Chủ nghĩa tự do cá nhân như là một chủ nghĩa trung dung triệt để

Chủ nghĩa tự do cá nhân như là một chủ nghĩa trung dung triệt để

Nhiều năm qua chúng ta thường nghĩ rằng những tư tưởng chính trị nằm đâu đó trên một trục, một bên là cánh tả, một bên là cánh hữu. Liệu chủ nghĩa tự do cá nhân có nằm trên trục đó như cách truyền thống chúng ta nghĩ về nó? Liên quan đến câu hỏi này, Clark Ruper, Phó chủ tịch tổ chức Students For Liberty (Sinh viên vì Tự do) đã đưa ra một các tiếp cận mới, bàn về mối quan hệ giữa những tư tưởng chính trị cạnh tranh lẫn nhau và cách thức chủ nghĩa tự do cá nhân trở thành cơ sở cho nhiều cuộc bàn luận và tranh luận đương thời. Ruper tốt nghiệp Đại học Michigan vùng Ann Arbor chuyên ngành lịch sử.

Trục tả-hữu là cách giới thiệu chuẩn mực về tư tưởng chính trị: nếu bạn tin vào X, bạn ở bên trái, nếu bạn tin vào Y, bạn ở bên phải. X và Y ở đây đại diện cho điều gì, điều đó tùy theo người mà bạn nói chuyện với. Chính vì việc X hay Y được viện chứng, người ta thường tự đặt mình vào điểm nào đó trên trục tả-hữu mặc dù quan điểm của họ thực ra không hoàn toàn phù hợp với điểm đó. Nếu ai đó nói rằng “hai cực của trục này gặp nhau, trục tả-hữu trở thành hình tròn” thì nhiều người trong chúng ta có lẽ sẽ nghĩ đây là một điều hoàn toàn vô lý bởi cánh tả và cánh hữu luôn đối chọi nhau dưới những hình thức mang tính tập thể và quá khích. Chính vì vậy, khi nghe thấy những từ như Chủ nghĩa tự do cổ điển hay Chủ nghĩa tự do cá nhân lần đầu, bạn có lẽ sẽ thường tự hỏi những học thuyết này ở vị trí nào trên trục tả-hữu kia. Thực tế thì không phải vậy.

Những tư tưởng về tự do đều mang trong mình sự phủ nhận sự tồn tại của trục quy chuẩn tả-hữu. Chủ nghĩa tự do cá nhân là hệ tư tưởng nghi ngờ và thách thức việc sử dụng quyền lực chính trị. Thay vì suy nghĩ xem chính phủ nên can thiệp vào lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng chính trị chính là trở ngại trên con đường hướng đến tự do, chống lại quyền lực. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân luôn khắc cốt ghi tâm câu nói nhà sử học Lord Acton: “Quyền lực thường dẫn đến tha hóa; quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.”1 Chủ nghĩa tự do cá nhân không nằm ở phía nào của trục tả-hữu vốn chủ trương sử dụng loại quyền lực cưỡng chế này hay khác từ mỗi phía.

Trên trục tả-hữu truyền thống, chủ nghĩa cộng sản nằm ở đầu này, còn chủ nghĩa phát xít nằm ở đầu kia, việc cấm hút thuốc lá nằm ở một phía và việc cấm sử dụng cần sa nằm ở một phía khác, quy định về phát ngôn2 nằm ở phía này … và cũng có thể nằm ở phía kia. Vậy cái nào chặt chẽ, cái nào không chặt chẽ, chủ nghĩa tự do cá nhân hay trục tả-hữu truyền thống? Câu trả lời tùy thuộc vào quan điểm của bạn.

Nếu bạn vẫn nhất quyết tin vào trục tuyến tính tả-hữu, bạn có thể coi những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nằm ở vị trí trung dung triệt để (radical center) trong nghị luận chính trị. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân luôn phân tích vấn đề một cách triệt để. Chúng tôi luôn đi vào gốc rễ (tiếng Latin là radix) của vấn đề. Chúng tôi tin tưởng vào những nguyên lý tự do. Người ta có thể gọi chúng tôi là những người chủ trương trung dung theo nghĩa chúng tôi luôn luôn ở vị trí trung tâm, truyền bá tư tưởng của mình ra xung quanh và tác động đến những đảng phái chính trị hay ý thức hệ khác nhau trên trục tả-hữu kia. Vì thế, tư tưởng của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ảnh hưởng đến cả hai phía trung hữu và trung tả, cung cấp cho họ những ý tưởng hấp dẫn và có giá trị nhất. Đáng chú ý là, ngày nay ở nhiều quốc gia, tỷ lệ công dân được cho là ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân thay vì ủng hộ “cánh tả” hay “cánh hữu” đang ngày càng gia tăng.3

Chủ nghĩa tự do cá nhân là một học thuyết triết học tập trung đề cao tầm quan trọng của tự do cá nhân. Một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể là một người “bảo thủ” hoặc “tiến bộ”, sống ở thành thị hay nông thôn, theo một tôn giáo nào đó hoặc không, một người kiêng rượu hoặc nghiện rượu, đã lập gia đình hoặc độc thân …  và có lẽ đến đây các bạn cũng đã hiểu được điều tôi muốn nói. Điều gắn kết giữa những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân chính là sự kiên trì tin tưởng của họ đối với ngầm định về sự tự do đối với các vấn đề liên quan đến con người. Nói như David Boaz, một học giả của Viện nghiên cứu Cato, “Chỉ có việc sử dụng quyền lực mới cần lý do, tự do không bao giờ cần.”4 Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân luôn luôn bảo vệ những nguyên tắc về tự do và có thể hợp tác với nhiều cá nhân, nhóm khác nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên quan đến tự do cá nhân, hòa bình, và hạn chế quyền lực của chính phủ.

Chủ nghĩa tự do cá nhân đã giúp tạo hình nên phần lớn thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Như nhà báo Fareed Zakaria quan sát: 

Chủ nghĩa tự do cổ điển, như chúng ta được biết, đã lụi tàn. Nếu đúng như vậy, văn bia của nó có lẽ sẽ giống như câu nói trên bia mộ của ông Christopher Wren ở Nhà thờ thánh Paolô: "Si monumentum requiris, circumspice." (tiếng La Tinh), có nghĩa là “Nếu bạn đang tìm kiếm một đài kỷ niệm, hãy nhìn xung quanh.” Hãy nhìn thế giới mà chúng ta đang sống – tầng lớp trung lưu, không bị ảnh hưởng mạnh bởi những vấn đề tôn giáo, tin tưởng vào khoa học, yêu mến dân chủ. Cho dù bạn có thích hay không, đó là thế giới được tạo ra bởi chủ nghĩa tự do cổ điển. Trong hai trăm năm vừa qua, chủ nghĩa tự do (với đồng minh của mình là chủ nghĩa tư bản) đã phá hủy một trật tự đã thống trị xã hội loài người hai thiên niên kỷ – đó chính là chuỗi liên kết giữa chính quyền, tôn giáo, phong tục, đất đai và vua chúa. Từ nơi khởi nguồn là châu Âu, chủ nghĩa tự do đã lan truyền đến Mỹ và ngày nay đang thay đổi nhanh chóng bộ mặt phần lớn các quốc gia châu Á.5

Chủ nghĩa tự do cá nhân (tên gọi đương thời của chủ nghĩa tự do cổ điển) đã định hình sâu sắc thế giới hiện đại. Ở nhiều nơi trên thế giới, các cuộc đấu tranh đã diễn ra và nhiều nơi tự do đã chiến thắng, ví dụ như sự tách bạch giữa nhà thờ và nhà nước, sự giới hạn quyền lực thông qua việc thành lập hiến pháp, tự do ngôn luận, vạch trần chủ nghĩa trọng thương và thay thế bằng tự do thương mại, bãi bỏ chế độ nô lệ, tự do cá nhân và sự công bằng về pháp luật cho người dân tộc thiểu số không phân biệt về tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, hay giới tính, bảo vệ tài sản, sự thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự bãi bỏ chế độ Jim Crow6, nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa xã hội quốc gia và chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta có thể kể tên rất nhiều trí thức, nhà hoạt động đã làm nên những chiến thắng này. Họ đã giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn – công bằng hơn, hòa bình hơn và tự do hơn. Họ đã làm cho quan điểm cá nhân tự do về những lĩnh vực kể trên và nhiều lĩnh vực khác trở thành cơ sở cho nghị luận chính trị. Nhưng chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng. Những cuộc đấu tranh cũ thường sẽ lặp lại. Và đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay, cũng giống như với các thế hệ đi trước, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đấu tranh để giành lấy tự do.

Câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể tạo ra được ảnh hưởng kể trên mặc dù không hoạt động trong mô hình đảng phái nào?” Thực ra đôi khi chúng ta cũng hình thành những đảng phái riêng, ngày nay có thể kể tên rất nhiều các đảng tự do (cổ điển) ở Châu Âu và ở các quốc gia khác. Có lúc chúng ta lại hoạt động trong những đảng nhỏ như Đảng Tự do cá nhân (Libertarian Party) ở Mỹ. Vào năm 2012, ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng này, ông Governoer Gary Johnson đã tuyên truyền, giúp mọi người hiểu rõ hơn tác động tiêu cực của những chiến dịch chống buôn bán ma túy và các chương trình khác của chính phủ. Đôi khi những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân hoạt động trong những chính đảng khác. Ví dụ như ứng cử viên tổng thống Ron Paul của đảng Cộng Hòa năm 2008 và 2012, ông đã sử dụng hình thức diễn thuyết trên đường phố trong chiến dịch vận động để gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người trẻ ở Mỹ và trên thế giới. Hoạt động chính trị của người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo quốc gia và bối cảnh chung, nhưng có thể nói tư tưởng của chúng ta đã được phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực chính trị.

Hãy cùng nhìn lại những năm 1960 ở Mỹ - thời hoàng kim của các sinh viên cấp tiến. Về cánh tả, chúng ta có tổ chức Những người Mỹ trẻ vì tự do (Young American for Freedom - YAF). Tuyên ngôn thành lập Sharon7 năm 1960 của họ phát biểu rằng:

“Chúng ta không thể tách rời các hình thái tự do. Tự do chính trị sẽ không thể tồn tại dài lâu nếu không có tự do về kinh tế. Mục đích tồn tại của chính phủ là để bảo vệ những hình thái tự do này thông qua việc duy trì những trật tự nội bộ, quốc phòng an ninh và thi hành công lý. Nếu chính phủ vượt quá những chức năng này, quyền lực sẽ được tích lũy và tự do sẽ bị hạn chế”.8

Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, trong một bài phát biểu toàn quốc, đã nói:"Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng chủ nghĩa cực đoan bảo vệ tự do không có gì là xấu cả. Hãy nhớ rằng nếu bảo vệ công lý ở mức độ vừa phải, nửa chừng, đó mới là điều tai hại.” 9

Cùng vào thời gian đó, tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ (Student for Democratic Society – SDC) nổi lên ở cánh hữu là những người đi đầu trong phong trào phản chiến. Trong tuyên bố Port Huron10 ra đời năm 1962, SDC khẳng định:

“Chúng tôi cho rằng con người là một thực thể vô cùng quý giá, chúng ta có khả năng đạt được lẽ phải, tự do và tình yêu, nhưng chưa hoàn thành được những điều đó. Những đặc điểm định hình cuộc sống ngày nay chính là sự lụi tàn của chủ nghĩa không tưởng và sự vơi dần đi niềm hy vọng. Có rất nhiều lý do cho hiện tượng này; ví dụ như giấc mơ của những người thuộc thế hệ trước còn sót lại đã bị chủ nghĩa Stalin làm cho lầm lạc và không bao giờ có thể hồi sinh. Buồng hơi ngạt, trại tập trung hay bom nguyên tử - những biểu tượng cho những điều kinh hoàng khủng khiếp của thế kỷ XX, đã làm héo hon những niềm hy vọng. Trở thành người có lý tưởng bị coi là kẻ tự lừa dối chính mình.” 11

Trong cuốn hồi ký Ravens in the Storm [Con quạ trong bão] của mình, cựu chủ tịch SDS, ông Carl Ogelsby hồi tưởng: “Chủ nghĩa tự do cá nhân là lập trường cho phép một người có thể bàn luận với cả cánh tả và cánh hữu, đó chính là những gì mà tôi đã luôn cố gắng làm… Tại sao với vấn đề này bạn đến với những người hữu khuynh trong khi có rất nhiều người tả khuynh mà bạn có thể chọn lựa? Vì bạn sẽ tạo được phong trào phản chiến mạnh mẽ nhất nếu có thể chỉ ra rằng cả hai cánh đều phản đối nó.” 12 Ông còn viết: “Tôi đã sớm hiểu thế nào là ‘trung dung triệt để’ hay ‘ôn hoà tranh đấu’13. Tôi cho rằng chúng ta nên triệt để trong phân tích nhưng cần trung dung khi tiếp cận những người bảo thủ.” 14

Mặc dù hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, YAF ủng hộ tự do kinh tế và phản đối chủ nghĩa xã hội, SDS tập trung vào quyền công dân và hòa bình, tuy nhiên xét về tổng thể mà nói, họ chính là những người tiên phong trong hoạt động thúc đẩy chủ nghĩa tự do cá nhân thời kỳ kiện đại. Những người lãnh đạo của những phong trào hoạt động này đã trở thành những giáo viên, nhà báo, giáo sư, nhà chính trị, …. – những nhân vật chủ chốt chèo lái nghị luận chính trị đương thời. Họ có thể tuyên bố ủng hộ cánh tả hoặc cánh hữu nhưng xét cho cùng sự hăng hái hay lập luận của họ đều được khơi nguồn từ những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân.

Ngày càng có nhiều người cho rằng chiến dịch chống buôn bán ma túy là một thất bại thảm hại. Nhóm những cố vấn về chủ nghĩa tự do cá nhân ở Học viện Cato đã biên soạn báo cáo chỉ ra phí tổn khủng khiếp của những chiến dịch này cũng như phân tích lợi ích của việc đề cao tin tưởng vào trách nhiệm và sự tự do cá nhân. Các nhà kinh tế học tự do cá nhân, tiêu biểu là Milton Friedman, đã lý giải những tác động không mong muốn mà việc cấm sử dụng ma túy mang lại.15 Còn theo các nhà triết học đạo đức, một xã hội với những cá nhân tự do và có trách nhiệm nên bãi bỏ sự cấm đoán đối với hình thức phạm tội không có nạn nhân. Điều này được đề cập đến trong cuốn sách ra đời năm 1875 của Lysander Spooner với tiêu đề Vices Are Not Crimes: A Vindication of Moral Liberty [Tệ nạn xã hội không phải là phạm tội: Sự minh chứng cho tự do về đạo đức].16 Nhờ sự tiên phong của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân trong việc chỉ ra tác động tiêu cực của việc cấm sử dụng ma túy ở nhiều khía cạnh khác nhau như đạo đức, công lý, tỷ lệ phạm tội, gia đình hay trật tự xã hội, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo chính trị lên tiếng về hậu quả tai hại của cuộc chiến chống buôn bán ma túy mà không e ngại bị cho là ủng hộ sử dụng ma túy. Có thể kể đến những nhân vật như tổng thống Mexico, Guatemala, Colombia, Brazil, những quốc gia nơi tội phạm, bạo lực, tham nhũng gia tăng do việc cấm sử dụng ma túy, hay những thống đốc, cựu ngoại trưởng, thẩm phán, cảnh sát trưởng, và nhiều nhân vật khác nữa.17

Trong một hoàn cảnh thông thường hoặc bất ngờ nào đó, một số người có thể tin tưởng và ủng hộ tự do, tuy nhiên những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân luôn luôn tán thành tự do như là một điều cơ bản cốt lõi. Đó chính là điểm làm nên sự khác biệt của người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là học thuyết triết học cánh tả hay cánh hữu. Nó là trung dung và triệt để, là học thuyết hội tụ những người sống dĩ hòa vi quý, luôn tôn trọng tự do của mình và tự do của người khác, những người phủ nhận những khuôn sáo cũ và những lời hứa hão của chủ nghĩa tập thể, dù họ có thuộc cánh tả hay cánh hữu. 

Vậy chủ nghĩa tự do cá nhân nằm ở vị trí nào trên trục tả-hữu chính trị? 

Nó nằm phía bên trên.

Chú thích:

(1) John Emerich Edward Dalberg, Lord Acton, Historical Essays and Studies [Những Bài Luận Và Tác Phẩm Nghiên Cứu Kinh Điển], bởi John Emerich Edward Dalberg Acton, biên tập bởi John Neville Figgis và Reginald Vere Laurence (London: Macmillan, 1907). Chương: PHỤ LỤC, Thư gửi Bishop Creighton, truy cập từ http://oll.libertyfund.org/title/2201/203934, ngày 19/05/2013.

(2) Quy định về phát ngôn: nguyên văn “speech code”, là quy định nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng những từ nằm ngoài sự giới hạn tự do ngôn luận và báo chí. Quy định này thường được thấy trong các định nghĩa về những từ mang tính lam dụng, vu khống, phỉ báng, khiêu chiến. (Chú thích của người dịch)

(3) Ví dụ về các cử tri Mỹ, xem tác phẩm của David Boaz, David Kirby, và Emily Eakins, The Libertarian Vote: Swing Voters, Tea P arties, and the Fiscally Conservative, Socially Liberal Center (Washington, DC: Viện Cato, 2012).

(4) “An Introduction to Libertarian Thought,” video trên websitewww.libertarianism.org/introduction.

(5) Fareed Zakaria, “The 20 Percent Philosophy,” Public Interest 129 (số Mùa Thu 1997), tr. 96–101, trích trong Tom G. Palmer, “Classical Liberalism and Civil Society,” trong Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice (Washington, DC: Cato Institute, 2009), p. 221

(6) Jim Crow: tên gọi của một chế độ giai cấp đặt cơ sở trên màu da, một chế độ được áp dụng chủ yếu tại các bang miền Nam và các bang vùng biên giới với miền Nam [xét theo địa lí của thời Nội chiến Mỹ], trong giai đoạn từ năm 1877 đến giữa thập niên 60 của thế kỉ trước.

(7) Sharon: một vùng ở bang Connecticut, nơi tuyên ngôn ra đời

(8) “Sharon Statement”, xem tại http://en.wikipedia.org/wiki/Sharon_Statement.

(9) Bài Phát Biểu Tuyên Thệ Nhậm Chức Năm 1964 Của Barry Goldwater, xem tại www.washingtonpost.com/wp-srv/politics/daily/may98/goldwaterspeech.htm.

(10) Port Huron: một vùng ở bang Michigan, nơi tuyên ngôn ra đời.

(11) Tuyên Ngôn Của Port Huron, xem tại http://en.wikipedia.org/wiki/Port_Huron_Statement

(12) Carl Oglesby, Ravens in the Storm, A Personal History of the 1960s Anti-War Movement (New York: Scribner, 2008), tr. 120.

(13) Militant moderation: một học thuyết triết học mới về cuộc sống (http://militantmoderation.com/)

(14) Carl Oglesby, như trên, tr. 173.

(15) Milton Friedman, “It’s Time to End the War on Drugs,” xem tại www.hoover.org/publications/hoover-digest/article/7837; Jeffrey A. Miron và Jeffrey Zwiebel, “The Economic Case Against Drug Prohibition,” Journal of Economic Perspectives, Kỳ 9, Số 4 (Thu 1995), tr. 175–192.

(16) Lysander Spooner, Vices Are Not Crimes: A Vindication of Moral Liberty, xem tại http://lysanderspooner.org/node/46.

(17) Hàng loạt các quan chức thực thi pháp luật sẵn sàng lên tiếng về những thảm họa của lệnh cấm có thể tìm thấy trên website Law Enforcement Against Prohibition, http://www.leap.cc.

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.

Dịch giả:
Lương Vân Lam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.