[Nền luân lý tự do] Vấn đề cướp bóc đất đai

[Nền luân lý tự do] Vấn đề cướp bóc đất đai

Một ứng dụng cụ thể và quan trọng của lí thuyết về quyền tài sản là trường hợp tài sản đất đai. Trước hết, đất đai là một phần cố định ở trên trái đất, và do đó đất đai tồn tại gần như vĩnh cửu. Các khảo cứu lịch sử cho quyền sở hữu đất đai vì thế sẽ phải lùi về xa hơn những hàng hóa có khả năng bị phân hủy khác. Tuy vậy, đây không phải là vấn đề then chốt, vì như ta đã thấy, ở bất cứ đâu nơi các nạn nhân từ xa xưa không còn nữa, thì việc đất đai thuộc về bất kỳ chủ sở hữu hiện hành không phạm tội nào là hoàn toàn chính đáng. Thí dụ, giả sử rằng Henry John I cướp một mảnh đất từ chủ sở hữu chính đáng, James Smith. Thì bây giờ có thể nói gì về vị thế của chủ sở hữu hiện thời, Henry Jones X? Hoặc là vị thế của chủ sở hữu hiện thời mà đã mua khoảng đất đó từ Henry Jones X? Nếu Smith hay người thừa kế của ông ta không còn nữa, thì áp dụng trực tiếp lí thuyết về quyền tài sản của chúng ta, quyền sở hữu mảnh đất này thuộc về Jones (hoặc ai đó đã mua đất từ ông ta) là hoàn toàn đúng đắn và chính đáng.

Vấn đề thứ hai, đó là việc tách biệt đất đai khỏi những tài sản khác; sự tồn tại của tư liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng, hay hàng hóa để làm tiền tệ, chí ít đều là những minh chứng dễ nhận thấy, rằng các hàng hóa này đã được sử dụng và cải tạo, và để sản xuất chúng con người đã hòa trộn lao động của mình với tài nguyên thiên nhiên. Vì tư liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng, và tiền tệ không tự chúng tồn tại trong tự nhiên; chúng phải được tạo ra bằng cách sử dụng lao động của con người để biến đổi các điều kiện của tự nhiên. Nhưng đất đai với bất cứ diện tích nào, vốn được định sẵn bởi tự nhiên, có thể không bao giờ được sử dụng và cải tạo; và do đó, bất cứ quyền tài sản hiện tồn nào cho đất đai chưa từng được sử dụng phải bị xem là vô căn cứ. Vì như ta đã thấy quyền sở hữu chính đáng cho tài nguyên vô chủ (như đất đai) chỉ đến từ việc sử dụng lao động nhằm cải tạo và đưa tài nguyên đó vào sử dụng. Vì lẽ đó, nếu một mảnh đất chưa bao giờ được cải tạo, không ai có thể đứng lên tuyên bố mình sở hữu nó một cách chính đáng.

Thí dụ, giả sử rằng ông Green sở hữu hợp pháp vài mẫu đất, trong đó phần ở phía Tây Bắc chưa bao giờ được cải tạo từ trạng thái tự nhiên bởi Green hay bất kỳ ai khác. Lí thuyết tự do cá nhân, từ góc độ đạo đức, công nhận quyền của ông ta cho phần đất đã được cải tạo – miễn là không tìm ra được nạn nhân (và bản thân ông Green không phải là người đánh cắp mảnh đất), như lí thuyết tự do cá nhân đòi hỏi. Nhưng lí thuyết này phải phủ nhận tuyên bố của ông ta về việc sở hữu phần đất ở phía Tây Bắc. Ở đây, nếu quả thực chưa từng có “người khai hoang” nào đi tiên phong cải tạo phần ở phía Tây Bắc thì không có khó khăn thực sự nào; tuyên bố của Green có thể vô căn cứ nhưng nó cũng chỉ là một tuyên bố huyên thuyên vô nghĩa mà thôi. Ông ta vẫn chưa hề phạm tội với ai cả. Nhưng nếu xuất hiện một người khác cải tạo mảnh đất, và nếu Green tống cổ ông ta ra khỏi mảnh đất bằng vũ lực (hoặc mướn người khác để làm thế), thì ở đây Green trở thành kẻ xâm phạm lên mảnh đất vốn được sở hữu chính đáng bởi một người khác. Tương tự, điều này cũng áp dụng cho việc Green sử dụng vũ lực để ngăn chặn những người khác đi vào, khai khẩn, cải tạo và đưa vào sử dụng mảnh đất chưa bao giờ được sử dụng này.

Do đó, trở lại mô hình “Crusoe” mà chúng ta đã thảo luận, khi đặt chân lên một hòn đảo rộng lớn, Crusoe có thể bắc kèn lên mà ba hoa về quyền sở hữu toàn bộ hòn đảo của anh ta. Nhưng theo lẽ thường, anh ta chỉ sở hữu phần đất mà mình khai khẩn và cải tạo để đưa vào sử dụng. Hoặc như đã lưu ý bên trên, Crusoe có thể là một Columbus độc hành đặt chân lên một châu lục hoàn toàn mới được khám phá. Chừng nào mà không có bất kỳ ai khác xuất hiện, tuyên bố của Crusoe chỉ là sự ba hoa rỗng tuếch và nực cười mà không được đặt trên bất cứ sự thực tự nhiên nào. Nhưng nếu một người mới – Friday – xuất hiện trên hòn đảo và bắt đầu cải tạo hòn đảo chưa được sử dụng trước đó, thì bất kỳ biện pháp thực thi tuyên bố quyền sở hữu tài sản vô căn cứ của Crusoe đều cấu thành tội xâm phạm lên người mới đến cũng như quyền tài sản của họ.

Lưu ý rằng chúng ta không nói rằng để làm cho quyền sở hữu đất đai có hiệu lực thì nó phải được sử dụng liên tục.1 Điều kiện duy nhất là mảnh đất phải đã từng được sử dụng, và đó là căn cứ để xác lập quyền sở hữu cho người đã hòa trộn lao động cũng như ghi dấu ấn cá nhân của mình vào đất đai.2 Sau lần sử dụng đó thì lí do không được phép để đất nằm không cũng chẳng hơn gì lí lẽ để không thừa nhận chiếc đồng hồ là của ai đó chỉ vì nó được cất trong ngăn bàn.3

Như thế thì bất cứ tuyên bố sở hữu mảnh đất chưa từng được sử dụng đều là một thứ quyền sở hữu đất đai không hợp lệ. Cưỡng ép người sử dụng [mảnh đất] đầu tiên ra khỏi mảnh đất dựa theo cái tuyên bố đó là hành vi xâm phạm lên quyền tài sản chính đáng. Trên thực tế, phải lưu ý rằng không quá khó khăn để phân biệt giữa đất hoàn toàn chưa được khai phá và đất, trong một thời điểm nào đó, đã được cải tạo cho mục đích sử dụng của con người. Bàn tay của con người luôn để lại dấu vết bằng cách nào đó.

Tuy thế, có một vấn đề thường nổi lên về tính hợp lệ của quyền sở hữu đất, đó là vấn đề về “chiếm hữu ngược” [adverse possession]. Ta hãy giả sử rằng ai đó, thí dụ, Green, chợt thấy một mảnh đất có vẻ là vô chủ - có thể là không có rào chắn, hoặc là không có ai ở đó. Green coi mảnh đất đó như là vô chủ; anh ta bắt đầu làm việc trên đó, sử dụng nó trong một thời gian, và sau đó người sở hữu ban đầu của mảnh đất xuất hiện và đuổi Green đi. Vậy ai đúng? Thông luật chiếm hữu ngược tùy tiện đặt ra một khoảng thời hạn hai mươi năm, khi quá thời hạn này thì người “không mời mà tới” được hưởng quyền sở hữu hoàn toàn mảnh đất, bất kể là anh ta đã xâm phạm lên tài sản của một người khác. Nhưng lí thuyết tự do cá nhân của chúng ta nhất quán rằng đất đai chỉ cần trước đó đã từng được con người cải tạo là đủ cơ sở để trở thành tài sản tư. Do đó, nếu Green bước chân lên mảnh đất mà có bất cứ dấu vết nào cho thấy nó đã từng được sử dụng trước đó, anh ta có trách nhiệm phải ngầm hiểu rằng mảnh đất đó đã được sở hữu bởi ai đó. Nếu không điều tra gì thêm mà ngang nhiên bước chân vào mảnh đất đó, thì Green phải hứng chịu rủi ro trở thành một người mới đến có hành vi xâm phạm. Dĩ nhiên là có khả năng một mảnh đất từng được sở hữu trước đó đã bị từ bỏ; nhưng người mới đến không được vô tư giả định rằng mảnh đất dù được cải tạo trước đó nay đã vô chủ. Anh ta phải tiến hành xác minh liệu cái quyền là người mới sở hữu mảnh đất của anh ta đã rõ ràng hay chưa, như ta đã thấy trong việc tìm kiếm quyền sở hữu.4 Mặt khác, nếu Green đặt chân lên mảnh đất rõ ràng vốn chưa được cải tạo bởi bất cứ ai, thì anh ta có thể ngay lập tức tiến tới đó mà không sợ bị phạt, vì rằng trong một xã hội tự do cá nhân không ai có quyền sở hữu chính đáng đối với đất đai chưa từng được cải tạo trước đó.

Trong thế giới ngày nay, khi hầu hết các vùng đất đều đã được đưa vào sử dụng, thì công việc vô hiệu hóa quyền sở hữu đất mà từng được sử dụng trước đó không thực sự quá phổ biến [extensive]. Ngày nay nhiệm vụ vô hiệu hóa quyền sở hữu một mảnh đất có nguồn gốc từ sự chiếm đoạt liên tục quyền sở hữu đất bởi những kẻ xâm phạm có ý nghĩa hơn. Chúng ta vừa thảo luận trường hợp mà tiền nhân của Jones chiếm hữu một lô đất từ gia đình Smith, trong khi Jones sở hữu và sử dụng mảnh đất đó cho tới nay. Nhưng giả sử vài thế kỷ trước, Smith đã canh tác đất và do đó sở hữu mảnh đất một cách chính đáng; và rồi Jones đến và định cư gần nơi Smith ở, dùng vũ lực đòi quyền sở hữu mảnh đất của Smith, và thu tiền hay “địa tô” từ Smith nếu anh ta muốn được tạo cơ hội để tiếp tục canh tác trên mảnh đất. Giả sử sau hàng thế kỷ, bây giờ hậu duệ của Smith đang canh tác đất (hoặc các gia đình không liên quan khác cũng thế), trong khi đó hậu duệ của Jones, hoặc những người mua lại đất từ họ, vẫn tiếp tục ép những người tá điền phải trả tiền. Ở trường hợp này, đâu là quyền tài sản chính đáng? Rõ ràng là ở đây, cũng như trong trường hợp của chế độ nô lệ, ta thấy sự xâm phạm liên tục lên người chủ sở hữu đích thực – tức người chiếm hữu đích thực – của mảnh đất, lên những người nông dân cũng như lên những người tá điền bởi kẻ sở hữu bất chính, người mà kế thừa liên tục quyền sở hữu mảnh đất từ ban đầu bằng áp bức và vũ lực. Cũng như Jones ngày xưa liên tục có hành vi xâm phạm Smith, những người tá điền bây giờ cũng đang chịu sự áp bức bởi những người sở hữu đất từ Jones ngày nay. Trường hợp này ta có thể gọi là “chế độ phong kiến” hay “độc quyền đất đai”, những tên lãnh chúa hay điền chủ độc quyền không có bất cứ quyền sở hữu đất đai chính đáng nào. Những người tá điền hay nông dân ngày nay phải là những chủ sở hữu tuyệt đối tài sản, và như trong trường hợp chế độ nô lệ, quyền sở hữu đất phải được chuyển giao cho những người tá điền mà không có bất cứ bồi hoàn nào cho những tay điền chủ độc quyền.5

Lưu ý rằng “chế độ phong kiến”, như ta đã định nghĩa, không chỉ giới hạn trong trường hợp nơi những người tá điền cũng bị ép buộc bằng bạo lực phải ở lại để tiếp tục canh tác mảnh đất của điền chủ (đại thể, đó là chế độ nông nô)6. Nó cũng không chỉ giới hạn cho những trường hợp mà bạo lực được sử dụng để duy trì đất chiếm hữu phong kiến (như việc Nhà nước sử dụng bạo lực để ngăn chặn bất kỳ điền chủ nào rao bán hay chia tách mảnh đất của ông ta thành những phần nhỏ hơn)7. Theo cách hiểu của chúng ta, “chế độ phong kiến” đó đòi hỏi phải chiếm hữu bằng bạo lực đất đai từ những chủ nhân đích thực của chúng, từ những người canh tác đất, và duy trì sự bóc lột đó qua nhiều năm. Khi đó, địa tô phong kiến chẳng khác gì việc những nhà sản xuất phải liên tục cống nạp hàng năm cho kẻ xâm lược và bóc lột họ. Do đó, địa tô phong kiến là một dạng thức của cống phẩm vĩnh cửu. Lưu ý rằng những người tá điền ở đây không nhất thiết phải là hậu duệ của nạn nhân ban đầu. Vì sự xâm phạm này vẫn tiếp diễn chừng nào mối quan hệ bóc lột phong kiến này còn được duy trì, những người tá điền bây giờ là những nạn nhân và đồng thời cũng là những chủ sở hữu tài sản chính đáng. Tóm lại, với trường hợp đất đai phong kiến hay độc quyền đất đai, cả hai điều kiện của chúng ta để vô hiệu các quyền tài sản hiện thời đều thỏa mãn, đó là: (i) không chỉ quyền sở hữu ban đầu mà cả quyền sở hữu hiện nay đều do phạm tội mà có, (ii) có thể dễ dạng nhận biết được các nạn nhân hiện nay.

Trường hợp giả tưởng về hoàng đế Ruritania và đám hoàng thân của hắn trên kia là một ví dụ về phương thức mà dựa vào đó chế độ phong kiến được khởi sinh trên một vùng đất nào đó. Sau dàn xếp của gã hoàng đế, hắn ta và đám hoàng thân trở thành những điền chủ phong kiến trên những mảnh đất của chúng ở Ruritania, và đều cưỡng ép dân chúng nộp cống phẩm dưới dạng “địa tô” phong kiến.

Tất nhiên chúng ta không hàm ý rằng tất cả địa tô đều là bất chính và là một dạng thức của việc cống nạp liên tục. Trái lại, trong xã hội tự do cá nhân, không có lí do gì ngăn cản một người đã cải tạo đất đai không được quyền cho thuê hay bán nó đi; thực chất, đây chính xác là điều sẽ diễn ra. Thế thì làm cách nào để phân biệt giữa địa tô phong kiến và địa tô chính đáng, giữa việc lĩnh canh phong kiến và lĩnh canh chính đáng? Một lần nữa, ta lại áp dụng những quy tắc của chúng ta để quyết định tính hợp lệ của quyền tài sản: ta để ý xem liệu quyền sở hữu đất đai có nguồn gốc do phạm tội mà có hay không, và trong trường hợp này, liệu sự xâm phạm lên những người sản xuất trên mảnh đất đó, tức những người tá điền, có đang được duy trì liên tục hay không. Nếu ta biết rằng những điều này là đúng, thì không còn vấn đề gì nữa, việc nhận ra kẻ xâm phạm lẫn nạn nhân là cực kỳ rõ ràng và dứt khoát. Nhưng nếu ta không biết những điều kiện này có đúng hay không, (áp dụng quy tắc của chúng ta), với việc không thể nhận biết rõ ràng kẻ phạm tội, ta đi đến kết luận rằng quyền sở hữu đất cũng như địa tô là chính đáng, hợp lẽ phải và phi phong kiến. Trên thực tế, vì trạng thái bóc lột phong kiến diễn ra từ lâu và liên tục, những tá điền là nạn nhân rất dễ được nhận biết, chế độ phong kiến là một trong những dạng thức sở hữu không hợp lệ dễ dàng được nhận ra nhất.

Chú thích:

(1) Đây là lý thuyết sử dụng về quyền tài sản đất đai do Joshua K. Ingalls đề ra trong thế kỷ XIX. Về Ingalls, xem James J. Martin, Men Against the State (DeKalb, Ill.: Adrian Allen Associates, 1953), pp. 142-52.

(2) Như Leon Wolowski và Emile Levasseur đã viết một cách hùng hồn trong “Property”, Lalor's Cyclopedia of Political Science, etc. (Chicago: M.B. Cary, 1884), vol. 3, p. 392:

Tự nhiên đã bị chiếm đoạt bởi … [con người] cho mục đích của con người; đất đai trở thành của riêng con người; nó là tài sản của con người. Đây là tài sản chính đáng; nó cấu thành một quyền cho con người mà thiêng liêng không kém gì quyền tự do sở hữu chính các quan năng của anh ta. Nó thuộc về con người vì rằng nó hoàn toàn bắt nguồn từ bản thân con người, và không thể là cái gì khác ngoài thứ phát ra từ thể chất của con người. Trước con người thì chẳng có gì ngoài vật chất, từ khi có con người và bằng bàn tay con người thì mới có của cải để có thể đem đi trao đổi. Nhà sản xuất đã đổ mồ hôi công sức của mình cho cái mà sau này trở nên giá trị, và do đó có thể được xem như là khoảng nối dài quan năng của con người khai thác tự nhiên bên ngoài. Là một sinh vật tự do con người thuộc về chính bản thân mình; nói cách khác, lực lượng sản xuất là chính bản thân con người; thành quả hay của cải được sản xuất ra cũng chính là bản thân con người. Ai dám hoài nghi quyền sở hữu của anh ta, thứ mà rõ ràng đã mang dấu ấn cá nhân của anh ta rồi?

(3) Như tôi đã chỉ ra ở những chỗ khác, có những lí lẽ về mặt kinh tế giải thích một cách xuất sắc vì sao, cụ thể với đất đai, nó có thể được để nằm không; vì rằng để có mức sống trên mức sinh tồn thì cung lao động phải khan hiếm hơn cung đất đai, và khi ở trong hoàn cảnh may mắn này thì sẽ có một lượng đáng kể đất đai sẽ có giá trị “dưới mức cận biên” (sub-marginal) và vì thế bị bỏ không. Xem Murray N. Rothbard, Man, Economy, and State (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand, 1962), pp. 504, 609. Về một thí dụ hấp dẫn minh họa cho các quyền tài sản đất đai được sở hữu định kỳ theo lịch di trú do nhiều bộ lạc vạch ra ở miền nam Ba Tư, xem Fredrik Barth, “The Land Use Pattern of Migratory Tribes of South Persia,” Norsk Geografisk Tidsskrift, Bind 17 (1959-1960): 1-11.

(4) Tất nhiên là tất cả mọi người phải có quyền từ bỏ bất kỳ tài sản nào mà họ muốn; trong một xã hội tự do cá nhân, không được ép buộc một ai phải sở hữu thứ tài sản mà anh ta muốn từ bỏ.

(5) Thuật ngữ “chế độ phong kiến” (feudalism) như đang dùng ở đây không theo nghĩa chỉ bất cứ quan hệ đất đai hay các quan hệ cụ thể này khác trong thời kỳ Trung Cổ; nó được sử dụng ở đây theo nghĩa chỉ một loại hành động riêng biệt: việc truất hữu đất đai bằng cách xâm chiếm, việc liên tục đòi hỏi và thực hiện quyền tài sản đối với mảnh đất đó, và việc thu địa tô từ các tá điền, những người mà liên tục canh tác đất. Về lời thanh minh cho cách sử dụng thuật ngữ “chế độ phong kiến” theo nghĩa rộng hơn, xem Robert A. Nisbet, The Social Impact of the Revolution (Washington, D.C.: American Enterprise Institute for Public Policy Research, 1974), pp. 4-7.

(6) Chế độ nông nô, cũng như chế độ nô lệ, là chế độ mà chủ nô liên tục xâm phạm lên thân thể của những nông nô, cũng như tài sản chính đáng của họ. Có thể xem một thảo luận về các định nghĩa khác nhau về chế độ phong kiến tại Marc Bloch, Feudal Society (Chicago: University of Chicago Press, 1961), chap. 1.

(7) Những biện pháp như thế bao gồm quyền thừa kế theo thứ tự (entail) (buộc điền chủ không được bán mảnh đất của ông ta) và quyền thừa kế của trưởng nam (primogeniture) (buộc ông ta không được để lại mảnh đất cho ai khác ngoài con trưởng của mình).

Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press