao gồm các cảm giác đơn giản nhất, liên quan đến một quá trình phân loại đối tượng theo một hay một số các thuộc tính nhất định nào đó. Theo nghĩa này, cùng tổ hợp các hiện tượng mà chúng ta có thể phát hiện trong những giới hạn nhất định về thời gian và không gian có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau; và các nguyên lý mà chúng ta dùng để phân loại hay gộp các sự kiện lại có thể khác nhau không chỉ theo một mà nhiều kiểu khác nhau. Các ngành khoa học lý thuyết khác nhau chỉ xem xét những góc độ của các hiện tượng mà có thể ghép được vào một hệ thống nhất quán nối kết các định đề với nhau. Cần phải nhấn mạnh là điều này đúng cho cả hai lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết về tự nhiên và lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết về xã hội, do những người ngả theo duy sử luận thường vin vào xu hướng theo đó các ngành khoa học tự nhiên xử lý cái “tổng thể” hay toàn bộ các sự vật thực tồn để biện minh cho việc áp dụng theo cách tương tự trong lĩnh vực khoa học xã hội4. Tuy nhiên, bất kỳ ngành nghiên cứu nào, dù là lý thuyết hay lịch sử, có thể chỉ xem xét một số khía cạnh được lựa chọn nhất định nào đó của thế giới thực; và trong lĩnh vực khoa học lý thuyết, nguyên lý lựa chọn là khả năng xếp gộp những khía cạnh này theo một bộ các quy luật nối kết nhau một cách logic. Đối với mỗi ngành khoa học, cùng một sự vật có thể là quả lắc, là một miếng đồng, hay một cái gương lồi. Chúng ta đã thấy là việc một quả lắc mang các thuộc tính hóa học và quang học không có nghĩa là khi nghiên cứu về các quy luật của các quả lắc chúng ta phải nghiên cứu chúng bằng các phương pháp của hóa học hay quang học – mặc dù khi chúng ta áp dụng những quy luật này cho những quả lắc cụ thể chúng ta cũng có thể vẫn phải xem xét đến các quy luật hóa học và quang học của chúng. Tương tự, như chúng ta đã chỉ ra, việc tất cả các hiện tượng xã hội có các thuộc tính vật lý không có nghĩa là chúng ta phải nghiên cứu chúng bằng các phương pháp của các ngành khoa học vật lý.

Tuy nhiên, việc chọn lọc một số khía cạnh của một tổ hợp các hiện tượng nhờ đó chúng ta có thể dùng một bộ các quy luật nối kết với nhau để giải thích chúng không phải là phương pháp lựa chọn hay trừu tượng hóa duy nhất mà nhà khoa học phải sử dụng. Khi việc nghiên cứu nhằm trả lời những câu hỏi cụ thể về các sự kiện thuộc thế giới xung quanh, thay vì tìm ra các quy luật có khả năng áp dụng tổng quát, nhà nghiên cứu sẽ phải lựa chọn những khía cạnh chỉ liên quan đến một câu hỏi cụ thể nào đó. Tuy vậy, điểm quan trọng là anh ta vẫn phải lựa chọn một số lượng hạn chế từ vô số các loại hiện tượng mà anh ta có thể quan sát thấy trong một khoảng không gian và thời gian xác định nào đó. Trong những trường hợp như thế, đôi lúc chúng ta có thể nói cứ như thể anh ta xem xét một tình huống “tổng thể” mà anh ta phát hiện ra. Nhưng điều mà chúng ta hàm ý không phải là toàn bộ vô số các khía cạnh của mọi thứ có thể quan sát được trong những khoảng không gian và thời gian giới hạn, mà là những khía cạnh nhất định mà chúng ta nghĩ là có liên quan đến câu hỏi được đặt ra. Nếu tôi hỏi tại sao cỏ trong vườn nhà tôi lại mọc theo khuôn hình cụ thể này thì không có ngành khoa học lý thuyết đơn lẻ nào có thể trả lời được. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là để trả lời câu hỏi trên chúng ta phải biết mọi thứ có thể biết trong khoảng không gian và thời gian mà hiện tượng [cỏ mọc theo khuôn hình quan sát trong thực tế] xảy ra. Trong khi câu hỏi mà chúng ta đặt ra vạch rõ được hiện tượng cần phải giải thích, thì chỉ thông qua các quy luật của các ngành khoa học lý thuyết chúng ta mới có thể lựa chọn được các hiện tượng khác nhau cần thiết cho việc giải thích câu hỏi đó. Đối tượng nghiên cứu khoa học không bao giờ là toàn bộ các hiện tượng có thể quan sát được tại một khoảng không gian và thời gian xác định nào đó, mà chỉ luôn là những khía cạnh được lựa chọn nhất định: và chiếu theo câu hỏi mà chúng ta đặt ra thì cùng một bối cảnh không gian và thời gian có thể chứa bất kỳ số lượng nào đó các đối tượng nghiên cứu khác nhau. Trên thực tế, tâm trí con người không thể nắm bắt được một “tổng thể” theo nghĩa bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của một bối cảnh thực.

Việc áp dụng những phân tích trên cho các hiện tượng lịch sử loài người hàm ý những hệ luận hết sức quan trọng. Một quá trình hay một thời kỳ lịch sử không bao giờ lại là một đối tượng tư duy đơn lẻ, đây là điều không thể khác được; nó trở thành một đối tượng tư duy đơn lẻ chỉ là vì chúng ta đặt ra một câu hỏi cụ thể về nó; và bám theo câu hỏi mà chúng ta đặt ra, cái mà chúng ta có thói quen coi như là một sự kiện lịch sử đơn lẻ, có thể bao gồm vô số các đối tượng tư duy khác nhau.

Sự nhầm lẫn liên quan đến điểm này là nguyên nhân chủ yếu tạo ra một học thuyết đang thịnh hành hiện nay, theo đó tất cả các tri thức lịch sử nhất thiết phải là tương đối, được xác định bởi “lập trường” của chúng ta và có xu hướng thay đổi theo thời gian5. Quan điểm này dĩ nhiên là hệ quả của niềm tin rằng những cái tên được sử dụng rộng rãi để chỉ các thời kỳ lịch sử hoặc các tổ hợp các sự kiện, chẳng hạn Các cuộc chiến tranh thời Napoleon, hay “Nước Pháp trong thời kỳ cách mạng”, hay thời kỳ Thịnh vượng chung, là những cái tên đại diện những đối tượng đã biết nhất định, những cá thể duy nhất6, có sẵn để chúng ta quan sát theo cùng một cách thức như những đơn vị tự nhiên tương ứng với những loài sinh học hay những hành tinh cụ thể. Trên thực tế, những cái tên về các hiện tượng lịch sử cho chúng ta biết đấy chỉ là một khoảng thời gian và không gian và chắc chắn không có hạn chế nào về số lượng các câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra về các sự kiện xảy ra trong thời kỳ và khu vực địa lý mà những cái tên này xác lập. Song, chính câu hỏi mà chúng ta đặt ra mới xác định đối tượng nghiên cứu của chúng ta; và tất nhiên, có rất nhiều lý do giải thích vì sao tại những thời điểm khác nhau mọi người lại hỏi những câu hỏi khác nhau về cùng một thời kỳ7. Nhưng điều này không có nghĩa là ở những thời điểm khác nhau và dựa trên cùng một lượng thông tin, nghiên cứu lịch sử sẽ đưa ra những câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi. Tuy vậy, chính điều này mới khiến chúng ta có quyền đưa ra nhận định rằng tri thức lịch sử là tương đối. Cốt lõi của sự thật trong nhận định về tính tương đối của tri thức lịch sử là ở chỗ những nhà sử học ở những thời điểm khác nhau quan tâm tới những đối tượng khác nhau, chứ không phải là họ nhất thiết phải mang những quan điểm khác nhau về cùng đối tượng nghiên cứu.

Chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn chút nữa về bản chất của các tổng thể mà nhà sử học nghiên cứu, ngay cả khi phần lớn những điều chúng ta sẽ phát biểu thực ra chỉ là một ứng dụng của luận điểm mà chúng ta đã đề cập trước đây về những tổng thể vốn được một số tác giả xem như là các đối tượng của những công việc tổng quát hóa lý thuyết. Điều chúng ta đã trình bày tiếp sau đó cũng đúng cho các tổng thể mà nhà sử học nghiên cứu. Chúng không bao giờ có sẵn cho anh ta như là các tổng thể, mà luôn được tái dựng bởi anh ta từ những phần tử của chúng, những phần tử mà anh ta có thể trực tiếp nhận biết riêng rẽ. Bất kể anh ta nói về một chính phủ nào đó đã tồn tại, hay về sự trao đổi thương mại đã được tiến hành, hay về đội quân đã di chuyển, hay về tri thức được bảo tồn hoặc lan tỏa, anh ta không bao giờ nói về một tập thể cố định các tính chất vật lý có thể quan sát được trực tiếp, mà luôn là về một hệ thống các mối quan hệ giữa một số trong số các phần tử quan sát được, một hệ thống chỉ có thể biết được thuần túy từ sự suy luận. Các từ như chính phủ, trao đổi thương mại, đội quântri thức đại diện không phải cho các sự vật có thể quan sát được mà là những cấu trúc các mối quan hệ, những thứ có thể được diễn tả chỉ dưới dạng giản đồ hay “lý thuyết” về hệ thống các mối quan hệ bền vững giữa các phần tử luôn thay đổi8. Nói cách khác, sự tồn tại của những “tổng thể” này đối với chúng ta không tách rời khỏi lý thuyết mà chúng ta xác lập về chúng, không tách rời khỏi kỹ thuật tư duy mà chúng ta dùng để tái dựng các mối quan hệ giữa các phần tử quan sát được và từ đó đưa ra các nhận xét về tổ hợp cụ thể này.

Do vậy, vai trò của nghiên cứu lý thuyết trong sự phát triển tri thức lịch sử là ở chỗ hình thành hay cấu thành các tổng thể mà công việc nghiên cứu lịch sử xem xét; nó có trước những tổng thể này, những cái vốn không hiển hiện trừ phi dựa trên hệ thống các mối quan hệ nối kết các thành phần của chúng lại với nhau. Tuy vậy, các công việc tổng quát hóa của nghiên cứu lý thuyết không hề liên quan tới, và không thể liên quan tới, các tổng thể cụ thể, tức các chòm nhóm cụ thể các phần tử, những cái là đối tượng nghiên cứu của bộ môn lịch sử. Đây chính là điều mà các nhà sử học thế hệ trước đã tin tưởng nhưng lại đi theo một cách hiểu sai lầm (và vì lý do này mà họ đã chống lại nghiên cứu lý thuyết). Các mô hình các tổng thể, tức các mô hình về các nối kết có cấu trúc, vốn được nghiên cứu lý thuyết cung cấp và sẵn sàng cho các nhà sử học sử dụng (dù ngay cả khi chúng không phải là những phần tử có sẵn để làm chất liệu cho công việc tổng quát hóa của nghiên cứu lý thuyết mà là các kết quả có được từ hoạt động nghiên cứu lý thuyết), không đồng nhất với các tổng thể mà nhà sử học xem xét. Các mô hình được cung cấp bởi bất kỳ một ngành khoa học lý thuyết về xã hội nào nhất thiết phải chứa đựng các phần tử thuộc về cùng một loại, các phần tử vốn được lựa chọn vì nối kết giữa chúng được giải thích bởi một bộ các nguyên lý nhất quán chứ không phải vì chúng giúp chúng ta trả lời một câu hỏi cụ thể nào đó về những hiện tượng cụ thể. Vì mục đích sau, nhà sử học sẽ phải thường xuyên sử dụng các tổng quát hóa thuộc về nhiều lĩnh vực lý thuyết khác nhau. Do đó, công trình nghiên cứu của ông ta, nếu đúng là để giải thích các hiện tượng cụ thể, ngầm định sự tồn tại trước đó của nghiên cứu lý thuyết; công trình đó, nếu đúng là sự tư duy về các hiện tượng cụ thể, là một ứng dụng về việc sử dụng các khái niệm phổ quát để giải thích các hiện tượng cụ thể.

Nguyên nhân của việc người ta thường không thừa nhận mối quan hệ phụ thuộc vào nghiên cứu lý thuyết của nghiên cứu lịch sử về các hiện tượng xã hội chủ yếu là do bản chất cực kỳ giản đơn của đa số các giản đồ lý thuyết mà nhà sử học cần vận dụng. Hệ quả là người ta có xu hướng không bàn cãi đến các kết luận đạt được nhờ có sự trợ giúp của các giản đồ lý thuyết, và người ta cũng hiếm khi chú ý đến việc nhà sử học đã sử dụng lập luận lý thuyết [trong nghiên cứu của mình]. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi một thực tế là: các khái niệm về các hiện tượng xã hội mà nhà sử học bắt buộc phải sử dụng, xét về tính đặc trưng và tính hợp lệ trên khía cạnh phương pháp luận của chúng, nhất thiết phải thuộc cùng loại giống như các khái niệm được dùng để xây dựng các mô hình chi tiết hơn bởi các ngành khoa học xã hội lý thuyết. Tất cả các đối tượng có tính duy nhất của lịch sử mà nhà sử học nghiên cứu trên thực tế hoặc là các mô thức những mối quan hệ không thay đổi, hoặc là các quá trình có khả năng lặp lại tại đó các phần tử mang đặc điểm phổ quát. Khi nhà sử học nói về một nhà nước hay một trận chiến, một tỉnh lỵ hay một thị trường, những từ này hàm chứa các cấu trúc cố kết của các hiện tượng cá thể mà chúng ta có thể thấu hiểu chỉ bằng cách hiểu được các ý định của các cá nhân hành động. Nếu nhà sử học nói về một hệ thống nhất định, chẳng hạn hệ thống phong kiến, tồn tại liên tục trong một thời kỳ lịch sử, ông ta muốn nói đến một mô thức nhất định các mối quan hệ được duy trì, một loại nhất định các hành động mà được lặp lại thường xuyên, các cấu trúc mà anh ta có thể hiểu được sự gắn kết của chúng bằng việc tái hiện lại về mặt tâm trí các thái độ của các cá nhân cấu thành chúng. Những tổng thể duy nhất mà nhà sử học nghiên cứu, nói ngắn gọn, không được cho sẵn đối với anh ta như là các cá thể9, như là các đơn vị tự nhiên mà anh ta có thể tìm thấy thông qua quá trình quan sát các đặc tính nào đó thuộc về chúng, mà là các cấu trúc được hình thành nhờ loại kỹ thuật vốn được phát triển một cách có hệ thống bởi các ngành khoa học lý thuyết về xã hội. Bất kể anh ta có cố gắng tìm hiểu tính nhân quả của việc một thể chế cụ thể xuất hiện như thế nào, hay cố gắng mô tả xem cái thể chế đó hoạt động ra sao, thì anh ta không thể làm được như thế ngoại trừ anh ta tổng hợp các yếu tố phổ quát gắn với các phần tử cấu thành cái tình huống duy nhất kia. Mặc dù anh ta không thể sử dụng bất kỳ phần tử nào khác ngoại trừ những phần tử mà anh ta tìm thấy bằng phương pháp thực nghiệm trong quá trình tái dựng này, thì chỉ qua việc tái dựng về mặt “lý thuyết” chứ không phải qua việc quan sát mới có thể cho anh ta biết những phần tử nào trong số những phần tử mà anh ta có thể tìm thấy là bộ phận cấu thành một tổng thể nối kết.

Do đó, những công việc nghiên cứu lý thuyết và lịch sử xét trên phương diện logic là các hoạt động khác biệt nhưng bổ trợ nhau. Nếu nhiệm vụ của chúng được hiểu một cách đúng đắn thì chẳng có xung đột gì giữa chúng cả. Và mặc dù chúng có nhiệm vụ khác nhau, chẳng loại nào có giá trị đáng kể nếu thiếu loại kia. Nhưng điều này không thay đổi một thực tế là lý thuyết chẳng thể là lịch sử và lịch sử chẳng thể là lý thuyết. Dù là cái chung được quan tâm chỉ bởi vì nó giải thích cái cụ thể, và dù là cái cụ thể có thể được giải thích chỉ bởi các khái niệm phổ quát, thì cái cụ thể chẳng bao giờ là cái chung và cái chung chẳng bao giờ là cái cụ thể. Những hiểu lầm đáng tiếc xuất hiện giữa các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu lý thuyết phần lớn bắt nguồn từ “trường phái lịch sử”, trường phái đã bị tiếm quyền bởi thứ quan điểm lai căng, tốt nhất nên gọi bằng cái tên duy sử luận, thứ quan điểm chẳng phải là lịch sử mà cũng chẳng phải là lý thuyết.

Cái quan điểm ngây thơ vốn xem các tổ hợp mà sử học nghiên cứu là các tổng thể cho sẵn dễ dàng dẫn tới niềm tin là chúng ta có thể phát hiện ra các “quy luật” về sự phát triển của các tổng thể bằng cách quan sát chúng. Niềm tin này là một trong những nét đặc trưng nhất của bộ môn nghiên cứu lịch sử duy khoa học dưới cái tên chủ nghĩa duy lịch sử, cái bộ môn đã cố gắng tìm kiếm một nền tảng thực nghiệm cho một lý thuyết về lịch sử hay (sử dụng từ triết lý theo nghĩa cũ của từ “lý thuyết”) một “triết lý về lịch sử”, và cố gắng thiết lập những tuần tự không thể tránh khỏi của “các giai đoạn” hay “các pha” xác định, “các hệ thống” hay các “kiểu mẫu” trong tiến trình phát triển của lịch sử. Một mặt, luận thuyết này cố gắng tìm kiếm các quy luật, điều mà xét về bản chất không thể tồn tại ở đây, về sự kế tiếp tuần tự của các hiện tượng lịch sử đơn lẻ và duy nhất, thì mặt khác nó lại khước từ khả năng tồn tại của loại lý thuyết có thể thực sự giúp chúng ta hiểu được các tổng thể duy nhất, cái lý thuyết mà chỉ ra những cách thức khác nhau theo đó các phần tử quen thuộc có thể được kết hợp để tạo ra những tổ hợp duy nhất mà chúng ta tìm thấy trong thế giới thực. Do vậy, định kiến kinh nghiệm chủ nghĩa đã dẫn tới sự đảo ngược cái quy trình duy nhất giúp chúng ta có thể hiểu được các tổng thể lịch sử: tái dựng chúng từ các bộ phận cấu thành; nó đã khiến các học giả xem xét các tổng thể như thể chúng là các khách thể quan sát được, khiến họ có ý niệm mơ hồ rằng các tổng thể có thể hiểu được thuần túy bằng trực giác; và cuối cùng nó đã tạo ra cái nhìn về các phần tử, những cái duy nhất mà chúng ta có thể nắm bắt được một cách trực tiếp, những cái chúng ta bắt buộc phải dựa vào để tái dựng các tổng thể, theo nghĩa trái ngược hẳn, rằng chúng có thể hiểu được chỉ từ tổng thể, cái cần phải biết rõ trước khi chúng ta có thể hiểu được các phần tử.

Niềm tin rằng lịch sử nhân loại, vốn [thực ra] là thành quả từ sự phối hợp giữa vô số tâm trí con người, nhất định vẫn phải bị ràng buộc bởi các quy luật đơn giản, có thể nắm bắt được bởi tâm trí con người, ngày nay lan rộng đến nỗi ít người nhận ra được nội dung đích thực của đòi hỏi nực cười này. Thay vì kiên nhẫn làm công việc nhỏ bé là tái dựng các cấu trúc phức và duy nhất mà chúng ta tìm thấy trong thế giới thực từ các phần tử biết được một cách trực tiếp, và khám phá các thay đổi trong các tổng thể từ các thay đổi trong các mối quan hệ giữa các phần tử, các tác giả của những ngụy lý thuyết lịch sử này ngụy tạo là tồn tại khả năng đi tắt đến các quy luật về sự tuần tự của các tổng thể mà chúng ta biết được một cách trực tiếp nhờ một loại trí tuệ trực giác. Những lý thuyết về quá trình phát triển này, bất kể chúng đáng ngờ như thế nào, đã giành được một vị trí trong công chúng cao hơn nhiều so với các kết quả tạo ra bởi quá trình nghiên cứu thực sự có hệ thống. “Các triết thuyết” hay “các lý thuyết”10 về lịch sử (hay “các lý thuyết lịch sử”) thực ra đã trở thành tiêu điểm, “cục cưng”11 (darling vice) của thế kỷ XIX. Từ Hegel và Comte, và nhất là Marx, cho tới Sombart và Spengler, những lý thuyết giả tạo này đã dần được xem như là những thành tựu nghiên cứu tiêu biểu của khoa học xã hội; và với niềm tin là một loại “hệ thống” cần phải, như là một tất yếu lịch sử, bị thế chỗ bởi một hệ thống mới khác, chúng thậm chí đã tạo ra cả một trào lưu ảnh hưởng sâu rộng tới tiến trình phát triển của xã hội. Chúng đã đạt được điều này chủ yếu là bởi chúng trông tựa như loại các quy luật mà các ngành khoa học tự nhiên đã tạo ra; và trong một kỷ nguyên mà các ngành khoa học này đã thiết lập được chuẩn mực đo lường mọi tiến bộ trí tuệ, tuyên bố của những lý thuyết về lịch sử này về khả năng dự báo được những quá trình phát triển trong tương lai đã được xem như là bằng chứng về tính khoa học ưu việt của chúng. Dù đơn thuần chỉ là một trong số nhiều loại sản phẩm tiêu biểu của thế kỷ XIX thuộc loại này, chủ nghĩa Marx đã vượt qua mọi chủ thuyết khác, trở thành thứ phương tiện giúp cho kết quả này của chủ nghĩa duy khoa học có được một ảnh hưởng rộng lớn đến nỗi rất nhiều trong số các đối thủ của chủ nghĩa Marx, những người cũng trung thành với lý tưởng của mình như những nhà Marxist, lại tư duy bằng ngôn từ của chủ nghĩa Marx.

Tuy nhiên, thay vì tạo ra được một lý tưởng mới, trào lưu này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực, làm mất uy tín của loại lý thuyết đương thời vốn là cơ sở cho sự hiểu biết trước đây về các hiện tượng xã hội. Vì nó đã giả định là chúng ta có thể quan sát trực tiếp các thay đổi của tổng thể xã hội hay tổng thể của bất kỳ hiện tượng xã hội cụ thể đã bị biến đổi nào đó và giả định là mọi thứ bên trong tổng thể nhất thiết phải thay đổi theo tổng thể, nó đã đi đến kết luận là không có những tổng quát hóa phi thời gian về các phần tử mà cấu thành các tổng thể, không có các lý thuyết tổng quát về các cách thức mà các phần tử có thể kết hợp với nhau thành các tổng thể. Mọi lý thuyết xã hội, như nó đã tuyên bố, nhất thiết phải có tính lịch sử, zeitgebunden [gắn liền với thời đại], chỉ đúng cho những giai đoạn hay hệ thống lịch sử nhất định.

Theo duy sử luận (với nghĩa xác định ở đây), tất cả các khái niệm về các hiện tượng đơn lẻ đều phải được xem như là các phạm trù lịch sử, hợp lệ chỉ trong một ngữ cảnh lịch sử cụ thể. Một mức giá cả ở thế kỷ XII hay một sự độc quyền ở Ai Cập 400 năm trước Công nguyên, theo cách lập luận của nó, không phải là cùng “loại” như một mức giá cả hay một sự độc quyền ngày nay, và do vậy, bất kỳ cố gắng giải thích mức giá cả đó hay chính sách mà nhà độc quyền đó thi hành bằng cùng loại lý thuyết mà chúng ta dùng để giải thích một mức giá hay một sự độc quyền ngày hôm nay đều không có ý nghĩa và dẫn tới sai lầm. Lập luận này dựa trên một sự hiểu sai hoàn toàn về vai trò của lý thuyết. Tất nhiên nếu chúng ta hỏi tại sao một mức giá cụ thể được xác lập tại một ngày cụ thể, hay tại sao một nhà độc quyền lại hành xử theo một cách thức cụ thể thì đây là một câu hỏi lịch sử mà không thể nào tìm được câu trả lời đầy đủ từ bất kỳ một bộ môn lý thuyết nào; để trả lời câu hỏi này chúng ta phải xem xét các hoàn cảnh cụ thể của thời gian và không gian. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không có quyền sử dụng đích thị cùng loại lập luận lý thuyết mà chúng ta dùng để giải thích một mức giá cả ngày hôm nay trong việc lựa chọn các yếu tố liên quan tới việc giải thích mức giá cả cụ thể kia.      

Điều mà lập luận này bỏ qua là giả cả và độc quyền không phải là những cái tên để chỉ những “sự vật” xác định, tức là những tập thể cố định của các tính chất vật lý mà chúng ta nhận ra chúng nhờ một số trong số các tính chất này là các thành viên thuộc cùng nhóm và nhờ các tính chất tiếp theo của chính các tính chất vật lý này, những cái mà chúng ta có thể biết chắc chắn nhờ quan sát; thay vì thế, chúng là các đối tượng có thể được định nghĩa chỉ dưới dạng các mối quan hệ nhất định giữa con người với con người và không thể chứa bất kỳ tính chất nào khác ngoại trừ những tính chất hình thành từ các mối quan hệ dùng để định nghĩa chúng. Chúng ta nhận biết được các đối tượng này là các mức giá hay các mối quan hệ độc quyền chỉ bởi vì, và cho tới chừng nào, chúng ta có thể nhận biết được những thái độ mang tính cá nhân này và từ những thái độ này, những thứ vốn được xem như là các phần tử, chúng ta có thể hình thành khuôn dạng có cấu trúc, cái mà chúng ta gọi là một mức giá hay một sự độc quyền. Tất nhiên, tình huống “tổng thể”, hoặc thậm chí “tổng thể” của những con người hành động sẽ khác nhau đáng kể từ nơi này tới nơi khác và từ thời điểm này tới thời điểm khác. Nhưng chỉ có năng lực phân biệt của chúng ta về đâu là các phần tử quen thuộc hình thành tình huống duy nhất mới là cái cho phép chúng ta gán một ý nghĩa nào đó cho các hiện tượng. Do đó, hoặc chúng ta không thể nhận biết được ý nghĩa của các hành động cá nhân – chúng chẳng qua chỉ là các thực tế vật lý đối với chúng ta, là sự trao tay nhau các thứ vật chất nhất định, v.v. – hoặc chúng ta phải xếp chúng vào các phạm trù tâm trí quen thuộc với chúng ta nhưng lại không thể định nghĩa được dưới các góc độ thuần túy vật lý. Ví thử mệnh đề đầu đúng thì điều này có nghĩa là chúng ta không thể biết gì về các sự kiện trong quá khứ, bởi vì trong trường hợp đó chúng ta không thể hiểu được các tư liệu mà chúng ta khai thác để có kiến thức về chúng12.

Duy sử luận nếu được theo đuổi một cách nhất quán nhất định sẽ dẫn tới quan điểm cho rằng tâm trí con người tự nó biến đổi, rằng hầu hết hay tất cả các biểu hiện ra bên ngoài của tâm trí con người là những thứ mà chúng ta không thể lý giải nếu tách khỏi bối cảnh lịch sử của chúng, rằng chúng ta có thể học được cách nhận ra các quy luật về sự biến đổi của tâm trí con người từ sự hiểu biết của chúng ta về việc các tình huống tổng thể diễn ra tuần tự kết tiếp nhau như thế nào, và rằng chính cái tri thức về các quy luật này chứ không phải thứ gì khác là thứ đưa chúng ta vào vị trí hiểu được bất kỳ sự hiện hình cụ thể nào đó của tâm trí con người. Duy sử luận, bởi nó từ chối thừa nhận một lý thuyết tổng hợp có khả năng áp dụng tổng quát nên nó không thể thấy được vì sao các cấu hình khác nhau của cùng các phần tử lại có khả năng tạo ra được những tổ hợp hoàn toàn khác hẳn, và không thể, với cùng lý do, nắm bắt được vì sao các tổng thể lại có thể là bất kỳ cái gì nhưng lại không phải là cái được thiết kế một cách có ý thức bởi tâm trí con người, và vì thế nó có xu hướng tìm kiếm nguyên nhân tạo ra các thay đổi của các cấu trúc xã hội qua các thay đổi của bản thân tâm trí con người – những thay đổi mà nó tuyên bố là biết được và giải thích được từ các thay đổi của các tổng thể vốn có thể biết được trực tiếp và rõ ràng. Lối tiếp cận này đã trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của xã hội học hiện đại, nó dẫn đến nhận định cực đoan của một số nhà xã hội học rằng logic bản thân nó tự biến đổi, rằng quá trình suy nghĩ của người tiền sử mang tính tính “tiền logic”, và dẫn đến những nhận định phức tạp hơn của “bộ môn xã hội học hiện đại về nhận thức luận”. Nó đã đặt nghi vấn trở lại về “tính bất biến của tâm trí con người” dưới một hình thức còn cực đoan hơn bất kỳ hình thức nào đã từng xuất hiện trước đây.

Cụm từ này, tất nhiên, quá mơ hồ đến mức chúng ta sẽ chẳng có được một tranh biện nào ra hồn nếu như không diễn đạt nó một cách chính xác hơn. Dĩ nhiên, chúng ta phải loại ra khỏi vùng tranh biện không chỉ loại nghi vấn liệu một cá thể nào đó thuộc loài người có khác đáng kể so với các cá thể khác xét về độ phức tạp trong một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó của cá thể đó. Chúng ta cũng cần loại ra khỏi vùng tranh biện nghi vấn liệu một số nhóm người nhất định có nổi trội hơn hẳn so với một số nhóm người khác trong những thời đại hay những địa phương cụ thể. Nhưng điều này không làm thay đổi một thực tế là, để chúng ta có thể nhận biết hay hiểu được những cá thể đó như là những con người hoặc những thứ thuộc về tâm trí, thì ắt phải tồn tại một số đặc điểm nhất định nào đó bất biến. Chúng ta không thể nhận ra “tâm trí” dưới dạng trừu tượng. Khi chúng ta nói về tâm trí thì chúng ta hàm ý chúng ta có thể diễn giải thành công một số hiện tượng nhất định bằng cách xem chúng tương tự như tâm trí của chính chúng ta, nghĩa là chúng ta sử dụng những phạm trù quen thuộc về quá trình tư duy của chính mình để đưa ra một giải thích thỏa đáng về điều mà chúng ta quan sát được. Nhưng điều này có nghĩa là, để nhận ra một cái gì đó thuộc về tâm trí thì chúng ta phải nhìn nhận nó như là một cái gì đó tương tự như tâm trí của chính mình, và vì thế, khả năng nhận ra những cái thuộc về tâm trí bị giới hạn bởi những cái mà tâm trí của chính chúng ta quen thuộc. Một nhận định về một tâm trí có một cấu trúc khác hẳn với tâm trí của chính chúng ta, hoặc một tuyên bố rằng chúng ta có thể quan sát được những thay đổi trong cấu trúc cơ bản của tâm trí con người không chỉ là một tuyên bố về cái bất khả: đấy chính là một phát biểu vô nghĩa. Câu hỏi liệu rằng tâm trí con người theo nghĩa này có bất biến hay không chưa từng bao giờ là một vấn đề phải giải đáp – bởi vì để nhận ra cái gì đó là tâm trí thì không còn cách gì khác ngoài việc xem liệu nó có vận hành theo cùng cách thức như quá trình suy nghĩ của chính chúng ta hay không.

Việc nhận ra sự tồn tại của một tâm trí luôn hàm ý rằng chúng ta đưa thêm một cái gì đó vào kho tàng tri thức mà chúng ta tiếp nhận bằng các giác quan của mình, rằng chúng ta diễn giải các hiện tượng dưới ánh sáng của tâm trí của chính mình, hoặc phát hiện ra là chúng khớp với khuôn dạng sẵn có trong quá trình suy nghĩ của chính chúng ta. Cách diễn giải về các hành động con người như thế này không đảm bảo luôn thành công, thậm chí còn khiến chúng ta bất an hơn, vì rằng chúng ta có thể không bao giờ chắc chắn được một cách tuyệt đối liệu diễn giải của chúng ta có đúng hay không trong một trường hợp cụ thể nào đó; tất cả cái mà chúng ta biết là nó vận hành có hiệu nghiệm trong một số rất lớn các trường hợp. Tuy thế, đấy chính lại là cơ sở duy nhất giúp chúng ta hiểu được cái mà chúng ta gọi là các ý định của thiên hạ, hoặc ý nghĩa của các hành động của họ; và tất nhiên đấy cũng chính là cơ sở duy nhất cho mọi kiến thức lịch sử của chúng ta vì mọi kiến thức này đều được lấy ra từ sự hiểu biết về các ký hiệu hoặc các tư liệu. Khi chúng ta chuyển sự quan tâm từ những con người thuộc loài của chính mình sang các loại sinh vật khác, chúng ta có thể dễ nhận thấy rằng những điều mình có thể biết ngày càng trở nên ít hơn. Và chúng ta không thể loại trừ khả năng rằng một ngày nào đó chúng ta có thể bắt gặp những sinh vật, dẫu có thể có hình dạng giống với con người, nhưng lại có cách hành xử mà chúng ta hoàn toàn không có khả năng lý giải. Đối với các loại sinh vật này, thực ra chúng ta sẽ quy giản về việc nghiên cứu “khách quan” như cách thức mà các nhà hành vi chủ nghĩa muốn chúng ta áp dụng để nghiên cứu con người nói chung. Nhưng nếu bảo những sinh vật này có một tâm trí khác với tâm trí của chính chúng ta thì đó là thứ nhận định vô thưởng vô phạt. Chúng ta sẽ chẳng biết gì về cái gọi là tâm trí của những sinh vật này; nói một cách chính xác hơn, chúng ta sẽ chẳng biết gì hơn về chúng ngoại trừ những dữ kiện vật lý. Bất kỳ diễn giải nào về các hành động của chúng dưới dạng các phạm trù như ý định hay mục đích hay ý chí, đều vô nghĩa. Một tâm trí mà chúng ta có thể nói về nó theo một cách có trí tuệ phải là loại thuộc cùng loại với tâm trí của chính chúng ta.

Toàn bộ ý tưởng về khả năng biến đổi của tâm trí con người là hệ quả trực tiếp của niềm tin sai lầm rằng tâm trí là một khách thể mà chúng ta quan sát được giống như chúng ta quan sát các dữ kiện vật lý. Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất giữa tâm trí và các đối tượng vật lý, điều khiến chúng ta có quyền nói chút gì đó về tâm trí, chính xác là: bất cứ khi nào chúng ta nói về tâm trí, thì đó chính là lúc chúng ta diễn giải cái mà chúng ta quan sát được dưới dạng các phạm trù mà chúng ta biết đến chỉ bởi vì chúng là các phạm trù mà chính tâm trí của chúng ta dùng để thể hiện [ra bên ngoài]. Không hề có nghịch lý trong tuyên bố rằng mọi tâm trí phải thể hiện dưới dạng các phạm trù tổng quát về tư duy, bởi vì ở đâu chúng ta nói về tâm trí thì ở đó chúng ta muốn nói rằng chúng ta có thể diễn giải thành công cái mà chúng ta quan sát được bằng cách sắp đặt nó dưới dạng các phạm trù này. Và bất kỳ cái gì thuộc về các tâm trí khác mà chúng ta có thể nắm bắt được thông qua sự hiểu biết của chúng ta, bất kỳ cái gì mà chúng ta nhận ra là cái đặc thù của con người, phải là cái mà có thể hiểu được dưới dạng các phạm trù này.

Lý thuyết về khả năng biến đổi của tâm trí con người, dựa vào đó mà duy sử luận đã phát triển một cách nhất quán, đưa đến một nghịch cảnh là nó tự đào mồ chôn mình: nó bị rơi vào tình huống mâu thuẫn nội tại về khả năng tổng quát hóa được những dữ kiện không thể biết, nếu ví thử lý thuyết này đúng. Nếu như tâm trí con người thực sự biến đổi, như các nhân vật trung thành cực đoan của duy sử luận nhận định, đến nỗi chúng ta không thể hiểu được một cách trực tiếp điều mà thiên hạ trong các thời đại khác nhau hàm ý trong một phát biểu nào đó, thì lịch sử là cánh cửa bất khả xâm nhập đối với chúng ta. Những tổng thể mà chúng ta giả định là dựa vào đó chúng ta có thể hiểu được các phần tử cấu thành là những thứ mà sẽ không bao giờ hiển hiện để chúng ta quan sát. Và ngay cả khi chúng ta bỏ qua khó khăn nền tảng này, cái khó khăn vốn được hình thành do tính bất khả của sự hiểu biết về các tư liệu dựa vào đó chúng ta rút ra mọi kiến thức lịch sử, thì nếu như không có sự hiểu biết ban đầu về các hành động cá nhân và các ý định, nhà sử học vẫn không thể nào tổng hợp chúng lại được thành các tổng thể và không bao giờ phát biểu được một cách tường minh rằng những tổng thể này là cái gì. Anh ta, mà thực ra là đúng đối với rất nhiều những nhân vật trung thành với duy sử luận, sẽ buộc phải bị giới hạn vào việc nói về những tổng thể được tiếp nhận bằng trực giác, vào việc đưa ra các tổng quát hóa không chắc chắn và mơ hồ về các kiểu mẫu hoặc hệ thống mà đặc tính của chúng không thể nào định nghĩa được một cách chính xác.

Từ việc tồn tại những căn cứ để sản sinh ra các kiến thức lịch sử, chúng ta rút ra kết luận sau: lịch sử không bao giờ có thể đưa chúng ta vượt ra ngoài cái phạm vi nơi chúng ta có thể hiểu được cơ chế làm việc của các tâm trí của những người hành động bởi vì các tâm trí này tương tự như tâm trí của chính chúng ta. Nơi mà hiểu biết của chúng ta không thể vươn tới, nơi mà chúng ta không còn có thể nhận ra được các phạm trù của tư duy, rằng chúng tương tự như những phạm trù mà chúng ta dùng để suy nghĩ, thì đấy là nơi mà lịch sử không còn thuộc lịch sử nhân loại. Và chính xác tại điểm đó, và chỉ tại điểm đó, các lý thuyết tổng quát của lĩnh vực khoa học xã hội không còn hợp lệ nữa. Do lịch sử [loài người] và lý thuyết xã hội đều dựa trên cùng loại hiểu biết về sự vận hành của tâm trí con người, dựa trên cùng khả năng hiểu biết về những con người khác, nên phạm vi bao quát của chúng nhất định có chung đường biên giới. Các định đề cụ thể của lý thuyết xã hội có khả năng chẳng có ứng dụng nào hết tại những thời điểm [lịch sử] nhất định bởi vì sự kết hợp giữa các phần tử mà các định đề này tham chiếu đến không xảy ra13. Tuy nhiên, ngay cả như thế thì chúng vẫn đúng. Không có những lý thuyết khác nhau cho những thời đại khác nhau, dù là tại những thời điểm khác nhau một số bộ phận khác nhau của cùng hệ thống lý thuyết có thể được viện đến để giải thích những thực tế quan sát được, chẳng hạn như các tổng quát hóa về ảnh hưởng của các mức nhiệt độ rất thấp tới sự phát triển của cây cối có thể không liên quan gì đến khu vực nhiệt đới nhưng vẫn đúng. Bất kỳ phát biểu lý thuyết đúng nào về các ngành khoa học xã hội sẽ không còn hợp lệ nữa tới chừng nào mà lịch sử không còn là lịch sử nhân loại. Nếu chúng ta hình dung ra ai đó đang quan sát và ghi nhận các hoạt động của một chủng loài khác, cái chủng loài mà bản thân anh ta và chúng ta coi là không có trí tuệ, thì các ghi nhận của anh ta theo một nghĩa nào đó sẽ phải là một loại lịch sử khác, chẳng hạn lịch sử về một bầy kiến. Thứ lịch sử như vậy sẽ phải được viết dưới dạng các khái niệm thuần túy khách quan, vật lý. Đấy sẽ phải là loại lịch sử tương ứng với loại lý tưởng của chủ nghĩa thực chứng, chẳng hạn một bản cách ngôn mà người quan sát từ một hành tinh khác viết về loài người. Nhưng thứ lịch sử như vậy sẽ chẳng thể giúp chúng ta hiểu bất cứ sự kiện nào mà nó ghi nhận theo cái nghĩa mà chúng ta hiểu về lịch sử loài người.

Khi chúng ta nói về con người chúng ta nhất thiết phải ngụ ý đến sự hiện diện của các phạm trù tâm trí quen thuộc nhất định. Đấy không phải là các khối thịt có hình thù nhất định nào đó, đấy cũng không phải là bất kỳ đơn vị nào thực hiện các chức năng xác định mà chúng ta có thể định nghĩa thông qua các đại lượng vật lý. Đối với chúng ta, người mất trí hoàn toàn, đến nỗi chúng ta không thể hiểu được bất kỳ hành động nào của anh ta, không phải là một con người – anh ta không thể có tên trong lịch sử nhân loại trừ việc anh ta bị coi là đối tượng để những người khác nghĩ đến và tác động. Khi chúng ta nói về con người chúng ta liên tưởng tới người mà các hành động của anh ta là thứ chúng ta có thể hiểu. Như Democritus xưa kia đã phát biểu: “άνθρωπός έστιυ θ πάντες ϊδμεν14.

Chú thích:

(1) F. Meinecke, Die Entstehung des Historismus (1936). Thuật ngữ duy sử luận (historicism), được dùng để chỉ trường phái lịch sử của thế hệ trước trong nghiên cứu của Meinecke, là không thỏa đáng và dẫn đến hiểu lầm vì nó được Carl Menger đưa vào sử dụng để mô tả các đặc điểm khác biệt của trường phái lịch sử của thế hệ sau trong kinh tế học mà đại diện của nó là Scholler và các cộng sự của ông ta (xem Untersuchungen über die Methoden der Sozialwissenschaften [1883], pp. 216-20 – với sự tham chiếu tới Gervinus và Roscher – và Die Irrhümer des Historismus [1884]). Sự khác biệt giữa trường phái lịch sử của thế hệ mới này và trào lưu trước đó mà nó thừa hưởng cái tên gọi được minh họa rõ nét nhất qua việc chính Schmoller kết tội Menger là đệ tử trung thành của “trường phái Burke–Savigny” chứ không phải theo chiều ngược lại (Cf. G. Schmoller, “Zur Methodologie der Staats-und Sozialwissenschaften”, Jahrbuch für Gesetzgebung, ..., n.f. 7 [1886], p. 250). 

(2) Mặc dù mối quan hệ giữa chủ nghĩa duy lịch sử và chủ nghĩa thực chứng tại bản quán tiếng Đức của mình có lẽ khó nhận ra hơn so với trường hợp giữa nó với các môn đệ người Anh như Ingram hay Ashley, nhưng mối quan hệ này không hẳn là khó thấy, và nó bị đánh giá thấp chỉ bởi vì duy sử luận được gắn một cách sai lầm với phương pháp lịch sử của các nhà lịch sử thế hệ trước, thay vì là với các quan điểm của Roscher, Hildebrandt, và đặc biệt là Schmoller cùng nhóm của ông ta.

(3) Cần lưu ý rằng thuật ngữ khoa học được sử dụng theo cách này (theo nghĩa mà các cộng đồng nói tiếng Đức gọi là Gesetzeswissenschaft), dù vẫn chặt chẽ, có nghĩa rộng hơn so với cái nghĩa hẹp vốn được giới hạn để chỉ các ngành khoa học lý thuyết về tự nhiên.

(4) Đối chiếu, ví dụ, E.F.M. Durbin, “Method of Research – A Plea for Cooperation in the Social Science,” Economic Journal (Jun. 1938), p. 191, qua đó tác giả lập luận rằng trong các ngành khoa học xã hội, “không như các ngành khoa học tự nhiên, các chuyên ngành của chúng ta phần lớn (mặc dù không phải toàn bộ) chứa đựng những sự trừu tượng hóa từ thực tế thay vì là những phần cắt rời của thực tế”, và nhận định về các ngành khoa học tự nhiên rằng “trong tất cả các ngành này các đối tượng nghiên cứu là các khách thể và các nhóm khách thể độc lập và có thực. Chúng không phải là các khía cạnh của một phức thể nào đó. Chúng là các sự vật có thực”. Nhận định này thực sự là khó hiểu, chẳng hạn đối với bộ môn tinh thể học (một trong các ví dụ của Durbin). Lập luận này đã trở nên cực kỳ phổ biến trong các thành viên của trường phái lịch sử Đức trong kinh tế học, ngay cả khi chúng ta có lưu ý thêm rằng Durbin có lẽ hoàn toàn không có ý niệm gì về sự gần gũi giữa toàn bộ quan điểm của ông ta với quan điểm của Kathedersozialisten [các nhà xã hội chủ nghĩa có thâm niên: chỉ nhóm những nhà kinh tế chuyên nghiệp Đức giảng dạy tại các trường đại học ở cuối thế kỷ 19 chủ trương nhà nước cần can thiệp vào đời sống xã hội – ND] của trường phái đó.

(5) Về một khảo cứu có chất lượng về các lý thuyết hiện đại về thuyết tương đối đối với vấn đề lịch sử (historical relativism), xem M. Mandelbaum, The Problem of Historical Knowledge (New York, 1938).

(6) Xem chú thích số 9 của chương này.

(7) Ở đây chúng ta không có điều kiện để làm sáng tỏ hơn nữa câu hỏi thú vị về các lý do khiến nhà sử học đặt ra các câu hỏi cụ thể và khiến ông ta đặt ra những câu hỏi khác nhau ở những thời điểm khác nhau về cùng một thời kỳ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên xem xét một cách ngắn gọn về một quan điểm đã có ảnh hưởng rộng rãi vì lý do quan điểm này được tuyên bố là có thể áp dụng không những chỉ do lịch sử mà còn cho mọi Kulturwissenschaften [ngành khoa học nhân văn – ND]. Đấy là lý lẽ của Rickert. Theo ông ta, các ngành khoa học xã hội, nơi mà chỉ có phương pháp lịch sử là thích hợp, lựa chọn đối tượng nghiên cứu của mình hoàn toàn dựa trên những giá trị nhất định mà nhà nghiên cứu cho là quan trọng. Tất nhiên, điều này không nhất thiết phải như thế trừ phi người ta xem mọi loại quan tâm đến một vấn đề nhất định nào đó đều hàm ý có “sự cân nhắc giá trị” (Wertbezigenheit) đến mức khái niệm này bao gồm cả các lý do khiến chúng ta, chẳng hạn, nghiên cứu địa chất ở Cumberland. Nếu, đơn thuần chỉ là một sự đam mê trinh thám, tôi cố gắng tìm hiểu tại sao vào năm x ngài N được bầu làm thị trưởng của Cambridge, thì công việc này không kém phần là một công trình nghiên cứu lịch sử mặc dù nó không gây ra bất kỳ tác động nào tới các giá trị đã biết bởi một thực tế là ngài N đã được bầu thay vì là ai đó. “Sự cân nhắc giá trị” không phải là lý do giải thích tại sao chúng ta quan tâm tới một vấn đề. Đặc điểm của vấn đề khiến nó trở thành một vấn đề lịch sử mới chính là điều mà chúng ta quan tâm.

(8) Điều này không làm thay đổi một thực tế quan trọng là công việc xây dựng lý thuyết thường sẽ được tiến hành bởi chính nhà sử học cho mục đích của mình, người sẽ sử dụng các thuật ngữ như nhà nướctỉnh thành trong việc tường thuật “các thực tế”. Các thuật ngữ này không thể định nghĩa được bằng các đặc điểm vật lý. Chúng đại diện cho một tổ hợp các mối quan hệ được ngụ ý như là một “lý thuyết” về chủ thể được nhà sử học quan tâm. 

(9) Sự nhầm lẫn ngự trị trong lĩnh vực này rõ ràng bị xúc tác bởi một sự nhầm lẫn thuần túy về mặt từ ngữ trong tiếng Đức vốn thường được đưa vào trong các tranh luận liên quan đến vấn đề này. Trong tiếng Đức, cái đơn lẻ (singular) hay duy nhất (unique) được gọi là individuelle. Từ này rất dễ bị nhầm lẫn với cụm từ cá thể (individuum). Ở đây, cụm từ cá thể được chúng ta dùng để chỉ các đơn vị tự nhiên ở trong thế giới vật chất mà các giác quan của chúng ta phân tách riêng khỏi môi trường thành các tổng thế có cấu kết. Các cá thể theo nghĩa này, bất kể đó là các cá nhân hay con vật hay cây cối, hay các loại đá, dãy núi, hay các vì sao, đều là các tập thể cố định của các thuộc tính cảm giác mà các giác quan của chúng ta tự động phân tách riêng ra thành các tổng thế có cấu kết, bất kể bởi vì toàn bộ phức thể có thể chuyển động cùng nhau trong không gian một cách tương đối so với môi trường xung quanh nó, hay bởi vì các lý do về nguồn gốc tổ tiên. Nhưng đây chính xác là cái mà các đối tượng của nghiên cứu lịch sử không là. Dù chúng là đơn lẻ (individuelle), giống như một cá thể, chúng rõ ràng không phải là các cá thể theo nghĩa thuật ngữ này được dùng để chỉ các đối tượng tự nhiên. Đối với chúng ta, chúng không có sẵn như là các tổng thể, mà chỉ được xem xét như là các tổng thể.

(10) Tất nhiên cũng có một nghĩa hợp lệ để chúng ta có thể nói về các lý thuyết lịch sử, theo đó cụm từ lý thuyết được sử dụng với cùng một nghĩa như cụm từ factual hypothesis (giả thuyết về thực tiễn). Theo nghĩa này việc giải thích một sự kiện cụ thể vốn không có thực tế xác nhận thường được gọi là một lý thuyết lịch sử. Tuy nhiên, một lý thuyết như thế tất nhiên là một cái gì đó hoàn toàn khác so với các lý thuyết dùng theo cách ngụy tạo để chỉ các quy luật chi phối các quá trình phát triển của lịch sử.

(11) L. Brunschvicg, trong Philosophy and History, Essays Presented to E. Cassirer, ed. R. Klibansky và H.J. Paxton (Oxford, 1936), p. 30.

(12) Cf. C. V. Langlois và C. Seignobos, Introduction to the Study of History, trans. G. G. Berry (London, 1938), p. 222: “Nếu nhân tính trước đây không tương đồng với nhân tính ngày nay, các tư liệu sẽ trở nên không thể lý giải”.

(13) Cf. W. Eucken, Grundlagen der Nationalökonomie (1940), pp. 203-5.

(14) “Man is what is known to all” (con người là thứ mà ai cũng biết – ND). Cf. H. Diehls, Die Fragmente der Vorsokratiker, 4th ed. (Berlin, 1922), “Democritus”, f.n. 165, vol. 2, p. 94. Tôi hàm ơn giáo sư Alexander Rüstow đối với trích dẫn của Democritus.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007