Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 2/5)

Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 2/5)

3

Bên cạnh lí do ngày càng dễ thấy liên quan đến kỹ thuật sản xuất hiện đại tinh vi khiến cho thế hệ ngày nay không nhìn thấy được sự tồn tại của các vấn đề kinh tế, thì dù vậy, vẫn còn có những lí do khác dẫn đến hiện tượng này. Song trong quá khứ, điều này không hẳn luôn luôn đúng. Trong một giai đoạn tương đối ngắn ở giữa thế kỉ trước [thế kỉ XIX - ND], mức độ công chúng nhìn nhận và hiểu các vấn đề kinh tế chắc chắn cao hơn nhiều so với hiện tại. Nhưng hệ thống kinh tế chính trị cổ điển, vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ giúp cho sự hiểu biết này trở nên khả dĩ, lại dựa trên những nền tảng không vững chắc, và rõ ràng có một số phần sai lầm; và tính đại chúng mà nó đạt được đã phải trả giá bằng mức độ đơn giản hóa quá mức, dẫn đến bị vô hiệu hoá. Chỉ rất lâu sau đó, sau khi những lời giáo huấn của nó đã mất đi sức ảnh hưởng, việc tái xây dựng dần dần lí thuyết kinh tế cho thấy rằng tồn tại những khiếm khuyết trong các khái niệm cơ bản của nó, và điều này đã khiến cho lời giải thích của nó về sự vận hành của hệ thống kinh tế bị mất gần hết hiệu lực so với kỳ vọng ban đầu. Nhưng trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, người ta đã tạo ra những sai lầm không thể sửa chữa. Sự sụp đổ của hệ thống cổ điển có xu hướng làm mất uy tín của chính ý niệm về sự phân tích lí thuyết, và người ta đã nỗ lực thay thế sự hiểu biết về nguyên nhân của các hiện tượng kinh tế bằng một sự mô tả đơn thuần về sự xuất hiện của các hiện tượng này. Kết quả là, sự nhận thức về bản chất của các vấn đề kinh tế, những thành tựu giảng dạy của các thế hệ trước, đã bị biến mất. Các nhà kinh tế học, vốn vẫn quan tâm đến việc phân tích tổng quát, đã không còn để tâm đến việc tái xây dựng các nền tảng thuần túy lí thuyết của khoa học kinh tế nhằm tạo ra sức ảnh hưởng chi phối lên các quan điểm về chính sách.

Chính bởi sự lu mờ tạm thời của kinh tế học phân tích, nên các vấn đề thực sự ẩn dưới những đề xuất về nền kinh tế kế hoạch hóa ít nhận được sự xem xét cẩn trọng một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng sự lu mờ này, bản thân nó, không hẳn là do những yếu kém vốn có cũng như do nhu cầu theo sau việc tái xây dựng ngành kinh tế học cũ; và cũng không phải là vì điều này đã diễn ra đồng thời với sự nổi lên của một phong trào khác vốn chống lại một cách không khoan nhượng các phương pháp duy lí trong kinh tế học. Nguyên nhân phổ biến làm suy yếu vị thế của lí thuyết kinh tế học và đồng thời thúc đẩy sự phát triển của trường phái xã hội chủ nghĩa - trường phái đã tích cực ngăn cản bất kì loại tư biện nào về sự vận hành thực tế của xã hội tương lai, chính là sự lớn mạnh của cái gọi là trường phái lịch sử trong kinh tế học2, vì quan điểm cốt lõi của trường phái này là chúng ta chỉ có thể tìm ra được các quy luật kinh tế bằng cách áp dụng các phương pháp sử dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên vào tư liệu lịch sử. Bản chất của tư liệu này là: bất kỳ nỗ lực nghiên cứu nào về chủ đề này đều phải trình bày dưới dạng các ghi chép và mô tả đơn thuần, và phải giữ một thái độ hoài nghi hoàn toàn về sự tồn tại của bất kỳ quy luật nào.

Không khó để hiểu tại sao điều này lại xảy ra. Trong tất cả các ngành khoa học, ngoại trừ những ngành giải quyết các hiện tượng xã hội, thì tất cả những gì mà kinh nghiệm cho chúng ta thấy đều là kết quả của quá trình mà chúng ta không thể quan sát trực tiếp, và nhiệm vụ của chúng ta là phải tái dựng quá trình đó. Tất cả các kết luận của chúng ta về bản chất của các quá trình này tất yếu mang tính giả thuyết, và sự kiểm tra duy nhất đối với tính hợp lệ của những giả thuyết này là việc chúng có tỏ ra có thể áp dụng tương tự để giải thích các hiện tượng khác. Điều cho phép chúng ta, bằng phương pháp quy nạp, rút ta những quy luật hay các giả thuyết tổng quát liên quan đến quá trình nhân quả chính là khả năng thí nghiệm và quan sát sự lặp lại của các hiện tượng giống nhau trong cùng các điều kiện, đấy là khả năng cho thấy sự tồn tại của những thứ rõ ràng xuất hiện thường xuyên trong các hiện tượng được quan sát.

Tuy nhiên, trong khoa học xã hội, tình thế lại trái ngược hoàn toàn. Một mặt, thí nghiệm là việc không thể thực hiện được, và do đó chúng ta không thể biết những thứ rõ ràng xuất hiện thường xuyên trong các hiện tượng phức theo nghĩa tương tự những thứ như chúng ta có trong khoa học tự nhiên. Mặt khác, vị trí của con người, đứng giữa các hiện tượng tự nhiên và xã hội - đối với bên này anh ta là một ảnh hưởng, còn đối với bên kia anh ta là một nguyên nhân - dẫn đến việc: những thực tế cơ bản và thiết yếu mà chúng ta cần thu thập để giải thích các hiện tượng xã hội một phần đến từ kinh nghiệm chung, một phần đến từ chính tư duy của chúng ta. Trong khoa học xã hội, các phần tử cấu thành những hiện tượng phức là những thứ mọi người đều đã biết và không cần phải tranh cãi. Còn trong khoa học tự nhiên, các phần tử này cùng lắm cũng chỉ có thể phỏng đoán. Sự tồn tại của các phần tử này là chắc chắn hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì thường xuyên xuất hiện trong những hiện tượng phức, và chính các phần tử này cấu thành nên yếu tố mang tính thực nghiệm đích thực trong nhóm ngành khoa học xã hội. Hầu như không còn nghi ngờ gì, rằng chính vị trí khác nhau này của yếu tố thực nghiệm trong quá trình lập luận trong hai nhóm ngành [khoa học tự nhiên và xã hội] là căn nguyên dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn về tính logic của chúng. Không còn nghi ngờ gì, rằng cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đều phải sử dụng phép lập luận diễn dịch. Song sự khác nhau cơ bản là, quá trình diễn dịch trong khoa học tự nhiên phải bắt đầu từ một số giả thuyết vốn là kết quả của những sự khái quát quy nạp, còn quá trình diễn dịch trong khoa học xã hội lại bắt đầu trực tiếp từ các phần tử kinh nghiệm đã biết và sử dụng chúng để tìm ra những thứ xuất hiện thường xuyên trong các hiện tượng phức vốn dĩ không thể quan sát trực tiếp được. Có thể nói đó là những ngành khoa học diễn dịch từ kinh nghiệm, tức xuất phát từ các phần tử đã được biết để tìm ra những thứ thường xuyên xuất hiện trong các hiện tượng phức vốn không thể trực tiếp quan sát. Nhưng đây không phải là chỗ để thảo luận chuyên sâu về các vấn đề của phương pháp luận. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là chỉ ra vì sao trong cái thời đại mà chủ nghĩa kinh nghiệm giành được những thành tựu lớn lao trong khoa học tự nhiên thì việc người ta nỗ lực áp đặt những phương pháp thực nghiệm tương tự lên nhóm ngành khoa học xã hội nhất định sẽ dẫn đến thảm hoạ. Với một xuất phát điểm sai lầm, với mục đích đi tìm những thứ thường xuyên xuất hiện trong các hiện tượng phức, những thứ mà người ta chưa bao giờ có thể nhìn thấy hai lần trong cùng các điều kiện y hệt nhau, thì không thể không dẫn đến cái kết luận cho rằng không có quy luật tổng quát, không sự tất yếu cố hữu nào được xác định bởi bản chất vĩnh cửu của những phần tử cấu thành, và rằng nhiệm vụ duy nhất của khoa học kinh tế nói riêng chỉ là việc mô tả về những thay đổi lịch sử. Chỉ vì rời bỏ các phương pháp nghiên cứu thích hợp, vốn đã được thiết lập rõ ràng trong giai đoạn cổ điển, nên người ta mới nghĩ rằng trong đời sống xã hội không có quy luật nào ngoài những quy luật được tạo ra bởi con người, và tất cả các hiện tượng quan sát được đều chỉ là sản phẩm của các thể chế xã hội hay pháp lí, đơn thuần là "các phạm trù lịch sử", và vì thế, cũng không phát sinh những vấn đề kinh tế cơ bản mà nhân loại phải đối mặt.

4

Trong nhiều khía cạnh, trường phái xã hội chủ nghĩa mạnh nhất cho tới nay mà thế giới từng chứng kiến về cơ bản là một sản phẩm của dạng chủ nghĩa duy lịch sử này. Mặc dù Karl Marx áp dụng những công cụ của các nhà kinh tế học cổ điển trong một vài vấn đề, nhưng ông lại khai thác rất ít một đóng góp chính yếu, có tính vĩnh cửu của họ - phân tích của họ về cạnh tranh. Nhưng ông lại toàn tâm chấp nhận luận điểm trung tâm của trường phái lịch sử, rằng hầu hết những hiện tượng của đời sống kinh tế đều không phải là kết quả của các nguyên nhân có tính vĩnh cửu, mà chỉ là sản phẩm của một sự phát triển lịch sử cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia nơi trường phái lịch sử đã rất được ưa chuộng, nước Đức, cũng là quốc gia mà chủ nghĩa Marx dễ dàng được chấp nhận nhất.

Trường phái xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng nhất này có quan hệ rất chặt chẽ với những khuynh hướng chung chống lại lí thuyết trong khoa học xã hội, thực tế này đã gây tác động sâu sắc nhất lên tất cả cuộc tranh luận sâu hơn về các vấn đề thực sự của chủ nghĩa xã hội. Cái nhìn toàn thể đã tạo ra sự bất lực đến kì lạ để thấy bất cứ vấn đề kinh tế thực sự nào vốn dĩ độc lập với khung lịch sử; không những thế, Marx và những người theo chủ nghĩa Marx còn tích cực ngăn chặn bất kỳ cuộc nghiên cứu nào về sự tổ chức và vận hành thực tế của xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Nếu sự thay đổi là do logic không thể lay chuyển của lịch sử tạo ra, nếu đó là kết quả tất yếu của sự tiến hóa, thì người ta hầu như chẳng có nhu cầu tìm hiểu chi tiết xã hội mới trong tương lai sẽ ra sao. Nếu hầu như tất cả những yếu tố quyết định các hoạt động kinh tế trong xã hội hiện nay đều không tồn tại, nếu trong xã hội mới không có vấn đề gì ngoại trừ những vấn đề được quyết định bởi các thể chế mới hình thành từ tiến trình thay đổi lịch sử, thì thực sự có rất ít triển vọng cho việc giải quyết trước bất cứ vấn đề nào. Bản thân Marx khinh miệt và nhạo báng bất kỳ nỗ lực nào chủ ý nào để xây dựng một kế hoạch vận hành cho một xã hội không tưởng như vậy. Chúng ta chỉ thi thoảng tìm thấy trong các tác phẩm của ông những lời tuyên bố, dưới hình thức phủ định, về những gì mà xã hội mới sẽ không như thế. Người ta có thể tìm kiếm một cách tốn công vô ích trong các tác phẩm của ông để thấy bất kỳ tuyên bố cụ thể nào về các nguyên lí chung nhằm làm định hướng cho các hoạt động kinh tế trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa3.

Quan điểm của Marx về nội dung này có sức ảnh hưởng lâu dài đối với các nhà xã hội chủ nghĩa trong trường phái của ông. Suy tư về sự tổ chức thực tế của xã hội xã hội chủ nghĩa ngay lập tức sẽ khiến tác giả không may bị bêu xấu như là "phản khoa học", sự kết án đáng sợ nhất mà một thành viên của trường phái chủ nghĩa xã hội "khoa học" có thể tự biến mình thành nạn nhân. Nhưng ngay cả bên ngoài phe Marxist, sự phát triển chung của tất cả các nhánh hiện đại của chủ nghĩa xã hội đều bắt nguồn từ một số quan điểm mang tính lịch sử hay "thể chế" về các hiện tượng kinh tế, và điều này đã bóp nghẹt một cách triệt để tất cả các nỗ lực nghiên cứu những vấn đề mà bất cứ chính sách xã hội chủ nghĩa có tính xây dựng nào đều phải giải quyết. Như chúng ta sẽ thấy, để đáp trả lại sự phê phán từ bên ngoài, những người Marxist chỉ cần nói: nhiệm vụ này cuối cùng rồi cũng sẽ được thực hiện.

(còn nữa)

Chú thích:

(2) Một số điểm vừa nêu ra ở đây đã được tôi trình bày chi tiết hơn trong bài phát biểu “Trend of Economic Thinking”, trên tạp chí Economica, 5, 1933.

(3) Một tập hợp hữu ích những lời bóng gió khác về vấn đề này trong các tác phẩm của Marx, đặc biệt trong tác phẩm Randglossen zum Gothaer Programm (1875), có thể tìm thấy trong K. Tisch, Wirtschaftsrechnung und Verteilung im zentralistisch organisierten sozialistischen Gcmeinwesen (1932), tr. 110-15.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 7, NXB Tri thức, 2016