Chính sách chống lại đại dịch trong một trang giấy

Chính sách chống lại đại dịch trong một trang giấy

Nếu có bất kỳ ai muốn biện hộ cho việc chính phủ độc quyền “lên kế hoạch tập trung” cho bất kỳ ngành công nghiệp hay dịch vụ nào (ở đây là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng trong thời đại dịch) thì cần phải đưa ra các lý lẽ hợp lý. Cho tới hiện nay, tôi vẫn chưa tìm ra được một luận điểm nào đủ mạnh để bênh vực cho việc chính quyền thực hiện những hành vi kiểm soát độc quyền trong thời đại dịch, cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm, chứ đừng nói tới việc phong tỏa, đóng cửa, cấm đi lại, và kiểm soát dân số. Không có bất cứ điều gì liên quan tới sự hiện diện của coronavirus, dẫu là nhẹ hay nặng, có thể che đi vấn đề của việc hoạch định tập trung một cách cưỡng bách.

Thực tế cho thấy, ta đều có thể đưa ra tất cả các lý do chính đáng giải thích vì sao kế hoạch tập trung không hề và không thể hiệu quả trong đại thể nền kinh tế trong trường hợp này, cùng với một vài lý do khác thứ vốn là đặc trưng của các bệnh dịch truyền nhiễm.

Dưới đây là một vài lý do.

1. Vấn đề Tri thức

Các nhà hoạch định kế hoạch tập trung cần phải sở hữu lượng tri thức gần như vô hạn liên quan đến nhu cầu của người tiêu dùng, các nguồn lực do các nhà sản xuất kiểm soát, mức giá, quá trình sản xuất, và vô vàn các yếu tố khác của từng thời gian và không gian cụ thể. Vấn đề tri thức được phát hiện bởi Hayek này khiến họ không thể và không bao giờ thực hiện được điều này, và dưới giác độ này thì họ cũng không có được các lí do hợp lẽ.

Các nhà hoạch định kế hoạch tập trung sức khỏe cộng đồng cần phải biết ai đang mắc bệnh, họ ở đâu, loại virus mà họ mắc là loại gì, các điều kiện thể chất khác của họ là gì, cơ sở y tế mà họ đến là đâu hành vi của họ sẽ thay đổi như thế nào khi họ biết họ mắc bệnh, tại sao mà họ mắc bệnh, làm sao để ngăn lây lan, và điều gì sẽ xảy ra với chủng virus nếu nó bị ngăn chặn (vì virus không chỉ đơn thuần là biến mất).

Cơn ác mộng mà chúng ta đang chứng kiến đã cho thấy, việc các nguồn thông tin một phần, không đầy đủ, thường mâu thuẫn nằm trong tay các nhà hoạch định kế hoạch tập trung cho sức khỏe cộng đồng trên khắp thế giới chính là lời cảnh tỉnh rằng, vấn đề tri thức ở đây là vốn di không thể vượt qua. Nó giống như những điều mà những người Stalinist hay Maoist đã từng phải đối mặt trong quá khứ.

2. Điểm yếu của các Mô hình Toán học

Các nhà hoạch định kế hoạch tập trung ôm một suy nghĩ viển vông rằng máy tính sẽ giải quyết vấn đề tri thức, hay ít nhất giải quyết ổn thoả núi dữ liệu khổng lồ mà chính quyền và các quản lý nhà nước đã tập hợp được. Đây là việc bất khả vì lượng tri thức quá khổng lồ (ngay cả đối với máy tính) và nó vẫn thay đổi chóng mặt hơn cả khả năng xử lý dữ liệu của các máy tính, và vì các mô hình mà máy tính đề ra đều có sai số và không (thực chất, là không thể) mô tả hoàn toàn cách nền kinh tế vận hành.

Trường hợp của các mô hình toán học mà nhà hoạch định tập trung cho sức khỏe cộng đồng dựa vào để đưa ra quyết định cũng hoàn toàn tương tự. Như mô hình của Imperial College London có một bảng thành tích tồi tệ gần 20 năm trước; các dự đoán của chúng có độ sai lệch vô cùng lớn, và thật ngạc nhiên rằng người ta vẫn dùng chúng làm cơ sở để đưa ra các quyết định quan trọng. Ngoạn mục thay cho khả năng của những người chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu của Mỹ và châu Âu, chưa kể tới những số liệu đầy man trá của Trung Quốc. Làm sao để ta biết (hay có thể biết) rằng liệu trong tương lai có nhà hoạch định tập trung nào làm tốt hơn không? Họ sẽ nghĩ ra (hay có thể nghĩ ra) một mô hình tốt hơn không? Tôi thì nói thẳng là cả triệu năm nữa cũng không có.

3. Vấn đề một giải pháp cho tất cả

Sự tồn tại của sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo, dân tộc, hành vi và khí hậu (Xin chào! Ở Úc đang là mùa hè và đây không phải mùa cúm đông khi tất cả mọi chuyện này bắt đầu) làm cho người ta không ngạc nhiên khi biết rằng giải pháp “một cho tất cả” không hiệu quả. Vậy mà các nhà hoạch định kế hoạch tập trung luôn ưu tiên chọn nó bởi vì nó là thứ dễ quản lý nhất. Nếu ai đó biện hộ rằng họ sẽ cho phép thử và thực hiện nhiều giải pháp mang tính cục bộ hơn thì nó sẽ không còn là kế hoạch mang tính “tập trung” hay là sự độc quyền của chính phủ (tập trung) nữa, phụ thuộc vào độ chi tiết mà bạn muốn nó phải thế.

Muốn cho giải pháp “chính phủ” hiệu quả, đâu là vùng địa lý tối ưu dành cho nó: “lục địa” (Mỹ hoặc châu Âu), quốc gia, tiểu bang, địa phương, thành phố (lớn hoặc nhỏ), vùng quê, khu phố, gia đình? Sự bộp chộp của vài tháng qua đã cho thấy cách rõ ràng rằng giải pháp hợp với quận Brooklyn tại New York chưa chắc hợp với vùng hồ ở Dunkirk cũng ở New York.

4. Vấn đề Chi phí và Phí tổn

Tương tự như bất kỳ nhà hoạch định kế hoạch tập trung nào, những đồng nghiệp của họ bên lĩnh vực sức khỏe cộng đồng cũng không biết phải dành bao nhiêu tiền vào khu vực nào, chi tiền cho những việc gì hoặc chi cho ai, chưa nói tới việc phải bắt đầu và dừng lại vào khi nào. Họ có thể nói những thứ chung chung như “phong toả” hoặc cách ly chỉ những ai có bệnh sẽ không tốn nhiều cho lắm, nhưng bất cứ thứ gì quá ngưỡng đều sẽ trở nên vô cùng phức tạp và bị chính trị hoá tới mức bất khả gánh vác. Tất tần tật các vấn đề thuộc địa hạt lựa chọn công (public choice) đều sẽ (và đã) xảy ra, như tham vọng chính trị của Cuomo, sự kiêu ngạo của Trump, danh tiếng của Fauci, các doanh nghiệp sản xuất thuốc, tỷ lệ người già bỏ phiếu cao lên, đời sống tình dục của Neil Ferguson, v.v. Còn đó là sự hoảng loạn vô căn cứ của người đời do giới truyền thông dòng chính ngu xuẩn, vô trách nhiệm đã thổi phồng lên thái quá.

5. Vấn đề về các Hậu quả không lường trước được

Các nhà hoạch định kế hoạch tập trung sức khoẻ cộng đồng sẽ thực hiện phân tích chi phí-lợi ích của các biện pháp mà họ đã đề xuất như thế nào? Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như họ rất sợ hãi tới nỗi khi nghĩ tới điều ấy một lần nữa, hoặc dẫu họ có nghĩ tới việc bắt đầu đi nữa (vốn là điều mà tôi nghi ngờ). Những nhà hoạch định thấy tuốt, biết tuốt sẽ phải cho thấy cái phương pháp đúng đắn và hợp lý để họ thực hiện điều này, mà tôi thì nghi đó là sự bất khả. Họ cũng phải tính toán việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm, tức là một số quan chức (do được bầu lên hay được chỉ định?) sẽ phải thực hiện một các phép tính cân đo phúc lợi của Bentham để xem người nào hay điều gì cấu thành “số lượng lớn nhất”, và “hạnh phúc lớn nhất” sẽ trông như thế nào.

Là một phần của phép tính, ta phải xét đến các ca phẫu thuật bị hoãn, các buổi khám bệnh y tế, các ca tử vong vì tự tử hay sử dụng ma túy quá liều, trầm cảm và do nạn đói ở các khu vực khác trên thế giới, chi phí kinh tế sâu xa của việc ngưng các doanh nghiệp hoạt động, sa thải, ép buộc cô lập, cấm di chuyển tự do, nợ bùng phát, khuếch trương tiền tệ và làm sai lệch hậu quả, “hiệu ứng ratchet” trong việc chính phủ gia tăng quyền lực, và các ảnh hưởng khác của kế hoạch.

6. Vấn đề trách nhiệm chính trị

Liệu các nhà hoạch định sức khỏe cộng đồng có phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến những sai lầm của mình không nếu chính phủ tạo thế độc quyền trong việc cung cấp sức khỏe cộng đồng? Nếu các mô hình tính toán về bệnh dịch của họ sai số, nếu các hậu quả khôn lường tồi tệ hơn bệnh tật (chi phí được tính bằng tiền và sinh mạng), liệu họ có thể hầu tòa, hay ít nhất bị bãi chức (nếu họ là quan chức được bầu lên)? Các chính phủ không giỏi trong việc nhận sai chưa kể không giỏi trong việc bồi thường cho những nạn nhân của các chính sách của họ.

7. Vấn đề Tự do Cá nhân

Tôi sẽ không nói nhiều mà khẳng định luôn là có. Với tôi nó đã quá rõ ràng rồi.

Nguồn: David Hart, Pandemic Policy in One Page, American Institute for Economic Research, 29/5/2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Dịch giả:
Đỗ Tiến Đức
Hiệu đính:
Nguyễn Việt Hải Triều