Cá nhân tự kiểm soát trong xã hội và cộng đồng (Phần 2)

Cá nhân tự kiểm soát trong xã hội và cộng đồng (Phần 2)

Huyền thoại về những cá nhân thuần duy lý

Quan điểm cho rằng cá nhân đơn độc có đầy đủ năng lực để đưa ra những quyết định duy lý khi “bước vào đời” để thu vén lợi ích cho chính mình là một câu chuyện huyền thoại, không có thật1. Việc con người cùng nhau đồng thuận về những quy tắc kiểm soát chính mình ngầm định rằng giữa họ phải có một tập hợp các mối quan hệ, đấy là chưa kể đến các chuẩn mực để các đồng thuận đó trở thành nền tảng phù hợp cho sự hợp tác xã hội. Không có những mối quan hệ hay chuẩn mực như vậy, họ không thể đàm phán hay thỏa thuận bất kì "hợp đồng" nào để lập nên "xã hội"2. Huyền thoại về những cá nhân đơn độc hành xử đạo đức và tạo ra các chuẩn mực thông qua thỏa thuận không chỉ chẳng giúp ích gì cho sự tiến bộ của sự tự kiểm soát cá nhân và của các trật tự chính trị và xã hội để bảo vệ sự tự do cá nhân, mà còn thực sự gây hại cho công cuộc thúc đẩy tự do, hạn chế quyền lực của chính phủ, và phát triển sự tự kiểm soát. Thật dễ dàng đưa ra các bằng chứng giả mạo để ủng hộ việc nhà nước kiểm soát cá nhân (đó là vì sao những nhà cầm quyền cố gắng kéo dài quan điểm đó bất cứ khi nào có thể), và nó khiến chúng ta hiểu lầm về bản chất của sự hợp tác tự nguyện trong các xã hội tự do. Hiển nhiên rằng các cá nhân đều phụ thuộc lẫn nhau không chỉ để tồn tại (quan tâm đến việc di chuyển bằng máy bay, xem phim hay nếu không thì cũng là tận hưởng sự xa xỉ tuyệt vời của thời hiện đại), nghĩa là nếu công chúng có thể bị thuyết phục một cách sai lầm rằng các cá nhân theo chủ nghĩa cá nhân tự do phủ nhận một số thứ rất hiển nhiên thì chủ nghĩa tự do hoàn toàn có thể bị coi như là thứ tư tưởng xuẩn ngốc. Các gia đình, bộ lạc, trường lớp, câu lạc bộ, đền chùa, làng mạc, thành phố và rất nhiều các thực thể xã hội khác hiển nhiên là thực sự cần cho việc truyền tải và vun đắp các giá trị, chuẩn mực, thói quen, ngôn ngữ và các yêu tố thuộc về nhân cách tạo nên con người chúng ta. Chủ nghĩa cá nhân tự nó là một sản phẩm của sự tương tác xã hội; loài người với các đặc điểm, sở thích, nhu cầu và khả năng cá nhân cực kỳ đa dạng có thể không tồn tại, và kém phong phú, nếu không có sự hợp tác xã hội, như các nhà khoa học xã hội về tự do cổ điển đã dạy chúng ta nhiều thế kỉ qua.

Nhà tư tưởng xã hội F.A Hayek nhấn mạnh rằng "chủ nghĩa cá nhân" không dựa trên ý tưởng cho rằng con người là một loài “có lý trí và trí tuệ cao", mà thay vì đó nhìn bản chất con người "như một loài rất phi lý trí và có khả năng mắc sai lầm, mà những lỗi lầm cá nhân này được hiệu chỉnh chỉ trong quá trình xã hội..."3. Mỗi một cá nhân bị giới hạn bởi kiến thức mà họ có thể có. Không có tâm trí nào có thể có sẵn tất cả những thông tin liên quan; trong thế giới của những con người có năng lực trí tuệ giới hạn và có thể mắc sai lầm xuất hiện những thể chế mà nhờ đó các cá nhân có thể chia sẻ thông tin ngay cả khi không nhận thức được sự tồn tại của những người mà họ đang tương tác. Hãy xem xét hiện tượng các mức giá cả; đấy là là một trong những công trình quan trọng nhất của Hayek trong kinh tế học, tập trung vào việc giá cả đóng vai trò trong việc cung cấp các gói thông tin giúp cho hàng triệu hàng tỷ người, với những sở thích khác nhau và thường không biết lẫn nhau, kết hợp các hành động của họ.4 Hayek tập trung vào những quy tắc liên tục tiến hóa mà nhờ chúng loài người phối hợp những hành động của họ mà không cần dựa vào một cơ quan hoạch định trung ương toàn trí toàn năng. Ông cũng không gắn "chủ nghĩa cá nhân thật" với những đặc trưng con người siêu việt như quyết đoán, sức mạnh, trí tuệ và quyền lực để khiến cho việc xây dựng kế hoạch xã hội mạch lạc bởi một lãnh đạo hay giới tinh hoa có trí tuệ và uyên bác trở nên khả thi, mà với năng lực khiêm tốn và những giới hạn trong tâm trí các cá nhân.5 Như nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt đã phát biểu rằng "Chúng ta phải thận trọng khi suy đoán về bất cứ năng lực duy lý nào của cá nhân... Chúng ta không kì vọng các cá nhân có khả năng đưa ra những lập luận tốt, cởi mở và với mục đích tìm kiếm sự thật, đặc biệt là khi có sự hiện diện của tính vị kỉ hoặc những mối quan tâm đến uy tín. Nhưng nếu các cá nhân được kết hợp với nhau một cách đúng cách, chẳng hạn như một vài cá nhân có thể sử dụng năng lực tư duy của mình để phủ nhận những yêu cầu của người khác, và tất cả các cá nhân cảm thấy cùng đẳng cấp hoặc cùng chia sẻ số phận để cho phép họ tương tác một cách dân chủ, ta có thể tạo ra một nhóm mà cuối cùng tạo ra những lý lẽ tốt, trở thành một tài sản đáng giá của hệ thống xã hội”.6

Hayek coi dòng tư tưởng chủ đạo, quan trọng của các nhà tư tưởng tự do cổ điển thời kì Khai sáng như là hạn chế những tổn hại mà các cá nhân có thể làm và làm tiêu biến những tham vọng áp đặt thứ thiên tài tự tung hô của họ lên xã hội: "Sẽ không quá đáng khi cho rằng tinh thần của chủ nghĩa cá nhân mà ông [Adam Smith] và đồng nghiệp của ông cổ vũ là một hệ thống mà những con người tồi có thể gây ra ít điều tồi tệ nhất. Nó là một hệ thống xã hội mà vai trò của nó không phụ thuộc vào việc tìm kiếm những con người tốt để vận hành nó, hoặc vào việc tất cả mọi người trở nên tốt hơn so với họ ngày hôm nay, đúng hơn, nó là một hệ thống sử dụng được hết mọi người với tất cả sự đa dạng và phức tạp vốn có của họ, có lúc tốt và có lúc xấu, đôi khi thông minh và thường xuyên ngốc nghếch”.7 (Sự thấu hiểu này không chỉ Smith có mà còn được chia sẻ bởi rất nhiều các nhân vật trong lịch sử của chủ nghĩa tự do như James Madison, Benjamin Constant, Frédéric Bastiat, và nhiều người khác).

Mỗi người đều là một cá nhân độc đáo (một mệnh đề tầm thường chẳng đáng để viết ra) và hầu hết mọi người (trừ các trường hợp bệnh lý ra) đều có thể thực hành quyền tự kiểm soát. Tuy nhiên một loạt các nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng, với mong muốn thâu tóm quyền lực ngày càng lớn hơn trong hệ thống nhà nước, lập luận rằng "tự do thực thụ" chỉ có thể được nhận ra thông qua việc từ bỏ tự kiểm soát và nâng cao sự kiểm soát của nhà nước. Một số khác, với tư tưởng ít cực đoan hơn, lập luận rằng các chuyên gia với hiểu biết siêu việt, có trí tuệ và tầm nhìn xa nên được trao quyền lực để kiểm soát các quyết định của toàn bộ phần còn lại của xã hội vì lợi ích của tất cả; đôi lúc họ biện hộ rằng việc trao quyền đó cho phép chúng ta nhận ra được một thứ tự do cao hơn, nhưng phổ biến hơn cả là việc họ lập luận rằng điều này là thỏa đáng căn cứ vào các nền tảng công lợi, bởi các chuyên gia có những kiến thức đặc biệt mà người thường (như bạn và tôi) thiếu.8 Đương nhiên các chuyên gia qua đào tạo thường biết nhiều hơn những người khác trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng thực tế đó còn rất xa để có thể tin rằng A) Các chính trị gia là những người có năng lực như vậy, B) Các chính trị gia có kĩ năng tốt hơn trong việc xác định được các chuyên gia có chuyên môn cao so với là những người phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hệ quả của những quyết định, dù tốt hay xấu, hoặc C) có một quyết định tốt nhất cho mọi người và do đó nên được áp đặt đồng loạt cho tất cả mọi người. (Có rất nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học về "lựa chọn công" ghi nhận những ảnh hưởng của những sự kì vọng quá mức như thế về khả năng ra quyết định của các chính trị gia, cũng như những động lực khuyến khích nghịch được tạo ra khi thay thế sự tự kiểm soát bằng sự kiểm soát nhà nước.9)

Có phải tự do và trách nhiệm cá nhân chỉ phù hợp với một vài nền văn hóa nhất định?

Cần loại bỏ những giả định về các cá nhân siêu duy lý cấu tạo nên xã hội từ ban đầu, nhưng còn những lập luận cho rằng quyền tự chủ và trách nhiệm cá nhân là những sản phẩm của một nền văn hóa riêng biệt và do đó bất kì tuyên bố nào liên quan đến trách nhiệm và tự do chỉ có ý nghĩa trong nền văn hóa đó thì sao? Lý lẽ đó thường được đưa ra như thể nó là điều hiển nhiên, không chút hồ nghi gì. Nhưng nó thực sự đáng nghi vấn bởi vì gần như chẳng có gì là hiển nhiên ở đây cả. Trong thực tế, đấy là một phát biểu sai và rất tai hại, vì nó được viện dẫn để biện minh cho sự áp đặt những đau khổ và bất công không thể đong đếm được. ("Họ không trân trọng giá trị tự do"; "Họ không có những tiêu chuẩn giống chúng ta như tôn trọng và quan tâm đến phụ nữ, trẻ em, và người dễ bị tổn thương"; "Họ không cảm thấy đau đớn hay mất mát như chúng ta.")

Trước khi bác bỏ tuyên bố cho rằng khả năng và quyền để cá nhân tự kiểm soát chỉ phù hợp với một nền văn hóa (hoặc chỉ ở những nền văn hóa đã tạo ra những niềm tin đó), thật đáng để nhìn nhận nó trong hình thức chung nhất của nó, cụ thể là, những ý tưởng sinh ra ở những cộng đồng bé nhỏ (carry litte flags) sẽ có sức ảnh hưởng hạn chế. Antoine Lavoisier, một trong những nhà hóa học tiên phong vĩ đại và là người phát hiện ra oxy, sinh ra tại Pháp và viết bằng tiếng Pháp. Một số người với khuynh hướng giới hạn việc áp dụng những ý tưởng chỉ cho nền văn hóa của họ kết luận rằng oxy (hoặc ít nhất là lý thuyết về oxy) không thể hữu dụng với con người sống ở các quốc gia khác hoặc nói các loại ngôn ngữ khác. Nhũng người Hàn Quốc và Canada (có lẽ ngoại trừ vùng Quebec) có thể không được viện dẫn lý thuyết về oxy, bởi vì khả năng áp dụng khái niệm này chỉ giới hạn trong thế giới nói tiếng Pháp. Kiểu lập luận tương tự cũng như vậy với tác dụng của số không trong toán học hay tác dụng của yoga như là phương pháp rèn luyện sức khỏe (Chỉ có người Hindu thôi, làm ơn!). Sự thật là không có lý do nào khiến cho một ý tưởng có một lịch sử, với những cái tên, nơi trốn và thời gian cụ thể, bị giới hạn khả năng áp dụng hay tính hữu ích của nó chỉ cho những người với những cái tên cụ thể, hoặc sống ở những nơi hay ở những khoảng thời gian nhất định nào đó.

Ý tưởng về sự tự do và tự kiểm soát cá nhân, thay vì là sự kiểm soát bởi những chủ nô, lãnh chúa, vua quan hoặc các chính trị gia đã có hình hài toàn diện nhất tại châu Âu và trong các xã hội có thể chế chính trị bắt nguồn từ châu Âu. Thuật ngữ cho triết lý được xây dựng xung quanh "tiền giả định về sự tự do" là chủ nghĩa tự do.10 (Bởi vì hoàn cảnh lịch sử đặc thù, thuật ngữ chủ nghĩa tự do mang một nghĩa khác ở Mỹ, nơi mà triết lý về sự tự do ngày nay được thể hiện dưới cái tên "chủ nghĩa tự do cổ điển"; thuật ngữ "chủ nghĩa tự do cá nhân" cũng được sử dụng, mặc dù nó thỉnh thoảng được dành cho các phiên bản cực đoan và nhất quán hơn của chủ nghĩa tự do.) Sự tự do do đó là nền tảng của chủ nghĩa tự do, nhưng phải chăng tự do chỉ là một ý tưởng độc đáo của "người châu Âu"? Hiển nhiên ý tưởng về sự tự định hướng và quyền tự do khỏi sự cưỡng bách không phải là không được biết đến trong các xã hội khác. Hơn nữa, ý tưởng của chủ nghĩa cá nhân tự do đã và đang lan rộng trên khắp thế giới, và những người ủng hộ chủ nghĩa tự do ngày nay có mặt ở mọi quốc gia (bao gồm cả Bắc Triều Tiên, Iran, Ả rập xê út và các nhà nước bạo ngược khác), ngay cả khi tiếng nói của họ có bị bịt chặt hoặc bị đàn áp bởi những kẻ chuyên chế không e ngại sử dụng các biện pháp bạo lực, qua bộ máy nhà nước hay qua các tổ chức quần chúng, hội đồng giám sát hoặc các loại tổ chức hình sự khác. Để chống lại chủ nghĩa tự do, người ta thường đưa ra lập luận rằng bởi những kẻ cai trị các quốc gia đó không chấp nhận ý tưởng về sự tự do cho người dân của họ, nên việc họ phủ nhận quyền tự do tôn giáo, thương mại, di chuyển hay diễn thuyết của người dân của họ là điều có thể biện minh được. Kết luận thực ra không phải như vậy. Lập luận trên dựa trên một giả định ngầm, cụ thể là, những người thực hiện quyền lực đại diện cho nguyện vọng và tâm tư của người dân, nhưng đấy là điều mà có lẽ không xảy ra trên thực tế; hoặc, người ta tiền giả định rằng đơn thuần là các bạo chúa trên thực tế chỉ thực thi quyền lực lên người dân của họ, nên có thể biện minh được việc họ thi triển tất cả quyền lực họ có, nhưng đấy không phải là một lập luận mà chỉ đơn thuần là một nhận định. (Tiền đề "Những người đó không tin vào tự do như chúng ta" và kết luận "do đó việc bắt giữ, tống giam hoặc trừng phạt họ vì không tuân lệnh những người lãnh đạo của họ là hợp lý" ngầm định rằng không chỉ kẻ cai trị mà cả các cá nhân hoặc các nhóm bị trừng phạt đều không tin hoặc đề cao sự tự do của chính họ. Điều này nói chung là không đúng. Nhưng ngay cả điều đó đúng đi chăng nữa thì tự nó không đủ để trở thành lý do áp bức họ; không chỉ những người ý thức một cách rõ ràng về sự tự do mới xứng đáng được hưởng tự do.11)

Cũng giống như việc yoga xuất phát từ Ấn Độ không có nghĩa là không có một ai khác có thể học và thực hành nó, thực tế là có việc lý thuyết về quyền tự kiểm soát được một số cộng đồng thể hiện ra một cách rõ ràng và sớm hơn những cộng đồng khác, hoặc có hiện tượng những cộng đồng sau tiếp nhận áp dụng một số ý tưởng về những quyền này từ những cộng động trước, và điều này hàm ý rằng không có giới hạn đối với việc ứng dụng các ý tưởng chỉ cho những hậu duệ của những người khởi tạo ra chúng.

(Còn nữa)

Chú thích:

210. Một cá nhân chỉ có thể lựa chọn nếu người đó có một tâm trí và thậm chí cả sự xuất hiện của tâm trí đòi hỏi sự tương tác xã hội. Tâm trí bản thân nó là sản phẩm của sự tiến hóa và sự tiến hóa đó diễn ra thông qua sự tương tác xã hội. "Tâm trí giống như sản phẩm của môi trường xã hội mà trong đó nó phát triển; nó không được tạo ra giống như một cái gì đó tác động trở lại và làm thay đổi các thể chế này. Đó là kết quả của con người phát triển trong xã hội và có được những thói quen và lối hành xử làm tăng cơ hội tồn tại của cộng đồng mà anh sống trong đó. Quan niệm về một tâm trí đã phát triển hoàn chỉnh đứng ra thiết kế các thể chế làm cho cuộc sống trong xã hội tồn tại được là quan niệm trái ngược với tất cả những gì chúng ta biết về sự tiến hoá của con người. "F. A. Hayek, Law, Legislation, and Liberty: Vol. I, Rules and Order (Chicago: University of Chicago Press, 1973), 17.

211. Norbert Elias, The Society of Individuals, 14–16. Jean Hampton phân biệt "thuyết hợp đồng nhà nước" với "thuyết hợp đồng luân lý" trong bài luận "Two Faces of Contractarian Thought", trong Peter Vallentyne, ed., Contractarianism and Rational Choice (Cambridge, 1991), 31–55. Thuyết hợp đồng luân lý, tức sự thỏa thuận về các quy tắc và chuẩn mực nền tảng, không nhất quán bởi vì nó đòi hỏi các chuẩn mực đối với các thỏa thuận về cấu trúc. Trong quá khứ, thuyết hợp đồng không được thuyết phục cho lắm khi khi áp dụng vào các nhà nước thực tế, nhưng hình thức chung của nó có thể hợp lý trong việc hình thành các tổ chức tự nguyện thực thi pháp luật và tạo ra luật pháp, đó là những cái được tạo ra bằng hợp đồng, bao gồm các hội quản lý chung cư, hiệp hội xét xử, hiệp hội chăn nuôi gia súc, các trại khai thác mỏ, sở giao dịch chứng khoán, ngân hàng thanh toán bù trừ, hiệp hội khu phố, câu lạc bộ làm vườn và nhiều cơ quan khác cung cấp và thực thi các quy tắc. Nhiều luật đương đại xuất hiện không phải từ mệnh lệnh hoặc sắc lệnh của các ông hoàng hay tổng thống, mà từ những người dân thông qua quá trình giải quyết tranh chấp và tạo ra trật tự trong hòa bình. Xem một ví dụ có liên quan Leon Trakman, The Law Merchant: The Evolution of Commercial Law (Littleton, Colorado: Fred B. Rothman & Co., 1983). Một số ví dụ gần đây trong lịch sử Hoa Kỳ, xem Robert Ellickson, Order Without Law: How Neighbors Settle Disputes (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1994) và Terry Anderson and P. J. Hill, The Not So Wild, Wild West: Property Rights on the Frontier (Stanford: Stanford University Press, 2004).

212.    “Individualism: True and False,” trong F. A. Hayek, Individualism and Economic Order (Chicago: University of Chicago Press, 1948), 8–9.

213.    Xem F. A. Hayek, “The Use of Knowledge in Society,” American Economic Review, XXXV, No. 4; September, 1945, 519–30; xem online tại http://www.econlib.org/ library/Essays/hykKnw1.html.

214. "Từ nhận thức về những hạn chế của tri thức cá nhân và từ thực tế là không ai hoặc một nhóm nhỏ người nào có thể biết đầy đủ về cái mà một ai đó biết, chủ nghĩa cá nhân chân chính cũng đưa ra kết luận thiết thực chủ đạo của nó là: sự đòi hỏi về hạn chế chặt chẽ tất cả các loại quyền lực độc đoán hoặc quyền lực cưỡng bức. Tuy vậy, nó chỉ chống lại việc sử dụng sự cưỡng bức trong việc hình thành tổ chức hay hiệp hội chứ không chống lại bản thân hiêp hội như nó hiện hữu. Thay vì trở thành đối nghịch với hiệp hội tự nguyện thì ngược lại, kho tàng của người theo chủ nghĩa cá nhân chân chính dựa trên luận điểm cho rằng hầu hết những điều mà theo ý kiến của nhiều người là chỉ có thể đạt được thông qau sự dẫn dắt có chủ đích lại có thể đạt được tốt hơn nhờ sự hợp tác tự nguyên và tự phát bởi các cá nhân." F. A. Hayek, “Individualism: True and False,”16.

215.    Jonathan Haidt, The Righteous Mind: Why Good People Are Divided by Politics and Religion (New York: Penguin Books, 2012), 105

216.  F. A. Hayek, “Individualism: True and False,” 12. James Madison đã lập luận chống lại sự phụ thuộc vào "các chính khách khai sáng" trong việc thiết kế các thể chế, "Thật vô nghĩa khi nói rằng các chính khách khai sáng sẽ có thể điều chỉnh những lợi ích xung đột và hoàn toàn phục tùng cho lợi ích công cộng. Các chính khách khai sáng sẽ không phải lúc nào cũng là người điều khiển, và trong nhiều trường hợp, có thể thực hiện được việc điều chỉnh mà không cần phải cân nhắc đến những lợi ích gián tiếp và xa xôi khác, và điều này hiếm khi chiếm ưu thế đối với lợi ích tức thời mà một bên có thể tìm thấy trong việc không coi trọng quyền của người khác, hoặc lợi ích toàn thể." “Federalist Number 10,” The Federalist: The Gideon Edition, by Alexander Hamilton, John Jay, and James Madison (Indianapolis: Liberty Fund, 2001), 45.

217. Về cách xử lý tội phạm mang tính khai sáng được thực hiện bởi những "người tiến bộ", những người thực hiện tôn chỉ chuyên môn một cách xuất sắc, xem Thomas C. Leonard, Illiberal Reformers: Race, Eugenics, and American Economics in the Progressive Era (Princeton: Princeton University Press, 2016).

218. Về một bài giới thiệu ngắn và rất dễ đọc cho chủ đề này, xem Eamonn Butler, Public Choice—A Primer (London: Institute of Economic Affairs, 2012), bản online miễn phí xem tại http://www.iea.org.uk/publications/research/public-choice-a-primer.

219. Viết về chủ nghĩa tự do một cách dễ hiểu và hữu ích, xem  George H. Smith, The System of Liberty: Themes in the History of Classical Liberalism (Cambridge: Cambridge University Press, 2013).

220. Thuần túy nắm giữ quyền lực không biện minh được cho việc thực hiện nó, nhưng việc thiếu lý do biện minh cho chế độ chuyên chế cũng không phải là cái cớ hợp lý để các quốc gia khác, tự do hơn, phát động chiến tranh để loại bỏ bạo lực. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc theo đuổi cuộc chiến "nhân đạo" như vậy không có gì là hứa hẹn.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

 

 

 

Dịch giả:
Phạm Thanh Nam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.