Giảm chiến tranh: Công cụ chính sách thời hiện đại

Giảm chiến tranh: Công cụ chính sách thời hiện đại

“Hãy nhìn lại chiến tranh Triều Tiên, chẳng có mấy thời điểm chúng ta [Hoa Kỳ] thực sự tham gia vào các trận đánh lớn. Ấy vậy mà ta lại tự tuyên bố mình giành chiến thắng. Tương tự như trong Thế chiến II hay chiến tranh vùng Vịnh năm 1991”. - Robert Gates1

Thế giới hiện đại đã được hình thành bởi chiến tranh. Các quốc gia, nền kinh tế toàn cầu, và cả cấu trúc của hệ thống quốc tế, tất cả nợ chiến tranh một phần di sản của mình.Chiến tranh đã từng là một nhân tố quan trọng, nhưng trong nhiều thế kỷ gần đây, chiến tranh cũng đang có xu hướng giảm dần như Steven Pinker, James Payne, John Mueller, và các học giả khác đã lập luận.

Có một thực tế ít được đánh giá đúng mức trong chiến tranh hiện đại: bên khởi chiến thường hiếm khi đạt được mục tiêu mong muốn. Bài viết này bàn về các loại chiến tranh từ trước năm 1945 và kiến giải tại sao chiến tranh có xu hướng suy giảm. Tiếp theo, bài viết mô tả các cuộc chiến tranh thời kỳ hậu Thế chiến II và giải thích tại sao những bên khởi chiến lại hiếm khi đạt được mục tiêu mong muốn. Phần kết luận sẽ là những bài học cho những người hoạch định chính sách và công dân.

Chiến tranh hay là sự chuyển dời quyền lực

Trong hàng nghìn năm, các bộ lạc, thành phố, vương quốc, đế chế, và các quốc gia đã chiến đấu với nhau để mở rộng lãnh thổ, để có cơ hội chiếm lấy những nguồn tài nguyên đáng giá và từ đó tăng sức mạnh.3 Như Charles Tilly nói đã nói: "Chiến tranh tạo nên nhà nước rồi nhà nước lại gây ra chiến tranh".4

Từ khi bắt đầu kỷ nguyên hiện đại, tới thế kỷ 16, tần suất xảy ra chiến tranh và tỷ lệ thương vong trong chiến tranh có nhiều biến đổi bởi các thể chế tham chiến tự hình thành và phát triển cách thức tổ chức hay công nghệ sát thương mới, đồng thời họ cũng phát triển các hình thức tổ chức cũng như công nghệ nhằm đối phó với bạo lực.5

Những đại cường thực hiện chiến tranh xâm lược, xâm phạm những đại cường khác để giành giật nguồn lực, bao gồm hầm mỏ, đất chăn nuôi, nô lệ, bến cảng, vàng bạc, và các đối tượng chịu thuế. Những kẻ xâm lược cũng muốn cải đạo cho dân chúng và yêu cầu họ theo tôn giáo hoặc bản sắc mà chúng mong muốn.

Những cuộc chiến với tính chất như vậy đã suy giảm nhanh chóng từ giữa thế kỷ 20. Một số học giả cho rằng chiến tranh đã trở nên ít phổ biến hơn vì loài người đã phát triển. Từ quan điểm chiến tranh là kỳ cục và thiếu văn minh, tới nay, con người thậm chí không còn nghĩ tới chiến tranh nữa. Theo lời của John Mueller, chiến tranh đã là một cái gì đó “dưới mức lý trí, không hình dung nổi".6

Chuẩn mực thay đổi theo thời gian, nhưng không bao giờ độc lập hoàn toàn với các yếu tố vật chất khác. Thay đổi và phát triển của yếu tố vật chất thúc đẩy và hỗ trợ thay đổi về tư tưởng. Thể loại chiến tranh dùng vũ lực trong quá khứ đã không còn hấp dẫn, kể cả với những nhà lãnh đạo ưa mạo hiểm. Các loại công nghệ quân sự như vũ khí hạt nhân đã khiến việc chinh phạt trở thành lời tuyên bố tự sát trong hầu hết mọi trường hợp. Các phát triển phi quân sự như chủ nghĩa dân tộc và các hình thái khác của chính trị vì bản sắc, khiến cho cộng đồng bị xâm lược khó bị đồng hoá và kiểm soát. Kinh tế phát triển với sự hội nhập theo chiều ngang của các chuỗi cung ứng và gia tăng thương mại xuyên biên giới, đã khiến triển vọng về lợi ích kinh tế thu được nhờ chiến tranh thấp hơn rất nhiều.7

Đối với các tiểu cường, một số vẫn nuôi mộng xâm lược. Ví dụ, Iraq xâm chiếm Kuwait năm 1990 để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu của Kuwait và để vô hiệu hóa khoản nợ của nhà nước Iraq với Kuwait. Nhưng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ra dễ dàng trục xuất quân đội Saddam Hussein ra khỏi Kuwait. Điều này cho thấy khởi sự chiến tranh xâm lược là một hành động đầy rủi ro.

Chiến tranh hiện đại

Trong khi những cuộc chiến giữa các đại cường giảm nhanh chóng, chiến tranh vẫn tiếp tục được châm ngòi. Có ba loại chiến tranh vẫn còn tồn tại dai dẳng, nhưng nó thường không đạt được mục tiêu đặt ra.

Chiến tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân / Chiến tranh phòng vệ

Các đại cường, đặc biệt là Hoa Kỳ, thường xuyên bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc các quốc gia khác sản xuất hay mua lại công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân. Chiến tranh Iraq năm 2003 ban đầu viện dẫn một lý do rất chính đáng, là chống phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc cho sự thật là chính quyền Mỹ đã không hề tìm được một bằng chứng nào, hay thậm chí đã bỏ qua bằng chứng cho thấy Iraq hoàn toàn không hề có chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Dù luận điệu ngăn chặn gia tăng vũ khí hạt nhân được chấp nhận rộng rãi giữa các cường quốc, có nhiều lý do khác nhau dẫn đến điều này. Họ lo sợ viễn cảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân ngoài ý muốn; họ sợ "sự phổ biến vũ khí hạt nhân" hay "hiệu ứng domino" hạt nhân; họ sợ viễn cảnh về khủng bố hạt nhân; và cuối cùng, họ thích giữ lại quyền tự do hành động chống lại bên thứ ba. Như Kenneth Waltz đã viết: "một lý do để người Mỹ chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân là nếu các nước yếu có vũ khí hạt nhân, họ sẽ có thể tạo áp lực lên chúng tôi".8

Tuy vậy, cuộc chiến chống lại sự phổ biến các loại vũ khí hạt nhân luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề. Vấn đề đầu tiên đã được chứng minh đầy đủ tại Iraq. Rất khó có được tin tình báo chính xác và đáng tin cậy để thực hiện một cuộc chiến tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân thành công. Iraq chính là một trường hợp điển hình. Năm 2003, hoàn toàn không có một chương trình vũ khí hạt nhân nào tồn tại ở Baghdad. Ngay cả trong các trường hợp mà những nguồn tin đáng tin cậy cho rằng các chương trình hạt nhân có tồn tại, thì vẫn rất khó thu thập được thông tin toàn diện, để tấn công được vào các điểm trọng yếu của cơ sở phát triển chương trình hạt nhân.9 Vậy nên, người ta chỉ có thể tấn công liên tục để nhằm đập tan nỗ lực xây dựng lại cơ sở hạt nhân, dội bom đất nước đó vài năm một lần cho đến khi hoặc là họ từ bỏ việc theo đuổi công nghệ hạt nhân hoặc đã có sự "thay đổi chế độ" để làm hài lòng những kẻ tấn công. Điều này không chỉ làm cho công cuộc giải giáp vũ khí hạt nhân trở nên khó khăn, mà còn khiến cho các quốc gia thù địch càng kiên trì theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân để tự vệ trước những kẻ tấn công tiềm năng.

Chống hiệu ứng Domino / Chiến tranh tạo tầm ảnh hưởng và sự tín nhiệm

Một mục tiêu khác của chiến tranh trong những thập kỷ gần đây là để giành "ảnh hưởng" của các nước mạnh tại những nước yếu hơn. Những cường quốc thường xuyên châm ngòi hoặc duy trì chiến tranh chỉ vì sợ rằng một quốc gia nào đó sẽ chịu sự ảnh hưởng của nước khác, dần làm phương hại tới an ninh của chính cường quốc đó. Theo học thuyết domino, sự thay đổi chính trị nội bộ trong một nước hoặc việc đất nước đó bỗng chịu ảnh hưởng của một nước khác đều có thể gây ra hiệu ứng domino; khi một quân domino đổ, nó sẽ đẩy đổ quân tiếp theo và dần dà càng ngày càng nhiều quốc gia yếu thế rơi vào tầm ảnh hưởng của phe thù địch.

Khi tôi đang viết bài này, quân đội Nga đã xâm chiếm Ukraine. Chính phủ Nga tuyên bố các đơn vị quân đội không phải của Nga, mà là lực lượng tự vệ Ukraine, và rằng những lực lượng đó đang chiến đấu do bất ổn chính trị ở Ukraine. Lời tuyên bố đó của Nga thật nực cười và không hề được bất cứ bên nào nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Moscow công nhận. Tương tự, lời tuyên bố rằng họ đang chiến đấu do bất ổn chính trị chứ không phải để hải quân tiếp tục tiếp cận Biển Đen qua Crimea chẳng có giá trị gì khi được xem xét thấu đáo.

Trong khi sự xâm nhập của Nga cho thấy sức mạnh quân sự vẫn ảnh hưởng đến chính trị quốc tế, bài viết này không hề có ý phản bác lại điều này. Lực lượng của Nga xâm chiếm bất hợp pháp Ukraine, nhưng không hề có chiến tranh, một phần vì Kyiv nhận thức được rằng việc chống lại Nga là gần như vô vọng để đạt được một giải pháp chính trị thuận lợi, và phần khác do thái độ ủng hộ Moscow (pro-Moscow) của rất nhiều người dân Crimea. Cuộc chiến của Nga năm 2014 không phải là thể loại chiến tranh quy mô lớn mà các nhà lãnh đạo thực hiện trong những thế kỷ 17 hay 20. Nước mạnh sẽ ức hiếp nước yếu hơn khi họ cảm thấy việc đó là dễ dàng và có lợi ích đủ lớn.

Những cuộc chiến như vậy đôi khi đem lại hậu quả nặng nề cho các bên liên đới. Mặc dù Afghanistan đã bị suy yếu do yếu kém trong quản lý nền kinh tế suốt hàng thập kỷ và mở rộng quân sự quá mức, sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào quốc gia này đã góp phần làm suy yếu nhà nước Xô Viết. Tại sao Xô Viết lại muốn can thiệp quân sự vào Afghnistan – một đất nước chẳng giàu có gì về tài nguyên? Không ai có thể trả lời. Nhưng có bằng chứng cho rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết sợ rằng Afghanistan sẽ quay lưng lại với Moscow và đi theo phương Tây, và điều này sẽ gây ra những hậu quả dù chưa rõ ràng nhưng sẽ rất khủng khiếp cho các vị trí chiến lược của Liên bang Xô Viết. Khi tình hình chiến sự càng lúc càng trở nên tồi tệ, các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng bắt đầu lo sợ rằng “mất” Afghanistan sẽ là một thất bại không thể chấp nhận được và là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Liên Xô".10

Các bên tham chiến thường lo lắng về tầm ảnh hưởng và thể diện, nhưng cuộc chiến hiếm khi diễn ra theo cách họ muốn để bảo tồn những giá trị này. Như tờ Daryl Press đã ghi lại, tín nhiệm không được chuyển giao theo cách các nhà lãnh đạo mong đợi. Họ không đánh giá khủng hoảng hiện tại dựa trên hành vi quá khứ, và thường chỉ xem xét tới lợi ích vật chất và sức mạnh quân sự của đối phương trong những trường hợp cụ thể.11 Tương tự như thế, tầm ảnh hưởng tự nó cũng không bền lâu, bởi các nước yếu sẽ chẳng giữ lòng trung thành với nước bảo trợ nếu không cùng chia sẻ những lợi ích mong muốn.

Can thiệp nhân đạo

Cuối cùng, các quốc gia thực hiện can thiệp nhằm mục đích đứng ra hành động thay mặt cho bên thứ ba đang bị đe dọa hoặc dễ tổn thương. Tuy nhiên, đôi khi rất khó để xác định khi nào các quốc gia đang thực hiện can thiệp nhân đạo, bởi vì để huy động và duy trì được các nguồn lực hỗ trợ từ trong nước cho những cuộc can thiệp quân sự không có tính chiến lược, chính phủ thường phải viện dẫn lý do vì lợi ích quốc gia chứ không phải chiến đấu vì lòng vị tha hay nhân đạo.

Mặc cho những bào chữa lấy vỏ bọc là vì an ninh quốc gia, cuộc chiến ở Libya do Mỹ dẫn đầu năm 2011 là một trong những ví dụ mới xảy ra gần đây. Dù các quan chức chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh rằng họ cần can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này để ngăn cản nguy cơ của một cuộc tàn sát khoảng 100.000 thường dân Libya ở Benghazi bởi bộ máy cai trị, và dù không có bằng chứng phản bác lại luận điểm này, lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra vẫn không hoàn toàn chính đáng. Lực lượng cai trị Misrata – nơi Mỹ đánh chiếm trước tiên để làm bàn đạp hướng tới Benghazi – không hề duy trì các chính sách giết người bừa bãi. Thêm vào đó, nhà độc tài Muammar Qaddafi tuy sử dụng ngôn ngữ đầy đe doạ khi cảnh báo phiến quân, nhưng lại tuyên bố cho dân thường ở Benghazi trong một diễn văn công khai:

Bất cứ ai giao nộp vũ khí, về nhà và không lưu trữ bất kỳ loại vũ khí nào, người đó sẽ được ân xá, bảo vệ, bất luận những gì người đó đã làm trước đây. Chúng tôi sẽ thực hiện ân xá cho bất cứ ai trên đường phố… Bất cứ ai từ bỏ vũ khí và về nhà sống hòa bình sẽ được ân xá, dù cho người đó đã làm gì trong quá khứ đi nữa. Anh ta được bảo vệ.12

Mục tiêu của Quaddafi là để duy trì quyền lực, chứ không phải chỉ là trừng phạt dân chúng. Tuy nhiên, những người theo quan điểm tự do ở phương Tây chỉ bị kích động khi Quaddafi được dựng lên với hình ảnh là một nhà độc tài tàn bạo. Khi đó, bất kỳ ai không đồng tình với ý kiến “Quaddafi độc tài, đe dọa sẽ tàn sát dân thường” thì dễ bị xem như là biện hộ cho bạo quyền. Thêm vào đó, các chính phủ phương Tây khẳng định rằng tương lai của công cuộc tự do hóa Ả Rập - "mùa xuân Ả Rập" – gắn liền với việc ngăn chặn Qaddafi giành chiến thắng trong nội chiến tại Lybia.13 Các quan chức phương Tây đã đi quá xa để có thể phủ nhận rằng động cơ của họ thực chất là để thay đổi chế độ, dù cho chiến dịch can thiệp quân sự đã chỉ rõ mục tiêu hiển nhiên đó.14 Và cuối cùng, chiến tranh kết thúc và nguồn lực cho can thiệp nhân đạo cũng cạn kiệt: thay đổi chế độ, kéo theo kinh tế suy thoái và những chia rẽ chính trị không được giải quyết, khiến người phương Tây và các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia này không còn đủ kiên nhẫn để chú ý tới Lybia nữa.15

Kết luận

Nếu chiến tranh hiếm khi đạt được mục tiêu của những kẻ gây chiến, tại sao chúng vẫn tiếp tục diễn ra? Không có một câu trả lời nào cho câu hỏi này, nhưng có rất nhiều nhân tố góp phần gây ra chiến tranh.

Các quốc gia xây dựng các thiết chế và hỗ trợ sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp có mục đích duy nhất là để chuẩn bị cho chiến tranh hoặc để sản xuất các cơ sở hạ tầng và phương tiện phục vụ chiến tranh. Một trong những phát biểu đáng chú ý về vấn đề này là của Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong diễn văn kết thúc nhiệm kỳ, ông đã cảnh báo về "tổ hợp công nghiệp quân sự". Đã từng là tướng năm sao trong quân đội, Eisenhower lo lắng rằng mặc dù tiến bộ khoa học và nền công nghiệp quốc phòng phát triển là rất cần thiết đối với quân sự và quốc phòng, nguy cơ tiềm ẩn chính là "chính sách công bị lệ thuộc vào một bộ phận nắm bắt được khoa học - công nghệ. " Nói cách khác, tổ hợp công nghiệp quân sự có thể "nắm" chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ hoặc chí ít cũng là ảnh hưởng tới đường hướng xây dựng chính sách. Theo đó, chỉ lợi ích cho các nhà sản xuất vũ khí và nhà thầu quốc phòng là được gia tăng, chứ không phải lợi ích tối ưu cho quốc gia.16

Hoa Kỳ, sở hữu đồng tiền mạnh nhất thế giới, có vị trí địa lý cách xa những mối đe dọa nghiêm trọng, và một nền kinh tế quá lớn mạnh, lại đang khiến lo lắng của Eisenhower dần trở thành hiện thực. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể lãng phí nguồn lực để bao cấp cho sự phát triển của tổ hợp công nghiệp – quân sự mà không phải cân nhắc về những bất lợi nhãn tiền cho an ninh và thịnh vượng. Các quốc gia phải lo lắng nhiều về an sinh sẽ phải suy tính nhiều hơn về những thứ họ sẽ đánh đổi khi đầu tư quân sự, và vì thế, họ ít phát động chiến tranh. Nước Mỹ giàu có và an toàn, có thể trang trải toàn bộ chi phí phát sinh do chính sách đối ngoại không hợp lý mà chẳng gây quá nhiều tổn hại cho người chủ trương theo đuổi chính sách đó.17

Cuối cùng, tư tưởng đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các nước quân sự hóa xã hội và phát động chiến tranh.18 Những cuộc đụng độ đẫm máu trong thế kỷ 20 đã bị kích động bởi nhiều hệ tư tưởng như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít. Hầu hết các hệ tư tưởng đều đặc biệt ưu tiên những quyết định đưa ra bởi các nhà lãnh đạo chính trị. Từ "sứ mệnh khai hóa" của Pháp, tới niềm tin của người Anh vào "trọng trách của người da trắng," cho đến "chủ thuyết ngoại lệ Mỹ" ngày nay, người ta đều tin rằng sự phát triển vượt trội của đất nước mình cấp cho họ một thứ giấy phép đặc biệt, để họ có quyền tái tạo thế giới theo ý muốn của mình. Các nhà lãnh đạo chính trị thậm chí có thể sử dụng tôn giáo khi nói về quốc gia và sứ mệnh, do đó truyền uy quyền của Chúa vào lợi ích quốc gia.19

Lợi ích vật chất và giá trị tư tưởng đều đang là bệ đỡ cho chiến tranh. Nếu hai yếu tố này bị triệt tiêu, tức là không còn lợi ích vật chất của tổ hợp công nghiệp – quân sự và không còn hệ tư tưởng chiến tranh và xung đột, thì sẽ ít xảy chiến tranh hơn. Đó là những thách thức xứng đáng cho thế hệ các nhà hoạt động hòa bình mới.

* Justin Logan là giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Cato. Ông viết bài cho các tạp chí ngoại giao như Foreign Policy, Foreign Service Journal, Orbis, Harvard International Review và thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện đại chúng để thảo luận và giải thích về các mối quan hệ quốc tế.

Chú thích:

(1) Robert Gates, bài thảo luận trên Meet the Press, 19 tháng Một, 2014.

Bản ghi lại trên http://www.nbcnews.com/id/54117257/ns/meet_the_press-transcripts/t/january-dianne-feinstein-mike-rogersalexis-ohanian-john-wisniewski-rudy-giuliani-robert-gates-newtgingrich-andrea-mitchell-harold-ford-jr-nia-malika-henderson/#UxdBE1OGfKc

(2) Charles Tilly, Coercion, Capital, and European States, AD 990–1992 (Cambridge, MA: Blackwell, 1990).

(3) Để xem phần thảo luận đầy đủ nhưng súc tích, đọc Jack S. Levy và William R. Thompson, The Arc of War: Origins, Escalation, and Transformation (Chicago: University of Chicago Press, 2011).

(4) Charles Tilly, “Reflections on the History of European State-Making,” trong Charles Tilly, biên tập, The Formation of National States in Western Europe (Princeton: Princeton University Press, 1975), tr. 42.

(5) Jack S. Levy, “Historical Trends in Great Power War, 1495–1975,” International Studies Quarterly 26, no. 2 ( June 1982): 278–300.

(6) John Mueller, Retreat from Doomsday: The Obsolescence of Major War (New York: Basic Books, 1989), tr. 240–44.

(7) Xem thảo luận trong Benjamin H. Friedman, Brendan Rittenhouse Green, and Justin Logan, “Debating American Engagement: The Future of U.S. Grand Strategy,” International Security 38, no. 2 (Fall 2013): 183–92.

(8) Kenneth N. Waltz, “Waltz Responds to Sagan,” trong Scott D. Sagan và Kenneth N. Waltz, The Spread of Nuclear Weapons: A Debate (New York: W. W. Norton, 1995), tr. 111.

(9) Người ta có thể cho rằng các cuộc tấn công của Israel chống lại các lò phản ứng hạt nhân ở Syria chỉ là hành động trả đũa, nhưng chương trình của Syria đã không gặt hái được bất kỳ thành quả nào từ hàng thập kỷ trước và cuộc tấn công của Israel do đó lại làm tăng thêm những lo ngại về an ninh cho chính quốc gia này.

(10) Artemy Kalinovsky, “Decision-Making and the Soviet War in Afghanistan: From Intervention to Withdrawal,” Journal of Cold War Studies 11, no. 4 (Fall 2009): 50.

(11) Daryl G. Press, Calculating Credibility: How Leaders Assess Military Threats (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2007).

(12) Xem thảo luận trong Alan J. Kuperman, “A Model Humanitarian Intervention? Reassessing NATO’s Libya Campaign,” International Security 38, no. 1 (Summer 2013): 105–136.

(13) Helene Cooper và Steven Lee Myers, “Obama Takes Hard Line with Libya After Shift by Clinton,” New York Times, tháng Ba 18, 2011.

(14) Xem thảo luận trong Alan J. Kuperman, “A Model Humanitarian Intervention? Reassessing NATO’s Libya Campaign.”

(15) Về cách xử sự cụ thể trong xu hướng bỏ qua chính trị của phương Tây và những vấn đề mà việc này có thể gây ra, xem Richard K. Betts, “The Delusion of Impartial Intervention,” Foreign Affairs 73, no. 6 (tháng Mười Một/ tháng Mười Hai 1994): 20–33.

(16) Tổng thống Dwight D. Eisenhower, “Farewell Address to the Nation,” tháng Một 17, 1961. Tổng quát hơn, đọc Peter Trubowitz, Defining the National Interest: Conflict and Change in American Foreign Policy (Chicago: University of Chicago Press, 1998).

(17) Benjamin H. Friedman và Justin Logan, “Why the U.S. Military Budget Is Foolish and Sustainable,” Orbis 56, issue 2 (Mùa Thu 2012): 177–91.

(18) Về chính trị cao cấp và việc mở rộng thái quá, đọc Jack Snyder, Myths of Empire: Domestic Politics and International Ambition (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1991).

(19) Ví dụ, để lấy lý do cho cuộc chiến tranh Iraq, trong Thông điệp Liên bang 2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã sử dụng ngôn từ trong một bài thánh ca Phúc âm, thay Chúa Giê-su bằng người Mỹ. Xem Alan Cooperman, “Openly Religious, to a Point,” Washington Post, September 16, 2004. Tổng quát hơn, xem Conor Cruise O’Brien, God Land: Reflections on Religion and Nationalism (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999).

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 8, Jameson Books, Inc., 2014

 

Dịch giả:
Dương Thị Thu Hằng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.