Vấn đề chi phí bảo vệ môi trường

Vấn đề chi phí bảo vệ môi trường

Người ta thường tin rằng các nhà kinh tế học không để tâm nhiều đến môi trường bởi họ còn bận quan tâm đến tiền, thị trường và của cải vật chất. Và khi các nhà kinh tế học cân nhắc đến các biện pháp bảo vệ môi trường, họ nhấn mạnh đến lợi ích và chi phí, đồng thời cố gắng thể hiện mọi giá trị bằng tiền. Quan điểm này được Jack Turner, nhà triết học và nhà leo núi, bày tỏ một cách đầy oán giận. Ông cũng chỉ trích cách tiếp cận của các nhà kinh tế học đối với môi trường “[sặc mùi] nhạo báng – như thể khi không thuyết phục, ve vãn được con tim thì người ta sẽ dùng tiền. [Các nhà kinh tế học] nghĩ rằng họ đang duy lý; Tôi nghĩ rằng họ coi Mẹ Thiên nhiên như một nhà thổ.”1 Mặc dù bình luận của Turner gay gắt hơn phần đông, song nó quả là đại diện cho rất nhiều quan điểm cho rằng các nhà kinh tế học vô cảm với môi trường.

Sự thật là, các nhà kinh tế học cũng quan tâm đến chất lượng môi trường như hầu hết mọi người, và thậm chí có thể còn hơn thế. Tất cả những người có hiểu biết đều coi trọng chất lượng của môi trường tự nhiên, muốn duy trì và cải thiện chất lượng đó. Các nhà kinh tế học còn suy nghĩ về nguồn gốc của các vấn đề về môi trường nhiều hơn hầu hết mọi người, và đã phát triển những phân tích quan trọng về cách để giải quyết chúng. Thật không may, những người không phải nhà kinh tế học rất dễ hiểu nhầm cách tiếp cận kinh tế để bảo vệ môi trường, dẫn đến việc đánh giá thấp tác động của những cách tiếp cận đó cùng những trăn trở thật sự về môi trường của các nhà kinh tế.

Phản ứng điển hình với ô nhiễm là đổ lỗi cho lòng tham của những người đặt lợi nhuận lên trên việc bảo vệ môi trường và kêu gọi chính quyền chấm dứt điều đó. Quan điểm của những nhà kinh tế học hoàn toàn khác. Họ không mặc định rằng ô nhiễm luôn là một vấn đề cần giải pháp. Khi kết luận rằng ô nhiễm là một vấn đề cần giải quyết, họ hiếm khi đề xuất rằng chính phủ phải yêu cầu chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm. Cuối cùng, các nhà kinh tế học coi việc đổ lỗi tư lợi vì gây ô nhiễm là không hiệu quả, nếu không muốn nói là hết sức ngớ ngẩn.

Vì sự khan hiếm nên việc cố gắng loại bỏ mọi tác hại do ô nhiễm gây ra là vô nghĩa. Việc loại bỏ ô nhiễm chắc chắn là tốt, nhưng giảm ô nhiễm luôn đòi hỏi phải làm ít hơn những điều mà chúng ta mong muốn, và rất lâu trước khi chúng ta giảm tác hại ô nhiễm về 0, lợi ích cận biên sẽ nhỏ hơn chi phí cận biên. Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, việc giảm ô nhiễm là đáng mong muốn. Mặc dù mọi người hiếm khi thống nhất về việc nên giảm bao nhiêu, nhưng họ nên thừa nhận rằng bất kỳ mức giảm nào cũng phải đạt được ở mức càng ít tốn kém càng tốt – tại mức hy sinh giá trị ít nhất có thể. Nhưng để một cơ quan chính phủ ra lệnh cho những người gây ô nhiễm giảm ô nhiễm là cách tốn kém nhất để bảo vệ môi trường. Các nhà kinh tế thấy rằng việc đổ lỗi cho tư lợi gây ô nhiễm không đem lại ích lợi gì, bởi điều đó dẫn đến việc giảm ô nhiễm không hiệu quả. Thật vậy, cách tiết kiệm nhất để giảm thiểu ô nhiễm là tận dụng tư lợi.

Trong bài viết này, tôi sẽ bắt đầu thảo luận về cách thức mà các khái niệm khan hiếm và học thuyết cận biên (marginalism) hé lộ những phân tích quan trọng về vấn đề ô nhiễm và cách tốt nhất để giải quyết nó.

Đánh đổi giữa các hoạt động bảo vệ môi trường

Có rất ít điều có thể chọc tức những người tỏ ra đặc biệt quan tâm đến môi trường hơn việc các nhà kinh tế khăng khăng xem xét chi phí giảm ô nhiễm. Môi trường được cho là quá quan trọng để chỉ được coi như một loại hàng hóa khác, vì vậy xem xét chi phí đơn giản là không phù hợp. Ô nhiễm có hại, bất kể với chi phí nào. Tùy vào tâm trạng mà các nhà kinh tế học nhận thấy những bình luận này thật hài hước hoặc đáng thất vọng. Môi trường quan trọng, nhưng nếu bỏ qua các chi phí bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ đưa ra những chính sách môi trường ngớ ngẩn. Điều này đúng ngay cả khi chất lượng môi trường là thứ duy nhất mà chúng ta quan tâm, vì bảo vệ môi trường ở khía cạnh này đòi hỏi phải hy sinh ở khía cạnh khác. Hãy xem xét một số ví dụ sau.

Các nhà bảo vệ môi trường muốn bảo vệ và mở rộng các vùng đất ngập nước, đây là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật. Họ cũng lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu được cho là do phát thải khí nhà kính. Nhưng các vùng đất ngập nước là một trong những nguồn tạo ra khí mê-tan lớn nhất, một loại khí nhà kính chính. Vì vậy, cái giá phải trả cho việc mở rộng các vùng đất ngập nước là thải ra nhiều khí nhà kính hơn. Đây có phải là một chi phí mà các nhà môi trường nghĩ rằng chúng ta nên bỏ qua?

Các nhà bảo vệ môi trường cũng muốn cứu đất rừng và loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong nông nghiệp. Việc ngăn chặn nạn đói ở các nước nghèo mà không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học sẽ đòi hỏi phải chặt bỏ hàng triệu mẫu2 cây cối để lấy đất sử dụng trong nông nghiệp. Vì vậy, cái giá phải trả để giảm thuốc trừ sâu hóa học và phân bón là mất đi nhiều cây hơn. Cuối cùng, và tổng quát hơn, vì các chất thải phải đi đâu đó, nên chi phí để giảm ô nhiễm nước là sự gia tăng ô nhiễm không khí hoặc tăng số lượng các bãi rác thải.

Những chi phí này là kết quả trực tiếp của sự khan hiếm và đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với một số câu hỏi hóc búa. Bảo vệ các vùng đất ngập nước có quan trọng hơn việc ngăn chặn nóng lên toàn cầu không? Có phải việc bảo vệ sông, hồ và đại dương khỏi dòng chảy phân bón hóa học quan trọng hơn việc duy trì rừng (vốn hấp thụ CO2, một loại khí nhà kính khác)? Không khí sạch hay nước sạch có giá trị hơn? Các nhà bảo vệ môi trường thích lập luận rằng các mối quan tâm về môi trường quan trọng hơn bất cứ điều gì, song họ không thể lập luận rằng mối quan tâm về môi trường này quan trọng hơn mối quan tâm về môi trường khác.

Có một cách để giải quyết những câu hỏi này đó là chấp nhận một số hiểu biết từ kinh tế học.

Cách hợp lý duy nhất để xác định xem không khí sạch có giá trị hơn hay ít hơn nước sạch là so sánh cận biên.

Nếu nước cực kỳ bẩn (nhiễm khuẩn từng giọt) và không khí cực kỳ sạch, thì giá trị cận biên của nước sạch (giá trị của sự cải thiện chất lượng nước) lớn hơn giá trị cận biên của không khí sạch (giá trị của sự cải thiện chất lượng không khí). Trong trường hợp này, việc cải thiện chất lượng nước là hợp lý mặc dù chi phí là giảm chất lượng không khí. Và việc cải thiện chất lượng nước nên được tiếp tục đến khi nào giá trị cận biên của nước sạch vẫn lớn hơn chi phí cận biên của không khí bẩn.3

Những ai đã đọc bài viết tháng 1 của tôi sẽ nhận ra đây là một ví dụ về cân bằng cận biên (equating at the margin): làm tốt nhất có thể bằng cách không làm gì hoặc bằng cách làm những gì có thể.

Chỉ khi chấp nhận nguyên tắc cận biên này, chúng ta mới có cách giải quyết phù hợp cho sự đánh đổi mà sự khan hiếm buộc chúng ta phải đương đầu. Như tôi sẽ thảo luận vào tháng tới, hàm ý của việc vận dụng cân bằng cận biên đối với các chính sách môi trường là quá đúng đắn để một số nhà bảo vệ môi trường có thể cảm thấy thoải mái.

Chú thích:

(1) Xem Jack Turner, “Economic Nature,” trong Deborah Clow and Donald Snow, eds., Northern Lights: A Selection of New Writing from the American West (New York, Vintage Books, 1994), p. 121.

(2) 1 mẫu Anh tương đương 40% 1 hecta

(3) Giả định rằng chi phí duy nhất của việc cải thiện chất lượng nước là chất lượng không khí giảm. Nói chính xác hơn, chất lượng không khí nên được cải thiện cho đến khi giá trị cận biên của việc này bằng với chi phí cận biên, tại điểm này chi phí phản ánh tất cả giá trị phải hy sinh, không chỉ giá trị chất lượng không khí.

Nguồn: Dwight R. Lee, The Problem of Environmental Protection, FEE, 18/7/2018

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh