Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 2)

Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 2)

3

Như đã chỉ ra trong Chương VII ở trên, trong các tài liệu tiếng Anh, cuộc thảo luận về các vấn đề này bắt đầu khá muộn và ở một mức độ trừu tượng tương đối cao. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng những nỗ lực đầu tiên thực sự đụng chạm đến bất kỳ vấn đề chính yếu nào. Hai người Mĩ, F. M. Taylor và W. C. Roper, là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Những phân tích của họ, và ở mức độ nào đó cũng như của H. D. Dickinson ở Anh, đã hướng đến việc chỉ ra rằng, dựa trên giả định về sự tồn tại của tri thức đầy đủ về tất cả dữ liệu có liên quan, có thể xác định giá trị và số lượng của các hàng hóa khác nhau cần phải sản xuất, bằng cách áp dụng những công cụ mà kinh tế học lí thuyết dùng để giải thích việc hình thành các mức giá cả và định hướng sản xuất trong một hệ thống cạnh tranh1. Giờ đây, ta phải thừa nhận rằng điều này không phải là không khả thi theo nghĩa có mâu thuẫn về mặt lí luận. Nhưng nếu ai đó cho rằng việc người ta có thể hiểu được trên phương diện logic quy trình hình thành các mức giá cả chính là cơ sở cho thấy luận điểm, rằng không tồn tại giải pháp khả thi cho vấn đề [tính toán kinh tế xã hội chủ nghĩa], không còn hợp lệ nữa, thì điều này chỉ chứng tỏ người đó vẫn chưa nhận thức được bản chất thực sự của vấn đề. Chúng ta chỉ cần nỗ lực hình dung ra những ẩn ý của việc ứng dụng phương pháp này trong thực tế là có thể loại nó vào nhóm giải pháp không khả thi và không thực tế đối với khả năng của con người. Rõ ràng là bất kỳ giải pháp nào như vậy cũng phải dựa trên lời giải của một số hệ thống các phương trình được triển khai trong bài báo của Barone2. Nhưng điều thực sự liên quan ở đây không phải là cấu trúc hình thức của hệ thống này, mà là (i) bản chất và số lượng thông tin cụ thể cần phải có nếu muốn lời giải bằng số, và (ii) quy mô của nhiệm vụ mà lời giải bằng số này đòi hỏi trong bất kỳ cộng đồng hiện đại nào. Dĩ nhiên, vấn đề ở đây không phải là cần phải có thông tin chi tiết như thế nào và tính toán chính xác như thế nào để đưa ra các lời giải hoàn toàn chính xác, mà chỉ là chúng ta phải làm chi tiết đến mức độ nào để đưa ra kết quả không kém tương thích với kết quả mà các hệ thống cạnh tranh đưa ra. Chúng ta hãy xem xét điều này kỹ hơn chút nữa.

Trước hết, rõ ràng là nếu sự chỉ đạo tập trung thực sự thay thế sự chủ động sáng tạo của nhà quản lí của các doanh nghiệp riêng lẻ, và ở một số khía cạnh cụ thể thì sự chỉ đạo này không hẳn là một sự áp đặt giới hạn gần như phi lí đối với sự tự chủ của anh ta, thì việc nó mang dạng thức của sự chỉ đạo chung chung là không đủ, mà nó sẽ phải bao gồm, và cả chịu trách nhiệm, đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Không thể quyết định một cách duy lí về việc bao nhiêu vật liệu hoặc máy móc mới nên được giao cho một doanh nghiệp nào đó, và với giá nào (theo nghĩa kế toán) thì hợp lí, mà lại không đồng thời quyết định liệu và bằng cách nào mà các máy móc và công cụ đã đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục được sử dụng hoặc bị thanh lí. Chính các vấn đề thuộc dạng này, như mức độ chi tiết về mặt kỹ thuật, tiết kiệm vật liệu này thay vì vật liệu khác, hay bất cứ sự tiết kiệm nhỏ nhặt nào, mới là những thứ mang đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp; và ta sẽ phải lưu tâm đến những thứ này trong bất cứ bản kế hoạch tập trung nào nếu không muốn nó trở nên tốn công vô ích. Để có thể làm được như vậy, cần phải xem xét tất cả các máy móc, công cụ, hay nhà cửa, không chỉ như là một nhóm đối tượng vật chất tương tự nhau, mà phải như là những cá thể riêng rẽ, với tính hữu dụng của từng cá thể được xác định bởi trạng thái hư hỏng cụ thể của nó, vị trí của nó, v.v. Điều này cũng áp dụng tương tự đối với mỗi kiện hàng hóa được đặt ở mỗi vị trí khác nhau hoặc có điểm gì đó khác so với các kiện hàng hoá khác. Điều này có nghĩa là, để đạt được mức độ kinh tế mà hệ thống cạnh tranh mang lại trên khía cạnh này, thì các tính toán kinh tế của những cơ quan kế hoạch hóa tập trung phải coi toàn bộ các hàng hóa công cụ hiện có như là những cấu phần của vô số các loại hàng hóa riêng rẽ khác nhau. Đối với những hàng hóa thông thường, tức là những hàng hóa không lâu bền, bất kể trung gian hay cuối cùng, rõ ràng là số lượng các loại hàng hoá khác biệt sẽ lớn hơn gấp nhiều lần con số chúng ta có thể tưởng tượng nếu chúng được phân loại thuần tuý dựa trên các đặc điểm kỹ thuật. Hai hàng hóa tương tự về mặt kỹ thuật ở những nơi khác nhau, trong các gói khác nhau, hoặc ở độ tuổi khác nhau, thì không thể được coi là tương đương về tính hữu dụng đối với hầu hết các mục đích, ngay cả khi mức độ sử dụng hiệu quả tối thiểu được bảo đảm.

Giờ đây, vì trong một nền kinh tế chỉ đạo tập trung thì người quản lí của từng kế hoạch riêng lẻ sẽ bị tước đi sự tự chủ trong việc tùy ý thay thế loại hàng hóa này bằng loại hàng hóa khác, nên tất cả số lượng các đơn vị khác nhau khổng lồ này nhất thiết phải được đưa riêng rẽ vào trong các tính toán của cơ quan kế hoạch hóa. Rõ ràng là chỉ riêng nhiệm vụ liệt kê hàng hóa phục vụ mục đích thống kê đã vượt quá bất cứ công việc gì từng được thực hiện từ trước đến nay của dạng này. Nhưng đó không phải là tất cả. Thông tin mà cơ quan kế hoạch hóa tập trung cần đến cũng phải bao gồm một mô tả đầy đủ tất cả các tính năng kỹ thuật có liên quan của mỗi hàng hóa này, bao gồm cả chi phí vận chuyển tới bất kỳ nơi nào khác mà nó có thể được sử dụng đem lại lợi ích lớn hơn, chi phí sửa chữa hoặc thay thế, v.v.

Tuy nhiên điều này dẫn tới một vấn đề khác quan trọng hơn. Những mô hình trừu tượng mang tính lí thuyết thông dụng, được sử dụng để giải thích về trạng thái cân bằng trong một hệ thống cạnh tranh, chứa đựng các giả định cho rằng "có sẵn" một phạm vi kiến thức kỹ thuật nhất định. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các kiến thức kỹ thuật tốt nhất được tập trung ở một nơi nào đó trong một bộ óc, mà là có sẵn những người sở hữu tất cả các loại kiến thức, và nói chung trong số những người cạnh tranh cho một công việc cụ thể, thì người nào sử dụng kiến thức kỹ thuật một cách phù hợp nhất sẽ được tuyển dụng. Trong một xã hội kế hoạch hóa tập trung, việc lựa chọn phương pháp kỹ thuật thích hợp nhất trong số những phương pháp đã biết sẽ chỉ khả thi nếu các tính toán của cơ quan trung ương có khả năng sử dụng tất cả mọi kiến thức. Điều này có nghĩa là, trong thực tế những kiến thức này sẽ phải được tập trung trong đầu của một hay một vài người chịu trách nhiệm soạn thảo các phương trình để đưa ra triển khai. Không hề nói quá, đây là một ý tưởng ngớ ngẩn, ngay cả về khía cạnh tri thức vốn có thể được tuyên bố là "tồn tại" mọi lúc. Nhưng đa phần tri thức thực sự hữu dụng lại không hề "tồn tại" ở dạng sẵn có này. Hầu hết chúng nằm trong kỹ thuật tư duy vốn cho phép các kỹ sư riêng rẽ nhanh chóng tìm ra các giải pháp mới ngay khi anh ta đương đầu với hoàn cảnh mới. Để thừa nhận tính khả thi về mặt thực tiễn của các giải pháp định lượng này, chúng ta cần phải thừa nhận rằng sự tập trung tri thức ở chính quyền trung ương cũng sẽ bao gồm khả năng khám phá ra bất cứ sự cải tiến chi tiết nào thuộc dạng này3.

Để hiện thực hóa việc đưa ra các phương pháp sản xuất thích hợp cũng như số lượng hàng hóa được sản xuất, chúng ta cần phải có trước đó một bộ dữ liệu thứ ba - bộ dữ liệu về ý nghĩa tương đối của các loại và số lượng khác nhau của hàng hóa tiêu dùng. Trong một xã hội mà người tiêu dùng được tự do chi tiêu thu nhập của mình theo ý muốn, thì những dữ liệu này phải được thể hiện dưới dạng những bản danh sách đầy đủ về những lượng khác nhau của tất cả hàng hóa được mua tại bất cứ mức giá tổng hợp khả thi nào của các mặt hàng khác nhau có sẵn. Chắc chắn những con số này mang bản chất của việc ước tính cho tương lai dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ. Nhưng kinh nghiệm của quá khứ lại không thể cung cấp phạm vi kiến thức cần thiết, và bởi thị hiếu thay đổi lúc thế này lúc thế kia, các danh sách sẽ phải được sửa đổi liên tục.

Hiển nhiên là, chỉ riêng việc tổng hợp những dữ liệu này đã là nhiệm vụ vượt quá khả năng của con người. Tuy nhiên, để xã hội vận hành theo cách tập trung cũng hoạt động hữu hiệu như xã hội cạnh tranh dựa trên việc phân tán quyền thu thập các dữ liệu, thì công việc này phải được thực hiện. Nhưng tạm thời chúng ta hãy giả định rằng khó khăn này có thể vượt qua trong thực tế, vì đó là một "khó khăn đơn thuần của kỹ thuật thống kê" như được đáp trả với một thái độ khinh thường bởi hầu hết các nhà hoạch định. Đây chỉ là bước đầu tiên để giải quyết nhiệm vụ chính. Một khi dữ liệu được thu thập xong, thì cần phải tiếp tục xử lí để đưa ra các quyết định cụ thể. Giờ đây, quy mô của việc xử lí tính toán thiết yếu này phụ thuộc vào số lượng các ẩn số cần phải xác định. Số lượng các ẩn số này bằng với số lượng những loại hàng hóa cần được sản xuất. Như chúng ta đã thấy, chúng ta phải coi tất cả những sản phẩm cuối cùng được dự kiến hoàn thành vào những thời điểm khác nhau là các hàng hóa khác nhau, ở đây việc sản xuất chúng được bắt đầu hoặc được tiếp tục ở một thời điểm nhất định. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta khó có thể nói số lượng của chúng là bao nhiêu, nhưng nói không ngoa thì trong một xã hội khá phát triển, quy mô ít nhất cũng lên đến hàng trăm ngàn. Điều này có nghĩa là, ở mỗi thời điểm kế tiếp, một tập các quyết định phải dựa trên lời giải của một số lượng tương ứng những phương trình đồng thời khác nhau. Cho tới nay [1935], với mọi phương tiện đã biết, thì đó là một nhiệm vụ không thể thực hiện được trong một đời người. Tuy nhiên, các quyết định này không những phải được liên tục đưa ra, mà còn phải được truyền tải kịp thời đến những người thực thi chúng.

Chắc chắn người ta sẽ cho rằng việc tính toán chính xác như thế là không cần thiết, vì chính sự vận hành của hệ thống kinh tế hiệnah tại ở bất cứ đâu cũng không đạt tới nó. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Rõ ràng là chúng ta không bao giờ đạt tới trạng thái cân bằng được mô tả bởi lời giải của hệ thống các phương trình như vậy. Nhưng đó không phải là điểm mấu chốt. Chúng ta không nên trông đợi đạt được sự cân bằng trừ phi mọi thay đổi bên ngoài ngừng lại. Điều cốt yếu về hệ thống kinh tế hiện nay là, nó luôn phản ứng ở các mức độ khác nhau với tất cả những thay đổi và những sự khác biệt dù rất nhỏ. Để có thể kiểm soát được các tính toán, thì hệ thống tính toán mà chúng ta đang thảo luận sẽ buộc phải bỏ qua những khác biệt này. Với cách thức như vậy, quyết định duy lí sẽ không khả thi cho tất cả các vấn đề chi tiết, mà khi gộp lại, sẽ quyết định sự thành công của kế hoạch sản xuất.

Không rõ liệu có ai đó khi nhận ra quy mô của nhiệm vụ còn nghiêm túc đề xuất một hệ thống kế hoạch hóa dựa trên hệ thống các phương trình bao quát toàn bộ nữa hay không. Điều thực sự còn tồn tại trong tâm trí của những người đề xuất loại phân tích này chính là một niềm tin rằng, khởi đầu từ một hoàn cảnh nhất định, có lẽ là hoàn cảnh của xã hội tiền-tư bản (pre-existing capitalistic society), phương pháp thử-sai có thể dần dần dẫn đến sự thích nghi với những thay đổi nhỏ vốn xảy ra hằng ngày. Tuy nhiên, đề xuất này mắc phải hai sai lầm cơ bản. Thứ nhất, như đã chỉ ra nhiều lần, không thể chấp nhận được việc cho rằng những thay đổi trong các giá trị tương đối, gây ra bởi sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, là những thay đổi nhỏ, từ đó cho phép sử dụng các mức giá cả của hệ thống tiền-tư bản như là khởi điểm, và từ đó có thể tránh được sự tổ chức lại toàn bộ hệ thống giá cả. Nhưng ngay cả khi chúng ta lờ đi sự phản bác rất nghiêm túc này, thì cũng không có cơ sở dù là nhỏ nhất nào để cho rằng có thể giải quyết nhiệm vụ theo cách này. Chúng ta chỉ cần nhớ những khó khăn từ kinh nghiệm cố định các mức giá cả, ngay cả khi chỉ áp dụng cho một vài mặt hàng. Và chúng ta chỉ cần suy ngẫm xa hơn rằng, việc cố định các mức giá cả trong một hệ thống như vậy phải được áp dụng không chỉ cho một vài mà là cho tất cả các mặt hàng, dù là trung gian hay cuối cùng, và rằng nó phải dẫn đến sự thay đổi giá cả thường xuyên và đa dạng như sự thay đổi xảy ra hằng ngày hằng giờ trong xã hội tư bản, để thấy rằng đây không phải là cách để có thể đạt được kết quả xấp xỉ như giải pháp mà hệ thống cạnh tranh cung cấp. Hầu như mỗi sự thay đổi của bất cứ loại giá cả nào cũng tất yếu tạo ra sự thay đổi của hàng trăm loại giá cả khác, và hầu hết các thay đổi này không hề theo tỉ lệ, mà sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức độ khác nhau theo độ co dãn của cầu, bởi khả năng thay thế và những thay đổi khác trong phương pháp sản xuất. Chắc chắn đây là một ý tưởng ngớ ngẩn khi tưởng tượng rằng cơ quan trung ương có thể lần lượt thực hiện tất cả những điều chỉnh này khi thấy cần thiết, và rằng sau đó từng loại giá cả sẽ được cố định và lại được thay đổi cho tới khi đạt được mức độ cân bằng nhất định. Việc cho rằng giá cả có thể cố định dựa trên cơ sở của một cái nhìn tổng thể về hoàn cảnh ít nhất là điều có thể hình dung được, mặc dù nó hoàn toàn không khả thi; nhưng việc cố định giá cả theo mệnh lệnh dựa trên sự quan sát một mảnh nhỏ của hệ thống kinh tế là một nhiệm vụ không thể thực hiện được một cách duy lí dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nỗ lực theo hướng này sẽ, hoặc phải thực hiện theo lối của giải pháp toán học đã được thảo luận trên đây, hoặc phải từ bỏ hoàn toàn.

4

Vì các khó khăn này, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi trong thực tế, tất cả những ai thực sự cố gắng suy nghĩ đến cùng về vấn đề kế hoạch hóa tập trung đều thất vọng về khả năng giải quyết nó trong một thế giới mà ở đó mọi sở thích thoáng qua của người tiêu dùng có thể làm đảo lộn hoàn toàn các kế hoạch được cẩn thận vạch ra. Hiện nay, người ta ít nhiều đồng ý rằng quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng (và có lẽ cả quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp) và kế hoạch hóa từ trung ương là những mục tiêu mâu thuẫn. Nhưng điều này đã tạo ra cảm giác rằng bản chất thất thường của thị hiếu của người tiêu dùng là chướng ngại chính và duy nhất ngăn trở việc kế hoạch hóa thành công. Gần đây Maurice Dobb đã dựa trên tiền đề này để đi tới kết luận tất yếu về mặt logic qua việc khẳng định rằng, việc từ bỏ sự tự do của người tiêu dùng là đáng giá nếu sự hy sinh này làm cho chủ nghĩa xã hội trở nên khả thi4. Đây chắc chắn là một bước đi rất can đảm. Trong quá khứ, các nhà xã hội chủ nghĩa kiên định phản đối bất cứ đề xuất nào vốn cho rằng cuộc sống dưới (chế độ) xã hội chủ nghĩa sẽ giống với cuộc sống trong doanh trại, phục tùng chế độ đến từng chi tiết. Tiến sĩ Dobb xem những quan niệm này là lỗi thời. Nếu giả sử ông tuyên bố những quan điểm này với quần chúng có cảm tình với xã hội chủ nghĩa thì liệu ông có được nhiều người đi theo hay không? Nhưng đây không phải là vấn đề mà chúng ta cần bận tâm ở đây. Vấn đề ở đây là liệu nó có cung cấp giải pháp cho vấn đề của chúng ta hay không.

Tiến sĩ Dobb công khai thừa nhận rằng ông đã từ bỏ quan điểm cho rằng vấn đề có thể hoặc nên được giải quyết bằng một loại hệ thống định giá, mà tại đó, giá cả của các sản phẩm cuối cùng và giá cả của các nhân tố đầu tiên (original agents) cần được quyết định bằng một số loại thị trường, trong khi giá cả của tất cả các sản phẩm khác lại được xác định từ một hệ thống tính toán nhất định nào đó (Giờ đây người giữ quan điểm này là H. D. Dickinson và những người khác). Nhưng dường như ông bị mắc phải chứng hoang tưởng kỳ lạ khi cho rằng việc định giá là cần thiết chỉ là vì định kiến cho rằng cần phải tôn trọng sở thích của người tiêu dùng; và hệ quả là, ông cho rằng các phạm trù của lí thuyết kinh tế cũng như hầu như tất cả vấn đề về giá trị sẽ không còn ý nghĩa trong xã hội xã hội chủ nghĩa. "Nếu việc trả công bình đẳng chiếm ưu thế, thì sự định giá của thị trường tự nhiên [ipso facto] sẽ mất đi ý nghĩa được viện dẫn của nó, bởi chi phí tiền bạc sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả".

Giờ đây không thể phủ nhận rằng, ở một số khía cạnh, việc loại bỏ sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng sẽ làm đơn giản hóa vấn đề. Một trong các biến không ổn định sẽ được loại bỏ, và bằng cách này tần suất tái điều chỉnh tất yếu sẽ được giảm bớt phần nào. Nhưng niềm tin, như của tiến sĩ Dobb, rằng cách này sẽ loại bỏ sự cần thiết phải có một số hình thức định giá cũng như việc so sánh chính xác giữa chi phí và kết quả cho thấy vẫn chưa có sự ý thức đầy đủ về vấn đề đích thực. Giá cả sẽ không còn cần thiết chỉ khi ta có thể khẳng định rằng trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, sự sản xuất không có bất cứ một mục đích cụ thể nào, tức là nó sẽ không bị định hướng theo một trật tự rõ ràng nhất định về sở thích, dù đó là trật tự được ấn định một cách tùy tiện, và rằng nhà nước sẽ chỉ đơn giản tiến hành sản xuất một thứ gì đó và rồi người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận bất cứ thứ gì được sản xuất ra. Tiến sĩ Dobb đưa ra câu hỏi: vậy thiệt hại ở đây là gì. Câu trả lời là: hầu như tất cả mọi thứ. Quan điểm của ông chỉ đứng vững khi chi phí quyết định giá trị; do đó, chừng nào mà nguồn lực sẵn có vẫn được sử dụng bằng cách này hay cách khác, thì cách thức mà chúng được sử dụng sẽ không ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của chúng ta, bởi việc chúng được sử dụng chính là thực tế cho thấy chúng gán giá trị cho sản phẩm. Nhưng câu hỏi là chúng ta có ít hay nhiều hàng hoá để tiêu dùng, liệu chúng ta có duy trì hoặc nâng cao mức sống, hay liệu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh của người nô lệ luôn trên bờ vực chết đói hay không, điều này chủ yếu phụ thuộc vào cách thức chúng ta sử dụng các nguồn lực của mình. Sự khác nhau giữa việc phân phối kinh tế và không kinh tế, giữa sự kết hợp những nguồn lực kinh tế và không kinh tế giữa các ngành công nghiệp khác với nhau là sự khác nhau giữa sự khan hiếm và sự thừa thãi. Nhà độc tài, người tự sắp xếp trật tự các nhu cầu khác nhau của những thành viên khác nhau trong xã hội dựa trên quan điểm của ông ta về phẩm chất của họ, đã tự giải thoát mình ra khỏi những rắc rối trong việc tìm kiếm xem con người thực sự thích cái gì, và đã tránh được các nhiệm vụ bất khả thi trong việc kết hợp những thang đo riêng biệt vào một thang đo được đồng thuận chung, vốn thể hiện những ý tưởng chung về công bằng. Nhưng nếu ông ta muốn theo quy tắc này ở bất kì mức độ duy lí hay nhất quán nào, nếu ông ta muốn hiện thực hóa những gì ông ta xem là mục đích của cộng đồng, thì ông ta phải giải quyết tất cả vấn đề mà chúng ta đã thảo luận. Ông ta thậm chí còn không nhận ra rằng kế hoạch của ông ta không bị phá vỡ bởi những thay đổi không thể tiên lượng được, vì rằng các thay đổi thị hiếu tuyệt nhiên không phải là những thay đổi duy nhất, và có lẽ không phải là các thay đổi quan trọng nhất vốn không thể lường trước. Những thay đổi về thời tiết, về số lượng người dân hoặc tình trạng sức khỏe của người dân, sự cố của máy móc, sự phát hiện hoặc sự thiếu hụt đột ngột trữ lượng khoáng sản, và hàng trăm thay đổi liên tục khác sẽ khiến ông ta cần phải liên tục tái xây dựng các kế hoạch. Khoảng cách đến với hành động thực sự khả thi cũng như các chướng ngại đối với hành động duy lí sẽ chỉ được giảm nhẹ với cái giá phải trả là sự hy sinh một lí tưởng, thứ mà một vài người khi nhận ra ý nghĩa của nó sẽ sẵn sàng từ bỏ.

Chú thích:

(1) F. M. Taylor, "The Guidance of Production in a Socialist State", American Economic Review, Tập XIX (1929); W. C. Roper, The Problem of Pricing in a Socialist State (Cambridge, Mass., 1929); H. D. Dickinson, "Price Formation in a Socialist Community", Economic Journal, 7, 1933.

(2) "Ministry of Production in the Collectivist State", trong Phụ lục của Collectivist Economic Planning (London: George Routledge & Sons, Ltd., 1935).

(3) Về vấn đề tổng quát hơn liên quan đến việc thử nghiệm và sử dụng các phát minh mới, v.v. xin xem bên dưới, trang 164.

(4) Xem bài báo "Economic Theory and the Problem of a Socialist Economy", Economic Journal, 12, 1933. Gần đây (trong tác phẩm Political Economy of Capitalism [London, 1937], tr. 310 của ông) tiến sĩ Dobb đã bác bỏ cách giải thích này về phát biểu trước đó của ông, nhưng khi đọc lại nó tôi thấy rất khó để giải thích nó theo nghĩa khác.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016