Kinh doanh “tự do” và trật tự cạnh tranh (Phần 1/2)

Kinh doanh “tự do” và trật tự cạnh tranh (Phần 1/2)

1

Nếu trong vài năm tiếp theo, tức là trong giai đoạn chỉ còn lại những vấn đề mà các chính trị gia hoạt động thực tiễn quan tâm, tiếp tục xu hướng chính quyền ngày càng kiểm soát nhiều hơn diễn ra tại phần lớn các khu vực trên thế giới, thì nguyên nhân chủ yếu là do những nhóm người muốn chống lại xu hướng này thiếu một chương trình thực tế, hoặc nói chính xác hơn, thiếu một triết lí nhất quán. Vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn tình trạng cụm từ “thiếu chương trình” có thể diễn tả; thực tế là, hầu như ở khắp mọi nơi, các nhóm giả bộ phản đối chủ nghĩa xã hội đồng thời cũng là các nhóm ủng hộ những chính sách mà nếu khái quát hóa các nguyên tắc nền tảng của chúng thì sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội chẳng khác gì những chính sách do chính những người theo chủ nghĩa xã hội đề xuất. Đúng là, cần phải chế nhạo những kẻ giả vờ bảo vệ “kinh doanh tự do” nhưng trên thực tế lại là những kẻ bảo vệ đặc quyền đặc lợi, những kẻ ủng hộ những hoạt động của chính quyền mang lại đặc quyền đặc lợi cho mình thay vì phản đối toàn bộ mọi đặc quyền đặc lợi. Trên nguyên tắc, các chính sách bảo hộ ngành, hình thành những tập đoàn có sự hỗ trợ của chính quyền, và bảo vệ nền nông nghiệp do những nhóm bảo thủ đề xuất không khác gì các đề xuất tăng cường quản lí đời sống kinh tế do những người xã hội chủ nghĩa đưa ra. Những người ủng hộ chính sách can thiệp bảo thủ hơn tin rằng họ có thể giới hạn những biện pháp kiểm soát của chính phủ vào những hình thức cụ thể, được họ chấp thuận, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Trong một xã hội dân chủ, dù ở mức độ nào, khi người ta công nhận nguyên tắc, theo đó, chính phủ chịu trách nhiệm cho tình trạng và địa vị của những nhóm người cụ thể nào đó thì chắc chắn là biện pháp kiểm soát này sẽ được mở rộng nhằm đáp ứng nguyện vọng và thành kiến của đám đông dân chúng. Hi vọng có lại một hệ thống kinh doanh tự do hơn là không thể cho đến chừng nào các nhà lãnh đạo phong trào chống lại sự kiểm soát của nhà nước sẵn sàng đi tiên phong trong việc tuân thủ kỷ luật của một thị trường cạnh tranh mà họ đề nghị quần chúng chấp nhận. Trong tương lai gần, hi vọng này là bất khả vì rằng không ở đâu tồn tại một nhóm chính trị có tổ chức ủng hộ cho hệ thống kinh doanh thật sự tự do.

Rất có thể, từ góc nhìn của mình, các chính khách hoạt động thực tiễn đã đúng khi cho rằng với thực trạng công luận như hiện nay thì không thể nào làm khác được. Nhưng cái được coi là giới hạn thực thi đối với chính trị gia do áp lực của công luận hẳn sẽ không phải là giới hạn đối với chúng ta. Công luận về những vấn đề này chính là kết quả của công việc tạo ra bởi những người như chúng ta, các nhà kinh tế học và triết học trong lĩnh vực chính trị của mấy thế hệ vừa qua, những người đã tạo ra bầu không khí chính trị mà các chính trị gia của chúng ta đang hoạt động. Tôi thường không đồng ý với Lord Keynes đã quá cố, nhưng ông hoàn toàn có lí khi viết về chủ đề mà kinh nghiệm của chính ông đã giúp ông có đủ thẩm quyền phát biểu: “những tư tưởng của các nhà kinh tế học và triết học trong lĩnh vực chính trị, cả khi họ đúng lẫn khi họ sai, có sức mạnh lớn hơn là người ta thường nghĩ. Thực tế, chính họ là những người cai trị thế giới. Những kẻ điên rồ đang cầm quyền, tức là những kẻ nghe thấy tiếng nói trong không khí, thu lượm những ý nghĩ điên rồ của mình từ tác phẩm của những người cầm bút cẩu thả trong giới hàn lâm cách đó mấy năm. Tôi tin chắc rằng sức mạnh của các nhóm lợi ích đã bị phóng đại rất nhiều, nếu so sánh với sự gia tăng ảnh hưởng một cách từ từ của các ý tưởng. Vâng, nó không diễn ra ngay lập tức, mà phải sau một khoảng thời gian nhất định; vì trong lĩnh vực kinh tế và triết học chính trị không có nhiều người ngoài 25 hay 30 tuổi vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những lí thuyết mới, cho nên, các tư tưởng được các công chức và các chính trị gia và thậm chí là những người cổ động áp dụng thường không phải là các tư tưởng mới nhất. Nhưng, trước sau gì thì tư tưởng, chứ không phải các nhóm lợi ích, mới trở thành mối đe dọa đối với cả điều thiện lẫn điều ác”1.

Nhiệm vụ của chúng ta cần phải được nhìn từ quan điểm dài hạn như thế. Chúng ta cần quan tâm tới những niềm tin cần phải được truyền bá, đấy là nói nếu chúng ta muốn giữ gìn hoặc khôi phục xã hội tự do, thay vì quan tâm tới những giải pháp khả thi trong thời điểm hiện tại. Nhưng, trong khi chúng ta phải tự giải thoát mình khỏi tình trạng lệ thuộc vào những thành kiến mà các chính trị gia đang mắc phải thì chúng ta vẫn phải đánh giá một cách tỉnh táo xem cần truyền đạt và thuyết phục cái gì. Liên quan đến những phương tiện cần sử dụng và những phương pháp cần nắm bắt, chúng ta có thể hy vọng rằng xã hội có thể tiếp nhận được những luận cứ hợp lí ở mức độ nào đó; dù có như vậy thì có lẽ chúng ta phải giả định rằng rất nhiều giá trị cơ bản và tiêu chuẩn đạo đức của xã hội thường là thứ cố định trong một khoảng thời gian khá dài, và ở một mức độ nào đó, có thể nằm ngoài phạm vi lí luận. Ở mức độ nào đó, nhiệm vụ của chúng ta, có thể là ngay tại đây, là phải chỉ ra rằng những mục tiêu mà thế hệ của chúng ta đề ra cho mình là không tương thích hoặc mâu thuẫn với nhau, và do đó theo đuổi một số mục tiêu sẽ gây nguy hiểm cho những giá trị còn quan trọng hơn. Nhưng, có lẽ chúng ta cũng thấy rằng, trên một số khía cạnh, trong một trăm năm vừa qua, một số mục tiêu đạo đức nhất định đã ăn sâu bén rễ, và xã hội tự do có thể tìm ra được những biện pháp phù hợp để đáp ứng những mục tiêu này. Ngay cả khi có thể không hoàn toàn đồng ý với nhau về tầm quan trọng được gán cho một số giá trị mới này, thì chúng ta vẫn có thể giả định được rằng những giá trị này sẽ quyết định hành động của dân chúng trong một thời gian dài nữa, và chúng ta sẽ phải cân nhắc cẩn trọng xem có thể dành cho chúng vị trí nào trong xã hội tự do. Tất nhiên, tôi nghĩ trước tiên đến những đòi hỏi cần đảm bảo an ninh tốt hơn và bình đẳng hơn. Tôi cho rằng, trong cả hai trường hợp, cần có sự phân biệt rõ ràng, trong xã hội tự do, “an ninh” và “bình đẳng” có thể được bảo đảm theo nghĩa nào và không thể được bảo đảm theo nghĩa nào.

Tuy nhiên, còn một lí do nữa mà tôi nghĩ chúng ta phải đặc biệt chú ý đến đạo đức của con người hiện đại, đấy là nếu chúng ta muốn chuyển năng lượng của họ khỏi các chính sách có hại mà họ đang cống hiến hết mình sang những nỗ lực mới nhân danh tự do cá nhân. Khi chúng ta chưa xác định được nhiệm vụ rõ ràng cho những người có lòng nhiệt tình cải cách, khi chúng ta chưa thể chỉ ra những cuộc cải cách mà người có lòng vị tha có thể đấu tranh - trong khuôn khổ của cương lĩnh vì tự do - thì lòng nhiệt tình mang tính đạo đức của họ chắc chắn sẽ bị người ta sử dụng nhằm chống lại tự do. Có lẽ sai lầm chiến thuật nguy hại nhất của nhiều người theo phái tự do thế kỷ XIX là họ đã tạo ra ấn tượng cho rằng từ bỏ tất cả các hoạt động có hại hoặc không cần thiết của nhà nước là đỉnh cao của sự khôn ngoan về chính trị và rằng bằng cách nào để nhà nước phải sử dụng những quyền lực mà không ai có thể phủ nhận theo hướng không đưa ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào, sao cho những con người lí trí vẫn có thể bất đồng với nhau.

Tất nhiên, không phải tất cả những người theo phái tự do thế kỷ XIX đều như vậy. Khoảng một trăm năm trước, John Stuart Mill, lúc đó vẫn còn là người theo phái tự do đích thực, đã nêu ra một trong những vấn đề chính của chúng ta hiện nay bằng những từ ngữ không thể nào lầm lẫn được. Ông viết trong lần xuất bản đầu tiên tác phẩm Political Economy [Kinh tế chính trị học] của mình như sau: “Nguyên tắc sở hữu tư nhân chưa bao giờ được thử nghiệm một cách công bằng ở bất cứ nước nào. Những bộ luật về quyền sở hữu chưa bao giờ được soạn thảo phù hợp với những nguyên tắc dùng để biện hộ cho sở hữu tư nhân. Những bộ luật này đã trao quyền sở hữu những thứ đáng lẽ không bao giờ được trao quyền sở hữu và trao quyền sở hữu tuyệt đối những thứ mà lẽ ra chỉ được hưởng quyền sở hữu một cách hạn chế... Nếu các nhà lập pháp có xu hướng ủng hộ quá trình khuếch tán chứ không phải tập trung của cải, khuyến khích việc chia tách các món tài sản lớn chứ không phải cố gắng giữ chúng lại với nhau; thì nguyên tắc sở hữu tư nhân sẽ chẳng có quan hệ thực sự nào với những tổn hại về vật chất và xã hội, điều đã thôi thúc không biết bao nhiêu bộ óc tìm cách làm giảm nhẹ, dù chúng có vô lí đến mức nào”2. Nhưng trên thực tế, người ta đã chẳng làm được bao nhiêu nhằm đưa những bộ luật về sở hữu phù hợp hơn với những nguyên tắc dùng để biện hộ cho sở hữu tư nhân, và chính Mill, tương tự như rất nhiều người khác, đã nhanh chóng quay sang những đề án nhằm giới hạn hoặc bãi bỏ sở hữu tư nhân chứ không phải là sử dụng sở hữu tư nhân một cách hiệu quả hơn.

Dù có thể là hơi phóng đại, nhưng sẽ không hoàn toàn sai khi nói rằng chính việc giải thích những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa tự do là sự vắng mặt của các hoạt động của nhà nước thay vì là sự áp dụng một cách có chủ ý những chính sách cạnh tranh, thị trường và giá cả như là nguyên tắc tạo ra trật tự và sử dụng khuôn khổ pháp lí được nhà nước đảm bảo thực thi nhằm làm cho cạnh tranh trở nên hiệu quả và có lợi nhất - và giúp cho ở những nơi, và chỉ ở những nơi mà cạnh tranh không hiệu quả - phải chịu trách nhiệm cho sự suy giảm của cạnh tranh chẳng khác gì việc chính phủ tích cực ủng hộ một cách trực tiếp và gián tiếp nhằm giúp cho độc quyền gia tăng. Luận điểm tổng quát đầu tiên mà chúng ta sẽ phải cân nhắc là cạnh tranh có thể hiệu quả hơn và có lợi hơn nhờ một số hoạt động của chính phủ chứ không phải là không có những hoạt động như thế. Khi đề cập đến một số hoạt động này thì tôi chưa thấy có ai phủ nhận, nhưng với việc mọi người chỉ thi thoảng nhắc đến chúng thì có vẻ như là chúng đã bị rơi vào quên lãng. Người ta luôn luôn cho rằng, để thị trường hoạt động, thì đương nhiên là cần có giả định trước không chỉ về việc ngăn chặn bạo lực và gian lận mà còn về bảo vệ các quyền, như quyền sở hữu, và đảm bảo thực thi hợp đồng. Thảo luận theo cách truyền thống trở nên không thể chấp nhận được vì nó đưa ra khuyến nghị rằng, với việc công nhận những nguyên tắc của quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do hợp đồng, mà bất cứ người theo phái tự do nào cũng phải công nhận, thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết, cứ như thể là luật pháp về quyền sở hữu và hợp đồng đã được soạn thảo một lần và mãi mãi dưới hình thức cuối cùng và phù hợp của nó, tức là, dưới hình thức làm cho thị trường hoạt động một cách tốt nhất. Nhưng sự thực là, sau khi chúng ta đã đồng thuận về những nguyên tắc này thì các vấn đề thực tế mới nảy sinh.

Đó chính là điều mà tôi muốn nhấn mạnh khi gọi chủ đề cuộc thảo luận này là “Kinh doanh “tự do” và trật tự cạnh tranh”. Hai khái niệm này không nhất thiết nói về cùng một hệ thống, và chúng ta muốn hệ thống được mô tả bằng khái niệm thứ hai. Có lẽ cần nói thêm ngay rằng thuật ngữ “trật tự cạnh tranh” mà tôi dùng ở đây gần như ngược với cái thường được người ta gọi là “cạnh tranh trong trật tự”. Mục đích của trật tự cạnh tranh là để cho cạnh tranh hoạt động; còn mục đích của cái gọi là “cạnh tranh trong trật tự” hầu như bao giờ cũng là nhằm hạn chế hiệu quả của cạnh tranh. Nếu hiểu như thế thì chủ đề của chúng ta ngay từ đầu đã khác với cách tiếp cận của cả những nhà lập kế hoạch bảo thủ lẫn những người xã hội chủ nghĩa.

Trong phần khảo sát có tính đề dẫn này, tôi chỉ liệt kê những vấn đề chính mà chúng ta phải thảo luận và để cho những diễn giả tiếp theo trình bày một cách chi tiết. Có lẽ tôi nên bắt đầu bằng cách nhấn mạnh thêm một điểm mà trước đây tôi đã từng đưa ra, đó là, dù rằng mối quan tâm chính của chúng ta là phải làm cho thị trường hoạt động ở bất cứ nơi nào nó có thể, thì chúng ta cũng không được phép quên rằng trong xã hội hiện đại có khá nhiều dịch vụ cần thiết, ví dụ như vệ sinh và y tế, mà thị trường có thể không cung cấp được vì lí do hiển nhiên là không thể áp bất cứ mức giá nào cho người được thụ hưởng, hoặc nói một cách đúng hơn là, chúng ta không thể giới hạn chỉ cung cấp các dịch vụ đó cho những người sẵn sàng hay có khả năng thanh toán. Có một số ví dụ rõ ràng tương tự những trường hợp mà tôi đã nói tới, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, ở một mức độ nào đó, dần dần xuất hiện xu hướng cho phép toàn bộ các dịch vụ liên quan có thể được bán cho bất cứ ai muốn mua. Trước sau gì thì chúng ta cũng vẫn phải xem xét những loại dịch vụ nào chúng ta luôn kỳ vọng các chính phủ sẽ cung cấp ngoài cơ chế thị trường và mức độ mà các chính phủ phải làm những công việc này trên thực tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường.

2

Tôi còn phải nói đến hai nhóm vấn đề liên quan đến những điều kiện tiên quyết của trật tự cạnh tranh thay vì chỉ về cái mà người ta có thể gọi là chính sách thị trường. Trước hết, cần phải có chính sách tiền tệ và tài chính như thế nào để đảm bảo có sự ổn định phù hợp trong lĩnh vực kinh tế. Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng biện pháp làm giảm lượng thất nghiệp theo chu kỳ phụ thuộc, ít nhất là một phần, vào chính sách tiền tệ. Khi quay sang những vấn đề này, một trong những mối quan tâm chính của chúng ta sẽ là mức độ chúng ta có thể làm cho việc quản lí tiền tệ được tự động hoá hơn hoặc dễ tiên đoán hơn do nó bị ràng buộc bởi những quy tắc cố định. Vấn đề lớn thứ hai mà chúng ta phải có câu trả lời tương đối xác định mà không đi vào chi tiết trong giai đoạn này là, trong xã hội hiện đại, chúng ta phải coi việc trợ giúp cho những người thất nghiệp và những người nghèo không tìm được việc làm là điều gì đó đương nhiên. Cái đáng quan tâm ở đây không phải là cần phải giúp họ hay không mà là giúp như thế nào thì sẽ có ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của thị trường.

Tôi đề cập đến những vấn đề này chủ yếu là để phân định rõ chủ đề chính của mình. Trước khi chuyển sang liệt kê những vấn đề mà tôi tự lựa chọn, tôi chỉ muốn nói thêm rằng tôi nghĩ những người theo phái tự do càng chia rẽ với nhau về chủ đề này càng nhiều thì càng tốt; rất nên như thế. Điều cần nhất là làm thế nào để những câu hỏi về chính sách cho trật tự cạnh tranh lại trở thành vấn đề sống động và được đem ra thảo luận công khai; và nếu chúng ta làm cho mọi người quan tâm tới những vấn đề này thì đã là đóng góp quan trọng rồi.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) J. M. Keynes, The General Theory of Employment, Interest, and Money (London, 1936), tr. 383-84.

(2) Principles of Political Economy (1st ed.), Book II, chap. 1, §5 (Vol. I, tr. 253).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 6, NXB Tri thức, 2016