[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 4: Nhân phẩm (Phần 1)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 4: Nhân phẩm (Phần 1)

Cách đây không lâu, một buổi sáng thứ bảy, trong một thành phố nhỏ ở Pháp, tôi bước tới một máy ATM gắn vào bức tường đá khổng lồ của một ngân hàng, hôm đó, ngân hàng đóng cửa vì là ngày cuối tuần. Tôi đưa thẻ vào máy, ấn vài cái nút và chờ thêm vài giây, rồi nhận 200 USD mà không cần tiếp xúc với bất kỳ người nào, ở đây chẳng có ai  tôi. Sau đó tôi bắt taxi đến sân bay, ở đây tôi gặp một nhân viên ở quầy cho thuê xe, tôi đưa cho anh ta xem mấy cái thẻ nữa, rồi tôi kí vào một cái đơn và đi ra với chìa khóa cái ô tô trị giá 20.000 USD, tôi hứa là vài ngày nữa sẽ trả lại cho một người nào đó ở một địa điểm khác.

Những vụ giao dịch này bình thường đến mức người đọc sẽ tự hỏi vì sao tôi lại nhắc đến chúng. Nhưng xin dừng lại một chút và cùng nghĩ về những những điều kì lạ của thế giới hiện đại: Một người tôi chưa gặp bao giờ, người này cũng sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi, có thể tôi cũng chưa không giao liên lạc với ông ta, thế mà ông ta lại giao cho tôi một chiếc ô tô. Ngân hàng thiết lập một hệ thống tự động, hệ thống này sẽ cung cấp cho tôi tiền mặt theo yêu cầu của tôi khi tôi ở xa nhà hàng ngàn dặm. Chỉ cách đây một thế hệ, những điều như vậy là bất khả thi, còn cách đây vài thế hệ thì đấy là điều không thể nào tưởng tượng nổi, hiện nay, đấy là cơ sở hạ tầng thông thường của nền kinh tế của chúng ta. Làm sao có được sự tin cậy trên toàn cầu như thế? Chúng ta sẽ thảo luận một cách nghiêm túc các khía cạnh kinh tế của hệ thống này trong một chương sau. Trong chương này và vài chương tiếp theo, tôi muốn tìm hiểu cách thức chúng ta đi từ cá nhân đơn độc đến một mạng lưới phức tạp của các hiệp hội và các mối liên kết tạo nên thế giới hiện đại.

Chủ nghĩa cá nhân

Đối với những người theo trường phái tự do cá nhân, đơn vị cơ bản của phân tích xã hội là cá nhân con người. Khó tưởng tượng được một cái gì khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, cá nhân đều là nguồn gốc và nền tảng của sáng tạo, của hoạt động và của xã hội. Chỉ có cá nhân mới có thể nghĩ, mới có thể yêu, mới có thể theo đuổi các dự án, mới có thể hoạt động. Nhóm không thể có kế hoạch hay dự định. Chỉ có các cá nhân mới có khả năng lựa chọn, theo nghĩa là dự đoán được kết quả của những phương án hành động khác nhau và cân nhắc hậu quả. Tất nhiên, các cá nhân cũng thường tạo ra và suy nghĩ theo nhóm, nhưng cuối cùng thì đầu óc cá nhân sẽ lựa chọn. Quan trọng nhất là, chỉ có các cá nhân mới phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Như Thomas Aquinas viết trong tác phẩm Bàn về sự thống nhất của trí năng (On the Unity of the Intellect), khái niệm về trí tuệ hay ý chí của nhóm có nghĩa là cá nhân sẽ “không còn là chủ nhân của những hành động của mình, mọi hành động của anh ta đều không đáng ca ngợi hay đáng trách”. Mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, điều đó mang lại cho anh ta các quyền và buộc anh phải tôn trọng quyền của những người khác.

Nhưng còn xã hội thì sao? Xã hội có quyền hay không? Xã hội không phải chịu trách nhiệm về rất nhiều vấn đề ư? Xã hội là thiết chế cực kỳ quan trọng đối với cá nhân, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này trong mấy chương tiếp theo. Muốn thu được những lợi ích của sự tương tác với tha nhân, như Locke và Hume giải thích, cá nhân phải tham gia vào xã hội và lập ra hệ thống các quyền. Nhưng ở cấp độ khái niệm, chúng ta phải hiểu rằng xã hội được tạo ra bởi các cá nhân. Nó không tồn tại một cách độc lập. Nếu mười người tạo ra một xã hội, thì đấy vẫn chỉ mười người, không phải mười một. Khó xác định ranh giới của xã hội, “xã hội” này kết thúc ở đâu và “xã hội” kia bắt đầu ở đâu? Ngược lại, dễ dàng thấy rằng người này kết thúc ở đâu và người kia bắt đầu ở đâu – đấy chính là lợi thế quan trọng cho việc phân tích xã hội và phân bổ các quyền và nghĩa vụ.

Một người cầm bút theo trường phái tự do cá nhân, Frank Chodorov, viết trong tác phẩm Quá trình vươn lên và suy tàn của xã hội (The Rise Fall of Society) rằng “Xã hội là những con người”:

Xã hội chỉ là một khái niệm tập thể và chỉ có thế thôi, tiện cho việc nói về một số người… Khái niệm siêu hình Xã hội sẽ tan rã khi chúng ta nhận thức được rằng Xã hội biến mất khi các hợp phần của nó phân rã ra; như trong trường hợp một “thành phố ma” hay một nền văn minh mà chúng ta biết qua những hiện vật mà họ để lại. Khi các cá nhân biến mất thì cái toàn bộ cũng biến mất theo. Toàn bộ không tồn tại riêng một mình.

Chúng ta không thể rũ bỏ trách nhiệm về những hành động của mình bằng cách đổ lỗi cho xã hội. Người khác không thể ép chúng ta thực hiện một số nghĩa vụ bằng cách nhắc đến những quyền mà họ nói là của xã hội hoặc của cộng đồng. Trong xã hội tự do, chúng ta có những quyền tự nhiên của chúng ta và nghĩa vụ chung của chúng ta là tôn trọng quyền của những người khác. Nghĩa vụ còn lại là những nghĩa vụ mà chúng ta chấp nhận khi ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là để biện hộ cho thứ “chủ nghĩa cá nhân đơn độc” (atomistic individualism) như một số triết gia và một số vị giáo sư thích chế giễu. Chúng ta đang sống cùng nhau và làm việc theo nhóm. Không rõ là làm sao mà trong xã hội hiện đại, phức tạp của chúng ta, một người lại có thể trở thành một cá nhân đơn độc: điều đó có nghĩa là chỉ ăn những thứ bạn trồng cấy được, chỉ mặc những thứ bạn làm ra, sống trong ngôi nhà do bạn tự xây, chỉ dùng những loại thuốc tự nhiên mà bạn trích xuất được từ cây cỏ? Một số người phê bình chủ nghĩa tư bản hay những người kêu gọi “quay về với thiên nhiên” có thể thích kế hoạch như thế, nhưng chẳng có mấy người theo trường phái tự do cá nhân muốn đi vào hoang mạc và từ chối những tiện ích của cái mà Adam Smith gọi là Xã Hội Vĩ Đại, một xã hội phức tạp và hiệu quả do tương tác xã hội tạo ra.

Tương tác với tha nhân mang lại cho từng cá nhân rất nhiều lợi ích. Các nhà triết học cổ điển gọi đó là “hợp tác”, còn những cuốn sách giáo khoa hiện đại trong môn xã hội học và quản lý thì gọi là “sức mạnh tổng hợp”. Cuộc đời sẽ thực sự khó chịu, tàn bạo và ngắn ngủi nếu sống một mình.

Nhân phẩm

Thực ra, nhân phẩm, theo cách hiểu của chủ nghĩa tự do cá nhân, là phẩm giá góp phần làm gia tăng phúc lợi xã hội. Chủ nghĩa tự do cá nhân tốt không chỉ đối với cá nhân mà còn tốt đối với xã hội. Cơ sở tích cực của phương pháp phân tích xã hội của chủ nghĩa tự do cá nhân là cá nhân luận (methodological individualism): công nhận rằng chỉ có các cá nhân hành động. Cơ sở đạo đức hay quy phạm của chủ nghĩa tự do cá nhân là sự tôn trọng nhân phẩm và giá trị của mỗi cá nhân (cá nhân khác). Điều này được thể hiện trong châm ngôn của nhà triết học Immanuel Kant: Mỗi người phải được đối xử không chỉ đơn thuần như một phương tiện mà như một mục đích tự thân.

Tất nhiên, trước Jefferson và sau đó nữa, khái niệm về cá nhân với đầy đủ các quyền chưa bao gồm tất cả mọi người. Những người quan sát sắc sảo lúc đó đã chú ý đến vấn đề này và bắt đầu nhắc đến những câu chữ làm rung động lòng người trong Khảo luận thứ hai về chính quyền của Locke và Tuyên ngôn Độc lập một cách đầy đủ hơn. Quyền bình đẳng và chủ nghĩa cá nhân vốn là cơ sở cho sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản đương nhiên là đã làm cho mọi người bắt đầu suy nghĩ về quyền của phụ nữ và nô lệ, đặc biệt là nô lệ người Mỹ gốc Phi ở Mỹ. Không phải vô tình mà phong trào nữ quyền và phong trào đòi giải phóng nô lệ là những chất kích thích của cuộc Cách mạng công nghiệp và các cuộc Cách mạng ở Mỹ và ở Pháp. Năm 1837, khi sự hiểu về các quyền tự nhiên đã gia tăng nhờ những cuộc đấu tranh của người Mỹ nhằm chống lại những bất công mà các thuộc địa phải chịu đựng, bà Angelina Grimke (1805-1879), một chiến sĩ đấu tranh cho nữ quyền và chống chế độ nô lệ, viết cho bà Catherine E. Beecher (1800-1878) như sau: “Tôi nhận ra rằng sự nghiệp đấu tranh chống chế độ nô lệ ở nước ta là trường học đạo đức – trong đó quyền con người được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, được hiểu và được giảng dạy tốt hơn bất kỳ trường học nào khác”.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường