Không nhất thiết phải ban hành luật

Không nhất thiết phải ban hành luật

Khi vấp phải vấn đề gì đó, con người ta thường tìm tới giải pháp dễ dàng nhất: thông qua một đạo luật. Biện pháp này không phải lúc nào cũng hữu hiệu, bởi sự cưỡng chế hiếm khi thay đổi sự việc theo chiều hướng cải thiện, và đó chính là bản chất của các “đạo luật”, đơn thuần chỉ là áp dụng các biện pháp cưỡng chế. John Stossel bắt đầu sự nghiệp báo chí điều tra của mình với tư cách là một phóng viên về người tiêu dùng, ông từng làm việc cho ABC News và là người đồng dẫn chương trình truyền hình +8/+8, hiện tại ông tổ chức chương trình Stossel show trên Fox Business News. Chương trình của Stossel đã hai lần được chiếu tại Hội nghị sinh viên quốc tế vì Tự do cho các khán giả là thành viên của Mạng lưới Sinh viên vì Tự do. 

Tôi là một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, một phần là vì tôi nhận ra rằng cả hai phe chính trị, cánh tả và cánh hữu, đều đưa ra lựa chọn chính trị sai lầm: một bên là chính phủ kiểm soát nền kinh tế, còn bên kia là chính phủ kiểm soát đời sống cá nhân.

Thành viên của cả hai phe đều nhận mình là người yêu tự do. Phe cánh tả thì nghĩ rằng chính phủ có thể giảm bớt tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Phe cánh hữu thì cho rằng chính phủ có thể khiến người Mỹ đạo đức hơn. Còn tôi thì cho rằng viễn cảnh tốt đẹp nhất cho chúng ta là đừng có phe nào nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự của mình thông qua chính phủ.

Cho phép cả hai phe bàn luận về những vấn đề như ma túy và nghèo đói, nhưng đừng để ai phải chịu sự cưỡng chế của chính phủ, trừ trường hợp anh ta ăn cắp hoặc tấn công người khác. Ngoài khoản ngân sách nhỏ bé cần thiết để tài trợ cho một chính phủ vô cùng hạn quyền, chúng ta đừng cho phép bất kì một ai chiếm dụng tiền bạc của người khác theo kiểu ép buộc. Khi vấn đề còn chưa rõ ràng, cứ để mặc nó – hay đúng hơn là để thị trường và các định chế tự nguyện khác đưa ra câu trả lời.

Nhưng đây không phải là cách hầu hết mọi người nghĩ. Đa số họ đều nhìn thấy một thế giới đầy rẫy các vấn đề có thể giải quyết thông qua các đạo luật. Họ cho rằng sự lười biếng, ngu dốt, hay thái độ thờ ơ của các chính trị gia là nguyên nhân khiến họ không giải quyết được các vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, bản chất của chính phủ là một lực lượng cưỡng chế – và đương nhiên biện pháp này không hiệu quả.

Đó là lý do tại sao tôi nói mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu như chính phủ đừng có cố gắng giải quyết quá nhiều vấn đề trong cuộc sống. 

Người dân có xu hướng tin rằng "chính phủ có thể giải quyết được!" khi vấn đề nảy sinh, họ hô vang khẩu hiệu, "Chúng tôi cần một đạo luật!"

Ngay cả sự sụp đổ của Liên Xô, do kết quả kinh khủng của chính sách kế hoạch tập trung, cũng không cảnh tỉnh thế giới về việc từ bỏ bộ máy chính phủ cồng kềnh. Châu Âu bắt đầu nói về một số loại "chủ nghĩa xã hội theo định hướng thị trường." Các chính trị gia Mỹ mơ về một "con đường thứ ba" giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, và "chủ nghĩa tư bản có sự quản lý" – trong xã hội đó, các chính trị gia sẽ thay thế bàn tay vô hình.

Trong cuộc tranh cử tổng thống, George W. Bush đã từng hứa hẹn về một bộ máy chính phủ "tinh gọn", nhưng sau đó ông lại quyết định chi 50 tỷ USD mỗi năm để thi hành “đạo luật đảm bảo quyền được tiếp cận thuốc kê theo đơn” và xây dựng một bộ máy quan liêu mới được gọi là ‘No Child Left Behind’ [Không để bất kì trẻ em nào bị bỏ rơi]. Dưới thời của ông Bush, đảng Cộng Hòa đã tuỳ tiện tăng gấp đôi chi tiêu ngân sách (sự gia tăng lớn nhất kể từ thời Tổng thống L.B. Johnson), mở rộng cuộc chiến ma túy và đã tuyển thêm 78.880 công chức mới.

Việc tổng thống Bush tăng cường các quy định quản lý vẫn không xoa dịu được nhu cầu thậm chí còn mãnh liệt hơn của giới truyền thông.

Sau đó Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền và chi tiêu chính phủ thậm chí còn kinh khủng đến mức có thể khiến toàn bộ thế hệ con em chúng ta rơi vào cảnh phá sản. Điều này đã châm lửa cho phong trào Tea Party cùng các cuộc bầu cử năm 2010.

Tea Party đã từng cho tôi hy vọng, nhưng thực ra tôi lại bị lừa lần nữa. Trong vòng vài tháng, những người thuộc đảng Cộng Hòa ủng hộ "chính sách tài khóa bảo thủ" đã bỏ phiếu để bảo toàn các khoản trợ cấp nông nghiệp. Họ thề sẽ "bảo vệ" chương trình chăm sóc y tế Medicare, và e ngại khi vị ứng viên phó tổng thống mà Romney lựa chọn, Dân biểu Paul Ryan, đề xuất bản kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách nhẹ nhàng của ông.

Điều đáng buồn đó là Hoa Kỳ – một quốc gia được thành lập phần nào dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do – lại không thể thừa nhận rằng chính phủ của họ đã bành trướng quá mức. Các nước Đông Á đã chấp nhận cơ chế thị trường và phát triển một cách mạnh mẽ. Thụy Điển và Đức tự do hóa các thị trường lao động của họ và chứng kiến nền kinh tế được cải thiện rõ rệt.

Vậy mà chúng ta liên tiếp thông qua các quy định mới.

Kẻ thù của chúng ta ở đây chính là trực giác con người. Lạc giữa không gian phóng khoáng đầy hấp dẫn của chốn thị trường, con người ta rất dễ coi nhẹ những lợi ích mà nó mang lại. Tôi có thể ra nước ngoài, áp một miếng nhựa lên tường, và tiền sẽ tuôn ra. Cùng một miếng nhựa ấy, tôi có thể đưa cho một người lạ, thậm chí không nói cùng ngôn ngữ với tôi, và anh ta sẽ cho tôi thuê xe một tuần. Khi về tới nhà, hãng Visa hay MasterCard sẽ gửi thông báo thay đổi số dư tài khoản cho tôi – chính là số tiền mà tôi thuê xe. Chúng ta coi những điều như thế là hiển nhiên.

Ngược lại, chính phủ thậm chí không thể kiểm phiếu một cách chính xác. Nhưng cứ khi nào gặp vấn đề là người dân lại đẩy sang cho chính phủ. Bất chấp một danh sách dài các thất bại của các nhà hoạch định chính sách trung ương, chỉ có một số ít người nhận ra rằng chính phủ cưỡi lên đầu lên cổ chúng ta, vơ mọi thành tích vào mình, và tất cả những điều này thật sự rất thối nát.

Nhà tự do cá nhân vĩ đại thế kỷ XX H. L. Mencken có lần than phiền như sau: 

"Suy cho cùng, một chính phủ cũng chỉ là một nhóm người, và thực tế thì đa phần trong số họ đều là những kẻ kém cỏi… Tuy nhiên, nhờ bản tính lười suy nghĩ của con người nói chung… mà những kẻ bất tài vô dụng này lại thường được đặt vào những vị trí đưa ra những mệnh lệnh yêu cầu người khác tuân thủ dưới dạng nghĩa vụ… [và] được xếp vào hàng những người có phẩm chất trí tuệ phi phàm hơn người bình thường."

Không có việc gì chính phủ có thể làm mà chúng ta lại không thể làm tốt hơn trên cương vị các cá nhân tự do, dưới hình thức các nhóm các cá nhân tự nguyện làm việc cùng nhau.

Không có chính phủ bành trướng, khả năng của chúng ta sẽ là vô hạn.

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013

Dịch giả:
Nguyễn Minh Huệ
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.

Tác giả liên quan