Chủ nghĩa tư bản có ích hay có hại cho phụ nữ?

Chủ nghĩa tư bản có ích hay có hại cho phụ nữ?

Chủ nghĩa tư bản có ích hay có hại cho phụ nữ? Gần đây tôi có tham gia một cuộc tranh luận về chủ đề này tại Viện Cato (Cato Institute). Trong khi chuẩn bị cho sự kiện này, tôi đã biết nhiều sự thật thú vị có thể khiến nhiều nhà hoạt động nữ quyền quan tâm. Họ luôn cho rằng cách tốt nhất để giúp phụ nữ Mỹ là để chính phủ Mỹ làm theo những gì chính phủ khác làm: chi thật nhiều tiền cho cái gọi là “những chương trình phúc lợi gia đình”.

Hãy xem xét trường hợp các chính phủ Bắc Âu, vốn được các nhà nữ quyền hiện đại và các nhà xã hội chủ nghĩa ca ngợi là những hình mẫu mà nước Mỹ nên noi theo.

Chắc chắn là trong nhiều năm qua, các quốc gia này được ca ngợi là đi đầu trong bình đẳng giới với những chương trình phúc lợi hào phóng như chế độ nghỉ phép có lương vì việc gia đình cho cả bố và mẹ, trợ cấp chăm sóc trẻ em để giúp phụ nữ cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Các chính sách này được cho là sẽ tiêu diệt chú kỳ lân mà phe cánh tả yêu thích, tức là xoá đi “chênh lệch tiền lương” - và nâng phụ nữ lên các vị trí quyền lực mà nam giới thường nắm giữ. Những quyền lợi này chắc chắn trông rất tuyệt vời trên các bảng xếp hạng chỉ số bình đẳng giới toàn cầu.

Mặc dù sự thật là phụ nữ Bắc Âu tham gia vào lực lượng lao động với tỉ lệ cao hơn phụ nữ ở nước khác, nhưng các nghiên cứu học thuật cho thấy khi thuế đánh nhiều hơn vào thu nhập từ lao động – để tài trợ cho các chính sách phúc lợi hào phóng - thì chính việc đó cũng khuyến khích phụ nữ làm việc bán thời gian hơn là toàn thời gian. Nhìn chung, thuế suất cao hơn làm giảm thời gian phụ nữ làm việc và tăng thời gian họ làm những công việc gia đình không công. Một nghiên cứu của Nima Sanandaji của Viện Cato về “rào cản vô hình tại Bắc Âu”, giải thích rằng “so với những người lao động bị đánh thuế thấp hơn tại Mỹ, các giáo sư Bắc Âu và những người lao động khác có xu hướng dành thời gian không được trả lương cho những công việc gia đình hơn là làm việc nhiều giờ trong công việc chính được trả lương của họ”.

Các nghiên cứu của Uỷ Ban Châu Âu và các tổ chức khác cho thấy rằng các chính sách phúc lợi trên diện rộng cũng tạo ra động lực cho phụ nữ làm bán thời gian thay vì toàn thời gian. Trớ trêu thay, các chế độ nghỉ thai sản được trả lương khiến cho làm việc ít giờ trở nên hấp dẫn hơn so với làm việc toàn thời gian, từ đó cản trở khả năng phụ nữ đạt được những vị trí lãnh đạo, điều hành cao nhất.

Hiện tượng này đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia vùng Scandinavia, nơi có nhiều phúc lợi hơn. Ví dụ, trong khi tại Hoa Kỳ, tỉ lệ quản lý là nữ giới đạt 43% thì con số này chỉ là 28% ở Đan Mạch, 30% ở phần Lan, 32% ở Na Uy và 36% ở Thụy Điển. So với các quốc gia phát triển khác, các quốc gia này cũng có tỉ lệ rất thấp phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Còn bây giờ, hãy xem các chính sách phúc lợi hào phóng cho gia đình tác động đến khoảng cách tiền lương theo giới như thế nào:

Khi tính toán chuẩn xác thì chênh lệch tiền lương theo giới ở Mỹ là không đáng kể. Tỷ lệ chênh lệch này chắc chắn không phải là 19 xu trên 1 đô la Mỹ mà bên cánh tả, bao gồm cả một số ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, hay rêu rao.

Công trình của nhà kinh tế Đại học Harvard, Claudia Goldin, chứng minh rằng chênh lệch này hầu như không liên quan gì đến sự phân biệt đối xử về giới. Thay vào đó, nó liên quan nhiều hơn đến cái mà Goldin gọi là nhu cầu về sự “linh hoạt thời gian”. Nghĩa là, phụ nữ chọn làm việc ở những vị trí cho phép họ có thời gian linh hoạt hơn để chăm sóc con cái. Sự chênh lệch mức lương không đáng kể đó phản ánh lựa chọn của phụ nữ nhiều hơn là sự phân biệt đối xử của người sử dụng lao động.

Chênh lệch này có lẽ là chênh lệch “thu nhập” thì đúng hơn là chênh lệch “tiền lương”, xuất phát từ việc phụ nữ chọn làm mẹ, và điều này xảy ra ở mọi quốc gia, kể cả các nước vùng Scandinavia. Trên thực tế, các nghiên cứu kinh tế cho thấy mức chênh lệch này lớn bằng hoặc nhỏ hơn so với các nước châu Âu có chi tiêu xã hội khổng lồ. Ví dụ, một nghiên cứu hay được trích dẫn của Henrik Kleven, Jakob Sogaard và Camille Landais giải thích rằng mặc dù Hoa Kỳ, Thụy Điển và Đan Mạch “có các chính sách công và thị trường lao động rất khác nhau nhưng các nước không còn nhiều khác biệt về bất bình đẳng giới”. Những nghiên cứu khác cho thấy ở chừng mực nào đó, mức chênh lệch ở các nước Bắc Âu nhỏ hơn một chút so với các nhà nước phúc lợi lớn khác, và khác biệt này liên quan nhiều hơn đến cơ cấu tiền lương của các quốc gia hơn là từ các chính sách phúc lợi gia đình.

Các công trình nghiên cứu kinh tế gọi phát hiện này là “nghịch lý Bắc Âu”. Bài học ở đây là chúng ta không nên ủng hộ các chính sách xã hội như chế độ nghỉ phép có lương bắt buộc và các trợ cấp phúc lợi đắt đỏ cho trẻ em vì nghĩ rằng chúng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương, bởi sự thực là không. Các nhà nữ quyền Mỹ cũng nên cẩn thận với những gì họ mong muốn: những chính sách phúc lợi hào phóng có thể giúp nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động hơn, nhưng đồng thời cũng cản trở sự thăng tiến của phụ nữ tại nơi làm việc bằng cách khuyến khích họ làm bán thời gian, và do đó, không bao giờ leo lên được đỉnh cao công việc.

Nguồn: Veronique De Rugy, Does Capitalism Help or Hurt Women?, Reason, 19/9/2019​

Dịch giả:
Nguyễn Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh