Một hệ thống Bitcoin giống và khác một Chế độ bản vị vàng như thế nào?

Một hệ thống Bitcoin giống và khác một Chế độ bản vị vàng như thế nào?

Nhiều nhà bình luận so sánh Bitcoin với vàng như một tài sản đầu tư. Một nhà phân tích danh mục kinh doanh đã đặt câu hỏi “Liệu có thể coi Bitcoin là Vàng 2.0?” “Bitcoin đang dần thay thế vàng như một loại bảo hiểm chống lại sự bất định,” một phóng viên tờ Cointelegraph nhận định. 

Các nhà kinh tế, ngược lại, hứng thú hơn với việc so sánh một hệ thống tiền tệ dựa trên Bitcoin với một hệ thống dựa trên bản vị vàng. Trong một bài báo đáng chú ý được xuất bản vào năm 2015, George Selgin đã miêu tả Bitcoin như một “đồng tiền hàng hóa tổng hợp” (synthetic commodity money).  Nhà nghiên cứu lịch sử tiền tệ Warren Weber vào năm 2016 đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu thú vị trên trang của Ngân hàng Canada “Một Bản vị Bitcoin: Bài học từ Bản vị vàng,” phân tích một hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên Bitcoin giả định với giả thiết rằng “bản vị Bitcoin sẽ gần giống với bản vị vàng” của thời kỳ tiền Thế chiến thứ nhất. Gần đây hơn, kinh tế gia John Cochrane của đại học Chicago trong một bài đăng trên blog đã miêu tả Bitcoin như “một phiên bản điện tử của vàng”.

Vậy hệ thống Bitcoin và chế độ bản bị vàng giống nhau ở những khía cạnh quan trọng nào? Và ở những khía cạnh quan trọng nào khác không giống nhau?

Bitcoin giống với bản vị vàng ở ít nhất hai khía cạnh. (1) Cả Bitcoin và vàng đều vô quốc tịch, thế nên cả hai đều có thể trở thành một loại tiền tệ quốc tế cơ bản, đó là chúng không phải là sản phẩm của ngân hàng trung ương hay bộ tài chính của bất kỳ quốc gia nào. (2) Cả hai đều là một loại tiền tệ cơ sở có số lượng bị giới hạn một cách đáng tin cậy (đây là cơ sở cho mô tả của Selgin), không như tiền pháp định (fiat money) thứ mà ngân hàng trung ương có thể tạo ra bất kỳ số lượng nào mà nó thích “từ không khí”. 

Bitcoin và bản bị vàng rõ ràng là khác nhau theo những cách khác nữa. Vàng là một hàng hóa vật chất hữu hình; bitcoin là một tài sản điện tử thuần túy. Sự khác nhau này không quan trọng với khách hàng khi sử dụng chúng để chi tiêu, vì quyền sở hữu của cả hai tài sản này đều có thể được chuyển giao trực tuyến, hoặc cá nhân thông qua ứng dụng điện thoại hoặc thẻ ngân hàng. “Giao diện” của các thanh toán ngày nay cơ bản là giống nhau nhưng phần “ngoài đời” có thể là khác nhau. Thanh toán bằng vàng có thể được thực hiện bằng phương thức ngang hàng (peer to peer) không cần sự tham gia của bên thứ ba chỉ khi một đồng hoặc thanh vàng được trao trực tiếp bằng tay. Các thanh toán bằng vàng điện tử cần một bên trung gian cất giữ được tin tưởng. Các thanh toán sử dụng bitcoin vận hành trên một sổ cái phân tán và có thể thực hiện các giao dịch ngang hàng điện tử mà không cần có sự giúp đỡ của một tổ chức tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giao dịch Bitcoin sử dụng các dịch vụ lưu trữ và trao đổi thương mại của các nhà cung cấp như Coinbase. 

Sự khác nhau quan trọng nhất giữa Bitcoin và vàng nằm ở sự đối ngược trong các cơ chế cung và cầu, khiến chúng có các mức độ ổn định sức mua rất khác nhau. Mỗi năm, lượng vàng có trên mặt đất dần dần tăng thêm nhờ các mỏ vàng trên khắp thế giới, với tốc độ thay đổi, và làm bình ổn, sức mua của vàng. Cầu hàng hóa (phi tiền tệ) cũng thay đổi theo giá vàng và hạn chế sự biến thiên về giá trị của nó. Ngược lại, tốc độ tăng thêm của Bitcoin được lập trình hoàn toàn và không thay đổi theo sức mua của bitcoin, và cũng không có cầu hàng hóa nào.

Hãy thử xem xét chi tiết hơn phía cung. Thường thì sản lượng vàng hàng năm chiếm một tỷ lệ nhỏ (từ 1% đến 4%) lượng dự trữ hiện có nhưng không phải bằng không. Bởi vì lượng vàng tiêu thụ cho các mục đích phi tiền tệ mà từ đó không thể tái sử dụng được (như chất trám răng sẽ đi vào hố chôn và ở lại đó, nhưng không giống như trang sức) là không đáng kể, tổng lượng vàng dự trữ tăng dần theo thời gian. Trong lịch sử điều này đã tạo ra một mức lạm phát trường kỳ gần bằng không ở các nước theo chế độ bản vị vàng. Số lượng Bitcoin lưu hành được lập trình để tăng ở mức 4% vào năm 2017, nhưng tỷ lệ tăng lại được lập trình để giảm dần trong tương lai và chạm mức 0% vào năm 2140. Đến lúc đó, giả sử cầu thực tế đối với Bitcoin tăng với tốc độ tương đương tăng trưởng GDP thực tế, sức mua của bitcoin sẽ tăng nhẹ, hay nói một cách khác chúng ta sẽ thấy sự giảm phát nhẹ trong giá của hàng hóa và dịch vụ tính theo Bitcoin. (bài viết của Warren Weber cũng đưa ra kết quả tương tự.) Kiểu giảm phát theo tăng trưởng này là vô hại, nhưng có sự khác nhau nhỏ về phúc lợi trên thực tế của nền kinh tế có cung tiền tăng trưởng đều đặn 3% hàng năm và một nơi cung tiền tăng 0%. 

Sự khác biệt chính trong cơ chế cung của vàng và Bitcoin là ở vàng có sự thay đổi về tốc độ sản xuất để phản ánh sức mua của vàng, đối ngược với sự bất biến của Bitcoin. Trong khi sự gia tăng sức mua của Bitcoin không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào về số lượng Bitcoin trong ngắn hạn hay dài hạn. Theo ngôn ngữ của Econ 101, đường cung của Bitcoin luôn luôn thẳng đứng. (Đường cung, dù vậy, được lập trình để dịch chuyển dần sang phải theo thời gian, chậm hơn bao giờ hết, cho đến khi nó cán mốc 21 triệu đơn vị). Ngược lại, nếu sức mua của vàng gia tăng một cách bình thường thì sẽ kéo theo tăng trưởng số lượng nhỏ tiền vàng trong ngắn hạn, vì nó khuyến khích những người sở hữu vàng phi tiền tệ (như trang sức hoặc chân đèn) nung chảy những thứ đó và biến chúng thành tiền (giả sử các xưởng đúc tiền mở cửa). Hành động này xảy ra khi chi phí cơ hội của việc giữ vàng phi tiền tệ tăng lên, và gia tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu. 

Đường cung trong ngắn hạn do đó không phải là thẳng đứng. Quan trọng hơn, sự tăng lên đó dẫn đến một mức tăng lớn hơn nhiều trong trung hạn bằng việc khuyến khích các chủ mỏ vàng gia tăng sản lượng khai thác. Còn “đường cung của trữ lượng tiền vàng trong dài hạn” khá phẳng. (Tôi sẽ nói chi tiết hơn về tính động của đường cung trữ lượng ròng của vàng trong chương 2 về lý thuyết tiền tệ.) Sức mua của vàng sẽ trở về mức trung bình trong dài hạn, như mô thức được thấy rõ trong lịch sử. 

Bởi vì số lượng đã được lập trình từ trước, sản lượng Bitcoin không có những cú sốc từ phía cung, không giống như tiền vàng. Tuy vậy, những cú sốc từ phía cung do việc tìm ra các mỏ vàng mới dưới chế độ bản vị vàng trong lịch sử là không lớn. Cú sốc lớn nhất được ghi lại là tác động đồng thời của việc đổ xô tìm vàng ở California và Úc, (theo Hugh Rockoff) đã cùng nhau làm tăng trữ lượng vàng của thế giới ở mức 6,39% hàng năm trong thập kỷ 1849-59, dẫn đến mức lạm phát ít hơn 1,5% ở các nước theo chế độ bản vị vàng trong suốt thập kỷ đó. Để tham khảo, tỷ lệ bình tăng trưởng bình quân hàng năm trung bình trong thập kỷ 1839-1919 là khoảng 2,9%. 

Do sự co giãn về giá của đường cung vàng trong dài hạn kết hợp với số lượng nhỏ và không thường xuyên các cú sốc từ phía cung, sức mua của vàng dưới chế độ bản bị vàng cổ điển dễ đoán hơn hơn, đặc biệt là trong khoảng trên 10 năm, so với sức mua của đồng đô la pháp định của Cục dự trữ liên bang (Fed) sau Thế chiến thứ hai. Như tôi đã đề cập trước đó: “Dưới một chế độ bản vị vàng, có thể chắc chắn rằng mức giá không thể dao động quá xa trong 30 năm tới vì nó bị giới hạn bởi các động lực phi nhân của thị trường. Một sự tăng lên đáng kể về giá cả (sức mua của vàng tụt xuống) do nhu cầu giữ vàng giảm sẽ làm giảm lượng vàng được đào lên, theo đó làm đảo chiều chuyển động của giá vàng. Ngược lại, bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về giá cả (sức mua của vàng tăng lên) do nhu cầu giữ vàng tăng lên sẽ làm tăng lượng vàng được khai thác, theo đó làm đảo chiều chuyển động của giá vàng”. Bitcoin không có bất cứ một phản ứng cung nào như thế. Không có hiện tượng sức mua của Bitcoin trở về mức trung bình và do đó sức mua của nó khó dự đoán hơn nhiều trong bất kỳ khoảng thời gian nào. 

Warren Weber đã miêu tả cung của vàng như sau: “Sự thay đổi trong sản lượng vàng phụ thuộc vào việc khám phá những mỏ vàng mới và phát minh các kỹ thuật mới để chiết xuất vàng từ quặng vàng”. Câu này nói không được chính xác. Những thay đổi về sản lượng tiền vàng trên thế giới diễn ra từ năm này qua năm khác từ việc khai thác mỏ thông thường. Cơn sốt vàng và các cải tiến kỹ thuật chiết xuất vàng đã làm thay đổi tốc độ sản xuất vàng chứ không phải trữ lượng. Trong lịch sử, những thay đổi về tốc độ gia tăng của vàng không đáng kể so với những thay đổi về tốc độ gia tăng của các đồng tiền pháp định hậu thế chiến. Thường thì những thay đổi về tốc độ gia tăng của trữ lượng vàng là cân bằng, đẩy sức mua của vàng trở lại mức trước đó. Như Rockoff đã lưu ý, một số cơn sốt vàng quan trọng (như Klondike vào những năm 1890) và một số đột phá kỹ thuật quan trọng (như phương pháp cyanide của năm 1887) được phát minh nhờ sức mua cao của vàng vào thời điểm đó, thúc đẩy động lực tìm kiếm và nghiên cứu.

Câu nói của John Cochrane được trích dẫn ở bên trên chỉ là một vế của một câu đầy đủ như sau: “Nó (Bitcoin) là một phiên bản điện tử của vàng, và sự biến động giá là lời cảnh báo đối với các nhà kinh tế mong ngóng sự trở lại của vàng”. Sau khi xét đặc điểm sức mua của vàng cõ xu hướng quay lại mức trung bình, trong khi Bitcoin không có đặc điểm đó, chúng ta có thể thấy vế thứ hai trong câu của Cochrance là không chính xác. 

Cơ chế cung không co giãn tạo ra sự biến động giá của Bitcoin có thể sẽ khiến những người dự đoán Bitcoin sẽ trở thành một phương tiện trao đổi được chấp nhận phổ biến, phải nghĩ lại. Tuy nhiên, nó không phản ánh gì về sức mua của vàng dưới chế độ bản vị vàng.  

Nguồn: Larry White, How a Bitcoin System is Like and Unlike a Gold Standard, Alt-M, 11/1/2018

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh