Cá nhân tự kiểm soát xã hội và cộng đồng (Phần 1)

Cá nhân tự kiểm soát xã hội và cộng đồng (Phần 1)

Làm thế nào mà những cá nhân tự kiểm soát phối hợp hành động với những người khác để tạo ra trật tự xã hội? Phải chăng con người sinh ra đã có sẵn trong mình sự tự kiểm soát, tự do và trách nhiệm, hay sự tự kiểm soát là thứ hình thành theo tiến trình lịch sử? Phải chăng sự tự kiểm soát đối với bất kì nền văn hóa nào đều có sự độc đáo riêng hay có lẽ rằng sự tự kiểm soát không thuộc về một vài nền văn hóa hay tôn giáo cụ thể nào? Xã hội học, kinh tế học, lịch sử và khoa học chính trị phản ánh cái cách mà tính cá nhân, sự tự kiểm soát và sự tự do liên quan đến nhau; trong khi đó rất nhiều nỗ lực để chứng minh sự liên quan đặc biệt giữa sự tự do và một nền văn hóa nào đó đã được thực hiện và thất bại ê chề. Các khái niệm, thực tiễn và các công cụ đều có lịch sử hình thành và phát triển của chúng, nhưng nó không đồng nghĩa với việc chỉ có những người kế thừa một số nền văn hóa nhất định nào đó mới có thể nắm lấy và hưởng lợi từ chúng. Tự do là một loại nhân quyền phổ quát và đi kèm với trách nhiệm phải tôn trọng sự tự do của những người khác. (Chú ý: Trong bài luận này, thuật ngữ chủ nghĩa tự do được sử dụng ở đây là chủ nghĩa tự do cổ điển).

Một số người khi nghĩ về các cá nhân tự kiểm soát thường liên tưởng đến hình ảnh của những con người khắc khổ, đơn độc, tách biệt mình khỏi xã hội hoặc của những người ích kỉ, từ chối mọi sự kết nối với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Những người đó bằng cảm tính đã cho rằng, những người có khả năng tự kiểm soát có lẽ căm ghét hoặc không thích hợp với việc tương tác với xã hội, khi mà trên thực tế, con người càng trở nên “xã hội” hơn và sự phức tạp của xã hội ngày càng lớn hơn thì càng nhiều cá nhân cấu thành nên xã hội đó thấy rằng bản thân mình cần phải rèn luyện và thực hành sự tự kiểm soát. Sự tương tác xã hội tạo ra sự khác biệt (hay sự cá thể hóa) ngày càng lớn hơn; chính vì thế khi trật tự xã hội ngày càng phức tạp thì khả năng để các thành viên trong xã hội khẳng định bản thân mình thông qua các hình thức phức tạp, giao nhau hay thậm chí chồng chéo nhau giữa gắn kết xã hội và căn tính cá nhân ngày càng lớn hơn.1

Tính cá nhân hay cá tính cũng có mối liên hệ mật thiết với nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình. Chúng ta “là chủ nhân ông” của những lựa chọn chúng ta đưa ra và hệ quả của chúng. John Locke căn cứ vào chính hệ giá trị đạo đức để đánh giá khả năng mỗi cá nhân tự kiểm soát được hành động của mình, cụ thể là:

Bất kì vật chất nào cấu thành cái sinh vật đang suy nghĩ đều là một phần của chính cái tôi hiện tại: Bất kỳ cái gì cấu thành cái tôi hiện tại nhờ một ý thức về những hành động đã xảy ra trước đó cũng đồng thời là một phần của chính cái tôi, vốn dĩ giống nhau cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Người, như chúng ta gọi, là cái tên của cái tôi này. Bất cứ ở đâu mà một Người tìm thấy cái mà anh ta gọi là chính mình, thì ở đó tôi nghĩ người khác có thể nói rằng đó là cùng một Người. Nó là một thuật ngữ pháp lý thích hợp để gắn các hành động với giá trị của chúng; do đó nó chỉ thuộc về các tác nhân có trí khôn có hiểu biết về Luật pháp và cảm nhận được sự hạnh phúc và sự khốn khổ. Nhân tính này mở rộng chính mình vượt ra khỏi trạng thái tồn tại ở thời hiện tại để vươn đến cái gọi là quá khứ chỉ bởi ý thức, theo đó nó trở nên có liên quan và có trách nhiệm, làm chủ nhân và gắn vào mình các hành động trong quá khứ của chính nó, ở cùng trên mặt bằng, vì cùng một lý do, với những hành động diễn ra ở hiện tại.2

Cái tôi không tồn tại trong khoảng khắc, tức thời hay trong nháy mắt để rồi bị thay thế bởi một cái tôi khác kế tiếp. Thay vào đó, “cái tôi” - “người”, “cá nhân” - tồn tại xuyên thời gian thông qua những trải nghiệm của chính nó. Quyền sở hữu không chỉ đơn thuần là một khái niệm có thể áp dụng cho những sự sở hữu về mặt vật chất; Bạn tự kiểm soát về những hành động của bạn, qua đó bạn trở thành con người mà bạn đang là và bạn có thể trở thành con người mà bạn muốn là. Nhà xã hội học Georg Simmel phân biệt giữa hai định nghĩa về cá tính: " cá tính theo nghĩa sự tự do và trách nhiệm đối với bản thân bắt nguồn từ một môi trường xã hội rộng lớn và linh động... Một định nghĩa khác về cá tính có tính định tính: nó có nghĩa là một con người đơn lẻ phân biệt anh ta với những người khác; có nghĩa là sự hiện hữu và cách cư xử của anh ta - về cả hình thức lẫn nội dung - phù hợp với chỉ riêng anh ta; và việc trở nên khác biệt mang một ý nghĩa và giá trị tích cực cho cuộc sống của anh ta”.3 Cả hai cách hiểu sẽ được triển khai, nhưng cũng được phân biệt kĩ hơn, trong tiểu luận này.

Chủ nghĩa cá nhân, như là một lý thuyết chính trị đúng đắn về mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa cá nhân và nhà nước, hầu như đối lập với “thuyết nguyên tử” (siêu hình) vốn cho rằng loài người tồn tại mà không cần tới sự kết nối xã hội, như các nguyên tử tách ra khỏi nhau một khoảng trống.4 Chủ nghĩa cá nhân bao hàm hai thứ: (i) thấu hiểu sự độc đáo của mỗi cá nhân và (ii) là lý thuyết luân lý về sự liên kết loài người dựa trên sự công nhận các đặc điểm chung đáng được tôn trọng, cụ thể là, quyền để mỗi người đưa ra những lựa chọn để làm chủ cuộc sống của chính họ.5

Sự cá thể hóa – tức là sự phát triển của cái tôi độc đáo đến độ ai đó có thể nói đó đúng là chính mình – đồng hành với sự phát triển của sự tự kiểm soát. Để một trật tự xã hội phức tạp có thể kết nối và hòa hợp ở qui mô lớn thì không cần thiết phải có nhiều hơn những hệ thống chỉ huy đầy quyền lực và đi vào mọi ngóc ngách, mà cần sự cá thể hóa và sự tự kiểm soát cá nhân ở mức độ cao hơn.6 Sự tự kiểm soát tốt hơn là cốt lõi của quá trình khai hóa văn minh. Trật tự xã hội càng phức tạp và khác biệt thì nhu cầu tương ứng về tự kiểm soát càng lớn. Diễn đạt theo cách khác, sự liên kết xã hội giữa một số lượng lớn con người càng lớn, như những đặc trưng của nền văn minh hiện đại chẳng hạn, chỉ có thể có được khi con người sở hữu và rèn luyện ngày càng tốt hơn khả năng tự kiểm soát. Lịch sử của sự khai hóa văn minh là lịch sử về sự chú tâm ngày càng nhiều hơn đến ảnh hưởng mà những hành động của chúng ta tạo ra với chính chúng ta và những người chúng ta tương tác – đó là một nhận thức đã trở thành thói quen.

Nhà xã hội học Norbert Elias tìm ra bằng chứng về sự tự kiểm soát tốt hơn thông qua việc nghiên cứu kĩ lưỡng các cuốn sách về nghi lễ và cách cư xử trong xã hội từ thế kỉ 13 đến thế kỉ 19. Và kết quả thật đáng ngạc nhiên vì những cuốn sách này khuyên răn những người trưởng thành tránh những hành vi mà ngày nay bị kinh tởm ngay cả với trẻ em; đấy là những bài học không hướng đến dạy cho người lớn (những người được giả định là đã được học nó), mà là cho các trẻ nhỏ.7 (Các ví dụ được lưu lại bao gồm không xì mũi vào tay và sau đó dùng tay để lấy bánh mỳ trong tô đựng bánh mỳ chung, hay không gặm xương và để phần bã lại trong đĩa đựng đồ ăn, không ngoáy mũi khi đang ăn, không xì mũi vào khăn trải bàn, nhỏ nước bọt lên trên bàn…) Hơn nữa, sự tương tác thông thường của con người thường gắn với những gì chúng ta cho là cực kỳ đáng sợ hay nguy hiểm, nhưng tại thời điểm đó lại được coi là bình thường và không đáng để chú ý.8

Không bộ óc nào có thể đưa ra những mệnh lệnh nhất thiết phải có để điều khiển tất cả các hành động mà một số lượng lớn người cần phải thực thi khi tham gia vào những công việc phức tạp sao cho các hành động của họ được kết hợp một cách hài hòa; các tướng lĩnh có thể chỉ huy quân đội như là một tổ chức, nhưng thường thì không một ai có thể chỉ huy xã hội với mức độ phức tạp lớn hơn rất nhiều so với các tổ chức và không gắn với bất kì một mục đích hay mục tiêu riêng lẻ nào cả, ngoại trừ vào kết quả của sự tương tác giữa rất nhiều người với những mục tiêu khác nhau. Những trật tự xã hội phức tạp chủ yếu phụ thuộc vào các quy tắc trừu tượng (tức những quy tắc không phụ thuộc vào bất kì mục đích, sở thích hay người cụ thể nào) và sự tuân thủ của những quy tắc trừu tượng đó đòi hỏi một mức độ tự kiểm soát cao, bởi những cá nhân có thể kiểm soát được những xúc động nhất thời (thường là có hại hoặc hiếu chiến) và điều chỉnh hành vi của họ để hành động phù hợp với những luật lệ mà mọi người đều tuân thủ. Theo Elia,

Bởi vì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người tăng lên cùng với sự phân công lao động ngày càng tăng, mọi người trở nên phụ thuộc vào người khác, thậm chí là những người thuộc tầng lớp thượng lưu cũng phải phụ thuộc vào những người thuộc tầng lớp thấp kém hơn. Tầng lớp tinh hoa trở nên bình đẳng với tầng lớp dưới họ đến nỗi mà họ, những con người có địa vị xã hội cao, có thể trải quả những cảm giác xấu hổ ngay cả khi có sự hiện diện của những người thuộc tầng lớp thấp hơn của họ. Điều này chỉ có trong sự liên kết khi mà tấm áo giáp của những sự tiết chế được thắt chặt tới độ những con người trong xã hội công nghiệp dân chủ dần dần coi là đương nhiên.9

Sự hợp tác và thịnh vượng trong hòa bình của xã hội không phụ thuộc vào chế độ độc tài mà vào sự tự do của những cá nhân tự kiểm soát để đưa ra những sự lựa chọn của riêng mình trong khuôn khổ những quy tắc chung có thể chấp nhận được, những quy tắc mà John Locke đề cập như là "Quyền tự do quyết định và định đoạt Con người, Hành động, Tư hữu và toàn bộ Tài sản của anh ta trong sự cho phép của luật pháp nơi sinh sống; và bởi vậy, anh ta không phải lệ thuộc vào Ý chí độc đoán của bất kì cá nhân nào, mà được tự do theo đuổi ý chí của riêng mình"10.

Các quy tắc giao thông cung cấp cho ta một ví dụ đơn giản và dễ năm bắt như sau: hàng triệu lái xe đến vô số điểm, với mục đích riêng của mình, nhưng một bộ quy tắc đơn giản và công bằng cho phép họ trong những điều kiện thông thường có thể đến những địa điểm và đạt được mục đích của mình mà không cần hướng dẫn chi tiết từ chính quyền.

Rất nhiều nhà tư tưởng khao khát những sự bảo đảm để cho mọi thứ luôn trở nên tốt đẹp và tin rằng "chỉ nếu khi có ai đó chịu trách nhiệm" hoặc "chỉ nếu khi có một bộ luật" thì mới có thể tránh được những lỗi lầm, sự yếu đuối, sự kém may mắn hay việc rơi vào bế tắc. Đó là một ý tưởng chết người. Sự tự kiểm soát đương nhiên không thể tạo ra kết quả hoàn hảo; không phải ai cũng thành công trong việc đạt được sự tự kiểm soát và hạnh phúc, thỉnh thoảng bởi những lỗi lầm của họ, và thỉnh thoảng bởi vì các yếu tố khách quan.11 Sự kết hợp tự nguyện của xã hội không bảo đảm hiệu quả hoàn hảo hoặc một kết quả tốt nhất có thể. Không có lập luận nào chống lại sự tự kiểm soát, bởi vì không hệ thổng kiểm soát của nhà nước nào, từ chế độ độc tài nhẹ nhàng đến tàn bạo nhất, đạt được thành công với những mục tiêu bề ngoài về một sự hài hòa xã hội tuyệt đối và hạnh phúc phổ quát. Việc tưởng tượng ra một kết quả hoàn hảo và sau đó tưởng tượng tiếp về một nhà độc tài nào có thể tạo ra nó là phi thực tế; cuộc sống không phải như vậy. Những kinh nghiệm cay đắng chỉ ra rằng thay thế sự tự kiểm soát bằng sự kiểm soát và điều khiển của nhà nước hiếm khi tạo ra các kết quả tích cực và nói chung là một cái vỏ bọc cho việc bóc lột dã man vì lợi ích của những người thực sự có quyền lực đối với những người còn lại.12

(Còn nữa)

Chú thích:

1."Các nhóm mà với chúng cá nhân được liên kết tạo thành một hệ thống như hệ thống tọa độ theo cái cách sao cho mỗi nhóm mới mà anh ta bắt đầu tạo sự liên kết sẽ giới hạn anh ta một cách chính xác và rõ ràng hơn. Để thuộc về bất kỳ một nhóm nào trong những nhóm này đòi hỏi sẽ phải đánh đổi một phần đáng kể của sự tự do. Tuy nhiên, số lượng các nhóm càng lớn thì việc người khác sẽ biểu hiện sự kết hợp tương tự của các sự liên kết nhóm càng khó có thể xảy ra, và những nhóm cụ thể này sẽ "giao nhau" lại một lần nữa [trong một cá thể thứ hai]”. Georg Simmel, “The Web of Group Affiliations” trong Conflict & The Web of Group Affiliations, dịch bởi Kurt H. Wolff và Reinhard Bendix (respectively) (New York: The Free Press, 1955), 140.

2. John Locke, An Essay Concerning Human Understanding, Peter H. Nidditch, ed. (1684; Oxford: Clarendon Press, 1975), Book II, chapter XXVII, § 26, 346.

3. Georg Simmel, “Group expansion and the Development of Individuality,” trong Georg Simmel, On Individuality and Social Forms, ed. Donald N. Levine (Chicago: University of Chicago Press, 1971), p. 271. cũng xem Karl Joachim Weintraub, The Value of the Individual: Self & Circumstance in Autobiography (Chicago: University of Chicago, 1978), xvii.

4. "Chủ nghĩa nguyên tử" đề cập đến lý thuyết về các nguyên tố chính (nguyên tử) ("ἄτομον") ("không thể chia cắt ra được"), đấy là các nguyên tố chuyển động trong chân không, được các triết gia cổ xưa tin rằng đó là những yếu tố đích thực để giải thích thế giới vật chất mà chúng ta trải nghiệm. Triết gia Charles Taylor đã cố gắng điều chỉnh thuật ngữ và gán nó cho chủ nghĩa cá nhân tự do (lưu ý rằng những người theo chủ nghĩa cá nhân tự do đã bác bỏ thuật ngữ mà "dường như được sử dụng hầu hết bởi những kẻ thù của [chủ nghĩa tự do]") và lập luận rằng để tin vào các quyền cá nhân cần phải có niềm tin vào một lý thuyết xã hội nguyên tử, cái "khẳng định sự tự cung tự cấp của cá nhân đơn lẻ." Đối với Taylor thì một người "thuộc về" một nhà nước nếu nhà nước đó ("một xã hội chính trị") là bối cảnh trong đó người đó có được năng lực trí tuệ và tinh thần và trở thành một chủ thể đạo đức. [Charles Taylor, “Atomism,” trong Charles Taylor, Philosophical Papers, Vol. 2: Philosophy and the Human Sciences (Cambridge: Cambridge University Press, 1985), 187–210]. Tuy nhiên, nếu các cá nhân là "nguyên tử", như Taylor khẳng định rằng những người theo chủ nghĩa cá nhân tự do tin vào điều đó, thì, như ai đó vui tính nói, không thể tránh được việc họ sẽ được tìm thấy giống như là các phân tử. Một mô tả chính xác hơn và ít nghi vấn hơn về sự hiểu biết của những người theo chủ nghĩa cá nhân tự do về mối quan hệ giữa các cá nhân và các nhóm được đưa ra bởi nhà nhân chủng học Ernest Gellner, người đã đề nghị sử dụng thuật ngữ mô–đun hóa để mô tả khả năng kết hợp giữa các mô-đun theo vô số cách thức khác nhau: "Có nhiều công ty sản xuất, quảng cáo, và tung ra thị trường các vật dụng có tính mô-đun hóa. Điểm mấu chốt của những vật dụng đó là ở chỗ chúng cấu thành từ những cấu kiện có khả năng kết nối với nhau: bạn có thể mua một cấu kiện với các chức năng nhất định, nhưng khi nhu cầu, thu nhập hoặc không gian sống của bạn tăng lên, bạn có thể mua thêm một cấu kiện khác để bổ sung chức năng. Nó sẽ ăn khớp với cái đã mua trước đây, và vật dụng tổng thể vẫn đạt được sự gắn kết, tính thẩm mỹ và kỹ thuật. Bạn có thể sắp đặt lại các cấu kiện đó theo ý muốn của mình . . . Cái mà Xã hội Dân thực thụ cần không phải là các vật dụng có tính mô-đun hóa, mà là những con người có tính mô-đun hóa." Ernest Gellner, Conditions of Liberty: Civil Society and Its Rivals (New York: Penguin Books, 1994), 97. (Đồ vật “có tính liên kết” mà Gellner đề cấp đến là thứ mà các bạn có thể tìm thấy tại các cửa hàng IKEA.)

5. John Benson kết hợp chúng lại trong lời tuyên bố về chủ nghĩa cá nhân: "mỗi cá nhân có trong mình một thứ gì đó xứng đáng được tôn trọng vì mỗi cá nhân đều có khả năng tạo ra một đóng góp tích cực cho xã hội, và (nếu người ta chấp nhận một quan điểm tôn giáo) có khả năng đạt được một số hình thức cứu rỗi và cuối cùng là tính trách nhiệm tôn trọng sự lựa chọn và những đặc điểm riêng biệt của người khác một cách tích cực, ngay cả khi họ khác biệt về địa vị với phần đa các cá nhân khác trong một xã hội”. John Benson, “Individualism and Conformity in Medieval Western Europe,” trong Individualism and Conformity in Classical Islam, Amin Banani và Speros Vryonis Jr. chủ biên (Wiesbaden: Otto Harrassowitz, 1977), 148.

6. Nhà xã hội học Norbert Elias đã tóm gọn lại như sau: "hình dạng và sự khác biệt đặc biệt của những chức năng tinh thần mà chúng ta gọi là "cá tính "chỉ đúng với người lớn lên trong một nhóm, một xã hội." “Với sự chuyên môn hóa đang lớn lên trong xã hội, lộ trình của mỗi cá nhân trên con đường trở thành một người có khả năng tự lực, tự quyết sẽ lâu hơn và phức tạp hơn. Các yêu cầu về sự tự kiểm soát có ý thức và vô thức của họ do đó cũng tăng theo.”  Norbert Elias, The Society of Individuals (New York: Continuum, 2001), 22, 124

7. Norbert Elias, The Civilizing Process (Oxford: Blackwell Publishing, 2000), esp. 47–182.

8. Xem cách đối xử với nạn bạo lực khủng khiếp trong quá khứ, một phần lấy cảm hứng từ việc đọc Elias, trong Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: A History of Violence and Humanity (London: Penguin Books, 2011), esp. 1–82.

9. Norbert Elias, The Civilizing Process, 117.

10. John Locke, Two Treatises of Government, Peter Laslett biên soạn (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), quyển 2, Chương VI, §57, 306. Như nhà sử học R. W. Southern chỉ ra rằng phần tồi tệ nhất của sự đàn áp không phải là sự phụ thuộc vào người khác, mà là phải sống dưới sức mạnh chuyên quyền. "Những gì mà mọi người sợ hãi và bất mãn trong chế độ nô lệ không phải là tính phụ thuộc mà là tính độc đoán của nó. Hận thù của việc bị cai trị, không phải bởi luật lệ, mà bằng ý chí, đã ăn sâu từ thời Trung Cổ... Khi thầy cãi ở thế kỷ XIII Bracton muốn tổng hợp các thuộc tính của chế độ nô lệ vào một câu duy nhất ông đã phát biểu “những người nô lệ là người mà ngày hôm nay sẽ không biết làm gì vào ngày mai” – đấy chính là sự phụ thuộc vào ý chí của người khác. Nếu đối chiếu với thực tế, định nghĩa này chẳng có giá trị gì: hầu hết những người nô lệ biết rất rõ những gì họ sẽ phải làm vào ngày mai, có lẽ tốt hơn các ông chủ của họ; nhưng ý tưởng về việc sống theo ý muốn của một người khác thì nằm ngoài sức tưởng tượng - nó thể hiện tốt hơn bất cứ điều gì khác về sự suy thoái của chế độ nô lệ. Ai có sự tự do càng lớn thì phạm vi của các hành động được luật pháp quy định càng lớn, còn những người ít tự do hơn sẽ bị ràng buộc bới ý chí của người khác. The Making of the Middle Ages (New Haven: Yale University Press, 1953), 107–108.

11. "Sự phát triển xã hội hướng tới mức độ cá nhân hóa cao hơn cho các thành viên mở ra con đường cho cả những hình thức làm tròn bổn phận lẫn sự bất mãn, các cơ hội có được hạnh phúc và sự mãn nguyện cho các cá nhân lẫn các hình thức bất hạnh và khó chịu. Cơ hội mà các cá nhân hiện nay phải tìm kiếm để đạt được những mong ước cá nhân của chính họ, và chủ yếu dựa trên quyết định của chính họ, mang theo nó một loại rủi ro cụ thể. Nó đòi hỏi không chỉ sự kiên định và khả năng dự đoán đáng kể mà còn liên tục đòi hỏi các cá nhân phải bỏ qua những cơ hội hạnh phúc trong ngắn hạn để hướng đến những mục tiêu lâu dài hứa hẹn sự thoả mãn trọn vẹn hơn, hoặc để dùng chúng như những động lực trong ngắn hạn. Đôi khi chúng có thể hòa giải được, đôi khi không. Người ta có thể đối mặt với rủi ro và có sự lựa chọn. Càng tự do lựa chọn nhiều hơn thì càng nhiều rủi ro đi kèm".  Norbert Elias, The Society of Individuals, 129. Elias lưu ý rằng quá trình này là có thể đảo ngược: "vì sự phát triển theo hướng này không phải là sự phát triển tự nhiên, cũng không bắt nguồn từ bản chất con người, do đó nó cũng có thể được đảo ngược. Các chuỗi dài những hành động cùng với sự phân chia các chức năng của chúng có thể thu hẹp một lần nữa.Kiểm soát hành vi trên phương diện xã hội và tâm lý có thể bị giảm bớt, không chỉ ở một số nơi nhất định, mà cả toàn bộ nhân loại," 134.

12. Những người ủng hộ sự kiểm soát của nhà nước thường khẳng định rằng tất cả các sản phẩm xuất phát từ hành động của nhà nước theo định nghĩa là hàng hoá công và cho rằng hàng hóa công chỉ có thể được sản xuất thông qua sự ép buộc, do đó đòi hỏi phải có sự hành động của nhà nước. Đó chỉ đơn giản là một sự lạm dụng ngôn từ. Hàng hóa có đặc trưng "công ích" có hai đặc điểm: việc tiêu dùng chúng là "không cạnh tranh", có nghĩa là, không giống như quả táo, nếu bạn nghe và do đó tiêu dùng một chương trình phát thanh, nó không làm giảm khả năng tôi nghe cũng chính các chương trình đó; Và chi phí của việc loại trừ, có nghĩa là các nguồn lực phải được sử dụng để loại trừ việc tiêu thụ hàng hóa đối với những người không trả tiền. Rõ ràng đấy không phải là tình huống mà tính công ích đòi hỏi sự cưỡng ép, điều này có thể thấy rõ ràng như trong trường hợp về phát thanh và truyền hình [hoặc rộng hơn là các nội dung âm thanh và video], khi mà ở nhiều quốc gia việc tiêu dùng loại hàng hóa này được tài trợ thông qua quảng cáo, phí thuê bao truyền hình cáp, truy cập trực tuyến v.v. Tham khảo một số nghiên cứu trường hợp tại Tyer Cowen, ed., The Theory of Market Failure (Fairfax, Va.: George Mason University Press, 1988). Tôi cũng tham khảo tài liệu lý thuyết về hàng hóa công và ứng dụng của nó cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông trong “Infrastructure: Public or Private,” in Tom G. Palmer, Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice (2nd ed.: Washington DC: Cato Institute, 2009), 485–494.
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thanh Nam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.