Chủ nghĩa Tự do cá nhân (Phần cuối)

Chủ nghĩa Tự do cá nhân (Phần cuối)

Các nhà tư bản vô chính phủ tuyên bố rằng không nhà nước nào được bảo chữa về mặt đạo đức (vô chính phủ), và thay vào đó các chức năng truyền thống của nhà nước phải được cung cấp bởi sự sản xuất và giao dịch tự nguyện (chủ nghĩa tư bản). Quan điểm này đề ra một thách thức thực sự đối với cả các nhà tự do cổ điển ôn hòa lẫn những người tự do cá nhân chủ trương một nhà nước tối thiểu, dù, như chúng ta sẽ thấy, cái sau (nhà nước tối thiểu) đặc biệt bị đe dọa bởi thách thức vô chính phủ này.

Chủ nghĩa tư bản vô chính phủ có thể được bảo vệ trên cơ sở kết quả hoặc đạo đức. Về mặt kết quả, người ta cho rằng sự bảo vệ của cảnh sát, hệ thống tòa án, và thậm chí ngay cả luật pháp có thể được cung cấp tự nguyên với một giá nào đó giống như bất cứ hàng hóa nào khác trên thị trường. Và không chỉ thị trường có thể cung cấp các hàng hóa theo truyền thống nhà nước cung cấp, mà thực sự là đáng mong muốn khi thị trường làm như vậy, vì với áp lực cạnh tranh trên thị trường, sẽ tạo ra các hàng hóa có chất lượng chung cao hơn, đồng thời đa dạng hơn để làm thỏa mãn các sở thích khác nhau của con người. Về mặt đạo đức, các nhà tư bản vô chính phủ cho rằng nhà nước tối thiểu nhất thiết vi phạm các quyền cá nhân trong chừng mực mà nó (1) tuyên bố độc quyền sử dụng vũ lực hợp pháp và do đó cấm các cá nhân khác không được sử dụng vũ lực theo quyền tự nhiên của họ, (2) gây quỹ cho việc cung cấp dịch vụ bảo vệ với thuế thu nhập bắt buộc mà đôi khi (3) được sử dụng theo cách tái phân phối khi chi trả cho sự bảo vệ cho những người không thể chi trả cho sự bảo vệ của chính họ.

Nozick là một trong những triết gia hàn lâm đầu tiên giải quyết thách thức của những người vô chính phủ một cách nghiêm túc. Trong phần đầu của Vô chính phủ, nhà nước, và không tưởng, ông cho rằng nhà nước tối thiểu có thể tiến hóa từ một xã hội tư bản vô chính phủ thông qua quá trình bàn tay vô hình mà không vi phạm quyền của bất cứ ai. Ông cho rằng áp lực cạnh tranh và xung đột bạo lực sẽ khuyến khích cho các công ty bảo vệ cạnh tranh đi đến sát nhập hay thông đồng từ đó những sự độc quyền (cung cấp dịch vụ bảo vệ) sẽ xuất hiện trong một khu vực nào đó. Dù sự độc quyền này tồn tại trên thực tế, song cơ quan bảo vệ chi phối vẫn chưa phải là nhà nước. Để cho điều đó xảy ra, thì “công ty bảo vệ trội hơn” phải tuyên bố rằng đó là bất hợp pháp về mặt đạo đức khi các công ty bảo vệ khác hoạt động, và tiến hành một số nỗ lực duy lý để ngăn chặn các công ty này hoạt động. Lý lẽ của Nozick rằng, sẽ là hợp pháp cho công ty bảo vệ trội hơn làm như vậy, đây là một trong khía cạnh tranh cãi trong lập luận của ông. Về cơ bản, ông cho rằng cá nhân có quyền không chịu sự rủi ro của việc bị vi phạm các quyền, và do đó công ty bảo vệ trội hơn có thể ngăn cấm một cách hợp pháp các hoạt động bảo vệ của các đối thủ cạnh tranh của nó trên cơ sở là hoạt động của họ liên quan đến việc tạo ra các rủi ro đó. Khi tuyên bố và củng cố sự độc quyền này, cơ quan bảo vệ chi phối trở thành điều mà Nozick gọi là “nhà nước ultraminimal” (nhà nước tối thiểu cực đoan) – ultraminimal bởi vì nó không cung cấp các dịch vụ bảo vệ cho tất cả mọi người trong lãnh thổ của nó, nhưng chỉ cho những ai chi trả cho nó. Sự dịch chuyển từ nhà nước ultraminimal sang nhà nước tối thiểu xảy ra khi cơ quan bảo vệ chi phối cung cấp dịch vụ bảo vệ cho tất cả các cá nhân trong phạm vi lãnh thổ của nó, và Nozick cho rằng nhà nước này có nghĩa vụ đạo đức phải làm như vậy để bồi thường cho các cá nhân, những người bị thua thiệt bởi sự tóm lấy độc quyền quyền lực của nó.

Các lý lẽ của Nozick chống lại những người vô chính phủ gặp phải một số thách thức. Thứ nhất, sự biện minh cho nhà nước mà nó cung cấp là hoàn toàn mang tính giả thuyết – hầu như ông nỗ lực để tuyên bố rằng một nhà nước có thể xuất hiện hợp pháp từ trạng thái tự nhiên, mà không phải là bất  cứ nhà nước thực tế nào phải như vậy. Nhưng nếu sự giả thuyết không vấn đề gì, thì một câu truyện thuyết phục tương tự có thể kể về làm thế nào mà một nhà nước tối thiểu có thể trở lại thành một tác nhân cạnh tranh đơn thuần với các tác nhân khác bởi một quá trình mà không vi phạm quyền của ai, do đó khiến chúng ta ở một trạng thái bế tắc cho sự biện minh. Thứ hai, rất đáng nghi rằng liệu việc ngăn cấm các hành động vốn có khả năng vi phạm các quyền, nhưng không thực sự vi phạm gì cả, có tương thích với các nguyên tắc tự do căn bản hay không. Cuối cùng, ngay cả khi nguyên tắc ngăn cấm tổng quát với sự bồi thường là hợp pháp, thì đáng ngờ rằng, cách đúng đắn để bồi thường cho những người vô chính phủ, những người bị làm tổn hại bởi yêu sách của nhà nước về sự độc quyền, là cung cấp cho anh ta những điều anh ta không muốn – cảnh sát nhà nước và dịch vụ quân sự.

Dù chưa hoàn toàn thuyết phục, song quan điểm của các nhà vô chính phủ vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với những người tự do cá nhân, đặc biệt là đối với những người chủ trương nhà nước tối thiểu. Điều này hoàn toàn đúng bất kể việc liệu chủ nghĩa tự do cá nhân được bảo vệ trên cơ sở kết quả hay trên cơ sở quyền tự nhiên. Đối với các nhà tự do kết quả, thách thức là giải thích tại sao luật và các dịch vụ bảo vệ là thứ tốt duy nhất được đòi hỏi bởi nhà nước nhằm tối đa lợi ích. Ví dụ, nếu sự biện minh kết quả cho các bộ luật là: luật là một thứ tốt đẹp công, thì câu hỏi là: tại sao các thứ tốt công khác lại cũng không được cung cấp? Tuyên bố chỉ có cảnh sát, tòa án, quân đội phù hợp với lý thuyết là một tuyên bố dựa trên niềm tin hơn là dựa trên kết quả từ một sự phân tích kinh nghiệm. Điều này giải thích tại sao rất nhiều nhà tự do cá nhân kết quả là những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, vốn sẵn sàng cho phép cho một nhà nước lớn hơn nhà nước tối thiểu. Đối với các nhà tự do đạo đức, thách thức chính là chỉ ra tại sao nhà nước được biện minh khi (a) ngăn cấm cá nhân không được thực thi hay mua các dịch vụ bảo vệ cho chính họ và (b) cung cấp tài chính cho các dịch vụ bảo vệ thông qua thuế ép buộc và thuế tái phân phối. Nếu dạng ngăn cấm này, và dạng cưỡng ép và tái phân phối này được bào chữa, thì tai sao lại không thể biện minh cho cái khác? Một khi ranh giới rõ ràng của sự không gây hấn này bị vượt qua, thì rất khó để đưa ra lý do thuyết phục.

(Hết)

Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Libertarianism

Nguồn: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó

Dịch giả:
Minh Anh

Tác giả liên quan