[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 1)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 1)

Các nhà phê bình, cả phái tả lẫn phái hữu, đều phàn nàn rằng trong những năm 1990, nước Mỹ chìm đắm trong những buổi nói chuyện về quyền. Không cuộc tranh luận về chính trị nào mà một bên hay cả hai bên không nhanh chóng xây dựng luận cứ của mình trên cơ sở các quyền - quyền sở hữu, quyền bảo đảm an sinh xã hội, quyền của phụ nữ, quyền của người không hút thuốc, quyền sống, quyền phá thai, quyền đồng tính, quyền sở hữu súng và đủ thứ quyền khác. 

Gần đây có một nhà báo hỏi tôi nghĩ thế nào về lời đề nghị của những người tự xưng là theo phái cộng đồng về việc “tạm thời đình chỉ ban hành những quyền mới”. Những người theo phái cộng đồng ở Mỹ cuối thế kỷ XX là những người tin rằng “cộng đồng” (community) phải đứng trên cá nhân, vì vậy, đương nhiên là họ sẽ phản ứng trước những câu chuyện tràng giang đại hải về quyền, bằng cách nói: “Chấm dứt đi thôi!” Họ sai lầm đến mức nào?, tôi tự hỏi. Dường như những người theo phái cộng đồng coi các quyền như một cái hộp nhỏ; khi bạn có quá nhiều quyền thì cái hộp sẽ không chứa hết. Thế mà theo quan niệm của chủ nghĩa tự do cá nhân, chúng ta có vô số các quyền, tất cả đều chứa đựng trong một quyền, đấy là quyền tự nhiên. Một quyền cơ bản nhất của con người là quyền sống đời sống của mình theo ý mình, với điều kiện là người đó không xâm phạm quyền đó của những người khác.

Cái quyền duy nhất này có thể được áp dụng trong hằng hà sa số trường hợp. Như James Wilson, một trong những người ký tên vào bản Hiến pháp, đã trả lời đề nghị cho rằng phải đưa Tuyên ngôn Nhân quyền vào Hiến pháp: “Liệt kê tất cả các quyền của con người ư! Thưa các ngài, tôi tin chắc là không có người nào từng tham gia Công ước cuối cùng này dám đảm nhận công việc đó”. Nói cho cùng, bất kỳ người nào cũng có quyền đội mũ hay không; kết hôn hoặc không; trồng đậu hay trồng táo; hoặc mở cửa hàng bán quần áo. Thật vậy, để nếu muốn nói một ví dụ cụ thể thì người nào cũng có quyền bán quả cam cho người sẵn sàng mua dù quả cam chỉ có đường kinh là 2 3/8 inches (mặc dù theo luật liên bang hiện nay thì đó là việc làm bất hợp pháp).

Không thể liệt kê hết trước được tất cả các quyền mà chúng ta có; chúng ta chỉ gặp rắc rối trong việc định nghĩa những quyền đó khi có người đề xuất hạn chế quyền này hay quyền khác mà thôi. Coi các quyền như là những đòi hỏi có thể sờ mó được với số lượng hạn chế chứng tỏ người ta hiểu hoàn toàn sai khái niệm về quyền.

Nhưng lời phàn nàn về việc “phổ biến các quyền” thì không phải tất cả đều sai. Sự thực sự là ở Mỹ hiện đang có sự phổ biến “những quyền” rỏm. Khi các quyền chỉ là những lời tuyên bố có tính pháp lý, liên quan tới lợi ích và sở thích, thì sẽ xuất hiện cơ sở cho những cuộc xung đột về chính trị và xã hội. Quyền lợi và sở thích của những người khác nhau có thể xung đột với nhau, nhưng quyền thì không. Trong xã hội tự do, nhân quyền thực sự không thể xung đột với nhau. Nhưng, có nhiều mâu thuẫn xảy ra giữa những người đòi hỏi cái gọi là quyền được hưởng phúc lợi, tức là đòi người khác cung cấp cho chúng ta những thứ chúng ta muốn, dù có là giáo dục, y tế, an sinh xã hội, phúc lợi, trợ cấp nông nghiệp, hoặc không bị cản trở khi nhìn qua đất của người khác. Đây là vấn đề cơ bản của chế độ dân chủ của các nhóm lợi ích và nhà nước can thiệp. Trong xã hội tự do, người dân chấp nhận rủi ro và nghĩa vụ khi ký kết hợp đồng, còn nhà nước can thiệp thì áp đặt cho người dân nghĩa vụ bằng các các quá trình chính trị, trái với những quyền tự nhiên của họ.

Vậy thì, thật sự chúng ta có những quyền gì, và làm sao chúng ta có thể phân biệt được quyền thực với quyền giả? Xin bắt đầu bằng cách quay trở lại với một trong những văn kiện căn bản trong lịch sử nhân quyền: Tuyên ngôn Độc lập. Trong đoạn thứ hai của bản Tuyên ngôn, Thomas Jefferson đưa ra tuyên bố về quyền và ý nghĩa của chúng, ít người có thể viết được một cách súc tích và uyển chuyển đến như thế. Như đã nói trong Chương 2, nhiệm vụ của Jefferson trong khi soạn thảo văn bản này là thể hiện những tình cảm chung của những người định cư ở Mỹ, và ông được phân công làm việc này không phải vì ông có những ý tưởng mới, mà vì ông “có tài viết lách đặc biệt”. Jefferson giải thích với thế giới quan niệm của người Mỹ bằng những từ sau đây:

Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng các chính phủ được lập ra là để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ có những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân. Rằng khi một hình thức chính quyền nào đó đã trở thành nhân tố phá hoại đối với những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó.

Văn kiện tạo ra Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ có những hàm ý gì?

Những quyền căn bản

Bất kỳ lý thuyết về quyền nào cũng phải bắt đầu từ một luận điểm nào đó. Nếu để cho các triết gia theo chủ nghĩa tự do cá nhân viết bản Tuyên ngôn thì phần lớn đều sẽ bắt đầu với luận cứ có trước luận cứ của Jefferson. Khác với những loài động vật khác, con người bước ra thế giới mà không có kiến thức mang tính bản năng về những nhu cầu của mình và những biện pháp nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Như Aristotle đã nói, con người là động vật có lý trí và biết suy nghĩ; con người sử dụng khả năng suy nghĩ nhằm tìm hiểu nhu cầu của mình, tìm hiểu thế giới xung quanh mình và những biện pháp sử dụng thế giới nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình. Vì vậy, họ cần một hệ thống xã hội tạo điều kiện cho họ sử dụng lý trí, hành động trong thế giới đó và hợp tác với tha nhân nhằm hoàn thành những mục đích mà không cá nhân nào có thể tự mình thực hiện được.

Mỗi người là một cá nhân độc đáo. Con người là động vật xã hội - chúng ta thích tương tác với những người khác và chúng ta được lợi từ những tương tác đó - nhưng chúng ta suy nghĩ và hành động một các riêng rẽ. Mỗi người đều tự sở hữu cá nhân mình. Ngoài tự sở hữu thì còn có những khả năng nào khác?

Một người nào đó - một ông vua hay người đứng đầu chủng tộc - có thể sở hữu những người khác. Plato và Aristotle khẳng định rằng có đủ thứ người, một số giỏi giang hơn những người khác và do đó được phú cho quyền và trách nhiệm cai trị, hệt như người lớn hướng dẫn con cái vậy. Một số hình thức của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tập thể – minh định hay ngầm định – được xây dựng trên cơ sở ý tưởng cho rằng nhiều người không có khả năng tự đưa ra quyết định liên quan đến cuộc sống riêng của mình, do đó những người giỏi giang hơn phải quyết định thay cho họ. Nhưng như thế có nghĩa không có nhân quyền phổ quát nào hết, chỉ có những quyền mà một số người có, còn những người khác thì không, cũng có nghĩa là phủ nhận tính người của những người bị coi là thuộc quyền sở hữu của người khác.

Mình thuộc về mọi người, mọi người thuộc về mình, chế độ cộng sản đã hoàn thành. Trong chế độ này, trước khi làm bất cứ việc gì cũng đều phải được tất cả mọi người cho phép. Nhưng làm sao có thể cho phép mà không tham khảo ý kiến của tất cả những người còn lại? Người ta sẽ bị thoái hóa đến tột cùng, mọi hành động duy lý đều trở thành bất khả thi. Trên thực tế, vì việc sở hữu lẫn nhau như vậy là bất khả thi, chế độ này sẽ trở về hình thức của chế độ vừa nói bên trên: một người nào đó hoặc một nhóm nào đó sẽ sở hữu tất cả những người khác. Đó là hiện tượng tự xảy ra ở các nước cộng sản: đảng đã trở thành nhóm tinh hoa cầm quyền theo lối độc tài.

Như vậy là, cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chính quyền quý tộc đều chia thế giới thành nhiều phe phái hoặc giai cấp. Phương án duy nhất, lại là phương án có tính nhân văn, hợp lý và phù hợp với bản chất của con người đó là tự-sở-hữu. Rõ ràng là, cuộc thảo luận này đã chỉ động chạm tới bề mặt của vấn đề tự-sở-hữu; dù sao mặc lòng, tôi thích tuyên bố đơn giản của Jefferson hơn: Các quyền tự nhiên là hiển nhiên.

Hàng ngàn năm nay, những kẻ xâm lược và áp bức luôn luôn nói với mọi người rằng con người sinh ra đã không bình đẳng, một số người sinh ra để cai trị, còn những người khác thì trở thành những kẻ bị trị. Đến thế kỷ XVIII, nhân dân đã vứt bỏ tín điều cổ xưa đó; Jefferson lên án nó với những ngôn từ đầy nhiệt huyết của ông: “Quần chúng nhân dân không được sinh ra với những bộ yên đã lắp sẵn trên lưng, mà một ít kẻ được lựa chọn cũng không được sinh ra đã mang sẵn giày có đinh thúc ngựa - nhờ ân sủng của Thiên Chúa - sẵn sàng cưỡi lên lưng họ một cách hợp pháp”. Bước sang thế kỷ XXI, ý tưởng về bình đẳng hầu như đã được tất cả mọi người chấp nhận. Tất nhiên, mọi người không cao như nhau, không đẹp như nhau, không thông minh như nhau, không nhã nhặn như nhau, không duyên dáng như nhau, hay thành công như nhau. Nhưng họ có quyền như nhau, do đó, họ phải được tự do như nhau. Như vị luật sư theo phái khắc kỉ, Cicero, viết: “Trong khi không ai muốn san bằng tài sản và mọi người không thể có tài năng như nhau, nhưng công dân của cùng một cộng đồng thì ít nhất cũng phải có những quyền hợp pháp như nhau”.

Trong thời đại hiện nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự nhầm lẫn trong vấn đề này. Mọi người đều ủng hộ các chính sách công, vừa ôn hòa và vừa có tính áp bức, nhằm mang lại sự bình đẳng về kết quả. Những người ủng hộ quyền bình đẳng về vật chất dường như không thấy cần phải bảo vệ nó như một nguyên tắc; nực cười là dường như họ coi nó là điều hiển nhiên. Trong khi bảo vệ quyền bình đẳng, họ thường nhầm lẫn giữa ba khái niệm:

• Quyền bình đẳng trước pháp luật, đó là quyền bình đẳng mà Jefferson mường tượng.

• Quyền bình đẳng về kết quả, có nghĩa là mọi người đều có cùng số lượng - nhưng của cái gì? Những người theo phái bình quân chủ nghĩa thường nghĩ là cùng một lượng tiền, nhưng tại sao tiền lại là tiêu chí duy nhất? Tại sao không bình đẳng về vẻ đẹp hay mái tóc hay việc làm? Thực tế là, bình đẳng về kết quả đòi hỏi phải có quyết định chính trị về đo lường và phân phối, tức là quyết định mà không xã hội nào có thể thực hiện được nếu không có một nhóm người áp đặt quan điểm của họ cho những người khác. Trong thế giới đa dạng, bình đẳng thực sự về kết quả là bất khả thi về mặt logic và cố gắng làm điều đó sẽ dẫn đến kết quả là một cơn ác mộng. Muốn có bình đẳng về kết quả thì phải đối xử với người dân một cách bất bình đẳng.

• Quyền bình đẳng về cơ hội, có nghĩa là cơ hội bằng nhau để có thể thành công trong cuộc sống. Những người sử dụng “bình đẳng” theo cách này thường hiểu là những quyền như nhau, nhưng một nỗ lực để thiết lập quyền bình đẳng thực sự về cơ hội cũng có thể là những nỗ lực độc đoán chẳng khác gì bình đẳng về kết quả. Trẻ em sinh trưởng trong những gia đình khác nhau sẽ không bao giờ được đào tạo như nhau trước khi chúng bước vào thế giới người lớn, nhưng làm thay cho gia đình trong việc nuôi dạy con cái có nghĩa là nhà nước-vú em còn tồi tệ hơn nữa. Bình đẳng hoàn toàn về cơ hội có thể dẫn đến giải pháp được nêu ra trong truyện ngắn của Vonnegut, có nhan đề Harrison Bergeron, trong đó người đẹp thì bị rạch mặt, người duyên dáng thì bị cùm, còn người thông minh thì tư duy bị làm cho gián đoạn.

Bình đẳng phù hợp với xã hội tự do là quyền ngang nhau.

Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng, quyền không phải là quà tặng của chính phủ. Đấy là những quyền tự nhiên và bất biến, vốn có trong bản chất của loài người và người ta có những quyền đó là vì đấy là những con người, nhất là khi người ta có khả năng chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trong bối cảnh này, những quyền đó là do Thiên Chúa hay tự nhiên ban phát cho người ta, thì đấy cũng không phải là điều quan trọng. Xin nhớ rằng đoạn đầu trong Tuyên ngôn độc lập đã nói tới “Luật của tự nhiên và của Thượng đế”. Điều quan trọng là các quyền là bất khả tương nhượng, nghĩa là không phải do một người nào đó ban tặng. Nói một cách cụ thể, các quyền này không phải là do chính phủ ban tặng cho người dân; nhân dân thành lập chính phủ nhằm bảo vệ những quyền mà họ đã có từ trước.

(còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước