Bộ áo giáp của vua Saul

Bộ áo giáp của vua Saul

Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất trong Kinh thánh là câu chuyện giữa David và Goliath. Goliath cao tới gần mười feet (khoảng 2,6m – ND) và có dung mạo rất đáng sợ. Mỗi sáng và tối, anh ta, nhà vô địch của các chiến binh Philistine, lại thách đấu với quân đội Israelite: Hãy đưa một chiến binh đến đây đánh lại ta! Nếu người đại diện của quân đội Israelite thắng, Goliath sẽ trở thành nô lệ của người Israelite. Nếu Goliath thắng, người dân Israelite sẽ trở thành nô lệ của người Philistine.

David chỉ là một thanh niên mới trưởng thành, anh ta đến gặp nhà vua. Anh xin được tham gia vào trận chiến – chẳng phải anh, trong lúc trông nom đàn cừu cho cha, đã từng giết một con sư tử và một con gấu hay sao? Chẳng lẽ anh không đủ dũng mãnh để hạ gục gã khổng lồ?

Cảm động trước sự chân thành của chàng trai, vua Saul đã đồng ý. David có thể giao chiến với Goliath. Thật vậy, David có thể chiến đấu trong bộ áo giáp của nhà vua. Nhưng sau khi mặc chiếc áo giáp, chàng trai trẻ đã quyết định cởi bỏ nó và trả lại đức vua. Nó quá nặng và cản trở những chuyển động của anh. Bộ áo giáp của nhà vua chỉ cản trở chứ không hề giúp anh trong trận chiến.

Lòng dũng cảm của David được tăng lên chỉ nhờ vào sự thông thái của anh. Nếu có cơ hội chiến thắng, anh sẽ không để mình bị kìm hãm bởi một bộ áo giáp không cần thiết khi giao đấu. Đánh bại một gã khổng lồ cần lòng can đảm, nhưng bị vướng víu vì bộ áo giáp của vua Saul thì thật nực cười.

Rất nhiều người ủng hộ học thuyết tự do đã không có được sự thông thái của chàng trai trẻ David. Họ tham gia trận chiến bị kìm hãm bởi những thứ tương tự như bộ áo giáp vua Saul. Họ tự khoác vào mình những thứ cản trở thay vì giúp ích cho việc đạt được mục tiêu mà họ quan tâm. Họ tự gây khó cho mình bằng cách chấp nhận những đề xuất không hề liên quan tới xã hội tự do hay thị trường tự do.

“Chúng ta nên quay lại với thị trường tự do”

Việc biện hộ cho đề xuất chúng ta nên quay lại với thị trường tự do chứa đựng một nhận định về lịch sử rằng, theo dòng thời gian thì con người, cả nam lẫn nữ, có thể bị tha hoá. Nó khơi gợi một sự rút lui. Nó gợi lên một bức tranh. Bức tranh về thời điểm ngày xửa ngày xưa khi tự do kinh tế là chuẩn mực. Qua năm tháng, loài người tiến theo những phương hướng mới, sáng tạo và sản sinh ra những thử nghiệm mới lạ trong quản lý kinh tế. Những nhà hoạch định tập trung đã điều phối và chỉ đạo những thứ cho đến nay chưa được phối hợp với nhau và thiếu định hướng. Trong khi nên “dùng tay” để điều chỉnh chiếc đồng hồ báo sai thời gian, thì việc “quay về quá khứ” là một việc làm mà con người, cả nam lẫn nữ, không có hứng thú. Họ có xu hướng ủng hộ những ai can đảm tiến về phía trước, tới những vùng đất mới, chưa được khai phá. Chúng ta cần thận trọng trước những ai thôi thúc chúng ta “quay về quá khứ” để trải nghiệm, bởi họ thực ra là những người luyến tiếc quá khứ ngay từ trong thâm tâm.

Đúng ra lợi thế thuộc về phía những người biện hộ cho thị trường tự do trong một xã hội tự do. Xét trên phương diện lịch sử, việc nền kinh tế được hoạch định và chèo lái bởi những “chuyên gia” đã từng được coi là chuẩn mực. Những quốc vương biết điều gì là tốt nhất cho thần dân và chỉ cho cho họ biết phải làm gì. Các lãnh chúa phong kiến biết điều gì là tốt nhất cho những người nông dân và dẫn dắt mọi hoạt động của họ. Các nhà quý tộc biết điều gì là tốt cho đám đông quần chúng và chỉ đạo những người này hàng ngày nên làm những gì.

Xem xét nước Pháp dưới thời vua Louis XIV. Mọi người dân đều có vị trí trong xã hội và gắn chặt với vị trí đó. Nền kinh tế được lên kế hoạch cẩn thận. Công chức nhà nước quyết định những ngành công nghiệp nào được thành lập, đặt trụ sở tại Pháp hay các thuộc địa. Xuất khẩu và nhập khẩu được điều tiết cẩn thận. Giá cả được quyết định bởi các nhà chính trị. Hội đồng chính phủ còn quyết định mẫu hình nào được dệt trên các tác phẩm bằng tấm thảm thuộc sở hữu của nhà nước tại Aubusson; cần tới 4 năm thương lượng trước đó để có được sự đồng ý cho phép đưa “sợi dọc nền” (backwarp) vào các tấm vải. Để liệt kê những luật lệ và quy định về kiểm soát ngành dệt trong giai đoạn từ năm 1666 đến 1730 phải cần đến hơn hai ngàn trang giấy. Những nhà xã hội chủ nghĩa thời nay hẳn sẽ thấy cực kỳ quen thuộc ở trong một môi trường như vậy!

Chính những người xã hội chủ nghĩa, chứ không phải những người ủng hộ tự do mới là những người hoài cổ! Nhà nước phúc lợi đang nhanh chóng quay trở về với nước Pháp thời Louis XIV. Trong tháng 2 năm 1982, một bản báo cáo đặc biệt đã được đệ trình lên Nghị viện Anh. Dưới tiêu đề Administrative Forms in Government (Các biểu mẫu hành chính của chính phủ), bản báo cáo cung cấp tư liệu về sự nảy nở của các biểu mẫu và tờ đơn của chính quyền tại nước Anh. Khi mang ra so sánh thì hơn hai nghìn trang luật lệ và quy tắc cho một ngành công nghiệp tại Pháp cách đây 3 thế kỷ thật là khiêm tốn! Hơn 2.000 triệu biểu mẫu và tờ đơn của chính phủ được các cơ quan công quyền của Anh sử dụng mỗi năm - có nghĩa rằng, mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong cả nước phải dùng tới 36 mẫu biểu! Những mẫu biểu này, vốn dĩ nhằm giúp chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, rất khó điền chuẩn xác và đầy đủ; “thường thì tỉ lệ sai sót lên tới hơn 30%, kể cả từ phía (quan chức chính phủ) lẫn công chúng”. Bản báo cáo đưa ra kết luận bằng cách liệt kê ra thêm mười “bản báo cáo về các mẫu biểu” - những thứ chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài việc đọc.

Chính trị kiểm soát trở thành chuẩn mực

Chính trị điều khiển nền kinh tế của một quốc gia đã trở thành tình trạng rất thường gặp. Những người yêu thích chủ nghĩa tự do thế kỉ XVIII đã từng là những người rất cấp tiến. Họ tấn công những dấu vết tàn dư của chế độ phong kiến, đấu tranh cho sự thủ tiêu giai cấp và đặc quyền, đấu tranh cho sự mở rộng quyền sở hữu để sao cho những người có quyền lực không còn có thể cướp bóc một cách tùy tiện; vận động chống lại các hình thức độc quyền cố hữu, do nhà nước ban phát và các hình thức thuế nhập khẩu mang tính bảo hộ – những thứ có lợi cho một ít người nhưng lại làm bần cùng hóa rất nhiều người khác; và mơ ước về một trật tự kinh tế được kiểm soát không phải bởi những sắc lệnh của chính phủ mà bằng những nỗ lực tự nguyện của số đông tự do sản xuất và trao đổi bất kỳ hàng hóa nào họ lựa chọn.

Và họ đã chiến thắng! Một hiện tượng chưa từng ai biết cho đến thời điểm đó xuất hiện: tăng trưởng kinh tế bền vững. Năm 1780, hơn 80% công dân Pháp chi hơn 90% thu nhập của họ chỉ để mua bánh mì sống qua ngày. Năm 1800, tuổi thọ trung bình của người Pháp, ở nữ là 27 tuổi, ở nam là 24 tuổi. Đa phần dân chúng tại Châu Âu và Bắc Mỹ đã phải lao động quần quật để tồn tại. Nạn đói kém thường xuyên diễn ra và được cho là hiển nhiên. Nhưng mọi việc đã thay đổi. Lực lượng lao động tại Anh đã tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ 1800 đến 1900. Thu nhập khả dụng thực trên đầu người đã tăng gấp đôi từ 1800 đến 1850, và tăng gấp đôi một lần nữa từ 1850 đến 1900. Mức tăng tổng lượng hàng hóa và dịch vụ khả dụng tới 1600% đã làm thay đổi hoàn toàn tình trạng nghèo nàn của xã hội; và những thứ vốn được coi là đồ xa xỉ, chỉ một ít được hưởng thụ, nay trở thành những vật dụng sở hữu hàng ngày của hầu như tất cả mọi người.

Dù thế, vẫn có những người hoài cổ. Vẫn có những người muốn quay ngược lại chiều kim đồng hồ. Họ là những người muốn dùng quyền lực của chính phủ nhằm bảo vệ quyền sở hữu liên tục của cải của họ hơn là bảo vệ quyền sở hữu phụ thuộc vào sự sử dụng của cải này theo cách tốt nhất và thỏa mãn hiệu quả nhất cho nhu cầu và mong muốn của những người khác. Dù họ tìm cách dẫn dắt đất nước trở về thế kỉ XVII và XVIII, họ vẫn ngạo mạn tự xưng là “những người cấp tiến”. Họ đã nói lên mong ước cho một xã hội theo chủ nghĩa xã hội “mới” - nhưng sự thật những mong mỏi của họ là nuối tiếc quá khứ.

Những người yêu tự do không thúc giục bất kỳ ai “quay lại” với những cách vận hành xưa cũ. Họ thà thúc giục con người, cả nam lẫn nữ, tiến về phía trước, dù không biết sự sáng tạo được mở ra bởi thị trường tự do trong một xã hội tự do sẽ dẫn dắt họ tới đâu. Nói “quay trở lại” với thị trường tự do là đang tự kìm hãm mình bởi bộ áo giáp của vua Saul.

“Chủ nghĩa tư bản tuy kém đạo đức hơn chủ nghĩa xã hội nhưng lại có hiệu suất cao hơn”

Những người yêu thích tự do hay thừa nhận đối thủ của họ là những người có lý tưởng.

Vâng, tôi ngưỡng mộ những lý tưởng của bạn. Nhưng nó thật không thực tế. Thị trường vận hành. Chúng ta phải là những người thực tế!”

Vậy đạo đức hay lý tưởng về chủ nghĩa xã hội là gì? Kể cả trên phương diện thuần tuý vật chất, thì đạo đức ở đâu khi 30% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Nga không có đủ khả năng cung cấp lương thực cho một đất nước đã từng xuất khẩu lúa mì, trong khi chỉ 4% lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp của Mỹ có thể đồng thời nuôi sống tất cả người dân và cả một phần lớn còn lại của thế giới? Đạo đức ở đâu khi mức lương thực tế của những người công nhân Xô viết vào năm 1963 mới chỉ đạt được mức lương vào 1913?1 Đạo đức ở đâu khi rất nhiều nước Châu Phi như Tanzania, vốn đã từng kiêu hãnh về nền nông nghiệp trù phú, nhưng lại đi nghe lời khuyên của những trí thức Châu Âu, tiếp nhận lòng căm thù bệnh hoạn đối với chính hệ thống đã từng cứu giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, tiến hành tập thể hoá nền nông nghiệp (dưới cái tên “cải cách ruộng đất”), và để bây giờ phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài cho các thực phẩm thiết yếu? Phải chăng gợi ý của triết gia “Pháp mới” Jean Francois Revel là không đúng khi cho rằng những “chuyên gia Châu Âu” nên “suy tư về cái nhìn chằm chằm của những đứa trẻ sắp chết trong những bức hoạ (từ Thế giới thứ 3)”2  và tự vấn lương tâm mình?

Nhưng các vấn đề đạo đức còn sâu sắc hơn thế. Nền kinh tế thị trường, xét đến cùng, hết sức đơn giản. A có kĩ năng đánh bắt cá. B có kĩ năng trồng chuối. A sẵn lòng từ bỏ một số cá của mình để có được vài quả chuối, và B sẵn lòng từ bỏ một vài quả chuối để đối lấy vài con cá. Thế nên họ trao đổi! Mỗi người đổi lấy vật họ định giá thấp hơn để thu được những thứ anh ta định giá cao hơn. Mỗi người đều được lợi. Không ai bị thiệt.

Tuy nhiên giả sử người thứ ba, C, tham gia tình huống này. Anh ta sử dụng hoặc đe dọa sẽ sử dụng vũ lực và ép buộc A đưa cá cho B và cho chính anh ta. B và C sẽ được lợi nhưng A tội nghiệp lại bị thiệt. Sự trao đổi ép buộc không và không thể đem lại lợi ích cho tất cả.

Khi Nhà nước quên mất rằng nhiệm vụ của nó chỉ là ngăn không để người ta sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trộm cắp, hay lừa đảo để giành lấy của cải vật chất, và bắt đầu quyết định ai “xứng đáng” với điều gì và sử dụng vũ lực để áp đặt kiểu “phân phối chính đáng” này, thì khi đó sẽ có những người bị thua thiệt. Bất chấp những suy nghĩ mơ mộng của những người theo chủ nghĩa xã hội, “những người hưởng lợi” không hẳn luôn là người nghèo. (Kể cả nếu người nghèo là “những người hưởng lợi”, việc sử dụng vũ lực để tước đoạt hàng hóa từ những người sản xuất chúng là điều vô đạo đức, nhưng có thể những người theo chủ nghĩa xã hội có thể an ủi lương tâm họ bằng việc núp sau những nguyên tắc mà những kẻ ác thường chia sẻ: “Mục đích biện minh cho phương tiện”.) Nhưng sự thật, phần lớn “sự chuyển nhượng” của cải, trực tiếp và không trực tiếp, nhắm biệt đãi những người có quyền lực, chứ không phải những người nghèo. Thuế quan, các chương trình trợ giá nông sản, trợ cấp sức khỏe (phần lớn rơi vào tay giới y bác sĩ), hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đào tạo cao học – đều là những thứ không làm lợi cho người nghèo. Chúng gây thiệt hại cho người nghèo và làm lợi cho những người giàu. Sau đó, dĩ nhiên, là phải duy trì đội quân hùng hậu những nhà quản lý, công chức và nhân viên phúc lợi để điều khiển hệ thống: đa phần trong số họ được hưởng lợi và khó có thể gọi họ là những “người nghèo”.

Nhà nước phúc lợi

Dĩ nhiên, phần lớn những người theo chủ nghĩa xã hội thừa nhận rằng “cần phải gạt cơ chế quan liêu sang một bên”. Phiên bản chủ nghĩa xã hội mới và chưa được áp dụng của họ sẽ đưa ra các biện pháp để ngăn không cho xảy ra chuyện này. Nhưng cách đây gần bốn thập kỷ, Ludwig von Mises đã nhận thấy rằng nạn quan liêu ngày càng bành trướng là điều không thể tránh được trong một nhà nước phúc lợi3. Lý do thật đơn giản. Trên thị trường, các cá nhân cam kết trao đổi tự nguyện chỉ có thể gia tăng lợi ích của bản thân bằng cách làm cho lợi ích của những người khác tăng lên. Tuy nhiên, trong thế giới chính trị, điều này không đúng nữa. Chính khách có thể làm tăng thêm lợi ích của bản thân anh ta bằng cách nào? Câu trả lời thật rõ ràng: Bằng cách chuyển của cải đến cho những nhóm lợi ích có tổ chức! Chính khách có thể tập trung lợi ích, nhưng phân tán phí tổn. Những người dân thường đơn giản không thể có đủ thời gian để tìm ra thông tin về nơi mà tiền thuế của họ đi đến. Vì thế những nhóm có quyền lực “được hưởng lợi", còn những cá nhân không có quyền lực "chịu thua thiệt". Và để quản lý các hoạt động chuyển nhượng đòi hỏi nhiều công chức hơn. Tầng lớp những người sống nhờ thuế sẽ phình ra; còn tầng lớp những người trả tiền thuế lại co vào.

"Luật rừng" xuất hiện. Những trao đổi tự nguyện và hoà bình trên thị trường bị thay thế bởi cuộc tranh đấu giành được sự ưu ái của chính phủ. Nhóm lợi ích này sẽ tức giận khi thấy nhóm khác nhận được "ưu đãi". Như thế, liệu việc sử dụng quyền lực gây chia rẽ này để tranh giành phần lợi ích vốn dĩ trước đó là khoản đánh cắp từ người khác là có tính đạo đức hay không?

“À! Chúng tôi, những người xã hội chủ nghĩa, không thích tính ích kỉ.  Thị trường tự do lại cổ xúy điều này!”

"Tính ích kỉ" là một cụm từ tế nhị. "Theo đuổi lợi ích cá nhân" có thể chính xác hơn. Nhưng chính xác nhất có lẽ là nói về nhãn quan của cá nhân về "cuộc sống tốt" và nỗ lực của anh ta để thực hiện nó. Trong một xã hội tự do, mọi người đều có quyền tự do hình thành nhãn quan riêng của mình về cuộc sống tốt và cố gắng để đạt được mong ước ấy một cách phi bạo lực. Người này có thể muốn có một cuộc sống đơn giản – với nhiều thời gian nghỉ ngơi, phơi nắng dưới ánh mặt trời, hân hoan ngắm nhìn vẻ đẹp của thế giới, và suy nghĩ. Người khác có thể mơ về một đống vô số của cải. Mỗi người được tự do theo đuổi những gì anh ta mong muốn. Nhưng cái người bị cáo buộc “ích kỉ" – tức người muốn kiếm được một đống của cải – chỉ có thể đạt được mong ước đó bằng cách cung cấp cho những người khác những điều họ mong muốn với chi phí thấp hơn so với chính những người này tự làm.

Adam Smith, năm 1776, đã nói về “tính tham lam tầm thường" của một số “nhà buôn và nhà sản xuất" và có lẽ khá tàn nhẫn khi nhận định rằng những con người này “hiếm khi gặp nhau, kể cả chỉ để bông đùa; câu chuyện của họ thường kết thúc dưới dạng thông đồng chống lại công chúng”4. Đây chính xác là lý do tại sao Smith mong mỏi xây dựng thị trường tự do trong một xã hội tự do. Bị chế ngự bởi nguyên tắc pháp trị, những con người "tầm thường" và "tham lam" sẽ phải phục vụ cộng đồng nhằm cải thiện tình trạng của bản thân mình. Thật vậy, nếu ai đó hỏi chế độ kinh tế và chính trị cần được thiết kế như thế nào để sao cho những kẻ hoàn toàn hèn hạ, luôn muốn có nhiều tiền bạc hay địa vị chính trị, chỉ có thể làm tổn thương đồng bào của họ ở mức thấp nhất, và câu trả lời chỉ có thể là “xã hội tự do và thị trường tự do".

Chấp nhận quan điểm cho rằng những người xã hội chủ nghĩa là những người có lý tưởng đạo đức, còn những người theo triết lý tự do là những người thực dụng, là tiến vào trận chiến với cơ thể bị đè nặng bởi bộ áo giáp của vua Saul.

"Đúng là lợi nhuận rất thấp. Nhưng kinh doanh thành công không cần quá tham lam!"

Một công ty lớn gần đây chạy một quảng cáo "phân rã chi tiết 1 USD doanh thu của doanh nghiệp".  Tính trên 1 USD doanh thu, 95 cent chi cho lương, tiền công, chi phí nguyên vật liệu, v.v. Lợi nhuận chỉ có 5 cent "! Trong khoản này thì 3 cent được đầu tư trở lại doanh nghiệp để mua máy móc và thiết bị nhằm tạo ra việc làm mới (với tổng chi phí lớn hơn 30.000 USD), và chỉ có 2 cent là trả cho cổ đông.

Tôi thực sự cảm thông với mẩu quảng cáo này. Một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng phần lớn người Úc tin rằng các doanh nghiệp kiếm được khoản lợi nhuận sau thuế "khoảng 40%". Một cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành bởi U.S Opinion Research Corporation năm 1975 cho thấy rằng phần lớn người Mỹ ước tính rằng nhà sản xuất hưởng lợi nhuận sau thuế 33%. Thật vậy, báo chí Úc – và tôi đoán rằng phần lớn báo chí Anh và Mỹ cũng thế – hiếm khi sử dụng từ "lợi nhuận” mà không kèm theo một tính từ đằng sau như "lợi nhuận bẩn thỉu", "lợi nhuận cực lớn", "lợi nhuận khổng lồ", và vân vân.

Tuy nhiên, dù có cảm thông, thì tôi vẫn không chấp nhận mẩu quảng cáo đó cũng như nội dung mà nó thể hiện. Nó “thể hiện” cái gì? Một sự ăn năn hối lỗi! Một sự thừa nhận rằng “lợi nhuận” là một cái gì đó không đáng muốn và xấu xa! Cách thể hiện kiểu ăn năn hối lỗi hay kiểu thừa nhận như thế chẳng khác gì hành động khoác bộ áo giáp gò bó của vua Saul.

Lợi nhuận là tốt. Chúng "tốt" không chỉ đối với các cổ đông, mà còn “tốt” cho vô số những người khác. Giải thích điều này như thế nào cho những người xung quanh mình là một công việc khó khăn đối với những người theo tư tưởng tự do, nhưng chắc chắn đó không phải là tìm cách củng cố một quan niệm sai lầm phổ biến.

Có lẽ điều đập vào mắt đầu tiên là câu khẩu hiệu hoàn toàn ngớ ngẩn gắn trên nhiều hàng quán ở Úc: “Con người trước, lợi nhuận sau!” Khẩu hiệu này không gì khác là biến thể của một khẩu hiệu trước đây: “Sản xuất để phục vụ nhu cầu, không sản xuất vì lợi nhuận”.

Có một sự thật hết sức đơn giản là người nào sản xuất hàng hóa hay dịch vụ cho những người coi chúng chẳng có một chút giá trị gì thì cũng sẽ chẳng tạo ra được một chút lợi nhuận nào! Rốt cục, vấn đề này thực chất chỉ có vậy. Tóm lại, sau khi chỉ ra 1+1 = 2 thì gần như chẳng còn gì để nói thêm nữa. Dĩ nhiên là, trừ phi bạn muốn làm gì đấy trong lĩnh vực kinh tế học điều tương tự như A.N. Whitehead và Bertrand Russell – hai tác giả của cuốn Principia Mathematica5– bỏ công phân tích sâu hơn về mối quan hệ logic ẩn sâu dưới những điều mà người bình thường coi là hiển nhiên. Thực ra, Ludwig von Mises đã làm công việc đó trong kiệt tác Human Action [Hành động con người]6 của mình.  Tuy nhiên, với những vấn đề thông thường, chúng ta chỉ cần chỉ ra, và như vậy là đủ, rằng một công ty sản xuất ra thứ hàng hoá mà người ta, kể cả nhẹ dạ hay dễ dãi, không muốn sở hữu thì sẽ không thể gặt hái được lợi nhuận khổng lồ!

Packard là một loại xe tốt, và tôi không nghi ngờ điều đó. Nhưng người Mỹ lại không thích nó. Nhiều công ty khác làm ra những loại xe ô tô khiến công chúng thích hơn. Nếu không tính đến các yếu tố khác thì xe Packard đắt hơn so với các dòng xe khác với chức năng tương tự. Vì thế, người ta nói “Không, xin cảm ơn” đối với những nhà sản xuất xe Packard và mua những dòng xe họ muốn từ nơi khác. Những nhà sản xuất xe Packard không thể nào tạo ra được lợi nhuận khổng lồ! Loại sản phẩm đem lại lợi nhuận lớn nhất phải là loại sản phẩm mà người mua hàng cho là hữu ích nhất. Giả sử tôi dùng bàn tay vụng về của mình để nặn ra các bức tượng bằng đất sét quý cô Piggy thì tôi e rằng chỉ có rất ít người hâm mộ quý cô thanh lịch này sẽ mua sản phẩm của tôi. Họ muốn một mẫu tượng phải giống quý cô Piggy cơ! Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ quyết định ai là người làm ra “lợi nhuận” và ai thì không.

Sự lựa chọn của khách hàng

Nhưng ý nghĩa của câu chuyện này còn lớn hơn thế. Ngày xưa người ta thường bỏ rác trực tiếp vào thùng đựng rác hoặc dùng báo gói rác lại rồi bỏ vào thùng rác. Sau này, một ai đó, ở một nơi nào đó, nghĩ ra là nếu dùng túi nhựa lót vào bên trong hộp rác thì sẽ tiện lợi hơn và giúp hộp đựng rác đỡ mùi hơn! Câu hỏi đầu tiên mà người đó đặt ra là gì? Anh ta sẽ hỏi là liệu người ta có sẵn sàng trả tiền cho những cái túi nhựa đó không! Liệu người ta có sẵn sàng bỏ ra 10 USD? Không – người ta thà giữ lại 10 USD đó hay đi mua hai cuốn tiểu thuyết bìa mềm thay vì bỏ số tiền đó để mua một cái túi nhựa để đựng rác. Họ có sẵn lòng trả 1 USD? Có lẽ thế – nhưng đa phần mọi người có thể sẽ thích mua gói thuốc lá thay vì sở hữu chiếc túi nhựa. Họ có sẵn lòng trả 30 cent? Có vẻ hợp lý đấy. Bây giờ thì nhà sản xuất túi nhựa đựng rác dùng một lần sẽ phải làm gì? (Dĩ nhiên là anh ta có thể tìm đến giới chính trị gia thay vì thị trường tự do và thuyết phục họ áp dụng chính sách bắt buộc mọi người phải mua và sử dụng túi nhựa, nhưng đây là giải pháp loại bỏ cả xã hội tự do và thị trường tự do. Ở đây chúng ta hãy bỏ qua hành động bất chính này!) Điều anh ta phải làm là tìm ra cách sản xuất những cái túi như thế với mức giá “thấp hơn” mức mà người tiêu dùng mong muốn. Nếu anh ta nghĩ ra cách sản xuất những cái túi như thế với giá thành 1 cent anh ta sẽ kiếm được lợi nhuận “cao”.  Điều đáng buồn, ít nhất là đối với nhà sản xuất, là lợi nhuận cao như thế sẽ tạo ra tín hiệu để người khác nhảy vào sản xuất và khiến cho giá của những cái túi đó giảm xuống, và điều này khiến cho lợi nhuận bị giảm xuống đáng kể! Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là các mức lợi nhuận cho ta thấy rằng các nhà sản xuất đã tìm ra những cách thức sử dụng nguồn lực để tạo ra sản phẩm với mức chi phí thấp hơn giá trị mà người tiêu dùng gán cho nó. Lợi nhuận là phần dư.  Nó biểu thị không phải là cho cái gì đó “xấu xa” thêm vào mức giá, mà là phần chênh giữa mức giá theo suy xét của người tiêu dùng và mức chi phí dùng để sản xuất ra một loại hàng hoá nào đó.

Một lần nữa, đây chỉ là một phần của câu chuyện. Thời gian, sức lao động, và các nguồn lực dùng để sản xuất túi nhựa có thể được sử dụng để tạo ra một loại hàng hoá nào đó khác. Làm thế nào một người biết được là dùng những nguồn lực này để sản xuất túi rác hay một sản phẩm nào đó khác thì tốt hơn? Câu trả lời nằm trong cụm từ ma thuật "lợi nhuận". Bởi lợi nhuận đơn giản chỉ ra rằng mọi người muốn những chiếc túi nhựa đựng rác dùng một lần hơn là, chẳng hạn, dép nhựa đi trong nhà! Công ty tạo ra lợi nhuận lớn – trong một thị trường thực sự tự do – thực chất là công ty sử dụng các nguồn nguyên liệu, thời gian, nhân lực và trí tuệ theo cách thoả mãn nhu cầu của con người tốt hơn những cách thức mà sử dụng cùng những “đầu vào” như thế nhưng không tạo ra được sản phẩm thoả mãn nhu cầu của con người. Nguồn lực hữu hạn đang được phân bổ theo cách thức có trách nhiệm hơn để phục vụ con người.

Lời xin lỗi không cần thiết

"Xin lỗi" vì kiếm lợi nhuận là khoác vào mình chiếc áo giáp nặng nề của vua Saul. Khi đụng đến cụm từ “lợi nhuận”, những người ủng hộ tư tưởng tự do mang trong mình định kiến và nhầm lẫn về cuộc chiến đấu với Goliath. Họ không cần phải tự gò bó mình bằng cách mang theo gánh nặng không cần thiết. Họ cần phải giải thích lợi nhuận là gì và tại sao đó không phải là “điều xấu xa" theo một cách thức cẩn thận, chắc chắn, và không nôn nóng. Không còn cách nào khác.

David đã chiến thắng. Goliath hùng mạnh bọc trong chiếc áo giáp bằng đồng, bị đánh bại bởi một chàng trai trẻ mang theo 5 viên đá, một chiếc túi của người chăn cừu, và với niềm tin rằng mình đang dấn thân vào cuộc chiến đại diện cho "Chúa tể của muôn loài.”

Sự thật là sức mạnh, và nó sẽ thắng. Cuộc chiến thật không dễ dàng, nhưng sự thật thì chủ nghĩa xã hội đã thua cuộc rồi. Rất nhiều cuộc thử nghiệm của họ đã thất bại. Tuy vậy, tiếng nói của họ, giống như của Goliath, vẫn gầm vang như sấm sét, khiến cho nhiều người thót tim sợ hãi. Đây là một trận chiến đáng để chiến đấu, và những người bảo vệ tự do phải đối diện với nhiều khó khăn. Do vậy, người bảo vệ tự do phải dám nói “Không” với bộ áo giáp của vua Saul. Anh ta không cần phải khoác lên mình thứ khiến mình yếu thế đi. Anh ta không cần mang trên mình những gánh nặng mà mình quả thực không cần mang. Những cố vấn của anh ta, giống như vua Saul, “có ý tốt”. Nhưng như chàng trai trẻ David, anh ta cần cân nhắc cẩn thận.

"Đức vua Saul khoác lên David chiếc áo giáp của ông, rồi đặt một chiếc mũ đồng lên đầu anh, đưa anh tấm giáp che ngực để mặc, và cài chiếc gươm của mình lên phía trên chiếc áo giáp của David; nhưng… David nhận ra anh không thể bước được. ‘Tôi không thể cất bước với những thứ này’, anh nói với vua Saul... Rồi họ cùng cởi bỏ tất cả mọi thứ ra.”7

Chú thích

(1) J. Pavlevski. Economies et Sociétés (Journal of the Institute of Applied Sciences, Gevena, tháng 2,1969)

(2) J.F. Revel “The View from Paris”, Encounter (12/1980)

(3) L. von Mises, Bureaucracy (nhà xuất bản Libertarian in lại).

(4) A. Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nation (Random House, Modern Library), tr. 250.  

(5) A. N. Whitehead et al., Principia Mathemmatica, ba tập (Nhà xuất bản đại học Cambridge 1910 - 1913)

(6) L. von Mises, Human Action (Công ty Henry Regnery, tái bản lần thứ 3, 1986).

(7) Samuel, chương 17, tiết 38-39.

Nguồn: Trích chương 13 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 2/1983

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.