Di sản của Bismarck  (Phần 3)

Di sản của Bismarck (Phần 3)

Thời kỳ tiền nhà nước phúc lợi và sau đó…

Các chính trị gia rất ưa thích chỉ ra những kết quả của chính sách mà họ thiết lập. “Nhìn kìa!” họ nói với chúng ta: “Kể từ khi chúng ta ban hành luật phòng chống tai nạn, số tai nạn đã giảm xuống!” do đó vơ về mình mọi thành tích cho bất cứ sự cải thiện nào sau khi áp dụng luật mới. Để kiểm chứng lời tuyên bố của họ, việc nhìn vào xu hướng trước khi đạo luật mới được thông qua sẽ là một ý kiến hay. Nếu việc giảm số vụ tai nạn là xu hướng đi xuống, thậm chí đi xuống dốc hơn, thì đó sẽ là bằng chứng làm giảm độ tín nhiệm đối với lời tuyên bố rằng luật lệ mới là nguồn gốc của những tiến bộ về sau.1 Phân tích dòng xu hướng là một cách hữu dụng để kiểm chứng liệu những chính sách đó có cải thiện được tình hình hay không. Điều gì đã xảy ra trước khi chính sách được thực thi? Có lẽ còn có cái gì khác tạo nên những tiến bộ đó.

Những nhà biện hộ cho nhà nước phúc lợi muốn chúng ta tin rằng trước khi nhà nước phúc lợi ra đời thì xã hội không có biện pháp chu cấp nào dành cho những người cần sự giúp đỡ, không dịch vụ chăm sóc y tế, không có giáo dục, không có dự phòng cho tuổi già, “không phúc lợi”. Nhưng không phải như thế. Thực tế, có nhiều trường hợp nhà nước phúc lợi đơn giản chỉ tiếp quản các định chế và những thiết chế đã được tạo dựng bởi các hiệp hội tự nguyện, và sau đó nhận công trạng về mình.

Trong trường hợp của các định chế phúc lợi, trước khi bị thay thế bởi nhà nước phúc lợi, đã có sự nở rộ đáng chú ý số lượng những tổ chức tự nguyện để giúp con người đối phó với những vấn đề của cuộc sống, từ nhu cầu chăm sóc y tế trong lúc khó khăn cho tới sự hỗ trợ để vượt qua hoạn nạn. Các nhà sử học đã ghi nhận những câu chuyện đáng chú ý của "hội bằng hữu", những hội đã cung cấp "viện trợ tương hỗ" theo các cách như vậy trước khi nhà nước phúc lợi phá hủy chúng. Những hội đó đem lại đoàn kết xã hội, bảo hiểm chống lại rủi ro, hỗ trợ tinh thần, và nhiều hơn nữa, tất cả đều trên cơ sở tự nguyện. Trong trường hợp của người Anh, theo nhà sử học Simon Cordery,

Những tổ chức tập thể cổ vũ tự lực cánh sinh đem lại cho những người lao động sự đảm bảo bằng bảo hiểm tương hỗ cùng với cơ hội cho sự đoàn kết dựa trên trên nghi lễ và chuẩn mực. Họ tạo thành nhóm các hiệp hội tự nguyện lớn nhất ở Anh, đạt tới khoảng 6.000.000 thành viên, tương đương một nửa số lượng nam giới trưởng thành – vào năm 1904.2

Có quá ít người nhận thức được rằng hội bằng hữu, được ghi chép trong các chương khác của cuốn sách này, có nhiều thành viên các hơn hiệp hội thương mại được ghi nhận rộng rãi, có nhiều hỗ trợ hơn so với các phong trào xã hội chủ nghĩa nắm quyền ở rất nhiều quốc gia, và có nhiều hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội và bảo vệ nhân phẩm tốt hơn cho người lao động.3

Nhà nước xã hội chủ nghĩa Đế quốc Đức của Bismarck đã sử dụng vũ lực để buộc công nhân Đức phải trả cho "bảo hiểm", trong khi nước Anh tự do hơn lại dựa vào tự nguyện. Như sử gia E. P. Hennock nhận thấy,

Ở nước Phổ, và sau đó Đế quốc Đức, bảo hiểm là điều bắt buộc đối với một nhóm dân số nhất định. Tại Anh và xứ Wales, cơ quan Đăng kiểm cố gắng giám sát các hành động của vô số các cơ quan tự nguyện nhưng không thành công. Tuy nhiên, vào những năm 1870, bảo hiểm tự nguyện trong điều kiện xã hội và văn hóa của nước Anh đã thấm nhuần vào dân chúng một cách triệt để hơn so với việc ép buộc có chọn lọc mang tính địa phương đã thực hiện ở nước Phổ. Vào đầu những năm 1890, sau khi sự ép buộc được áp dụng trên toàn Đế chế [Đức], hệ thống tự nguyện chí ít vẫn ngấm sâu vào toàn xã hội Anh. Nhưng một khi sự ép buộc trên phạm vi toàn quốc kéo dài đủ lâu để tạo ra lòng tin chính trị đối với hoạt động của nó, nó mở rộng nhanh chóng và tạo ra kết quả tốt hơn bất cứ điều gì đã đạt được bằng các cách thức tự nguyện. Lợi thế của biện pháp ép buộc hành chính nằm ở khâu thủ tục, điều mà, nếu chấp nhận được về mặt chính trị, có thể dần dần áp dụng đối với các bộ phận dân cư khác.4

Sự phát triển gượng ép về tốc độ mở rộng bảo hiểm có giá trị gì không khi nó hàm ý thay thế chế độ tự quản của những người lao động bằng sự điều hành quan liêu, thứ đã loại bỏ hoặc làm suy yếu mạnh mẽ sự cạnh tranh giữa những nhà cung cấp dịch vụ?

Hơn nữa, như Hennock lạnh lùng ghi lại trong một bài nghiên cứu, hệ thống bảo hiểm của Đế chế Đức được thiết lập trên nền tảng “PAYGO” (tài trợ vốn bằng khoản thu hiện hành - ND) không bền vững ngay từ đầu. Khi nhắc đến hệ thống đoàn thể bắt buộc, được biết như “Berufsgenossenschaften” (Hiệp hội nghề nghiệp) nơi mà công nhân được phân vào và bị yêu cầu chi trả cho khoản bảo hiểm của họ, Hennock đã chỉ ra rằng, Bismarck “khám phá ra rằng toàn bộ các Hiệp hội nghề nghiệp phức hợp này có thể không cần tích lũy vốn dự trữ để trang trải cho khoản nợ tương lai. Giống như các định chế nhà nước thông thường, họ có thể hoạt động trên nguyên tắc PAYGO, thực hiện nghĩa vụ của họ hàng năm bằng cách tăng những khoản đóng góp cần thiết từ thành viên của họ trong năm tới. Vì các khoản nợ chỉ tích lũy dần dần, thiết chế này làm giảm chi phí ở những năm đầu và rốt cuộc làm cho mức độ đền bù dự kiến trở nên khả thi. Mặc dù điều này có thể đạt được trên cái giá là chất đống nhiều vấn đề trong tương lai, nó cho phép xem xét thông qua bất kỳ khoản trợ cấp nhà nước nào mà có khả năng hoãn lại việc chi trả”.5

Nói cách khác, các chính trị gia thấy rằng họ có thể giải quyết tạm thời vấn đề bởi họ không phải đối phó với những người có quyền tự do lựa chọn, dựa trên giá cả và các chỉ số hiện tại khavd về nghĩa vụ và các khoản nợ trong tương lai. Chủ nghĩa xã hội nhà nước của Bismarck thay thế mối quan tâm có trách nhiệm cho tương lai bởi chủ nghĩa ăn xổi, với chủ nghĩa cơ hội thông qua hệ thống PAYGO để lại những vấn đề cho thế hệ tương lai. Nó làm suy yếu trầm trọng các hiệp hội tự nguyện vốn là trụ cột của xã hội Đức trước đó và gây ra tác động tương tự khi lan sang nước Anh và các nước khác. Mọi thứ không phải là con số không trước khi có nhà nước phúc lợi. Sự việc đã từng tốt đẹp hơn, nhưng lại bị phá hủy bởi chính nhà nước phúc lợi. 

Tương tự như vậy, các dịch vụ giáo dục cung cấp tự nguyện phổ cập khả năng biết đọc biết viết trước khi nhà nước đẩy chúng ra và bắt đầu đảo ngược xu hướng. Nhà sử học về giáo dục E.G. West nhận thấy: "Khi chính phủ thử sức mình trong lĩnh vực giáo dục vào năm 1833, chủ yếu là trong vai trò người trợ cấp, thì chẳng khác gì việc nhảy lên yên con ngựa đang trên đà phi nước đại".6 Như học giả ngành giáo dục James Tooley liên tiếp chứng minh rằng, hiện tại hầu hết các nhà nước trên thế giới đều tự nhận là cung cấp giáo dục phổ cập cho học sinh, nhưng việc tìm kiếm một nền giáo dục trên cơ sở "miễn phí và bắt buộc" thường là điều vô vọng với bất cứ ai. Ở nơi mà giải pháp nhà nước về giáo dục “miễn phí và bắt buộc” thất bại, sự cung cấp tự nguyện lại thành công ngay cả đối với những người nghèo nhất, giống như Tooley đã ghi chép trong các nghiên cứu và cuốn sách của mình The Beautiful Tree: A Personal Journal into How the World’s Poorest Are Educating Themselves [Sự thật thú vị: Hành trình cá nhân khám phá cách thức những người nghèo nhất thế giới giáo dục bản thân họ - ND].7

Người ta đã cố tình phá huỷ một số định chế tự nguyện của xã hội dân sự cung cấp các dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế, và giáo dục, hoặc trong một số trường hợp, khiến chúng trở nên thừa thãi. Hiệp hội tự nguyện nơi những người lao động tham gia giải quyết những vấn đề riêng của họ, là một trở ngại chính cho các đảng phái và các cuộc vận động theo chủ nghĩa nhà nước. “Đại đa số chúng ta có niềm tin mạnh mẽ và thâm căn cố đế vào nguyên tắc tự nguyện chứ không phải sự bắt buộc của nhà nước”, lời một tác giả ca thán trong ấn bản năm 1909 của tờ The Oddfellows’ Magazine.8 Các hội bằng hữu của Đức và Anh bị cố tình phá hoại bởi chúng thúc đẩy sự tự do, hơn là chủ nghĩa tập thể, trong quần chúng nhân dân. Ở Mỹ, hiệp hội tự nguyện của xã hội dân sự suy tàn khi nhà nước đưa ra những chính sách được thiết kế để tạo ra các đơn vị cử tri chính trị và những người phụ thuộc. Người dân ở khắp mọi nơi đã quen với việc trông chờ nhà nước giải quyết khó khăn cho họ, thay vì tự hỏi làm thế nào họ có thể hợp tác hòa bình với những người khác để cải thiện tình hình của mình.

Chúng ta có thể loại bỏ nhà nước phúc lợi và tránh những tác động thảm khốc do sự sụp đổ của nó. Nếu Hy Lạp không phải là lời cảnh báo có đủ sức răn đe, thì số phận của Cộng hòa Weimar cũng đủ sức thu hút sự chú ý của chúng ta về sự cần thiết phải đối phó với những thiệt hại mà các nhà nước phúc lợi gây ra cho xã hội. Chúng ta có thể ngăn chặn thảm họa bằng cách thay thế nhà nước phúc lợi bằng các định chế xứng đáng hơn, công bằng hơn, hiệu quả hơn, và hữu ích hơn cho những người khó khăn.

Việc tạo ra quá trình chuyển đổi có trật tự và hòa bình, một mặt từ sự phụ thuộc gây ra bởi nhà nước, và mặt khác hướng tới tự do và độc lập; từ sự đói nghèo kéo dài bất diệt tới bước dịch chuyển theo hướng đi lên; và từ chủ nghĩa bảo trợ tới trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân, đó là nghĩa vụ dành cho thế hệ đến tuổi trưởng thành ngày nay. Giới trẻ không thể trông cậy vào những thế hệ đi trước được nữa. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào giới trẻ để thể hiện sự tham gia có hệ thống và có tính xây dựng trong tranh luận công khai và sự hình thành chính sách, thể hiện sự phẫn nộ chính đáng của họ với sự lãng phí, tính vô trách nhiệm và liều lĩnh của những người đi trước, những người từng nghĩ rằng việc trì hoãn bằng các giải pháp nhất thời có thể làm biến mất vấn đề. Giờ chúng ta đã đi đến cũng đường, và thế hệ này không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Đây là dấu chấm hết cho nhà nước phúc lợi.

Hướng tới kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi

Nhà nước phúc lợi đang trong kỳ khủng hoảng. Những lời hứa nhân danh nó là một mớ hỗn độn những suy nghĩ mơ tưởng và dối trá trắng trợn. Nó xuất hiện như một cơ chế quyền lực; nó di dời, loại bỏ và phá hủy các định chế tham gia và tự nguyện, nó làm kiệt quệ và phân tán xã hội và cắt xén trách nhiệm cá nhân, nó thay thế tự do và quyền lợi bởi sự phụ thuộc và bảo trợ. Trong khi chiếm lấy trách nhiệm công dân đối với phúc lợi của riêng họ, nó đã biến họ thành khách hàng, người phụ thuộc, người bị trị, hay người van xin.

Hệ tư tưởng của nhà nước phúc lợi dựa trên sự nhầm lẫn giữa quá trình và kết quả. Những người ủng hộ nhà nước phúc lợi khẳng định rằng họ đang nhắm tới những kết quả cao quý, nhưng gần như không chú ý đến các quá trình để đạt được kết quả như vậy. Ngay cả một số người tự xưng là theo chủ nghĩa tự do, những người đã làm việc để phá bỏ hệ thống quyền lực và nô dịch đã đàn áp con người trong quá khứ, cũng tin rằng các kết quả có ích có thể luật hóa. Herbert Spencer gọi “chủ nghĩa tự do xã hội” mới nổi liên quan tới nhà nước phúc lợi trong thời kỳ của mình là “chủ nghĩa tân bảo thủ”, vì nó áp dụng các biện pháp của những hệ thống bảo thủ và phân cấp kiểm soát xã hội trong việc theo đuổi những điều nó cho là mục tiêu tự do.

Mục đích đạt được lợi ích đại chúng có nét bề ngoài khá tương đồng với những biện pháp tự do trước đó (sau đó trong từng trường hợp lợi ích đại chúng đạt được thông qua nới lỏng các kiềm chế). Nhưng đã xảy ra việc những người theo chủ nghĩa tự do kiếm tìm lợi ích đại chúng một cách trực tiếp chứ không phải gián tiếp thông qua nới lỏng các kiềm chế. Và để cố gắng đạt được lợi ích đại chúng một cách trực tiếp, họ sử dụng các biện pháp có bản chất trái ngược với những biện pháp khởi kỳ thuỷ.9

Do đó, “chủ nghĩa tự do xã hội” tách khỏi chủ nghĩa tự do đích thực, vốn được biết đến như “chủ nghĩa tự do cổ điển”. Trọng tâm cải cách lúc này, không phải là nguyên tắc, quy luật, hay thể chế, mà là nỗ lực để đạt được kết quả trực tiếp thông qua sử dụng quyền lực cưỡng chế. Kết quả đạt được chỉ phụ thuộc rất ít vào sự lựa chọn. Thông thường, chúng ta chọn phương thức (bao gồm quy tắc và quy trình) chứ không phải kết quả, với hy vọng rằng các phương thức đó sẽ mang lại kết quả mong muốn.10 Khi các nhà hoạch định chính sách quên mất rằng phương thức thực hiện là quan trọng (trong trường hợp sự hợp tác của nhân loại thì động lực là quan trọng, và chẳng có cây đũa thần nào đem lại thành quả tức thì trên toàn thế giới) thì chúng ta có thể chắc chắn rằng những hậu quả khủng khiếp ngoài ý muốn sẽ xảy ra sau khi họ áp các chính sách đó lên chúng ta. Ngày đó đang đến rất nhanh – và đã hiện diện ở một số nước – khi những hậu quả không mong muốn của nhà nước phúc lợi có thể nhận thấy rõ ràng. Đã đến lúc để kết thúc màn ảo thuật, để kéo tấm màn sân khấu và tiết lộ rằng những nhà phù thủy chỉ là những chính khách và quan chức – những con người bình thường, giống như tất cả chúng ta.

Những người tin vào giá trị đạo đức, phẩm chất, và quyền của loài người nên chia sẻ lập trường với nhà chủ nghĩa tự do cổ điển Benjamin Constant:

Họ [những người nắm giữ quyền lực] đã sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi mọi vấn đề, ngoại trừ vấn đề liên quan tới phục tùng và chi trả! Họ sẽ nói với chúng ta: cuối cùng, điều gì là mục đích cho những cố gắng của bạn, động cơ lao động của bạn, đối tượng của tất cả những hy vọng của bạn? Đó không phải là hạnh phúc sao? Vậy thì, hãy để niềm hạnh phúc đó cho chúng tôi và chúng tôi sẽ trao nó cho bạn. Không, thưa các quý ông, chúng ta không thể làm như vậy. Dù lời cam kết nghe chừng ân cần đó có thống thiết tới mức nào, chúng ta hãy yêu cầu nhà chức trách giữ giới hạn của họ. Hãy để họ tự hạn quyền mình trong phạm vi làm người nắm giữ công bằng. Chúng ta sẽ tự lãnh trách nhiệm làm cho bản thân chúng ta hạnh phúc.11

Nhà nước phúc lợi mà chúng ta biết đang thất bại. Đây là lúc chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó. Nếu các lãnh đạo chính trị và giới trí thức vẫn khăng khăng muốn có ngày càng nhiều hơn những can thiệp nhà nước để giải quyết những tồn tại từ sự can thiệp nhà nước trước đó, thì xã hội của chúng ta sẽ trượt dài vào chủ nghĩa thân hữu, chủ nghĩa độc đoán dân tuý, và nỗi cay đắng khi bị thất hứa nhiều thêm. Điều cần đến lúc này là nhiều tự do hơn, nhiều lựa chọn hơn, nhiều hành vi trách nhiệm hơn, và sự quan tâm chú ý nhiều hơn để tránh những bất công khi chất lên vai người đóng thuế tương lai những khoản nợ dùng để mang lại lợi ích cho cử tri hiện tại. Sự ép buộc không thể thay thế cho tự do; nó không tạo ra an ninh, hạnh phúc, thịnh vượng và hòa bình.

Đã đến lúc chuẩn bị cho sự tự do, tính trách nhiệm và sự phồn thịnh trong kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi.

Chú thích

(1) Bài kiểm tra đường xu hướng được giải thích trong Charles Murray, What It Means to Be a Libertarian: A Personal Interpretation [Trở thành người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có ý nghĩa như nào: một diễn giải kinh nghiệm cá nhân] (New York: Broadway Books, 1997), trang 47-56.

(2) Simon Cordery, British Friendly Societies [Hội bằng hữu Anh], 1750-1914 (New York: Palgrave Macmillan, 2003), trang 1.

(3) Xem David Beito, From Mutual Aid to the Welfare State: Fraternal Societies and Social Services [Từ viện trợ tương hỗ tới nhà nước phúc lợi: các hội kín và dịch vụ xã hội], 1890-1967 (Chapel Hill: University North Carolina Press, 2000); David Green, Working Class Patients and the Medical Establishment [Bệnh nhân giai cấp công nhân và cơ sở chăm sóc y tế] (New York: St Martin Press, 1985); Nicolas Marques, "Le monopole de la sécurité Sociale face à l'Histoire des premières protections sociales" Journal des Économistes et des Etudes Humaines,”  tập X, số 2, Tháng 09-10 năm 2000, www.euro92.com/acrob/marques% 20mutu-elles.pdf; David G. Green và Lawrence Cromwell, Mutual Aid or Welfare State: Australia’s Friendly Societies [Viện trợ tương hỗ hay Nhà nước phúc lợi: Hội hữu nghị Úc] (Sydney: Allen & Unwin, 1984); David Green, Reinventing Civil Society: The Rediscovery of Welfare Without Politics [Tái tạo xã hội dân sự: tái khám phá phúc lợi không bao gồm chính trị] (London: Institute of Economic Âffairs, 2000); Anton Howes, “Friendly Societies, the State and the Medical Profession in Great Britain 1900–1939” [Các hội bằng hữu, nhà nước và nghề nghiệp y tế ở Anh 1900-1939], luận án chưa được xuất bản, King’s College, London, 2012.

(4) EP Hennock, The Origin of the Welfare State in England and Germany [Nguồn gốc của nhà nước phúc lợi ở Anh và Đức], 1850-1914 (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), trang 176. Hennock có vẻ như không hiểu (giống như một số người vào thời điểm đó) cái gọi là "sự đóng góp của người người sử dụng lao động" hoàn toàn đến tiền lương của người lao động, chứ không phải là một kết chuyển từ người sử dụng lao động cho người lao động. Nó chỉ đơn thuần làm giảm tiền lương mang về nhà của nhân viên.

(5) Như trên, trang 92.

(6) Trích trong James Bartholomew, The Welfare State We’re In [Nhà nước Phúc lợi nơi chúng ta đang sống] (London: Politico’s, 2004), trang 153. Cuốn sách của Bartholomew chỉ ra một cách thuyết phục hai điểm: (i) vì sao nhà nước phúc lợi lại được ca ngợi vì những tiến bộ [trên thực tế] được tạo ra bởi những nguyên nhân khác, và (ii) trình bày những hệ quả tiêu cực của nhà nước phúc lợi như làm suy thoái văn minh và làm ia tăng sự phụ thuộc, tội phạm, và những căn bệnh khác của xã hội hiện đại. Những cuốn sách của West đi tiên phong trong việc nghiên cứu về giáo dục mà không có nhà nước. Một bài luận ngắn về chủ đề, “The Spread of Education Before Compulsion: Britain and America in the Nineteenth Century” [Sự phổ cập giáo dục trước khi ép buộc: nước Anh và Mỹ trong thế kỷ XIX”], có thể được tìm thấy trong The Freeman, tập 46, số 7 (tháng 7, 1996), www.thefreemanonline.org/featured/the-spread-of-education-before-compulsion-britain-and-america-in-the-nineteenth-century/. Về một  khảo luận về các vấn đề này,  xem James Tooley, Education Without the State [Nền giáo dục không cần nhà nước] (London: Institute of Economic Affairs, 1998), đặc biệt chương 3, “The Secret History of Education Without the State” [Lịch sử bí mật của nền giáo dục không cần nhà nước]. www.iea.org.uk/sites/default/files/publications/files/upldbook56pdf.pdf.

(7) James Tooley, The Beautiful Tree: A Personal Journal into How the World’s Poorest Are Educating Themselves [Sự thật thú vị: Hành trình cá nhân về việc làm thế nào những người nghèo nhất thế giới giáo dục bản thân họ] (Washington, DC: Cato Institute, 2009).

(8) Oddfellows’ Magazine, Số 414 (Tháng 6 1909), trích dẫn trong Simon Cordery, British Friendly Societies [Những hội bằng hữu của nước Anh], 1750-1914, trang 155.

(9) Herbert Spencer, “The New Toryism” [Đảng bảo thủ mới] [1884], trong Herbert Spencer, Political Writings [Các bài viết về chính trị], biên tập bởi John Offer (Cambridge: Cambridge University Press, 1994), trang 69.

(10) Đồng thời xem tại Mark Pennington, Robust Political Economy: Classical Liberalism and the Future of Public Policy [Nền kinh tế chính trị khỏe mạnh: chủ nghĩa tự do cổ điển và tương lại của chính sách công] (Cheltenham: Edward Elgar, 2011), về  sự mở rộng luận điểm chung, theo đó quá trình, thay vì kết quả, là chủ thể thông thường của lựa chọn chính trị.

(11) Benjamin Constant, “The Liberty of the Ancients Compared with that of the Moderns” [Sự tự do của những người cổ đại so với những người hiện đại] [1819], trong Benjamin Constant, Political Writings [Các bài viết về chính trị], biên tập by Biancamaria Fontana (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), trang 326.

Nguồn: Tom G.Palmer, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, NXB Tri Thức, 2013

Dịch giả:
Trần Thuỳ Dương
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh