[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 1)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 1)

Khi vào siêu thị, tôi thấy thực phẩm rất dồi dào - từ sữa và bánh mì, đến bánh Pizza nhãn hiệu Wolfgang Puck's Spago và quả kiwi tươi được nhập từ New Zealand. Các siêu thị hiện nay trung bình có 30.000 mặt hàng, gấp đôi so với mười năm trước đây. Giống như hầu hết những người mua hàng, tôi coi sự phong phú như thế là đương nhiên. Tôi đứng ở giữa lễ hội ẩm thực này và tự nhủ: “Không thể tin được là trong cái cửa hàng lộn xộn này lại không có lon Coca mùi hoa anh đào, không caffeine dành cho người ăn kiêng, loại 12-ounce!”.

Nhưng làm sao điều kỳ diệu đó lại xảy ra? Làm sao một người như tôi, một người cầm ngay bản đồ trên tay cũng không thể tìm thấy một trang trại nào lại có thể đi đến cửa hàng vào bất kỳ lúc nào, ngày cũng đêm, mà lại còn chắc chắn là sẽ tìm được tất cả các loại thực phẩm mà tôi cần, tháng 11 thì có gà tây, còn tháng 6 thì có chanh, được gói ghém cẩn thận và đang chờ đợi người mua. Ai lập ra kế hoạch cho cái công việc phức tạp này.

Bí mật, đương nhiên là, không có ai lập kế hoạch hết – không ai có thể lập được kế hoạch đó. Các siêu thị hiện đại là chuyện bình thường nhưng ví dụ đáng kinh ngạc nhất là trật tự tự phát vô cùng phức tạp được gọi là thị trường tự do.

Thị trường phát sinh từ sự kiện là hợp tác với những người khác, chúng ta có thể làm được nhiều hơn là chúng ta tự làm một mình và sự kiện là chúng ta có thể nhận thức được điều đó. Nếu chúng ta là giống loài mà hợp tác không hiệu quả hơn làm việc một mình hoặc nếu chúng ta không thể phân biệt được những lợi ích của sự hợp tác, thì chúng ta sẽ không chỉ là những người cô lập và tách biệt hẳn với những người khác, nhưng, như Ludwig von Mises giải thích: “Mỗi người sẽ bị buộc phải coi tất cả những người khác là kẻ thù của mình; khao khát thỏa mãn những ham muốn của anh ta đã có thể đẩy anh ta vào một cuộc xung đột một mất một còn với tất cả những người láng giềng của mình”. Nếu hợp tác và phân công lao động không làm cho các bên cùng có lợi thì cả sự đồng cảm lẫn tình bạn cũng như thị trường đều không thể nào xuất hiện được. Những người nói rằng con người “sinh ra là để hợp tác chứ không cạnh tranh” không hiểu rằng thị trường là hợp tác. (Trên thực tế, người ta cạnh tranh để hợp tác hiệu quả hơn).

Nhà kinh tế học Paul Heyne so sánh việc lập kế hoạch với trật tự tự phát như sau: Ở khu vực vịnh San Francisco có ba sân bay chính. Mỗi ngày có hàng ngàn máy bay cất cánh từ những sân bay này, mỗi cái hướng tới một điểm đến khác nhau. Làm cho tất cả những chiếc máy bay này cất và hạ cánh đúng giờ mà không đâm vào nhau là một nhiệm vụ phức tạp không thể tưởng tượng nổi, còn các hệ thống kiểm soát không lưu là điều kì diệu. Nhưng mỗi ngày người trong Vịnh còn đi hàng ngàn lượt trên những chiếc ô tô, với nhiều điểm đi, điểm đến và “kế hoạch bay” hơn hẳn số chuyến bay đến và đi nữa. Hệ thống đó, tức là sự phối hợp của hàng triệu chuyến khởi hành của những chiếc ô tô, quá phức tạp, đến nỗi không có hệ thống điều khiển giao thông nào có thể quản lý được, vì vậy chúng ta phải để cho nó hoạt động một tự cách phát trong khuôn khổ một vài quy tắc cụ thể: đi bên phải, dừng lại trước đèn tín hiệu, nhường đường khi rẽ trái. Có tai nạn và kẹt xe, chắc chắn là như thế - có thể giảm được nhiều vụ tai nạn và kẹt xe nếu đường xá được xây dựng và khai thác theo nguyên tắc thị trường, nhưng điểm chính là không thể lập kế hoạch và phối hợp một cách có chủ ý đường đi của tất cả những chiếc ô tô đó. Nghĩa là, trái ngược với ấn tượng ban đầu của chúng ta, có thể lập kế hoạch cho những hệ thống không phức tạp lắm, còn những hệ thống phức tạp hơn thì phải để cho chúng phát triển một cách tự phát.

Nhiều người chấp nhận rằng cần phải có thị trường, nhưng họ vẫn cảm thấy thị trường chứa đựng một cái gì đó phi đạo đức, dù khá mơ hồ. Họ sợ rằng thị trường sẽ dẫn đến bất bình đẳng, hay là họ không thích thói tư lợi được thể hiện trên thương trường. Thị trường thường được gọi là “tàn bạo” hay “không khoan nhượng”. Nhưng, như sẽ chỉ ra trong chương này, thị trường không chỉ cần cho phát triển kinh tế mà còn làm cho mọi người dễ tìm được tiếng nói chung hơn và có nhiều đức tính tốt hơn và bình đẳng hơn là sự ép buộc của chính phủ.

Thông tin và phối hợp

Cơ sở của thị trường là sự chấp thuận. Khác với thuế thu nhập, không có doanh nghiệp nào gửi hóa đơn buộc bạn phải thanh toán sản phẩm mà bạn không đặt mua. Không có doanh nghiệp nào buộc bạn phải buôn bán với họ. Các doanh nghiệp cố gắng tìm ra những món hang mà bạn muốn và cung cấp cho bạn. Những người kiếm tiền bằng cách bán những loại hàng hóa như hàng gia dụng, ô tô, máy tính hay máy sản xuất xe ô tô và máy tính cần phải biết người tiêu dùng muốn gì và họ sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu. Các doanh nghiệp tìm thông tin ở đâu? Không phải là trong những cuốn sách dày cộp. Trong nền kinh tế thị trường, thông tin không nằm trong mệnh lệnh của cơ quan lập kế hoạch (mặc dù, về mặt lý thuyết, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, người sản xuất phải hành động theo lệnh của cấp trên).

Giá cả

Thông tin quan trọng sống còn về nhu cầu của người khác được thể hiện bằng giá cả. Giá cả không chỉ cho chúng ta biết một món hàng nào đó được bán với giá bao nhiêu. Hệ thống giá cả này kết hợp vào một chỗ tất cả các thông tin hiện có trong nền kinh tế về những thứ mà người ta cần, người ta đánh giá nó cao đến mức nào và đâu là biện pháp sản xuất hiệu quả nhất. Giá cả làm cho thông tin trở thành hữu ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Giá của mặt hàng nào cũng chứa đựng trong lòng nó những thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng và chi phí sản xuất, từ số giờ lao động để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, công lao động, thậm chí là cả thời tiết xấu ở nửa bên kia bán cầu làm cho giá nguyên liệu để sản xuất mặt hàng này đã tăng lên. Người ta không cần biết tất cả những chi tiết đó, chỉ cần biết một con số là đủ: giá cả.

Giá cả thị trường cho người sản xuất biết mỗi khi một sản phẩm nào đó không thể được sản xuất với chi phí thấp hơn so với số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng trả cho sản phẩm đó. Chi phí sản xuất thực tế bất cứ sản phẩm nào không phải là giá cả tính bằng USD, mà là bất cứ sản phẩm nào có thể được sản xuất bằng những nguồn lực đã được sử dụng. Chi phí của bạn cho việc đọc cuốn sách này là bất cứ thứ gì bạn có thể làm nếu bạn làm việc khác: đi xem phim, ngủ nướng, đọc một cuốn sách khác, lau nhà. Chi phí 15 USD cho một đĩa CD là bất cứ thứ gì bạn có thể mua với 15 USD, nếu bạn mua thứ đó. Sử dụng thời gian hay những nguồn lực khác để sản xuất một món hàng nào đó tạo ra chi phí, các nhà kinh tế học gọi đó là chi phí cơ hội. Nguồn lực đó không thể nào được sử dụng để sản xuất bất sản phẩm nào khác.

Những thông tin mà giá cả cung cấp tạo điều kiện cho mọi người làm việc cùng nhau để sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn nữa. Mục đích của một nền kinh tế không chỉ là sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn, mà là sản xuất ra những món hàng mà nhiều người muốn mua. Giá cả nói cho chúng ta biết người khác muốn gì. Khi giá một món hàng nào đó tăng lên, chúng ta thường tiêu thụ ít đi. Một số người còn tính toán xem có thể kiếm tiền bằng cách bắt đầu sản xuất món hàng đó hay không. Khi giá (nghĩa là tiền công, tiền lương) của một số ngành tăng lên, chúng ta liền nghĩ xem liệu chúng ta có nên chuyển sang những ngành đó hay không. Thanh niên tìm học những nghề được trả lương cao ngay từ đầu và họ thường bỏ học những nghề mà đồng lương đang giảm.

Trong nền kinh tế phức tạp hơn một làng - thậm chí có thể nói phức tạp hơn một gia đình hạt nhân – khó có thể biết chính xác mỗi người muốn gì, mỗi người có thể làm được gì và mỗi người sẵn sàng làm gì, với giá bao nhiêu. Trong gia đình, chúng ta yêu nhau và chúng ta biết rõ khả năng, nhu cầu, sớ thích của mỗi người, vì vậy, chúng ta không cần giá cả nhằm xác định những đóng góp và hưởng thụ của mỗi người. Sẽ là tuyệt với nếu bên ngoài gia đình, chúng ta cũng rộng lượng như thế đối với những người khác. Nhưng dù các nhà thuyết giáo và các thày giáo có khuyên nhủ chúng ta phải thương yêu nhau đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ không bao giờ thương yêu tất cả mọi người trong xã hội hay biết rõ nhu cầu của họ như thương yêu và biết rõ nhu cầu của những người trong gia đình mình. Hệ thống giá phản ánh những lựa chọn của hàng triệu người sản xuất, người tiêu dùng và chủ của những nguồn lực, những người có thể không bao giờ gặp nhau và không thể phối hợp được những nỗ lực của họ. Mặc dù chúng ta có thể không bao giờ cảm thấy yêu mến - thậm chí là gặp gỡ - tất cả những người tham gia hoạt động kinh tế, nhưng giá cả thị trường tạo điều kiện cho chúng ta làm việc cùng nhau nhằm sản xuất ra nhiều hơn nữa những món hàng hóa mà mọi người đều muốn.

Khác với chính phủ - trong trường hợp tốt nhất, chính phủ cũng chỉ thực hiện ý chí của đa số (còn thường thì chính phủ hoạt động dưới áp lực từ một nhóm nhỏ) và áp đặt nó cho tất cả mọi người - thị trường sử dụng giá cả để cho người mua và người bán tự do quyết định những việc họ muốn làm với số tiền của mình. Không ai có đủ tiền mua tất cả mọi thứ, một số người có thể mua nhiều hơn những người khác, nhưng mỗi người đều tự do tiêu tiền theo cách mà họ lựa chọn. Và nếu 51% người mua thích ô tô màu đen hay thích nghe Barry Manilow hát thì những người không thích những thứ đó được tự do mua món hàng khác, họ không cần phải tổ chức một phong trào chính trị cho cả nước để chuyển sang thích xe màu xanh hoặc thích nghe Willie Nelson.

Cạnh tranh

Tất cả câu chuyện về sự kỳ diệu của sự phối hợp không được gây cho người ta ấn tượng cho rằng thị trường không phải là cạnh tranh. Kế hoạch của mỗi người chúng ta luôn luôn mâu thuẫn với kế hoạch của những người khác, chúng ta lập kế hoạch bán các dịch vụ hay hàng hóa của chúng ta cho một số khách hàng, nhưng những người khác cũng hy vọng sẽ bán cho chính những khách hàng đó. Nhờ cạnh tranh mà chúng ta biết những người sẽ bán cho chúng ta nguyên vật liệu hay sức lao động với giá thấp nhất và bằng cách đó tìm ra biện pháp sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nhất,.

Những câu hỏi cơ bản của kinh tế học là làm sao kết hợp được tất cả các nguồn lực trong xã hội, trong đó có cố gắng của con người, để sản xuất được nhiều hàng hóa nhất - không phải là nhiều thép nhất, nhiều máy vi tính nhất hay những bộ phim hay nhất mà là sự kết hợp của đầu ra mang lại thỏa mãn cho nhiều người nhất. Chúng ta muốn sản xuất từng món hàng với số lượng đáp ứng đủ nhu cầu của người mua chứ không sản xuất quá nhiều đến mức giá như sản xuất món hàng khác thì sẽ tốt hơn. Giá mà chúng ta sẵn sàng trả cho một món hàng hóa hay dịch vụ, và giá mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận khi bán sức lao động của mình hoặc khi bán những thứ chúng ta đã làm ra, là kim chỉ nam đưa các doanh nhân tới những giải pháp đúng đắn.

Mỗi quyết định được đưa ra trên thương trường đều thực hiện từng bước một: Tôi có thực sự muốn miếng bít tết này, muốn mua thêm một tờ tạp chí hay một ngôi nhà có ba phòng ngủ không? Việc chúng ta sẵn sàng trả tiền và mức giá làm cho chúng ta không muốn mua thêm một đơn vị sản phẩm, sẽ nói cho nhà sản xuất biết rằng họ có thể chi bao nhiêu cho việc sản xuất sản phẩm này. Nếu họ không thể sản xuất một sản phẩm nữa với giá thấp hơn mức giá “cân bằng thị trường” (market-clearing price)1 thì họ phải biết rằng không được sử dụng thêm nguồn lực để sản xuất sản phẩm đó nữa. Khi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới máy tính và ít quan tâm tới TV, các doanh nghiệp sẽ phải mua thêm nguyên liệu và lao động để sản xuất máy tính. Khi tiền công lao động được thuê thêm và giá vật liệu mua thêm đạt đến giới hạn mà người tiêu dùng sẵn sàng trả cho sản phẩm đã hoàn thành thì các công ty sẽ ngừng đưa thêm nguồn lực vào sản xuất. Những quyết định này được lặp đi lặp lại hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ lần, và kết quả là một hệ thống phối hợp phức tạp đã hình thành, hệ thống này sẽ mang đến cho người tiêu dùng tất cả mọi thứ, từ quả kiwi đến con chip điện tử Pentium.

Chính sự cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp nhằm thu hút những khách hàng mới đã tạo ra sự phối hợp này. Nếu một công ty nhận thấy rằng nhu cầu đối với máy tính đang gia tăng, và công ty này là nơi đầu tiên sản xuất được nhiều máy tính hơn thì nó sẽ được tưởng thưởng. Ngược lại, công ty sản xuất truyền hình cạnh tranh với nó có thể thấy doanh số bán hàng giảm. Trên thực tế, mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp thành công và hàng ngàn doanh nghiệp bật ra khỏi thương trường. Đây là quá trình “phá hủy mang tính sáng tạo” của thị trường. Dù một số người mất việc làm hay mất khoản tiền đầu tư có cảm thấy bản án của người tiêu dùng khắc nghiệt đến mức nào thì thị trường vẫn hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng. Trên thị trường tự do, không có công ty nào được nhận những khoản ưu đãi đặc biệt của chính phủ, và mỗi công ty, nếu muốn tiếp tục kinh doanh, đều phải thường xuyên đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hoàn toàn không phải là thúc đẩy tính tư lợi, như những người phê bình thường nói, trên thị trường, chính tính tư lợi thúc đẩy người ta phục vụ những người xung quanh. Thị trường tưởng thưởng cho tính trung thựcm bởi vì mọi người muốn giao dịch với những người được tiếng là trung thực. Thị trường tưởng thưởng cho thái độ lịch sự, bởi vì mọi người thích làm ăn với các đối tác và nhà cung cấp lịch sự.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Tức là mức giá mà cung và cầu bằng nhau.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường