Hồi kí tản mạn về một hành trình tri thức: những vấn đề về hiện trạng của kinh tế học (Phần cuối)

Hồi kí tản mạn về một hành trình tri thức: những vấn đề về hiện trạng của kinh tế học (Phần cuối)

5. Dân chủ, tăng trưởng, và đánh giá mâu thuẫn

RR: Trong hệ thống phân cấp các giá trị của ông, nền dân chủ và tự do có điểm cao hơn các phương diện khác của “thành tựu” kinh tế. Trong sự đánh giá mang tính so sánh về lịch sử và lý thuyết của ông đối với dòng họ các hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, khía cạnh chính trị có vẻ quan trọng hơn khía cạnh kinh tế thuần túy. Tương tự, trong lý thuyết chính tuyến của ông về quan hệ nhân quả hệ thống, ông đã định nghĩa “khối” đầu tiên của kiến trúc hệ thống là khối chính trị và tư tưởng (thái độ của giới cầm quyền đối với sở hữu tư nhân và điều phối của thị trường) cho cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ông rất xem trọng cách tổ chức xã hội trong phân tích lý thuyết chuẩn tắc và thực chứng; ông có đồng ý với cách hiểu nghiên cứu của ông là một phương pháp tiếp cận kinh tế chính trị độc đáo không?

János Kornai: thuật ngữ “kinh tế chính trị” được sử dụng theo nhiều nghĩa. Từ khi ngành kinh tế học mới được hình thành, thời của Adam Smith, Malthus, và Marx, kinh tế chính trị bao trùm tất cả những gì mà sau này được gọi là kinh tế học, khoảng từ thời của Marshall. Ngày nay, nhiều trường phái cạnh tranh quyết liệt để giành quyền được gọi là (và thường là chỉ mình họ) những người đại diện thực thụ cho kinh tế chính trị. Đó là cái cách mà các kinh tế gia theo trường phái Marx tự nhìn nhận về bản thân họ và những nhà tư tưởng đồng đạo, nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu lựa chọn công cộng (public choice) cũng tranh sự độc quyền tương tự.  

Bản thân tôi sử dụng thuật ngữ “kinh tế chính trị” trong tiêu đề phụ của nghiên cứu toàn diện của tôi về hệ thống xã hội chủ nghĩa để nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa cấu trúc chính trị và các hình thức hoạt động kinh tế. Làm như vậy, tôi đã gợi lại thuật ngữ của trường phái cổ điển, thời tiền Marshall.

Ngoài việc làm rõ khái niệm, câu hỏi của anh có hai ý thú vị. Thứ nhất là nguồn gốc lịch sử của “các hệ thống lớn” và phân tích nhân quả về sự phát triển của chúng. Tôi quả thực khẳng định rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa vốn được sinh ra từ Đế chế Sa hoàng Nga năm 1917 đã tồn tại như là kết quả của sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực chính trị. Đảng Bolshevik giành được quyền lực, đảm bảo quyền lực chính trị độc tôn và bắt đầu sự chuyển đổi triệt để về xã hội và nền kinh tế. Bước ngoặt chính trị có trước chứ không theo sau sự chuyển đổi kinh tế. Sự giải thích sâu sắc nhất cho những thay đổi hệ thống lớn gần đây phải được tìm kiếm trong lĩnh vực chính trị - ý tưởng đó xuyên suốt nhiều nghiên cứu của tôi.

Ở trên tôi đã dẫn giải về cách tiếp cận thực chứng để mô tả và giải thích lịch sử. Chúng ta hãy tách phương pháp tiếp cận này hoàn toàn ra khỏi câu hỏi chuẩn tắc về việc làm thế nào để đánh giá các thuộc tính vốn có của một “hệ thống lớn” cụ thể hoặc một cơ chế điều phối. Nhiều nhà kinh tế cho rằng “phúc lợi” xã hội có giá trị lớn nhất là điều hiển nhiên. Chắc chắn là họ tìm cách trình bày điều này một cách chính xác hơn, bằng những thuật ngữ phức tạp hơn: chúng ta phải phấn đấu tăng liên tục phúc lợi. Những người ủng hộ “kinh tế học phúc lợi” có trách nhiệm hoàn toàn ý thức được rằng nỗ lực đặc biệt để tăng sản xuất và phúc lợi vật chất nhanh chóng có thể nới rộng bất bình đẳng về phân phối. Giữa tăng trưởng và công bằng có mối quan hệ đánh đổi. Các tác giả thảo luận rất nhiều dạng thức của các giá trị đối lập nhau này.

Quan điểm đạo đức của tôi khác một cách chủ yếu với cách tiếp cận đó. Tôi muốn dùng hệ thống khái niệm của lý thuyết về thứ tự sở thích. Thứ tự sở thích giữa các giá trị tột cùng được sắp xếp theo kiểu từ điển. Giá trị quan trọng nhất là nền dân chủ và các giá trị có liên quan mật thiết với nó, như tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Từ bỏ những giá trị đó không thể được bù đắp bằng hàng hóa vật chất, tăng trưởng nhanh hơn, hay phúc lợi lớn hơn. Không có chuyện đánh đổi được xem là “xứng đáng” giữa hy sinh một lát cắt của nền dân chủ để ép GDP tăng.

Thứ tự sở thích theo kiểu từ điển trong bối cảnh này đưa đến khái niệm sau. Theo tôi nghĩ tiêu chí chính để đánh giá tình hình là xem liệu rằng các nguyên tắc của một chế độ chính trị dân chủ có tồn tại hoặc nhân quyền có được tôn trọng hay không. Nếu yêu cầu đó được thỏa mãn (hay gần như thỏa mãn), thì chỉ khi đó chúng ta mới có thể đánh giá các tiêu chí thứ hai, thứ ba, v.v.. Và nếu việc đánh giá đã đi đến được bước này, chúng ta mới có thể cân nhắc các đánh đổi giữa các tiêu chí thứ hai, thứ ba, v.v..

RR: Khi đánh giá về kinh nghiệm chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa5, một công trình đáng tiếc là vẫn còn gần như là độc nhất trong ngành, ông sử dụng hai thang đo để đánh giá. Với góc nhìn dài hạn, ông cho rằng chuyển đổi có tính tích cực, vì nó đi theo hướng của các xu hướng lớn của nền văn minh phương Tây, chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ; với góc nhìn ngắn hạn, ông đưa ra nhận định rất hỗn hợp: “Tôi giữ hai sự đánh giá và không phải là một, và không gộp chúng lại với nhau. Theo đánh giá thứ nhất, tôi vui mừng thông báo một sự thành công vĩ đại ở tầm lịch sử thế giới: một hệ thống đã được tạo ra ưu việt hơn hệ thống trước đó, không có đổ máu, với tốc độ phi thường. Theo đánh giá thứ hai, tôi có danh sách những kinh nghiệm tốt và xấu trong cuộc sống; nhiều niềm vui và cũng lắm nỗi đau. Tôi thấy vừa đúng đắn vừa có đầy đủ lý lẽ khi phát biểu rằng những gì đã xảy ra ở khu vực này có thể được xem là một thành công về mặt ý nghĩa lịch sử toàn cầu, đồng thời là một thất bại ở nhiều mặt quan trọng khác vì nó gây đau thương, đắng cay và thất vọng cho quá nhiều người.” Lợi ích và chi phí không thể được cộng vào một cách đơn giản để đưa ra sự đánh giá cuối cùng mang tính độc nhất và tĩnh tại. Một lần nữa vị trí trung tâm của các tương phản và nan đề đưa ông đến một lập trường mới so với cách thức mà các kinh tế gia thường đánh giá những sự thay đổi nói chung.            

János Kornai: Câu hỏi này có quan hệ chặt chẽ với một vấn đề mà chúng ta đã bàn đến nhiều lần trong cuộc đối thoại này: lý thuyết về lợi ích và thứ tự sở thích. Những phản đối của tôi đối với mô hình ra quyết định/hành vi được sử dụng trong ngành kinh tế học là dựa trên những quan sát của riêng tôi và của những người khác. Cho rằng thành công, vinh dự và niềm vui có thể bù đắp cho thất bại lớn, sự nhục nhã hoặc đau khổ của chúng ta là không đúng. Không có đường cong bàng quan [hay đường đẳng ích] mà chúng ta có thể đặt trên đó các cách kết hợp khác nhau giữa “các trải nghiệm hân hoan” và “các trải nghiệm nguy hại,” và hô biến! thế là tạo cho mọi người nhận thức về lợi ích tương đương. Chỉ những người bị giam hãm đằng sau bục giảng, bị bịt mắt bởi những nỗi ám ảnh của chính họ, và không hiểu gì về bản chất con người mới có thể tin điều đó. Bất cứ tiểu thuyết gia tài giỏi hay độc giả thông thạo văn chương nào cũng sẽ không ghi nhận mô hình đó dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Bất cứ nhà tâm lý học nào ở thời đại của chúng ta, thuộc bất cứ trường phái nào, cũng sẽ xanh mặt khi đọc về cái cách mà các nhà kinh tế mô hình hóa trải nghiệm hạnh phúc và bất hạnh của con người.

Suy nghĩ và cảm giác của con người có đầy mâu thuẫn. Ta muốn một sự kiện nào đó diễn ra và ở một mức độ nào đó cũng mong rằng nó không xảy ra. Ta ghét và ta yêu (Odi et amo), như nhà thơ Catullus đã viết. Chúng ta cùng một lúc yêu và ghét một người hay một ý tưởng nào đó. Hoặc khi chiến tranh, trong chúng ta có hai sự cố gắng rất lớn, chúng tuần tự thay nhau chiếm ưu thế: quyền lợi quốc gia đối lập với quyền lợi gia đình; sự tìm kiếm sự mạo hiểm đối lập với nhu cầu có được cuộc sống hòa bình và yên tĩnh; sự chủ động về chính trị đối lập với sự thụ động về chính trị và tập trung vào chuyên môn - tôi có thể tiếp tục kéo dài danh sách liệt kê các tương phản và nan đề. Cuối cùng, một điều gì đó được triển khai - có thể là một thỏa hiệp giữa các mục tiêu, nỗ lực, hoặc cảm giác đối nghịch, hoặc là một mách nhỏ cho một trong hai cái đối nghịch. Có thể có những cá nhân mà tâm hồn của họ không bao giờ chịu được các điều tương phản như vậy, nhưng họ chắc chắn không phải là loại người mà ta rất thường gặp.

Lối tư duy của tôi nghi ngờ các nguyên lý của kinh tế học dòng chính. Bài báo của tôi mà anh đề cập dựa trên lập luận này: một sự kiện lịch sử lớn quả thực có thể vừa tốt vừa không tốt, vừa là tiến bộ vừa là cội nguồn của khổ đau mới. Con người có thể cùng một lúc (hoặc liên tiếp với cường độ khác nhau) trải nghiệm những kết cục vui vẻ và đau buồn của các sự kiện. Việc “cộng chúng lại với nhau” là vô ích, đặt dấu cộng trước các tác động tích cực và dấu trừ trước các tác động tiêu cực để có được giá trị tổng. So với cách đánh giá này thì đã có tiến bộ về mặt phương pháp luận (và ở đây những độc giả sáng suốt hẳn nhận thấy một chút mỉa mai) nếu thay vì phân biệt nhiều loại tác động tốt và xấu khác nhau của sự kiện, chúng ta giữ ít nhất là hai loại, một dành cho các trải nghiệm thuận lợi và một dành cho các trải nghiệm bất lợi.

Tôi muốn nhắc độc giả là tôi cũng thảo luận vấn đề đánh giá các hành vi tốt và xấu, các sự kiện tử tế và xấu xa, trong tự truyện của mình, trong một bối cảnh khác nhưng vẫn dựa trên các nền tảng nguyên lý tương tự. Tôi không tin rằng những sai lầm mà một người gây ra ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời anh ta có thể được sửa sai bằng việc làm hữu ích cho nhân loại ở một giai đoạn khác. Chúng ta cần ít nhất hai cách đánh giá ở đây. Theo cách đánh giá thứ nhất, những sai lầm là không thể xóa nhòa, nhưng dĩ nhiên chúng ta phải phấn đấu thu thập thật nhiều và thật hiệu quả các hành vi tốt trong cách đánh giá thứ hai.

6. Chính thể và nền kinh tế

RR: Trong hồi ký của ông, ông có giải thích mối quan tâm dài hơi của ông đối với Trung Quốc (bản dịch cuốn Economics of Shortage - Kinh tế học của sự thiếu hụt - đã thành công lớn). Những gì đã diễn ra ở đất nước đó, đơn cử, đã chứng minh hùng hồn sự đúng đắn của phương pháp tiếp cận ban đầu của ông nhấn mạnh sự trỗi dậy từ dưới lên của các doanh nghiệp mới và của khu vực tư nhân, khi so sánh với tốc độ tư nhân hóa nhanh chóng của khu vực nhà nước hiện hữu. Mặt khác, cách tiếp cận đó không theo con đường mà ông đã mô tả trong cuốn The Socialist System (Hệ thống chủ nghĩa xã hội), mà theo đó sự đổi mới làm suy yếu sự cố kết của hệ thống cổ điển và dẫn đến tình trạng bất ổn và khủng hoảng - đó là một đặc điểm của các lộ trình của Trung và Đông Âu, trước khi sự thay đổi mang tính hệ thống xảy ra. Sự cố kết bị suy giảm và tình trạng bất ổn đã xuất hiện, nhưng đổi mới dần dần cuối cùng đã dẫn đến sự thay đổi mang tính hệ thống - với một kỷ lục tăng trưởng hiếm có và mức độ nghèo giảm đi. Ông có thấy trong lộ trình của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua sự cần thiết phải bổ sung hay điều chỉnh hệ thống chính được trình bày trong cuốn The Socialist System (Hệ Thống Chủ Nghĩa Xã Hội) hay không?

János Kornai: Trước khi tôi trả lời câu hỏi, tôi muốn nói rằng cuốn tự truyện của tôi, sẽ sớm có phiên bản dành cho độc giả người Pháp, đã ra mắt ở Trung Quốc hai lần. Tác phẩm được ra mắt lần đầu tiên ở Hong Kong vào năm 2009, được dịch sang tiếng Hoa phồn thể. Bản dịch này có lẽ không đến được với nhiều độc giả, vì chỉ những người có trình độ học vấn cao mới đọc được những công trình viết bằng chữ phồn thể. Hơn nữa, Hong Kong vẫn còn là một đặc khu đóng cửa một phần, từ đó cuốn sách không dễ dàng gì tiếp cận được một tỷ rưỡi người dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngay cả trong tình thế như vậy, phản hồi vẫn mạnh mẽ. Những kênh truyền hình chính quan tâm đến nó; một hội nghị của các nhà kinh tế học hàn lâm được tổ chức để thảo luận nó. Một diễn giả ở đó đã đề nghị rằng độc giả nào muốn làm quen với các nghiên cứu của tôi nên bắt đầu bằng cuốn tự truyện, vì nó cung cấp những nền tảng trọng yếu để hiểu những nghiên cứu   khác vốn được viết trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau dưới những hạn chế khác nhau về tự do ngôn luận. Tôi đặc biệt hứng thú với những lời bình của những “người bất đồng chính kiến” và những người Trung Quốc có tư tưởng tự do về cuốn sách và về sự nghiệp của tôi trên mạng Internet. Những người này hơi giống tôi về mặt tri trức. Nhiều người đã khởi sự giống tôi, tin vào những người cộng sản, rồi sau đó có những lúc trong cuộc sống họ trở nên vỡ mộng với các biến cố xảy ra trước đó, và trở thành những người phê phán sắc bén các lý thuyết Marx-Lenin-Stalin-Mao, rồi mỗi người một cách đấu tranh cho nền dân chủ và nền kinh tế thị trường.

Cuốn sách ra mắt lần thứ hai tại Thượng Hải dưới dạng một bản dịch mới bằng chữ giản thể. Cuốn sách xuất hiện ở các nhà sách của Trung Quốc đại lục, được viết bằng hệ thống chữ viết mà đông đảo công chúng có thể đọc được. Cuốn sách đó ra mắt khá gần đây, vào tháng 8/2013. Tôi háo hức chờ đợi các phản ứng sẽ như thế nào.

Tôi thường cân nhắc vấn đề mà anh nêu. Trung Quốc là một hệ thống tổ chức xã hội lai ghép độc nhất vô nhị được hình thành từ các thành phần không tương thích với nhau và khó hòa hợp được. Một chế độ độc tài đảng trị, một khu vực quốc doanh kồng kềnh gần như kéo lùi nền kinh tế bằng sức nặng của nó tồn tại song song và trộn lẫn với khu vực tư nhân năng nổ và đầy sức sống. Trước đây, tôi có thói quen nhấn mạnh sự va chạm gay cấn như thế nào trong thể cộng sinh của các thành phần khác hẳn nhau này. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn thì việc chúng không chỉ có thể cùng tồn tại bằng cách nào đó, mà còn tạo ra tăng trưởng ngoạn mục là điều rõ ràng hơn bao giờ hết. Nếu tôi có năng lực, tôi sẽ suy nghĩ lại những lập luận của tôi trước đây về vấn đề này và công bố các kết luận của mình. Nếu tôi không còn sức lực, thì thế hệ trẻ hơn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Hơn tất cả, tôi mong chờ nhiệm vụ này được những người Trung Quốc mà tôi đã dạy ở Đại học Harvard, và hiện bây giờ đang nắm giữ những vị trí hàn lâm cao cấp ở Trung Quốc thực thi. Có lẽ các nghiên cứu khảo sát lại các lý thuyết trước đây dưới ánh sáng của kinh nghiệm lịch sử, bao gồm những ý tưởng của tôi, đã được chuẩn bị sẵn.

Mặc dù tôi cho rằng một sự điều chỉnh lớn là hợp lý và cần thiết, tôi muốn nói thêm rằng ở Trung Quốc thời gian lịch sử được tính theo các đơn vị khác. Khoảng thời gian ngắn nhất không phải là một tháng hay thậm chí một năm, mà giống như một thập kỷ. Dĩ nhiên, hình thức kinh tế - xã hội lai ghép đã cùng tồn tại với tăng trưởng nhanh; trong thực tế có thể chỉ có sự kết hợp bí ẩn này mới thúc đẩy được tốc độ [tăng trưởng] dựng tóc như vậy. Nhưng tốc độ dường như đang chậm lại. Những người bạn Trung Quốc của tôi chỉ ra rằng những xung đột trong nội bộ hệ thống đang có chiều hướng xấu hơn. Khi nền kinh tế và sản xuất bình quân đầu người tăng, thì nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Rất ít người sẽ cam chịu việc kiểm soát giá cả và tiền lương, và việc đàn áp các phong trào đòi tăng lương kìm hãm sự gia tăng tiền lương thực tế. Nhưng chi phí tiền lương cực thấp là một bí mật đằng sau sự gia tăng chớp nhoáng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Cơ cấu vĩ mô như vậy không thể tồn tại mãi mãi được, nghĩa là một đất nước mà gần phân nửa giá trị gia tăng được đầu tư và chỉ phân nửa còn lại dùng cho tiêu dùng.

Căng thẳng gia tăng không chỉ trong nền kinh tế mà còn trong lĩnh vực chính trị. Rất khó hoặc không thể nào vừa đưa vào các phương pháp sản xuất mới nhất, có hàng triệu người sản xuất máy tính, cho phép hàng trăm triệu người tiếp cận Internet, và cùng lúc kiềm chế phát biểu của người dân và hạn chế quyền tự do ngôn luận của họ. Bây giờ có phải là thời mà Stalin hầu như có thể khóa kín biên giới Liên Xô và những thông tin chống phá từ nước ngoài bị ngăn giữ từ xa bằng hàng rào dây thép gai và bãi mìn không? Ai biết được khi nào tình hình căng thẳng ở Trung Quốc sẽ nổ tung? Suy cho cùng, có lẽ sự thật là trong dài hạn (“dài” được đo bằng nhiều thập kỷ) hệ thống độc đảng, chế độ độc tài đảng trị và tập trung hóa không thể tồn tại song song với nền kinh tế thị trường phi tập trung được thúc đẩy bởi tự do kinh doanh, bởi việc đưa vào và liên tục đổi mới công nghệ hiện đại.

Quan sát của tôi về các triển vọng phát triển lịch sử thực thụ, được bổ sung bởi việc cân nhắc các cơ hội của các xu hướng có vẻ phù hợp nhất, vẫn nằm trong phạm vi của phân tích thực chứng. Nhưng chúng ta đừng lùi bước trước những nan đề hóc búa của cách tiếp cận chuẩn tắc! Ngay cả khi không có sự sụt giảm tăng trưởng đột ngột xảy ra, chúng ra hãy đối diện với câu hỏi: bao nhiêu điểm phần trăm tăng trưởng tăng thêm là đáng để hy sinh nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do lập hội, và quyền lựa chọn giữa các đối chọn chính trị? Chúng ta thảo luận quan điểm của tôi ngay bây giờ: trong hệ thống các giá trị của tôi, nền dân chủ và sự khẳng định các quyền cơ bản của con người có vị trí quan trọng nhất. Nếu thiếu những giá trị đó, không có tỷ lệ tăng trưởng nào có thể bù đắp. Tôi lắng nghe với sự ác cảm đối với những doanh nhân và những nhà nghiên cứu hàn lâm phương Tây khi họ hân hoan nói về những thành tựu kinh tế của Trung Quốc và sau đó họ nói thêm ngoài lề rằng “Vâng, ừ, đảng cộng sản vẫn có quyền lực hoàn toàn ở đó.” Rồi thì họ tiếp tục tự xoa dịu bằng cách bổ sung thêm rằng nền dân chủ là một loại hàng xa xỉ của phương Tây, phù hợp với người Mỹ và người châu Âu giàu có. Để xem người Trung Quốc hoan hỉ như thế nào về việc cuối cùng họ có đủ thức ăn và một mái nhà che đầu chỉnh chu. Họ không quan tâm đến loại chế độ chính trị nào đang nắm quyền.

Rồi chúng ta sẽ thấy. Sự ngon miệng đi cùng với việc ăn uống. Khi mức sống vật chất và văn hóa của dân chúng tăng lên, khi người ta nếm được một ít tự do, nhu cầu đối với các thể chế dân chủ sẽ lớn lên.

RR: Trong hồi ký của ông, ông có nhấn mạnh sự kiên định không tham gia chính trị sau năm 1956, vì lý do chuyên môn, đạo đức và cá nhân, và về cơ bản vẫn giữ mình là một học giả, một con người của khoa học. Ông đã ung dung từ chối vị trí cố vấn được chỉ định, một lần là vào cuối thời kỳ chủ nghĩa xã hội ở Hungary, và một lần khác là trong quá trình hậu chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ông từng lên tiếng với những khuyến nghị của mình trong những trường hợp quan trọng, như trong tác phẩm Passionate Pamphlet in the Cause of Economic Transformation (Bài luận ngắn sinh động về Nguyên nhân của Chuyển đổi Kinh tế), được xuất bản lần đầu tiên vào năm 19896 [phiên bản tiếng Hungary], hay trong quá trình chuyển đổi. Trong thời gian vừa qua, ông đã mạnh mẽ và công khai chống lại chính sách của chính quyền Orbán ở Hungary, ông không chỉ quan tâm đến chính sách kinh tế và còn quan tâm đến cải cách thể chế và các vấn đề chính trị của nền dân chủ. Theo nhận định của ông thì các xu hướng ở đất nước quê hương ông nghiêm trọng đến mức nào?

János Kornai: Tôi đã phần nào trả lời phần đầu của câu hỏi khi tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vai trò của Keynes trong đời sống xã hội nhưng tôi đã tách bản thân mình ra khỏi vai trò đó. Kể từ khi hệ thống thay đổi, tôi quả thực đã từng nhiều lần trình bày quan điểm về những gì tôi cảm thấy nên làm trong chính trị và trong nền kinh tế. Tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc này khi tôi bắt đầu phác họa các khuyến nghị chi tiết hoàn toàn theo sáng kiến của riêng tôi, mà không ai yêu cầu tôi làm như vậy. Tôi đã thực hiện việc này trong trường hợp mà anh đề cập, khi tôi viết Passionate Pamphlet (Bài luận ngắn sinh động) vào năm 1989. Đó là công trình đầu tiên xuất hiện trong sách in có khuyến nghị một chương trình chuyển đổi toàn diện cho Hungary.

Một thập kỷ sau tôi viết sách về cách thức cải cách khu vực y tế ở Đông Âu. Phiên bản đầu tiên tôi viết một mình, và đến phiên bản thứ hai tôi cộng tác với Karen Eggleston, một nhà kinh tế xuất sắc về chăm sóc sức khỏe, một cựu sinh viên của tôi. Các thể loại chủ nghĩa tư bản khác nhau với sự tái phân phối mạnh mẽ của nhà nước và với các lực lượng chính trị đã hình thành nên nhà nước phúc lợi theo kiểu gia trưởng, chắc chắn tạo ra một số triệu chứng nhất định tương tự như các hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thiếu hụt xã hội chủ nghĩa. Nhà nước sử dụng tiền của người nộp thuế để gánh vác việc tài trợ phần lớn chi phí chăm sóc sức khỏe. Việc này tạo ra một kiểu ốc đảo “chủ nghĩa xã hội” trong lòng biển cả của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, với toàn bộ các hiệu ứng kéo theo phổ biến: xếp hàng, thời gian chờ đợi lâu, và mối quan hệ quan liêu giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế và bệnh nhân lệ thuộc vào ơn huệ của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về khu vực y tế ở Đông Âu thời hậu chủ nghĩa xã hội, và ở Thụy Điển hay Anh Quốc, không cần phải có nhận định thật tinh tế để thấy rằng tôi đứng trên một nền tảng quen thuộc. Một nhà nghiên cứu có chuyên môn về kinh tế học của sự thiếu hụt cảm thấy như ở quê nhà trong môi trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Trở lại câu hỏi của anh về những sự can thiệp vào các vấn đề chính sách kinh tế hàng ngày, tôi thực hiện theo hai cách, bằng một chương trình chuyển đổi toàn diện và đối với chủ đề cải cách dịch vụ y tế, tôi viết các khuyến nghị và lời khuyên của mình trong bài báo khoa học. Nhưng sau đó tôi dừng lại. Tôi không “vận động hành lang” thay mặt cho các đề xuất của tôi hay tìm gặp các bộ trưởng hay người đại diện của họ để thuyết phục họ rằng tôi đúng. Thay vào đó, tôi nhanh chóng quay trở lại việc nghiên cứu của tôi. Tôi hầu như không thể chờ đợi để tiếp tục với dự án nghiên cứu tiếp theo và sau đó một lần nữa rút ra kết luận mới chỉ được in ra trong thế giới sách vở. Dường như thói quen này của tôi là không thể thay đổi.

Tôi hết sức quan tâm đến những thay đổi đã diễn ra trên đất nước này kể từ khi chính quyền Orbán nắm quyền vào năm 2010. Chỉ một vài tháng sau các sự kiện chính trị đó, tôi đã lên tiếng trong một nghiên cứu dài có tiêu đề “Taking stock (Đánh giá các triển vọng)”, (2011) được đăng trên một tờ nhật báo, chỉ rõ những mối nguy hiểm nghiêm trọng phá hoại nền dân chủ, nguy hiểm nhất là sự loại bỏ có trật tự hệ thống kiểm soát và cân bằng. Một năm sau, tôi công bố nghiên cứu thứ hai cũng theo chiều hướng đó có tiêu đề “Centralization and the Capitalist Market Economy (Tập trung hóa và Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa)” (2012). Tôi có ý muốn dùng nghiên cứu này như là một tín hiệu cảnh báo thứ hai. Thật là cay đắng khi chứng kiến những hiện tượng mà tôi đã viết về chúng cách đây hơn nửa thế kỷ, trong cuốn sách Overcentralization (Tập hóa hóa quá mức7 xuất bản năm 1956, lại một lần nữa trỗi dậy. Những thay đổi đã diễn ra trong nhiều thập kỷ trong các khung khổ chính trị của hệ thống chủ nghĩa xã hội, và vẫn còn những thay đổi khác diễn ra bên ngoài những khung khổ đó, sau bước ngoặt lớn vào những năm 1989-1990, tất cả cùng chỉ về một hướng: từ chế độ độc tài đến việc tạo dựng và hoàn chỉnh nền dân chủ, từ tập trung hóa đến phi tập trung hóa, từ kiểm soát bằng mệnh lệnh đến hợp đồng thị trường, từ quan liêu và gia trưởng đến tự chủ và độc lập cá nhân. Thật là chua chát khi chứng kiến chính quyền Orbán đã thực hiện cú quay đầu thay vì tiếp tục theo hướng đó. Chính quyền đã quay đầu và đẩy đất nước quay trở lại chế độ chuyên chế, quốc hữu hóa, hạn chế và phiền nhiễu sở hữu tư nhân, tập trung hóa, và chủ nghĩa gia trưởng. Cũng như nhiều thành viên của đội ngũ trí thức Hungary, tôi cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng phản đối. Mỗi người lên tiếng bằng những cách thức của riêng mình. Cách thức của tôi là lời nói và nghiên cứu được in ra, đánh giá tình hình một cách công bằng, và báo động những mối nguy hiểm lớn mà tôi nhìn thấy ở phía trước.

(-Hết-)

Chú thích

(5) Kornai (2006b).

(6) Phiên bản tiếng Anh [của người Mỹ], Kornai (1990a); Phiên bản tiếng Pháp, Kornai (1990b).

(7) Kornai (1959).

Nguồn:Irregular Memoirs of an Intellectual Journey: questions about the state of economics”, https://journals.openedition.org, 2013.

Nguồn bản dịchHồi kí tản mạn về một hành trình tri thức: những vấn đề về hiện trạng của kinh tế học, phantichkinhte123.com

Dịch giả:
Trần Thị Minh Ngọc