[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 5)

[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 5)

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VÌ DÂN CHỦ

Trợ giúp về chính trị và phát triển chỉ là hai trong số các công cụ mà Hoa Kỳ và các chế độ dân chủ đầy sức mạnh khác có thể sử dụng nhằm ủng hộ và thúc đẩy dân chủ trên khắp thế giới. Như đã thấy trong chương 5 và chương 6, chính sách đối ngoại có thể đưa tới những phương sách và động cơ mạnh mẽ – như trợ giúp về quân sự, ngoại giao, áp lực đạo đức, quan hệ thương mại, đầu tư nước ngoài, và những quan hệ về tình báo và xã hội – nhằm định hình tính chất và hành vi của nhà nước. Có thể sử dụng những việc này để khuyến dụ các chế độ độc tài tự do hóa và khuyến khích các chế độ dân chủ mới phôi thai tôn trọng các tiêu chuẩn của hiến pháp.

Trên thực tế, mục tiêu của chính sách đối ngoại thường là xung đột, các chế độ độc tài thường có những đòn bẩy đáng kể để chống lại sức mạnh bên ngoài, đặc biệt nếu các chế độ này là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn hay quốc gia nằm trên tuyến đầu trong “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”. Đáng buốn là, đã có hiện tượng lùi về với logic của thời Chiến tranh lạnh, khi Hoa Kỳ buộc phải ve vãn các nước độc tài trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản. Đáng chú ý là, thế giới hiện nay rất giống với tình trạng cách đây ba hoặc bốn thập kỉ, nếu thay chủ nghĩa cộng sản bằng chủ nghĩa nghĩa khủng bố Hồi giáo cấp tiến. Ngay cả chế độ của Pervez Musharraf ở Pakistan và vương triều ở Ả Rập Saudi – không hoàn toàn rõ là chế độ này đứng ở phía nào trong cuộc đấu tranh, những nhà lập chính sách Hoa Kỳ sợ hãi và buộc phải cung cấp những khoản trợ giúp quân sự khổng lồ (Pakistan được nhận cả viện trợ kinh tế.)1 Cần phải có đầu óc thông minh và thần kinh mạnh mẽ thì mới tìm được điểm cân bằng đúng đắn giữa thúc đẩy dân chủ và chiến đấu chống lại những hệ tư tưởng bạo lực. Trong dài hạn, hai mục tiêu này sẽ hội tụ với nhau, còn trong ngắn hạn, một số bài học từ Chiến tranh Lạnh có thể có ích cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Phải tiến hành trận đánh khốc liệt vì các tư tưởng dân chủ. Ngoại giao không chỉ là quan hệ giữa các nhà nước, mà còn liên kết các xã hội với nhau. Các đài phát thanh quốc tế có thể có vai trò cực kì quan trọng trong việc thông tin cho dân chúng những điều thực sự đang xảy ra trên thế giới, khuyến khích những cuộc tranh luận cởi mở và trung thực, nuôi dưỡng các nguyên tắc và giá trị của dân chủ, và truyền cho các lực lượng dân chủ hi vọng và cảm hứng. Nhưng muốn được tin cậy, các đài phát thanh ủng hộ dân chủ – dù đấy có là Đài tiếng nói Hoa Kỳ hay các chương trình quốc gia như đài phát thanh Farda phát bằng tiếng Ba Tư – phải có ban biên tập độc lập, để có thể đưa tin một cách khách quan và cung cấp những ý kiến khác nhau, thậm chí cả những ý kiến chỉ trích Mỹ. Việc Hoa Kỳ sẵn sàng nói và chấp nhận những lời phê bình chính sách đối ngoại của họ là biện pháp tốt nhất nhằm chuyển tải những tư tưởng dân chủ. Ngoài ra, các nhà tài trợ phải ủng hộ việc phiên dịch sang nhiều thứ tiếng các tác phẩm mang tính triết học và thực tiễn về dân chủ, trong đó có các cuộc thảo luận đương thời. Các công trình kinh điển bàn về dân chủ phải được phát hành một cách tự do và rộng rãi trên mạng Internet.2

Các mối liên kết xã hội cuối cùng có thể tạo ra các quan hệ chính trị. Muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến vì các ý tưởng, chúng ta phải kết nối các xã hội thông qua một loạt những cuộc trao đổi về giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Một lần nữa, các sinh viên ngoại quốc phải được chào đón và ngày càng gia tăng số lượng vào các trường đại học Mỹ. Phải sử dụng thương mại và đầu tư để làm gia tăng những mối quan hệ này. Muốn tránh tưởng thưởng và hợp pháp hóa các chế độ độc tài quá quắt thì đôi khi không được nhượng bộ, nhưng phải có lời nói và việc làm nhằm ủng hộ việc mở cửa các xã hội bế quan tỏa cảng và liên kết với các công dân của họ, trong đó có liên kết với các doanh nhân của chúng ta.

Thái độ không thiên vị trước những quyền lợi đối nghịch nhau tạo được lòng tin. Người Mỹ bị coi là những kẻ đạo đức giả khi chúng ta nói về ủng hộ dân chủ và chế độ pháp quyền trên khắp thế giới, trong khi người ta chỉ thấy những hành động của Hoa Kỳ, đấy là một trong những lý do làm cho hình ảnh của Hoa Kỳ xấu đi. Mỹ phải tôn trọng hơn nữa luật pháp trên toàn thế giới, nói theo Tuyên ngôn Độc lập là “tôn trọng đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại”, trong đó có Công ước chống Tra tấn của Liên hiệp quốc (UN Convention Against Torture), đóng cửa trung tâm giam giữ khủng bố không phải giải trình về mặt luật pháp ở Guantánamo và tham gia Tòa Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC). Đương nhiên là siêu cường không chỉ đi theo niềm tin vào dân chủ và chế độ pháp quyền, mà còn có những quyền lợi phải theo đuổi, đôi khi phải giao thiệp với các chế độ độc tài. Nhưng, công nhận chứ không giả vờ lảng tránh những cuộc xung đột như thế làm cho nhiều người tin tưởng vào hành động của Mỹ hơn nữa. Chính phủ Hoa Kỳ có thể cần phải theo đuổi những mối quan tâm chung về an ninh với các nhà độc tài như Musharraf ở Pakistan và Hosni Mubarak ở Ai Cập, nhưng không được gọi họ là những người dân chủ hay ca ngợi họ vì những cuộc cải cách ngớ ngẩn. Morton Halperin, cựu giám đốc phụ trách việc lập chính sách ở Bộ ngoại giao dưới thời bộ trưởng Madeleine Albright, và hai đồng tác giả với ông, Joseph Siegle và Michael Weinstein đã trình bày một đề xuất thông thái, nói rằng khi mối quan tâm về an ninh đòi hỏi rằng Hoa Kỳ phải cung cấp một khoản viện trợ lớn cho chính phủ độc tài thì tổng thống phải tuyên bố (nếu cần thì mỗi năm nhắc lại
một lần) “từ bỏ an ninh để nhận viện trợ”, lấy các khoản tài trợ từ quỹ an ninh quốc gia – chứ không phải từ quỹ trợ giúp phát triển; đặt ra thời hạn cho những khoản viện trợ đặc biệt và chỉ ra những cuộc cải cách chính trị có thể cải thiện được các mối quan hệ.3

Những người dân chủ và những người bảo vệ nhân quyền cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Các vị đại sứ và những nhà lãnh đạo từ các nước dân chủ đến mỗi nước độc tài cần có danh sách các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến và thiểu số và phải thường xuyên áp lực để buộc phải thả họ hay đối xử với họ một cách tốt hơn.4 Trong các nhà nước Hồi giáo, danh sách này phải bao gồm cả các tín đồ Hồi giáo cam kết với dân chủ, bác bỏ những biện pháp bạo lực và không bị lên án là có hoạt động khủng bố. “Lời nói có vai trò quan trọng, chúng ta có thể sử dụng lời nói để lên án đàn áp, ủng hộ và khuyến khích các lực lượng dân chủ.”5

Các nước dân chủ trên thế giới phải cùng nhau thúc đẩy và bảo vệ dân chủ. Những ngày tháng mở rộng dân chủ dễ dàng của những năm 1990 đã qua rồi. Chế độ độc tài đã tái xuất hiện và có sức bật mới, quá trình mở rộng và bảo vệ tự do đứng trước những thách thức phức tạp hơn. Chính sách đối ngoại đa nguyên và sâu rộng có thể cô lập và tối đa hóa áp lực lên các nước độc tài cứng đầu cứng cổ, bảo vệ các chế độ dân chủ bị đe dọa đảo chính và củng cố tinh thần cho những người dân chủ đang chiến đấu. Tương tự như các khoản viện trợ, khi các nước dân chủ phối hợp với nhau thì những sáng kiến ngoại giao về giành và giữ dân chủ luôn luôn mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Cuối cùng, chính sách đối ngoại vì dân chủ phải hướng tới mục tiêu dài hạn, có tầm nhìn chiến lược toàn diện và chiến lược mềm dẻo. Toàn thế giới sẽ không trở thành dân chủ trong một hay thậm chí hai thập kỉ. Cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy và củng cố tự do trên thế giới là nhiệm vụ của cả thế hệ. Nó sẽ đòi hỏi tinh thần thực tế, lạc quan, và phân tích một cách cẩn thận những tiền đồ dân chủ khác nhau, đánh giá cẩn thận những chiến thuật khác nhau nhằm lôi kéo các chế độ cụ thể. Phải có những nguyên tắc thống nhất và những mục tiêu bao quát, nhưng mỗi nước một khác và chiến lược để giúp đỡ dân chủ phát triển phải phù hợp với địa điểm và thời gian.

Chú thích:

1. Từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Pakistan nhận được gần 5 tỉ từ Quĩ Ủng hộ Đồng minh do Lầu Năm Góc quản lý, mà hầu như không có theo dõi hay ghi chép về cách thức sử dụng tiền bạc và “Pakistan trở thành nước nhận viện trợ và huấn luyện đứng thứ ba, chỉ sau hai nước dẫn đầu trong thời gian dài là Israel và Ai Cập” – thậm chí ngay cả khi Al Qaeda, theo tất cả các báo, đã xây dựng được nơi trú ẩn an toàn mới trên lãnh thổ Pakistan. “Billions in Aid, with No Accountability”, Center for Public Integrity, May 31, 2007, http://www.publicintegrity.org/MilitaryAid/report.aspx?aid=877.

2. Trong cuộc đấu tranh vì dân chủ một số ngôn ngữ phải được ưu tiên cao, đấy là tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Arab và tiếng Iran. Nhưng quan trọng là các bản dịch phải có chất lượng cao và phải có những cố gắng được phối hợp để đánh giá những việc đã làm được. Khi tôi làm cho cơ quan gọi là Coalition Provisional Authority ở Iraq đầu năm 2004, tôi thấy một số nhóm dân chủ dịch những tác phẩm kinh điển về dân chủ sang tiếng Ả Rập, một số bản dịch được thực hiện với sự giám sát đáng ngờ về chất lượng.

3. Halperin, Siegle, and Weinstein, The Democracy Advantage, pp. 193-95.
4. Tôi mang ơn Michael Mcfaul vì nhấn mạnh thường xuyên và hùng hồn vấn đề này (và những vấn đề liên quan mà chúng tôi cùng cộng tác) trong những bài nói và viết của ông.

5. Diamond and McFaul, “Seeding Liberal Democracy”, p. 59.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường