[Nền luân lý tự do] Tài sản và tội phạm

[Nền luân lý tự do] Tài sản và tội phạm

Ta có thể định nghĩa kẻ phạm tội là người mà xâm phạm thân thể hoặc tài sản được tạo ra bởi người khác. Kẻ phạm tội là bất cứ ai mà sử dụng bạo lực chống lại người khác cũng như tài sản của người khác: tức bất cứ ai sử dụng “phương tiện chính trị” mang tính cưỡng bức để có được hàng hóa và dịch vụ.1

Tuy nhiên, giờ thì những vấn đề mấu chốt mới nổi lên; quả thực bây giờ chúng ta đang ở ngay chính giữa toàn bộ vấn đề về tự do, tài sản và bạo lực trong xã hội. Ta có thể làm sáng tỏ câu hỏi then chốt – và thật đen đủi là các lí thuyết gia về tự do cá nhân đã gần như hoàn toàn thờ ơ với nó – bằng thí dụ sau:

Giả sử chúng ta đang đi giữa đường và chứng kiến một người A đang túm lấy cổ tay của B và giật lấy đồng hồ đeo tay của anh ta. Không nghi ngờ gì rằng A đang xâm phạm đến thân thể lẫn tài sản của B. Liệu ta có thể suy ra từ cảnh tượng này rằng A đã phạm tội gây hấn, còn B là nạn nhân vô tội?

Hẳn nhiên là không – vì từ quan sát của chính chúng ta, chúng ta đơn giản không thể biết được rằng A quả thực là một kẻ đạo chích hay A chỉ đơn thuần là tái đoạt chiếc đồng hồ của mình mà trước đó B đã lấy trộm từ anh ta. Nói tóm lại, trong khi không nghi ngờ gì rằng chiếc đồng hồ là tài sản của B cho đến khi A tấn công anh ta, chúng ta không biết được rằng liệu A có từng là chủ nhân chính đáng của nó trước khi bị B cướp hay không. Thế nên, chúng ta hãy còn chưa biết được ai trong hai người kia là chủ nhân hợp pháp hay chính đáng của tài sản. Ta chỉ có thể tìm được lời giải đáp qua việc điều tra chứng cứ cụ thể cho một vụ việc cụ thể, nói cách khác, qua truy vấn lịch sử.

Do đó, chúng ta không thể đơn giản nói rằng cái quy tắc đạo đức hiển nhiên của một xã hội tự do cá nhân là sự bảo đảm cho quyền tài sản, chấm hết. Vì kẻ phạm tội không có bất cứ một quyền tự nhiên nào để giữ lại tài sản mà y đã ăn cắp; kẻ xâm phạm không có bất cứ quyền nào để yêu sách thứ tài sản mà y đã có được bằng cách đi xâm phạm. Thế nên, ta phải bổ nghĩa hay đúng hơn là làm sáng tỏ cái quy tắc cơ bản cho một xã hội tự do cá nhân, bằng cách phát biểu rằng không ai có quyền xâm phạm lên tài sản hợp pháp hay chính đáng của một người khác.

Nói ngắn gọn, chúng ta không thể đơn giản khơi khơi biện hộ cho “quyền tài sản” hay cho “tài sản tư”. Bởi nếu ta làm thế, có nguy cơ tai hại là chúng ta biện hộ cho “quyền tài sản” của một kẻ phạm tội – trên thực tế, về logic, chúng ta buộc phải làm thế. Thành ra chúng ta chỉ có thể phát biểu biện hộ cho tài sản hợp pháp hay chính đáng hoặc có chăng là “tài sản tự nhiên” mà thôi. Và điều nãy hàm nghĩa rằng, trong các vụ việc cụ thể, ta phải quyết định liệu một hành động bạo lực nào đó là xâm phạm hay chỉ nhằm để tự vệ, thí dụ, liệu đó là tình huống có kẻ trấn lột một nạn nhân, hay là một nạn nhân cố tái đoạt tài sản của anh ta.

Cách nhìn thế giới như thế có một hàm ý trọng yếu khác, đó là phế bỏ hoàn toàn cách nhìn công lợi [utilitarian] về các quyền tài sản cũng như về thị trường tự do. Bởi những người theo thuyết công lợi, những người mà không có bất cứ ý niệm nào về công lý chứ đừng nói đến lí thuyết, không tránh khỏi rơi vào cái nhìn võ đoán, bột phát vốn cho rằng tất cả các quyền sở hữu tài sản tư ở mọi nơi mọi lúc đều phải được xem là hợp lệ và đáng được bảo vệ chống lại sự xâm phạm.2 Thực chất, đây chính là cách tiếp cận cố hữu mà những kinh tế gia thị trường tự do theo thuyết công lợi luận giải vấn đề về quyền tài sản. Tuy vậy, cần lưu ý rằng những người theo thuyết công lợi đã đưa vào thảo luận của mình một thứ luân lí không được sát hạch: rằng tất cả các hàng hóa mà “hiện thời” (tức tại thời gian và địa điểm mà cuộc thảo luận diễn ra) được xem là tài sản tư phải được thừa nhận và bảo vệ như chúng vốn là. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tất cả các quyền sở hữu tài sản tư được xác lập bởi bất cứ chính quyền hiện có nào (vốn là cơ quan mà ở bất cứ nơi đâu đều chiếm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản) đều phải được thừa nhận như đã xác lập. Đây là một thứ luân lí bàng quan với tất cả các suy xét về công lí, và nó, một cách logic, bị đẩy đến một kết luận cho rằng phải bảo vệ bất cứ kẻ phạm tội nào có tài sản mà hắn đã chiếm đoạt trước đó. Ta đi đến kết luận rằng sự tán dương ngây thơ của những người theo chủ thuyết công lợi dành cho thị trường tự do dựa trên tất cả các quyền sở hữu tài sản hiện có là phi lí và hư vô về luân lí3.

Tuy nhiên, tôi tin rằng động cơ thực sự dẫn đến sự thay đổi về xã hội và chính trị trong thời đại chúng ta là sự phẫn nộ về đạo đức đối với lý thuyết ngụy biện về giá trị thặng dư: rằng những nhà tư bản đã ăn cướp tài sản chính đáng của người lao động, và do đó, các quyền sở hữu hiện có đối với tư bản tích lũy là bất công. Với giả thiết này, hậu quả của động lực thúc đẩy cả chủ thuyết Marxist lẫn chủ thuyết nghiệp-đoàn–vô-chính-phủ [anarcho-syndicalism] diễn ra một cách hợp logic. Khi lĩnh hội được thứ mà nhìn vào có vẻ là bất công ghê gớm này, người ta phun ra những đòi hỏi phải “truất hữu những kẻ bóc lột”, và với cả hai chủ thuyết, người ta đòi hỏi một dạng thức nào đó để “thu hồi” tài sản và đặt quyền kiểm soát tài sản vào tay những người công nhân.4 Ta không thể hoàn toàn phản pháo lí luận của họ bằng các cách ngôn [maxim] của kinh tế học hay triết học công lợi, mà chỉ có thể bằng cách giải quyết dứt điểm vấn đề đạo đức cũng như vấn đề công bằng/bất công đối với các tuyên bố về quyền tài sản.

Các quan niệm Marxist không thể bị bác bỏ bằng lời tán tụng của những người theo thuyết công lợi về “hòa bình xã hội”. Hòa bình xã hội nghe có vẻ tuyệt vời thật, nhưng về bản chất, hòa bình đích thực là sự thụ hưởng tài sản chính đáng một cách yên ổn, không có nhiễu phiền, và nếu một hệ thống xã hội được đặt nền móng trên những quyền sở hữu tài sản bất chính ghê tởm, thì việc không đả động tới chúng không những không phải là hòa bình, mà tệ hơn còn là tường cao hào sâu bảo vệ cho sự xâm phạm thường trực. Cũng không thể bác bỏ các quan điểm Marxist bằng cách lên án chúng sử dụng các phương thức bạo lực cho việc lật đổ. Hẳn là có một tín điều kiên định – dù rằng tôi không đồng thuận với nó – rằng không ai được phép sử dụng bạo lực chống lại một người khác: dù đó là cả khi nạn nhân chống lại kẻ phạm tội. Nhưng ở đây, thứ quan niệm đầy đức hạnh đó của Tolstoy và Gandhi không thực sự liên quan, vì điểm cốt lõi của vấn đề là liệu, về mặt đạo đức, nạn nhân có quyền sử dụng bạo lực để bảo vệ thân thể hay tài sản của mình khi bị tội phạm tấn công, hay để tái chiếm tài sản từ tay kẻ phạm tội hay không. Những người Tolstoyan có thể thừa nhận thứ quyền đó cho nạn nhân, nhưng có thể lại ra sức thuyết phục anh ta không nên sử dụng nó nhân danh thứ đức hạnh cao hơn. Dù vậy, điều này lại đẩy chúng ta ra xa khỏi cuộc thảo luận và chạm tới những phạm vi rộng hơn của triết học luân lí. Tôi muốn nói thêm rằng những người hoàn toàn chống lại bạo lực như thế sẽ phải nhất quán với chủ trương không trừng phạt những kẻ phạm tội bằng các phương thức bạo lực. Hãy lưu ý, điều này không chỉ hàm nghĩa việc phải tránh phương án tử hình, mà còn tránh tất cả mọi hình phạt dù nó có là gì đi nữa, và thực chất, tránh tất cả các phương thức tự vệ sử dụng vũ lực mà có thể mường tượng ra là sẽ làm tổn thương kẻ gây hấn. Tóm lại, những người Tolstoyan không được sử dụng vũ lực để ngăn cản ai đó hãm hiếp em gái của mình nếu nhất nhất áp dụng thứ khuôn sáo dã man kia, cái mà ta sẽ có dịp để quay lại thảo luận.

Vấn đề ở đây là chỉ những người Tolstoyan mới đủ thẩm quyền phản đối việc sử dụng bạo lực để nhổ bật các nhóm tội phạm cát cứ; còn tất những người khác mà không theo tư tưởng của Tolstoy đều thiên về việc sử dụng vũ lực và bạo lực nhằm tự vệ trước những kẻ phạm tội gây hấn và trừng phạt những kẻ này. Thành thử, nếu không phải là thánh nhân, thì bạn phải quay sang ủng hộ đạo lí sử dụng vũ lực nhằm lật đổ tội phạm cát cứ. Nếu thế, ta phải quay về với câu hỏi trọng yếu: ai là kẻ phạm tội, và vì thế ai là kẻ xâm phạm? Hoặc nói cách khác, sử dụng vũ lực chống lại ai mới là chính đáng? Và nếu ta thừa nhận rằng tài sản của những nhà tư bản là không chính đáng về mặt đạo đức, thì ta không thể chối bỏ quyền của những người công nhân sử dụng bất cứ vũ lực cần thiết nào để trưng thu tài sản, như ví dụ trên về A, anh ta có quyền tái đoạt chiếc đồng hồ của mình bằng vũ lực nếu trước đó B đã lấy nó từ anh ta.

Vì lẽ đó, phản luận đích thực duy nhất chống lại việc những người theo chủ nghĩa Marx thực hiện cuộc cách mạng là khẳng định rằng tài sản của những nhà tư bản là chính đáng chứ không phải là bất chính, và do đó, việc những người công nhân hay bất cứ ai khác trưng thu các tài sản này là hành động bất chính và tội lỗi. Nhưng điều này hàm ý rằng ta phải đi vào vấn đề công lí trong các tuyên bố về quyền tài sản, và xa hơn, điều đó có nghĩa rằng ta không thể lảng tránh việc mình chỉ đang cố bác bỏ các luận điệu cách mạng theo lối hào nhoáng bề ngoài bằng việc tùy tiện đặt tấm khiên “công lý” lên các quyền tài sản hiện có. Làm như thế thì khó mà thuyết phục được những người vốn dĩ đang tin rằng họ, cũng như những người khác đang bị áp bức đến cùng cực và liên tục bị tước đoạt. Nhưng điều này cũng hàm nghĩa rằng ta phải sẵn sàng phát lộ những trường hợp trên thế giới mà ở đó việc truất hữu những quyền tài sản hiện có có thể biện minh được về mặt đạo đức, vì rằng những quyền tài sản này bản chất đã là bất chính và tội lỗi.

Hãy sử dụng một ví dụ nữa để làm sáng tỏ luận điểm của chúng ta ở đây. Để sử dụng phép trừu tượng hóa xuất sắc của Ludwig von Mises nhằm trách thói đa cảm, hãy giả định rằng chúng ta có quốc gia “Ruritania”. Ruritania bị thống trị bởi một tay quốc vương, hắn chà đạp lên quyền và tài sản chính đáng của dân chúng đến cùng cực. Một làn sóng tự do cá nhân được xiển dương ở Ruritania thuyết phục được đại đa số dân chúng rằng chế độ đầy tội lỗi này phải được thay thế bằng một xã hội tự do cá nhân đích thực, mà ở đó các quyền của mỗi người đối với thân thể, tài sản mà anh ta tìm ra và tạo ra được tôn trọng tuyệt đối. Khi nhận ra rằng cuộc nổi loạn rồi sẽ thành công, tay quốc vương nảy ra một mưu mô xảo trá. Y tuyên bố sẽ giải tán chính quyền của mình; nhưng trước đó, y đã tùy nghi chia chác đất đai của vương quốc cho bản thân mình và đám bà con thân tộc của y. Sau đó y nói với những người theo tư tưởng tự do cá nhân đang nổi loạn rằng: “Tốt thôi, ta thuận theo ý muốn của các ngươi, ta đã tự phế bỏ quyền cai trị của mình; bây giờ ta không còn can thiệp thô bạo đến bất cứ tài sản tư nào nữa. Tuy nhiên, ta và mười một hoàng thân khác, mỗi người sở hữu một phần mười hai lãnh thổ của Ruritania, và nếu các ngươi động đến quyền sở hữu của chúng ta bằng bất kỳ cách nào, thì có nghĩa rằng bọn bay đã chà đạp lên tính ràng buộc của thứ nguyên lí cơ bản mà tụi bay rao giảng: sự bất khả xâm phạm của tài sản . Thế nên, trong khi bọn ta sẽ không còn đánh thuế má gì nữa, bọn bay phải công nhận rằng mỗi người trong chúng ta được phép tùy ý thu “địa tô” trên đất bọn ta sở hữu, hoặc quy định quản lý theo cách mà bọn ta thấy là thích hợp đối với cuộc sống của những đứa hiện sống trên tài sản của bọn ta. Theo cách này, thuế má sẽ bị thay thế bởi “địa tô tư”!”

Những người theo tư tưởng tự do cá nhân đang nổi loạn phải đáp trả thách thức ngang ngược này như thế nào? Nếu họ là những người theo thuyết công lợi thuần thành, họ sẽ đầu hàng ngón nghề bịp bợm này, và cam chịu sống dưới một chế độ không kém chuyên quyền hơn thứ mà họ đã trường kỳ đấu tranh chống lại. Thực chất, có lẽ chế độ đó sẽ còn chuyên quyền hơn, vì giờ gã quốc vương và đám hoàng thân có thể tự ra yêu sách bằng chính nguyên lí của những người tự do cá nhân về quyền tuyệt đối đối với tài sản tư, cái quyền tuyệt đối mà thậm chí chúng chẳng dám hé răng đề cập đến trước đó.

Phải nói cho rõ rằng, để phơi bày trò bịp bợm này, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân phải đứng trên lập trường về tài sản chính đáng, đối lập với tài sản bất chính, họ không thể vẫn cứ là những người theo thuyết công lợi. Khi đó họ sẽ phải đứng trước gã quốc vương và dõng dạc nói: “Chúng tôi rất tiếc; chúng tôi chỉ công nhận những tuyên bố quyền tài sản chính đáng mà bắt nguồn từ quyền tự nhiên và cơ bản của mỗi cá nhân đối với bản thân, và với tài sản mà anh ta đã cải tạo bằng năng lực, hoặc với tài sản mà những người cải tạo chúng để lại hoặc cho tặng anh ta một cách tự nguyện. Tóm lại, chúng tôi phủ nhận quyền của bất kỳ ai đối với bất cứ phần tài sản nào mà hắn ta hay bất cứ ai thực chất chỉ vơ vào một cách tùy tiện. Không thể có một quyền đạo đức tự nhiên nào phái sinh từ tuyên bố tùy tiện của một người rằng tài sản kia là của hắn. Vì vậy, chúng tôi tuyên bố có quyền tước đoạt tài sản “tư” của ông và đám họ hàng của ông, và trả lại khối tài sản đó cho những cá nhân thực sự sở hữu chúng, những người mà ông đã xâm phạm bằng cách áp đặt thứ yêu sách bất chính đó.”

Từ thảo luận này, có thể rút ra một hệ quả quan trọng mang tính sống còn đối với lí thuyết về tự do. Theo nghĩa sâu xa nhất, đó là mọi tài sản đều là “tư hữu”5. Vì tất cả các tài sản đều thuộc về và được kiểm soát bởi một vài cá nhân hoặc nhóm các cá nhân riêng lẻ. Nếu B cướp chiếc đồng hồ từ A thì chiếc đồng hồ đó là “tài sản” tư của B – nó được đặt dưới quyền kiểm soát và thuộc quyền sở hữu trên thực tế của B – trong lúc B được phép chiếm hữu và sử dụng nó. Vì thế, dù chiếc đồng hồ có ở trong tay A hay B, nó đều được hữu – trong một vài hoàn cảnh, là tư hữu chính đáng, trong những hoàn cảnh khác, là tư hữu bất chính, nhưng tư hữu vẫn là tư hữu.

Như ta có thể thấy dưới đây, điều tương tự cũng đúng cho bất kỳ nhóm nào hình thành từ những cá nhân riêng lẻ. Do đó, khi chính quyền được hình thành, gã hoàng đế và đám hoàng thân kiểm soát – và vì thế chí ít “sở hữu” một phần – tài sản của những người bị họ xâm phạm. Còn khi họ chia tách đất đai thành các tài sản “tư” cho mỗi thành viên cánh hẩu, họ một lần nữa cùng nhau sở hữu vương quốc, dù là dưới một hình thức khác. Hình thức của tài sản tư trong hai trường hợp là khác biệt, nhưng bản chất thì cũng như nhau. Vì lẽ đó, câu hỏi then chốt trong xã hội không phải là liệu tài sản nên được tư hữu hay được sở hữu bởi chính quyền, như nhiều người vẫn nghĩ thế, mà đúng ra, phải là liệu những kẻ chắc chắn sở hữu “tư” đó có sở hữu chính đáng hay không hay chỉ là những kẻ tội phạm. Rốt cục thì không có cái thực thể nào gọi là “chính quyền” cả; chỉ có những nhóm tự dán mác là “chính quyền” hình thành từ các cá nhân riêng biệt và hành động như một chính quyền mà thôi.6 Do đó tất cả tài sản luôn luôn là “tư hữu”; câu hỏi mấu chốt duy nhất là liệu chúng nên được trao vào tay những kẻ tội phạm hay là những chủ sở hữu đích thực và chính đáng. Chỉ có một lí do thực sự khiến những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân chống lại sự hình thành tài sản của chính quyền hay xóa bỏ nó, đó là: cái nhận thức rằng những kẻ cai trị bên trong chính quyền là những chủ sở hữu bất chính và tội lỗi những tài sản của chính quyền đó.

Nói ngắn gọn, những người theo thuyết công lợi ủng hộ thị trường tự do [lassez-faire] không thể chỉ đơn thuần chống lại quyền sở hữu của chính quyền, trong khi khăng khăng bảo vệ tư hữu; vì vấn đề của tài sản của chính quyền không phải là vì nó thuộc về chính quyền (thế thì những kẻ xâm phạm tài sản “tư” như kẻ đạo chích đồng hồ mà chúng ta đã nhắc đến thì sao?), mà vì nó bất chính, bất công, và tội lỗi – như trong trường hợp quốc vương của Ruritaria. Và bởi tội phạm đối với tài sản “tư” cũng phải bị xét xử, nên câu hỏi mang tính xã hội cho tài sản không thể được xem xét dưới lăng kính của chủ thuyết công lợi với những từ ngữ như tư hữu hay sở hữu bởi chính quyền. Nó phải được xem xét dưới góc độ chính đáng hay là bất chính: chủ nhân chính đáng đối lại chủ nhân bất chính và tội lỗi của tài sản đó, bất luận nó được gọi là “tư hữu” hay “sở hữu bởi chính quyền”. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân bây giờ lại âu lo. Anh ta có thể hỏi: “cứ cho là điều này đúng về nguyên lí, rằng các quyền sở hữu tài sản phải được hợp lí hóa bằng công lí, và rằng kẻ phạm tội không được phép giữ chiếc đồng hồ ăn cắp, cũng như gã quốc vương và đám hoàng thân không được phép sở hữu vương quốc “của họ”, nhưng làm sao có thể mang nguyên lí đó đi áp dụng trên thực tế? Liệu nó có tạo ra một mớ hỗn độn trong việc truy vấn quyền sở hữu của mọi người, và hơn nữa, lấy tiêu chí nào để mà thiết lập công lí cho những quyền sở hữu này?”

Xin trả lời là tiêu chí đã được giải thích ở bên trên: quyền của mỗi cá nhân đối với thân thể riêng và tài sản mà anh ta đã tìm ra và cải biến, do đó được anh ta “tạo ra”, và tài sản có được nhờ nhận được tặng phẩm hay qua trao đổi tự nguyện với những nhà cải tạo hay “nhà sản xuất” khác. Quả thực rằng các quyền sở hữu tài sản hiện có phải được xem xét kỹ lưỡng; và tuy vấn đề đó trông có vẻ khó khăn, nhưng cách giải quyết lại đơn giản hơn nhiều. Hãy luôn ghi nhớ các nguyên lí cơ bản: rằng tất cả tài nguyên, tất cả sản phẩm trong trạng thái vô chủ, hoàn toàn thuộc về người đầu tiên tìm ra và cải biến chúng thành những hàng hóa hữu ích (nguyên lí “đặt dấu chân” (homestead)). Chúng ta đã đề cập ở trên với đất đai chưa được sử dụng và tài nguyên thiên nhiên: người đầu tiên tìm ra và hòa công lao động với chúng nhằm chiếm hữu và sử dụng chúng, “sản xuất” chúng và trở thành chủ sở hữu chính đáng của chúng. Bây giờ giả sử ông Jones có một chiếc đồng hồ; nếu ta không thể chỉ ra rằng quyền sở hữu chiếc đồng hồ của Jones hay tiền nhân của ông ta là bất chính, thì ta phải tuyên bố rằng, vì ông Jones đã và đang chiếm hữu cũng như sử dụng nó, thì ông ta chính là chủ sở hữu chính đáng và hợp lẽ phải tài sản đó.

Hoặc đặt vấn đề theo một cách khác: nếu ta không biết được liệu quyền sở hữu của Jones đối với một bất kỳ tài sản nào đó có phái sinh từ tội ác hay không, thì ta có thể giả định rằng tài sản này đang trong tình trạng vô chủ, chí ít là trong thoáng chốc (vì ta vốn không rõ về nguồn gốc của quyền sở hữu này), và do đó quyền sở hữu này quay lại ngay tức khắc với Jones, với tư cách là người sở hữu và người sử dụng “đầu tiên” (hay hiện thời). Tóm lại, ở đâu mà ta không biết tường minh về một quyền tài sản, và cũng không chỉ ra được một cách rõ ràng là nó phái sinh từ tội ác, thì trao trả quyền tài sản đó về cho người sở hữu hiện thời là hoàn toàn đúng đắn và chính đáng.

Nhưng bây giờ giả như quyền tài sản đó được xác định một cách rõ ràng là do phạm tội mà có, thì chủ sở hữu hiện thời có nhất thiết phải từ bỏ nó hay không? Không nhất thiết phải vậy. Ta phải suy xét hai chuyện: (a) liệu bây giờ ta có thể nhận dạng và tìm ra nạn nhân (người sở hữu chính đáng vốn bị xâm phạm trước đó) hay người kế thừa của anh ta hay không; hoặc (b) liệu chủ sở hữu hiện thời có phải là tội phạm đánh cắp tài sản đó hay không. Thí dụ, giả sử Jones sở hữu một chiếc đồng hồ, và ta có thể chỉ rõ quyền sở hữu tài sản của Jones có nguồn gốc tội phạm, hoặc là vì (1) tiền nhân của anh ta đánh cắp nó, hoặc (2) vì anh ta hay tiền nhân của mình mua nó từ một tay đạo chích (ở đây không quan trọng là chủ tâm hay là vô ý mua nó). Bây giờ nếu ta có thể nhận dạng và tìm ra nạn nhân hay người thừa kế của anh ta, thì rõ ràng là quyền sở hữu của Jones đối với chiếc đồng hồ là hoàn toàn vô lí, và nó phải được trả về ngay lập tức cho chủ sở hữu đích thực và chính đáng. Do đó, giả như Jones thừa kế hoặc mua chiếc đồng hồ đó từ một người mà đã lấy cắp nó từ tay Smith, và nếu ta có thể tìm ra Smith hay người thừa kế của cải của anh ta, thì quyền sở hữu chiếc đồng hồ phải trao về ngay lập tức cho Smith hay hậu duệ của anh ta mà không có sự bồi hoàn nào cho người sở hữu hiện thời của cái “quyền” tài sản có nguồn gốc tội phạm đó7. Vì thế, nếu quyền sở hữu tài sản có nguồn gốc tội phạm, và ta có thể tìm ra nạn nhân, thì quyền tài sản phải trao trả về ngay lập tức cho nạn nhân.

Tuy vậy, giả như điều kiện (a) không được thỏa mãn: nói ngắn gọn, rằng ta biết quyền sở hữu của Jones có nguồn gốc tội phạm, nhưng lại không thể tìm ra nạn nhân hay người thừa kế của anh ta. Bây giờ thì ai là người sở hữu tài sản chính đáng và phù hợp với chuẩn mực đạo đức? Câu trả lời phụ thuộc vào việc liệu bản thân Jones có phải là tội phạm, tức liệu Jones có phải là người lấy cắp chiếc đồng hồ. Nếu Jones là kẻ đạo chích, thì khá rõ ràng là anh ta không được phép sử dụng nó nữa, vì kẻ phạm tội không được phép giữ món đồ do trộm cắp mà có; anh ta sẽ bị tước mất chiếc đồng hồ, và hẳn là phải hứng chịu thêm các hình phạt khác nữa.8 Ở trường hợp này thì ai sẽ được nhận chiếc đồng hồ? Áp dụng lí thuyết tài sản theo thuyết tự do cá nhân của chúng ta, sau khi Jones bị tước đi chiếc đồng hồ, thì nó bây giờ ở trong trạng thái vô chủ, và do đó nó phải trở thành tài sản chính đáng của người đầu tiên “đặt dấu” lên nó – nắm giữ nó và sử dụng nó, và vì thế, cải biến nó từ trạng thái không được sử dụng, vô chủ thành một thứ được sở hữu và hữu ích. Người đầu tiên làm như thế mặc nhiên trở thành chủ sở hữu chính đáng, hợp lẽ phải và phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Nhưng giả sử Jones không phải là kẻ phạm tội, tức không phải kẻ đã lấy cắp chiếc đồng hồ, nhưng anh ta lại thừa hưởng hoặc vô tình mua nó từ một tay đạo chích. Và tất nhiên, giả sử rằng cả nạn nhân lẫn người thừa kế của anh ta đều không được tìm thấy. Ở trường hợp này, việc không tìm ra nạn nhân đặt tài sản bị đánh cắp đích thị vào trạng thái vô chủ. Nhưng như ta đã thấy, bất kỳ sản phẩm trong trạng thái vô chủ nào, tức không có chủ sở hữu nào có quyền sở hữu chính đáng, đều quay về thành tài sản chính đáng trong tay người đầu tiên tìm được và sử dụng nó, tức chiếm dụng cho mục đích của con người tài sản đang không được sử dụng này. Song, người “đầu tiên” này hẳn nhiên là Jones, người mà lâu nay đã sử dụng nó. Vì thế, ta kết luận rằng dù tài sản có nguồn gốc là tài sản bị đánh cắp, nhưng nếu ta không thể tìm ra nạn nhân hay người thừa kế của anh ta, và nếu chủ sở hữu hiện thời thực chất không phải là kẻ đã lấy trộm nó, thì quyền sở hữu nó thuộc về chủ sở hữu hiện thời là đúng đắn, hợp lẽ phải, và phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Nói tóm lại, với những tài sản hiện đang có chủ và được sử dụng: (a) nếu ta biết rõ rằng quyền sở hữu tài sản này không có nguồn gốc tội phạm, thì hẳn nhiên quyền sở hữu hiện thời là chính đáng, hợp lẽ phải và đạo đức; (b) nếu ta không biết rõ liệu quyền sở hữu hiện thời có nguồn gốc tội phạm hay không, nhưng cũng không thể xác định điều đó, thì tài sản “giả định” là vô chủ đó ngay lập tức được trao vào tay chủ sở hữu hiện thời; (c) nếu ta quả thực biết rằng nguồn gốc của tài sản là do phạm tội mà có, nhưng lại không thể tìm ra nạn nhân hay người thừa kế của anh ta, thì (c1) chủ sở hữu hiện thời không phải là kẻ tội phạm chiếm đoạt tài sản, thì nó quay về tay anh ta với tư cách là chủ sở hữu đầu tiên của tài sản được giả định là vô chủ. Nhưng (c2) nếu bản thân chủ sở hữu hiện thời là tội phạm hoặc là một trong những kẻ tham gia đánh cắp tài sản đó, thì rõ ràng phải tước tài sản khỏi tay anh ta, và sau đó đặt nó vào tay người đầu tiên đưa nó ra khỏi trạng thái vô chủ và sử dụng nó theo ý mình. Và cuối cùng, (d) nếu tài sản hiện thời là sản phẩm do phạm tội mà có, và ta có thể tìm ra nạn nhân hay người thừa kế, thì ngay lập tức tài sản phải quay về với người này mà không cần có bất cứ khoản bồi hoàn nào cho người sở hữu hiện thời của tài sản bất chính.

Ai đó có thể phản đối, cho rằng một người hay những người nắm giữ tài sản bất chính kia (trong trường hợp bản thân họ không phải là kẻ phạm tội chiếm đoạt) phải được trao quyền đối với tài sản đó, bởi họ đã đóng góp thêm giá trị vào cái tải sản mà họ sở hữu bất chính, hoặc chí ít, phải được bồi hoàn cho phần thêm vào đó. Để trả lời thì tiêu chí ở đây là liệu phần thêm vào đó có thể được tách rời khỏi tài sản gốc mà ta đang bàn đến hay không. Thí dụ, giả sử rằng Brown lấy cắp một chiếc xe hơi từ Black, và sau đó bán chiếc xe cho Robinson. Từ quan điểm của chúng ta, chiếc xe phải được trả lại ngay lập tức cho chủ nhân đích thực của nó, Black, mà không có bồi hoàn gì cho Robinson. Là một nạn nhân của vụ cướp thì Black không có nghĩa vụ phải tái bồi hoàn ai khác. Tất nhiên, Robinson hoàn toàn có lí do chính đáng để khiếu kiện kẻ trộm xe, Brown, và yêu cầu khởi tố để đòi Brown phải trả lại tiền hoặc đòi bồi thường cho những thiệt hại của cái hợp đồng lừa đảo mà Brown đã bịp anh ta (ngụy tạo rằng chiếc xe thực sự là tài sản của Brown). Nhưng giả sử trong lúc mà anh ta sở hữu chiếc xe, Robinson đã lắp thêm một chiếc đài phát thanh mới; vì chiếc đài phát thanh có thể tách rời khỏi chiếc xe, anh ta phải có quyền gỡ chiếc đài phát thanh trước khi trao trả xe cho Black. Nhưng nếu ta không thể tách phần thêm vào vì nó là một phần không thể tách rời của tài sản (thí dụ, động cơ đã được tu sửa), thì Robinson không thể đòi hỏi bất cứ khoản bồi hoàn hay tài sản nào khác từ Black (dù rằng anh ta có thể làm thế bằng cách khởi tố Brown). Tương tự, nếu Brown từng lấy trộm một lô đất từ Black và bán nó cho Robinson, thì cũng như thế, tiêu chí ở đây phải là liệu có thể tách ra bất cứ phần thêm vào nào mà Robinson đã bỏ vào tài sản hay không. Thí dụ, giả như Robinson đã xây vài tòa nhà trên lô đất kia, thì anh ta phải được phép di chuyển hoặc tháo dỡ chúng trước khi trả lại cho điền chủ đích thực, Black.

Thí dụ về việc trộm xe ngay lập tức cho ta thấy sự bất công của cái khái niệm pháp lí hiện hành về “công cụ chuyển nhượng” (negotiable instrument). Trong pháp luật hiện hành, thực chất chiếc xe bị đánh cắp được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu mà không đặt bất cứ nghĩa vụ nào cho anh ta trong việc bồi hoàn cho người đang nắm giữ quyền tài sản bất chính. Nhưng Nhà nước đã định ra vài thứ hàng hóa như các “công cụ chuyển nhượng” (thí dụ, tờ giấy bạc), nếu hiện đang được sở hữu bởi những người mua không phải là tội phạm, thì không thể buộc họ phải trả lại cho nạn nhân. Việc ban hành các điều luật đặc biệt cũng đã đặt giới cầm đồ vào một giai tầng hưởng đặc quyền; rằng nếu Brown trộm một cái máy đánh chữ từ Black và sau đó đem đi cầm cho Robinson, thì tay chủ tiệm cầm đồ có thể không bị buộc phải trao trả lại nó cho chủ sở hữu chính đáng, Black.

Với một số độc giả, học thuyết này có vẻ tàn nhẫn với những người ngay tình mà lỡ nhận những hàng hóa mà sau này được truy ra là bị ăn cắp và sở hữu một cách bất chính. Nhưng ta phải ghi nhớ rằng trong trường hợp mua bán đất đai, việc xác định quyền sở hữu cũng như những bảo hiểm quyền sở hữu để tránh những vấn đề thế này là rất bình thường. Trong một xã hội tự do cá nhân, hẳn là công việc xác định quyền sở hữu và bảo hiểm quyền sở hữu sẽ trở nên rộng rãi hơn nhằm mở rộng sự bảo đảm cho các quyền đối với tài sản tư hữu chính đáng.

Rồi ta sẽ thấy rằng lí thuyết tự do cá nhân được trình bày một cách chuẩn xác chẳng đứng về phía những người công lợi trong việc tôn sùng một cách tùy tiện và bừa bãi cho tất cả các quyền tài sản hiện tồn, cũng chẳng đặt các quyền tài sản hiện tồn vào sự hỗn loạn và bất định dưới góc độ đạo đức. Trái lại, từ tiên đề cơ bản về quyền tự nhiên của tất cả mọi người đối với bản thân và đối với tài sản vô chủ mà anh ta đã tìm ra, cải biến và sử dụng, lí thuyết tự do cá nhân vạch ra đức hạnh và công lí tuyệt đối cho tất cả quyền tài sản hiện tồn, ngoại trừ khi chúng có nguồn gốc do phạm tội mà có, (1) khi ta có thể nhận dạng và tìm ra nạn nhân hay người thừa kế của anh ta, hoặc (2) khi không thể tìm ra nạn nhân nhưng chính người sở hữu hiện tại lại là kẻ phạm tội. Ở trường hợp trước, theo lẽ thường tài sản quay về tay nạn nhân hay người thừa kế của anh ta; ở trường hợp sau, nó trở thành tài sản của người đầu tiên chiếm hữu nó và đưa nó ra khỏi trạng thái vô chủ.

Từ đó ta có một lí thuyết về các quyền tài sản: rằng tất cả mọi người có quyền tuyệt đối để kiểm soát và sở hữu thân thể riêng, có quyền tuyệt đối đối với tài nguyên đất đai chưa được sử dụng mà anh ta tìm thấy và cải tạo. Anh ta cũng có quyền tuyệt đối để cho đi những tài sản hữu hình đó (dù rằng anh ta không thể chuyển nhượng sự kiểm soát thân thể và chí ý chí riêng) cũng như đem chúng ra trao đổi các tài sản được sản xuất một cách tương tự bởi những người khác. Do đó, tất cả quyền tài sản chính đáng đều phái sinh từ tài sản của tất cả mọi người đối với thân thể riêng, cũng như nguyên lí “đặt dấu chân” rằng tài sản vô chủ thuộc về người chiếm hữu nó đầu tiên một cách chính đáng.

Chúng ta cũng có một lí thuyết về phạm tội: một người phạm tội là người mà xâm phạm lên những quyền sở hữu tài sản như thế. Bất cứ quyền sở hữu tài sản do phạm tội mà có nào cũng phải được vô hiệu và trao trả lại cho nạn nhân hoặc người thừa kế của anh ta; nếu ta không thể tìm được nạn nhân, và nếu bản thân người sở hữu hiện thời không phải là người phạm tội, thì một cách chính đáng tài sản quay về với người sở hữu hiện thời theo nguyên lí “đặt dấu chân” của chúng ta.

Bây giờ ta hãy xem lí thuyết quyền tài sản này có thể áp dụng như thế nào cho các loại tài sản khác nhau. Tất nhiên, với trường hợp đơn giản nhất, là tài sản thân thể. Tiên đề cơ bản của xã hội tự do cá nhân là mỗi cá nhân phải là người sở hữu chính mình, và rằng không ai được phép xen vào quyền tư hữu đó. Từ đây ta suy ra ngay lập tức sự phủ nhận quyền sở hữu tài sản ngụ trong thân thể một người khác.9 Một ví dụ điển hình của thứ tài sản như thế này là các thiết chế nô lệ. Thí dụ, trước năm 1865, rất nhiều người nắm giữ “quyền tư hữu tài sản” đối với nô lệ ở Hoa Kỳ. Việc nó là tư hữu không có nghĩa rằng nó chính đáng; trái lại, thiết chế đó thiết lập một sự xâm phạm liên tục, một hành vi phạm tội liên tục của các chủ nô lên các nô lệ (và của những người đã trợ giúp thi hành các quyền đó). Vì ở đây nạn nhân được nhận thấy rõ ràng và ngay lập tức, và các chủ nô ngày qua ngày phạm phải tội xâm phạm lên các nô lệ. Chúng tôi cũng nên nhắc lại rằng, như trong trường hợp giả tưởng về gã hoàng đế của Ruritania, chủ thuyết công lợi không đưa ra một cơ sở vững chắc nào cho việc tước đi “quyền tài sản” của các chủ nô đối với nô lệ của ông ta.

Khi sở hữu nô lệ vẫn còn là một thông lệ, nhiều tranh cãi đã nổ ra về việc liệu chủ nô có nên được nhận tiền bồi hoàn cho những nô lệ mà ông ta bị mất khi bãi nô, và nếu có thì bao nhiêu. Việc tranh cãi này rõ ràng là nhảm nhí. Chúng ta làm gì khi chúng ta gô cổ kẻ đạo chích và trả lại chiếc đồng hồ bị đánh cắp: ta có bồi hoàn cho tên đạo chích chiếc đồng hồ bị lấy lại hay ta trừng trị hắn? Rõ là việc nô lệ hóa thân thể và sự sống của một người là thứ tội lỗi độc ác hơn nhiều so với việc lấy cắp chiếc đồng hồ, và cần phải bị đối xử một cách tương ứng. Như Benjamin Pearson, nhà tự do cổ điển người Anh, đã từng phê phán một cách chua chát: “người ta đưa ra đề xuất bồi hoàn các chủ nô, trong khi đáng lẽ ra chính các nô lệ mới là những người nên được bồi hoàn.”10 Và cố nhiên là việc bồi hoàn này chỉ chính đáng khi nó được trả bởi bản thân các chủ nô, chứ không phải đến từ những người đóng thuế thông thường.

Cần phải nhấn mạnh rằng, về vấn đề chế độ nô lệ, câu hỏi liệu có nên bãi bỏ nó ngay lập tức hay không không hề liên quan gì tới những vấn đề như xã hội trở nên hỗn loạn, chủ nô bất thình lình bị bần cùng hóa, hay sự nở rộ của văn hóa miền Nam, đấy là chưa nói đến những vấn đề - tất nhiên, với những lý do thú vị khác – như liệu chế độ nô lệ có tốt cho đất nước và cho sự tăng trưởng kinh tế của miền Nam hay không, hay là liệu nó có biến mất sau một hay hai thế hệ. Với những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, với những người tin vào công lí, vấn đề duy nhất đáng quan tâm là sự bất công ghê gớm và phạm tội liên tục của chế độ nô lệ, và do đó cần phải bãi bỏ thiết chế đó càng sớm càng tốt.11

Chú thích:

(1) Ở đây chúng ta sử dụng các thuật ngữ “tội phạm” và “kẻ phạm tội” theo ngôn ngữ thông thường hơn là theo nghĩa chuyên môn pháp lí. Theo cách diễn đạt mang tính pháp lí, hành động tấn công hay xâm phạm lên các cá nhân khác không phải là tội phạm (hình sự) (crime) mà là vi phạm dân sự (tort), còn những người thực hiện các hành vi vi phạm là những người vi phạm dân sự (tortfeasors). Định nghĩa pháp lí cho “tội phạm” chỉ giới hạn cho hành vi chống lại lại Nhà nước hay Cộng đồng. Như trình bày ở bên dưới, chúng ta sẽ phủ nhận hoàn toàn khái niệm cho rằng việc xâm phạm lên thân thể hay tài sản của các cá nhân khác đều cấu thành hành vi tấn công và có thể bị pháp luật trừng phạt. Tóm lại, trong quan niệm của chủ thuyết tự do cá nhân, hành vi “tội phạm” tương đương với hành vi “vi phạm” dưới góc độ pháp lí, mặc dù không có lí do cụ thể nào để phân định hành vi nào thì cho phép thực hiện bồi thường hay trừng phạt bằng trả tiền như trong trường hợp luật dân sự [tort law] cổ đại. Xem Sir Henry Maine, Ancient Law (New York: E.P. Dutton, 1917), pp. 217ff.

(2) Tham khảo phê phán thuyết công lợi ở điểm này, xem John Rawls, A Theory of Justice (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1971), pp. 26-27, secs. 83-84.Xem phê phán thuyết công lợi một cách tổng quát hơn trong Peter Geach, The Virtues (Cambridge: Cambridge University Press, 1977), pp. 91ff., 103ff. Geach chỉ ra bản chất khác thường [counter-intuitive] của các công thức “hạnh phúc viên mãn nhất cho nhiều người nhất”. Về một biện hộ từ giác độ của thuyết Công lợi cho các quyền sở hữu tài sản hiện có, xem Ludwig von Mises, Socialism (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1951), pp. 45-47.

(3) Xem tiếp bên dưới để thấy rõ hơn vai trò của chính quyền và các quyền tài sản hiện có; trong các trang pp. 201-14 dưới đây trình bày một phê phán chi tiết hơn đối với kinh tế học thị trường tự do dựa trên thuyết công lợi.

(4) Theo nghĩa này, có thể tìm thấy duy nhất một phần hiện thân đúng nghĩa của lí tưởng Maxist ở Nam Tư, nơi mà chế độ Cộng sản đã chuyển quyền kiểm soát, tức quyền sở hữu trên thực tế (de facto), lĩnh vực sản xuất được xã hội hóa sang cho các công nhân trong từng nhà máy riêng biệt.

(5) Tôi hàm ơn ông Alan Milchman về nhận thức thấu đáo này.

(6) Xem pp. 159-98 dưới đây về một thảo luận sâu hơn về vai trò của chính quyền.

(7) Hoặc có thể trao trả nó về cho người được Smith nhượng lại. Cụ thể hơn, Smith có thể đã nhượng lại cho ai đó quyền đối với chiếc đồng hồ của mình, và khi đó nếu ta có thể tìm ra người nhận chuyển nhượng hay người thừa kế của người nhận chuyển nhượng, thì quyền tài sản chính đáng được trao trả về cho người ấy.

(8) Ở đây chúng ta đang ngầm định là kẻ phạm tội sẽ phải chịu thêm hình phạt bên cạnh việc phải trả lại tài sản đã ăn cắp: nhưng hình phạt phải như thế nào mới đủ, và nó được dựa trên lí thuyết nào – thí dụ, báo thù, răn đe, hay cải tạo – những vấn đề này sẽ được đề cập bên dưới.

(9) Trường hợp cho trẻ em, vốn khó khăn hơn, sẽ được đề cập ở pp. 97-112.

(10) Được trích trong William D. Grampp, The Manchester School of Economics (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1969), p. 59. Về vấn đề bồi hoàn và chế độ nô lệ, xem pp. 204, 237ff bên dưới.

(11) Xem pp. 259ff bên dưới để thấy rằng, về tổng quan, một người theo thuyết tự do cá nhân chắc chắn sẽ là người theo thuyết bãi nô [abolitionist].

Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press