Những điều kiện kinh tế cho chế độ liên bang giữa các nước (Phần 2)

Những điều kiện kinh tế cho chế độ liên bang giữa các nước (Phần 2)

3

Cho đến đây, độc giả nào đã theo dõi lập luận đều có thể sẽ đi đến kết luận rằng nếu quyền lực kinh tế của các nước thành viên trong một liên bang bị giới hạn như vậy thì liên chính phủ sẽ phải nắm lấy những chức năng mà các nước trong liên bang không còn đảm nhiệm nữa và sẽ phải thực hiện tất cả công việc hoạch định và điều tiết mà các nước thành viên không thể làm. Tuy nhiên, ở đây sẽ xuất hiện những khó khăn mới. Trong bài lược khảo này, có lẽ tốt nhất chỉ nên thảo luận những vấn đề chủ yếu liên quan tới hình thức can thiệp thường thấy nhất của nhà nước vào đời sống kinh tế, đó chính là thuế quan. Nói chung, nhận xét của chúng ta về thuế quan cũng phù hợp với những biện pháp hạn chế hoặc bảo hộ khác. Một số tham chiếu đến những dạng cụ thể về sự điều tiết của nhà nước sẽ được bổ sung ở phần sau.

Trước hết, bảo hộ toàn bộ một ngành cụ thể nào đó trong Liên minh có thể chẳng mang lại mấy lợi ích cho những người hiện được hưởng lợi nhờ bảo hộ bởi vì các nhà sản xuất có sức cạnh tranh mà người ta muốn sử dụng những biện pháp bảo hộ để chống lại giờ đây sẽ nằm trong Liên minh. Nếu thuế quan được áp dụng cho cả những người sản xuất lúa mì của nước Anh lẫn những người nông dân Canada và có thể cả các nhà sản xuất của Argentina trong cùng khu vực thương mại tự do thì nông dân Anh sẽ chẳng được lợi bao nhiêu. Nếu thuế quan được áp dụng cho cả những nhà sản xuất xe hơi nước Anh lẫn những nhà sản xuất Mỹ thì các nhà sản xuất người Anh cũng chẳng được lợi gì. Chẳng cần bàn thêm về điểm này làm gì nữa.

Nhưng ngay cả trong những trường hợp khi ở bên ngoài liên bang có các nhà sản xuất lớn mà một ngành cụ thể xét trên toàn liên bang muốn được bảo vệ trước sự cạnh tranh của họ thì sẽ xuất hiện những khó khăn đặc biệt mà có lẽ không xảy ra ở mức độ như thế trong một hệ thống thuế quan của quốc gia có chủ quyền.

Có lẽ, nên chỉ ra ngay từ đầu rằng, để một ngành cụ thể được hưởng lợi từ thuế quan thì điều kiện cần là mức thuế đánh trên sản phẩm của ngành đó phải cao hơn mức thuế đánh trên những mặt hàng mà các nhà sản xuất trong ngành đó tiêu thụ. Một biểu thuế quan cào bằng với cùng mức thuế suất đánh vào tất cả hàng hóa nhập khẩu mang lại lợi ích cho tất cả các ngành phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu, nhưng với chi phí phải gánh chịu bởi tất cả những ngành còn lại khác; tuy nhiên, lợi ích lại được phân bố chẳng theo trật tự nào và chưa chắc đã giúp được những ngành cần giúp. Mặc dù một biểu thuế quan như vậy sẽ làm cho tất cả mọi người trong Liên minh nghèo đi, nhưng có thể sẽ được sử dụng nhằm tăng cường sự gắn bó về mặt chính trị giữa các thành viên của liên bang. Vì vậy, biện pháp này dường như không gặp phải khó khăn gì.

Các khó khăn chỉ xuất hiện khi biểu thuế quan được sử dụng nhằm hỗ trợ để cho một ngành cụ thể nào đó phát triển nhanh hơn mức khi không có sự hỗ trợ như thế hoặc để bảo vệ nó trước những ảnh hưởng bất lợi khiến nó suy giảm. Trong những trường hợp như thế, muốn trợ cấp cho một nhóm người cụ thể thì tất cả những nhà sản xuất và người tiêu dùng khác đều phải hy sinh.

Trong quốc gia độc lập, ý thức hệ hiện nay làm cho người ta tương đối dễ dàng thuyết phục được phần còn lại của cộng đồng rằng họ có lợi trong việc bảo vệ ngành sản xuất sắt thép của “nước mình” hoặc bảo vệ ngành sản xuất lúa mì hoặc bất cứ ngành nào của “nước mình”. Niềm tự hào dân tộc về ngành sản xuất của “nước mình” và những tính toán về sức mạnh quốc gia, nếu xảy ra chiến tranh, thường làm cho mọi người chấp nhận hy sinh. Tính toán có tính quyết định là sự hy sinh của họ mang lại lợi ích cho những người đồng bào của mình, những người có hoàn cảnh mà họ biết khá rõ. Liệu những động cơ như thế có còn hoạt động vì lợi ích của các nước thành viên khác trong Liên minh? Nông dân Pháp có sẵn sàng mua phân bón với giá cao hơn nhằm giúp ngành công nghiệp hóa chất Anh? Công nhân Thụy Điển có sẵn sàng mua cam với giá cao hơn nhằm giúp những người làm vườn ở California? Hay các viên chức ở thành phố London có sẵn sàng mua giày hay mua xe đạp với giá cao hơn để giúp công nhân Mỹ hay công nhân Bỉ? Hay người thợ mỏ Nam Phi có sẵn sàng mua cá mòi với giá cao hơn để giúp ngư dân Na Uy?

Dường như rõ ràng là, trong một liên bang vấn đề đồng thuận về một biểu thuế quan chung sẽ làm nảy sinh những khó khăn khác với những khó khăn trong một quốc gia độc lập. Nó sẽ không được những ý thức hệ đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và tình nghĩa đồng bào ủng hộ; và ngay cả những luận cứ về an ninh, quốc phòng cũng sẽ không có sức thuyết phục nếu Liên minh thực sự có đủ sức mạnh, không còn phải sợ gì hết. Hiện nay, thật khó hình dung làm sao mà trong một liên bang người ta có thể đồng ý sử dụng thuế quan để bảo hộ những ngành cụ thể nào đó. Có thể nói như thế với tất cả hình thức bảo hộ khác. Nếu điều kiện trong các nước thành viên là rất đa dạng - mà trong một liên bang thì chắc chắn sẽ như thế - ngành lạc hậu hay suy thoái kêu gọi giúp đỡ hầu như bao giờ cũng sẽ phải đối mặt với những ngành tiến bộ đòi hỏi tự do phát triển ngay trong cùng lĩnh vực kinh doanh và bên trong liên bang. Trong liên bang, cản trở sự tiến bộ trong một khu vực nhằm duy trì mức sống trong một khu vực khác sẽ khó hơn hẳn khi làm điều đó trong một quốc gia độc lập.

Với trường hợp “điều tiết” (nghĩa là, cản trở) sự tiến bộ của một nhóm người nhằm bảo vệ quyền lợi của nhóm người khác khỏi bị cạnh tranh, vấn đề đã không hề đơn giản rồi, thế nên sự đa dạng về điều kiện và mức độ phát triển kinh tế khác nhau của các nước thành viên của liên bang sẽ tạo ra những trở ngại nghiêm trọng hơn nữa cho hoạt động pháp chế của liên bang. Nhiều hình thức can thiệp của nhà nước được coi là đáng mong muốn trong giai đoạn phát triển kinh tế nào đó, nhưng sẽ bị coi là trở ngại lớn trong giai đoạn phát triển khác. Ngay cả những quy phạm pháp luật như giới hạn giờ làm, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc hay bảo vệ môi trường, cũng sẽ được người trong các khu vực nghèo và khu vực giàu nhận thức khác nhau; và chúng có thể thực tế làm tổn hại cho khu vực nghèo, dẫn đến kích động sự phản đối quyết liệt từ những giai tầng mà trong những khu vực giàu có hơn đòi hỏi những biện pháp đó và hưởng lợi từ các biện pháp đó. Nói chung, những biện pháp pháp chế đó phải được giới hạn trong phạm vi mà khi áp dụng cho địa phương thì không đồng thời dẫn đến áp đặt những hạn chế về sự luân chuyển, ví dụ luật về các khu định cư.

Trong những quốc gia độc lập, những vấn đề này, dĩ nhiên, không phải là xa lạ đối với chúng ta. Nhưng chúng gây ra ít khó khăn hơn bởi người dân trong quốc gia độc lập tương đối đồng nhất, họ có niềm tin và lí tưởng chung, cũng như truyền thống chung. Trên thực tế, phần lớn những quốc gia độc lập có chủ quyền hiện nay đều có quy mô và thành phần đủ để làm cho thỏa thuận về mức độ can thiệp của nhà nước trở thành khả thi, nhưng họ sẽ không chấp nhận những biện pháp can thiệp mà lẽ ra họ không phải chịu nếu như đất nước của họ nhỏ hơn hoặc lớn hơn hiện nay rất nhiều. Trong trường hợp quốc gia quá nhỏ (vấn đề không chỉ đơn giản là quy mô dân số hay lãnh thổ mà còn là quy mô tương đối với các nhóm hiện hành, mà tương đối đồng nhất và tương đối tự lực cánh sinh), nỗ lực làm cho quốc gia độc lập trở thành tự lực cánh sinh không được đặt ra. Nếu các hạt hoặc thậm chí các huyện là những đơn vị có chủ quyền thì trong mỗi đơn vị như vậy sẽ chỉ có vài ngành được bảo hộ mà thôi. Tất cả khu vực không có và không thể tạo ra một ngành cụ thể nào đó sẽ trở thành thị trường tự do cho sản phẩm của ngành đó. Còn trong trường hợp nếu các đơn vị có chủ quyền là lớn hơn hẳn các các đơn vị hiện nay thì sẽ rất khó đặt lên vai cư dân một vùng gánh nặng giúp đỡ cư dân khu vực xa xôi nào đó, tức là giúp đỡ những người không chỉ khác họ về ngôn ngữ mà còn khác trong hầu hết những khía cạnh khác.

Kế hoạch hóa hay chỉ đạo hoạt động kinh tế theo lối tập quyền giả định sự tồn tại của những lí tưởng chung và các giá trị chung; và quy mô của kế hoạch hoá bị giới hạn bởi phạm vi mà thỏa thuận về một thang giá trị chung có thể đạt được hay ép buộc người ta phải chấp nhận1. Rõ ràng là rào cản cho một thỏa thuận như vậy sẽ tỉ lệ nghịch với tính đồng nhất và sự gần gũi trong quan niệm và truyền thống của cư dân trong khu vực. Mặc dù, trong quốc gia độc lập, việc phục tùng ý chí của phái đa số sẽ được hỗ trợ bằng huyền thoại về tính dân tộc, thì chắc chắn là người dân sẽ không muốn chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc hằng ngày của họ khi phái đa số hợp thành chính phủ là những người thuộc những dân tộc khác nhau và có truyền thống khác nhau. Nói cho cùng, lương tri bình thường đòi hỏi rằng quyền lực của chính quyền trung ương trong một liên bang gồm nhiều dân tộc khác nhau phải bị hạn chế để tránh xung đột ngày càng gia tăng từ các nhóm người khác nhau nằm trong thành phần liên bang. Nhưng nếu không phải là việc chỉ đạo hoạt động kinh tế theo lối tập quyền, mà chắc chắn phải có sự phân biệt đối xử giữa các nhóm người, thì cái gì có thể can thiệp sâu rộng hơn vào cuộc sống riêng tư của người dân? Dường như ít ai nghi ngờ rằng phạm vi quản lí đời sống kinh tế của chính quyền trung ương của liên bang sẽ hẹp hơn hẳn so với chính phủ quốc gia độc lập. Và vì, như chúng ta đã thấy, quyền lực của các nước thành viên nằm trong liên bang sẽ còn hạn chế hơn nữa, phần lớn những vụ can thiệp vào đời sống kinh tế mà chúng ta đã quen sẽ hoàn toàn bất khả thi trong nhà nước liên bang.

Điểm này có thể được minh họa tốt nhất bằng cách bỏ ra chút thời gian để xem xét những vấn đề phát sinh bởi hình thức kế hoạch hóa phát triển nhất - chủ nghĩa xã hội. Hãy đặt câu hỏi, liệu nhà nước xã hội chủ nghĩa, ví dụ như Liên Xô, có thể tham gia liên bang với các nước dân chủ bên bờ Đại Tây Dương hay không? Câu trả lời dứt khoát là không, không phải vì các quốc gia khác sẽ không sẵn sàng thừa nhận nước Nga mà vì Liên Xô sẽ không bao giờ tuân thủ những điều kiện mà liên bang sẽ áp đặt, cũng như cho phép tự do di chuyển hàng hóa, người và tiền bạc qua biên giới, trong khi vẫn tiếp tục duy trì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước Nga.

Mặt khác, nếu chúng ta xem xét khả năng áp dụng chế độ xã hội chủ nghĩa cho toàn thể liên bang, trong đó có nước Nga, thì sẽ thấy ngay rằng kế hoạch này là bất khả thi. Với sự khác biệt về mức sống, về truyền thống và giáo dục, tức là những khác biệt sẽ tồn tại trong liên bang như vậy, chắc chắn là sẽ không thể nào tìm được giải pháp có tính dân chủ cho những vấn đề quan trọng nhất mà kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra. Nhưng ngay cả khi chúng ta xem xét liên bang chỉ bao gồm những nước dân chủ, như Clarence Streit đề xuất, những khó khăn của việc áp dụng chế độ xã hội chủ nghĩa chung cho tất cả các nước cũng sẽ không chắc đã nhỏ hơn. Có thể hình dung được việc người Anh hay người Pháp sẽ giao phó việc bảo vệ đời sống, quyền tự do và tài sản - nói tóm lại là giao phó chức năng của nhà nước tự do - cho tổ chức siêu nhà nước. Nhưng việc họ sẵn sàng giao cho chính phủ liên bang quyền quản lí đời sống kinh tế của họ, quyết định họ nên sản xuất cái gì và tiêu thụ cái gì, dường như là vừa bất khả thi vừa không đáng mong muốn nữa. Nhưng, đồng thời, trong liên bang, các nước thành viên cũng không thể nắm những quyền này; do đó, chế độ liên bang dường như sẽ đồng nghĩa với việc chính phủ không có quyền lập kế hoạch về kinh tế theo kiểu xã hội chủ nghĩa nữa.

4

Kết luận cho rằng, trong một nhà nước liên bang, một số quyền lực kinh tế mà hiện nay thường do các quốc gia độc lập nắm sẽ không thể giao cho liên bang cũng như không thể giao cho các nước thành viên thuộc liên bang, ngụ ý rằng muốn cho liên bang trở thành hiện thực thì vai trò của chính phủ phải giảm đi. Liên bang, chứ không tổ chức nào khác, phải thực hiện một số chính sách kinh tế. Việc liên bang có thực thi những quyền lực đó hay không phụ thuộc vào khả năng đạt được thỏa thuận thực sự, không chỉ về việc có nên sử dụng những quyền lược này hay không mà còn cả việc sử dụng những quyền lực đó như thế nào. Điểm chính là, trong nhiều trường hợp, khi không thể đạt được thỏa thuận như vậy thì chúng ta đành phải chấp nhận là thà không có luật pháp trong một số lĩnh vực còn hơn là có luật pháp riêng của nước thành viên, dẫn đến phá vỡ sự thống nhất về kinh tế của liên bang. Thật vậy, sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn không có luật pháp về một số vấn đề hơn là có luật pháp riêng của từng nước thành viên là bài kiểm tra nghiêm khắc nhất về việc chúng ta đã trưởng thành hay chưa về mặt trí tuệ để có thể tạo ra một siêu nhà nước.

Trong các nhà nước liên bang hiện nay, đây là điểm thường phát sinh những khó khăn, và phải thừa nhận rằng đây cũng là vấn đề mà các phong trào “cấp tiến” cũng thường đứng về phía những lực lượng lạc hậu. Cụ thể là ở Mỹ, khi không đạt được đồng thuận về luật pháp trên bình diện liên bang thì tất cả những người cấp tiến đều ủng hộ luật pháp cấp bang, mà không thèm quan tâm đến việc luật pháp cấp bang có phù hợp với việc duy trì sự thống nhất về kinh tế của liên bang hay không. Kết quả là, ở Mỹ cũng như ở Thụy Sĩ, những chính sách kinh tế riêng biệt của các bang riêng lẻ đã đi xa đến mức làm rạn nứt từ từ khu vực kinh tế chung2.

Kinh nghiệm của các nhà nước liên bang này cho thấy rằng, muốn ngăn chặn những xu hướng đó thì ngăn cấm việc dựng lên các hàng rào thuế quan và những rào cản rõ ràng như thế đối với việc buôn bán giữa những nước thành viên có lẽ là chưa đủ. Những nước thành viên quyết định lập kế hoạch bằng các quy định hành chính có thể dễ dàng tránh được những biện pháp cấm đoán đó, vì có thể thực hiện được việc bảo hộ bằng những biện pháp như quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, yêu cầu kiểm tra và trả các khoản phí, cũng như những biện pháp quản lí hành chính khác. Khả năng sáng tạo của các nhà lập pháp cấp quốc gia trong lĩnh vực này cho thấy rõ ràng rằng không có cấm đoán nào trong hiến pháp của liên bang đủ sức ngăn chặn xu hướng phát triển như vậy; có lẽ chính phủ liên bang phải có quyền cấm những biện pháp quản lí hành chính như thế. Điều này có nghĩa là liên bang sẽ phải được trao quyền phủ quyết (negative power) nhằm ngăn chặn những nước thành viên, không cho họ áp dụng một số biện pháp can thiệp vào hoạt động kinh tế, mặc dù liên bang có thể không được phép nắm quyền chủ động (positive power) hành động thay mặt các nước thành viên. Ở Mỹ, những điều khoản khác nhau của Hiến pháp nói về bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do hợp đồng, và đặc biệt là tu chính án thứ V và thứ XIV, ở mức độ nào đó, đã thực hiện chức năng này và đã có đóng góp nhiều hơn mức người ta thường nghĩ trong việc ngăn chặn quá trình tan rã thành nhiều khu vực kinh tế riêng biệt thậm chí còn nhanh hơn nữa; nhưng hệ quả là chúng đã đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ phía tất cả những người đòi mở rộng nhanh chóng hơn nữa các biện pháp quản lí kinh tế của nhà nước.

Tất nhiên, bao giờ cũng có một số hình thức hoạt động của chính phủ được thực hiện một cách hiệu quả nhất trong các khu vực tương ứng với những quốc gia độc lập hiện nay, đồng thời có thể thực hiện trên toàn lãnh thổ liên bang mà không đe dọa đến sự thống nhất kinh tế của liên bang. Nhưng, nói chung, có khả năng là trong một liên bang quyền lực kinh tế của từng nước thành viên riêng lẻ sẽ giảm - và nên giảm ­- một cách từ từ nhiều hơn hẳn mức mà ban đầu ta có thể thấy. Quyền lực của các nước thành viên không chỉ bị suy giảm bởi một số chức năng đã được chuyển giao cho liên bang, và bởi một số chức năng mà cả liên bang lẫn các nước thành viên đều không thể thực hiện được và phải để nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan lập pháp, mà có lẽ còn bởi nhiều quyền lực của những nước thành viên được giao cho các đơn vị nhỏ hơn. Hiện nay, nhiều hoạt động được giao cho nhà nước độc lập chỉ đơn giản là nhằm củng cố nhà nước, nhưng trên thực tế, những hoạt động này có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn khi giao cho địa phương hoặc chí ít là giao cho các đơn vị nhỏ hơn. Trong một liên bang, tất cả các luận cứ ủng hộ tập quyền, dựa trên mong muốn tạo ra một liên minh quốc gia có chủ quyền hùng mạnh, có khả năng sẽ không còn - trên thực tế, có khả năng diễn ra theo chiều ngược lại. Các đơn vị lãnh thổ tương đối nhỏ đều có thể thực hiện hầu như tất cả những hình thức kế hoạch hóa đáng mong muốn, nhưng sự cạnh tranh giữa những đơn vị này cùng với việc không thể dựng lên các rào cản sẽ ngăn chặn hoạt động của họ, và trong khi để ngỏ cho những thử nghiệm đáng mong ước, cũng sẽ giữ các hoạt động đó trong giới hạn thích hợp.

Có lẽ, cần nhấn mạnh rằng tất cả những điều vừa nói không có nghĩa là trong tương lai chính sách kinh tế của một liên bang sẽ không còn không gian đủ rộng để thi thố; và nó cũng không hàm ý rằng việc can thiệp vào các vấn đề kinh tế sẽ bị hạn chế tối đa. Điều này chỉ có nghĩa là, việc lập kế hoạch trong một liên bang không thể diễn ra dưới những hình thức thông dụng hiện nay; rằng chắc chắn là không có chuyện can thiệp và điều tiết liên tục thay cho các lực lượng phi nhân của thị trường; và, cụ thể là sẽ không còn dấu vết của khẩu hiệu “phát triển quốc gia thông qua những cơ sở độc quyền được kiểm soát”, mà tờ tạp chí hằng tuần số ra gần đây đã nói rằng “các nhà lãnh đạo người Anh ngày càng quen dần”3 với ý tưởng đó. Trong một liên bang, chính sách kinh tế phải có hình thức sao cho có thể cung cấp một khung khổ hợp lí và lâu dài, ở đó sáng kiến cá nhân sẽ có phạm vi thể hiện lớn nhất có thể và sẽ hoạt động để mang lại nhiều lợi ích nhất có thể; và chính sách sẽ phải bổ sung cho hoạt động của cơ chế cạnh tranh, ở những nơi mà do bản chất, một số dịch vụ không thể được cung cấp và điều chỉnh bằng hệ thống giá cả. Nhưng về cơ bản, đấy là nói đến chính sách của liên bang, đây phải là một chính sách dài hạn, trong đó, thực tế “trong dài hạn, tất cả chúng ta đều sẽ chết” sẽ là một lợi thế quyết định, chứ không phải là cái cớ như thường thấy hiện nay để hành động theo kiểu après nous le déluge [mặc kệ sau này trời đất có sụp đi chăng nữa - ND]; vì những quyết định mà người ta đưa ra sẽ tồn tại trong một thời gian dài khiến cho, trên thực tế, không thể dự đoán được ảnh hưởng của chúng đối với những cá nhân và các nhóm, và do đó, ngăn chặn kiểu giải quyết vấn đề bằng một cuộc đấu tranh giữa những “nhóm lợi ích” có nhiều quyền lực nhất.

Trong một bài viết ngắn khó có thể xem xét một cách tương đối chi tiết các nhiệm vụ hữu ích của chính sách kinh tế tự do mà một liên bang sẽ phải theo. Thậm chí, cũng không thể đưa ra những cân nhắc thấu đáo về các vấn đề quan trọng như chính sách tiền tệ hay chính sách thuộc địa, tức là những chính sách sẽ còn tiếp tục tồn tại trong liên bang. Nhưng về điểm cuối, có lẽ cần phải nói thêm rằng, câu hỏi có lẽ sẽ xuất hiện đầu tiên, tức câu hỏi liệu các thuộc địa có nhất định phải được những nước thành viên hay liên bang cai quản hay không, lại là câu hỏi không mấy quan trọng. Với chính sách mở cửa thực sự cho tất cả các nước tham gia liên bang, những lợi thế kinh tế bắt nguồn từ việc sở hữu các thuộc địa, dù thuộc địa do liên bang hay quốc gia thành viên quản lí, sẽ là xấp xỉ như nhau đối với tất cả các nước tham gia liên bang. Nhưng, nói chung, không nghi ngờ gì, rằng việc quản lí thuộc địa sẽ là vấn đề của liên bang chứ không phải là vấn đề của các nước thành viên thì có lẽ thích hợp hơn.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Vấn đề này và vấn đề kế tiếp, xin đọc tác phẩm của tôi Freedom and the Economic System ("Public Policy Pamphlets”, số 29 [Chicago, 1939], và tác phẩm mới xuất bản gần đây hơn The Road to Serfdom.

(2) Về Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, xin đọc R. L. Buell, Death by Tariff: Protectionism in State and Federal Legislation ("Public Policy Pamphlets”, số 27 [Chicago, 1939]), và F. E. Melder, Barriers to Inter-state Commerce in the United States (Orono, Me., 1937).

(3) Spectator, tháng 3, 1939.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 12, NXB Tri thức, 2016