Xác định các ngành công nghiệp ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia

Xác định các ngành công nghiệp ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia

Báo cáo tóm tắt này được chuẩn bị theo đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương. Ông Vũ Thành Tự Anh là Trưởng Khoa Chính sách công và Quản lý của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đồng thời là Nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Việt Nam thuộc Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. Báo cáo này chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân của tác giả và không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Ban Kinh tế Trung ương, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, hay Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy.

1. Xác định ngành ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia

1.1. Quan niệm về ngành công nghiệp ưu tiên

Hỗ trợ nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên (target industries) là công cụ chính sách phổ biến trong các quốc gia thực thi chính sách công nghiệp. Việc chính phủ hỗ trợ một cách chủ động, chọn lọc và có mục tiêu đối với các ngành ưu tiên được ngụ ý ngay trong khái niệm về chính sách công nghiệp. Mục tiêu của chính sách này là thay đổi cơ cấu sản xuất của những ngành công nghiệp được ưu tiên, thông thường là những ngành đóng vai trò trọng yếu, có tính lan tỏa và có tiềm năng tăng trưởng cao (xem thêm phần bàn về các tiêu chí xác định ngành công nghiệp ưu tiên).

Kể từ khi được sử dụng một cách rộng rãi vào thập niên 1970, các chính phủ viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho sự cần thiết phải hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên. Thứ nhất, thất bại thị trường – cụ thể là đầu tư dưới mức tối ưu cho các ngành công nghiệp được chính phủ coi là quan trọng – là lý do hàng đầu. Thứ hai, đặc điểm chung của tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, là sự khan hiếm nguồn lực. Do đó, để sử dụng một cách hiệu quả nhất thì nguồn lực khan hiếm này cần được hướng vào các lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa và tiềm năng tăng trưởng cao. Nói cách khác, có thể coi việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành công nghiệp ưu tiên như một "đường tắt" để đi đến công nghiệp hóa.

Công cụ hỗ trợ của chính sách công nghiệp đối với các ngành công nghiệp ưu tiên cũng rất đa dạng. Harrison và Rodriguez-Clare (2010) chia các chính sách hỗ trợ này thành hai dạng, gọi là chính sách công nghiệp "cứng" và chính sách công nghiệp "mềm".

Chính sách công nghiệp "cứng"

Chính sách công nghiệp "mềm"

  • Bảo hộ (hàng rào thuế, phi thuế)

  • Trợ cấp (trực tiếp và gián tiếp)

  • Đầu tư (trực tiếp và gián tiếp)

  • Miễn, giảm, giãn thuế

  • Yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa

  • Đặc khu kinh tế (khu công nghiệp) cung ứng cơ sở hạ tầng chi phí thấp

  • Cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu

  • Tín dụng thương mại đặc biệt (cho nhà xuất khẩu)

  • Thúc đẩy sự phát triển cụm ngành công nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu

Nguồn: Harrison và Rodriguez-Clare (2010)

Cũng cần lưu ý thêm là chính sách công nghiệp ưu tiên là con đẻ của chính sách công nghiệp "cứng", và do vậy tương thích với chính sách này hơn là chính sách công nghiệp "mềm", vốn coi nhẹ hơn tính mục tiêu và biệt đãi đối với một ngành công nghiệp cụ thể nào đó.

1.2. Một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghiệp ưu tiên

Những cuộc tranh luận về chính sách công nghiệp mục tiêu gần đây chỉ ra rằng sự thành công của chính sách này chủ yếu phụ thuộc vào việc nó được thiết kế và thực hiện như thế nào. Nói cách khác, vấn đề không nằm ở việc có hay không có chính sách công nghiệp, mà nằm ở việc chính sách công nghiệp có được thiết kế tốt và thực hiện hiệu quả hay không.

Đầu tiên, việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu một cách thực tế, dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Nhật Bản bắt đầu quá trình công nghiệp hóa với ngành dệt may (bông, len và lụa). Hàn Quốc bắt đầu từ việc xuất khẩu hàng may mặc giá rẻ và tóc giả, rồi từ đó mới chuyển sang lắp ráp radio transitor và TV đen trắng, rồi quay sang ô tô và thép, và sau khi đã thành công trong những nỗ lực này mới bắt tay vào sản xuất và xuất khẩu bán dẫn và màn hình LCD. Tương tự như vậy, Đài Loan trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa cũng phải dựa vào những ngành thâm dụng lao động và công nghệ chậm thay đổi như dệt may, da giày, và đồ nhựa, sau đó đến tận thập niên 1980 – 1990 mới dần chuyển sang thiết bị điện điện tử, truyền thông, công nghệ thông tin, rồi đến thập niên 2000 mới khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường thế giới trong ngành thiết bị phân tích (analytical instruments) và tiếp tục khẳng định vị trí trong ngành công nghệ thông tin.

Tất nhiên, khó khăn nằm ở chỗ tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về thế nào là "thực tế" và "thực lực". Nhiều người nghĩ rằng sẽ "không thực tế" khi Hàn Quốc gia nhập ngành thép và sản xuất ô tô trong thập niên 1970, hay khi Nhật Bản tiến vào phân khúc thị trường xe hơi sang trọng vào giữa thập niên 1980, và khi Đài Loan quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn điện tử vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, sự thành công của các nước Đông Á này xuất phát từ một thực tế là họ luôn cân nhắc thực lực của mình, không ảo tưởng trong việc thực hiện các bước nhảy vọt quá lớn, trái lại thường di chuyển từ một ngành "thấp" sang một ngành "cao hơn" nhưng tương đối gần gũi về năng lực, công nghệ, hay các nguồn lực đầu vào.

Thứ hai, kinh nghiệm của Đông Á cho thấy tầm quan trọng của việc chính sách công nghiệp được tích hợp một cách chặt chẽ với chiến lược xuất khẩu, đặc biệt là khi họ là các nền kinh tế nhỏ với quy mô thị trường nội địa hạn chế. Vì các nước nhỏ thường khó đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô nếu không gia nhập thị trường xuất khẩu ngay từ đầu. Trái lại, với quy mô nhỏ trên thị trường nội địa, chi phí sản xuất trung bình có thể tăng lên 2-3 lần, và khi đó một mặt gia tăng gánh nặng chi phí cho các nhà sản xuất dùng đầu vào này trong nước, mặt khác hầu như không có cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra còn có một số lý do khác để theo đuổi lợi ích kinh tế nhờ quy mô. Chẳng hạn như hoạt động xuất khẩu giúp thu về nguồn ngoại tệ quý báu, cho phép một nước lạc hậu hơn có thể nhập khẩu công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến hơn, nhờ đó nâng cấp được công nghệ của mình. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu còn cung cấp một tiêu chuẩn cân đong đo đếm được để các nhà hoạch định chính sách đánh giá kết quả hoạt động của các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp được ưu tiên.

Thứ ba, sự thành công của chính sách công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mức độ sẵn sàng và khả năng chính phủ áp đặt "kỷ cương" đối với những công ty và ngành công nghiệp ưu tiên – những người được chính phủ ban tặng "địa tô" thông qua nhiều chính sách khác nhau như thuế, trợ cấp hay hàng rào thuế quan. Vấn đề là khi thiếu vắng kỷ luật thị trường – vốn là điều không thể tránh khỏi khi thực hiện chính sách công nghiệp – thì chính phủ phải đóng vai trò "chánh án", tức là đánh giá và áp đặt kỷ cương đối với những người hưởng lợi từ ưu đãi của chính phủ. Mặc dù chính phủ của các nước Đông Á không phải bao giờ cũng công bằng và hiệu quả trong việc xử lý và kỷ luật các công ty có kết quả hoạt động không tương xứng với ân huệ của chính phủ, nhưng rõ ràng là họ đã thành công hơn hầu hết các nước khác trên phương diện này.

Thứ tư, năng lực kỹ trị và "sự cách ly chính trị" đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công của chính sách công nghiệp. Nếu không có năng lực kỹ trị thì rất khó để có thể thiết kế, thực thi, đánh giá, điều chỉnh chính sách công nghiệp một cách hiệu quả. Còn nếu không được "cách ly" về mặt chính trị, hay nói cách khác, nếu các quyết định có tính kỹ trị của chính sách công nghiệp luôn bị chi phối bởi ý chí chính trị thì ngoài việc không thể có chính sách công nghiệp tốt thì ngay cả khi có chính sách tốt cũng khó thực thi một cách có hiệu quả được. Lý do là khi bị chính trị chi phối, sẽ có sự đối xử không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, và khi ấy trong đa số trường hợp, người "chiến thắng" được hệ thống chính trị lựa chọn không nhất thiết là người hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao nhất.

Thứ năm, sự tương tác thường xuyên và chặt chẽ giữa chính phủ và khu vực doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) nhưng lại không bị khu vực tư nhân thao túng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công của chính sách công nghiệp ưu tiên (xem Evans 1995). Nếu chính phủ xa rời khu vực tư nhân thì sẽ không có nguồn thông tin đầu vào thiết yếu – chẳng hạn như thông tin về năng lực doanh nghiệp, về thị trường, công nghệ, xu thế trong tương lai thực – để thiết kế chính sách. Nhưng nếu mối quan hệ giữa chính phủ và khu vực doanh nghiệp trở nên quá "thân thiết", nó sẽ biến thành quan hệ "cánh hẩu", vốn là nguồn gốc của tham nhũng và ban phát đặc quyền đặc lợi.

Thứ sáu, kinh nghiệm của Đông Á cho thấy tầm quan trọng của các thể chế và tổ chức với tầm nhìn và định hướng dài hạn. Với các thể chế và tổ chức này, chính phủ mới có thể cam kết thúc đẩy các ngành công nghiệp có triển vọng tương lai mặc dù chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn. Ví dụ như sự tồn tại của các ngân hàng có tầm nhìn dài hạn (ngân hàng phát triển, ngân hàng cấp tín dụng dài hạn v.v.) có vai trò quan trọng trong việc xác định tính khả thi của các dự án dài hạn. Cấu trúc doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu cấu trúc doanh nghiệp có tính đơn ngành thì rất khó "tài trợ chéo" cho các dự án mới. Tuy nhiên, nếu cấu trúc doanh nghiệp quá đa dạng (tương tự như trường hợp của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đầu tư ngoài ngành quá nhiều) thì sẽ làm cho doanh nghiệp phân tán nguồn lực và phải đối diện với nhiều rủi ro. Tìm được một điểm cân bằng thích hợp giữa cấu trúc đơn ngành tập trung và đa ngành phân tán là bí quyết để các doanh nghiệp phân tán rủi ro và có hiệu quả kinh tế nhờ phạm vi.

Thứ bảy, kinh nghiệm của Đông Á cho thấy rằng việc trợ cấp trực tiếp của chính phủ không nhất thiết là yếu tố quan trọng nhất của chính sách công nghiệp. Như kinh nghiệm của các nước Đông Á, chính sách công nghiệp của các nước này có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế mặc dù chi tiêu ngân sách tương đối nhỏ. Tất nhiên, điều này không có nghĩa trợ cấp ngân sách (tất nhiên là không vi phạm quy định của WTO và các FTA khác) là xấu, cũng không có nghĩa là nó không quan trọng, bởi vì trên thực tế, nó có thể giúp tạo ra sức mạnh cho một tầm nhìn chính sách mà nếu không có các khoản trợ cấp này thì đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Thứ tám, kinh nghiệm của Đông Á cho thấy Việt Nam có thể cải thiện các chính sách công nghiệp của mình bằng cách giới hạn mục đích và thời gian rõ ràng cho sự can thiệp của chính phủ. Rõ ràng là sự trợ giúp đối với một số ngành công nghiệp ưu tiên ở Việt Nam (như mía đường, thép, ô-tô v.v.) đã được kéo dài hơn mức cần thiết vì mục đích, phạm vi và khung thời gian hỗ trợ này đã không được xác định rõ ràng ngay từ đầu. Cách thức mà chính phủ Nhật Bản hoạch giảm dần hỗ trợ một cách có trật tự ra khỏi các ngành công nghiệp xế chiều vào cuối thập niên 1970 và đầu thập nhiên 1980 là ví dụ đặc biệt hữu ích. Tương tự như vậy, các chaebols của Hàn Quốc thường được chính phủ cho một thời hạn từ 5 đến 7 năm để có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Thứ chín, trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, cả Hàn Quốc và Việt Nam cùng dựa vào xương sống là các tập đoàn kinh tế quy mô lớn. Trên thực tế, việc hình thành các tập đoàn và tổng công ty nhà nước ở Việt Nam có cảm hứng từ các chaebol của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm tựa của công nghiệp Hàn Quốc là các chaebol tư nhân, còn của Việt Nam là các tổng công ty và tập đoàn nhà nước. Vì muốn biến các tổng công ty và tập đoàn nhanh chóng trở thành những "quả đấm thép", Chính phủ Việt Nam đã dành rất nhiều ưu ái, đặc biệt là trực tiếp đầu tư rất nhiều (cả trong và ngoài ngân sách) cho khu vực này. Không những thế, trái với trường hợp Hàn Quốc, các trợ cấp và bảo hộ ở Việt Nam thường kéo dài và không có thời hạn rõ ràng. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách kinh niên mà còn chèn lấn, và do vậy cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân, đồng thời tạo nên tâm lý ỷ lại, và do vậy kém hiệu quả của các tập đoàn và tổng công ty.

Cuối cùng, quá trình tự do hóa ngày một tăng tốc thông qua sự nở rộ của các hiệp ước thương mại song phương, khu vực, và đa phương, trong đó không thể không kể đến WTO và TPP đã hạn chế đáng kể phạm vi, mức độ, và công cụ can thiệp trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các quốc gia đang phát triển hoàn toàn bị "trói chân trói tay" mà chỉ có nghĩa là các sự can thiệp của nhà nước cần được thực hiện theo cách thức khác trước. Cụ thể là các biện pháp can thiệp trực tiếp theo chiều dọc (hay theo ngành) sẽ bị hạn chế hơn, và do vậy dần được thay thế bằng các biện pháp tác động gián tiếp theo chiều ngang. Chính sách công nghiệp kiểu mới không chỉ tập trung vào các biện pháp can thiệp trực tiếp có tính mục tiêu vào một số ngành công nghiệp cụ thể mà còn bao gồm nhóm chính sách tạo lập môi trường kinh doanh (ví dụ như chính sách cạnh tranh, sở hữu, phân cấp) để tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển và nhóm chính sách tăng cường năng lực phổ quát (ví dụ như chính sách giáo dục, đào tạo, đổi mới) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu của các doanh nghiệp .

2. Đề xuất các nguyên tắc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên cho Việt Nam

Với thực trạng công nghiệp của Việt Nam và bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, Việt Nam có thể vẫn cần chính sách công nghiệp ưu tiên. Nói cách khác, vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên, mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào.

Như đã phân tích ở trên, quan điểm lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên trong đó nhắm vào một số sản phẩm cụ thể đã trở nên lạc hậu. Không những thế, những phân tích định lượng về hiệu quả của chính sách công nghiệp ưu tiên ở ngay những quốc gia được coi là thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng không rõ ràng, thậm chí gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, một cách thực tiễn, Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó, chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số "lĩnh vực năng lực" phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.

Trong trường hợp chính phủ không muốn sử dụng cách tiếp cận mới mà vẫn muốn đi theo cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay thì việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng, và thận trọng. Để hướng dẫn quá trình lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu, chúng tôi đề nghị một số nguyên tắc cơ bản như sau1:

Nguyên tắc 1: Ngành công nghiệp ưu tiên phải thuận theo lợi thế so sánh động của Việt Nam. Tuyệt đối không đưa vào danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên một cách duy ý chí, đi ngược lại lợi thế so sánh của Việt Nam. Một hệ quả của nguyên tắc này là việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải thực tế, dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới.

Nguyên tắc 2Ngành công nghiệp ưu tiên nên là các ngành tạo ra tác động lan tỏa tích cực (positive externalities) đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế. Nếu không, việc can thiệp của chính phủ không giúp sửa chữa thất bại thị trường trong khi tạo ra gánh nặng và sự biến dạng trong nền kinh tế.

Nguyên tắc 3: Ngành công nghiệp ưu tiên phải là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa và/hoặc thế giới, vì điều này chứng tỏ ngành được ưu tiên là ngành có nhu cầu cao và do vậy có tiềm năng phát triển trong tương lai2.

Nguyên tắc 4: Cho đến khi Việt Nam hết giai đoạn dân số vàng (dự báo điều này xảy ra vào khoảng năm 2025), Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà Việt Nam sẵn có thế mạnh (như dệt may và da giày chẳng hạn).

Nguyên tắc 5: Với các điều điện khác như nhau (chẳng hạn như cùng có tốc độ tăng trưởng cao và cùng phù hợp với lợi thế so sánh của Việt Nam), ưu tiên những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo ra năng lực cạnh tranh trong tương lai, và các ngành có tính chất kết nối cao.

Nguyên tắc 6Các ngành công nghiệp ưu tiên nên là những ngành thân thiện với môi trường. Trong trường hợp cần đưa một ngành có nguy ô nhiễm vào danh mục ưu tiên thì phải đảm bảo cơ chế giám sát và điều tiết để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, tránh những chi phí to lớn về môi trường và xã hội trong tương lai. 

Nguyên tắc 7: Từ kinh nghiệm xây dựng các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua, cần thu gọn lại danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên để đảm bảo chính phủ có đủ nguồn lực – không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là con người, tổ chức và thể chế – để có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành ưu tiên một cách có hiệu quả.

Nguyên tắc 8: Hỗ trợ của chính phủ cho các ngành ưu tiên phải trên tinh thần tuân thủ các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế. Việc hỗ trợ nên nhắm vào mục tiêu phát triển "năng lực nền tảng" chứ không chỉ nhắm vào một hay một nhóm sản phẩm cụ thể. Hơn nữa, việc hỗ trợ này nên có một thời hạn nhất định, được xác định rõ ràng ngay từ đầu chứ không thể kéo dài mãi mãi.

Nguyên tắc 9Mức độ hỗ trợ của chính phủ đối với các ngành công nghiệp ưu tiên phải đặt trên cơ sở kết quả của các ngành công nghiệp ưu tiên. Học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, các ngành ưu tiên chỉ được hỗ trợ trong một thời gian nhất định (trung bình là 5 năm nhưng không quá 7 năm), sau đó phải có khả năng xuất khẩu và tự tồn tại trong cạnh tranh quốc tế. Những ngành hay doanh nghiệp ưu tiên không đáp ứng được yêu cầu này sẽ bị chấm dứt hỗ trợ.

Nguyên tắc 10Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào các ngành ưu tiên khi khu vực tư nhân hoặc không muốn làm, hoặc không thể làm được. Tuân thủ nguyên tắc này, chính phủ sẽ không chèn lấn khu vực tư nhân, đồng thời tiết kiệm được nguồn lực khan hiếm để đầu tư vào những lĩnh vực khó thu hút vốn tư nhân. 

Nguyên tắc 11: Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên có tính động và linh hoạt, do vậy phải định kỳ đánh giá kết quả và đóng góp thực tế của các ngành công nghiệp ưu tiên, đồng thời xem xét lại và điều chỉnh danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên để phù hợp với điều kiện thực tiễn, ưu tiên của quốc gia, và bối cảnh cạnh tranh quốc tế.

Nguyên tắc 12: Cách tốt nhất để đánh giá kết quả của các ngành (và doanh nghiệp) ưu tiên là sử dụng phương pháp "benchmarking" dựa vào các chỉ báo kết quả chính  (KPI – Key Performance Indicators). Chẳng hạn, nếu như Việt Nam muốn sản xuất thép chế tạo phục vụ công nghiệp đóng tầu thì nên so sánh các KPI của mình với Tập đoàn Tata của Ấn Độ hay Posco của Hàn Quốc. 

3. Đề xuất các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035

Trong phạm vi một nghiên cứu nhỏ, thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn, sẽ không khoa học và khách quan khi đưa ra một danh mục đề xuất các ngành công nghiệp ưu tiên cho 10 hay 20 năm tới. Vì vậy, cách tiếp cận của nghiên cứu này là lấy danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên hiện nay làm xuất phát điểm, sau đó chia danh mục này làm ba nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm cách ngành nên được ưu tiên. Đối với những ngành này, việc "nên được ưu tiên" mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các ngành này phải đáp ứng được các nguyên tắc được trình bày trong phần 4. Rất tiếc là số liệu hiện có không đủ để kiểm chứng mức độ đáp ứng các nguyên tắc này của các ngành trong nhóm 1. Nói cách khác, nếu chính phủ thực sự muốn giữ các ngành này trong danh mục ưu tiên thì cần có những điều tra và khảo sát nghiêm túc rồi mới quyết định. 

Nhóm thứ hai bao gồm các ngành bổ sung mới. Đây là những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng chưa được chú ý một cách thỏa đáng trong những chính sách công nghiệp ưu tiên trước đây.

Nhóm thứ ba bao gồm các ngành "hoài nghi" – tức là chúng tôi không hoàn toàn được thuyết phục nhưng cũng không đủ chứng cớ phản đối việc đưa chúng vào danh mục ngành công nghiệp ưu tiên.

Nhóm thứ tư bao gồm các ngành không nên đưa vào danh mục ưu tiên. Đối với các ngành trong nhóm này, chúng tôi sẽ chỉ rõ tại sao các ngành này lại không nên được ưu tiên dựa vào các nguyên tắc đã trình bày ở phần 3.1. 

Với kết quả phân nhóm như thế này, danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên đề xuất chủ yếu sẽ được chọn lọc từ các ngành trong nhóm 1 và 2, một số ngành trong nhóm 3 (tất nhiên là chỉ sau khi các ngành này đáp ứng được các nguyên tắc đã trình bày ở phần 4).

Trong bài viết có tính tóm tắt này, chúng tôi sẽ lấy một số ví dụ minh họa cho việc áp dụng những nguyên tắc được trình bày trong phần 4, với mục tiêu chủ yếu là lược bớt những ngành không bảng dưới đây, những ngành bị loại bỏ (nhóm 4) sẽ bị gạch ngang, những ngành "hoài nghi" (nhóm 3) sẽ được in nghiêng, những ngành giữ lại (nhóm 1) sẽ để bình thường.

Bảng 1: Nhóm ngành Cơ khí và Luyện kim

Nhóm sản phẩm

Danh mục ưu tiên hiện tại

Lý do loại khỏi danh sách ưu tiên

Máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp

  • Động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ

  • Động cơ xăng công suất nhỏ

  • Máy canh tác

  • Thiết bị bảo quản, chế biến thực phẩm

  • Thiết bị bảo quản, chế biến đồ uống

  • Thiết bị bảo quản, chế biến lương thực

Không đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc 1, 3, 7, 10.

Linh kiện phụ tùng cơ khí

  • Linh kiện cho ô tô dòng xe chiến lược

  • Phụ tùng cơ khí chế tạo và máy móc công nghiệp khác (thiết bị dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị năng lượng...).

Không đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc 1, 2, 7, 9

Thép chế tạo

  • Thép tấm đóng tàu

  • Thép hình lớn

  • Thép ống không hàn phục vụ CN dầu khí

  • Thép hợp kim chất lượng cao.

.

Đóng tàu

  • Tàu chở hàng trọng tải lớn

  • Tàu đánh cá xa bờ

  • Tàu tuần tra biển trọng tải lớn.

 

Kim loại màu và vật liệu mới

  • Nhôm, titan chế biến sâu

  • Vật liệu siêu bền, siêu nhẹ.

Không đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc 2, 3, 5, 6, 7.

 

Chú thích:

Những nguyên tắc này không nhất thiết áp dụng cho những ngành công nghiệp phục vụ an ninh quốc phòng vì việc lựa chọn các ngành này không nhất thiết dựa trên tiêu chí hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh.

Lưu ý là khác với các nước tiên phong, Việt Nam là nước đi sau nên đa số, nếu không nói là toàn bộ các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam đều là những ngành thế giới đã và đang sản xuất. Vì vậy chỉ khi các ngành này trên phạm vi toàn cầu vẫn còn đang tăng trưởng thì một nước đi sau như Việt Nam mới có cơ hội. Trái lại, chúng ta hoặc sẽ phải chống chọi với tình trạng dư thừa công suất trên thế giới (như ngành thép hiện nay), hoặc chúng ta chỉ tiếp nhận được công nghệ của thế hệ trước chứ không phải của thế hệ mới.

Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương, 27/9/2017