Chủ nghĩa tư bản và tự do: Các Giải Pháp Phúc Lợi Xã Hội (Phần 13)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: Các Giải Pháp Phúc Lợi Xã Hội (Phần 13)

(Tiếp theo Phần 12)

Chương XI: Các Giải Pháp Phúc Lợi Xã Hội

Chính cái cảm tính nhân đạo chủ nghĩa và quân bình chủ nghĩa, vốn đã thúc đẩy việc hình thành hệ thống thuế thu nhập cá nhân lũy tiến dốc đứng (steeply graduated individual income tax), cũng đã sản sinh ra một loạt các biện pháp khác hướng đến việc gia tăng "phúc lợi xã hội" cho những nhóm người nhất định. Nhóm giải pháp đáng lưu ý nhất, đó là nhóm được gắn cho cái tên gây hiểu nhầm "an sinh xã hội." Những nhóm giải pháp khác là: nhà ở xã hội, luật tiền lương tối thiểu, trợ giá nông nghiệp, chăm sóc y tế cho những nhóm đối tượng nhất định, chương trình hỗ trợ đặc biệt, và nhiều giải pháp nữa.

Đầu tiên, tôi sẽ nói sơ lược về một vài giải pháp thuộc nhóm giải pháp không thuộc chương trình an sinh xã hội, trong đó chủ yếu nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa ảnh hưởng thực tế so với ảnh hưởng dự kiến của chúng, và tiếp đến sẽ là phần thảo luận sâu hơn về một cấu phần lớn nhất trong chương trình an sinh xã hội: bảo hiểm cho người già và người đơn côi (old age and survivor’s insurance).

CÁC GIẢI PHÁP PHÚC LỢI TẠP HẠNG

1. Nhà ở xã hội

Người ta thường lập luận bảo vệ chương trình nhà ở xã hội là dựa trên “hiệu ứng lân cận”, theo đó các khu ổ chuột và các khu nhà ở kém chất lượng khác được cho là tạo ra thêm chi phí an ninh và chi phí phòng cháy chữa cháy, buộc cả cộng đồng phải gánh chịu. Quả thực, hiệu ứng lân cận kiểu này cũng có thể tồn tại. Nhưng tới chừng mực mà hiệu ứng này còn hiện hữu thì nếu chỉ với luận điểm này, nó không chỉ ủng hộ chương trình nhà ở xã hội mà còn ủng hộ cả việc đánh thuế cao hơn đối với loại nhà ở làm tăng thêm chi phí xã hội, vì biện pháp này có xu hướng giúp làm cân bằng giữa chi phí tư và chi phí xã hội.

Ngay lập tức, luận điểm này sẽ bị đáp lại bằng một hệ quả không hề mong đợi, đó là người có thu nhập thấp sẽ phải gánh chịu các loại thuế phát sinh thêm. Lời đáp trả này hàm ý rằng chương trình nhà ở xã hội được đề xuất không phải dựa trên hiệu ứng lân cận mà thực chất là một giải pháp giúp đỡ người có thu nhập thấp. Nếu đúng là thế, vậy tại sao lại trợ cấp bằng nhà ở, một cách trợ cấp rất đặc biệt? Nếu các quỹ được sử dụng là để giúp đỡ người nghèo, thì chẳng phải dùng cách hỗ trợ bằng tiền mặt thay vì bằng vật chất sẽ hiệu quả hơn sao? Chắc chắn là những hộ gia đình thuộc diện được nhận trợ cấp sẽ muốn nhận được tiền mặt thay vì nhà ở. Họ có thể tự mình sử dụng số tiền để xây nhà nếu họ muốn vậy. Do đó, nếu như được trợ cấp tiền mặt, họ sẽ luôn có được lựa chọn tốt hơn. Nếu họ cho rằng những nhu cầu khác quan trọng hơn là nhu cầu nhà ở, việc nhận tiền mặt sẽ giúp họ có lợi hơn. Trợ cấp tiền mặt sẽ giải quyết được cả hiệu ứng lân cận lẫn vấn đề trợ cấp bằng hiện vật, bởi nếu tiền không được dùng để mua nhà, nó có thể dùng để chi trả những khoản thuế phát sinh thêm do hiệu ứng lân cận.

Do đó, lập luận xây dựng nhà ở xã hội không thể dựa trên hiệu ứng lân cận hay trên cơ sở giúp đỡ những hộ gia đình nghèo. Nếu có, thì nó chỉ có thể là sản phẩm của chủ nghĩa gia trưởng (paternalism), rằng các hộ gia đình thuộc diện trợ giúp "cần" nhà ở hơn là "cần" những thứ khác, nhưng các hộ này hoặc không thừa nhận điều này hoặc sẽ tiêu xài đồng tiền trợ cấp một cách thiếu sáng suốt vào những thứ khác thay vì vào nhà ở. Một người theo chủ nghĩa tự do chắc hẳn sẽ bác bỏ lý lẽ này nếu áp dụng với những người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nhưng anh ta khó có thể chối bỏ hoàn toàn lý lẽ này khi cân nhắc tác dụng gián tiếp tới con trẻ. Cụ thể là, cha mẹ thờ ơ với phúc lợi của con cái, vốn dĩ "cần" điều kiện nhà ở tốt hơn. Nhưng trong trường hợp đó, anh ta chắc chắn sẽ đòi hỏi các bằng chứng có sức thuyết phục hơn, và đi vào đúng trọng tâm hơn nhiều so với những thứ thường được đưa ra trước đây, trước khi anh ta có thể chấp nhận luận điểm cuối cùng này như là một sự biện hộ thỏa đáng cho việc chi tiêu một khoản ngân sách lớn vào nhà ở xã hội.

Đã có rất nhiều những trao đổi từ góc độ lý luận ở giai đoạn trước khi chương trình nhà ở xã hội được triển khai. Giờ đây, khi chúng ta đã trải nghiệm, chúng ta có thể bàn luận sâu hơn rất nhiều. Trong thực tế, nhà ở xã hội quả thực đã gây ra những ảnh hưởng khác xa so với dự kiến.

Trái với kỳ vọng của những người ủng hộ chương trình này, đó là cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, chương trình nhà ở xã hội đã gây hiệu ứng ngược lại. Số lượng đơn vị nhà ở bị phá hủy trong dự án xây mới nhà ở xã hội đã vượt xa số lượng đơn vị nhà ở mới được xây dựng. Nếu như vậy, chương trình nhà ở xã hội chẳng làm được gì để giúp giảm số lượng người xếp hàng để được cung cấp nhà ở. Do đó, tác động từ chương trình nhà ở xã hội là làm tăng thêm số người sống trong một đơn vị nhà ở. Một số gia đình rất có thể đã có được điều kiện về nhà ở tốt hơn so với trường hợp họ không có chương trình này – đấy là những người may mắn được cấp chỗ ở trong những khu nhà ở xã hội được xây. Nhưng điều này chỉ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn cho những người còn lại, vì mật độ người ở trung bình đã tăng lên.

Tất nhiên, doanh nghiệp tư nhân đã giúp giảm bớt phần nào ảnh hưởng tiêu cực của chương trình nhà ở công cộng, bằng việc chuyển đổi những khu nhà ở hiện tại và xây lên những khu nhà ở mới dành cho những người trực tiếp bị di dời cũng như những người đã bị di dời nhưng không may mắn trong các đợt bốc thăm phân nhà của chương trình nhà ở xã hội. Tuy vậy, những nguồn lực tư nhân này vẫn sẽ hiện hữu trong trường hợp không có chương trình nhà ở xã hội.

Tại sao chương trình nhà ở xã hội lại gây ra ảnh hưởng tiêu cực này? Đó là bởi một lí do phổ biến mà chúng ta đã nhấn mạnh rất nhiều lần. Lợi ích chung, vốn dĩ thúc đẩy rất nhiều người ủng hộ thực hiện chương trình này, đã phân rã và biến đổi. Một khi chương trình được thông qua, nó có xu hướng đáp ứng lợi ích của những nhóm lợi ích chiếm đa số và chắc chắn chịu ràng buộc bởi những nhóm này. Trong trường hợp này, những nhóm lợi ích chính là những nhóm người dân địa phương khao khát dọn sạch những khu nhà ọp ẹp để tân trang lại, bất kể bởi họ có tài sản ở khu vực đó hay bởi khu nhà ọp ẹp đe dọa tới các khu kinh doanh ở trong trung tâm hoặc ở nơi họ sinh sống. Chương trình nhà ở xã hội được xem như một công cụ tiện lợi để hoàn thành sứ mệnh đó, điều dẫn đến nhiều hoạt động phá hủy hơn là hoạt động xây dựng. Kể cả như vậy, các khu nhà "ọp ẹp" vẫn đi theo chúng ta như hình với bóng, là nguyên cớ để yêu cầu ngân sách liên bang phải tài trợ để giải quyết vấn nạn này.

Một lợi ích khác mà những người ủng hộ trông đợi ở nhà ở xã hội là việc giảm bớt tội phạm tuổi vị thành niên bằng cách cải thiện điều kiện nhà ở. Một lần nữa, chương trình đã gây ra những tác động ngược lại trong rất nhiều trường hợp cụ thể, đấy là chưa kể sự thất bại của nó trong việc cải thiện điều kiện trung bình về nhà ở. Các điều kiện về mức thu nhập thấp đã đặt gánh nặng (trên vai cha mẹ) cho việc phải có được một suất trong chương trình nhà ở xã hội tại các mức giá thuê nhà đã được trợ cấp. Điều này đã dẫn tới một tỉ lệ rất cao tình trạng gia đình “bị sứt mẻ” - cụ thể là li dị hoặc có những người góa phụ nuôi con. Trẻ em ở những gia đình bị sứt mẻ có nguy cơ trở thành trẻ “cá biệt”, và càng có nhiều trẻ em như vậy thì càng có khả năng làm gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên. Đây là một hình ảnh rất xấu ảnh hưởng tới các trường học ở khu vực lân cận khu dân cư thuộc diện nhà ở xã hội. Một ngôi trường có thể sẵn sàng tiếp nhận một vài học sinh cá biệt, nhưng sẽ rất khó để nhận một lượng lớn học sinh như vậy. Hơn nữa, trong một vài trường hợp, những gia đình bị sứt mẻ chiếm tới một phần ba hoặc nhiều hơn trong tổng số những gia đình thuộc dự án nhà ở xã hội, và đa số học sinh trong trường đều sống trong dự án nhà ở xã hội đó. Giá như các gia đình này được trợ cấp bằng tiền mặt để giảm tải khó khăn tài chính, thì có lẽ họ sẽ tập trung với mật độ ít hơn trong cộng đồng.

2. Luật tiền lương tối thiểu

Luật tiền lương tối thiểu là một bằng chứng rõ ràng về một biện pháp mà tác động của nó trái ngược hoàn toàn so với dự định ban đầu của những người có ý tốt muốn ủng hộ nó. Nhiều người ủng hộ luật tiền lương tối thiểu khá đúng khi phàn nàn về việc có những mức lương quá thấp. Họ coi chúng là một biểu hiện của đói nghèo. Và họ hi vọng, bằng cách ngăn cấm việc đặt mức lương thấp hơn một mức xác định (mức lương tối thiểu), sẽ giúp làm giảm nghèo đói. Trên thực tế, ở chừng mực mà các điều luật tiền lương tối thiểu có bất kỳ chút ảnh hưởng nào đáng kể, thì ắt phải là ảnh hưởng làm tăng đói nghèo. Nhà nước có thể ban hành luật mới cho mức lương tối thiểu. Nhưng khó có thể yêu cầu các ông chủ phải thuê ở mức lương tối thiểu tất cả những nhân công mà trước đó đã chấp nhận làm việc ở mức thấp hơn mức tối thiểu này. Rõ ràng các ông chủ không có bất cứ lợi ích gì để làm vậy. Do đó, ảnh hưởng của luật tiền lương tối thiểu là khiến cho thất nghiệp tăng cao hơn mức đáng có. Tới chừng nào mà mức lương thấp thực sự là một biểu hiện của sự nghèo đói, thì những người bị đẩy đến tình trạng thất nghiệp chính xác là những người có ít điều kiện nhất để từ bỏ mức thu nhập mà họ đã từng nhận được. Hệ quả là, có rất ít người ủng hộ cho luật tiền lương tối thiểu.

Trường hợp này ở một khía cạnh nào đó rất giống với chương trình nhà ở xã hội. Trong cả hai trường hợp, đối tượng được hỗ trợ là rõ ràng - những người đã được tăng lương; và những người sinh sống trong khu nhà ở xã hội. Trong khi đó, có nhiều người vô danh bị tổn hại, và vấn đề của họ thì không có mối liên hệ rõ ràng với nguyên nhân gây ra. Với luật tiền lương tối thiểu, đó là những người được xếp vào nhóm thất nghiệp, hoặc khả năng cao hơn, là không bao giờ được thuê trong các công việc vì sự hiện diện của luật tiền lương tối thiểu và bị đẩy tới những công việc được trả công ít hấp dẫn hơn hoặc tới hoàn cảnh phải nhận trợ cấp sinh sống từ chính phủ. Với chương trình nhà ở xã hội, là những người bị ép phải đến sinh sống tập trung gần nhau, trong những khu ổ chuột đang mở rộng, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng lớn hơn về nhà ở xã hội, thay vì là một hệ quả của chương trình nhà ở xã hội hiện tại.

Luật tiền lương tối thiểu được ủng hộ không phải từ những người lương thiện, chí công vô tư, mà phần lớn từ những nhóm lợi ích. Ví dụ, hiệp hội thương mại phía bắc và các công ty ở phía bắc, do bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ phía nam, ủng hộ luật tiền lương tối thiểu để giảm sự cạnh tranh từ các tổ chức từ phía nam.

3. Trợ giá nông nghiệp

Trợ giá nông nghiệp là một trường hợp khác. Nếu loại trừ yếu tố khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ đại diện vượt quá mức trong cử tri đoàn và quốc hội thì chỉ còn một lý do đáng kể biện minh cho các chương trình trợ giá nông nghiệp: người nông dân có mức thu nhập bình quân thuộc vào loại thấp. Ngay cả nếu chấp nhận rằng đây là sự thật thì các chính sách trợ giá nông nghiệp vẫn không hoàn thành được mục đích dự kiến, đó là hỗ trợ những người nông dân đang cần sự giúp đỡ. Thứ nhất, các lợi ích của trợ giá nông nghiệp, nếu có, đều đi ngược lại mong muốn của người nông dân, bởi chúng tính theo tỉ trọng nông sản bán ra trên thị trường. Người nông dân nghèo không những chỉ bán được ít sản phẩm trên thị trường hơn so với người nông dân giàu có; thêm vào đó, anh ta phải hy sinh phần thu nhập lớn hơn để giữ lại phần sản phẩm do mình sản xuất ra để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của anh ta, và những sản phẩm này không thuộc vào đối tượng được hỗ trợ. Thứ hai, bất kỳ lợi ích nào mà chương trình trợ giá đem lại đều nhỏ hơn rất nhiều so với tổng chi phí phải chi ra để chạy chương trình. Lý do là, vì các chi phí phải bỏ ra để lưu trữ nông sản và các chi phí tương tự đều không hề đem lại lợi ích cuối cùng cho người nông dân – mà thực ra là đem lại lợi ích chủ yếu cho các nhà cung cấp cơ sở và trang thiết bị lưu kho. Một lý do khác là các chi phí phải bỏ ra để mua các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp. Người nông dân bị buộc phải phải bỏ thêm tiền vào thuốc trừ sâu, hạt giống, máy móc, v.v. Vì thế, cùng lắm thì người nông dân nhận được thêm một chút tiền lẻ vào thu nhập. Và thứ ba, ngay cả phần lợi ích thực sự nhận được đối với cư dân ở nông thôn cũng thổi phồng lợi ích thực sự nhận được từ chương trình trợ giá, bởi nó đã giữ chân nhiều người ở lại các nông trại hơn mức cần thiết. Chỉ phần dư ra, nếu có, từ những thứ họ có thể kiếm được trên nông trại khi có chương trình trợ cấp vượt trên mức kiếm được bên ngoài nông trại mới là phần lợi ích thuần họ nhận được từ chương trình. Tác động chính của chương trình mua hàng trợ giá nông nghiệp đơn thuần chỉ là làm sản lượng nông sản lớn hơn chứ không giúp tăng thêm mức thu nhập trung bình của người nông dân.

Một số chi phí trong chương trình thu mua nông sản là rất hiển nhiên và dễ thấy, và vì thế, thay vì giải thích dài dòng, chỉ cần liệt kê chúng ở đây. Đầu tiên, đó là việc người tiêu dùng đã phải trả hai lần tiền, một lần trong thuế cho các khoản chi trả hỗ trợ cho nông dân, và một lần nữa cho việc trả mức giá cao hơn cho thực phẩm. Tiếp theo là việc người nông dân phải chịu thêm gánh nặng bởi những quy định hạn chế nặng nề và cơ chế kiểm soát tập trung chặt chẽ. Bên cạnh đó là việc cả nước phải chịu thêm gánh nặng từ sự gia tăng nạn quan liêu. Tuy nhiên, vẫn có một lớp chi phí khác ít được biết đến. Chương trình nông nghiệp vẫn luôn là một rào cản chính trong việc theo đuổi các chính sách đối ngoại. Nhằm duy trì mức giá nội địa cao hơn giá thế giới thì nhất thiết phải đặt ra hạn ngạch nhập khẩu cho rất nhiều loại mặt hàng. Sự thay đổi thất thường trong chính sách của chúng ta đã tạo ra những ảnh hưởng trái chiều nghiêm trọng đến những quốc gia khác. Mức giá bông cao khuyến khích các quốc gia khác mở rộng sản xuất bông. Khi mức giá bông trong nước của chúng ta cao dẫn đến tình trạng có lượng bông tồn kho không được sử dụng đến, chúng ta theo đó phải đem xuất khẩu ở mức giá thấp và gây tổn thất kinh tế lớn cho những người sản xuất [nước ngoài], những người mà trước đó chính chúng ta đã có những hành động để cổ vũ họ mở rộng sản xuất. Và vẫn còn một dải danh sách những trường hợp tương tự nữa.

TUỔI GIÀ VÀ BẢO HIỂM HƯU TRÍ

Chương trình “an sinh xã hội” là một trong những chương trình cho thấy cái gọi là sự áp chế của hiện trạng (the tyranny of status quo) thể hiện tính ma thuật của nó như thế nào. Mặc cho những tranh cãi xung quanh khi chương trình được thai nghén, người ta dường như coi sự cần thiết của chương trình là điều hiển nhiên đến mức không cần phải nghi vấn về nó nữa. Tuy thế chương trình này có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống cá nhân của một bộ phận đáng kể người dân trong nước, nhưng, như những gì tôi biết cho đến nay, lại không dựa trên bất kỳ lý lẽ thuyết phục nào, bất kể từ những nguyên lý tự do hay từ những nguyên lý khác. Tôi đề xuất xem xét cấu phần lớn nhất của nó, tức phần liên quan đến các khoản tiền thanh toán cho người cao tuổi. 

Từ góc độ điều hành, chương trình được biết đến là một chương trình bảo hiểm tuổi già và đơn côi (Old age and survivor’s insurance - OASI) bao gồm một mức thuế đặc biệt đánh vào tiền lương, cộng với các khoản chi trả cho các cá nhân khi đã đến một độ tuổi nhất định, với trị giá được xác định theo các tiêu chí: độ tuổi mà tại đó việc chi trả bắt đầu được tiến hành, hoàn cảnh gia đình, và bản kê khai thu nhập thời kỳ trước đó.

Từ góc độ phân tích, chương trình OASI bao gồm ba thành tố riêng biệt:

1. Yêu cầu phải có một nhóm lớn các cá nhân mua gói niên kim (annuity), đó là các khoản tiền dự phòng bắt buộc cho tuổi già. 

2. Yêu cầu phải mua gói niên kim từ chính phủ, đó là việc quốc hữu hóa các gói niên kim.

3. Một cơ chế tái phân phối thu nhập, điều này xảy ra bất cứ khi nào mà giá trị của các khoản tiền bảo hiểm mà những người tham gia vào hệ thống OASI có quyền được hưởng hàng năm không bằng với mức thuế họ sẽ trả.

Rõ ràng không nhất thiết phải kết hợp các thành tố này lại với nhau. Có thể yêu cầu mỗi cá nhân phải chi trả cho gói niên kim của chính anh ta; nhưng cá nhân đó có thể được phép mua gói niên kim từ một doanh nghiệp tư nhân; tuy vậy, có thể yêu cầu cá nhân đó phải mua chính xác loại gói niên kim nhất định nào đó. Nhà nước có thể tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này, nhưng không được phép ép buộc các cá nhân phải mua những loại gói niên kim nhất định, và có thể yêu cầu các doanh nghiệp phải tự chủ tài chính. Và rõ ràng là, nhà nước có thể và thực tế là đang tham gia vào việc tái phân phối thu nhập mà không cần sử dụng đến công cụ niên kim.

Do đó, hãy xem xét lần lượt mỗi thành tố này, để xem có thể biện minh chúng đến đâu. Chúng ta sẽ xem xét các thành tố theo thứ tự ngược lại, bởi tôi tin rằng điều này sẽ hữu ích cho việc phân tích của chúng ta.

1. Chương trình tái phân phối thu nhập

Chương trình OASI hiện nay liên quan đến hai loại tái phân phối thu nhập, bao gồm tái phân phối thu nhập giữa những người hưởng trợ cấp từ chương trình OASI, và tái phân phối thu nhập từ những người chịu thuế nói chung tới những người hưởng trợ cấp từ chương trình OASI.

Loại đầu tiên chủ yếu phân phối lại thu nhập từ những người tham gia hệ thống OASI ở độ tuổi tương đối trẻ tới những người tham gia ở độ tuổi đã cao. Những người tham gia khi tuổi đã cao đang và đôi lúc sẽ nhận được phần trợ cấp lớn hơn số thuế mà họ đã trả. Mặt khác, dưới chế độ thuế và trợ cấp hiện tại, những người tham gia vào hệ thống khi còn trẻ chắc chắn sẽ nhận được ít hơn.

Tôi không thấy có bất cứ cơ sở nào – từ quan điểm tự do hay quan điểm nào khác – biện minh được tính hợp lý của loại tái phân phối thu nhập này. Mọi người trong diện hưởng trợ cấp đều được nhận trợ cấp, bất kể họ nghèo đói hay giàu có; người có nhiều của cải nhận được lượng trợ cấp tương đương như người không có tài sản. Tiền thuế dùng để chi trả cho trợ cấp là loại thuế đồng mức (flat-rate tax) đánh vào mọi khoản thu nhập, bất kể là thu nhập nhỏ hay rất lớn. Khoản thuế này đa phần đến từ các khoản thu nhập thấp thay vì các khoản thu nhập cao. Vậy đâu là những lời giải thích đáng tin cậy cho việc (i) đánh thuế người trẻ nhằm trợ cấp cho người già bất kể tình trạng kinh tế của người già; (ii) áp tỷ trọng thu thuế cho mục đích này từ nhóm người có thu nhập thấp cao hơn nhóm người có thu nhập cao; hay (iii) tăng các nguồn thu ngân sách để chi trả trợ cấp bằng khoản tiền thuế đánh vào lương? 

Loại tái phân phối thu nhập thứ hai nảy sinh bởi vì hệ thống OASI không thể tự chủ tài chính hoàn toàn. Trong thời kỳ có rất nhiều người tham gia và đều nộp thuế, trong khi chỉ một số ít người có đủ điều kiện để được nhận trợ cấp, hệ thống có vẻ như tự chủ được tài chính và thậm chí còn có thặng dư. Nhưng đây chỉ là vẻ bề ngoài, bởi người ta đã lờ đi các nghĩa vụ dồn tích sẽ phải trả cho những người nộp thuế. Và liệu các khoản thuế đã nộp có đủ để chi trả cho các nghĩa vụ dồn tích đó hay không? Thật đáng ngờ. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng kể cả áp dụng phương pháp kế toán tiền mặt (cash basis) [tức dựa trên nguyên tắc thực thu-thực chi thay vì nguyên tắc dự thu-dự chi của kế toán dồn tích – ND] thì vẫn sẽ phải trợ cấp cho chương trình này. Và sự trợ cấp như vậy, nhìn chung, đã phải tiến hành ở những hệ thống tương tự ở các quốc gia khác. Đây là một vấn đề mang tính chuyên môn cao mà chúng ta ở đây không thể và không cần thiết phải bàn luận sâu hơn, và phải thú thực là đây là một vấn đề có thể có nhiều quan điểm khác nhau.

Để phục vụ cho mục đích của chúng ta, chỉ cần đặt câu hỏi mang tính lý thuyết như sau là đủ: việc người nộp thuế nói chung, được yêu cầu bỏ ra một khoản tiền mặc định, dùng trong việc trợ cấp như vậy có thể được giải thích hợp lý hay không. Tôi không thấy có cơ sở nào mà một sự trợ cấp như vậy có căn cứ hợp lý. Chúng ta có thể có mong muốn giúp đỡ người nghèo. Nhưng, liệu có luận cứ nào biện minh được việc giúp đỡ người có tuổi, bất kể là họ nghèo hoặc không nghèo? Phải chăng đây không phải là một sự tái phân phối thu nhập hoàn toàn tùy tiện?

Lý lẽ duy nhất mà tôi thấy hợp lý để biện minh cho việc tái phân phối thu nhập trong chương trình OASI là lý lẽ được trình bày dưới đây; nhưng đó là lý lẽ mà theo tôi là hoàn toàn trái đạo đức, mặc cho nó phổ biến. Lập luận này phát biểu rằng việc tái phân phối thu nhập trong OASI, tính bình quân, giúp đỡ những người có thu nhập thấp nhiều hơn người có thu nhập cao bất chấp cái tính tùy tiện rất lớn của hệ thống này; rằng tốt nhất nên làm thế nào để quá trình tái phân phối thu nhập này hiệu quả hơn; tuy rằng cộng đồng sẽ không bỏ phiếu trực tiếp ủng hộ chương trình tái phân phối thu nhập, nhưng cộng đồng sẽ bỏ phiếu cho nó như là một cấu phần trong giải pháp an sinh xã hội. Về bản chất, lập luận này nói rằng cộng đồng có thể bị dắt mũi để bỏ phiếu cho một biện pháp mà họ đã phản đối, bằng cách gói giải pháp đó trong một vỏ bọc khác. Khỏi cần phải nói, những người lập luận theo cách này chính là những người lớn tiếng nhất chỉ trích về những quảng cáo thương mại “gây hiểu lầm”!1

2. Quốc hữu hóa việc cung cấp gói niên kim bắt buộc

Giả sử chúng ta muốn tránh tái phân phối thu nhập, bằng cách yêu cầu mỗi người phải trả phí cho khoản niên kim anh ta nhận được, tất nhiên theo nghĩa phí bảo hiểm tính đầy đủ cả giá trị quy về hiện tại của khoản kim niên, tính cả đến trường hợp tử vong và lợi tức nhận về. Vậy có căn cứ nào biện minh cho việc buộc anh ta phải mua gói niên kim từ các tổ chức của chính phủ? Nếu chỉ vì mục đích hoàn thành chương trình tái phân phối thu nhập, rõ ràng sẽ buộc phải sử dụng quyền lực thu thuế của chính quyền. Nhưng nếu tái phân phối thu nhập không phải là mục đích của OASI, và như chúng ta đã thấy, rất khó tìm được bất kỳ căn cứ nào để biện minh cho vai trò của chính quyền ở đây, vậy thì tại sao không cho phép các cá nhân muốn mua gói niên kim được quyền mua từ các tổ chức tư nhân? Một trường hợp gần như tương tự được quy định tại các sắc luật của các bang về yêu cầu bắt buộc mua gói bảo hiểm trách nhiệm ô tô. Như những gì tôi được biết, không một bang nào có sắc luật như vậy lại có một công ty bảo hiểm nhà nước được lập ra chỉ để buộc những chủ xe ô tô phải mua bảo hiểm từ một cơ quan chính phủ.

Những lợi ích kinh tế nhờ quy mô có thể không phải là căn cứ để ủng hộ cho chính sách quốc hữu hóa việc cung cấp gói niên kim. Nếu những lợi ích này là tồn tại, và chính phủ thành lập một công ty để bán các gói niên kim, thì có lẽ công ty của chính phủ, nhờ quy mô của nó, có thể bán gói niên kim với mức phí thấp hơn mức phí của các công ty cạnh tranh. Trong trường hợp đó, chính phủ hoàn toàn có thể kinh doanh sòng phẳng mà không cần phải có ép buộc nào đối với với người dân. Nếu không thể bán với mức phí thấp hơn so với các công ty cạnh tranh, có lẽ lợi ích kinh tế nhờ quy mô không tồn tại hoặc không đủ để bù đắp được những yếu tố phi kinh tế do bộ máy vận hành của chính phủ gây ra.

Một lợi thế khả dĩ của việc quốc hữu hóa quá trình cung cấp các loại gói niên kim là nhằm thúc đẩy việc triển khai chương trình bắt buộc mua gói niên kim. Tuy nhiên, đây có vẻ là một lợi thế không đáng kể. Vì, cùng mục đích như vậy, có thể dễ dàng đưa ra những quy định hành chính khác, như yêu cầu các cá nhân nộp cả bản sao hóa đơn thanh toán mua niên kim cùng với tờ khai thu nhập cá nhân trong việc tính tiền thuế phải đóng; hoặc như để người chủ lao động thuê họ xác nhận họ đã được doanh nghiệp đóng phí niên kim. Và các vấn đề hành chính phát sinh từ những quy định thay thế này chắc chắn sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các vấn đề hành chính phát sinh bởi những quy định hiện tại.

Chi phí của việc quốc hữu hóa dường như vượt quá bất cứ lợi ích có thể nhìn thấy được nêu trên. Ở đây hay bất kỳ tình huống nào khác, cá nhân được tự do lựa chọn, và sự cạnh tranh tìm kiếm khách hàng của các doanh nghiệp tư nhân sẽ thúc đẩy việc cải tiến các loại hợp đồng niên kim hiện có, và làm tăng thêm tính đa dạng về chủng loại để đáp ứng được nhu cầu của từng cá nhân. Về mặt chính trị, có những lợi ích rõ ràng từ việc tránh phải mở rộng quy mô hoạt động của chính phủ, và đồng thời tránh được mối đe dọa gián tiếp tới sự tự do từ mỗi hoạt động mở rộng đó.

Một số chi phí chính trị ít nhận thấy hơn phát sinh từ đặc điểm của chương trình quốc hữu hóa hiện tại. Các chủ đề liên quan cần thảo luận trở nên rất phức tạp và có tính chuyên môn cao. Người dân bình thường thường không đủ năng lực để tham gia thảo luận về chúng. Quốc hữu hóa đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn các "chuyên gia" trở thành người làm thuê cho một hệ thống được quốc hữu hóa, hoặc trở thành các giảng viên, chuyên viên tại trường đại học liên kết chặt chẽ với hệ thống đó. Chắc chắn họ tham gia nhằm ủng hộ việc mở rộng hệ thống quốc hữu hóa, và tôi cũng phải nói thêm rằng, họ làm vậy không phải vì lợi ích cá nhân nông cạn, mà bởi vì họ đang hoạt động trong một khuôn khổ mà họ cho là sự quản lý hành chính của nhà nước là chuyện bình thường hiển nhiên; và họ chỉ quen thuộc với kỹ thuật vận hành của hệ thống đó. Điều tốt đẹp duy nhất còn được cứu vãn ở nước Mỹ cho đến nay là sự tồn tại của các công ty bảo hiểm tư nhân tham gia vào những hoạt động tương tự.

Mong muốn Quốc hội kiểm soát hiệu quả hoạt động của những cơ quan như Sở An sinh Xã hội (Social Security Administration), về bản chất, là không thể do những đặc điểm mang tính chuyên môn sâu về nghiệp vụ và tính gần như độc quyền các chuyên gia của các cơ quan này. Những cơ quan như vậy trở thành các đơn vị tự trị với những đề xuất đa số nhanh chóng được Quốc hội thông qua. Những người có năng lực và tham vọng phát triển sự nghiệp của mình đương nhiên sẽ mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động của những cơ quan đó và rất khó trong việc ngăn cản họ làm vậy. Nếu các chuyên gia nói có, ai sẽ là người chống lại để nói không? Vậy nên, như chúng ta đã chứng kiến, ngày càng có nhiều người dân bị hút vào hệ thống an sinh xã hội, và giờ đây, do cánh cửa mở rộng theo hướng đó còn rất hẹp, thế nên chúng ta lại đang thấy một động thái hướng tới việc đẻ thêm các chương trình mới như chăm sóc y tế.

Tôi kết luận rằng lý lẽ chống lại chương trình quốc hữu hóa việc cung cấp gói niên kim là cực kỳ mạnh, không chỉ từ góc độ của chủ nghĩa tự do, mà thậm chí cả từ góc độ các giá trị được những người ủng hộ nhà nước phúc lợi tin tưởng. Nếu những người này tin rằng chính quyền có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn so với thị trường, họ sẽ ủng hộ việc tổ chức nhà nước phát hành gói niên kim trong môi trường cạnh tranh mở với các tổ chức khác. Nếu họ đúng, tổ chức nhà nước sẽ được chào đón và phát triển thịnh vượng. Nếu họ sai, phúc lợi của người dân sẽ được cải thiện nhờ có các lựa chọn thay thế từ các tổ chức tư nhân. Và, cho đến nay, như tôi quan sát, chỉ có người theo chủ nghĩa xã hội giáo điều, hoặc người khăng khăng đặt lòng tin vào cơ chế kiểm soát tập trung là còn đứng về phía quan điểm ủng hộ quá trình quốc hữu hóa việc cung cấp gói niên kim.

3. Cơ chế bắt buộc mua gói niên kim

Sau khi đã dọn quang những bụi cây nhỏ, giờ đây chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với vấn đề cốt lõi: thuyết phục các cá nhân sử dụng một phần thu nhập hiện tại của họ để mua gói niên kim để hỗ trợ họ lúc tuổi già.

Thuyết gia trưởng triệt để là lý lẽ biện minh khả dĩ cho chính sách ép buộc này. Tất cả mọi người đều có thể quyết định một cách riêng rẽ, nếu quả thực họ muốn, làm cái điều mà luật pháp muốn họ phải thực hiện như một cộng đồng. Nhưng [thật đáng tiếc là], khi đứng riêng rẽ, họ đều thiển cận và không biết lo xa. “Chúng ta” biết rõ hơn “họ” rằng việc bắt buộc phải mua gói niên kim là để giúp họ được nhận tiền hỗ trợ hàng năm lúc tuổi già, và việc này mang lại lợi ích của họ nhiều hơn so với hình thức để họ tự nguyện tham gia. Chúng ta không thể thuyết phục từng người trong họ; nhưng chúng ta có thể thuyết phục 51 phần trăm số họ hoặc nhiều hơn, nhờ đó buộc tất cả mọi người phải làm việc đó vì lợi ích của chính họ. Cơ chế gia trưởng này dành cho những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do đó cơ chế này không hề là lý do áp dụng chỉ cho trẻ em hay người bị bệnh tâm thần. 

Lập trường gia trưởng này có tính nhất quán nội tại và hợp logic. Không thể thuyết phục một người theo thuyết gia trưởng triệt để, một khi ủng hộ quan điểm đó, từ bỏ nó bằng cách chỉ ra rằng ông ta đang mắc phải lỗi logic trong lập luận. Ông ấy là người đối lập với chúng ta về mặt nguyên tắc. Và ông ấy không đơn giản là người bạn có thiện chí, mà là người bạn bị lầm lạc trong suy nghĩ. Về cơ bản, ông ta tin vào chế độ độc tài, sự nhân từ và có thể là chủ trương theo lợi ích số đông, nhưng dù sao độc tài vẫn cứ là độc tài.

Khi chúng ta tin vào sự tự do, thì chúng ta đồng thời cũng phải tin vào quyền tự do của cá nhân trong việc mắc sai lầm. Nếu một người chủ ý thích sống cho ngày hôm nay, thích sử dụng nguồn lực của mình để được thỏa niềm vui thú hiện tại, chủ ý lựa chọn sống tuổi già túng thiếu, thì chúng ta có quyền gì mà ngăn cản anh ta làm vậy? Chúng ta có thể tranh luận với người này, tìm cách thuyết phục anh ta rằng anh ta đã sai, nhưng liệu chúng ta có được quyền sử dụng biện pháp cưỡng chế để ngăn cản anh ta làm những gì anh ta đã lựa chọn? Phải chăng là luôn không tồn tại khả năng anh ta đúng và chúng ta sai? Khiêm tốn là đức tính nổi bật của những người tin vào sự tự do, và kiêu ngạo là đức tính dễ nhận ra của những kẻ độc tài.

Nhưng chỉ có một số ít người theo chủ nghĩa gia trưởng triệt để. Nếu thực sự tĩnh tâm thì quan điểm đó không hề hấp dẫn chút nào. Bởi cho đến giờ, lập luận mang tính gia trưởng vẫn đóng một vai trò rất lớn trong các biện pháp như an sinh xã hội. Đây là lý do đáng để chúng ta làm sáng tỏ lập luận đó.

Một biện minh khả dĩ dựa trên các nguyên tắc tự do cho việc bắt buộc mua niên kim là: không chỉ người không biết lo xa phải lãnh chịu hậu quả cho chính những hành động của họ, mà còn đẩy những chi phí, hậu quả lên những người khác. Chúng ta hẳn sẽ không khoanh tay đứng nhìn những người già nghèo khổ trong cảnh túng quẫn cùng cực. Chúng ta sẽ hỗ trợ họ qua hoạt động từ thiện cá nhân và từ thiện xã hội. Do đó, nếu có người không có khả năng tự hỗ trợ cho tuổi già của mình, thì anh ta sẽ cần đến hỗ trợ từ thiện, và như vậy sẽ trở thành gánh nặng của xã hội. Việc cưỡng chế anh ta mua gói niên kim là hợp lý, không phải chỉ vì lợi ích của anh ta mà còn vì lợi ích của toàn bộ những người còn lại chúng ta.

Trọng lượng của lập luận này rõ ràng phụ thuộc vào thực tế. Nếu 90 phần trăm dân số trở thành gánh nặng cho xã hội ở tuổi 65 trong kịch bản không có ai bị bắt phải mua gói niên kim, lập luận ắt hẳn rất có trọng lượng. Nếu chỉ 1 phần trăm dân số như vậy, lập luận không có mấy ý nghĩa. Tại sao phải giới hạn quyền tự do của 99 phần trăm dân số, để tránh gánh nặng mà chỉ 1 phần trăm dân số sẽ gây ra cho cộng đồng?

Niềm tin cho rằng một phần lớn cộng đồng sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội nếu như không bị buộc phải mua gói niên kim có sức nặng, ở tại thời điểm chương trình OASI được ban hành, nhờ viện dẫn tới cuộc đại suy thoái. Trong suốt giai đoạn từ 1931 đến 1940, hơn một phần bảy lực lượng lao động bị thất nghiệp. Và tình trạng thất nghiệp đối với những công nhân cao tuổi lớn hơn cả. Tình trạng này là chưa từng có và cũng chưa từng lặp lại. Nó không phát sinh bởi nguyên nhân mọi người không biết lo xa, không biết chuẩn bị cho tuổi già. Mà nó là một hậu quả, như chúng ta đã thấy, của việc quản lý yếu kém của chính phủ. Chương trình OASI là một liệu pháp cứu chữa, và đơn thuần chỉ là liệu pháp cứu chữa, cho một tình huống hoàn toàn mới lạ mà chúng ta chưa hề có kinh nghiệm.

Tình trạng thất nghiệp của những năm 1930 chắc chắn tạo ra một nan đề đối với việc cứu trợ những kẻ khốn cùng, những người trở thành gánh nặng cho xã hội. Tuy vậy, tuổi cao, dưới mọi góc độ, không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Rất nhiều người trong độ tuổi lao động vẫn sống dựa vào các gói cứu trợ. Và việc chương trình OASI không ngừng mở rộng (cho tới ngày nay, hơn mười sáu triệu người đã nhận được hỗ trợ từ chương trình này), đã không hề làm ngừng tăng số lượng người nhận hỗ trợ xã hội.

Các thiết chế bảo hiểm tư nhân để chuẩn bị cho tuổi già đã bị thay thế đáng kể theo thời gian. Đã từng một thời, những đứa con được coi là chỗ dựa để người già nương tựa vào lúc xế chiều. Khi cộng đồng trở nên giàu có hơn, có nhiều thứ thay đổi đã diễn ra. Cụ thể, trách nhiệm đặt lên vai con cái phải chăm sóc cho cha mẹ đã giảm đi và ngày càng nhiều người có xu hướng dự phòng cho tuổi già theo hình thức tích lũy tài sản hoặc mua quyền được nhận lương hưu từ các định chế cá nhân. Gần đây, các kế hoạch lương hưu nằm ngoài chương trình OASI ngày càng phát triển nhanh hơn. Thật vậy, một số nghiên cứu viên tin rằng xu hướng hiện tại là hướng tới một xã hội nơi phần lớn lượng tiền trong xã hội được tiết kiệm trong những năm tháng ở độ tuổi thanh xuân, để hỗ trợ cho chính họ một mức sống cao hơn khi về già, đấy là so với những gì họ thụ hưởng trong giai đoạn năng suất nhất của cuộc đời. Một số trong chúng ta có thể nghĩ rằng đây là một xu hướng sai lầm, nhưng nếu nó phản ánh thị hiếu của cộng đồng, thì cứ để như vậy đi.

Do đó, chính sách bắt buộc mua gói niên kim gây ra nhiều chi phí so với những lợi ích ít ỏi thu được. Nó đã tước đoạt từ tất cả chúng ta quyền kiểm soát một phần đáng kể trong thu nhập của chúng ta bằng việc yêu cầu chúng ta sử dụng phần thu nhập đó cho một mục đích cụ thể, đó là mua bảo hiểm nhận tiền trợ cấp hưu trí hàng năm, và theo một cách thức cụ thể, đó là mua gói bảo hiểm đó từ một tổ chức của chính phủ. Nó đã ngăn cản cạnh tranh kinh doanh niên kim, và ngăn cản sự phát triển của các chương trình hưu trí. Nó đã làm nảy sinh một bộ máy quan liêu, đóng vai trò chỉ ra xu hướng phát triển dựa trên những gì bộ máy đó nuôi dưỡng, và xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động của bộ máy từ hết lĩnh vực đời sống này sang lĩnh vực đời sống khác. Và tất cả chuỗi mở rộng này khởi nguồn từ mục đích nhằm tránh khỏi mối nguy hiểm, rằng có một vài người có thể trở thành gánh nặng cho xã hội.

(Xem tiếp Phần 14)

Chú thích:

(1) Một ví dụ hiện tại khác, sử dụng cùng lập luận này, có liên quan tới những đề xuất các gói trợ cấp liên bang cho việc đến trường (federal subsidies for schooling) (được hiểu sai thành “trợ cấp giáo dục” (aid to education). Có thể lập luận rằng nên sử dụng quỹ liên bang để hỗ trợ chi phí trong trường học ở các bang có thu nhập thấp nhất dựa trên cơ sở là học sinh có thể chuyển tới sống ở các bang khác. Dù gì thì cũng chẳng biện minh được việc đánh thuế lên tất cả các bang, và rồi lại thực hiện trợ cấp liên bang cho tất cả các bang. Tuy thế, mọi dự luật được trình lên Quốc hội đều yêu cầu liên bang trợ cấp cho tất cả các bang, nhưng chẳng bao giờ yêu cầu đánh thuế lên tất cả các bang. Một số người ủng hộ những dự luật này, những người cho rằng chỉ có quan điểm trợ cấp cho một số bang mới hợp lý, bảo vệ lập trường của họ bằng lập luận rằng nếu một dự luật đề xuất chỉ các gói trợ cấp cho một số bang như vậy thì không thể được thông qua, và vì thế, cách duy nhất để các bang nghèo nhận được trợ cấp, dù không thỏa đáng, là đưa các gói trợ cấp đó vào dự luật trợ cấp cho toàn bộ các bang.

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh