Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần 1)

Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần 1)

Mặc dù Robert Nozick không tự coi mình là một triết gia chính trị, nhưng ông được biết đến nhiều nhất với những đóng góp của mình cho nó. Chắc chắn là, các đóng góp của Nozick trong các lĩnh vực nhận thức luận và siêu hình học (đặc biệt là về tự do ý chí và lý thuyết "closest continuer" về bản sắc cá nhân) có một ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính sự xuất bản quyển sách đầu tiên của ông, tác phẩm Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng (1974) đã làm hồi sinh chính trị cánh hữu và tạo ra một một sự bùng nổ các phản hồi và bình luận phê phán. Trong khi thành tựu của Nozick vượt xa bên ngoài ranh giới của triết học chính trị, thì hoàn toàn đúng đắn khi nói rằng hầu như mọi người biết đến ông qua việc ông nỗ lực cung cấp một sự biện hộ cho nhà nước, thiết lập các giới hạn cho chính quyền, và cố gắng thuyết phục chúng ta rằng việc chấp nhận nhà nước tối thiểu của ông có thể thúc đẩy một khuôn khổ cho các cộng đồng thi hành các thử nghiệm không tưởng của mình.

Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng cũng có thể được xem như là một phản ứng phê phán đối với tác phẩm Một lý thuyết công bằng của John Rawls, vốn được công bố chỉ ba năm trước đó và được coi là một sự bảo vệ mạnh mẽ nhất và tinh vi nhất cho chủ nghĩa quân bình tự do. Mặc dù nhiều người coi một mình Rawls làm sống lại sự quan tâm đến triết học chính trị, song đây có thể là một sự khen ngợi phóng đại quá mức. Chắc chắn rằng sự phê phán có hệ thống của Nozick đối với lý thuyết công bằng của Rawls và sự xây dựng một lý thuyết chính trị đối lập trong Vô chính phủ, Nhà nước, và Không tưởng cũng đóng một vai trò quan trọng khi mang lại một sự quan tâm đáng kể cho triết lý chính trị.

Cuộc đời

Robert Nozick sinh ra trong một gia đình Do Thái nhập cư ở Brooklyn, New York vào năm 1938 và qua đời năm 2002 vì ung thư dạ dày. Ông là một triết gia với sự quan tâm rất rộng, nghiên cứu trong các lĩnh vực như: siêu hình học, nhận thức luận, lý thuyết quyết định, triết học chính trị, và lý thuyết về giá trị nói chung. Thời gian đầu trong sự nghiệp, Nozick giảng dạy tại trường Đại học Princeton và Rockefeller, nhưng trong phần lớn sự nghiệp của mình ông giảng dạy tại Đại học Harvard.

Trong lĩnh vực triết học chính trị, Nozick là một nhà tự do cá nhân – cánh hữu, trong đó ông chấp nhận ý tưởng cho rằng các cá nhân sở hữu bản thân họ và có quyền sở hữu tư nhân. Trong khi ông lập luận rằng nhà nước là chính đáng, thì ông nghĩ rằng chỉ một nhà nước tối thiểu, trong đó cung cấp an ninh cho các cá nhân và bảo vệ tài sản tư nhân, là có thể được biện minh. Nhà nước hợp pháp của Nozick đôi khi còn được gọi là nhà nước "cảnh sát đêm" vốn nhấn mạnh điều mà ông xem là chức năng cơ bản của nó: bảo vệ cá nhân và tài sản cá nhân của họ. Điều này có nghĩa rằng để đảm bảo sự tôn trọng hợp đồng và giải quyết tranh chấp tài sản, thì một cơ quan tư pháp là cần thiết, và còn việc bảo vệ con người và tài sản của họ thì một lực lượng cảnh sát và quân đội là cần thiết, và công dân có thể bị đánh thuế một cách chính đáng để hỗ trợ cho các chức năng cơ bản này. Ngoài ra, theo Nozick không chức năng nào của nhà nước ngoài các chức năng trên có thể được biện minh, điều này có nghĩa là việc đánh thuế nhằm gây quỹ để tái phân phối nhằm các mục đích phúc lợi (ví dụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cứu đói) đều là bất hợp pháp. Điều này rất khác với lý thuyết chính trị của đồng nghiệp Harvard cùng thời của ông John Rawls. Rawls cho rằng ngoài việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản, thì việc nhà nước sử dụng sức mạnh cưỡng chế của mình (thông qua thuế để tái phân phối) nhằm cải thiện hoàn cảnh của những người kém may mắn là hợp pháp.

Chủ nghĩa tự do cá nhân đối nghịch với Chủ nghĩa bảo thủ và sự hấp dẫn của Nozick đối với các nhà tư bản

Điều mà Nozick chia sẻ với Rawls là ông cũng đứng về phía truyền thống chính trị tự do, vốn đặc biệt đề cao tầm quan trọng của cá nhân và phản đối ý tưởng cho rằng chức năng của nhà nước là làm cho các công dân trở nên đạo đức. Thay vào đó, đối với những người tự do như Rawls lẫn Nozick, thì nhà nước tồn tại để cung cấp các điều kiện phù hợp cho cá nhân để họ có thể định nghĩa một cuộc sống tốt đẹp cho chính bản thân họ (miễn là họ không cản trở những người khác cũng làm như vậy). Lưu ý rằng tên gọi ở đây có chút dễ gây nhầm lẫn. Đối với các nhà lý thuyết chính trị thì từ "tự do" hàm ý đề cập đến truyền thống chính trị của Hobbes, Locke, Rousseau, và Kant. Nó khác với những gì mà từ “tự do” hàm ý trong nền chính trị đảng phái ở Mỹ (nơi “tự do” thường được kết hợp với Đảng Dân chủ).

Thêm nữa, ở thời điểm công bố tác phẩm, trong khi Nozick được coi là người bênh vực cho những người bảo thủ trong nền chính trị đảng phái (đặc biệt là những người trong giới tài chính), thì Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng rõ ràng tốt nhất nên được xem là một tiểu luận ủng hộ chủ nghĩa tự do – cánh hữu. Trong thực tế, các ý tưởng chính trị của Nozick hoàn toàn khác với những ý tưởng thường được coi là "bảo thủ" trong lý thuyết chính trị. Ví dụ, các dấu hiệu thông thường của chủ nghĩa bảo thủ trong lý thuyết chính trị bao gồm sự tôn trọng tập tục, tin tưởng vào các truyền thống lâu đời, và hoài nghi tính thực tế của các cải cách chính trị lớn. Các nhà tư tưởng chính trị bảo thủ cũng thường nhấn mạnh rằng quyền uy là rất quan trọng bởi vì nó mang lại sự ổn định cho xã hội. Tuy nhiên, không ý tưởng nào trong số này được coi là một yếu tố cơ bản trong nhà nước của Nozick. Triết lý chính trị của Nozick rõ ràng không đề cập đến tập tục hay truyền thống gì cả. Trong thực tế, nếu kết quả của các quyết định được tạo ra trên cơ sở đồng thuận của các cá nhân dẫn đến sự đoạn tuyệt triệt để với các tập tục và truyền thống văn hóa, thì mặc kệ cho nền văn hóa đó. Theo quan điểm của Nozick, không có gì là bất hợp pháp đối với những hậu quả này.

Lập luận ủng hộ cho một nhà nước "cảnh sát đêm" của Nozick cho thấy rằng không có sự quan tâm đặc biệt dành cho quyền uy trong lý thuyết chính trị của ông, ngoại trừ việc nó cung cấp sự bảo vệ đối với công dân và tài sản của họ. Tuy nhiên, nếu quyền uy được sử dụng để ngăn cản các quyền tự do cá nhân khiến mọi người phải tuân theo một tập hợp các chuẩn mực xã hội được ban hành trước đó, thì Nozick sẽ kịch liệt phản đối một sư xâm nhập như vậy của nhà nước vào cuộc sống riêng tư. Ông phản đối bất kỳ dạng lập pháp gia trưởng nào. Ví dụ, Nozick sẽ chỉ trích, những bộ luật cấm hoặc hạn chế việc đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, trên cơ sở cho rằng nhà nước không có quyền can thiệp vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân, dù điều đó có nguy cơ gây ra chấn thương nghiêm trọng do tai nạn. Hơn nữa, Nozick phản đối điều được gọi là "sự lập pháp của đạo đức". Ví dụ, ông nghĩ đó là sai trái khi nhà nước can thiệp vào các cặp đôi đồng tính, những người muốn kết hôn và thực hiện các quyền sở hữu và các quy định liên quan tới bạn đời của mình.

Dù thế, ngay cả với những gì vừa nói, rõ ràng là Nozick hấp dẫn đối với những người được xếp vào phía cánh hữu trong nền chính trị đảng phái (đặc biệt là tại Hoa Kỳ). Trước hết, Nozick nghĩ rằng chúng ta có các quyền tư hữu và vay mượn từ John Locke ông ủng hộ quan điểm cho rằng chúng ta sở hữu chính mình. Như Nozick khẳng định một cách nổi tiếng rằng: "Cá nhân có các quyền, và có những thứ không người hoặc nhóm nào có thể làm với chúng (mà không vi phạm các quyền của họ)". Các nhà tư bản và những người ủng hộ thị trường tự do sẽ tìm thấy ở điều này sự hấp dẫn vì nó hàm ý rằng chúng ta có thể bán sức lao động của chúng ta cho bất cứ ai mà chúng ta muốn và (quan trọng hơn) mua nó từ bất cứ ai bằng lòng. Nozick nghĩ rằng, tự sở hữu có nghĩa là chúng ta sở hữu lao động của chúng ta. Điều này cũng cho phép cho sự chuyển nhượng hợp pháp hàng hóa như chúng ta sở hữu chính mình và thông qua các hành động của chúng ta với các mặt hàng khác trong thế giới chúng ta cũng đi đến sở hữu chúng một cách chính đáng. Trong khi Nozick không sử dụng lý lẽ cụ thể này, quan điểm của ông là nhất quán với ý tưởng tư bản cho rằng việc sử dụng và thao tác của chúng ta đối với các nguyên liệu thô đạt được một cách đúng đắn dường như cũng truyền một giá trị vào các mặt hàng này. Những người ủng hộ thị trường tự do ủng hộ nhiều phần trong lý thuyết của Locke về việc đạt được tài sản một cách công bằng và Nozick, mặc dù thừa nhận một số chỉ trích có thể có đối với quan điểm này song dường như mặc nhiên chấp nhận một số bộ phận quan trọng của nó.

Hơn nữa, sự nhấn mạnh của Nozick rằng ta có thể chuyển nhượng một cách hợp pháp tài sản của mình theo bất kỳ cách nào ta muốn miễn là không ai bị cưỡng ép hoặc lừa đảo là rất thân thiện với các quan điểm của các nhà kinh tế thị trường tự do. Điều quan trọng cần lưu ý là Nozick nghĩ những sự chuyển nhượng này là hợp pháp mà không cần bất cứ xem xét nào về việc liệu những người tiếp nhận có xứng đáng với các tài sản này hay không. Trong khi, đúng là những người ủng hộ thị trường tự do có xu hướng khẳng định ý tưởng cho rằng các doanh nhân có quyền đối với lợi nhuận bởi vì họ xứng đáng có được chúng do sự nỗ lực, đóng góp cho xã hội, và chấp nhận rủi ro, thì họ cũng chia sẻ với Nozick nguyên tắc cơ bản là những người chủ sở hữu tài sản có quyền sở hữu tuyệt đối đối với tài sản. Tóm lại, ý nghĩa của các quyền sở hữu mạnh mẽ - tự do để làm với những gì ta có thể làm với tài sản của mình mà không có sự can thiệp nhà nước - là một khái niệm được chia sẻ nhiệt thành giữa Nozick và các nhà tư bản.

Một lĩnh vực khác có sự đồng thuận giữa nhà tư bản và Nozick là về vai trò giới hạn của các hành động của chính phủ, lần này liên quan đến sự phản đối thuế tái phân phối. Nozick cho rằng các quyền cá nhân quá mạnh đến nỗi lý thuyết của ông đòi hỏi một sự giới hạn đáng kể đối với hành động của nhà nước lên cá nhân. Đối với ông, phạm vi đúng đắn của nhà nước là bảo vệ con người và các quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên, nhà nước không được biện minh khi chiếm lấy tài sản thông qua ép buộc (có nghĩa, thông qua thuế) để phục vụ nhu cầu phúc lợi của người nghèo.

Trong thực tế, Nozick được ủng hộ (đáng chú ý nhất là Edward Feser) lẫn bị chỉ trích (đáng chú ý nhất là Brian Barry) khi so sánh thuế với lao động cưỡng bức. Nozick lập luận"Thuế đối với thu nhập từ lao động", "là tương tự với lao động cưỡng bức". Ông nói thêm rằng "Việc tóm lấy các kết quả từ lao động của một ai đó là tương đương với việc tóm lấy nhiều thời giờ từ anh ta và bắt anh ta thực hiện các hoạt động khác nhau. Nếu mọi người buộc bạn phải làm một số công việc nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định, thì những gì bạn làm và mục đích của công việc mà bạn làm nằm ngoài các quyết định của bạn. Thông qua quá trình này họ lấy đi sự quyết định khỏi bạn làm cho họ là chủ sở hữu một phần của bạn; nó mang lại cho họ một quyền sở hữu đối với bạn.” (1974,172).

(còn nữa)

Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Robert Nozick: Political Philosophy 

Nguồn dịch: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó

Dịch giả:
Minh Anh

Tác giả liên quan