[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 12: Người gieo mầm ý tưởng: Henri de Saint-Simon (Phần 2)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 12: Người gieo mầm ý tưởng: Henri de Saint-Simon (Phần 2)

III.

Ngay sau khi xuất bản tác phẩm đầu tiên này, Saint-Simon phát hiện ra rằng ngân quỹ của mình đã hoàn toàn cạn kiệt và trong một vài năm tiếp theo ông sống trong cảnh nghèo khổ, phải làm phiền những bạn bè và chiến hữu cũ về những nhu cầu tiền nong, và có vẻ không từ cả việc đưa ra lời đe dọa. Thậm chí cả sự nhờ cậy đến những người bạn cũ giờ đây đã có quyền lực, như Comt de Ségur – grand maitre des ceremonies [Đại lễ quan – ND] của Napoléon, cũng rốt cuộc mang lại cho ông không nhiều hơn cái vị trí khốn khổ và thấp hèn của một người sao chép [chứng từ] trong một hiệu cầm đồ. Sáu tháng sau thời điểm này, trong thể trạng ốm yếu, ông đã gặp lại người hầu cũ trước đây và anh ta đã đưa Saint-Simon về nhà mình. Trong suốt bốn năm (1806-1810) cho đến tận khi từ giã cõi đời, người gia nhân tận tụy này đã trang trải hết những nhu cầu của ông chủ cũ, thậm chí thanh toán cho cả chi phí in ấn các ấn phẩm tiếp theo của Saint-Simon.

Trong suốt thời kỳ này, dường như Saint-Simon đọc nhiều hơn trước; ít nhất tác phẩm Introduction aux travaux scientifiques de XIXe siècle [Dẫn nhập vào các công trình khoa học của thế kỷ XIX]21 đã tham khảo một lượng tài liệu khoa học khá lớn, tuy vậy vẫn còn rất hời hợt và nông cạn so với lượng kiến thức khoa học thời kỳ này. Chủ đề vẫn như thế, nhưng phương pháp đưa ra thay đổi đôi chút. Trước khi khoa học có thể tổ chức xã hội, thì bản thân khoa học phải tổ chức lại chính nó22. Do đó, Hội đồng Newton trở thành uỷ ban biên tập cho một bộ sách bách khoa mới vĩ đại, tập hợp tất cả các kiến thức: “Chúng ta phải xem xét và sắp xếp tất cả mọi thứ theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật.”23 Chủ nghĩa duy vật này (physicism) không chỉ đơn thuần là một phương pháp khoa học chung; nó phải là một tín ngưỡng mới, cho dù lúc đầu nó chỉ dành cho những tầng lớp có giáo dục24. Nó phải là giai đoạn quan trọng thứ ba trong quá trình phát triển của tôn giáo, từ đa thần luận thông qua “thượng đế luận”25 (deism) đến chủ nghĩa duy vật. Tuy nhiên, mặc dù chủ nghĩa duy vật đã tồn tại được 1.100 năm26, nó vẫn chưa đến được đích thắng lợi. Lý do là công trình trước đây, cụ thể là của các nhà bách khoa toàn thư của Pháp, luôn chỉ trích và không có tinh thần xây dựng27. Chính Hoàng đế Napoléon vĩ đại, “người đứng đầu hội đồng khoa học của nhân loại bởi ông là người đứng đầu bộ máy chính trị”, “người thực chứng nhất của thời đại”, phải là người chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống khoa học theo một bộ sách bách khoa mới xứng đáng với tên tuổi của Hoàng đế28. Dưới sự chỉ dẫn của Hoàng đế, “các tăng lữ duy vật” trong atelier scientifique [Công xưởng khoa học] sẽ sáng tác ra một công trình, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật và tìm ra các nguyên lý dựa trên lập luận và quan sát thực tế nhằm hướng dẫn cho nhân loại đời đời29. Con người vĩ đại nhất đứng đằng sau hoàng đế, và “đích thực đó phải là người ngưỡng mộ chính mình một cách sâu sắc”, tự giao cho mình nhiệm vụ “đứng đầu các nhà khoa học, như một Descartes thứ hai, dưới sự lãnh đạo của ông, những công trình khoa học của trường phái mới sẽ trở thành vĩ đại”30.

Phải nói rằng tác phẩm này không hệ thống hơn tác phẩm đầu tiên. Sau một nỗ lực trình bày chặt chẽ không có hiệu quả, phải thừa nhận là nó đã trở thành một tập hợp những ghi chép rời rạc trong portefeuille [Tập tài liệu – ND] của Saint-Simon. Ông đã từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng phác thảo lúc ban đầu, như ông đã tự giải thích trong bản tóm tắt tự truyện của mình, vì thiếu kinh phí, hoặc như ông đã thừa nhận ở đâu đó, vì ông vẫn chưa đủ chín chắn cho kế hoạch đó31. Nhưng với tất cả những khiếm khuyết đó, tác phẩm vẫn là một tài liệu đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm đã gần như gắn kết được tất cả những đặc trưng của nhà tổ chức duy khoa học hiện đại. Sự hăng hái với chủ nghĩa duy vật (ngày nay gọi là chủ nghĩa vật lý) và việc sử dụng “ngôn ngữ khoa học vật lý”32, nỗ lực “thống nhất khoa học” và biến nó thành cơ sở của đạo đức, sự coi thường tất cả các lý luận thần học hay nhân hình33, sự mong muốn tổ chức công việc cho người khác, đặc biệt bằng cách biên soạn bộ sách bách khoa đồ sộ, và nói chung niềm mong ước muốn lập kế hoạch cho cuộc sống theo những phương pháp khoa học đều được trình bày. Đôi lúc ai đó có thể tin rằng anh ta đang đọc một cuốn sách đương đại của H.G. Wells, Lewis Mumford hoặc Otto Neurath. Cuốn sách cũng không bỏ qua những lời than phiền về khủng hoảng trí tuệ hay hỗn loạn đạo đức, những thứ cần phải được vượt qua bằng việc áp đặt một tín ngưỡng khoa học mới. Quả thực cuốn sách này, chứ không phải Lettres d’un habitant de Genève, xứng đáng là tài liệu đầu tiên và quan trọng nhất của cái phong trào mà Bonald, kẻ phản bội phong trào, gọi là “cuộc cách mạng ngược trong khoa học”34. Cái tên này về sau được nhìn nhận là biểu đạt cởi mở hơn cái mong muốn công khai của Saint-Simon là “chấm dứt cuộc cách mạng” bằng việc tổ chức lại xã hội một cách có chủ ý. Đây chính là điểm khởi đầu của của chủ nghĩa thực chứng hiện đại và chủ nghĩa xã hội hiện đại, cái đã khiến cả hai trở thành những phong trào hoàn toàn phản tiến bộ và độc đoán.

Phần giới thiệu, đã được Saint-Simon gửi cho các nhà khoa học đồng nghiệp, không được xuất bản mà chỉ in một vài bản đề phân phát cho các thành viên của Institut. Mặc dù các nhà khoa học lớn không quan tâm lắm đến tác phẩm của Saint-Simon, song ông vẫn tiếp tục đề nghị một vài người trong số họ hỗ trợ góp ý cho các tác phẩm nhỏ hơn mang đặc điểm tương tự. Chúng ta có thể bỏ qua vô số các bài viết nhỏ mà Saint-Simon viết trong những năm tiếp theo, chủ yếu đề cập đến kế hoạch xây dựng một bộ bách khoa. Chúng tôi nhận ra chứng bệnh lo sợ bị ngược đãi đặc trưng ngày càng gia tăng trong verkannte Genie – nhà tiên tri hoang tưởng – trong thời gian này. Điều này được biểu lộ qua sự lăng mạ quá khích đối với Laplace, người trước đây vốn rất được Saint-Simon ngưỡng mộ, nhưng hiện nay bị ông nghi ngờ là người phải chịu trách nhiệm cho việc ông ta bị thờ ơ35.

IV.

Không có thêm sự tiến triển quan trọng nào trong các tác phẩm của Saint-Simon cho đến năm 1813. Một lần nữa ông lại rơi vào cảnh đói rách khốn khổ sau cái chết của người gia nhân trung thành, ông bị bỏ đói và lâm bệnh nặng. Ông được một người quen cũ, một notaire [công chứng viên – ND], cứu giúp. Để cưu mang Saint-Simon, người này đã phải dàn xếp với gia đình mình rằng anh ta chịu từ bỏ tất cả khoản thừa kế về sau, và chấp nhận chỉ còn nhận khoản trợ cấp ít ỏi hàng năm. Một lần nữa trong hoàn cảnh tạm bợ ấy, sự nghiệp của Saint-Simon lại sang một giai đoạn mới. Cuối cùng thì ông cũng hết hy vọng nhận được sự cộng tác từ các nhà vật lý, ông không ngóng đợi bruttier, infinitésimaux, algébristes et arithméticiens [những nhà tính rợ, những nhà vi phân học, những nhà đại số và số học]36, những người ông không còn thừa nhận rằng họ có được cái quyền tự xem mình như là những nhà tiên phong cho tiến bộ khoa học của nhân loại nữa. Ông bước vào ngã rẽ thứ hai trong nhận thức của mình kể từ công trình đầu tiên: quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu sinh vật học.

Trong cuốn Mémoire sur la science de l’homme [Luận văn về khoa học nghiên cứu con người] (tuy nhiên, một phần trong tác phẩm này vẫn mang tên Travail sur la gravitation universelle [Nghiên cứu về lực hấp dẫn phổ quát]), chủ đề ông quan tâm chính là làm thế nào ngành sinh lý học, trong đó khoa học về con người chỉ là một bộ phận, có thể được nghiên cứu được bằng những phương pháp mà nhóm các ngành khoa học tự nhiên sử dụng37 và vì thế, tiếp nối các ngành khoa học tự nhiên đó cái quá trình phát triển từ giai đoạn “phỏng đoán” đến giai đoạn “thực chứng”38. Cùng với khoa học về con người, là một bộ phận và cũng là đỉnh cao của ngành sinh lý học, luân lý học và khoa học chính trị cũng cần trở thành những ngành khoa học thực chứng39, và vì thế “quá trình chuyển tiếp từ quan điểm theo đó có nhiều quy luật riêng điều chỉnh các hiện tượng của các nhánh khác nhau của vật lý học đến quan điểm theo đó chỉ có một quy luật thống nhất và duy nhất điều chỉnh tất cả các hiện tượng” phải trở thành hiện thực40. Khi quá trình này hoàn thành và tất cả các ngành khoa học riêng trở thành khoa học thực chứng, thì cái ngành khoa học chung, nghĩa là triết học, cũng sẽ trở nên thực chứng.41 Cuối cùng, triết học sẽ trở thành một quyền năng tinh thần mới, quyền lực này tồn tại riêng rẽ với quyền lực thế tục, vì nó là một phần không thể biến cải hơn được nữa42. Với cách tổ chức này của “hệ thống thực chứng” chúng ta sẽ nhất định bước vào kỷ nguyên vĩ đại thứ ba của lịch sử loài người, trong đó kỷ nguyên đầu tiên, hay kỷ nguyên sơ khởi, đã kết thúc với triết gia Socrate, còn kỷ nguyên thứ hai, hay kỷ nguyên phỏng thuyết (conjectural), đã kéo dài cho đến ngày nay43.

Chúng ta có thể quan sát được quá trình phát triển này của các ý tưởng và dựa vào đó chúng ta có thể dự đoán về sự tiến triển của chúng trong tương lai44. Vì “nguyên nhân tác động mạnh nhất đến xã hội là sự thay đổi, sự hoàn thiện các ý tưởng, các niềm tin chung”45, nên chúng ta có thể làm được hơn thế nữa, chúng ta có thể phát triển một lý thuyết về lịch sử, một lịch sử chung của nhân loại, thứ lịch sử sẽ không chỉ đề cập đến quá khứ và hiện tại mà còn cả tương lai. Một lịch sử cô đọng như thế về quá khứ, tương lai và hiện tại của trí tuệ con người đã được Saint-Simon đưa ra trong cuốn tự truyện thứ ba về khoa học nghiên cứu con người. Đấy chính là “ý tưởng đem lại niềm hạnh phúc lớn trong tâm trí của ông” và nó đã “khiến cho ông say mê”46. Nếu không vì thời gian hạn hẹp, ông đã có thể phát triển nó hơn nữa. Với tất cả những tác phẩm của ông từ năm 1814 trở về trước, ý tưởng vẫn giữ nguyên những hứa hẹn về những điều sẽ đến trong tương lai, như một lời nhắn nhủ về những công việc ông muốn làm. Còn bản thân cuốn Mémoire thì vẫn là một mớ hỗn độn những chi tiết không mấy liên quan và những phát biểu tự phụ kỳ dị từ đó ai đó có thể rút ra những ý tưởng phong phú chỉ bởi vì anh ta biết sự phát triển của chúng sau này.

V.

Tất cả những điều này đột nhiên thay đổi trong tác phẩm tiếp theo của Saint-Simon, Réorganisation de la société européenne [Tái tổ chức xã hội châu Âu]47, được xuất bản năm 1814. Từ đây trở đi, những ý tưởng trong những cuốn sách và ấn phẩm dưới tên ông được diễn giải có hệ thống và đôi khi được viết rất tốt. Quả là sau một thời kỳ khốn khó cơ cực, trong hoàn cảnh mà ông đã trải qua giống như một nhà thương điên, ông lại có thể có sự khởi đầu mới. Nhưng người đàn ông 55 tuổi này khó có thể tự dưng lại có được khả năng trình bày mạch lạc. Rất khó để loại bỏ nghi ngờ rằng sự thay đổi này đến từ thực tế rằng từ đây trở đi ông đã nhận được sự giúp đỡ của những người cộng sự trẻ mà ảnh hưởng của họ đã vượt ra khỏi phạm vi của câu chuyện viết lách đơn thuần.

Người đầu tiên trong số những người giúp đỡ trẻ tuổi này, người đã xuất hiện trên trang tiêu đề của cuốn Réorganisation với tư cách là đồng tác giả và cũng là học trò, nhà sử học tương lai Augustin Thierry, lúc ấy mới 19 tuổi. Cũng chính chàng Augustin Thierry này về sau đã trở thành thủ lĩnh của các trường phái sử học mới, trường phái xây dựng lịch sử như là lịch sử của quần chúng nhân dân và của cuộc đấu tranh vì các lợi ích giai cấp. Theo nghĩa này, Thierry đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Karl Marx48.

Cuốn sách đầu tiên mà Augustin Thierry cộng tác với Saint-Simon không phải là mối quan tâm lớn đối với chúng ta, mặc dù cuốn sách đã gây ra một tiếng vang nhất định vì đã ủng hộ liên minh Anh-Pháp, liên minh mà sau khi Đức đồng ý gia nhập đã phát triển thành một dạng của liên minh châu Âu với một nghị viện chung. Sự thất bại của đế chế Pháp và cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna đã khiến Saint-Simon áp dụng ý tưởng chủ đạo của mình vào việc tổ chức lại xã hội đối với toàn châu Âu; nhưng trong việc thực hiện ý tưởng này, đóng góp của Saint-Simon già cả còn rất ít, trừ ý tưởng viển vông bất chợt trong câu nói “thời đại vàng son không phải đã khuất xa mà đang ở trước mắt chúng ta và nó sẽ được thấy rõ khi trật tự xã hội được hoàn thiện” mà về sau đã được những người theo chủ nghĩa Saint-Simon thường xuyên sử dụng làm câu đề dẫn49.

Việc hợp tác của Saint-Simon và Thierry kéo dài được chừng hai năm. Trong khoảng một trăm ngày, họ đã viết tác phẩm đầu tiên chống lại Napoléon và sau đó chống lại khối đồng minh. Carnot cao thượng, một trong những người luôn ngưỡng mộ Saint-Simon, và khi được tạm thời khôi phục lại quyền lực đã tìm cho Saint-Simon một chân coi thư viện nhỏ ở Arsenal mang tính chất tạm thời50. Sau trận Waterloo, Saint-Simon lại rơi vào tình trạng nghèo khó trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng lúc này ông đã có những người bạn trẻ thuộc thế hệ mới, đó là những ông chủ nhà băng và các nhà công nghiệp có tài sản ngày một sinh sôi và ông đã gắn bó với họ. Từ đây về sau, lòng nhiệt tình đối với công việc kinh doanh đã thay thế cho lòng nhiệt tình với khoa học; hoặc nói khác đi, ít ra do niềm đam mê cũ chưa hẳn đã bị quên lãng, ông đã tìm được nguồn lực dồi dào mới để thực hiện quyền thế tục trong lĩnh vực khoa học, qua đó nắm lấy quyền lực tinh thần. Và ông nhận ra rằng, sự tán dương công việc kinh doanh được đền đáp tốt hơn sự quan tâm đến các nhà khoa học hoặc ca tụng hoàng đế. Laffite, ông chủ nhà băng Pháp là người đầu tiên giúp đỡ Saint-Simon. Ông này đã tìm cho Saint-Simon một khoản đáng kể 10.000 france mỗi tháng, để bắt đầu ra một tờ báo có tên gọi L’Industrie littéraire et scietifique ligúe avec l’industrie commerciale et manufacturière [Ngành văn chương và khoa học liên kết với ngành thương mại và chế tạo].

Tập hợp xung quanh ông chủ bút mới là những người trẻ tuổi, và Saint-Simon đã bắt đầu công việc mới của mình với tư cách là người đứng đầu nhóm. Lúc đầu, nhóm này bao gồm chủ yếu các nghệ sĩ, các ông chủ nhà băng và các nhà doanh nghiệp – trong số họ có một vài người rất nổi tiếng và có thế lực. Thậm chí còn có một nhà kinh tế học trong số những người đóng góp công sức vào tập một của cuốn L’Industrie, đó là St. Aubin, mặc dù bị J. B. Say mô tả rất mỉa mai rằng giống như “một anh hề của kinh tế chính trị”. Saint-Simon và Thierry được xem là đồng tác giả với phần luận bàn về tài chính và chính trị trong tập một của cuốn L’Industrie. Tập hai của cuốn này, ra mắt năm 1817 với tên gọi thay đổi chút ít51, bản thân Saint-Simon đã đóng góp một số vấn đề về quan hệ giữa Pháp và Mỹ.

Bài luận này đã được Saint-Simon viết với toàn bộ tinh thần dành cho những nhóm người theo chủ nghĩa tự do52. "Cái đích duy nhất mà tất cả suy nghĩ và nỗ lực của chúng ta bắt buộc phải hướng tới, tức cái việc tổ chức xã hội có lợi nhất cho kinh doanh theo nghĩa rộng nhất của từ này”, vẫn đạt được tốt nhất là nhờ một quyền lực chính trị, cái sẽ không làm gì ngoài việc nhận thức được rằng “lực lượng công nhân không phải lo âu”, và cái sẽ sắp đặt mọi thứ theo cách sao cho tất cả công nhân, nơi sức mạnh liên kết của họ tạo thành cái xã hội thực sự, được phép tự do trao đổi trực tiếp các sản phẩm lao động của mình53. Những cố gắng của Saint-Simon xây dựng chính trị học hoàn toàn dựa trên các yếu tố kinh tế, nhưng theo cách hiểu của ông thì, trên thực tế, lại là các yếu tố công nghệ, đã sớm đẩy ông xa rời quan điểm của những người bạn theo chủ nghĩa tự do của mình. Chúng tôi chỉ trích dẫn hai trong số “những sự thật quan trọng nhất và chung nhất” mà những lập luận của ông đã dựa vào: “Thứ nhất, việc sản xuất những sản phẩm hữu dụng là cái đích hợp lý và thực chứng duy nhất mà chính trị học có thể dựa vào và nguyên lý tôn trọng sản xuất và nhà sản xuất hoàn toàn có ý nghĩa hơn rất nhiều so với cái nguyên lý tôn trọng tài sản và người sở hữu tài sản”, và “Thứ bảy, vì toàn thể nhân loại chia sẻ một mục đích chung và những lợi ích chung, nên mỗi người phải tự đặt mình vào trong các mối quan hệ xã hội của anh ta giống như khi tham gia vào một tập thể công nhân”. “Do đó, có thể tổng kết chính trị học vào trong hai từ, khoa-học về sản-xuất, tức là, bộ môn khoa học có mục đích xem xét trật tự của mọi sự vật sao cho đem lại ích lớn nhất cho tất cả các loại hình sản xuất.”54 Các ý tưởng của tác phẩm Habitant de Genève đã quay trở lại – và đồng thời, đấy rốt cuộc cũng có thể được xem là sự phát triển tư tưởng độc lập của Saint-Simon.

Sự rã đám ban đầu của chủ nghĩa tự do đã khiến Saint-Simon mất đi người phụ tá đầu tiên của mình. “Tôi không thể hình dung được một chính thể không có bộ máy lãnh đạo” được xác nhận là những lời nói của Saint-Simon trong cuộc cãi nhau cuối cùng, còn Thierry đáp lại rằng anh ta “không thể hình dung được một chính thể không có tự do”55. Không lâu sau khi Augustin Thierry rời bỏ việc hợp tác với Saint-Simon, những người bạn theo chủ nghĩa tự do của ông cũng lần lượt bỏ đi. Nhưng sự kiện này xảy ra chỉ sau khi xuất hiện một người phụ tá mới với năng lực trí tuệ tuyệt vời, giúp Saint-Simon đi xa hơn nữa trên con đường mà ông vạch ra nhưng không có khả năng đi theo. Mùa hè năm 1817, một sinh viên trẻ của Ecole Polytechnique là Auguste Comte, người đầu tiên và xuất sắc nhất trong số các kỹ sư đã nhận Saint-Simon là thầy, đồng ý làm thư ký cho ông. Từ đây trở đi cho đến tám năm sau đó khi Saint-Simon mất, lịch sử trí tuệ của hai con người này đã hoàn toàn gắn liền với nhau. Chúng ta sẽ xem tiếp ở chương sau rằng phần lớn nội dung của cái vẫn được xem là học thuyết Saint-Simon và cái thông qua những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã gây ảnh hưởng sâu sắc [đến xã hội] trước khi danh tiếng của Comte với tư cách là một triết gia toả sáng, đều bắt nguồn từ Ausguste Comte.

Chú thích:

(21) Hai cuốn (1807-08). Lời giới thiệu đã không được đưa vào trong Oeuvres de Saint-Simon et d’Enfaintin. Bạn đọc phải tham khảo nó tại Oeuvres choissies de C.-H. de Saint-Simon (Bruxelles, 1859), vol. 1, pp. 43-264.

(22) Oeuvres choisies, vol. 1 (“Mon portefeuille”): “Tìm ra được một tổng hợp khoa học để hệ thống hóa những tín điều của quyền lực mới và dùng đó làm cơ sở cho một sự tái tổ chức Châu Âu”

(23) Ibid., p. 219. Cũng xem pp. 195, 214-15, 223-24.

(24) Ibid., p. 214: “Tôi tin vào sự cần thiết của một tôn giáo để duy trì trật tự xã hội. Tôi tin rằng Thượng Đế luận đã quá mòn cũ, còn chủ nghĩa duy vật thì không đủ vững chắc để làm cơ sở cho một tôn giáo. Vì thế, tôi cho rằng tình hình đòi hỏi có hai học thuyết khác nhau: chủ nghĩa duy vật dành cho những người có học và Thượng đế luận dành cho tầng lớp dốt nát”.

(25) Saint-Simon sử dụng deism [Thượng Đế luận]theism [Thần luận] một cách bừa bãi để diễn tả monotheism [thuyết độc thần].

(26) Ibid., p. 195.

(27) Ibid., p. 146.

(28) Ibid., p. 61.

(29) Ibid., pp. 243-44.

(30) Ibid., pp. 231, 236. Descartes bây giờ đã trở thành anh hùng bởi vì kẻ xu thời chung thân của chúng ta đã trở thành người theo chủ nghĩa quốc gia đầy mâu thuẫn, ông cảm thấy xót xa khi thấy người Anh vẫn chiếm ưu thế, làm xỉ nhục nền khoa học nước Pháp, và muốn trao tước hiệu người vĩ đại nhất cho người Pháp. Bài viết đó là câu trả lời lấp liếm cho câu hỏi mà Napoléon đặt ra cho Académie về tiến bộ của các ngành khoa học Pháp kể từ năm 1789.

(31) OSSE, vol. 15, pp. 71, 77.

(32) Ibid., p. 112.

(33) Ibid., p. 217: “Ý niệm về Thượng Đế không gì khác hơn là ý niệm về trí tuệ con người được khái quát hóa”.

(34) Xem W. Sombart, Sozialismus und Soziale Bewegung [Chủ nghĩa xã hội và phong trào xã hội], 7th ed. (1919), p. 54.

(35) OSSE, vol. 15, pp. 42, 53-56.

(36) Ibid., vol. 40, p. 39.

(37) Ibid., p. 17.

(38) Ibid., pp. 25, 186.

(39) Ibid., p. 29.

(40) Ibid., pp. 161, 186.

(41) Ibid., p. 17.

(42) Ibid., pp. 247, 310.

(43) Ibid., p. 265.

(44) Ibid., p. 172.

(45) Ibid., p. 161.

(46) Ibid., p. 287.

(47) De la réorganisation de la société européenne ou de la nécessité et des moyens de rassembler les peuples de l’europe en un seul corps politique en conservant à chacun son indépendance nationale, bởi H. C. Saint-Simon và A. Thierry, môn đệ của ông, ibid., vol. 15, pp. 153-248; cũng có trong ấn bản mới của A. Pereire (Paris, 1925).

(48) Về một tham luận về ý nghĩa của các công trình của Thierry, Mignet, và Guizot đối với ý tưởng này, xem G. Plechanow, “Ueber die Anfänge der Lehre vom Klassenkampf”, Die neue Zeit (1912), vol. 21 [“Về những nguồn gốc ban đầu của học thuyết về đấu tranh giai cấp”, Thời đại mới (1912), tập 21]. Cũng xem C. Seignobos, La méthode historique, 2me ed. (1909), p. 261: “Chính ông [Saint Simon] đã cung cấp cho A. Thierry những ý tưởng nền tảng”.

(49) OSSE, vol. 15, p. 247. Nguyên văn: “L’âge d’or, qu’une aveugle tradition a placé jusq’ici dans le passé, est devant nous”. Câu này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1825 như là một câu đề dẫn cho cuốn Opinions littéraires et philosophiques của Saint-Simon, và sau này trở thành câu đề dẫn của ấn phẩm Producteur của nhóm theo chủ nghĩa Saint-Simon.

(50) Xem M. Loroy, Vie de Saint-Simon, pp. 262, 277, và Hippolyte Carnot, “Mémoire sur le Saint-Simonism”, Séances et trauvaux de l’Académie des sciences morales et politiques [Các cuộc họp và các công trình của Viện hàn lâm khoa học luân lý và chính trị], 47e annee (1887), p. 128, ở đó H. Carnot ghi chép nhận xét của cha ông về đặc điểm của Saint-Simon: “Tôi đã quen biết St. Simon; đó là một con người đặc biệt. Ông ta đã nhầm khi tưởng rằng mình là một nhà bác học, nhưng quả thật không ai có được những ý tưởng tân kỳ và táo bạo như thế”. Có vài học giả khác, như nhà thiên văn học Hallé và đặc biệt Cuvier, hình như còn động viên Saint-Simon.

(51) L’industrie ou discussions politiques, morales et philosophiques dans l’intérêt de tous les hommes livrés à des travaux indépendants, trong OSSE, vol. 18.

(52) Về sự so sánh giữa các quan điểm của Saint-Simon trong thời kỳ này với các quan điểm của các bè bạn theo chủ nghĩa tự do cùng thời với ông, xem E. Halévy, L’ère des tyrannies (1938), pp. 33-41.

(53) OSSE, vol. 18, p. 165.

(54) Ibid., pp. 186, 188, 189. Cũng xem vol. 19, p. 126.

(55) Xem A. Augustin Thierry, Augustin Thierry (1795-1856): d’après sa correspondance et ses papiers de famille (Paris, 1922), p. 36.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007