Phỏng vấn Rogger Garrison (Phần 1)

Phỏng vấn Rogger Garrison (Phần 1)

Giáo sư Garrison rất nổi tiếng với những bài viết theo quan điểm Áo về tư bản, tiền tệ và những chu kì kinh doanh. Trong số những bài viết nổi tiếng nhất của ông có thể kể: “Austrian Macroeconomics: A Diagrammatical Exposition”, trong New Directions of Austrian Economics (Sheed, Andrews và McMeel, 1978), do Louis M. Spadaro chủ biên, “Time and Money: The Universals of Macroeconomic Theorizing”, Journal of Macroeconomics (1984), “Intertemporal Co-ordination and the Invisible Hand: An Austrian Perspective on the Keynesian Vision”, History of Political Economy (1985), “Hayekian Trade Cycle Theory: A Reappraisal”, Cato Journal (1986), “Phillips Curve and Hayekian Triangles: Two Perspectives on Monetary Dynamics”, History of Political Economy (1988), viết chung với Don Bellante, “The Austrian Theory of the Busines Cycle in the Light of Modern Macroeconomics”, Review of Austrian Economics (1989), và “The Austrian Theory of the Busines Cycle in the Light of Modern Macroeconomics”, Review of Austrian Economics (1991).

Những đóng góp của giáo sư Garrison trong lĩnh vực lí thuyết chu kì kinh doanh được xuất bản trong Stephen Little Child (chủ biên), Austrian Economic (Edward Elgar, 1990) và ông là đồng tác giả với M. Kirzner về mục F. A. Hayek trong The New Palgrave Dictionary of Economics (1987). Giáo sư Harrison hiện đang viết một cuốn sách mới, Time and Money: The Macroeconomics of Capital Structure.

Cuộc trao đổi thư từ với giáo sư Garrison diễn ra trong tháng năm 1993.

Theo giáo sư, việc những mô hình kinh tế vĩ mô phải đặt cơ sở trên lí thuyết lựa chọn phải chăng là một điều quan trọng?

Việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn là cần thiết nhưng không đủ. Giải thích những hiện tượng kinh tế bằng những lựa chọn và những hành động của các cá thể là hay phải là – mối quan tâm đầu tiên của phân tích kinh tế. Ngày nay, mệnh đề này hầu như được các nhà kinh tế vĩ mô cũng như các nhà kinh tế vi mô chấp nhận một cách phổ biến. Không còn là một điều nghiêm túc nữa khi “để cho những số liệu tự nói lấy” hay đặt những quan hệ đặc biệt giữa những đại lượng kinh tế vĩ mô mà không biết đến “cơ chế lan truyền”.

Việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn tự nó không mang lại sự đáng kính cho một lí thuyết kinh tế vĩ mô. Nhiều thiết kế hiện đại tôi nghĩ đến một số lí thuyết của những nhà cổ điển mới hay những lí thuyết được gọi là “chu kì kinh doanh thực tế” đưa lên sân khấu những tác nhân lấy những lựa chọn trong một bối cảnh giả tạo, thậm chí cố ý tưởng tượng. Biện minh cho những lí thuyết này, đôi lúc được gọi là những “ngụ ngôn” để ca tụng, là việc những lí thuyết này phân tích những lựa chọn mà vẫn nằm trong một khuôn khổ toán học dễ thao tác. Tuy nhiên thường thì có được những tính chất ấy phải trả một giá quá cao quên xét đến những hiện tượng kinh tế phải giải thích. Những thân và những nhánh của cây được đổi lấy rễ cây. Ví dụ, tôi không nghĩ là một mô hình của lí thuyết lựa chọn chỉ có một sản phẩm duy nhất lại có thể soi sáng ít nhiều những vấn đề lạm phát và chu kì kinh doanh. Những kiến trúc sư chính của lớp mô hình chung này, trong những lúc thành thật nhất, thừa nhận là mối liên hệ giữa những kết luận mang tính hoạt động mà họ đạt được và những tiến hoá thật sự của những nền kinh tế hiện thực phần lớn là một vấn đề niềm tin.

Đâu là những yếu tố chính của phương pháp luận Áo mà giáo sư sẽ lấy lại?

Phương pháp luận cá thể việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn, như bạn nói có lẽ là điều quan trọng nhất. Những lựa chọn của các cá thể tùy theo những cơ hội và những ràng buộc mà họ cảm nhận là những cơ sở thiết yếu của lí thuyết. Trong câu trên, việc học thuyết chủ quan Áo nhấn mạnh đến động từ “cảm nhận” cũng là quan trọng, nhưng không được cường điệu quá. Shackle và Lachmann còn nói đến cả “học thuyết chủ quan triệt để”, hoàn toàn không chối bỏ sự tồn tại của những thực tế kinh tế ở đằng sau học thuyết này. Theo tôi có nhiều khía cạnh của lí thuyết Áo là một sự đi qua đi lại giữa cảm nhận và thực tế. Tôi xin nói thêm là hầu hết các nhà kinh tế Áo có một thái độ lành mạnh đối với toán học kinh tế. Nếu tôi có nhiệm vụ đặt ra những qui tắc phương pháp luận thì tôi sẽ nói: “Đừng để khả năng ứng dụng của toán học xác định lĩnh vực của kinh tế”. Điều này có vẻ là một đòi hỏi phải chăng, nhưng lướt qua kinh văn kinh tế vĩ mô những năm sau này cho thấy thường là mệnh lệnh này ngày càng bị vi phạm.

Những bài viết hay sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của tư tưởng giáo sư?

Cuốn sách của F. A. Hayek, Prices and Production (1935) đối với tôi là một cuốn sách cơ bản, nhưng tôi cần nói rõ là khi đọc nó lần đầu tiên, tôi đã đọc Mises và Rothbard nhiều rồi và tôi đủ chín muồi để tiếp nhận những tam giác Hayek. Kinh tế học vĩ mô Áo trình bày kinh tế dưới góc độ cấu trúc của tư bản, và đặc biệt là dưới chiều kích thời gian. Bằng cách kéo một chân của tam giác Hayek thay vì chân khác, ta đã làm một đánh đổi cơ bản khi mà việc tạo ra những tư liệu sản xuất trong tương lai đòi hỏi sản xuất đi vòng và kéo theo phải hi sinh tiêu dùng hiện tại. Phân tích lí thuyết này về tư bản, nhấn mạnh đến việc phân bổ liên thời gian của những nguồn lực, ngay từ đầu, đã gây ấn tượng cho tôi, đặc biệt là khi so sánh với những thiết kế kinh tế vĩ mô truyền thống người ta dạy cho tôi trong những giáo trình kinh tế những năm đầu. Có quá nhiều việc xảy ra trong khu vực những sản phẩm đầu tư của nền kinh tế để có thể đóng khung khu vực này trong một đại lượng đơn giản.

Khi đưa thời gian vào, những tam giác Hayek làm cho những khả năng lí thuyết phong phú thêm nhiều. Khi ta di chuyển những nguồn lực giữa những công đoạn sản xuất có thời gian khác nhau thì cấu trúc liên thời gian của sản xuất bị thay đổi. Ví dụ, nếu việc di chuyển những nguồn lực đến những giai đoạn sản xuất ngày càng vòng vèo hơn, là kết quả của một thay đổi trong những sở thích liên thời gian của người tiêu dùng, thì sẽ kéo theo một tăng trưởng lâu dài; trong lúc nếu việc di chuyển này là do chính sách thúc đẩy của ngân hàng trung ương và thiếu vắng một thay đổi của những sở thích thì tăng trưởng đi kèm sẽ ngắn hạn. Những phân biệt chủ yếu này giữa tăng trưởng phái sinh từ những sở thích và tăng trưởng phái sinh từ chính sách kinh tế, rất then chốt trong việc lí thuyết hoá của trường phái Áo, dường như tự triệt tiêu, ở mức tổng thể, trong những trình bày kinh tế vĩ mô qui ước. Những hệ quả lí thuyết từ việc phân tách liên thời gian của khu vực sản phẩm đầu tư là chỗ dựa cho phần lớn những phân tích của tôi.

Trước cường độ của những cuộc tranh luận giáo sư dự đoán như thế nào về sức sống hiện nay của kinh tế học vĩ mô? Giáo sư có tin rằng sẽ nổi lên một sự đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô không? Và nếu có, thì dưới dạng nào?

Giới kinh tế chuyên nghiệp ngày càng ý thức những điểm yếu của mình là sự tách rời ngày càng lớn giữa thực tế kinh tế và tính thích đáng của những chính sách mà giới này chủ trương. Việc xây dựng mô hình tự nó đã trở thành một cứu cánh. Việc nhấn mạnh đến những phương pháp toán học và sự chú ý dành cho những kĩ thuật gần như đã loại bỏ mối quan tâm rằng các mô hình, bằng cách nào đó, có bàn đến “kinh tế” không. Những cái gọi là “mô hình kinh tế giả tạo hoàn toàn cấu trúc” thường trở thành một dịp để làm nổi bật giá trị của những kĩ thuật mô hình hoá mới.

Cách đây không lâu, tôi có dự một buổi trình bày của một vị khoa bảng đại học về một bài viết mang tựa rất kêu là “Sáu mô hình kinh tế vĩ mô”. Điểm chung của sáu mô hình này là giả thiết những dự kiến duy lí. Dù cho chính tác giả thừa nhận là không biết trong số nửa tá mô hình này, mô hình nào, nếu có, tượng trưng cho thực tế, ông ấy vẫn dựa trên giả thiết là các “tác nhân” đầy rẫy trong mỗi một mô hình biết được hay ứng xử như là họ biết được mô hình nào là đúng đắn. Muốn lưu ý tác giả đến tính khôi hài và trái lẽ của cách lí thuyết hoá này tôi hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mô hình 2 tượng trưng cho cấu trúc bên dưới của nền kinh tế, nhưng các tác nhân lại hình thành những dự kiến của họ phù hợp với mô hình 5?”. Vị khách không xem câu hỏi như một phê phán của cách tiếp cận của ông nhưng là như một gợi ý để ông mở rộng tầm nghiên cứu. Hiện nay ông đã có 36 mô hình! Việc nhấn mạnh đến kĩ thuật, cộng với sự thờ ơ chung đối với tính thích đáng thực tiễn, không dẫn đến sự đồng thuận.

Giáo sư nghĩ thế nào về cuộc cách mạng của những dự kiến duy lí? Nó có đóng góp quyết định và có ý nghĩa không? Nó có vay mượn điều gì ở các nhà kinh tế Áo không?

Khía cạnh tích cực có ý nghĩa nhất của cuộc cách mạng những dự kiến duy lí là đã buộc các lí thuyết gia của kinh tế học vĩ mô phải làm rõ giả thiết của họ về những dự kiến. Trước cuộc cách mạng này, quá nhiều kết quả lí thuyết dựa trên giả thiết mấu chốt, nhưng không được phát biểu, rằng những sai lầm dự kiến là có hệ thống. Đôi lúc, việc đơn giản làm rõ một giả thiết (như, ví dụ, người lao động xem giá sinh hoạt là không đổi trong lúc thực ra nó tăng liên tục), làm hiện ra tính khó tin của nó. Nhưng nếu ta gán cho từ “duy lí” ý nghĩa của một sự nhất quán hay trong mọi trường hợp một sự “không phải là không nhất quán” một cách có hệ thống với cấu trúc bên dưới của nền kinh tế, thì tính duy lí của những dự kiến không bảo đảm cũng như không kéo theo một sự đáng tin nào cả. Làm sao các tác nhân kinh tế biết được hay ứng xử như thể là họ biết được cấu trúc của nền kinh tế? Adam Smith đã cho ta biết là những thị trường có thể hoạt động mặc dù các tác nhân chỉ có một ý mơ hồ hoặc không biết tí gì về lí thuyết kinh tế. Qua đây điều tôi muốn nói là việc thay thế những tác nhân “không biết gì cả” bằng những tác nhân “biết hết mọi thứ” không nhất thiết là một tiến bộ. Điều cần là phải thiết kế những lí thuyết trong đó các tác nhân chỉ biết những gì họ có thể biết một cách phải chăng.

Cuộc cách mạng những dự kiến duy lí mang nợ nhiều đối với các nhà kinh tế Áo. Lucas thường nhấn mạnh những đóng góp độc đáo của Hayek trong những lĩnh vực của kinh tế và hiểu biết. Song tiền lệ nổi tiếng nhất nằm trong phần bổ sung năm 1953 cho The Theory of Money and Credit (1912), trong đó Mises khoanh hạt nhân chân lí chứa trong giả thiết những dự kiến duy lí trong phân tích phê phán của ông về việc tài trợ lạm phát. Mises cho thấy cách nhìn tiên tri của ông về những dự kiến dưới dạng một cách kiến giải định luật Lincoln: “Người ta không thể mãi mãi lừa dối mọi người”.

Giáo sư đặt vị thế của quan niệm Áo về những dự kiến ở đâu? Nếu nó không phải là duy lí, cũng không phải là thích nghi thì xếp nó vào đâu?

Cách xử lí những dự kiến duy lí của trường phái Áo được hướng dẫn bởi những nhận xét về tính chất của hiểu biết mà những người tham gia vào thị trường được xem là có được. Hayek thường phân biệt hai hình thức hiểu biết. Hiểu biết lí thuyết, hay hiểu biết về cấu trúc của nền kinh tế, và hiểu biết doanh nghiệp, hay hiểu biết về những hoàn cảnh đặc biệt của một thời điểm và địa điểm nhất định. Các nhà kinh tế có một ít hiểu biết của dạng thứ nhất nhưng lại không có hiểu biết dưới dạng thứ hai. Những người tham gia vào thị trường có một ít hiểu biết của dạng thứ hai nhưng lại không có hiểu biết dưới dạng thứ nhất. Có một sự tương tự hình thức giữa hai dạng hiểu biết này (tổng quát và địa phương) và trong ngụ ngôn về những hòn đảo của các nhà cổ điển mới. Khác biệt giữa hai thiết kế phản ảnh một sự tương phản chung hơn giữa các nhà kinh tế Áo và các nhà cổ điển mới về quan niệm tính hiện thực của những giả thiết.

Ngoài những ràng buộc do những cân nhắc về các khả năng được xem như có thật áp đặt, các nhà kinh tế Áo, trước hết là Menger, đã thử để cho những dự kiến tự do vận hành nhằm nắm bắt một cách đúng đắn hành vi của doanh nghiệp. Tuy nhiên có những giả thiết nằm sau tất cả những điều này: một số người tham gia thị trường có một tầm nhìn kinh doanh lớn hơn những người khác để dự kiến tương lai, thị trường trọng thưởng một cách có hệ thống óc kinh doanh ưu việt, và cuối cùng thì thực tế này tự khẳng định.

Điều cần nhấn mạnh là phân biệt của Hayek giữa hiểu biết lí thuyết và hiểu biết kinh doanh nhằm đặt những giới hạn cho cả việc kế hoạch hoá duy lí lẫn những dự kiến duy lí. Muốn đẩy lùi những giới hạn này là bằng chứng của những cách nhìn sai lầm về ai có khả năng hiểu biết nào: những người bảo vệ cho kế hoạch hoá duy lí tin là nhà làm kế hoạch hay những nhà kinh tế của người này có đủ hiểu biết thậm chí còn có nhiều hơn dưới dạng thứ hai hơn là những người tham gia thị trường. Những người bảo vệ phiên bản cực đoan của những dự kiến duy lí giả định là những người tham gia thị trường có, hay ứng xử như là có, những hiểu biết dưới dạng thứ nhất bằng với hiểu biết này của các nhà kinh tế.

(Còn nữa)

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

Nguồn bản dịch: Phỏng vấn Roger Garrison. http://www.phantichkinhte123.com/ 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước