Phỏng vấn Roger Garrison (Phần 3)

Phỏng vấn Roger Garrison (Phần 3)

Có một quan hệ nào không giữa kinh tế học Áo và trào lưu keynesian chính thống? Những công trình của Shackle và của Lachmann phải chăng đã chứng minh là có một mối quan hệ tri thức có khả năng làm cả hai trường phái phong phú hơn?

Tôi nghĩ là trào lưu keynesian chính thống giữ một trong hai cực giúp định vị quan điểm Áo như một quan điểm trung gian. Shackle, và sau đó là Lachmann, xem kính vạn hoa như là mô hình biểu trưng cho thị trường tài sản: những biến thiên của cấu trúc giá cả trên những thị trường tài sản là không thể dự báo được giống như là không thể dự báo được cách mà những miếng kính bị cắt kết hợp lại với nhau trong kính vạn hoa. Ở đầu cực kia, những phân tích sơ lược nhất của các nhà cổ điển mới coi cơ chế giá như một cơ chế đồng hồ. Cơ chế đồng hồ gợi ý là luôn có cân bằng trong lúc hình ảnh kính vạn hoa là không bao giờ có được cân bằng. Cách tiếp cận Áo nằm đâu đó giữa cơ chế đồng hồ và hình ảnh của kính vạn hoa. Những thị trường tài sản hình như có xu hướng tự cân bằng nhưng, do nhân tố thời gian và vai trò quyết định của những dự kiến nên những thị trường này thường chịu những cuộc bùng nổ. Quả thực là những nhà keynesian chính thống, cũng như những nhà kinh tế Áo, nhấn mạnh đến sự bất trắc, thời gian lịch sử và tính chủ quan của những dự kiến. Đó là những ý cần thiết để làm lung lay những quan điểm cực đoan của những nhà cổ điển mới.

Streissler đã gợi ý rằng Menger đã báo trước Keynes khi xử lí tiền tệ như một sản phẩm khác với tất cả những sản phẩm khác. Giáo sư có đồng ý không? Và giáo sư có đồng ý thừa nhận là việc đọc chương 17 của Lí thuyết Tổng quát là dễ dàng hơn cho những ai cũng đọc, để bổ sung, bài viết cổ điển về tiền tệ của Menger đã đăng trong Economic Journal năm 1892 không?

Mối quan tâm của Menger nhằm vào nguồn gốc của tiền tệ và cách mà tiền tệ làm cho trao đổi được dễ dàng. Bốn mươi bốn năm sau, Keynes quan tâm đến những lệch lạc của tiền tệ và cách mà việc tích trữ tiền có thể làm cho những cuộc trao đổi bị hụt hẫng. “Lịch sử tiền tệ” đã kết thúc tốt đẹp cho một người và bi thảm cho người kia. Quả thật là cả hai đều tin vào tính độc nhất của tiền tệ và tính chuyển hoá (bán được) của Menger làm liên tưởng đến khái niệm thanh khoản của Keynes. Tôi nghĩ là đọc song song hai bài viết, người ta dễ nhận ra đâu và bằng cách nào phân tích keynesian bị vấp váp. Đối với Keynes, nắm giữ trái phiếu là một đối chọn cho việc nắm giữ tiền điều này cho thấy niềm tin của ông là những quyết định liên quan đến số tiềnphương thức của tiết kiệm được lấy một cách lần lượt. Từ đấy, cầu tiền để đầu cơ chủ yếu phụ thuộc vào những phỏng đoán về những chuyển động của lãi suất. Và theo Keynes thì lãi suất bám không chắc vào thực tế kinh tế. Chính thiết kế này đưa đến Keynes đến việc phát triển những lối giải thích tâm lí về sự ưa chuộng thanh khoản. Đối với Menger, bất kì sản phẩm nào khác đổi được lấy tiền cũng là một đối chọn cho việc nắm giữ tiền. Cầu tiền để đầu cơ Menger không dùng thuật ngữ này do đó phải phản ảnh việc người nắm giữ tiền phỏng đoán về những cơ hội của chính những cuộc trao đổi. Menger, không một lần nêu đến lãi suất trong bài viết, không có lí do gì để viện dẫn đến những giải thích tâm lí và không có bất kì gợi ý nào có thể được hiểu như việc bái vật hoá trao đổi.

Theo giáo sư đâu là di sản chính Keynes để lại cho phân tích kinh tế?

Về mặt thực tiễn, di sản của Keynes là việc thể chế hoá những chính sách quản lí cầu. Theo Marshall, giá cả tự điều chỉnh theo cung và cầu. Theo Keynes, cầu phải tự điều chỉnh với những điều kiện của cung và giá. Full Employment Act năm 1946 cho phép các chính phủ tiến hành những điều chỉnh cần thiết. Những đòn bẩy của chính sách tiền tệ và tài khoá, cũng như hệ thống thu thập số liệu chỉ cho người làm chính sách biết nên dùng đòn bẩy nào trong chiều hướng nào, được thiết kế đúng kích cỡ của khuôn phân tích keynesian. Kết quả là những thiên hướng ý thức hệ không tác động bao nhiêu. Nguyên lí vận hành chỉ đơn giản là những người làm chính sách có xu hướng dùng những đòn bẩy mà những người đi trước đã để lại.

Thường là những chương trình “kích thích trọn gói” được đề nghị và tính bằng tiền trị giá 30 tỉ đô la ít hay không tính đến những chi tiết khác. Bản thân Keynes thích việc kích thích bằng đầu tư hơn là bằng tiêu dùng nhưng lại không quan tâm khác với các lí thuyết gia Áo đến những phân phối liên thời gian trong nội bộ khu vực đầu tư. Keynes đơn giản tin rằng cầu đầu tư là kinh niên yếu kém và chịu những biến động do “các lực đen tối của thời gian và dốt nát bao phủ lên tương lai của chúng ta”.

Trong lúc các lí thuyết gia Áo tập trung lí thuyết vào việc phân bổ liên thời gian những nguồn lực (như được mô tả bằng những tam giác của Hayek) thì Keynes do còn chịu ảnh hưởng của truyền thống marshallian chỉ đơn giản chia thời gian thành ngắn và dài hạn (theo thứ tự chương 5 và 12 của Lí thuyết Tổng quát). Do đó, về tính hành động của kinh tế thị trường ông không thấy có vấn đề gì cả trong ngắn hạn và không có giải pháp nào cho dài hạn. Bởi thế, di sản của ông là dựa vào Nhà nước, được giải định là ở thế tính toán được trên cơ sở lợi ích xã hội dài hạn để quản lí cầu nhằm bù đắp cho những thiếu sót của thị trường mà ông cảm nhận được.

Nếu Keynes còn sống vào năm 1969, giáo sư có nghĩ rằng ông ta sẽ được trao giải Nobel kinh tế đầu tiên không? Và giáo sư có bầu cho ông ấy không?

Năm thứ hai và thứ ba của giải, Nobel kinh tế được trao cho Paul Samuelson (1970), người mà “chủ nghĩa keynesian đã được làm dịu” trở thành món chính trong tất cả giáo trình keynesian, và Simon Kuznets (1971) với công trình nhờ đó ta có hệ thống kế toán thu nhập quốc gia, và do đó đã mang lại một chiều kích thực nghiệm cho chương trình nghiên cứu keynesian. Rất nhiều người khác, và ngay cả Milton Friedman, mà công trình về hàm tiêu dùng được ban giám khảo Nobel nhắc đến, đã được giải nhờ việc làm rõ, phát triển hoặc đổi mới cách trình bày lí thuyết keynesian. Trong những điều kiện đó, không thể giải thích được nếu không trao giải Nobel đầu tiên cho chính Keynes.

Tôi có bầu cho Keynes chăng? Năm 1974, Hayek và Myrdal đã cùng nhận chung giải. Thế thì tại sao Mises và Keynes lại không chia sẻ giải vào năm 1969? Tôi rất muốn được đọc song song diễn văn nhận giải của hai ông. [Nhân đây, cũng phải công nhận là Tinbergen và Frisch, những người đã thực sự được giải Nobel năm 1969 là những nhà kinh tế có giá trị rất lớn].

 Đối với các nhà kinh tế Áo, đâu là tầm quan trọng của Cantillon trong việc xem xét cơ chế lan truyền gắn với tiền tệ?

Những tác giả Áo thích trích dẫn Cantillon vì ông là người đầu tiên nhấn mạnh vào khoảng giữa thế kỉ mười tám rằng lạm phát không tác động ngay đến tất cả các giá. Giá cả thay đổi theo một qui trình nhất định, cùng với việc tiền được tiêu dùng, rồi được tiêu dùng lại nữa. Trong quá trình điều chỉnh giá, những giá tương đối thay đổi và do đó có một số điều chỉnh về số lượng. Biết được bằng cách nào tiền được bơm vào nền kinh tế trở thành quan trọng không kém là biết bao nhiêu tiền được bơm vào. Đó là điều tôi muốn nói khi dùng hình ảnh ngọn cờ đỏ cảnh báo về hình ảnh chiếc trực thăng của Friedman, để lưu ý rằng người ta đã quên một điều quan trọng.

Ý tưởng tổng quát về những hiệu ứng Cantillon rất hấp dẫn các nhà kinh tế Áo. Họ còn đi xa hơn nữa khi thừa nhận rằng nếu tiền tệ đi vào nền kinh tế bằng thị trường cho vay thì những điều chỉnh giá và số lượng sẽ có một dạng liên thời gian một cách có hệ thống để không muốn nói là tất định. Mặc dù tác động của những dự kiến có thể làm nhẹ đi thì một sụt giảm của lãi suất do tín dụng bành trướng vẫn làm tăng giá của những tư liệu sản xuất dài hạn đối với giá của của những sản phẩm tiêu dùng và tư liệu sản xuất ngắn hạn và do đó kéo theo một phân bổ lại những nguồn lực.

Phải chăng có những độ trễ chủ yếu trong cách tiếp cận Áo về chu kì kinh doanh giải thích được vì sao những chu kì xảy ra và lặp lại?

Việc nhấn mạnh đến thời gian và tiền tệ và, đặc biệt là đến tư bản, khiến cho những độ trễ là một bộ phận của cấu trúc lí thuyết Áo. Như tôi thích nhắc đi nhắc lại: “chính tư bản đã để cho tiền tệ có thời gian làm cho mọi việc thêm phức tạp”. Châm ngôn này tóm tắt được nhiều trực giác Áo. Những người tham gia thị trường có một tiêu dùng phụ thuộc vào cấu trúc liên thời gian của những sở thích của họ, cấu trúc này được chúng tôi xem là cho trước. Nếu ta thêm vào cấu trúc của tư bản, như được ấn định bởi lãi suất và giá những nhân tố sản xuất, thì ta có được sản xuất cũng như cấu trúc liên thời gian của nó. Sẽ có một khoảng thời gian trước khi nhận thấy là dạng liên thời gian của sản xuất có tương hợp hay không với những sở thích liên thời gian của tiêu dùng.

Để nhận dạng tính chất của độ trễ, khía cạnh tiền tệ cũng rất quan trọng. Ví dụ, giả định là lãi suất được duy trì, bằng qui định của chính phủ, ở mức thấp. Hành pháp chỉ thiết lập một trần thấp hơn một hay hai điểm so với lãi suất làm thị trường điều chỉnh. Việc gì sẽ xảy ra? Hiển nhiên là tức khắc sẽ thiếu tín dụng. Không có độ trễ. Nhưng bây giờ hãy so sánh với những tác động của một gia tăng tín dụng được thiết lập bằng quyết định chính phủ, theo sáng kiến của ngân hàng trung ương. Cho dù chính sách nào được áp dụng thì kết quả là có một lãi suất thấp một cách giả tạo. Và điều này là không tương hợp với những sở thích liên thời gian của tiêu dùng. Tuy nhiên, sự bành trướng của tín dụng loại đi tính hiển nhiên và tức thì bằng cách che giấu sự thiếu hụt. Kết quả là sẽ có vô số cấu trúc lại tư bản trước khi tính không phù hợp liên thời gian lộ rõ.

Mặc dù lí thuyết về thực chất đã gói gọn một cấu trúc những độ trễ, do cách tiếp cận “thời gian và tiền tệ”, đây không phải là một độ trễ kiểu tất định. Độ dài của độ trễ tùy thuộc những lực đặc thù và dạng liên thời gian của những bổ sung cũng như những thay thế đặc trưng cho cấu trúc của tư bản, vào chất lượng của óc kinh doanh cũng như, một cách chung hơn, vào dự kiến của những người tham gia vào thị trường. Độ dài này cũng còn tùy thuộc nhiều mức độ mà những người tham gia thị trường tìm cách hiểu ảnh hưởng của chính sách này và dự kiến của họ về những thay đổi có thể của chính sách. Tất cả những nhận xét trên có thể tác động đến độ dài của độ trễ giữa lúc bành trướng và lúc suy thoái, nhưng chỉ có những giả thiết cực đoan nhất và không thực tế nhất về chúng mới loại hẳn hoàn toàn khoảng cách này. Những thay đổi thời gian trong cách mà các người tham gia thị trường hình thành dự kiến của họ hẳn bảo đảm là những chi tiết riêng cho mỗi thời kì của chu kì kinh doanh sẽ khác với những thời kì trước đó; song trong cách phát biểu của trường phái Áo không có gì để hi vọng, như một số nguời muốn tin như thế, là một chu kì kinh doanh được dự kiến là một chu kì kinh doanh đã tránh được.

Trong Journal of Macroeconomics (1984), giáo sư bảo vệ ý cho rằng hai khái niệm phổ biến của kinh tế học vĩ mô là thời gian và tiền tệ. Ngoại trừ các nhà nhà kinh tế Áo ra, còn có những trường phái nào xử lí hai khía cạnh này một cách thích hợp không?

Còn có những trường phái khác đề nghị những cách tiếp cận đầy hứa hẹn về một trong hai khía cạnh này của kinh tế học vĩ mô, nhưng không có một cách tiếp cận đồng thời cho cả hai khía cạnh. Ví dụ, ý về một “thời gian để xây dựng” của vài mô hình cổ điển mới cần được khai thác hơn nữa. Việc thừa nhận rằng một đầu tư thực hiện ở thời kì 1 có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư bổ sung vào thời kì 2 đưa cấu trúc tư bản ít ra là người ta có thể giả định như thế vào kinh tế học vĩ mô. Hayek đã lấy “Đầu tư làm tăng cầu tư bản” (1937) làm tựa cho một trong những bài viết đầu tiên của ông để nhấn mạnh những bổ sung liên thời gian cơ bản đặc trưng cho cấu trúc tư bản. Tiếc thay, hình như các nhà cổ điển mới giới hạn khái niệm “thời gian để xây dựng” vào những bổ sung giữa các doanh nghiệp, điều này làm cho khái niệm trở thành tầm thường và mặt khác lại đưa khái niệm vào khuôn khổ những nhiễu loạn thực tế thay vì tiền tệ. Tuy nhiên, hãy ghi nhận rằng cả khái niệm “thời gian để xây dựng” lẫn nội dung của tựa bài năm 1937 của Hayek không có chỗ trong phân tích hiện đại về thu nhập và chi tiêu.

Theo tôi, phần tiền tệ của cặp “thời gian và tiền tệ” được tính đến nhiều hơn trong khuôn khổ của phân tích tiền tệ của mất cân bằng như được Clark Warburton đề nghị và được Leland Yeager phát triển gần đây. Nền kinh tế phải tự điều chỉnh từng mảnh với những nhiễu loạn tiền tệ. Và do những biến thiên của giá tương đối trong quá trình điều chỉnh nên những số lượng cũng điều chỉnh theo luôn. Do đó những nguyên nhân tiền tệ có những hệ quả thực tế. Nhưng việc tính đến “thời gian để xây dựng” là yếu, thậm chí là không có trong lí thuyết tiền tệ về mất cân bằng hay trong bất kì cấu trúc liên thời gian nào khác của tư bản. Tôi hình dung là trong một thế giới không có những bổ sung liên thời gian có ý nghĩa thì những mất cân bằng do tiền tệ sinh ra sẽ tương đối nhẹ và được giải thích một cách thích hợp trong khuôn khổ phân tích của Warburton và Yeager.

(Còn nữa)

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

Nguồn bản dịch: Phỏng vấn Roger Garrison. http://www.phantichkinhte123.com/ 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước