Tự Do Bất Khả Phân

Tự Do Bất Khả Phân

Hầu như tất cả mọi người đều vì tự do. Ít nhất là họ nói họ vì tự do. Các chính trị gia hùng hồn khi nói về các quyền tự do của nước Mỹ nói chung. Không khó để tìm thấy những người ủng hộ tự do ngôn luận và tự do dân sự. Những người ủng hộ mạnh mẽ nhất nhanh chóng đứng lên chống lại mối đe dọa đối với quyền riêng tư cá nhân. Và hầu hết mọi người bằng trực giác hiểu rằng những quyết định cá nhân và gia đình có tính cách riêng tư không thuộc về chính quyền.

Nhưng khi nói đến tự do kinh tế, rất nhiều người đột nhiên thay đổi thái độ của họ. Cứ như thể tự do kinh tế không được tính đến. Thật vậy, khía cạnh này của tự do dường như đứng một mình, và dễ bị thương tổn trước quy định và kiểm soát của nhà nước. Một số trong đó – những người tuyên bố một cách nhiệt thành sự  ủng hộ của họ đối với tự do – biến mất, khi quyền sở hữu, hoạt động kinh doanh, hoặc tự do của hợp đồng bị tấn công.

Quản lý cuộc sống của bạn thông qua ví tiền của bạn

Ngày nay, Quốc hội và các cơ quan lập pháp nhà nước quá bận rộn để tạo ra những cách thức mới hầu quản lý cuộc sống của người dân. Một số trong các điều luật có màu sắc dân chủ đó đang nhắm vào cả hai lãnh vực cá nhân và kinh tế của chúng ta. Ví dụ, “cải cách y tế trao cho chính quyền liên bang quyền kiểm soát nhiều hơn trong các quyết định y tế của cá nhân, cũng như cách thức chúng ta phải trả tiền cho các quyết định này như thế nào.

Vì vậy, phần lớn những gì các nhà lập pháp  làm là thao túng nền kinh tế. Họ đưa ra lý do cao thượng để biện minh, như để tạo ra công ăn việc làm, để đảm bảo sự công bằng, để xóa đói giảm nghèo. Điểm mấu chốt là gần như tất cả mọi thứ họ làm đều khiến cho chính quyền vi phạm quyền tự do kinh tế.

Những người đưa ra những luật lệ này hiếm khi thừa nhận họ đang hủy bỏ tự do của bất cứ ai. Thường thì họ tự xưng là bảo vệ người tiêu dùng. Trên thực tế, giới tinh hoa chính trị đã tạo ra hai loại tự do: tự do trọng yếu và tự do kinh tế. Nếu vấn đề là về tự do chỉ trích chính phủ, quan hệ tình dục, lựa chọn bạn đời, hoặc giữ kín cuộc sống cá nhân, hầu hết chính trị gia ít nhất nói rằng các quyền tự do này là đủ quan trọng để bảo vệ. Một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc can thiệp vào nền kinh tế lập luận rằng các quyền tự do cá nhân là cơ bản, xứng đáng được tôn trọng.

Ngược lại, nếu bạn đang quyết định thành lập doanh nghiệp gì, lựa chọn nghề gì, làm việc ở đâu, kiếm tiền bao nhiêu, làm việc vào giờ nào, quảng cáo ở đâu, sản xuất sản phẩm gì, thuê ai, và tiêu tiền như thế nào – thì những người cầm quyền xem các quyền tự do này là ít quan trọng hơn. Họ cho rằng, chính quyền không những được phép điều chỉnh các hoạt động thương mại khác nhau, mà còn nên làm như vậy nữa.

Hướng tới những mục tiêu cao hơn

Đối với hầu hết mọi người, quyền phản đối dường như cao cả hơn so với việc điều hành một doanh nghiệp hoặc kiếm sống. Tương phản với điều đó, hoạt động kinh tế có vẻ trần tục. Chọn bạn đời và quan hệ tình dục mang tính cá nhân hơn là mua một sản phẩm hoặc thuê một nhân viên. Và khả năng giữ kín cuộc sống riêng tư của một người chính là để bảo vệ cái phần “người” của một con người. [Trong khi đó,] mua và bán trên thị trường đối với nhiều người lại là chuyện thông thường.

Nhưng tự do kinh tế quan trọng hơn những vẻ bề ngoài của nó nhiều. Chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ những mưu cầu “cao hơn” mà qua đó  ta thực hiện các quyền tự do cá nhân và chính trị. Nhưng có lẽ không có gì căn bản hơn so với tự do cải thiện cuộc sống của chúng ta và chăm sóc cho bản thân và gia đình của chúng ta theo cách thức chúng ta thấy phù hợp.

Trong suốt thế kỷ 20, chúng ta đã trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu tự do kinh tế có mang lại sự thịnh vượng kinh tế hay không. Nếu bạn mong muốn một tương lai tốt hơn, thì bạn cần có tự do kinh tế.

Nhưng sự tự do kinh tế mang lại nhiều điều khác hơn là tiền bạc. Hầu hết mọi người xem công việc như là một kết quả tự nhiên của mình. Nó tạo ra thị trường mở, tưởng thưởng cho tính lương thiện, làm việc chăm chỉ, sáng tạo, cảm hứng, cũng như các đức tính thầm lặng khác. Tự do kinh tế cũng là một cơ hội để nâng cao niềm tin của chúng ta, để đạt được thành công, để mưu cầu hạnh phúc, và để phát triển như một con người. Chắc hẳn bạn sẽ sử dụng các thành quả lao động của mình để đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ các mục tiêu tốt đẹp, hoặc đầu tư có hiệu quả cho mình chứ?

Thật vậy, khi bạn tốt nghiệp đại học, quyền tự do quan trọng nhất có lẽ là quyền được làm việc, để kiếm tiền và tiết kiệm. Các quyền tự do khác, chẳng hạn quyền bỏ phiếu hoặc phản đối, rõ ràng là quan trọng. Nhưng quyền tự do cấp thiết nhất liên quan đến việc lựa chọn một nghề nghiệp, hoặc ít nhất là có được một công việc. Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Bạn sẽ dành phần lớn cuộc sống của bạn cho điều gì? Bạn sẽ dành phần lớn thời giờ của bạn ở đâu? Trong [những sinh hoạt] kinh tế.

Tự do kinh tế cũng có tác động lan tỏa quan trọng. Tự do trong một lĩnh vực khuyến khích nó ở các lĩnh vực khác. Ví dụ, một đồng đô la bạn không kiếm được hoặc không thể giữ được là một đồng đô la bạn không thể chi cho một mục tiêu xã hội hay chính trị cao quý.

Tự do báo chí không chỉ là quyền được nói ra, mà nó còn là quyền mua những phương tiện để được nói ra. Ở một số nước, chính quyền kiểm soát việc cung cấp giấy in báo và việc tiếp cận các phương tiện truyền thông. Trong những trường hợp như vậy, các quyền tự do truyền thông phải chịu rủi ro bị bóp nghẹt. Ai cần kiểm duyệt khi người ta có thể bịt miệng các nhà phê bình qua các phương tiện kinh tế? Tuy nhiên, sự lan rộng của máy tính, máy fax, điện thoại di động và truy cập Internet làm cho các thể chế độc tài như Trung Quốc khó khăn hơn trong việc kiểm soát số dân ngày càng tăng của quốc gia này.

Nói rộng hơn, sự thịnh vượng kinh tế khi được gia tăng sẽ khuyến khích người dân nồng nhiệt lưu tâm đến những quyền tự do chính trị. Nếu con của bạn đang đói, bạn lo lắng về việc cho chúng ăn. Nếu con bạn được ăn uống sung túc và khỏe mạnh, bạn có thể lo lắng về những điều xa xỉ như hỗ trợ một mục tiêu, một ứng cử viên hoặc một chiến dịch. Ở các quốc gia đã trở nên giàu có hơn như Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan, dân số tầng lớp trung lưu đã buộc giới tinh hoa chính trị cầm quyền nhượng bộ. Điều này cuối cùng có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Tự do kinh tế có ý nghĩa nhiều hơn là lợi nhuận và thua lỗ. Tự do kinh tế phù hợp trong một xã hội tự do lớn hơn trong đó các nguồn tài nguyên sẵn có một cách tự do hơn để dành cho một loạt những mưu cầu trong phạm vi khả năng của con người. Trong thế giới những nước phát triển, nhiều người từ bỏ một đời sống thương mại để đổi lấy một đời sống phụng sự hoặc chiêm niệm. Bạn có thể làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận, vào trường dòng, trở thành một sinh viên đại học vĩnh viễn, hoặc vào một tu viện. Và trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, ai cũng có thể chọn không tham gia. Nếu bạn không thích các sản phẩm hoặc dịch vụ mà một doanh nghiệp đang bán cho bạn, bạn có thể chỉ đơn giản là không chọn nó. Hoặc bạn có thể tìm một nhà cung cấp khác, như một hợp tác xã1 chẳng hạn. Một xã hội càng giàu có thêm nhiều chừng nào, thì những loại lựa chọn đó càng sẵn có.

Bất khả phân

Cuối cùng, thành công kinh tế cho phép một người tận dụng đầy đủ hơn các quyền tự do khác. Kiếm được một chút và sau đó đi du lịch thế giới, học sau đại học, khởi sự một tờ báo, làm từ thiện, phát động một chiến dịch tài trợ, hoặc ủng hộ chính trị gia mà bạn chọn. Tạo một dịch vụ trực tuyến mới như Twitter hay Facebook và giúp cho các nhà bất đồng chính trị và những người biểu tình trên khắp thế giới có phương tiện đấu tranh. Hoặc dựa vào một tài khoản ngân hàng dồi dào để chuyển đổi nghề nghiệp, cho dù chỉ để chiêm ngưỡng dung nhan của bạn hoặc để giúp nhân loại. Những người có ít quyền tự do kinh tế có ít lựa chọn như thế hơn.

Điều cốt lõi là gì? Đó là: tự do bất khả phân. Tự do kinh tế cũng quan trọng như tự do cá nhân hoặc tự do chính trị, vì các cá nhân, chính trị và kinh tế là các lọn của cùng một bện tóc: tự do. Vì vậy, cách duy nhất để đạt được và bảo vệ một xã hội tự do là bảo vệ tự do trong tất cả các hình thức của nó.

Chú thích:

(1) Hợp tác xã là hình thức công ty do tư nhân tự nguyện thành lập tại địa phương, khác với khái niệm hợp tác xã của chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ.

© Học Viện Công Dân Jan 2015

Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/indivisible-liberty-personal-political-and-economic#ixzz2GT0DxGjV

Doug Bandow là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Cato và là tác giả của một số sách về kinh tế và chính trị.

Dịch giả:
Nguyễn Trang Nhung