Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 2/4)

Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 2/4)

Đây là phần trích đăng từ chương "The Foundations of Liberal Policy" (tr. 1-34) trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

(Tiếp theo Phần 1)

4. Bình đẳng

Sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do trước đây và chủ nghĩa tự do tân thời thể hiện rõ nhất và dễ thấy nhất trong cách họ xử lí vấn đề bình đẳng. Những người theo phái tự do thế kỉ XVIII, được hướng đạo bởi những tư tưởng của luật tự nhiên và thời đại Khai sáng, đòi quyền bình đẳng về chính trị và dân sự cho tất cả mọi người vì họ cho rằng mọi người đều giống nhau. Chúa sinh ra mọi người như nhau, phú cho họ những khả năng và tài năng như nhau, phả vào tất cả mọi người cùng một hơi thở của Chúa. Tất cả những khác biệt giữa người với người đều là nhân tạo, là sản phẩm của xã hội, của con người – nghĩa là do những định chế nhất thời mà ra. Cái còn lại vĩnh viễn trong con người - tức là tâm hồn anh ta - chắc chắn là giống nhau cho cả người giàu lẫn người nghèo, quý tộc và thường dân, da trắng và da màu.

Tuy nhiên, không có khẳng định nào lại thiếu căn cứ hơn là lời khẳng định về sự bình đẳng giữa người với người như thế. Mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Ngay cả anh em ruột cũng khác nhau rất xa về sức khoẻ cũng như trí thông minh. Tự nhiên không bao giờ lặp lại sản phẩm của chính nó; nó không sản xuất hàng loạt và không có sản phẩm được tiêu chuẩn hoá. Mỗi người khi rời khỏi xưởng chế tạo của nó đều mang theo dấu ấn riêng, duy nhất và không bao giờ lặp lại. Mỗi người mỗi khác, và đòi hỏi về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không thể dựa vào khẳng định rằng những người giống nhau phải được đối xử y như nhau.

Có hai lí do giải thích vì sao mọi người đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Lí do thứ nhất đã được nhắc tới khi chúng ta phân tích những luận chứng nhằm chống lại chế độ nô lệ. Lao động sẽ có năng suất cao nhất khi và chỉ khi người công nhân được tự do vì chỉ có người lao động tự do, tức là người được hưởng thành quả lao động của anh ta dưới dạng tiền lương, mới cố gắng hết sức mà thôi. Giữ gìn hòa bình trong xã hội là luận cứ thứ hai. Như đã chỉ ra bên trên, cần phải tránh mọi xáo trộn đối với sự phát triển một cách hòa bình quá trình phân công lao động. Nhưng giữ gìn hòa bình trong một xã hội, trong đó quyền lợi và trách nhiệm được phân chia theo giai cấp là nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Người nào không cho một bộ phận dân chúng được hưởng các quyền như các bộ phận khác thì phải luôn luôn sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của những người bị tước quyền nhằm chống lại những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi giai cấp phải bị bãi bỏ, lúc đó xung đột vì lí do giai cấp sẽ chấm dứt.

Như vậy, việc bới tìm sai lầm trong cách đặt vấn đề bình đẳng của chủ nghĩa tự do, rằng nó chỉ tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật chứ không phải bình đẳng thật sự, là việc làm thiếu cơ sở. Có sử dụng toàn bộ sức mạnh của loài người cũng không thể làm cho người ta trở thành giống nhau được. Con người đã và sẽ mãi mãi khác nhau. Chính những quan điểm tỉnh táo hữu ích vừa được trình bày là luận cứ ủng hộ cho việc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chủ nghĩa tự do không bao giờ đặt ra mục tiêu cao hơn thế, cũng chẳng bao giờ đòi hỏi cao hơn. Biến một người da đen thành da trắng là việc làm bất khả thi. Nhưng cho người da đen được hưởng những quyền như người da trắng và bằng cách đó tạo điều kiện cho anh ta có thu nhập như người da trắng nếu anh ta cũng có năng suất lao động như người kia.

Nhưng những người xã hội chủ nghĩa lại nói rằng làm cho mọi người bình đẳng trước pháp luật là chưa đủ. Muốn làm cho họ trở thành những người bình đẳng thật sự thì phải cho họ phân phối thu nhập giống nhau. Bãi bỏ đặc quyền đặc lợi được hưởng theo kiểu cha truyền con nối và theo chức tước là chưa đủ. Cần phải hoàn thành sự nghiệp, cần phải loại bỏ một trong những đặc quyền đặc lợi quan trọng nhất và lớn nhất, mà cụ thể là đặc quyền đặc lợi do sở hữu tư nhân mang lại cho người ta. Chỉ có như thế thì cương lĩnh tự do mới được thực hiện trọn vẹn, và nếu nhất quán thì chủ nghĩa tự do cuối cùng sẽ dẫn tới chủ nghĩa xã hội, dẫn tới việc bãi bỏ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.

Đặc quyền đặc lợi là sự hệ thống thể chế nhằm chế tạo điều kiện thuận lợi cho một số cá nhân hay một nhóm người nhất định, gây thiệt hại cho những người khác. Đặc quyền đặc lợi tồn tại, mặc dù nó làm cho một số người phải chịu thiệt hại – có thể là đa số - trong khi ngoài những người được hưởng thì nó chẳng mang lại lợi ích cho ai. Trong chế độ phong kiến thời Trung Cổ, một số vương hầu công tước được trao quyền tài phán theo kiểu cha truyền con nối. Họ là những quan tòa vì được kế thừa, không cần biết họ có khả năng và phẩm chất phù hợp với quan tòa hay không. Trong mắt họ, địa vị này đơn giản chỉ là một nguồn thu nhập béo bở. Ở đây quyền tài phán là đặc quyền đặc lợi của giai cấp quý tộc.

Nhưng nếu trong nhà nước hiện đại các quan tòa bao giờ cũng được tuyển chọn trong số những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thì đấy không phải là đặc quyền đặc lợi của các luật sư. Các luật sư được ưu tiên không phải vì lợi ích của họ mà vì lợi ích của toàn xã hội, vì mọi người đều nghĩ rằng kiến thức về luật học là điều kiện tiên quyết đối với một quan tòa. Khi xem xét một hệ thống thể chế có phải là đặc quyền đặc lợi đối với một nhóm người, một giai cấp, một cá nhân hay không, ta không được dựa vào những khoản ưu tiên ưu đãi mà nó mang lại cho nhóm đó mà phải dựa vào lợi ích mà nó mang lại cho toàn xã hội. Hiển nhiên là, trên con tàu giữa biển khơi chỉ có một người làm thuyền trưởng, còn những người khác đều là thuyền viên và bị ông ta chỉ huy, và như thế thì người thuyền trưởng chắc chắn là có lợi thế rồi. Nhưng đây không phải là đặc quyền đặc lợi của vị thuyền trưởng vì nếu ông ta biết cách lái tàu đi giữa những tảng đá ngầm trong cơn giông bão thì không chỉ ông ta được lợi mà cả thuỷ thủ đoàn cùng được lợi nữa.

Để có thể xác định liệu một hệ thống thể chế có phải là đặc quyền đặc lợi cho một cá nhân hay một giai cấp hay không, ta không được hỏi nó có mang lại lợi ích cho cá nhân hay giai cấp cụ thể nào đó hay không mà phải hỏi nó có mang lại lợi ích cho toàn xã hội hay không. Khi ta rút ra kết luận rằng chỉ có sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mới làm cho xã hội loài người phát triển một cách thịnh vượng thì rõ ràng đấy cũng là nói rằng sở hữu tư nhân không phải là đặc quyền đặc lợi của người chủ sở hữu mà là một thể chế xã hội vì phúc lợi và lợi ích của tất cả mọi người, ngay cả khi nó đồng thời mang lại lợi ích và sự thỏa mãn đặc biệt cho một số người.

Chủ nghĩa tự do ủng thể chế sở hữu tư nhân không phải vì quyền lợi của những người có sở hữu. Những người theo trường phái tự do muốn bảo vệ quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn không phải là vì việc bãi bỏ nó sẽ xâm phạm quyền sở hữu của ai đó. Nếu họ nghĩ rằng việc xoá bỏ thể chế sở hữu tư nhân sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người thì chắc chắn họ sẽ ủng hộ việc xoá bỏ nó, dù rằng chính sách như thế có thể gây tổn thất cho các chủ sở hữu đến như thế nào. Nhưng duy trì thể chế này là lợi ích của tất cả các giai tầng trong xã hội. Ngay cả một người nghèo, một kẻ chẳng có tí tài sản nào, cũng có đời sống khấm khá hơn rất nhiều so với đời sống trong một xã hội không có khả năng sản xuất được một phần những gì được sản xuất trong xã hội hiện nay.

5. Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập

Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập là vấn đề bị phê phán nặng nề nhất. Trong xã hội có người giàu và người nghèo, có người rất giàu và cũng có người rất nghèo. Cách giải quyết cũng không có gì khó: chia đều tất cả tài sản.

Cách thứ nhất để phản đối đề xuất này là cho rằng nó sẽ chẳng giúp cải tạo được tình hình vì số người mức tài sản vừa phải lớn hơn rất nhiều lần số người giàu có, cho nên việc phân chia lại như thế sẽ chẳng làm tăng được mức sống của mỗi người thêm được bao nhiêu. Điều này dĩ nhiên là đúng nhưng không đủ. Những người đòi sự bình đẳng trong việc phân chia thu nhập đã bỏ qua một chi tiết quan trọng nhất: tổng số tài sản có thể đem phân phối, tức là thu nhập hàng năm của lao động xã hội, không phụ thuộc vào cách phân phối chúng. Số sản phẩm khổng lồ đang có trong xã hội hôm nay không phải là hiện tượng tự nhiên hay công nghệ độc lập với các điều kiện xã hội, mà chính là kết quả của những thể chế xã hội của chúng ta. Chỉ vì bất bình đẳng về tài sản có thể tồn tại trong chế độ xã hội của chúng ta, chỉ vì nó thúc đẩy mọi người mang hết sức mình ra sản xuất và sản xuất với giá thành thấp nhất, cho nên loài người mới có trong tay số tài sản được sản xuất ra và được tiêu thụ hàng năm như hiện nay. Nếu giả sử động cơ lao động đó bị phá huỷ thì năng suất lao động sẽ giảm đáng kể, phần đem phân phối cho mỗi cá nhân sẽ ít hơn rất nhiều so với phần mà một người nghèo nhất đang nhận được hiện nay.

Tuy nhiên, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập còn có một chức năng nữa, cũng quan trọng như chức năng vừa nói bên trên: nó giúp người giàu có thể sống xa xỉ.

Người ta đã nói và viết rất nhiều điều ngu xuẩn về sự xa xỉ. Người ta phản đối việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ vì cho rằng thật là bất công khi một số người sống quá thừa mứa trong khi những người khác lại sống trong cảnh bần hàn. Luận cứ này có vẻ như cũng có giá trị nào đó. Nhưng đấy chỉ là vẻ ngoài mà thôi. Nếu có thể chứng minh được rằng việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ chính là thực hiện một chức năng hữu ích trong hệ thống hợp tác xã hội thì luận cứ này sẽ bị coi là vô giá trị. Đấy chính là điều chúng ta sẽ làm trong phần dưới đây.

Dĩ nhiên là chúng ta không biện hộ cho việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ bằng luận cứ mà đôi khi có người nói là hàng xa xỉ giúp luân chuyển tiền trong dân chúng. Nếu người giàu không hưởng những món xa xỉ thì người nghèo không có tiền, ấy là người ta hay nói như thế. Thật là nhảm nhí. Vì rằng nếu không có người tiêu thụ hàng xa xỉ thì vốn và lao động đáng ra được dùng cho việc sản xuất hàng xa xỉ sẽ được dùng cho việc sản xuất các hàng hoá khác, thí dụ như những món hàng mà nhiều người tiêu thụ, những món hàng cần thiết chứ không phải là những món hàng “vô dụng”.

Để có thể tạo ra được một quan niệm đúng đắn về giá trị xã hội của việc tiêu thụ các món hàng xa xỉ, trước hết ta phải hiểu rằng khái niệm về xa xỉ là khái niệm tương đối. Xa xỉ là có cách sống tương phản rõ rệt với phần lớn dân chúng cùng thời. Như vậy là, quan niệm về xa xỉ là quan niệm có tính cách lịch sử. Nhiều thứ ta coi là thiết yếu hiện nay có thời đã từng được coi là xa xỉ. Trong thời Trung cổ, khi phu nhân dòng dõi quý tộc người Byzantine của ngài tổng trấn vùng Venice dùng món mà ngày nay chúng ta gọi là thìa dĩa bằng vàng để gắp thức ăn chứ không dùng tay để bốc thì người Venice coi đấy là món hàng xa xỉ, nhạo báng cả thánh thần và họ nghĩ rằng nếu trời có mắt thì nhất định người đàn bà này phải mắc một căn bệnh khủng khiếp mới xứng: chắc chắn là họ cho rằng tiêu xài phung phí trái tự nhiên như thế thì nhất định sẽ bị Trời phạt. Cách đây vài ba thế hệ, buồng tắm trong nhà được coi là xa xỉ, ngày nay, gia đình công nhân Anh nào cũng có buồng tắm như thế cả. Ba mươi lăm năm trước chưa ai có ô tô, hai mươi năm trước sở hữu ô tô được coi là sống xa hoa, còn hiện nay, ở Mĩ ngay cả công nhân cũng có xe Ford riêng. Đấy là xu hướng của lịch sử kinh tế. Món hàng xa xỉ hôm nay sẽ trở thành đồ dùng cần thiết vào ngày mai. Mọi sự cải tiến trước tiên đều là những món hàng xa xỉ của một ít người giàu có, nhưng sau đó một thời gian sẽ trở thành đồ dùng thiết yếu, được mọi người coi là đương nhiên phải như thế. Việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ giúp cho nền công nghiệp khám phá và tạo ra những sản phẩm mới. Đấy là một trong những yếu tố làm cho nền kinh tế của chúng ta trở nên năng động. Nhờ có nó mà chúng ta mới có những tạo mới (innovations), và nhờ những tạo mới như thế mà đời sống của tất cả các thành phần dân cư trong xã hội mới được cải thiện từng bước một.

Nhưng phần lớn người ta đều không có cảm tình với một người vô công rồi nghề giàu có, chỉ biết ăn chơi chứ chẳng chịu làm bất cứ chuyện gì. Nhưng ngay cả một người như thế cũng thực hiện chức năng trong đời sống của cơ thể xã hội. Anh ta tạo ra, thí dụ, cách sống xa hoa, lối sống như thế sẽ làm cho quần chúng nhận thức được những nhu cầu mới và khuyến khích nền công nghiệp hoàn thành các nhu cầu đó. Có thời chỉ có người giàu mới đi ra nước ngoài. Schiller chưa bao giờ được nhìn thấy những dãy núi ở Thuỵ Sĩ mà ông từng ca ngợi trong tác phẩm Wilhelm Tell, mặc dù chúng nằm ngay trên biên giới quê hương Swab của ông. Goethe chưa bao giờ thấy Paris, Vienna cũng như London. Hôm nay hàng trăm ngàn người đang đi du lịch, chẳng mấy nữa sẽ có hàng triệu người cũng sẽ đi như thế.

6. Sở hữu tư nhân và đức hạnh

Trong khi tìm cách chỉ ra chức năng xã hội và sự cần thiết của sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và kèm theo nó là hiện tượng bất đình đẳng trong phân phối thu nhập và tài sản, chúng tôi đồng thời cũng đưa ra bằng chứng biện hộ về mặt đạo đức cho sở hữu tư nhân và chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là chế độ xã hội dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.

Đức hạnh là sự tôn trọng những đòi hỏi tất yếu mà bất kì thành viên nào của xã hội cũng cần phải tuân thủ vì sự tồn tại của xã hội. Một người sống cách li với thế giới thì không cần tuân theo bất kì quy tắc đạo đức nào. Anh ta không cần phải đắn đo khi làm những việc mà anh ta cho rằng có lợi cho mình vì không cần phải suy nghĩ xem việc đó có làm hại người khác hay không. Nhưng, là một thành viên trong xã hội, khi làm bất kì việc gì người ta cũng phải xem xét không chỉ lợi ích trực tiếp của mình mà còn phải góp phần củng cố xã hội mà mình đang sống nữa. Cá nhân chỉ có thể sống được nhờ sự hợp tác xã hội, nếu tổ chức đời sống và sản xuất xã hội bị sụp đổ thì từng cá nhân sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi yêu cầu các cá nhân quan tâm đến lợi ích của xã hội trong mọi hành động của mình và không được làm những hành động có lợi cho anh ta nhưng lại gây thiệt hại nghiêm trọng đối với đời sống xã hội thì không có nghĩa là xã hội yêu cầu anh ta phải hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của người khác. Vì sự hi sinh mà xã hội đòi hỏi chỉ là tạm thời: hi sinh lợi ích trực tiếp và tương đối nhỏ để đổi lấy lợi ích lớn hơn nhiều. Sự tồn tại của xã hội như là hiệp hội của những con người biết hợp tác với nhau và cùng nhau chia sẻ một đường sống chung chính là lợi ích của tất cả mọi người. Người nào hi sinh lợi ích tức thời nhằm tránh cho xã hội khỏi tình trạng hiểm nghèo là người biết hi sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích to lớn hơn nhiều.

Ý nghĩa của sự tôn trọng quyền lợi của xã hội như thế lại thường bị hiểu sai. Người ta tin rằng giá trị đạo đức nằm ở hành động hi sinh, ở việc từ bỏ sự thoả mãn ngay lập tức. Người ta không chịu công nhận rằng giá trị đạo đức không phải là sự hi sinh, mà là mục đích của sự hi sinh; người ta cố tình gán giá trị đạo đức cho bản thân hành động hi sinh, cho bản thân hành động từ bỏ. Nhưng hành động hi sinh phải là để phục vụ cho mục đích đức hạnh thì mới được coi là đức hạnh. Có sự khác nhau một trời một vực giữa một người liều mình và hi sinh tài sản của mình vì những mục tiêu cao quý và một người hi sinh tất cả những thứ đó mà chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội.

Tất cả những hành động nhằm giữ gìn trật tự xã hội đều là đức hạnh; còn những gì có hại cho nó đều là phi đạo đức hết. Do đó, khi ta rút ra kết luận rằng một thể chế nào đó là có lợi cho xã hội thì không thể nói rằng nó là phi đạo đức được. Có thể có những ý kiến khác nhau về việc một thể chế cụ thể nào đó là có ích hay có hại đối với xã hội. Nhưng một khi đã coi một thể chế là có lợi thì người ta không còn có thể buộc tội nó là phi đạo đức vì một lí do mơ hồ nào đó được nữa.

7. Nhà nước và chính phủ

Tuân thủ đạo lý là lợi ích tối cao của mọi cá nhân vì duy trì sự hợp tác xã hội mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; đồng thời nó cũng buộc mọi người phải hi sinh, mặc dù chỉ là những hi sinh tạm thời để đổi lấy những lợi ích lớn hơn. Phải có một số hiểu biết sâu sắc mối quan hệ giữa các hiện tượng và sự vật thì mới nhận thức được chuyện đó, đồng thời phải có ý chí nhất định thì mới thực hiện được những hành động phù hợp với nhận thức như thế. Những người không có nhận thức hoặc nhận thức được nhưng không có ý chí thực hiện thì không có khả năng tuân thủ đạo lý một cách tự nguyện. Không khác gì việc tuân thủ các quy định về vệ sinh mà các cá nhân phải theo vì sức khoẻ của chính mình. Một người nào đó có thể sống phóng túng, thí dụ như hút chích ma tuý vì không biết hậu quả của nó hoặc cho rằng hậu quả không là gì so với việc từ bỏ thú vui nhất thời, hoặc là không có đủ ý chí để điều khiển hành vi cho phù hợp với nhận thức của mình. Có người cho rằng xã hội cần phải sử dụng những biện pháp cưỡng bức để buộc những cá nhân nói trên vào đường ngay lối thẳng và trừng phạt bất kì kẻ nào có những hành động bất cẩn có hại cho sức khoẻ và cuộc sống của hắn ta. Họ nói rằng phải dùng biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn những kẻ nghiện rượu và nghiện ma túy khỏi những thói hư tật xấu của mình và buộc họ phải tự bảo vệ sức khoẻ.

Nhưng những biện pháp cưỡng bách có đáp ứng được mục tiêu đề ra hay không? Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau. Bây giờ chúng ta sẽ quan tâm đến một vấn đề khác, mà cụ thể là có cần buộc những kẻ có hành vi gây nguy hại cho sự tồn tại của xã hội phải chấm dứt những hành động như thế hay không. Người nghiện rượu và nghiện ma tuý chỉ gây hại cho chính mình; còn người vi phạm những quy tắc đạo đức điều chỉnh đời sống của con người trong xã hội gây hại không chỉ cho mình mà còn cho tất cả mọi người. Cuộc sống trong xã hội sẽ trở thành bất khả thi nếu những người muốn cho trật tự xã hội tiếp tục tồn tại và có hành động phù hợp với ước muốn đó không được dùng sức mạnh và những biện pháp cưỡng bức nhằm chống lại những kẻ sẵn sàng phá hoại trật tự xã hội. Một ít kẻ phản xã hội, tức là những người không muốn hoặc không thể thực hiện những hành động hi sinh tạm thời mà xã hội đòi hỏi, có thể làm cho đời sống xã hội trở thành không chịu đựng nổi. Không sử dụng những biện pháp cưỡng chế và sức mạnh nhằm chống lại kẻ thù của xã hội thì không thể sống được.

Chúng ta gọi bộ máy ép buộc và cưỡng chế, tức là bộ máy buộc người dân tuân thủ những quy tắc sống trong xã hội, là nhà nước; gọi những quy tắc mà nhà nước thực thi là luật pháp; gọi những tổ chức chịu trách nhiệm quản lí bộ máy cưỡng chế đó là chính phủ.

Có những môn phái tin rằng người ta hoàn toàn có thể gỡ bỏ bất kì hình thức cưỡng bức nào và có thể xây dựng xã hội trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Những người vô chính phủ cho rằng nhà nước, luật pháp và chính phủ đều chỉ là những thể chế vô tích sự trong một chế độ xã hội thực sự mong muốn phục vụ cho quyền lợi của tất cả mọi người chứ không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số ít kẻ đặc quyền đặc lợi. Chỉ bởi vì chế độ xã hội hiện tại dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nến nó mới cần sử dụng bạo lực và cưỡng bức để bảo vệ chính nó mà thôi. Nếu sở hữu tư nhân bị bãi bỏ thì mọi người, không trừ một ai, đều sẽ tự động tuân thủ những quy tắc sống mà sự hợp tác xã hội đòi hỏi.

Như đã chỉ ra bên trên, học thuyết đó sai lầm ngay khi nói về tính chất của quyền sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất. Nhưng ngay cả khi không có quan niệm sai lầm đó thì lí thuyết này cũng hoàn toàn không thể đứng vững được. Người theo phái vô chính phủ hoàn toàn đúng khi không phủ nhận rằng mỗi hình thức hợp tác giữa người với người trong xã hội trên cơ sở phân công lao động đều đòi hỏi tuân thủ một số quy tắc ứng xử mà không phải lúc nào cũng được mọi cá nhân hoan nghênh vì những quy tắc đó buộc người ta phải hi sinh, dù chỉ là trong một thời gian ngắn, nhưng vẫn làm cho người ta đau khổ, ít nhất là ngay tại thời điểm đó. Nhưng người theo phái vô chính phủ đã lầm khi cho rằng mọi người, không có ngoại lệ, đều sẽ tự nguyện tuân thủ các quy tắc như thế. Có những người bị bệnh đường ruột, họ biết rõ rằng nếu ăn một món nào đó thì chỉ một thời gian ngắn sau đó họ sẽ bị đau bụng, thậm chí đau đến mức không chịu được, nhưng họ vẫn không thể không hưởng thụ cái món khoái khẩu đó. Những mối quan hệ qua lại trong đời sống xã hội khó theo dõi hơn là tác động của thức ăn lên cơ thể con người và hậu quả cũng không diễn ra nhanh như thế, mà trên hết là không phải lúc nào kẻ bất lương cũng cảm nhận được. Có thể bỏ qua tất cả những điều đã trình bày mà giả định rằng mỗi người trong xã hội vô chính phủ đều có khả năng nhìn xa trông rộng và ý chí mạnh mẽ hơn kẻ bị bệnh đường ruột tham ăn mà không sợ bị coi là ngớ ngẩn hay không? Trong xã hội vô chính phủ liệu có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng là một người vô tình ném que diêm đang cháy và gây ra hoả hoạn hoặc trong khi tức giận, ghen tuông hay thù hận mà xúc phạm người khác được hay không? Chủ nghĩa vô chính phủ hiểu sai bản chất của con người. Nó chỉ có thể trở thành hiện thực trong thế giới của thánh thần mà thôi.

Chủ nghĩa tự do không phải là chủ nghĩa vô chính phủ và cũng chẳng có gì chung với chủ nghĩa vô chính phủ. Người theo trường phái tự do hiểu rõ rằng không có những biện pháp cưỡng bách thì sự tồn tại của chính xã hội sẽ bị đe dọa và muốn bảo đảm được sự hợp tác hòa bình giữa người với người thì đằng sau các quy tắc ứng xử cần phải tuân thủ còn cần phải có sự đe dọa bằng vũ lực; nếu không, bất cứ thành viên nào cũng có thể là mối đe dọa đối với toàn bộ lâu đài xã hội. Cần phải có khả năng buộc những kẻ không tôn trọng cuộc sống, sức khoẻ, quyền tự do cá nhân hay tài sản cá nhân của người khác tuân thủ những quy tắc sống trong xã hội. Đấy chính là chức năng mà học thuyết tự do gán cho nhà nước: bảo vệ tài sản, tự do và hòa bình.

Một người xã hội chủ nghĩa Đức tên là Ferdinand Lassalle1 đã cố giễu cợt quan niệm về nhà nước giới hạn chỉ trong khuôn khổ chức năng như thế khi dí dỏm gọi nhà nước được xây dựng trên những nguyên tắc tự do là “nhà nước tuần đêm”. Nhưng thật không hiểu nổi vì sao nhà nước tuần đêm lại kì quặc hoặc tồi tệ hơn là nhà nước quan tâm đến cả việc muối dưa cải, sản xuất nút quần hoặc xuất bản báo? Muốn hiểu được cái ấn tượng mà Lassalle tìm cách tạo ra bằng nhận xét dí dỏm như thế, ta phải biết rằng người Đức cùng thời với ông vẫn chưa quên được nhà nước của những ông vua độc tài, với rất nhiều chức năng quản lí và điều tiết khác nhau, và họ vẫn còn bị triết học của Hegel chi phối rất mạnh, mà Hegel lại là người đưa nhà nước lên vị trí của thánh thần. Nếu coi nhà nước, theo quan niệm của Hegel, như là “một thực thể tự ý thức về mặt đạo đức”, là “Vũ trụ trong nó và cho chính nó”, là “lí tính của ý chí” thì dĩ nhiên là khi ai đó coi mọi cố gắng nhằm giới hạn chức năng của nhà nước vào việc phục vụ như là người gác cổng ban đêm thì đúng là hành vi báng bổ rồi.

Chỉ có như thế ta mới hiểu được làm sao mà người ta lại có thể đi xa đến mức chỉ trích chủ nghĩa tự do là có thái độ căm ghét hay thù địch đối với nhà nước. Nếu tôi nghĩ rằng trao cho nhà nước việc quản lí ngành đường sắt, khách sạn hay hầm mỏ là không thích hợp thì tôi không phải là “kẻ thù của nhà nước” tựa như việc không thể coi tôi là kẻ thù của axit sulphuric chỉ vì tôi nghĩ rằng dù nó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì cũng không thể dùng nó để uống hay rửa tay được.

Sẽ là sai khi nói rằng chủ nghĩa tự do muốn hạn chế lĩnh vực hoạt động của nhà nước hoặc về nguyên tắc học thuyết này căm thù mọi hoạt động của nhà nước có liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Cách giải thích như thế hoàn toàn không nói lên bản chất của vấn đề. Quan điểm của chủ nghĩa tự do về chức năng của nhà nước là kết quả tất yếu của những luận cứ nhằm bảo vệ quyền tư hữu của chủ nghĩa này. Khi người ta đã ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất thì dĩ nhiên là người ta không thể ủng hộ quyền sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, tức là không ủng hộ việc giao chúng vào tay nhà nước tay vì để trong tay sở hữu chủ tư nhân. Như vậy là, ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất cũng có nghĩa là giới hạn một cách triệt để các chức năng của chính phủ rồi.

Những người xã hội chủ nghĩa đôi khi cũng có thói quen phê phán chủ nghĩa tự do là không nhất quán. Họ khẳng định rằng sẽ là phi lí nếu quy định vai trò của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế chỉ là bảo vệ quyền sở hữu. Thật khó hiểu tại sao sự can thiệp của nhà nước lại bị giới hạn vào việc bảo vệ quyền của các chủ sở hữu trong điều kiện bộ máy này vẫn không hoàn toàn trung lập.

Lời phê phán bên trên chỉ có thể được coi là hợp lí nếu chủ nghĩa tự do chống đối mọi hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế vượt quá chức năng bảo vệ quyền sở hữu và sự chống đối đó có xuất xứ từ việc căm thù về nguyên tắc mọi hành động của nhà nước. Nhưng vấn đề hoàn toàn không phải như thế. Chủ nghĩa tự do phản đối việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của nhà nước hơn nữa chính xác là vì hành động mở rộng đó trên thực tế sẽ tiêu diệt quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Mà những người theo trường phái tự do lại coi sở hữu tư nhân là nguyên tắc phù hợp nhất cho việc tổ chức đời sống của con người trong xã hội.

(Xem tiếp Phần 3)

Chú thích:

(1) Ferdinand Lassalle (April 1825-1864), còn có tên là Ferdinand Lassalle-Wolfson, là luật gia người Đức gốc Do Thái, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào xã hội chủ nghĩa Đức, được coi là người sáng lập Đảng dân chủ xã hội Đức.

Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh