[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 2)

Quyền làm chủ chính mình

Vì mỗi người tự làm chủ chính mình, làm chủ cơ thể và đầu óc của mình, cho nên người đó có quyền sống. Tước đoạt mạng sống của người khác một cách bất công - giết người - là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất những quyền của người đó.

Đáng tiếc là, thuật ngữ “quyền sống” hiện đang được sử dụng theo hai nghĩa, có thể gây hiểu lầm. Tốt hơn hết là chúng ta sử dụng thuật ngữ “quyền làm chủ chính mình”. Một số người, nhất là khi nói về quyền chính trị, sử dụng thuật ngữ “quyền sống” nhằm bảo vệ quyền lợi của bào thai trong việc chống phá thai. Rõ ràng, đó không phải là ý mà Jefferson gán cho thuật ngữ này.

Một số người khác, chủ yếu là các chính khách tả khuynh, lại khẳng định rằng “quyền sống” có nghĩa là tất cả mọi người có những quyền cơ bản đối với những nhu cầu của cuộc sống: ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, thậm chí có thể là ngày làm tám giờ và một năm có hai tuần nghỉ phép có lương. Nhưng nếu quyền sống có nghĩa như thế thì một người nào đó phải có quyền buộc những người khác cung cấp cho người kia những thứ đó, nghĩa là vi phạm quyền bình đẳng của họ. Triết gia Judith Jarvis Thomson viết: “Nếu tôi bị bệnh sắp chết và điều duy nhất có thể cứu tôi là Henry Fonda đặt bàn tay mát mẻ của ông lên cái trán đang nóng ran của tôi, thì tôi cũng không đòi Henry Fonda đặt bàn tay mát mẻ của ông lên trán”. Và nếu bà không có quyền đòi Henry Fonda đặt tay lên trán mình thì làm sao bà có quyền nhận một căn phòng trong ngôi nhà của Henry Fonda hay một ít tiền của ông ta đề mua thức ăn? Điều đó có nghĩa là buộc ông ta phải phục vụ bà, nghĩa là tước đoạt thành quả lao động của ông ta khi chưa được ông ta đồng ý. Không, quyền được sống có nghĩa là mỗi người đều có quyền hành động nhằm bảo đảm đời sống và sự thịnh vượng của mình, chứ không phải là bắt người khác phải phục vụ những nhu cầu của mình.

Thuyết phổ quát về luân lý, tức là khuôn khổ chung nhất cho lý thuyết luân lý, cho rằng một lý thuyết luân lý hợp lệ phải được áp dụng cho tất cả mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Trong bất kỳ hoàn cảnh bình thường nào người dân cũng có quyền hưởng các quyền tự nhiên là quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu tài sản. Nhưng không phải ở đâu người dân cũng được hưởng cái gọi là quyền có nhà ở, được học hành, được chăm sóc y tế, được xem truyền hình cáp, hoặc “nghỉ lễ định kì được hưởng lương”, như được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Một số các xã hội nghèo đến mức không thể cung cấp cho tất cả mọi người điều kiện vui chơi giải trí hay nhà ở hoặc thậm chí là thực phẩm. Và xin nhớ rằng không có thực thể mang tính tập thể nào có tên là “giáo dục” hay “chăm sóc y tế” hết, chỉ có những món hàng hóa đặc biệt, cụ thể, ví dụ như học một năm ở Trường Hudson Street hay thứ ba bác sĩ Johnson tốt bụng sẽ mổ cho bệnh nhân. Một người hay một nhóm người nào đó phải cung cấp “nhà ở” hay “học hành” và cung cấp nó cho một người thì nhất định có nghĩa là từ chối cung cấp những thứ đó cho những người khác. Vì vậy, biến những điều đáng mong ước đó thành “nhân quyền phổ quát” về nguyên tắc là bất khả thi.

Quyền làm chủ chính mình dẫn thẳng đến quyền tự do; thực vậy, chúng ta có thể nói rằng “quyền sống” và “quyền tự do” chỉ là hai cách thể hiện cùng một quan điểm mà thôi. Nếu người ta tự sở hữu mình và người ta có cả quyền và nghĩa vụ tiến hành những hành động cần thiết cho sự tồn tại và thịnh vượng của mình thì họ phải có quyền tự do tư tưởng và tự do hành động. Tự do tư tưởng là kết quả rõ ràng của quyền làm chủ chính mình; nghĩa là rất khó phủ nhận quyền tự do tư tưởng. Ai có thể quản lý được những điều người khác nghĩ? Quyền tự làm chủ cũng có nghĩa là tự do ngôn luận. Nhiều chính phủ tìm cách cấm hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhưng lời nói gió bay, cho nên kiểm soát là việc khó. Trong thời đại ngày nay, tự do báo chí bao gồm phát thanh và truyền hình, truyền hình cáp, thư điện tử và những hình thức truyền thông mới khác – là khía cạnh của tự do trí tuệ mà các chính phủ áp bức thường nhắm tới. Và khi chúng ta bảo vệ tự do báo chí, nhất định chúng ta phải nói về quyền sở hữu, bởi vì tư tưởng được thể hiện ra ngoài thông qua tài sản sở hữu - máy in, khán và thính phòng, máy ghi âm, bảng quảng cáo, thiết bị vô tuyến điện, tần số phát sóng, mạng máy tính v.v.

Quyền sở hữu

Trên thực tế, quyền sở hữu tài sản là kết quả tất yếu của quyền làm chủ chính mình, vì tất cả hành động của con người đều liên quan đến tài sản. Có cách tìm kiếm hạnh phúc nào khác không? Nếu không thì chúng ta phải có một chỗ để đứng. Chúng ta cần có quyền sử dụng đất và sở hữu những tài sản khác để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ mới. Chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các quyền đều có thể được hiểu là quyền sở hữu. Nhưng đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi và không phải lúc nào cũng dễ hiểu. Nhiều người tự hỏi, tại sao chúng ta không thể tự nguyện cùng sở hữu những món hàng hóa và tài sản của chúng ta.

Tài sản là một nhu cầu. “Tài sản” không chỉ đơn giản có nghĩa là là đất hay bất kỳ lợi ích vật chất nào đó. Tài sản là tất cả những thứ người đó có thể sử dụng, kiểm soát hoặc có quyền quyết định như vứt bỏ, cho, tặng, bán. Quyền sở hữu tài sản nghĩa là tự do sử dụng, kiểm soát, hay quyền quyết định với một đối tượng hoặc thực thể. Có phải đấy chắc chắn là mang tính bóc lột và xấu không? Hoàn toàn không.

Nếu khan hiếm không phải điểm đặc trưng của thế giới mà chúng đang sống thì chúng ta sẽ không cần quyền sở hữu. Nghĩa là, nếu chúng ta có vô số những thứ mà mọi người đều muốn thì chúng ta sẽ không cần lý thuyết về cách thức phân phối những thứ đó. Nhưng, đương nhiên, khan hiếm là tính chất cơ bản của thế giới của chúng ta. Xin lưu ý rằng, khan hiếm không có nghĩa nghèo hay thiếu những vật dụng cơ bản. Khan hiếm chỉ đơn giản có nghĩa là ước muốn của con người về cơ bản là không giới hạn, vì vậy, không bao giờ chúng ta có đủ nguồn lực sản xuất có thể đáp ứng được tất cả những ước muốn đó. Ngay cả một nhà tu khổ hạnh, tức người đã vượt qua những ham muốn vật chất, người chỉ có những nhu cầu vật chất tối thiểu, cũng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cơ bản nhất: hạn chế của cơ thể, hạn chế của cuộc đời và thời gian sống trên đời. Cầu nguyện thì không thể lao động chân tay, không thể đọc kinh hay làm những việc tốt đời đẹp đạo. Dù xã hội của chúng ta có giàu đến đến đâu – dù chúng ta có thái độ thờ ơ với tài sản đến mức nào – thì chúng ta vẫn cứ luôn luôn phải lựa chọn, nghĩa là chúng ta cần hệ thống ra quyết định ai được quyền sử dụng nguồn lực sản xuất.

Không bao giờ có thể xóa bỏ được quyền sở hữu, như những kẻ mộng mơ theo đường lối xã hội chủ nghĩa từng hứa. Có đồ vật thì một người nào đó sẽ có quyền sử dụng chúng. Trong xã hội văn minh, người ta không muốn chỉ những kẻ mạnh nhất hay hung bạo nhất mới giành được quyền đó, người ta muốn có một lý thuyết về sở hữu tài sản phù hợp với công lý. Khi các chính phủ xã hội chủ nghĩa “bãi bỏ” quyền sở hữu, thì họ hứa là toàn bộ cộng đồng sẽ sở hữu tất cả tài sản. Nhưng vì - dù lý thuyết có nhìn xa trông rộng hay là không - chỉ có một người có thể ăn một quả táo cụ thể, hoặc ngủ trên một chiếc giường cụ thể, hoặc đứng trên một vị trí cụ thể, một người nào đó sẽ phải quyết định ai là người ăn, người ngủ, người đứng. Cái người quyết định đó – dù đấy có là cán bộ đảng, là quan chức trong bộ máy quản lý hay nhà vua – chính là người nắm quyền sở hữu thật sự.

Những người theo phái chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng quyền làm chủ chính mình có nghĩa là người ta có quyền mua và trao đổi tài sản nhằm đáp ứng nhu cầu và ước muốn của họ. Để nuôi mình hay cung cấp nơi ở cho các gia đình mình hoặc khởi động kinh doanh, chúng ta phải sử dụng tài sản. Và muốn người ta tiết kiệm và đầu tư thì người ta phải tin rằng quyền sở hữu của người ta sẽ được pháp luật bảo vệ, không ai có thể tới và tịch thu tài sản mà họ đã tạo ra, dù đấy có cánh đồng chúng ta vừa trồng, ngôi nhà chúng ta vừa xây dựng, cái xe chúng ta vừa mua, hay một công ty phức tạp mà chúng ta đã tạo dựng được thông qua một loạt những hợp đồng với nhiều người khác.

Tài sản kiếm được ngay từ đầu. Trước hết, người ta kiếm được tài sản bằng cách nào? Nếu một con tàu vũ trụ chứa đầy người hạ cánh trên sao Hỏa thì chắc là người ta cũng sẽ không tranh giành nhau đất đai. Mỗi người chỉ cần chọn lấy một khu và bắt đầu xây dựng hoặc trồng cấy là xong. Một họa sĩ vẽ tranh hài hước vẽ một bức tranh có hai người thượng cổ nói với nhau: “Cắt đất đai thành những mảnh hình vuông nhỏ rồi bán chúng đi”. Nghe có vẻ tào lao. Làm thế làm gì? Ai mua những mảnh đất nhỏ đó? Lấy cái gì để trả? Nhưng khi dân số tăng lên, cần phải quyết định miếng đất nào hoặc nguồn nước nào hay tần số phát sóng nào thuộc về ai. Một trong những biện pháp được John Locke mô tả như sau: Người đầu tiên “trộn lao động của mình với” một mảnh đất là có quyền sở hữu mảnh đất đó. Bằng cách pha trộn lao động của mình với mảnh đất chưa có chủ, người này đã làm cho mảnh đất đó trở thành của mình. Sau đó, anh ta có quyền xây nhà, làm hàng rào xung quanh, bán hay xử lý nó theo bất kỳ cách nào khác.

Trên thực tế, có một gói quyền sở hữu đối với mỗi thực thể, có thể chia tách ra. Có thể có nhiều quyền sở hữu liên quan tới một thực thể, tương tự như thực thể đó có nhiều khía cạnh vậy. Ví dụ, bạn có thể mua hoặc thuê lại quyền khoan dầu trên một mảnh đất, nhưng không mua hay thuê quyền trồng trọt hay xây dựng trên mảnh đất đó. Bạn có thể sở hữu mảnh đất nhưng không có quyền sở hữu nguồn nước bên dưới mảnh đất đó. Bạn có thể tặng ngôi nhà của mình cho tổ chức từ thiện, nhưng bạn vẫn có quyền sống ở đó cho đến cuối đời. Như Roy Childs viết trong cuốn Tự do đối đầu với quyền lực (Liberty Against Power): “Trước khi xuất hiện công nghệ phát sóng điện từ, có một số thứ. . . không phải là tài sản bởi không có bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào có thể xác định được chúng”. Nhưng khi chúng ta hiểu được bản chất vật lý của sóng điện từ thì chúng ta có thể thiết lập quyền sở hữu các tần số. Childs viết tiếp: “Xã hội ngày càng phức tạp hơn . . . và công nghệ phát triển, thì các loại quyền sở hữu cũng sẽ ngày càng phức tạp hơn”.

Nguyên tắc homestead (người chiếm hữu trước) – có quyền sở hữu tài sản vì là người đầu tiên sử dụng hoặc cải tạo tài sản – có thể làm những việc khác nhau với những loại tài sản khác nhau. Ví dụ, trong trạng thái tự nhiên, khi hầu hết đất đai còn vô chủ (tương tự như khi con người lên một hành tinh mới), chúng ta có thể nói rằng chỉ việc cắm trại trên một mảnh đất là có quyền sở hữu mảnh đất đó rồi. Chắc chắn là việc xây móng nhà và sau đó bắt đầu xây dựng nhà sẽ tạo ra quyền sở hữu. Theo truyền thống, giành quyền sở hữu nguồn nước - hồ, sông ngòi hay nước ngầm – có khác với việc giành quyền sở hữu đất. Trong những năm 1920, khi người ta bắt đầu sử dụng tần số để phát sóng, họ thường áp dụng nguyên tắc người chiếm hữu trước: ai phát sóng trên tần số nào trước thì người đó được quyền tiếp tục sử dụng tần số đó. (Trong những trường hợp này, vai trò của chính phủ chỉ đơn giản là để bảo vệ, chủ yếu thông qua các tòa án, các quyền mà những cá nhân đã giành được). Những vấn đề quan trọng, mà tôi sẽ thảo luận trong phần sau, là chúng ta có một số biện pháp xác lập quyền sở hữu và sau đó chúng ta cho phép người dân chuyển quyền sở cho người khác trên cơ sở thỏa thuận.

Quyền sở hữu là quyền con người. Tài sản riêng thực sự có nghĩa là gì ? Chúng ta có thể sử dụng định nghĩa của Jan Narveson: “x là sở hữu của A nghĩa là A có quyền quyết định cách thức sử dụng x”. Xin lưu ý rằng quyền sở hữu không phải là quyền của vật sở hữu hay quyền thuộc về một phần của vật sở hữu như những người phản đối quyền sở hữu thường nói. Mà quyền sở hữu là quyền của con người đối với vật sở hữu, quyền của một cá nhân trong việc sử dụng và định đoạt cái tài sản mà người đó đã kiếm được một cách hợp pháp. Quyền sở hữu là nhân quyền.

Thật vậy, như nói bên trên, tất cả các quyền của con người đều có thể được coi là quyền sở hữu, tất cả đều xuất phát từ một quyền cơ bản là tự làm chủ chính mình, quyền sở hữu chính cơ thể của chúng ta, như Murray Rothbard viết trong tác phẩm Quyền lực và Thị trường (Power and Market).

Theo nghĩa sâu sắc nhất thì người ta chẳng có quyền gì ngoài quyền sở hữu… Khẳng định này là đúng ở một số khía cạnh. Khởi thủy, mỗi người, ngay từ khi sinh ra đã là chủ sở hữu chính mình, là người cai trị chính mình. Trong xã hội thị trường tự do thực sự, các quyền “con người” của từng cá nhân thực ra là quyền sở hữu chính mình của mỗi người và quyền sở hữu này là nguồn gốc của quyền sở hữu những sản phẩm mà người đó làm ra.

Thứ hai, những cái gọi là “quyền con người” có thể được rút lại thành quyền sở hữu. . . ví dụ, “quyền con người” về tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận là tất cả mọi người đều có quyền nói bất cứ điều gì mình thích. Nhưng người ta thường bỏ qua câu hỏi: Ở đâu? Người ta có quyền tự do ngôn luận ở đâu? Chắc chắn không phải là trên vùng lãnh thổ của người khác mà anh ta đã xâm nhập một cách trái phép. Tóm lại, người ta chỉ có quyền này khi đứng trên lãnh thổ của mình hoặc trên lãnh thổ của một người đã đồng ý cho anh ta quyền đó - như một món quà hoặc trên cơ sở một hợp đồng cho thuê. Nghĩa là, trên thực tế, không có “quyền tự do ngôn luận” tách biệt; chỉ có quyền sở hữu của con người: quyền làm tất cả những điều mình muốn với sở hữu của chính mình hay ký kết thỏa thuận tự nguyện với những chủ sở hữu tài sản khác [trong đó có những người mà tài sản có thể chỉ là sức lao động của họ mà thôi].

Nếu hiểu tự do ngôn luận như thế, chúng ta thấy lời tuyên bố nổi tiếng của Thẩm phán Oliver Wendell Holmes rằng quyền tự do ngôn luận không thể là tuyệt đối vì trong một rạp hát đông người, không ai có quyền hét toáng lên “Cháy rồi!”, khi không có cháy. Ai sẽ là người hét lên “cháy rồi”? Có khả năng là ông chủ nhà hát hay một trong những nhân viên của ông ta, nhưng dù là ai hét thì chủ rạp cũng mắc tội lừa dối khách hàng: ông ta bán cho họ vé để xem kịch hay xem phim và sau đó thì làm gián đoạn chương trình, đấy là chưa nói làm cho họ gặp nguy hiểm. Nếu không phải là ông chủ thì có thể là một trong những khách hàng của ông ta, người này vi phạm các điều khoản của hợp đồng; vé cho anh quyền thưởng thức chương trình, chứ không phải là làm gián đoạn nó. Luận cứ về tiếng-hét-sai-trong-rạp-hát-đông-người không phải là lý do hạn chế quyền tự do ngôn luận, ví dụ này cho thấy quyền sở hữu có thể giải quyết được vấn đề và nhu cầu bảo vệ và thực thi quyền sở hữu.

Phân tích tương tự có thể được áp dụng cho quyền riêng tư, một quyền gây khá nhiều tranh cãi. Trong vụ án Griswold kiện bang Connecticut (Griswold v. Connecticut), năm 1965, Tòa án Tối cao đã bác bỏ đạo luật cấm sử dụng các biện pháp tránh thai của bang Connecticut. Thẩm phán William O. Douglas tìm thấy trong “những vùng tranh tối tranh sáng, được hình thành bởi những vùng sáng” của những đoạn khác nhau trong Hiến pháp quyền riêng tư cho các cặp vợ chồng. Những người bảo thủ, như thẩm phán Robert Bork, đã chế nhạo lập luận mơ hồ, thiếu căn cứ như thế suốt ba mươi năm ròng. Nhưng, những vùng tranh tối tranh sáng tiếp tục phát sáng đầu tiên là cho những cặp chưa thành vợ chồng quyền sử dụng các biện pháp tránh thai và sau đó là quyền của người phụ nữ trong việc phá thai, nhưng năm 1986, người ta bất ngờ phát hiện ra rằng chưa đủ sức chiếu rọi lên hoạt động tình dục đồng tính được thực hiện theo thỏa thuận trong phòng riêng. Lý thuyết về quyền riêng tư bắt nguồn từ quyền sở hữu sẽ không cần những vùng tranh tối trang sáng và vùng sáng như thế - những vùng tranh tối tranh sáng là cái bóng không hoàn hảo, chắc chắn là sẽ khá mơ hồ - để đi đến kết luận rằng người ta có quyền mua thuốc tránh thai từ những người sẵn sàng bán hoặc có quan hệ tình dục với những đối tác theo thỏa thuận tại nhà riêng của người ta. “Nhà là pháo đài của người ta”(1) cung cấp nền tảng vững chắc cho quyền riêng tư hơn là “những vùng tranh tối tranh sáng, được hình thành bởi những vùng sáng”.

Những người bác bỏ nguyên tắc quyền sở hữu của chủ nghĩa tự do cá nhân phải làm nhiều hơn là phê bình suông. Họ phải đưa ra được hệ thống thay thế, tức là hệ thống có thể xác định ai có thể sử dụng một nguồn lực cụ thể nào và sử dụng như thế nào, bảo đảm rằng đất đai và những tài sản khác đều được chăm sóc một cách thích đáng, cung cấp nền tảng cho phát triển kinh tế và tránh được cuộc chiến tranh “tất cả chống lại tất cả” mà chắc chắn sẽ xảy ra khi việc kiểm soát những nguồn lực có giá trị không được xác định một cách rõ ràng – có hiệu quả như nguyên tắc quyền sở hữu của chủ nghĩa tự do.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) A man's home is his castle, thành ngữ của người Anh.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước