Hãy cứu ngành sản xuất X

Hãy cứu ngành sản xuất X

Các hành lang của quốc hội đông chật những người đại diện cho ngành sản xuất X. Ngành sản xuất X đang có những biểu hiện ốm yếu! Ngành sản xuất X sắp chết! Hãy cứu lấy ngành sản xuất này bằng cách áp dụng thuế quan, bằng cách đặt ra mức giá cao hơn, hay thông qua những khoản trợ cấp. Nếu ta để cho nó chết, nhiều lao động sẽ mất việc làm. Những người cho họ thuê nhà và cung cấp hàng hóa dịch vụ cho họ sẽ bị thiệt hại, và khủng hoảng sẽ ngày càng lan rộng ra. Nhưng nếu quốc hội ra tay kịp thời và cứu được ngành sản xuất này, nó sẽ tiếp tục tồn tại. Nó sẽ mua máy móc thiết bị từ những ngành sản xuất khác; thêm nhiều người nữa sẽ có việc làm; những người cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các lao động của ngành sản xuất này cũng sẽ được hưởng lợi; sự giàu có sẽ ngày càng lan rộng ra. 

Đây chỉ là một dạng tổng quát của ví dụ minh hoạ mà chúng ta vừa xem xét. Trong chương trước, ngành sản xuất X chính là nông nghiệp, song trên thực tế còn có rất nhiều ngành sản xuất X khác. Hai ví dụ nổi bật nhất là ngành sản xuất than và bạc. Để “cứu ngành sản xuất bạc”, quốc hội đã gây ra rất nhiều tổn hại. Một trong những lý do được đưa ra biện hộ là để giúp “phương Đông”, song một trong những hậu quả chính sách này đã gây ra trên thực tế là giảm phát ở Trung Quốc, vốn dựa trên chuẩn bạc, khiến Trung Quốc phải từ bỏ chuẩn bạc. Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải mua một lượng bạc lớn không cần thiết với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường và chất đống trong các kho của mình. Có một cách khác để đạt được cùng mục đích chính trị của những người ủng hộ kế hoạch này mà đòi hỏi ít chi phí và gây ra ít tổn hại hơn rất nhiều: cung cấp những khoản trợ cấp trực tiếp cho những người sở hữu mỏ bạc và các lao động của họ. Thế nhưng quốc hội và dân chúng sẽ không bao giờ chấp nhận một đề nghị thẳng thừng kiểu này, khi nó không được hỗ trợ bởi những luận chứng có vẻ cao vời song thực chất là sai lầm về “vai trò quan trọng của bạc trong tiền tệ quốc gia.”

Để cứu ngành sản xuất than, quốc hội đã đưa ra Điều luật Guffey. Theo điều luật này, chủ các mỏ than không chỉ được cho phép, mà thực tế là bị bắt buộc, thống nhất với nhau để không bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn mức giá sàn do chính phủ đưa ra. Khi quốc hội quyết định đưa ra một mức giá sàn “chuẩn” cho than, họ nhận ra rằng trên thực tế họ phải đưa ra 350.000 mức giá khác nhau, bởi sự tồn tại của hàng ngàn mỏ khác nhau, sự khác biệt về quy mô, nơi nhận hàng và phương thức chuyên chở (tàu hỏa, xe tải, tàu thủy, bè, v.v…). Một trong những tác động của việc giữ cho giá than cao hơn mức giá cạnh tranh trên thị trường là việc người tiêu dùng nhanh chóng tìm kiếm những nguồn nhiên liệu thay thế để phục vụ cho nhu cầu năng lượng hay sưởi ấm của họ, ví dụ như dầu, khí đốt tự nhiên và thủy điện. Ngày nay, chúng ta thấy chính phủ vẫn đang phải cố gắng khiến mọi người chuyển từ dùng dầu sang dùng than. 

Mục đích của chúng ta trong chương này không phải là xem xét tất cả hậu quả của những kế hoạch chính phủ đã thực hiện nhằm cứu các ngành sản xuất khác nhau. Mục đích của chúng ta là chỉ xem xét một số tác động chính, những điều chắc chắn sẽ xảy ra, khi chính phủ muốn cứu một ngành sản xuất. 

Một số người lý luận rằng một ngành sản xuất nào đó phải được tạo ra và duy trì vì các lý do quân sự, hoặc một ngành sản xuất nào đó đang bị ảnh hưởng bởi mức thuế và lương không hợp lý so với các ngành khác, hoặc một nhà cung cấp các hàng hóa hay dịch vụ tối quan trọng (như điện, nước, giao thông, viễn thông, v.v…) đang bị bắt buộc phải hoạt động ở mức giá hay phí không mang lại đủ mức lợi nhuận phù hợp. Những luận điểm này có thể đúng hay không đúng tùy vào từng trường hợp, song chúng ta sẽ không xem xét chúng ở đây. Chúng ta chỉ xem xét duy nhất một quan điểm ủng hộ việc cứu ngành sản xuất X: nếu ta cho phép ngành sản xuất X bị thu nhỏ và biến mất trước sự cạnh tranh tự do trên thị trường (điều mà những người phát ngôn hay đại diện cho ngành sản xuất X sẽ gọi là tình trạng hỗn loạn vô chính phủ, những trò cắt cổ hay ăn hiếp nhau trong kinh doanh, hay sự cạnh tranh theo luật rừng, v.v…), điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế; và nếu chúng ta tác động vào để duy trì ngành sản xuất này, nó sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. 

Điều chúng ta đang nói đến ở đây thực chất chính là kiểu lý luận chung được dùng để ủng hộ việc áp dụng mức giá ngang bằng cho nông sản hay thuế bảo hộ cho ngành sản xuất X nào đó. Lý lẽ chống lại việc đưa ra những mức giá cao hơn bình thường tất nhiên có thể được áp dụng không chỉ đối với nông sản mà với bất kỳ sản phẩm nào. Tương tự như vậy, những lý do ta đưa ra để phản đối việc áp dụng thuế quan bảo hộ cho một ngành sản xuất nào đó cũng có thể được áp dụng với mọi ngành sản xuất khác. 

Nhưng luôn có rất nhiều kế hoạch hay chương trình khác nhau nhằm cứu vãn ngành sản xuất X. Bên cạnh những gì chúng ta đã xem xét, có hai loại đề xuất chính được đưa ra để thực hiện việc này mà chúng ta cần phải xem xét. Đề xuất thứ nhất cho rằng ngành sản xuất X đã quá “đông”; vì thế, ta nên tìm cách ngăn các công ty và lao động khác tham gia vào ngành này. Đề xuất thứ hai cho rằng ngành sản xuất X cần được trợ cấp trực tiếp từ chính phủ. 

Nếu ngành sản xuất X thực sự đã quá tải so với các ngành sản xuất khác, chúng ta sẽ chẳng cần phải đưa ra biện pháp mang tính bắt buộc hay cưỡng ép nào nhằm ngăn cản việc đưa thêm vốn và lao động vào ngành này. Vốn chưa đầu tư sẽ không chảy vào những ngành sản xuất sắp chết. Những nhà đầu tư sẽ không muốn đầu tư vào những ngành đem lại lợi nhuận thấp nhất và có mức rủi ro cao nhất. Các lao động, nếu họ có sự lựa chọn tốt hơn, cũng chẳng làm việc trong những ngành trả lương thấp nhất với công việc kém ổn định nhất. 

Song nếu vốn đầu tư và lao động bị ngăn không cho đổ vào ngành sản xuất X thông qua các hình thức độc quyền, các chính sách hay điều luật của công đoàn, v.v… các nhà đầu tư và người lao động sẽ mất đi quyền tự do chọn lựa của mình. Các nhà đầu tư sẽ phải đổ vốn vào những ngành sản xuất hứa hẹn ít lợi nhuận hơn ngành sản xuất X. Người lao động sẽ phải làm việc trong những ngành nghề có mức lương và cơ hội phát triển nghề nghiệp thấp hơn so với ngành sản xuất X (vốn bị coi là “ốm yếu”). Tóm lại, điều này sẽ dẫn đến tình trạng vốn đầu tư và lao động được sử dụng kém hiệu quả hơn so với trường hợp nhà đầu tư và người lao động có quyền tự do chọn lựa. Hậu quả là sẽ làm giảm sản xuất và mức sống bình quân.  

Mức sống bình quân thấp hơn sẽ là kết quả của mức lương thấp hơn hoặc mức chi phí cho cuộc sống cao hơn, hoặc do cả hai. (Điều gì xảy ra trên thực tế sẽ phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ của chính phủ.) Với những chính sách mang tính can thiệp này của chính phủ, mức lương và lợi nhuận của vốn đầu tư trong ngành sản xuất X có thể sẽ được duy trì ở mức cao hơn bình thường, nhưng mức lương và lợi nhuận của vốn đầu tư trong các ngành sản xuất khác sẽ trở nên thấp hơn so với trường hợp không có các chính sách của chính phủ. Ngành sản xuất X sẽ chỉ được lợi nhờ những thiệt hại mà các ngành sản xuất A, B và C phải gánh chịu. 

Các kế hoạch cứu ngành sản xuất X bằng những khoản trợ cấp trực tiếp từ công quỹ cũng sẽ đem lại kết quả tương tự. Điều này thực ra là một sự di chuyển của cải hay lợi nhuận từ những nơi khác sang ngành sản xuất X. Những người nộp thuế sẽ mất đi khoản tiền mà ngành sản xuất X được hưởng. Ưu điểm của các khoản trợ cấp, xét từ phương diện của công chúng, là chúng thể hiện rõ bản chất của mình và ít làm mọi người bị nhầm lẫn hơn, nhất là khi ta so nó với việc áp dụng thuế quan bảo hộ, đưa ra mức giá sàn, hoặc các chính sách độc quyền. 

Trong trường hợp trợ cấp, ta có thể thấy rõ rằng người nộp thuế sẽ mất đi một khoảng bằng chính xác khoản trợ cấp ngành sản xuất X được nhận, và kết quả là các ngành sản xuất khác sẽ mất đi một lượng tương đương. Họ phải đóng góp thông qua thuế một phần trợ cấp dành cho ngành sản xuất X. Người tiêu dùng, bởi cũng phải chịu thuế để trợ cấp cho ngành sản xuất X, sẽ bị mất đi một khoản thu nhập tương đương mà đáng lẽ họ có thể dùng để mua những thứ khác. Kết quả là các ngành sản xuất khác sẽ bị thu nhỏ lại để ngành sản xuất X có thể phát triển. 

Song hậu quả của việc này không chỉ dừng lại với việc di chuyển của cải hay lợi nhuận hay với việc các ngành sản xuất khác phải thu nhỏ một lượng tương đương với mức mở rộng của ngành sản xuất X. Kết quả còn là việc vốn đầu tư và lao động bị ngăn không được đưa vào những ngành sản xuất nơi chúng có thể được sử dụng một cách có hiệu quả hơn. Thay vào đó, chúng bị đưa vào những ngành sản xuất nơi chúng sẽ bị sử dụng một cách kém hiệu quả hơn. Lượng của cải tạo ra sẽ giảm. Mức sống bình quân sẽ thấp hơn so với mức nó có thể đạt được nếu không có những chính sách can thiệp. Đây chính là các thiệt hại xét trên tầm quốc gia. 

Những kết quả này thực ra có thể được nhìn thấy ngay trong những lý luận ủng hộ việc trợ cấp cho ngành sản xuất X. Ngành sản xuất X đang bị thu nhỏ hay sắp phải đóng cửa vì sự cạnh tranh của các ngành khác. Tại sao ta phải dùng các biện pháp can thiệp để duy trì nó? Quan niệm cho rằng trong một nền kinh tế phát triển, mọi ngành sản xuất đều phải phát triển là một sai lầm nghiêm trọng. Để các ngành sản xuất mới có thể đạt được một tốc độ phát triển nhanh, ta thường phải để cho một số ngành công nghiệp cũ chết đi. Khi điều này xảy ra, lượng vốn và lao động cần thiết từ các ngành sản xuất cũ sẽ được chuyển sang cho các ngành sản xuất mới. Nếu ngày xưa chúng ta cố duy trì các ngành sản xuất cũ kỹ của thời kỳ xe ngựa lọc cọc, ta hẳn đã làm chậm lại sự phát triển của các ngành sản xuất mới, ví dụ như sản xuất xe hơi, cùng với các hoạt động kinh doanh khác phụ thuộc vào những ngành này. Chúng ta hẳn đã làm giảm đi lượng của cải được tạo ra và làm chậm lại các tiến bộ kinh tế và khoa học kỹ thuật. 

Ngày nay, chúng ta có thể phạm phải các sai lầm tương tự nếu chúng ta cố gắng duy trì để một ngành sản xuất nào đó không chết đi, nhằm bảo vệ lượng vốn đã được đầu tư và những lao động đã được đào tạo trong ngành sản xuất đó. Mặc dù một số người có thể thấy điều này đầy mâu thuẫn, nhưng thực tế là để duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh, ta phải để các ngành sản xuất đang tàn lụi chết đi để các ngành sản xuất đang phát triển được tiếp tục mở rộng. Điều thứ hai chỉ có thể xảy ra khi điều thứ nhất được thực hiện. Việc cố gắng duy trì những ngành sản xuất lỗi thời hay duy trì những phương pháp sản xuất cũ kỹ - hai cách khác nhau để mô tả cùng một sự việc - là một điều ngu ngốc. Để các nhu cầu cũ và mới của con người có thể được đáp ứng ngày càng tốt hơn, các phương pháp sản xuất cũ kỹ phải thường xuyên được thay thế bởi những biện pháp tiên tiến. 

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 14.

 

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh