Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 1)

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 1)

Giả định là đã giải quyết xong vấn đề kinh tế học có phải là một khoa học không. Ví dụ, chúng tôi mời bạn tham khảo những nhận xét cuối cùng của G. G. Granger trong bài “Khoa học luận kinh tế” trong bộ Bách khoa kinh tế2 này. Hay là ta chấp nhận rằng bản thân câu hỏi trên là thứ yếu. Dù sao thì trong công việc nghiên cứu của nhà kinh tế, vẫn phải có một số quyết định về phương pháp luận hay khoa học luận để có thể tiến triển trong quá trình nhận thức. Những quyết định này bị những câu trả lời cho câu hỏi sau chi phối: đâu là những công cụ cho phép xác định rằng một lí thuyết, một lối giải thích là đúng hay sai? Đó là vấn đề đánh giá (appraisal) hay là vấn đề những tiêu chí của tính khoa học.

Bằng cách này đương nhiên là ta gặp vấn đề tính khoa học hay không của những diễn ngôn kinh tế, vì chỉ có thể mượn những “tiêu chí” trong phương pháp luận khoa học, do chỉ có phương pháp này mới có, ít ra là trên nguyên tắc, những phương tiện để phân biệt giữa chân lí và sai lầm.

Mục tiêu này, bề ngoài đơn giản và đương nhiên, thật ra là đầy tham vọng. Nếu ta lướt nhìn trạng thái của kinh văn thì ta thấy nhiều dấu hiệu của một bộ môn không hoạt động như một khoa học. Trước hết bộ môn này có nhiều rạn nứt ý thức hệ: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa marxist, thể chế luận ... , những rạn nứt đó có vẻ làm cho những người có cảm tình với những chủ nghĩa này miễn nhiễm đối với mọi ý muốn thảo luận.

Vả lại ngay cả cộng đồng khoa học những nhà kinh tế dường như cũng chia thành nhiều trường phái cạnh tranh nhau, không quyết định được kết cuộc của những cuộc tranh luận lớn: đó là trường hợp của cuộc tranh luận giữa học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Còn cuộc tranh luận giữa những người bảo vệ và chống lại lí thuyết kinh tế vi mô về doanh nghiệp tuy đã không còn gay gắt nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Có nhiều trường phái đối lập với nhau hoặc khác nhau: có một học thuyết Keynes chính thống (hay đúng hơn là - ND) phiên bản thủy động lực học của học thuyết này[*], một học thuyết Keynes về mất cân bằng, một kinh tế học tân cổ điển (hay cổ điển “mới”), một trường phái tân Áo, v.v ... Tất nhiên trong khoa học luôn có những cuộc tranh luận, và sự thống nhất tư tưởng chỉ đạt được sau nhiều cuộc đối đầu lâu dài và chỉ trong một thời gian giới hạn. Nhưng dường như trong kinh tế học, các nhà nghiên cứu có xu hướng từ bỏ sự đối nghịch để tự giam mình trong những quan điểm của bản thân, bằng cách đi vào chi tiết tinh vi hay trình bày hình thức mà không thật sự quan tâm đến những phản bác có thể nêu lên đối với họ. Như thế đôi lúc người ta có thể đi đến một kết luận làm nản lòng và thật sự phản khoa học là trong kinh tế học có thể bảo vệ đồng thời những ý kiến trái ngược nhau, và những nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có những phương tiện để quyết định ý kiến nào là đúng đắn nhất (ví dụ xem Klamer, 1988). Tuy nhiên không có bộ môn nào lại có thể không cần đến những tiêu chí phân biệt cái sai và cái đúng nếu không muốn trở thành không nhất quán. Do đó ta phải điểm qua những phương pháp khác nhau hoặc được các nhà kinh tế vận dụng hoặc được các nhà triết học hay những sử gia của các khoa học thiết kế nhằm liệt kê những tiêu chí rõ ràng hay ngầm ẩn về tính khoa học và xem xét sự tương thích của những tiêu chí này với những vấn đề đặc biệt của kinh tế học.

1. Chủ nghĩa tiên nghiệm trong kinh tế học

Nếu muốn bàn đến những tiêu chí về tính khoa học thì những lí thuyết kinh tế cần phải có một nội dung thực nghiệm, nghĩa là sản xuất ra được những khẳng định thuộc lĩnh vực thí nghiệm và do đó có thể kiểm định được.

Việc khẳng định tính thực nghiệm hay thực nghiệm-hình thức của khoa học kinh tế là khó tương thích với hai quan điểm phương pháp luận cực đoan là chủ nghĩa tiên nghiệm và chủ nghĩa duy lí thuần túy (đối lập với chủ nghĩa duy lí phê phán của Popper).

Chủ nghĩa tiên nghiệm là một quan điểm xưa trong kinh tế học (xem Latsis, 1976). Nó được Senior và E. Cairnes (1875) bảo vệ và khẳng định mạnh mẽ rằng những lí thuyết kinh tế không thể nào bị phủ nhận bằng cách đơn giản so sánh những hệ quả của những lí thuyết với các sự kiện. Nhưng phát biểu hiện đại và triệt để nhất của chủ nghĩa tiên nghiệm là của Lionel Robbins (1932) cho rằng những tiên đề chủ yếu của lí thuyết kinh tế là hiển nhiên và không cần phải bàn cãi, và càng không cần đến những phương thức bác bỏ hay kiểm tra. Ông viết: “Chúng ta không cần đến những thí nghiệm kiểm tra để xác lập hiệu lực của những tiên đề: chúng là tố chất của đời sống hằng ngày chúng ta nên chỉ cần nêu lên là chúng được nhìn nhận như là một điều hiển nhiên”.

Nếu tiên đề chính của lí thuyết giá trị, theo Robbins, là việc “cá thể có thể sắp xếp những ưa thích của mình theo thứ tự và thật sự đã làm như thế” thì cũng rõ rằng một sự quan sát đơn giản đủ để chứng minh thiếu sót và giới hạn của nguyên lí này. Hình như trên điểm này ông đã có một quan điểm cực đoan và sau này đã từ bỏ ít nhiều khi công bố quyển tiểu sử tự thuật của ông (Robbins, 1971).

Một trong những lí do tồn tại của khẳng định tiên nghiệm có lẽ là mong muốn biến kinh tế học thành một bộ môn hoàn toàn diễn dịch. Nhưng đó là một ảo tưởng trong chừng mực là mọi người đều thừa nhận rằng những lí thuyết kinh tế phải đưa ra được một hình ảnh trung thực của thế giới hiện thực và cung cấp những công cụ hành động.

Ngày nay chủ nghĩa tiên nghiệm bị hầu hết các nhà kinh tế bác bỏ. Tuy nhiên có thể tìm thấy một âm vang của nó trong trường phái Áo hiện đại dựa trên những tác phẩm của Menger lẫn của Von Mises (1985) và Friedrich Hayek (1948 và 1980). Von Mises trình bày rất rõ chủ nghĩa tiên nghiệm này:

Điều phong cho khoa học kinh tế một vị trí đặc biệt trong lĩnh vực của tri thức thuần túy cũng như trong việc sử dụng thực tiễn sự hiểu biết, là những định lí riêng của khoa học này không có khả năng được kiểm tra lẫn bị phủ nhận trên cơ sở của kinh nghiệm [...]. Một kinh nghiệm như thế dù sao đi nữa luôn là một thí nghiệm lịch sử, nghĩa là một kinh nghiệm của những hiện tượng phức tạp. Điều này, không thể, như đã được chứng minh, chứng minh hay phủ nhận bất kì định lí tất định nào”. (Von Mises 1985: 309).

Quan điểm này gắn với định nghĩa của Von Mises và Hayek về kinh tế học như một khoa học hành động (praxéologie) hay khoa học về những lựa chọn. Như là khoa học về những lựa chọn gắn với phương pháp luận cá thể, và trong chừng mực này, nội quan hiện ra như một thành phần có giá trị của phương pháp luận kinh tế. Như thế trường phái Áo, khi nhấn mạnh đến những lựa chọn cá thể và định nghĩa tất cả những khái niệm kinh tế bằng những định nghĩa gắn với một quyết định cá thể, hiện ra như một chủ nghĩa chủ quan. Hơn nữa trường phái này chống đối sâu sắc những đại lượng kinh tế vĩ mô cho dù đó là vốn, thu nhập quốc gia, hay ngay cả chỉ số giá cả. Nó bác bỏ mọi kiểm định định lượng và hoàn toàn chống lại kinh trắc học.

Tuy nhiên trên một bình diện khác, thái độ của một tác giả như Mises hay Hayek có thể có một bài học có ích. Toàn bộ kinh tế học đương đại mong muốn là hoàn toàn khách quan: nghĩa là nó toan kiến giải hành động của con người chỉ qua những kết quả của những hành động này (nếu được, dưới dạng số liệu), như nhà vật lí tìm những định luật chuyển động của các hạt trong những vết in lại trên phim. Như vậy con người toan tính nắm bắt chính bản thân mình như một chủ thể thuần túy qua tiến hoá của những đại lượng tổng hợp và giả thiết duy lí. Nhưng như thế là không biết đến mọi khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà khoa học xã hội lại tức khắc gặp ngay những ý nghĩa (về tất cả những điểm này xem Wiseman, 1983). Như F. Hayek nói: “Những chủ thể của hoạt động kinh tế không thể được định nghĩa một cách khách quan, nhưng chỉ được quy chiếu về một mục đích của con người. Không một “hàng hoá”, một “sản phẩm kinh tế”, một “thức ăn”, một “tiền tệ” nào có thể được định nghĩa một cách vật lí mà chỉ có thể được định nghĩa theo những quan niệm các cá thể có được về những vật đó”.

Như thế chủ nghĩa tiên nghiệm trong những khoa học xã hội hiện ra như mặt kia của cách giải thích duy lí về hành vi con người (Latsis, 1976: 7). Nó dựa trên ý cho rằng hành động của các tác nhân kinh tế không được quyết định một cách ngẫu nhiên, nhưng là những câu trả lời thích hợp cho những tình thế trong đó những hành động này diễn ra. Đó là điểm xuất phát của thuyết “phương pháp luận nhị nguyên”: những “qui luật” của khoa học kinh tế không phải là những định luật thực nghiệm thể hiện những tất định ở bên ngoài con người. Đúng hơn đó là những nguyên lí tổng hợp tiên nghiệm thể hiện một dạng khác của tất yếu chi phối bản chất con người. Như thế nguyên lí duy lí là yếu tố trung tâm của mọi giải thích vì nó là sợi dây nối liền những hoạt động tâm thần của con người và những trở ngại con người gặp phải trong thế giới bên ngoài. Tất nhiên hành vi của một tác nhân có thể là không duy lí, nhưng giả thiết duy lí là cần thiết vì nó cung cấp “chiếc cầu” để có thể lập luận theo suy diễn.

Cách tiếp cận này phần nào đó là thỏa đáng trong chừng mực mà nó nhấn mạnh đến nội hàm (Verstehen: về sự đối lập giữa nội hàm và giải thích trong tư tưởng Đức, xem Raynaud, 1987: 111-122) chúng ta có thể có về hành động con người qui chiếu với chính ngay trạng thái ý thức của chúng ta và nhắc nhở là có thể nghiên cứu hành động con người theo một cách khác hơn là nghiên cứu những hạt cơ bản. Tuy nhiên cách tiếp cận này có những nguy cơ sau:

–  Những nguyên lí tạo lập là không chắc chắn. Đó là trường hợp của nguyên lí duy lí, mà đối với Popper vừa là sai vừa là cần thiết ...

–  Có thể sử dụng nghững nguyên lí này một cách tất định và trong nghĩa nhân quả.

–  Cuối cùng (và nhất là) những khẳng định mà chủ nghĩa tiên nghiệm dẫn đến thường không thể kiểm định được, vì không thể đi ngược từ một khẳng định thực tiễn lên đến những tiên đề tổng quát một cách chặt chẽ.

Trong chừng mực mà quan niệm này không thể là đối tượng của một phê chuẩn thực nghiệm thì chỉ có thể xem nó một cách thận trọng: quan niệm này có vẻ khó tương thích với tinh thần của khoa học thực nghiệm.

2. Chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa hình thức: tư tưởng của Walras

Chủ nghĩa duy lí thuần túy – hay duy lí cartesian – như được Walras (1874) làm rõ, theo chúng tôi, tương tự với quan điểm của chủ nghĩa tiên nghiệm trong nghĩa là nó không cho phép đối chiếu lí thuyết với thế giới thực nghiệm, do tập trung vào việc xây dựng một mô hình có thể tận dụng được sức mạnh và tính chặt chẽ của toán học.

Điểm xuất phát của thiết kế lí thuyết này là quyết tâm của Walras xây dựng khoa học kinh tế như một khoa học “tự nhiên” tương tự như vật lí học của Newton. Tuy nhiên do Walras ý thức sâu sắc rằng kinh tế không xa lạ với đạo đức và sự can thiệp của Nhà nước trong nhiều trường hợp là biện minh được, nên ông còn phân biệt, bên cạnh kinh tế học, kinh tế xã hội thuộc về đạo đức học và kinh tế ứng dụng thuộc về nghệ thuật. Chỉ có kinh tế thuần túy mới đồng thời là “thực nghiệm và duy lí”: thực nghiệm vì nó có tham vọng mô tả một cách chặt chẽ và chính xác một nền kinh tế cạnh tranh tự do và duy lí vì nó đạt được mục tiêu trên nhờ vận dụng toán học dưới dạng một hệ phương trình đồng thời.

Lí thuyết cân bằng chung, do Walras tưởng tượng và từ 1930 được hoàn thiện và tiên đề hoá với sự đóng góp của những nhà kinh tế đương đại lớn nhất, chắc chắn là lí thuyết xuất sắc nhất của khoa học kinh tế; điều này là không thể chối cãi.

Song lí thuyết này có giá trị thực nghiệm không? Nghĩa là lí thuyết có thật sự tượng trưng cho quá trình thực tế đạt đến cân bằng của một một nền kinh tế không?

Đối với Walras, trạng thái cân bằng là một “trạng thái lí tưởng và không thực tế” ... “Nhưng đó là trạng thái bình thường trong nghĩa đó là trạng thái mà sự vật tự hướng đến dưới chế độ cạnh tranh tự do”. Tuy nhiên nhìn kĩ hơn thì người ta thấy là có nhiều lí lẽ vững chắc để phê phán tính tương thích của mô hình cân bằng chung với những thực tế của nền kinh tế (de Bernis, 1975).

– Trong thực tế, không có cân bằng trên tất cả các thị trường: ví dụ có thất nghiệp. Có nghĩa là mô hình không tính đến tính chất đặc biệt của thị trường lao động. Hơn nữa, sự tồn tại của một vài mất cân bằng còn tỏ ra là cần thiết cho sự hoạt động tốt của nền kinh tế: chính những cơ hội có được lợi nhuận (do đó những khả năng vượt quá lợi nhuận còn lại hay lợi nhuận trung bình) ấn định đầu tư. Không có những “mất cân bằng” này thì nền kinh tế đình trệ.

– Một số đặc tính toán học của cân bằng chung là khó tương hợp với tính chất của những hiện tượng kinh tế. Đó là trường hợp của giả thiết lồi, tính độc lập của những tập hợp sản xuất và tiêu dùng, v.v...

– Cuối cùng và nhất là việc thiết lập cân bằng chung trong thời gian đặt ra những vấn đề được Walras lí giải một cách sai lầm. Ý tưởng “dò dẫm” đòi hỏi phải tạm hoãn thời gian lại và viện dẫn đến giả thiết người xướng giá thị trường, cũng như tính tức thì của sản xuất; tất cả những điều này ít ra là một việc trừu tượng hoá tồi hiện thực.

Tuy nhiên nhiều tác giả cho rằng cân bằng chung vẫn có một giá trị lớn (Hahn, 1973): “để bác bỏ mọi loại quan điểm chính trị không có cơ sở chắc chắn ...” hay (Ménard, 1986) “để nhận diện ba vấn đề chính cho lí thuyết tổ chức kinh tế: bản chất và vai trò của thông tin, bản chất và đặc tính của những quá trình và cơ quan ra quyết định, vị trí của những điều tiết cơ bản, đặc biệt là tiền tệ”. Lí thuyết cân bằng chung do đó chủ yếu có tính sư phạm nhưng, theo Hahn, phải từ bỏ “tham vọng cung cấp những mô tả cần thiết của trạng thái cuối cùng của những quá trình kinh tế”.

Để tóm tắt, có thể nói rằng cân bằng chung biểu trưng tốt cho tác động qua lại của những thị trường và của những quyết định kinh tế, tốt đến độ mà nó đã gợi ý cho một kĩ thuật nghiên cứu thống kê và kế hoạch hoá: phân tích đầu vào/đầu ra của Leontief. Nhưng do sự nặng nề và những ràng buộc của bộ máy toán học, nó chỉ biểu trưng những tương tác này một cách cố định và sau cùng, khiến cho những tương tác giữa các thị trường và vai trò của giá cả có lẽ được Hayek làm rõ hơn mà không cần đến bộ máy toán học và từ quan điểm chủ quan của ông đã trình bày một cách thực tế hơn sự vận động thật sự của hệ thống giá cả và bản chất cùng vai trò của thông tin.

Do đó với lí thuyết cân bằng chung ta đứng trước một lí thuyết có thể gọi là hình thức theo một nghĩa gần với nghĩa được Bertrand Russel định nghĩa. Những lí thuyết này là không đúng lẫn không sai: đó là những tập hợp có tổ chức của những “hàm mệnh đề”, tức là những mệnh đề không thể có ý nghĩa thực nghiệm do việc lí tưởng hoá cực kì của một số phần tử của mô hình: tính đồng đẳng với những hiện tượng mà những mệnh đề này có tham vọng mô tả bị những phần tử được giữ lại trong mô hình -do chính những yêu cầu của việc hình thức hoá ấn định- giới hạn một cách nghiêm ngặt.

Ta đứng trước một trong những vấn đề cơ bản của phương pháp luận những mô hình: bằng cách nào bảo đảm được là mô hình lí thuyết, một hình ảnh thu gọn đơn giản chính đáng của nền kinh tế thực tế cung cấp một mô phỏng tốt của sự vận hành của nền kinh tế này? Rõ ràng là phải đòi hỏi nhà kinh tế có một lập luận qua lại hai chiều để bảo đảm tính tương thích giữa những đặc tính toán học của mô hình và những tính chất hiện thực của những hiện tượng được biểu trưng.

Từ cuộc bàn luận trên đây về cân bằng chung có thể rút ra hai kết luận:

– Trong một lí thuyết hình thức hoá đến mức như lí thuyết cân bằng chung, thường có sự quyến rũ lập luận trên những tính chất logic hay toán học của mô hình và rút ra từ đó những kết luận ta nghĩ rằng có thể áp dụng vào thế giới kinh tế hiện thực. Đây là một sai lầm càng dễ vấp phải bao nhiêu khi việc mô hình hoá càng phức tạp và thỏa mãn lí trí bấy nhiêu. Những hệ quả thực tiễn của lí thuyết cân bằng chung là vô cùng hạn hẹp. Như Morishima (1984: 64-71) đã viết , “một mệnh đề rút ra từ một hệ tiên đề tách rời với những sự kiện không có khả năng dự báo”.

– Trái với một ý kiến thường được phát biểu, và trong chừng mực mà kinh tế học có tham vọng là một khoa học thực nghiệm, thì phải gạt bỏ lời kêu gọi sử dụng hình thức hoá trong kinh tế như một tiêu chí của tính khoa học. Điều chắc chắn của hình thức hoá là việc vận dụng một ngôn ngữ chính xác và một sự kết nối chặt chẽ những mệnh đề. Nhưng nó chỉ đảm bảo cho chính sự chặt chẽ của bản thân nó thôi. Không thể quên được tính tương thích với hiện thực cho dù hệ thống hình thức là mạnh đến bao nhiêu đi nữa.

(còn nữa)

Chú thích

(1) Xem bài “Khoa học luận kinh tế” (ND).

Nguồn: “Critères de scienticifité en économie” của Hubert Brochier trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 25-54.

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước