Cá, gạo và phong trào Xanh thực sự đại diện cho điều gì?

Cá, gạo và phong trào Xanh thực sự đại diện cho điều gì?

Đã từ lâu, rất lâu về trước trong một thiên hà, chính là Ngân hà của chúng ta, tôi đã viết về những điều kỳ diệu của loài cá hồi biến đổi gen của công ty AquaBounty. Loài cá này tiêu thụ ít thức ăn hơn, tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với những giống cá cũ và do đó, nó là một giải pháp tuyệt vời giúp chúng ta giải quyết một cách thực chất các vấn đề môi trường . Dân số thế giới tiếp tục gia tăng và quan trọng hơn là ngày càng trở nên giàu có, kéo theo việc lượng đồ ăn ngon và bổ dưỡng như cá hồi được tiêu thụ ngày càng nhiều. Chính vì vậy, nguồn cung tự nhiên đơn giản là không thể đáp ứng được.

Lần đầu tiên tôi viết về loài siêu cá hồi vào năm 2003 và thực tế thì loài cá này đã được phát triển từ năm 1989, nhưng chỉ đến bây giờ nó mới có mặt ở nước Mỹ. Sự chậm trễ này chủ yếu do những người thuộc phong trào xanh, những người phản đối bất cứ thứ gì được tạo ra từ việc cấy ghép gen. Bạn biết đấy, đây cũng là những kẻ luôn miệng tuyên bố rằng chúng ta đã dùng cạn tài nguyên.

Tuy vậy, khác xa với việc tạo ra quái thú trên Đảo của Tiến sĩ Moreau1, tất cả những gì công ty AquaBounty làm là chèn mỗi một gen từ hai loài cá khác nhau để giúp cá hồi mới phát triển quanh năm thay vì theo mùa. Nhưng những nhà bảo vệ môi trường đã dựng lên nhiều rào cản trong suốt những thập kỷ qua. Với những ai đã từng xem những hậu quả khôn lường của việc đùa giỡn với thiên nhiên trong Công viên kỷ Jura, việc biến đổi gen hẳn là vô cùng đáng sợ. (đó chỉ là một trò đùa)

Bạn sẽ thấy, một luận điểm chính của phong trào xanh là dân số thế giới phải được kiểm soát, có thể giống như cách hạn chế sinh đẻ (nhưng đang nới lỏng) của Trung Quốc, hoặc những người được phép tồn tại phải hạn chế tiêu thụ tất cả mọi thứ. Hoặc tốt nhất là cả hai. Bạn cũng thấy điều này khá rõ ràng trong bộ phim tài liệu mà Michael Moore sản xuất mang tên Planet of the Humans (tạm dịch: Hành tinh của con Người) trên Youtube. Bộ phim đã chế nhạo cái gọi là “nhiên liệu tái tạo” như gió, năng lượng mặt trời và “sinh khối” ở Mỹ, về cơ bản là ethanol và chất đốt vụn từ cây xanh với lốp xe được ném vào cùng nhau để tăng nhiệt độ. Những chiếc lốp này thải ra vô số chất gây ô nhiễm độc hại bao gồm carbo monoxide, cyanide, sulphur dioxide, butadiene, và styrene.

Nó cũng cho thấy phong trào xanh bị những người tìm kiếm một hình thức xanh khác lợi dụng như thế nào, cho dù là các cá nhân như Al Gore hay các tập đoàn lớn đều tham gia vào cái gọi là “tẩy xanh” (greenwashing), tức là giới thiệu những sản phẩm được gắn mác thân thiện với môi trường một cách giả tạo. (Nếu không có gì đặc biệt, bạn hãy tua nhanh đến phút 1:19 khi Gore bị bắt quả tang đang đứng bảo vệ việc tàn phá rừng nhiệt đới Brazil để trồng thêm mía nhằm sản xuất loại nhiên liệu giả mạo có tên là ethanol.)

Đáng buồn thay, bộ phim lại thể hiện điều đó bằng tuyên bố rằng công nghệ không thể giải quyết được cái gọi chung chung là “tiêu thụ quá mức” và đôi khi, với trường hợp của cá, thì đó là một cách mô tả chính xác. Trên thế giới có quá nhiều hoạt động đánh bắt cá đại dương và chẳng gì có thể cứu các loài cá đại dương giống như cách mà dầu hoả (kerosene) chiết xuất từ dầu mỏ đã cứu loài cá voi.2

Đó là kiểu nhà hoạt động môi trường phản đối cá ngừ biến đổi gen, cũng như phản đối bất cứ thứ gì biến đổi gen cho dù nó giúp giảm côn trùng hoặc ngăn ngừa cỏ dại, giúp chịu nhiệt tốt hơn (luôn là ưu điểm cho dù có biến đổi khí hậu toàn cầu hay không), và thậm chí còn bổ sung thêm nhiều vitamin vào thực phẩm thiết yếu. Chẳng hạn, beta-carotene, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A, có rất nhiều lợi ích sức khỏe cho người lớn. Nó là một loại vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Ước tính việc thiếu hụt beta-carotene sẽ gây ra 2.2 triệu ca tử vong với trẻ em dưới 5 tuổi (nếu bạn muốn so sánh thì Covid-19 gây ra xấp xỉ 0 ca tử vong ở độ tuổi đó). Mặc dù vậy, beta-carotene lại thiếu hụt một cách trầm trọng tại những quốc gia mà gạo là lương thực chính. “Gạo vàng” sẽ giải quyết được vấn đề đó. Nó được tạo thành bằng cách nối hai gen từ hoa thủy tiên vàng và một từ vi khuẩn, và có khả năng cung cấp nhiều gấp 23 lần beta-carotene. Lần đầu tiên gạo vàng được giới thiệu với giới hàn lâm y học vào năm 2000, và cuối cùng được chấp thuận tại 1 quốc gia là Philippines vào năm 2020. Nhưng gạo vàng vẫn vấp phải nhiều sự phản đối và rõ ràng là chưa có ai trồng nó cả.

Đó cũng là những người phản đối năng lượng hạt nhân, không thực sự vì khả năng phóng xạ nguy hiểm bị rò rỉ mà chính xác hơn là bởi nó có dấu chân carbon (Carbon footprint) thấp hơn. Do vậy, họ gây áp lực lên cả việc xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy hạt nhân với tầng tầng lớp lớp những quy định về an toàn, khiến chúng kém cạnh tranh hơn những nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch.

Paul Ehrlich, một trong số ít những anh hùng được làm phim tài liệu, đã từng ví về việc sử dụng loại năng lượng siêu rẻ và siêu sạch này giống như việc “đưa khẩu súng máy cho một đứa trẻ ngu ngốc”. Cách nhìn này bị trói vào một "khám phá" đã bị bóc phốt về phản ứng nhiệt hạch lạnh (cold fusion3), thế nên Paul đã trút cơn thịnh nộ của mình chẳng vào cái gì cả. Nhưng đạn đã được bắn ra. Những nhà hoạt động môi trường thường không lo lắng về sự thất bại của công nghệ, mà thường lo lắng về thành công của chúng.

Trong khi đó, họ gần như hủy hoại sự phát triển của năng lượng hạt nhân mặc dù năng lượng này chỉ phát thải ra một chút xíu khí nhà kính trong quá trình xây dựng ban đầu. Nước Đức thậm chí còn đang trong quá trình đóng cửa 22 nhà máy hạt nhân được thiết kế cực kỳ tốt (Thôi nào, họ là người Đức đấy!), đồng thời thay thế bằng cách đốt than đá, than non và nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn từ đế chế hắc ám mới của Vladimir Putin. Sự nóng lên toàn cầu, chính là ở đây đấy!

Nếu chỉ trong vòng 15 năm, nước Pháp với công nghệ của những năm 70 không chỉ xây dựng đủ nhà máy hạt nhân thay thế các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mà còn trở thành nước xuất khẩu điện ròng, thì mọi quốc gia tiên tiến trên trái đất đều có thể có hệ thống điện với "dấu chân carbon bằng không". Nhưng không, những nhà hoạt động môi trường đòi đóng cửa, phản đối các nhà máy mới, hoặc đơn giản là định giá công nghệ một cách triệt hạ ngay cả đối với các nhà máy đang trùng tu lại, như thực trạng xảy ra ở Mỹ.

Đó là một ví dụ để bạn có thể biết rằng khi hầu hết những người thuộc phong trào xanh ủng hộ một công nghệ mới thì nó sẽ không phải là một công nghệ tốt; đó sẽ là một kiểu công nghệ bị hạn chế - như các tua-bin không thể hoạt động do thiếu gió hoặc các tấm pin mặt trời không hoạt động tốt ở các vùng khí hậu phía Bắc và thậm chí còn chẳng có ý nghĩa gì vào ban đêm.

Ý tưởng của họ luôn là hạn chế gia tăng dân số cũng như hạn chế tiêu thụ và trừng phạt bất kỳ ai hoặc bất cứ thứ gì cho phép tiêu thụ nhiều hơn với lượng tài nguyên ít hơn hoặc bằng trước. Đừng tin những biện luận về tính an toàn. Đó là lập luận chống lại chủ nghĩa tư bản và nhân loại chứ không chỉ là câu chuyện về những con cá. 

Chú thích:

(1) Tiểu thuyết khoa học giả tưởng của H.G.Wells nói về Edward Prendick, người bị đắm thuyền và bỏ lại trên hòn đảo của Ts. Moreau- một nhà khoa học điên đã tạo ra các giống lai nửa người nửa thú.

(2) Trước khi có công nghiệp dầu mỏ, cá voi thường bị đánh bắt rất nhiều để lấy dầu cá voi.

(3) Thuyết phản ứng nhiệt hạnh lạnh (cold fusion) nghĩa là giả thuyết các phản ứng nhiệt hạch có thể xảy ra ở nhiệt độ thông thường. Thuyết này đã bị bác bỏ.

Nguồn: Michael Fumento, Fish, Rice and What the Green Movement Really Stands For, AIER, 4/6/2021

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh