Kinh tế chính trị học về bất bình đẳng và tái phân phối ở Singapore (phần 1)

Kinh tế chính trị học về bất bình đẳng và tái phân phối ở Singapore (phần 1)

Thách thức do bất bình đẳng tạo ra

Chủ nghĩa tự do cổ điển được hình thành và phát triển từ sự hoài nghi về quyền lực nhà nước và niềm tin vào sự đa dạng thể chế chính trị. Về mặt logic, xã hội tự do cổ điển là xã hội đề cao sở hữu tư nhân, cho phép các cá nhân tự do theo đuổi dự định của riêng mình mà không cần sự chỉ đạo từ trung ương. Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển, nền kinh tế thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng tri thức cá nhân và đồng thời là nền kinh tế làm gia tăng phúc lợi và thịnh vượng. Thực vậy, kể từ khi chủ nghĩa tư bản toàn cầu mở rộng phạm vi vào thế kỷ 19, và tăng tốc sau Thế chiến thứ hai, nhiều nước đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên, do lo lắng về bất bình đẳng kinh tế-xã hội, nền kinh tế thị trường đã bị chỉ trích khắp toàn toàn cầu. Người ta e ngại rằng quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã để nhiều người lại phía sau. Cùng với sự phẫn nộ trước hệ thống kinh tế dường như bị thao túng nhằm làm lợi cho giới tinh hoa, người ta còn tin rằng trật tự tân tự do là không bền vững. Tâm thế này đã được thể hiện qua các cuộc biểu tình quy mô lớn, và việc tái tổ chức các hệ thống chính trị nhằm ủng hộ chủ nghĩa dân túy. Liên quan đến xu hướng này là quan điểm ủng hộ tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ trong giới trẻ, những người đã mất niềm tin vào kinh tế thị trường; và, tạp chí Economist đã khám phá ra điều mà họ cảm thấy đáng lo ngại: sự nổi lên của "những người theo chủ nghĩa xã hội thế hệ Y”.1

Quay trở lại đảo quốc Singapore, hiện tượng bất bình đẳng kinh tế-xã hội cũng đã được lưu tâm. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) bị chỉ trích vì đã không quan tâm đầy đủ đến sự chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo. Những người phê phán kêu gọi tiến hành thêm nữa các biện pháp trợ cấp và tái phân phối tích cực hơn, đẩy PAP về phía trung tả. Phần lớn xu hướng này do giới học giả và trí thức đại chúng khởi xướng, cảnh báo cần lưu tâm đến khía cạnh bất bình đẳng trong xây dựng chính sách. Những người tiêu biểu bao gồm Donald Low, Teo You Yenn, Yeoh Lam Keong và Kenneth Paul Tan, họ đã nêu lên những lo ngại về nền kinh tế tân tự do không bền vững và gia tăng sự phân chia giai cấp của Singapore.

Không phải ngẫu nhiên, các cuộc thảo luận về bất bình đẳng ở Singapore đều dẫn đến những khuyến nghị chính sách cổ xuý nhà nước cần thông qua một mức lương tối thiểu, tham gia nhiều hơn vào quá trình tái phân phối - qua các loại thuế tài sản, thuế vốn hoặc thuế thu nhập - và tăng chi tiêu xã hội, tất cả đều là các chính sách mang đặc trưng của tư tưởng cánh tả cấp tiến. Định hướng chính sách như vậy về cơ bản xa lạ với những mối quan ngại lâu nay của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) về nhà nước phúc lợi và sự ưu tiên lựa chọn xây dựng một xã hội để cao tính tự lực và tăng trưởng kinh tế.

Vì lẽ đó, chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc một số lập luận được đưa ra bởi những người phê phán hệ thống chính trị chính thống, đặc biệt là những người đã kêu gọi cần chú ý đến bất bình đẳng và ủng hộ các chính sách dân chủ xã hội. Donald Low - người điển hình ủng hộ tái phân phối thông qua nhà nước ở Singapore, đã nhiều lần chỉ ra tính cần thiết của thuế tài sản như một công cụ chính sách dựa trên các khuyến nghị của Thomas Piketty.2 Trong một bài luận quan trọng trong tác phẩm lớn của mình, ông đã phê phán điều mà ông gọi là bốn "huyễn tưởng" được chính phủ PAP liên tục vận dụng; những huyễn tưởng này ngăn cản Singapore thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết sang một nhà nước phúc lợi (Low & Vadaketh, pp . 17–30).

1. Bất bình đẳng là một nhân tố đi kèm cần thiết của quá trình vận động và cạnh tranh của nền kinh tế

2. Cách tốt nhất để giúp đỡ người nghèo là giúp đỡ người giàu

3. Bất bình đẳng thực sự không phải là vấn đề, miễn là không xuất hiện tình trạng nghèo đói cùng cực và thu nhập tiếp tục gia tăng trên diện rộng

4. Vì lương bổng gắn liền với khả năng làm việc, nên bất bình đẳng gia tăng đơn giản chỉ là kết quả của sự khác biệt ngày càng lớn về năng lực làm việc của người dân

Thông qua việc bác bỏ những huyễn tưởng này, Donald Low và các đồng nghiệp của ông tiến hành đề xuất một "nhà nước phúc lợi mở rộng hơn".3

Chủ nghĩa Tự do Cổ điển và Bất bình đẳng

Chương này liên quan đến cuộc thảo luận đang diễn ra về hiện tượng bất bình đẳng và xây dựng chính sách đối phó thích hợp. Tuy nhiên, chúng tôi tham gia vào cuộc luận đàm dưới góc độ quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển. Chúng tôi đưa ra các ví dụ và bằng chứng từ khắp mọi nơi trên thế giới, để đánh giá bản chất và mức độ nghiêm trọng của bất bình đẳng và đánh giá liệu chính sách xã hội dân chủ có hợp lý hay không. Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận mang tính toàn cầu này là cần thiết, bởi vì các nghiên cứu được thực hiện bởi các học giả nước ngoài, đặc biệt là của Thomas Piketty, có ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng mô hình phúc lợi kiểu Scandinavia đáng được mô phỏng ở Singapore.

Trong chương này, chúng tôi phản đối các khuyến nghị của những người ủng hộ dân chủ xã hội ở Singapore về một “nhà nước phúc lợi mở rộng hơn” và đưa ra các kết luận sau:

1. Phần lớn các cuộc thảo luận liên quan đến bất bình đẳng kinh tế-xã hội đã không làm rõ được sự khác biệt cơ bản giữa bất bình đẳng và nghèo đói; cái trước phản ánh sự chênh lệch tương đối giữa các tầng lớp, trong khi cái sau phản ánh mức sống tuyệt đối.

2. Sự nhầm lẫn đáng tiếc giữa bất bình đẳng và nghèo đói khiến chúng ta không thấy được tầm quan trọng của các chính sách tạo thuận lợi cho tăng trưởng, thứ tạo ra sự dịch chuyển thu nhập với cái giá phải trả là chênh lệch tương đối.

3. Tái phân phối thu nhập và của cải không phải là một ý kiến hay, nếu xét đến những hệ luỵ không mong muốn tại những nơi chính sách này đã từng được thử nghiệm.

Chúng tôi không cho rằng thị trường tự do, thể chế mà những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển ủng hộ, là không có vấn đề, và chúng tôi cũng không bảo vệ mù quáng, chỉ dựa trên niềm tin, đối với “chủ nghĩa tân tự do” như đã được áp dụng vào thực tiễn trên khắp thế giới. Chúng tôi thừa nhận rằng sự tập trung của cải và quyền lực vẫn tồn tại trên thế giới và nhiều hệ thống kinh tế vận hành không vì lợi ích của người dân bình thường. Thị trường thực sự là những cơ chế không hoàn hảo.

Ngược lại, mục đích của chúng tôi là làm rõ một số quan niệm chính yếu của kinh tế chính trị tự do cổ điển, điều đáng được suy ngẫm trong cuộc đàm luận về chính sách ở Singapore. Đây là những tư tưởng tinh tuý mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp người đọc, giới truyền thông, sinh viên sau đại học và thậm chí nhà hoạch định chính sách có thể hiểu được hiện tượng “bất bình đẳng” một cách kỹ lưỡng và đa dạng hơn, trước khi vội vàng đưa ra một loạt các chính sách đối phó.

Các nguyên lý mà chúng tôi giới thiệu từ ngành kinh tế chính trị như sau. Đầu tiên, chúng tôi chỉ ra sự khác biệt về khái niệm giữa nghèo đói và bất bình đẳng, và những nguy cơ của việc nhẫn lẫn giữa hai khái niệm này. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phân tích động, thay vì phân tích tĩnh, tức là tập trung vào sự dịch chuyển của thu nhập hơn là so sánh tại một thời điểm về sự khác biệt thu nhập. Chúng tôi cũng chỉ ra rằng quá trình phát sinh bất bình đẳng, dù là do trao đổi tự nguyện hay hành vi trục lợi, đều đáng lưu tâm như nhau, và quan trọng hơn hẳn so với bản thân mức độ thực tế của bất bình đẳng. Rất tiếc, những nguyên lý này không được thảo luận nhiều trong các cuộc đàm luận ở Singapore, nơi có một phe kêu gọi nhà nước áp dụng những biện pháp can thiệp mang tính quân bình chủ nghĩa và phe còn lại thì chống lại chúng.

Chú thích

1. The Economist. (14/02/2019). Millennial socialism. Truy cập tại: https://www.economist.com/leaders/2019/02/14/millennial-socialism

2. Daud, S. (21/02/2019). Economist Donald Low explains why wealth taxes are needed for a fairer society. Truy cập tại: https://mothership.sg/2019/02/donald-low-wealth-tax/; Low, D. (20/02/2019). The curious case of missing wealth taxes in Singapore. TODAY Online. Truy cập tại: https://www.todayonline.com/commentary/curious-case-missing-wealth-taxes-singapore; Low, D. (11/03/2019). Why Hong Kong and Singapore should tax wealth more. South China Morning Post. Truy cập tại: https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2189237/why-hong-kong-and-singapore-should-tax-wealth-more.

3.  Smith, C. J., Donaldson, J. A., Mudaliar, S., Kadir, M. M., & Lam, K. Y. (2015). A  handbook on inequality, poverty and unmet social needs in Singapore. Social Insight Research Series, 1–86. Truy cập tại:  https://ink.library.smu.edu.sg/cgi/viewcontent. cgi?article=1009&context=lien_reports.

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 6, World Scientific, 2020

Dịch giả:
Nguyễn Thị Phương Thảo
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung