[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 5)

[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 5)

TIỀN VÀ TƯƠNG LAI DÂN CHỦ Ở NIGERIA

Tương tự như Venezuela, nhưng tình trạng hỗn loạn, bạo lực và đàn áp thì dữ dội hơn hẳn (tham nhũng cũng dữ dội hơn), thu nhập từ dầu khí đã làm hỏng chế độ dân chủ ở Nigeria. Ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này, vào đầu những năm 2000, với những vụ gian lận trên diện rộng kết quả bầu cử, bạo lực chính trị và sự thâm nhập của giới tội phạm vào chính trị và những cố gắng không mệt mỏi của tổng thống Olusegun Obasanjo và những người ủng hộ ông ta nhằm sửa đổi hiến pháp để ông ta có thể cầm quyền ba nhiệm kì liên tiếp đã làm hỏng những hứa hẹn về cải cách dân chủ. Chắc chắn là tham nhũng chính trị, dối trá và bạo lực đã gây phiền toái cho Nigeria ngay từ những ngày đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa (sau khi Nigeria giành được độc lập năm 1960) và những vụ gian lận bầu cử lớn đã xảy ra khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1966 và nền Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ năm 1983.1 Người ta có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử đầu tiên của nền Đệ Tứ Cộng Hòa Nigeria (Đệ Tam Cộng Hòa bị giới quân nhân bóp chết hồi đầu những năm 1990) thối nát đến mức không thể được coi là dân chủ, nhưng những cuộc bầu cử này đã tạo ra kết quả đa nguyên và nói chung là đáng tin.

Cũng như năm 1983, gian lận trong những cuộc bầu cử năm 2003 ở nước này đã làm méo mó kết quả, mạnh nhất là ở những bang có tầm quan trọng sống còn, tức là ở những bang mà các thống đốc có quyền lực và nguồn lực tài chính cực kì mạnh. Cũng như năm 1983, sự bất thường lan tràn, từ việc nhét thêm (hay giật) hòm phiếu đến giả mạo, thường là có sự thông đồng của người đi bầu. Sự gian dối lan rộng tạo ra “khoảng trống trong niềm tin rộng đến mức những người chiến thắng rõ ràng là khó có thể tuyên bố rằng họ được nhân dân Nigeria chính thức ủy quyền.”2 Những khoản tài trợ của tổng thống bị chậm (có thể là cố ý) dẫn tới việc đăng kí cử tri diễn ra vội vã, không phù hợp và lộn xộn, trong đó “đã đưa lậu vào tới 10 triệu thẻ cử tri” trong khi nhiều cử tri đối lập không được đăng kí.3 Ngoài ra, “tổng thống đã ngăn chặn một cách hiệu quả, không cho tổ chức các cuộc bầu cử chính quyền địa phương”, theo ủy quyền vào năm 2002, cho ba mươi sáu thống đốc (đa số thuộc đảng của ông ta) bổ nhiệm các ủy ban hành chính địa phương, cũng từ những người trung thành với ông ta.4 Gần đến ngày bầu cử, các thủ lĩnh chính trị biến thành các đầu lĩnh quân sự, mỗi người đều có các nhóm dân quân riêng. Các ứng viên độc lập bị sát hại, bạo lực cộng đồng lan rộng. Cuối cùng, nhiều, có thể là hàng trăm người Nigeria đã chết trong những vụ bạo lực liên quan tới bầu cử, nhiều cử tri bỏ cuộc vì sợ, vì lộn xộn hoặc vì mệt mỏi. Một người hỏi: “Vì sao tôi phải liều mạng đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử mà kết quả đã bị giả mạo từ trước rồi?”5

Đánh giá độc lập, đúng đắn nhất, do Darren Kew, một nhà nghiên cứu chính trị (cũng là quan sát viên quốc tế tại cuộc bầu cử năm 2003) đưa ra, nói rằng một tại phần ba trong ba mươi sáu bang đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng, nhưng có thể “không làm thay đổi đáng kể kết quả nếu đấy là những cuộc bầu cử thật sự”. Trong một phần ba các bang khác, đảng cầm quyền, “các nhà lãnh đạo thậm chí không thèm giả vờ là hợp pháp nữa.”6 Kew là người trực tiếp chứng kiến “cảnh người ta nhét phiếu cho PDP (đảng Dân chủ Nhân Dân cầm quyền) diễn ra khắp nơi”, nói về những cuộc bầu cử này như sau:

Người ta trơ tráo nhét thêm phiếu vào hòm ngay trước mặt các quan sát viên… và kết quả bị thay đổi rất nhiều. Đôi chỗ còn không tổ chức bầu cử, một số cử tri bị hăm dọa và không được đến gần hòm phiếu. Những bản báo cáo về giả mạo quy mô lớn được gửi về từ đồng bằng sông Niger có nhiều dầu mỏ và khu vực đông nam có đa số dân là người Igbo, nhiều địa điểm bỏ phiếu ở đây đóng cửa… [Ở một bang] nhiều cuốn lá phiếu bị ném vào hòm [phiếu] sau khi được đánh dấu, còn hòm phiếu thì bị vứt thẳng vào văn phòng [chính quyền địa phương], còn chính quyền thì không thèm đếm. Không cần đếm vì PDP đã lèo lái quá trình này rồi.7

Bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống, Muhammadu Buhari, tương tự như Obasanjo, từng là quân nhân cầm quyền, đã tiến hành những thủ tục pháp lí ồn ào nhằm thách thức kết quả bầu cử, nhưng vô hiệu. Mặc cho những bản báo cáo trung thực do các nhà quan sát châu Âu soạn và được thực hiện tại hiện trường, lên án gay gắt cuộc bầu cử, các chính phủ châu Âu đã chúc mừng vị tổng thống “tái cử”, tức là giả định rằng ông ta vẫn thắng, thậm chí không cần phải gian lận đến như thế. Cũng như năm 1983, vụ lừa đảo dẫn đến kết quả là đảng cầm quyền giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội – đảng PDP giành được hai phần ba ghế ở thượng viện và 60% ghế ở hạ viện – và giành được thế thượng phong ở 28 trong số 36 bang. Khi vụ phản đối của Buhari bung ra và thế giới tập trung chú ý vào thì đảng cầm quyền càng trơ trẽn hơn nữa. “Một số đảng viên là hạ nghị sĩ từ bang Anambra được bầu lại, nhưng năm 2002 đã bỏ phiếu đề nghị bãi nhiệm Obasanjo, phát hiện ra rằng trong danh sách gửi cho ủy ban bầu cử tên của họ đã bị thay bằng tên những đảng viên khác thuộc PDP.”8

Nếu có những thành tố tái khẳng định thất bại năm 2003 thì đấy là việc động viên trên diện rộng xã hội dân sự trong việc ghi nhận kết quả bầu cử, mức độ đáng tin cậy của các cuộc bầu cử, ít nhất là ở một số bang và tỉ lệ tái cử đại biểu đương nhiệm trong quốc hội cao (khoảng 80%) và sự chấp nhận kết quả của dư luận Nigeria, không muốn quay trở lại chế độ quân sự và vì vậy mà sẵn sàng “chịu đựng lâu hơn một chút hệ thống có quá nhiều khiếm khuyết này.”9 Bên cạnh đó, tự do ngôn luận và tự do báo chí tiếp tục thông thoáng và chủ nghĩa đa nguyên cũng nở rộ trong các phương tiện truyền thông điện tử. Khích lệ nhất là nhiệm kì thứ hai sẽ giải thoát tổng thống Obasanjo để ông ta theo đuổi công cuộc cải cách hệ thống quản trị dễ bị mua chuộc của nước này.

Trên thực tế, trong nhiệm kì thứ hai, Obasanjo không tiến hành những bước đi vô tiền khoáng hậu – thông qua Ủy ban Tội phạm về Kinh tế và Tài chính mới được thành lập – nhằm thúc đẩy cải tổ kinh tế và chống tham nhũng. Không những thế, trong khi tăng cường khua chiêng gõ trống cho việc sửa đổi hiến pháp để có thể cầm quyền thêm nhiệm kì thứ ba thì bộ máy phòng chống tham nhũng lại hướng vào những kẻ thù của tổng thống. Khi cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 đến gần, có báo cáo nói rằng mỗi nhà làm luật đều được tặng món quà là 400 USD nếu họ bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp, một số bị đe dọa khởi tố nếu không nhận quà. Một vài nhà làm luật còn bị chụp ảnh khi đang kéo những chiếc túi chứa tiền khá lớn ra khỏi ngân hàng, nhưng cuộc mua bán chức vụ tổng thống vẫn tiếp tục, còn bộ máy phòng chống tham nhũng thì dường như không nhìn thấy gì.10 Mặc cho những khoản ưu đãi hấp dẫn và áp lực nặng nề từ các thống đốc – có cơ hội ở thêm nhiệm kì nữa – tháng 5 năm 2006, thượng viện đã bác bỏ toàn bộ đề xuất sửa đổi hiến pháp. Obasanjo chào mừng vụ bỏ phiếu như là “thắng lợi của dân chủ”, nhưng nhiều người vẫn sợ rằng ông ta sẽ áp dụng những biện pháp bất bình thường hơn nhằm kéo dài nhiệm kì của mình: không chu cấp tiền cho ủy ban bầu cử để không thể tổ chức bầu cử đúng hạn, hay chộp lấy những vụ xung đột sắc tộc hay những vụ bạo loạn khu vực để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.11 Cuối năm 2006, nền dân chủ Nigeria chìm sâu thêm vào hỗn loạn. Năm thống đốc bang bị bỏ phiếu bãi nhiệm và phải từ chức, phần lớn các thống đốc còn lại bị điều tra hình sự vì tham nhũng.12 (Một trong những kẻ có tội nặng nhất đã phải đóng giả làm phụ nữ và trốn chạy tới London). Một số vụ bãi nhiệm được các “bố già” – những kẻ đã dựng lên các thống đốc và sau đó bị đá đít – gây ra. Các quan chức bị phát hiện phạm tội hình sự và đã bỏ trốn, mang theo phần lớn khoản thu nhập từ ngành dầu khí của đất nước, trong khi cử tri không thấy những khoản thu đó cải thiện được các dịch vụ công hay tạo ra cho họ cơ hội trong lĩnh vực kinh tế. Những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ở các bang ngày càng mang tính bạo lực hơn, ở hai bang, những kẻ sát nhân của các “bố già” thất sủng đã tiến hành những cuộc khủng bố và bắn vào các tòa nhà của chính phủ, nhưng không giết được thống đốc.13 Ở những bang khác, lực lượng dân quân đã khởi động những chiến dịch li khai mang tính sắc tộc, tấn công những cộng đồng cạnh tranh với họ, đe dọa các ứng viên đối lập, và tham gia vào tội phạm có tổ chức. Ở đồng bằng sông Niger, dân quân của các sắc tộc đã tấn công các công trình dầu khí, ăn cắp dầu thương phẩm và đánh nhau để tranh giành lãnh địa làm hàng trăm người chết.

Mặc dù có nhiều lo lắng – và sự chuẩn bị sơ sài đến ngạc nhiên (dường như là cố ý) – cuộc bầu cử năm 2007 vẫn diễn ra vào tháng 4. Gian lận còn diễn ra trên diện rộng và trắng trợn hơn cả năm 2003. Không chỉ thống đốc Umaru Musa Yar’Adua, người được lựa chọn kế vị Obasanjo giành được thắng lợi vang dội trước hai đối thủ mạnh, mà đảng cầm quyền PDP cũng giành đa số ghế trong quốc hội và 36 thống đốc bang. Trong khi PDP, với lợi thế là đảng cầm quyền, có thể trở lại với quyền lực trên bình diện quốc gia và tại nhiều bang, thì vùng sâu vùng xa đơn giản là không đáng tin, để xảy ra nhiều vụ vi phạm trắng trợn, thậm chí là công khai.

Người lãnh đạo nhóm các quan sát viên quốc tế, cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Madeleine Albright, nói rằng cuộc bỏ phiếu là “là một thất bại”; còn EU, thường có thái độ nhẹ nhàng, thì tung ra bản cáo trạng nghiêm khắc và cụ thể về “thiếu minh bạch, vi phạm về mặt thủ tục lan tràn,… cử tri bị tước quyền bầu cử”, gian dối, bạo lực và sân chơi không sòng phẳng.14 Các đảng và các ứng viên bị đánh bại đòi tổ chức những cuộc bầu cử mới. Liên minh rộng rãi các nhóm theo dõi bầu cử độc lập trong nước cũng yêu cầu như thế, sau khi đưa 50 ngàn người theo dõi bầu cử ra khắp cả nước, liên minh tuyên bố rằng những cuộc bầu cử đó là “vớ vẩn” và kêu gọi hủy bỏ kết quả.15 Chỉ có một nhân tố bổ sung là quyền lực đã chuyển từ vị tổng thống theo Thiên Chúa giáo ở miền Nam cho một tín đồ Hồi giáo ở miền Bắc và trên thực tế là người chưa bị mang tiếng tham nhũng. Nhằm thể hiện mối quan tâm về tính minh bạch, Yar’Adua đã công khai tài sản ngay sau khi nhậm chức.

Tinh thần dân chủ tiếp tục sống trong xã hội Nigeria, nhưng đã bị vỡ mộng một cách nghiêm trọng, không có nhà nước dân chủ và giai cấp chính trị để tạo cho nó không gian phát triển. Nền chính trị của Nigeria quả là đáng thất vọng, điều đó thể hiện rõ ràng trong cuộc khảo sát mang tên Afrobarometer được tiến hành năm 2005, cuộc khảo sát này ghi nhận sự suy giảm một loạt các chỉ số quan trọng nhất. Tỉ lệ người Nigeria nói rằng họ hài lòng với cách thức hoạt động của chế độ dân chủ trong năm 2000 – ngay sau khi chấm dứt giai đoạn cầm quyền của giới quân nhân kéo dài 16 năm – là 84% đã giảm xuống còn 57% vào năm 2001, 35% vào năm 2003 và 25% vào năm 2005. Điều này xảy ra đồng thời với sự suy giảm liên tục sự ủng hộ của dư luận đối với thổng thống Obasanjo (từ 72% năm 2001 xuống 32% năm 2005) và ủng hộ quốc hội (từ 58% xuống 23%). Năm 2005, hai phần ba cử tri Nigeria cảm thấy rằng các cuộc bầu cử không tạo điều kiện cho cử tri loại những người lãnh đạo và tỷ lệ người nói rằng nước họ không phải là dân chủ nhảy từ 1% vào năm lên 19%. Trong khi hai phần ba người dân Nigeria tiếp tục tin vào chế độ dân chủ và bác bỏ chế độ độc tài, sự xói mòn là rõ ràng, và tỷ lệ người muốn để cho chế độ dân chủ “nhiều thời gian hơn để giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại” đã giảm từ 79% xuống còn 55%.

Chú thích:

(1) Về sự thất bại của Đệ Nhất Cộng Hòa, xin đọc Larry Diamond, Class, Ethnicity, and Democracy: The Failure of the First Nigerian Republic (Syracuse, N.Y.: Syracuse University Press, and London: Macmillan, 1983). Về sự gian lận trong cuộc bầu cửa năm 1983, xin đọc Larry Diamond, “The 1983 General Elections”, in Victor Ayeni and Kayode Soremekun, eds., Nigeria’ Second Republic (Lagos, Nigeria: Dally Times Press, 1988).

(2) Darren Kew, “The 2003 Elections: Hardly Credible, But Acceptable”, in Robert I. Rotberg, ed., Crafting the New Nigeria: Confronting the Challenges (Boulder, Colog Lynne Blenner, 2004), p. 139.

(3) Ibid., p. 148.

(4) Ibid, p. 149.

(5) Ibid., p. 162.

(6) Ibid., p. 161.

(7) Ibid.

(8) Ibid., p. 164.

(9) Ibid., p. 165.

(10) Phỏng vấn một nhà hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự Nigeria, tháng 11 năm 2006.

(11) Richard L. Sklar, Ebere Onwudiwe, and Darren Kew, “Nigeria Completing Obasanjo’s Legacy”,

Journal of Democracy, 17 (July 2006): 101, 106.

(12) Lydia Polgreen, “Money and Violence Hobble Democracy In Nigeria”, New York Times, November 24, 2006.

(13) Sklar et al., “Completing Obasanjo’s legacy”, p. J09.

(14) http://africanpress.wordpress.com/2007/04/24/ and http://’M’iW.eueomng.org/

(15) Domestic Election Observation Group, “An Election Programmed to Fail: Preliminary Report on the Presidential and Nalional Assembly: Elections Held on Saturday, April 21, 2007”, http: www.american,edu/ia/cdem/nigeria/ report_070421.pdf.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường