Chủ nghĩa tư bản và tự do: Kết luận (Phần 15)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: Kết luận (Phần 15)

(Tiếp theo Phần 14

Chương XIII: Kết luận

Trong những năm 1920 và 1930, giới trí thức Mỹ bị thuyết phục không thể cưỡng lại rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống khiếm khuyết ngăn cản thịnh vượng kinh tế, dẫn đến giam cầm cả tự do, và rằng niềm hy vọng cho tương lai đặt vào các biện pháp quản lý chặt chẽ, có chủ đích đối với các vấn đề kinh tế từ các thiết chế chính trị cầm quyền. Sự thay đổi nhận thức của giới trí thức Mỹ không phải đến từ thực tiễn của một xã hội theo chủ nghĩa tập thể, dù không nghi ngờ gì, sự thay đổi nhận thức này được truyền cảm hứng bởi sự hình thành chế độ xô-viết ở Nga và những niềm hy vọng rực rỡ đã được gieo mầm tại đó. Sự thay đổi nhận thức này đến từ việc so sánh tình trạng hiện có, cùng những bất công và khiếm khuyết của nó, với một tình trạng giả định có thể xảy ra. Tình trạng thực tế đã được đem ra so sánh với trạng thái lý tưởng. 

Tại thời điểm đó không có nhiều sự lựa chọn. Thực tế là, nhân loại đã trải qua rất nhiều giai đoạn kiểm soát tập trung kéo dài, với sự can thiệp sâu của chính quyền vào các hoạt động kinh tế. Nhưng đã có một cuộc cách mạng trong chính trị, trong khoa học và trong công nghệ. Chắc chắn, như ai đó đã lập luận, nhờ một cấu trúc chính trị dân chủ, cùng các công cụ hiện đại và khoa học hiện đại, chúng ta có thể làm tốt hơn những thời kỳ trước rất nhiều.

Các quan điểm tại thời điểm đó vẫn còn ở lại với chúng ta. Vẫn có khuynh hướng cho rằng bất kỳ biện pháp can thiệp nào mà chính quyền đang sử dụng đều cần thiết, mọi xấu xa trong xã hội đều do thị trường, và tiếp tục đánh giá những đề xuất mới đòi hỏi sự kiểm soát của chính quyền dựa theo mô hình lý tưởng với giả định rằng những đề xuất này có thể được thực thi hiệu quả nếu nằm trong tay những người có năng lực, thanh liêm và không chịu áp lực của bất kỳ nhóm lợi ích đặc biệt nào. Những người ủng hộ một chính phủ có quyền lực giới hạn và hệ thống doanh nghiệp tự do vẫn tiếp tục ở vị thế tự vệ.

Tuy nhiên, các điều kiện đã thay đổi. Chúng ta có hàng thập kỷ trải nghiệm hành động can thiệp của chính quyền. Không còn cần phải so sánh thị trường vận hành trong thực tế với sự can thiệp của chính quyền trong điều kiện lý tưởng. Chúng ta hoàn toàn có thể so sánh thực tế với thực tế.

Nếu chúng ta làm thế, sự khác biệt giữa sự vận hành thực tế của thị trường và sự vận hành ở mức lý tưởng của nó - mặc dù chắc chắn là rất lớn – rõ ràng không là gì nếu đem so sánh với sự khác biệt giữa tác động thực tế của can thiệp chính phủ với tác động dự kiến ban đầu của nó. Giờ thì có ai còn đặt hết hy vọng vào sự tiến bộ của tự do và phẩm giá con người trong chế độ bạo ngược chuyên quyền đang thống trị ở Nga? Như Marx và Engels đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”. Ngày nay còn ai coi những xiềng xích của những người vô sản ở Liên Xô là nhẹ nhàng hơn những xiềng xích của những người vô sản ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay bất kỳ nước phương Tây nào khác?

Bây giờ chúng ta hãy soi xét kỹ hơn với chính quê hương mình. Cải cách nào, trong số những “cải cách” vĩ đại trong mấy thập kỷ qua, đã đạt được đích đến của nó? Liệu có ý định tốt đẹp nào của những những người ủng hộ những đề xuất cải cách này trở thành hiện thực hay không?

Quy định quản lý trong ngành đường sắt nhằm bảo vệ khách hàng đã nhanh chóng trở thành công cụ để ngành đường sắt có thể bảo vệ chính bản thân họ khỏi sự cạnh tranh từ những đối thủ mới nổi – tất nhiên, điều này gây ra những bất lợi cho khách hàng. 

Mức thuế thu nhập ban đầu được ban hành ở mức thấp, nhưng về sau được trưng dụng thành phương thức phân phối lại thu nhập theo đòi hỏi của các tầng lớp dưới. Điều này đã tạo ra một lớp vỏ che đậy, bao gồm các thủ thuật né thuế và các điều luật đặc biệt khiến cho mức thuế dù mang tính luỹ tiến cao trên giấy tờ, nhưng lại biến thành cực kỳ kém hiệu quả trên thực tế. Nếu áp dụng mức thuế đồng đẳng 23% tính trên thu nhập chịu thuế hiện nay sẽ tạo ra ngân sách thu từ thuế tương đương với hệ thống thuế luỹ tiến trong dải 20% - 91% đang áp dụng. Một loại thuế thu nhập có ý định làm giảm tính bất bình đẳng và đẩy mạnh sự khuếch tán của cải, trên thực tế, lại thúc đẩy việc các công ty dùng lợi nhuận để tái đầu tư, dẫn đến tạo điều kiện tăng trưởng cho các tập đoàn lớn, kìm hãm sự vận hành của thị trường vốn và không khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập.

Những cải cách tiền tệ, với ý định thúc đẩy sự ổn định trong hoạt động kinh tế và giá cả, đã làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát trong và sau Thế chiến I, thúc đẩy sự bất ổn ở giai đoạn về sau cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Các cơ quan chức năng quản lý tiền tệ phải gánh chịu trách nhiệm chính trong việc biến một giai đoạn thu hẹp mạnh của nền kinh tế trở thành thảm họa trong cuộc Đại Suy Thoái 1929-1933. Một hệ thống được thiết lập rộng khắp nhằm ngăn chặn những cơn khủng hoảng ngân hàng lại sản sinh ra cơn khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Một chương trình nông nghiệp, dự định nhằm giúp đỡ những người nông dân túng quẫn, và nhằm loại bỏ cái được cho là những trục trặc cơ bản trong tổ chức hoạt động nông nghiệp, lại biến thành một scandal quốc gia, gây lãng phí ngân sách, làm méo mó việc sử dụng tài nguyên, khiến người nông dân ngày càng bị kiểm soát khắt khe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Mỹ, và do đó chẳng giúp được mấy cho những người nông dân túng quẫn.

Một chương trình nhà ở dự định nhằm cải thiện điều kiện nhà ở của những người nghèo, nhằm giảm tội phạm ở tuổi thanh thiếu niên, và nhằm góp phần xóa bỏ các khu ổ chuột ở khu vực thành thị, lại làm tồi tệ hơn tình trạng nhà ở của người nghèo, làm gia tăng tội phạm ở tuổi thanh thiếu niên, và khiến các khu ổ chuột mọc như nấm sau mưa.

Trong những năm 1930, cụm từ “lao động” đồng nghĩa với cụm từ “công đoàn” trong cách hiểu của cộng đồng trí thức; niềm tin vào tính trong sạch và đạo đức của công đoàn chẳng khác nào niềm tin vào gia đình và tình mẫu tử. Những đạo luật mở rộng được thông qua, nhằm tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động và đẩy mạnh mối quan hệ lao động “công bằng”. Công đoàn được đánh bóng sức mạnh. Đến những năm 1950, cụm từ “công đoàn” gần như là một cụm từ xấu xa; nó không còn đồng nghĩa với “lao động” nữa, nó cũng không còn được mặc định đứng về phe chính nghĩa nữa.

Các biện pháp an sinh xã hội được thông qua để biến việc nhận phúc lợi trở thành quyền, và dẫn đến xóa bỏ nhu cầu trợ giúp trực tiếp giữa các cá nhân với nhau. Hàng triệu người hiện đang được hưởng phúc lợi xã hội. Tuy thế, danh sách những người nhận trợ cấp ngày càng dài ra và tổng số tiền chi cho các khoản này ngày càng tăng.

Có thể liệt kê dài thêm nữa danh sách các chính sách tương tự: chương trình đổi bạc của những năm 1930, các dự án năng lượng công, các chương trình viện trợ nước ngoài của những năm hậu chiến, Ủy ban Truyền thông Liên bang (F.C.C), chương trình tái thiết phát triển đô thị, các chương trình dự trữ hàng hóa và rất nhiều các chương trình khác mà hiệu quả của chúng rất khác nhau, và thường là đi ngược lại với dự kiến ban đầu.

Tất nhiên cũng có một số ngoại lệ. Những tuyến đường cao tốc chạy dọc ngang đất nước, những con đập khổng lồ ngăn sông lớn, các vệ tinh phóng lên quỹ đạo, đều là minh chứng cho khả năng của chính phủ trong việc huy động những nguồn lực lớn. Hệ thống trường học, cùng với tất cả những khiếm khuyết và vấn đề của nó, và cùng với các cơ hội tiềm tàng cải thiện chất lượng giáo dục thông qua các tác động hiệu quả hơn từ các nguồn lực của thị trường, đã mở rộng các cơ hội giáo dục cho giới trẻ Mỹ và đóng góp vào quá trình mở rộng sự tự do. Đây là chứng thư ghi nhận những nỗ lực nhằm đóng góp cho cộng động của hàng chục nghìn người, những người làm việc trong hội đồng điều hành trường học địa phương; ghi nhận cho sự sẵn lòng gánh thuế nặng của công chúng với niềm tin vì cộng đồng. Đạo luật chống độc quyền Sherman, với toàn bộ các vấn đề của nó trong quy trình quản lý chi tiết, cũng đã thúc đẩy cạnh tranh. Các biện pháp y tế cộng đồng đã góp phần làm giảm các bệnh truyền nhiễm. Các biện pháp viện trợ đã làm giảm nhẹ nỗi đau mất mát và sự buồn bã túng quẫn. Cơ sở vật chất thiết yếu cho các sinh hoạt cộng đồng đã được các cơ quan hữu trách địa phương tạo điều kiện phát triển. Luật pháp và trật tự được duy trì, mặc dù ở rất nhiều thành phố lớn thì chức năng căn bản này của chính quyền còn xa mới thoả mãn được kỳ vọng của người dân. Là một công dân của Chicago, tôi xin được nói thẳng như thế. 

Nếu cân đo một cách công tâm hơn, không nghi ngờ gì, thành tựu đạt được có lẽ còn ảm đạm hơn nữa. Phần lớn các chương trình thử nghiệm mới của chính phủ tiến hành trong nhiều thập niên qua đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra. Nước Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến bộ; công dân Mỹ tiếp tục được ăn uống đầy đủ hơn, mặc đẹp hơn, ở sang hơn và giao thông thuận tiện hơn; phân biệt đẳng cấp và phân biệt xã hội đã thu hẹp lại; những nhóm thiểu số đỡ bị thiệt thòi hơn; văn hóa đại chúng đã phát triển vượt bậc. Tất cả những thành tựu trên là sản phẩm của những sáng kiến và hành động của các cá nhân cộng tác với nhau thông qua thị trường tự do. Các biện pháp của chính quyền đã làm tổn hại, chứ không hỗ trợ cho quá trình phát triển này. Chúng ta có thể đáp ứng và khắc phục những biện pháp của chính quyền chỉ bởi nhờ những nguồn sức mạnh dồi dào phi thường của thị trường. Bàn tay vô hình thúc đẩy sự tiến bộ với sức mạnh lớn hơn bàn tay hữu hình đang thoái bộ.

Liệu có phải ngẫu nhiên mà rất nhiều biện pháp cải cách của chính phủ trong những thập kỷ gần đây đã thất bại, thiêu rụi những hy vọng le lói thành tro bụi? Hay đơn giản bởi vì các chương trình đó mắc phải sai lầm trong quá trình triển khai? 

Tôi tin câu trả lời rõ ràng là theo hướng tiêu cực. Khiếm khuyết trọng yếu của những biện pháp này là họ muốn dựa vào chính quyền để bắt người dân hành động ngược lại với lợi ích trước mắt của họ, nhằm thúc đẩy cái được coi là lợi ích chung. Họ muốn giải quyết cái được coi là xung đột lợi ích, hoặc là sự khác biệt quan điểm về lợi ích, không phải bằng cách tạo ra một khung pháp luật nhằm xóa bỏ xung đột, hay bằng cách thuyết phục mọi người để có các lợi ích khác nhau, mà bằng cách ép buộc mọi người phải hành động ngược với lợi ích của họ. Họ dùng hệ giá trị của những người ngoài cuộc thay cho hệ giá trị của những người trong cuộc, thậm chí còn chỉ bảo cho những người trong cuộc biết cái gì mới là tốt cho họ, hay nói rằng chính quyền lấy nguồn lực của một số người để giúp đỡ cho người khác. Những biện pháp này, do đó, gặp phải sự kháng cự từ một trong những nguồn lực mạnh mẽ và sáng tạo nhất từng được biết tới – đó chính là nỗ lực của hàng triệu con người nhằm cải thiện lợi ích của chính họ, nhằm sống cuộc đời của họ theo hệ giá trị của chính họ. Đây chính là nguyên nhân chủ đạo khiến những biện pháp nói trên thường có kết quả ngược hoàn toàn với kết quả dự kiến ban đầu. Nguồn lực kể trên cũng là một trong những sức mạnh chính của một xã hội tự do và lý giải nguyên do tại sao các quy định của chính quyền lại không bóp nghẹt được nó.

Những lợi ích mà tôi nói đến không đơn giản chỉ là những lợi ích hẹp hòi vì bản thân. Ngược lại, chúng bao gồm cả những giá trị mà con người trân trọng, và vì chúng mà họ sẵn sàng tiêu hết gia sản hay hy sinh cả tính mạng. Những người Đức thiệt mạng khi chống đối Adolf Hitler cũng theo đuổi những lợi ích riêng mà tự họ ý thức quàng vào. Điều tương tự cũng đúng với những người đàn ông và phụ nữ đã hiến dâng những nỗ lực to lớn và thời gian quý báu cho các hoạt động tình nguyện, giáo dục và tôn giáo. Một cách tự nhiên, những lợi ích như vậy chỉ quan trọng với một số ít người. Đạo đức của một xã hội tự do nằm ở chỗ nó cho phép những lợi ích như vậy đạt đến quy mô tối đa, và không hạ thấp nó xuống tới những lợi ích vật chất hạn hẹp đang thống trị phần lớn nhân loại. Đó là lý do tại sao các xã hội tư bản lại ít mang tính vật chất hơn các xã hội tập thể.

Thế thì tại sao, dưới ánh sáng thực tiễn của lịch sử, trách nhiệm tìm ra bằng chứng thuyết phục vẫn đang đặt lên vai chúng ta, những người phản đối những chương trình mới của chính quyền, những người đang tìm cách làm giảm vai trò quá mức của chính quyền? Hãy để Dicey trả lời: “Tác động có ích của sự can thiệp từ chính quyền, đặc biệt là dưới dạng các quy định luật pháp là trực tiếp và tức thời, nói thẳng ra là dễ nhìn thấy, trong khi những tác động xấu xa của nó là từ từ và không trực tiếp và không nhìn thấy được... Phần lớn người dân nhận ra rằng các thanh tra chính phủ có thể thiếu năng lực, bất cẩn và thậm chí đôi khi tham nhũng...; nhưng lại có rất ít người nhận ra sự thật không thể chối cái rằng sự giúp đỡ của Nhà nước đã giết chết sự tự lực cánh sinh. Do đó, phần lớn nhân loại cần xem lại thái độ ưu ái quá mức dành cho các hoạt động can thiệp của chính quyền. Sự thiên vị tự nhiên này chỉ có thể ngăn ngừa bằng sự hiện hữu, trong một xã hội nhất định, một tiền giả định được cho là hiển nhiên đúng hoặc các định kiến theo hướng ưu tiên sự tự do cá nhân, nghĩa là một xã hội xây dựng trên nền tảng thị trường tự do (laissez-faire). Việc sụt giảm niềm tin vào sự tự lực cánh sinh – và điều này càng ngày càng rõ ràng – tự thân nó chịu trách nhiệm cho sự phát triển của hệ thống luật ngày càng lệch lạc theo hướng chủ nghĩa xã hội”.1 

Việc bảo vệ và mở rộng sự tự do hiện nay bị đe dọa từ hai hướng. Một mối đe dọa là hiển nhiên và rõ ràng. Đó là mối đe dọa bên ngoài đến từ những kẻ xấu xa tại điện Kremlin, những kẻ hứa hẹn sẽ chôn vùi hết thảy chúng ta. Mối đe dọa còn lại thì tinh vi hơn nhiều. Đó là mối đe dọa nội sinh đến từ những người có ý định tốt và thiện chí tốt, những người mong muốn sửa đổi chúng ta. Những người này tỏ ra mất kiên nhẫn với con đường thuyết phục và với thành tựu nhỏ giọt trong viễn kiến thay đổi xã hội long trời lở đất của họ, cho nên họ quan tâm đến việc tận dụng sức mạnh của nhà nước để đạt đến mục đích của mình và rất tự tin vào năng lực bản thân để làm việc đó. Tuy thế, khi giành được quyền lực, họ vẫn lại thất bại trong việc đạt đến những mục tiêu thôi thúc muốn đạt được, thêm nữa họ còn tạo ra một nhà nước tập thể khiến chính họ giật mình kinh hãi và trở thành những nạn nhân đầu tiên của nó. Quyền lực tập trung đã không còn vô hại bằng những ý định tốt đẹp của những người tạo nên nó. 

Bất hạnh thay, hai mối đe dọa trên lại củng cố lẫn nhau. Thậm chí nếu chúng ta tránh được thảm họa hạt nhân, mối đe dọa từ điện Kremlin vẫn khiến chúng ta phải dành một phần đáng kể tài nguyên cho quốc phòng. Vai trò quan trọng của chính quyền trong tư cách người mua rất nhiều sản phẩm của của chúng ta, và thậm chí là người mua độc quyền sản phẩm của rất nhiều doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, đã tập trung một lượng quyền lực kinh tế hết sức nguy hiểm vào tay các chính trị gia, đã thay đổi môi trường hoạt động của các doanh nghiệp và các tiêu chí để đánh giá thành công của doanh nghiệp, và theo nhiều cách đã đe dọa đến thị trường tự do. Mối nguy này chúng ta không thể tránh khỏi. Nhưng chúng ta không cần thiết phải làm trầm trọng hóa nó thêm bằng việc tiếp tục duy trì những hoạt động can thiệp của chính quyền trên quy mô rộng như hiện nay trong những lĩnh vực không liên quan đến quốc phòng, cũng như chấp nhận bất kỳ chương trình mới nào của chính quyền - từ chăm sóc y tế cho người già cho đến việc thám hiểm mặt trăng [lưu ý rằng tác giả viết cuốn sách này vào năm 1962, và mãi đến năm 1969 Mỹ mới đưa người lên mặt trăng – ND].

Như Adam Smith đã từng nói, “Phần lớn sự phá hoại đến từ bên trong một quốc gia”. Cấu trúc cơ bản trong hệ giá trị của chúng ta và mạng lưới gắn kết giữa các thể chế tự do sẽ phải chống chịu rất nhiều. Tôi tin là chúng ta có khả năng bảo vệ và mở rộng sự tự do bất chấp quy mô các chương trình quân sự, và bất chấp quyền lực kinh tế hiện đã tập trung ở Washington. Nhưng chúng ta sẽ chỉ có thể làm được điều này nếu như chúng ta tỉnh táo trước các mối đe dọa trước mắt, nếu như chúng ta thuyết phục được đồng bào mình rằng các thể chế tự do đảm bảo một con đường chắc chắn hơn, ngay cả khi chậm hơn, để đạt được những mục tiêu, thay vì bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Những tín hiệu thay đổi đã xuất hiện trong cộng đồng trí thức hiện nay là một điềm phước lành.

Chú thích:

(1) A. V. Dicey, op. cit., pp. 257-8. 

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962

Tác giả liên quan