[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 2)

Chủ nghĩa đa nguyên

Quyền tự chủ của Giáo hội phương Tây, được biết đến với tên gọi Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, có nghĩa là trên toàn châu Âu có hai thiết chế đầy sức mạnh tranh giành quyền lực với nhau. Cả nhà nước lẫn Nhà Thờ đều chẳng thích thú gì tình trạng này, nhưng nhờ sự phân chia quyền lực như thế mà các cá nhân và xã hội dân sự có không gian phát triển. Các vị Giáo hoàng và các hoàng đế thường xuyên tố cáo lẫn nhau, góp phần làm mất tính hợp pháp của cả hai bên. Xung đột giữa Nhà Thờ và nhà nước là hiện tượng có một không hai trong lịch sử thế giới, nó giúp giải thích vì sao những nguyên tắc của tự do lại xuất hiện trước tiên ở phương Tây.

 Trong thế kỷ IV sau Công nguyên, hoàng đế Theodosius hạ lệnh cho Giám mục Milan, Thánh Ambrose, giao giáo đường cho đế chế. Ambrose đã phản ứng lại bằng cách nói:

Theo luật thì chúng tôi không thể chuyển cho Điện Hạ, mà Điện Hạ cũng không thể nhận. Không luật nào cho phép xâm phạm vào tư gia. Chả lẽ Điện Hạ lại nghĩ rằng có thể lấy nhà của Đức Chúa Trời hay sao? Dù mọi người đều biết rằng Hoàng Đế có thể làm mọi việc, mọi thứ đều thuộc về Hoàng Đế. Nhưng xin đừng làm lương tâm oằn lưng dưới gánh nặng của ý nghĩ rằng là Hoàng Đế thì có quyền nào đó với đồ thờ. Xin đừng đề cao bản thân, muốn cai trị lâu dài hơn thì xin hãy thuận theo ý Chúa. Có viết rằng: “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”

 Vị hoàng đế này đã buộc phải tới giáo đường của Ambrose và xin tha lỗi vì hành động sai trái đó.

Mấy trăm năm sau, ở Anh cũng diễn ra một vụ xung đột tương tự. Tổng giám mục Canterbury, Thomas a Becket, đã bảo vệ quyền của nhà thờ, không để Henry II chiếm đoạt. Henry tuyên bố công khai ý muốn loại bỏ “ông thày tu khó chịu này”, và bốn hiệp sĩ đã lên đường để giết Becket. Bốn năm sau Becket được phong thánh, còn Henry thì tự trừng phạt mình bằng cách đi bằng chân trần trên tuyết đến giáo đường của Becket và thề từ nay không còn xâm phạm nhà thờ nữa.

 Cuộc đấu tranh giữa nhà thờ và nhà nước đã ngăn chặn, không để quyền lực tuyệt đối có cơ hội xuất hiện, tạo không gian cho các thiết chế tự quản phát triển, và, vì nhà thờ không có quyền lực tuyệt đối, cho nên những quan điểm tôn giáo bất đồng cũng nở rộ. Thị trường và các hiệp hội, các mối quan hệ ràng buộc với nhau bằng lời thề, các phường hội, các trường đại học và thành phố với những quy ước riêng – tất cả những hiện tượng này đều có đóng góp vào sự phát triển của chủ nghĩa đa nguyên và xã hội dân sự.

Lòng khoan dung tôn giáo

 Chủ nghĩa tư do cá nhân thường được coi trước hết như là triết lý về tự do kinh tế, nhưng nguồn gốc của nó lại gắn bó chủ yếu với cuộc đấu tranh vì lòng khoan dung tôn giáo. Những người Thiên chúa giáo đầu tiên đã bắt đầu xây dựng lý thuyết về lòng khoan dung nhằm đương đầu với sự khủng bố của chính quyền La Mã. Một trong những người đầu tiên là Tertullian, người Carthage, được coi là “Cha đẻ của thần học Latin”. Khoảng năm 200 sau Công nguyên, ông này viết như sau:

Quyền căn bản của con người, sự ưu ái của tự nhiên, là mỗi người đều được thờ cúng phù hợp với đức tin của mình. Tôn giáo của một người không thể làm hại, cũng chẳng thể giúp được người khác. Chắc chắn là buộc phải theo tôn giáo không phải là thành phần của tôn giáo, ý chí tự do chứ không phải là sức mạnh sẽ đưa chúng ta tới tôn giáo.

 Luận cứ ủng hộ tự do ở đây được trình bày dưới dạng quyền căn bản hay còn gọi là pháp quyền tự nhiên.

 Sự phát triển của thương mại, phát triển những trào lưu tôn giáo khác nhau và xã hội dân sự có nghĩa là trong mỗi cộng đồng đều có những trung tâm ảnh hưởng khác nhau, và chủ nghĩa đa nguyên đó đã dẫn tới đòi hỏi phải đặt những giới hạn mang tính hình thức đối với chính phủ. Trong một thập kỉ đáng ghi nhớ, tại ba khu vực cách xa nhau ở châu Âu đã có những bước tiến bộ lớn theo hướng chính phủ đại diện, được trao những quyền lực hạn chế. Nổi tiếng nhất, chí ít là ở Mỹ, là sự kiện diễn ra ở Anh năm 1215, đấy là khi các vị quý tộc đứng lên chống lại vua John ở Runnymede và buộc nhà vua phải kí Magna Carta hay còn gọi là Đại Hiến Chương (Great Charter), bảo đảm sự an toàn về thân thể và quyền sở hữu, cũng như công lý cho tất cả những người tự do. Khả năng thu thuế của nhà vua bị hạn chế, nhà thờ được một số quyền tự do, quyền tự do của các thành phố được khẳng định.

 Cũng trong giai đoạn đó, tức là khoảng năm 1220 thành phố Magdeburg của Đức đã lập ra một loạt bộ luật, khẳng định quyền tự do và tự quản. Bộ luật của thành phố Magdeburg được công nhận một cách rộng rãi và được hàng trăm thành phố vừa mới hình thành ở Trung Âu áp dụng, tòa án ở một số thành phố Trung và Đông Âu tham khảo các phán quyết của Magdeburg. Cuối cùng, năm 1222 các chư hầu và quý tộc Hungary – lúc đó trong nhiều khía cạnh, vốn là thành phần của giới quý tộc của châu Âu – đã buộc vua Andrew II kí đạo luật gọi là Golden Bull, cho phép giới quý tộc nhỏ và vừa không phải nộp thuế và đảm bảo cho họ quyền tự do xử lý tài sản của mình, bảo vệ họ khỏi những vụ bắt bớ và tịch thu tài sản một cách tùy tiện, cho họ quyền tổ chức các buổi hội nghị hàng năm để trình bày đơn khiếu nại và thậm chí là đảm bảo cho họ quyền gọi là Jus Resistendi, tức là quyền chống lại nhà vua nếu nhà vua tấn công vào quyền tự do và đặc quyền đặc lợi được ghi trong Golden Bull.

 Những nguyên tắc ghi trong các văn kiện này còn lâu mới có thể được coi là chủ nghĩa tự do cá nhân thực sự, quyền tự do của nhiều người vẫn chưa được bảo đảm, cả Magna Carta lẫn Golden Bull đều công khai phân biệt đối xử với người Do Thái. Nhưng đấy là những cột mốc quan trọng trên con đường tiến tới tự do, chính phủ có quyền lực hạn chế và lan tỏa khái niệm tư cách cá nhân để khái niệm này bao trùm lên tất cả mọi người. Những văn kiện này chứng tỏ rằng người dân trên toàn châu Âu đều suy nghĩ về những khái niệm của tự do và hình thành lên các giai cấp quyết tâm bảo vệ quyền tự do của mình.

 Sau này, cũng trong thế kỷ XIII, Thánh Thomas Aquinas – có thể là nhà thần học Thiên chúa giáo vĩ đại nhất – cùng với những nhà triết học khác đã lập ra những luận cứ thần học ủng hộ những hạn chế đối với quyền lực của nhà vua. Thánh Aquinas viết: “Ông vua không trung thành với nhiệm vụ của mình thì cũng không có quyền buộc người dân tuân thủ. Lật đổ ông ta không phải là bạo loạn vì ông ta chính là kẻ phản loạn mà nhân dân có quyền lật đổ. Nhưng tốt hơn là hạn chế bớt quyền của ông ta, để ông ta không thể lạm dụng nó”. Như vậy là, ý tưởng cho rằng những tên bạo chúa có thể bị lật đổ đã được thần quyền chống lưng. Cả giám mục người Anh là John of Salisbury – đã từng chứng kiến vụ sát hại giám mục Becket hồi thế kỷ XII – lẫn nhà bác học Roger Bacon, thế kỷ XIII, người được Lord Acton coi là người cầm bút nổi bật nhất trong thời đại của ông – đều bảo vệ quyền được giết những tên bạo chúa, ở những khu vực khác trên thế giới không thể nào tưởng tượng được luận cứ như thế[5].

 Các nhà triết học kinh viện Tây Ban Nha thế kỷ XVI, đôi khi được gọi là trường phái Salamanca, đã dựa vào học thuyết của Thánh Aquinas để khảo sát các môn thần học, pháp quyền tự nhiên và kinh tế học. Họ đã dự đoán trước những chủ đề mà sau này sẽ xuất hiện trong các tác phẩm của Adam Smith và Trường phái kinh tế học Áo. Tại giảng đường Trường đại học Salamanca (University of Salamanca), Francisco de Vitoria đã dùng những thuật ngữ của chủ nghĩa cá nhân và quyền tự nhiên để lên án việc người Tây Ban Nha bắt người da Đỏ ở Thế Giới Mới làm nô lệ: “Người da Đỏ là người và như vậy là họ có thể được cứu chuộc hay sẽ bị trừng phạt... Và vì là người nên người da Đỏ cũng có tự do ý chí và do đó là chủ nhân ông của những hành động của mình… Mỗi người đều có quyền đối với đời sống của mình, đối với sự toàn vẹn về cơ thể và tinh thần của mình”.  Vitoria và những đồng sự của ông còn phát triển học thuyết pháp quyền tự nhiên trong các lĩnh vực như sở hữu tư nhân, lợi nhuận, lợi tức và thuế khóa; các công trình của họ đã có ảnh hưởng đối với Hugo Grotius (1583-1645), Samuel Pufendorf và qua họ, ảnh hưởng tới Adam Smith và những đồng sự của mình ở Scotland.

Giai đoạn manh nha của chủ nghĩa tự do cá nhân đạt đỉnh điểm vào thời Khai sáng (TK XIV-XVII) và Cải cách Tin lành (1517-1648). Việc tái phát hiện học thuyết cổ điển và chủ nghĩa nhân đạo vào thời Khai sáng thường được người ta coi là sự xuất hiện thế giới hiện đại, thế chỗ cho thời Trung cổ. Với nhiệt huyết của một tiểu thuyết gia, Ayn Rand nói rằng thời Khai sáng là xu hướng duy lý, cá nhân chủ nghĩa và thế tục của chủ nghĩa tự do:

Trung cổ là thời đại thần bí, được cai trị bằng niềm tin mù quáng và sự phục tùng mù quáng vào học thuyết nói rằng niềm tin ưu việt hơn lý trí. Khai sáng là sự tái sinh của lý trí, là sự giải phóng trí tuệ của con người, là chiến thắng của chủ nghĩa duy lý trước chủ nghĩa thần bí – chưa phải là chiến thắng quyết định, chưa phải là chiến thắng hoàn toàn, nhưng là chiến thắng làm xúc động lòng người, chiến thắng dẫn tới sự ra đời của khoa học, của chủ nghĩa cá nhân, của tự do.

Nhưng nhà sử học Ralph Raico lại khẳng định rằng, nói Khai sáng là tiền bối của chủ nghĩa tự do thì hơi quá, những bản tuyên ngôn về các quyền và những thiết chế pháp lý độc lập thời Trung cổ đã tạo nhiều không gian cho tự do hơn là chủ nghĩa cá nhân mang tính thần thoại thời Khai sáng.

Cuộc Cải cách tôn giáo có ý nghĩa to lớn hơn đối với sự phát triển của những tư tưởng tự do. Các nhà cải cách của đạo Tin lành, như Martin Luther và John Calvin, hoàn toàn không phải là những người theo phái tự do. Nhưng, bằng cách phá vỡ sự độc quyền của Giáo hội Thiên chúa giáo, họ đã vô tình khuyến khích sự lan truyền các giáo phái Tin lành, một vài giáo phái trong số này – như Quakers và Baptists – đã có đóng góp rất lớn vào việc hình thành tư tưởng tự do. Sau các cuộc Chiến tranh Tôn giáo (1524-1648) người ta bắt đẩu nghi ngờ ý niệm cho rằng cộng đồng chỉ được có một tôn giáo. Trước đây, người ta từng nghĩ rằng không có một tôn giáo và một uy quyền đạo đức duy nhất thì xã hội sẽ phải chứng kiến sự lan tràn không bao giờ dứt những quan niệm đạo đức khác nhau và xã hội sẽ sụp đổ theo đúng nghĩa đen của từ này. Tư tưởng cực kỳ bảo thủ này có lịch sử khá dài. Cội nguồn của nó ít nhất cũng có xuất xứ từ thời Plato. Plato khẳng định rằng, trong xã hội lí tưởng, cần phải ban hành quy định thậm chí là cả với âm nhạc. Còn trong thời của chúng ta, nó đã được một người cầm bút theo đường lối xã hội chủ nghĩa là Robert Heilbroner đứng ra bảo vệ. Ông này nói rằng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có “một mục tiêu đạo đức tập thể được tự giác tiếp thu”, và đối với mục tiêu này “mỗi tiếng nói bất đồng đều là một mối đe dọa”. Ý tưởng đó còn được thể hiện trong lời nói của những người sống tại thị trấn Catlett, bang Virginia. Những người này nói với phóng viên tờ Washington Post về những lo lắng của họ khi thấy một ngôi chùa Phật giáo được xây dựng tại thị trấn của họ như sau: “Chúng tôi tin vào một Đức Chúa Trời duy nhất, và sợ cái tôn giáo sai lầm này, nó có thể sẽ có ảnh hưởng đối với con cái chúng tôi”. May là, sau cuộc Cải cách Tôn giáo, đa số người dân đã nhận thấy rằng xã hội đã không sụp đổ chỉ vì trong xã hội có những tôn giáo khác nhau và những quan niệm đạo đức khác nhau.  Không những thế, sự đa dạng và cạnh tranh còn làm cho xã hội mạnh mẽ thêm.

Chống lại chế độ chuyên chế

Đến cuối XVI, nhà thờ, đã bị sự thối nát ở bên trong và cuộc Cải cách Tôn giáo là làm cho suy yếu, cần sự ủng hộ của nhà nước nhiều hơn là nhà nước cần sự ủng hộ của nhà thờ. Sự yếu kém của nhà thờ đã giúp cho chế độ chuyên chế của hoàng gia có cơ hội ngóc đầu dậy, rõ nhất là dưới triều Louis XIV ở Pháp và vương triều Stuart ở Anh (giai đoạn từ năm 1603 đến 1714). Những ông vua này bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của riêng mình, họ đặt thêm các sắc thuế, thành lập quân đội thường trực và ngày càng đòi hỏi nhiều quyền lực hơn. Bắt chước tư tưởng của Copernicus– người đã chứng minh rằng các hành tinh quay quanh mặt trời - Louis XIV tự gọi mình là Vua Mặt Trời vì ông ta là trung tâm của đời sống ở nước Pháp; ông ta thậm chí còn tuyên bố “L'etat, c'est moi” (“Nhà nước là ta”). Ông đã ra lệnh cấm đạo Tin lành và tìm cách trở thành người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa ở Pháp. Trong gần 70 năm cầm quyền, ông ta không hề triệu tập hội nghị đại biểu quốc dân một lần nào. Bộ trưởng tài chính của ông ta thi hành chính sách trọng thương (mercantilism), theo đó, chính phủ kiểm soát, hướng dẫn, lập kế hoạch và theo dõi nền kinh tế - trợ cấp, cấm đoán, bảo đảm cho các công ty độc quyền, quốc hữu hóa, quy định tiền lương, giá cả và tiêu chuẩn chất lượng.

Ở Anh, các ông vua dòng họ Stuart ở Anh còn cố gắng thiết lập chế độ chuyên chế. Họ tìm cách lờ đi thông luật và tăng thuế mà không cần sự đồng ý của Nghị viện. Nhưng xã hội dân sự và quyền lực của Nghị viện ở Anh bền bỉ hơn là ở Lục địa và cuộc vận động của những người theo chính thể chuyên chế đã gặp phải sự chống đối trong suốt 40 năm cầm quyền của James I. Việc chặt đầu Charles I, con của James, vào năm 1649, chính là đỉnh điểm của phong trào chống đối chế độ chuyên chế.

Trong khi chế độ chuyên chế đã ăn sâu bén rễ ở Pháp và Tây Ban Nha thì Hà Lan trở thành kim chỉ nam của lòng khoan dung tôn giáo, của tự do thương mại và chính phủ trung ương hạn chế.

Sau khi giành được độc lập khỏi Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XVII, Hà Lan bắt đầu thành lập liên bang lỏng lẻo giữa các thành phố và các tỉnh, và trở thành nhà nước thương mại hàng đầu trong thế kỷ này, đồng thời đây cũng là thiên đường của những người tự nạn vì bị đàn áp. Tác phẩm của những người bất đồng chính kiến người Anh và người Pháp lại thường xuất bản ở các thành phố của Hà Lan. Một trong những người tị nạn như thế là nhà triết học Baruch Spinoza – cha mẹ ông là người Do Thái phải chạy trốn những vụ khủng bố do tín đồ Thiên chúa giáo tiến hành ở Bồ Đào Nha – đã mô tả, trong tác phẩm Chuyên luận về chính trị-thần học (Theologico-Politkal Treatise) sự tương tác đầy hạnh phúc của của lòng khoan dung tôn giáo và sự thịnh vượng của Amsterdam trong thế kỷ XVII:

Thành phố Amsterdam gặt hái thành quả của tự do, đấy là sự thịnh vượng tuyệt vời của chính nó và sự ngưỡng mộ của tất cả các dân tộc khác. Vì trong quốc gia thịnh vượng này và trong thành phố tráng lệ nhất này, người dân thuộc mọi dân tộc và mọi tôn giáo đều sống trong sự hài hòa cao nhất và không bao giờ đặt những câu hỏi như thế trước khi giao cho người nào đó tài sản. Tôn giáo hay giáo phái của người công dân không còn được coi là quan trọng nữa: vì đứng trước quan tòa điều đó không giúp họ thắng hay thua trong một vụ án và không có giáo phái nào bị khinh thường đến mức các tín đồ của nó – nếu họ không làm hại ai, nếu họ tôn trọng những người khác và sống ngay thẳng – không được chính quyền bảo vệ.

Tấm gương của Hà Lan về sự hài hòa xã hội và tiến bộ kinh tế là nguồn động viên cho những người theo đường lối tự do tiền bối ở Anh và những nước khác.

(Còn nữa)

Chú thích:

(5) Ở đây có lẽ tác giả không biết rằng, trong sách Mạnh Tử (372-289, trước CN) có chép: Tề Tuyên Vương chất vấn Mạnh Tử: “Thành Thanh đuổi vua Kiệt, Võ Vương đánh vua Trụ, có thật vậy chăng?”. Mạnh Tử đáp: “Trong sử sách có chép như vậy”. Tuyên Vương hỏi tiếp: “Bề tôi mà giết vua có nên chăng?” Mạnh Tử đáp rằng: “Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ Vương giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”' (Lương Huệ Vương hạ, tiết 8). Có lần Mạnh-tử  nói toạc ra với Vạn Chương, môn đệ của ông: “Giết những vị vua hôn bạo để giải cứu cho dân, bá tánh đều mừng rỡ như được mưa tuôn phải lúc” (Đằng Văn công, hạ tiết 5). Và chính Mạnh-tử đã nói thẳng với vua Tuyên vương nước Tề rằng : “Vua mà coi tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, kẻ thù' (Ly Lâu hạ, tiết 3). Rồi ông cảnh cáo các ông vua: “Nếu người làm vua tàn bạo với dân thái thậm, thì thân mình bị giết, nước nhà cũng diệt vong, chẳng còn để ngôi vị cho con cháu” (Ly Lâu thượng, tiết 2).  Còn ở Việt Nam, tư tưởng “chèo thuyền và lật thuyền đều là dân”, ít nhất cũng đã có từ thế kỉ XIII.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press. 

 

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường